@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

TÌNH

Cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, thế hệ tôi khi đó còn trẻ măng, vẫn còn đèn sách, đã mê mải theo tiếng hát của cô ca sĩ trẻ Bạch Yến. Cô hát thường trực nơi phòng trà Phi Điệp trên đường Lê Lợi. Hầu như tuần nào chúng tôi cũng có mặt nơi đây. Không hiểu sao hồi đó tôi mê Bạch yến hát bản nhạc Pháp tôi chẳng biết tên là bài chi đến thế. J’ai tous les fruits de la terre, les plus doux, les plus doux, les plus doux / Je ne les vend pas bien cher, quelque sous, quelque sous, quelque sous. Hào quang của con chim yến còn rạng rỡ hơn nữa khi cô bé thanh cảnh này đã từng là nghệ sĩ mô tô bay. Tôi đã từng xem biểu diễn mô tô bay. Đó là một dàn gỗ hình trụ dựng đứng trên mặt đất. Nghệ sĩ biểu diễn phóng mô tô leo dần lên vách của hình trụ thành những vòng xoắn ốc với tư thế nằm ngang trên mặt đất. Dân chỉ biết nghía như tôi tim đạp thình thịch. Té lúc nào không biết. Vậy mà cô gái trên xe vẫn tươi cười lượn vòng một cách thoải mái. Chơi mô tô như vậy bỏ xa các anh hùng xa lộ! Tôi ngưỡng mộ hết biết. Bạch Yến vừa bay lượn trên mô tô vừa hát hay, phục quá đi chứ. Vậy là cứ mê mệt với yến trắng. Vừa có nét ngổ ngáo, vừa đậm nét văn nghệ, lại thêm cái e ấp của cô con gái lúc nào cũng có bà mẹ kè kè bên cạnh, hỏi ai người không mê!

Vậy mà bỗng dưng Bạch Yến…bốc hơi. Cô vắng bóng trên tất cả các sân khấu ca nhạc. Con yến trắng tìm được khoảng trời bao la hơn và đã vụt bay. Cô qua Mỹ vào năm 1965 để biểu diễn trên truyền hình Mỹ trong show truyền hình ca nhạc nổi tiếng nhất thời đó: Ed Sullivan. Khán giả Việt Nam được coi ké show này trên băng tần dành riêng cho quân nhân Mỹ trú đóng tại Việt Nam. Nhìn thấy danh ca Việt Nam lọt thỏm trong giới ca nhạc thời danh của Mỹ, cũng vui. Nào với ban Beatles, Rolling Stones, nào với các ca sĩ Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone. Yến trắng đã bay cao, mất hút. Hợp đồng của cô với chương trình Ed Sullivan chỉ có 12 ngày nhưng cô đã bị giữ chân tại Mỹ tới 12 năm, từ 1965 đến 1978!

Năm 1978, Bạch Yến qua Pháp du lịch và tới dự một Đại Nhạc Hội của Pháp. Bạch Yến, khi đó 36 tuổi, nhớ lại: “Lần ấy tôi muốn tìm gặp một số bạn bè Việt Nam nên cố tình mặc tà áo dài truyền thống, trang điểm thật đẹp, đứng ngay lối cửa đi vào rạp hát để gây sự chú ý. Bỗng nhiên tôi thấy một người đàn ông dắt theo một bé gái nhỏ đi rất nhanh về phía mình rồi chào và ôm hôn hai má. Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi: “Anh có biết tôi là ai không?”. Người đó trả lời: “Là ca sĩ Bạch Yến chứ ai!”. Người đó là Trần Quang Hải, con trai nhà ngiên cứu âm nhạc Trần văn Khê. Sở dĩ Bạch yến nhận ra Trần Quang Hải là vì khi mới từ Việt Nam sang Pháp vào năm 1965, cô đã gặp ông Trần văn Khê. Lần đó, ông Khê chỉ về phía một thư sinh gầy gò và giới thiệu: “Đó là con trai tôi”. Khi đó Trần Quang Hải mới chỉ là một cậu bé 17 tuổi trong lúc Bạch Yến đã là một danh ca trẻ đẹp nổi tiếng. Khoảng cách quá xa khiến Bạch Yến chẳng thèm chú ý tới cậu thư sinh gầy tong gầy teo đó.

Sau hơn chục năm, cậu thư sinh không còn thư sinh nữa. Trần Quang Hải lúc này đã ly dị vợ, sống cùng đứa con gái 5 tuổi, là một người tự tin, hoạt bát và vững chãi. Cuộc gặp gỡ tiền định này đã đưa tới một mối tình rất…lơ mơ. Nếu chỉ có lần gặp gỡ đó thì đã không có chuyện. Sau đó, hai người hẹn nhau đi ăn, chẳng phải vì tình cảm mà vì Bạch yến muốn nhờ Trần Quang Hải dịch giùm mấy câu nói với khán giả Pháp trong lần Bạch Yến trình diễn sau đó. Buổi gặp gỡ rất vui vì khiếu hài hước của Hải và dẫn tới một tình huống bất ngờ. Chỉ đúng 24 tiếng đồng hồ sau cuộc gặp, Trần Quang Hải đã…cầu hôn! Cho đó là một trò hài hước, Bạch Yến cũng giỡn lại. Cô gật đầu và nói vẻn vẹn một chữ: “O.K!”. Tưởng xong một trò…phiếm, ai ngờ anh chàng Hải về in luôn 400 thiệp cưới và gửi đi lung tung cho hết thân nhân và bạn bè. Bạch Yến ngẩn người ra. Biết làm răng chừ! Thiệt khó xử. Bạch Yến kể lại: “Tôi nghĩ cả haí đùa ghẹo nhau thôi, không ngờ ông ấy làm thật khiến tôi “đâm lao rồi phải theo lao”. Ngỏ lời cầu hôn sau 24 giờ và làm đám cưới sau…2 tuần, mọi chuyện thật đường đột”. Để cho mọi chuyện xuôi chèo mát mái, Bạch Yến tặc lưỡi, cứ liều nhắm mắt đưa chân. Cô tính sẽ ở lại Paris vài tháng rồi sau đó sang Mỹ biểu diễn tiếp theo hợp đồng. Đám cưới không có hôn thú thì việc chia tay cũng dễ dàng. Đám cưới giản dị chỉ có rượu, bánh ngọt và trái cây nhưng có một bài hát chú rể làm tặng cô dâu, bài “Tân Hôn Dạ Khúc” rất chân thành. “Tối hôm nay ngày vui chúng mình / Hát bên nhau hạnh phúc dạt dào / Từ nay, từ nay vui sống trăm năm / Ước mơ nay tình yêu đã thành / Hứa cho nhau dù bao khổ sầu / Gần nhau, gần nhau nguyện sống bạc đầu”. Văn nghệ thường làm được nhiều trò tinh quái lắm. Không biết có phải vì khúc hát tân hôn…bạc đầu này không mà con yến trắng phải dừng cánh bay. Bạch Yến bỏ hết sự nghiệp đang lên ở Mỹ, bỏ hết đỉnh cao của danh vọng để trở thành một người vợ ở Pháp. Cô theo chồng chuyển từ một ca sĩ hát nhạc Tây phương qua nhạc dân tộc với những khổ công tập luyện luyến láy, ngân rung của làn điệu dân ca.

Tôi kể chuyện tình của người ca sĩ của thời niên thiếu của tôi chẳng phải vì khơi khơi muốn kể. Chúng ta đang ở thời điểm rất…tình để kể chuyện tình: Valentine. Tình là một thứ có đôi chân chẳng biết đường nào mà lần. Tưởng như đùa mà lại thật hết sức thật. Mối tình của Bạch Yến và Trần Quang Hải là mối tình ngoài đời, còn những mối tình trong văn chương, âm nhạc có…đùa như vậy không? Đằng sau một sáng tác có ẩn dấu một mối tình nào không? Hình như có. Mấy ông bạn làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc của tôi chẳng biết có ông nào phản đối chuyện này không. Chữ “hư cấu” hình như là chữ bị nhiều oan uổng nhất.

Bạch Yến đã đóng ấn giọng vàng vào bản “Đêm Đông” của Nguyễn văn Thương. “Đêm Đông” trong tiếng hát của Bạch Yến mang cái hồn riêng mà không một ca sĩ nào có thể diễn tả được. Tôi không biết Bạch yến có bao giờ hát bản “Con Mắt Còn Lại” của Trịnh Công Sơn không nhưng bản này phải nghe chính Trịnh Công Sơn hát mới đã. Chúng ta đều biết Trịnh Công Sơn đã dựa vào câu thơ chót trong bài “Mắt Buồn” của Bùi Giáng làm cảm hứng để sáng tác bản nhạc này. Còn hai con mắt khóc người một con / Còn hai con mắt một con khóc người. Tôi, và chắc nhiều người như tôi, vẫn hiểu hai câu nhạc này như là khóc người bằng một con mắt, còn một con để dành (làm chi không biết!). Thực ra câu thơ của Bùi Giáng không nôm na như vậy. Nó là một tình sử. Phải dài dòng một chút (Tình sử nào mà không dài!).

Không biết trong chúng ta có ai còn nhớ cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam diễn ra vào ngày 20 tháng 2 năm 1955 tại rạp Lido Chợ Lớn không? Thời chính phủ Ngô Đình Diệm thì thi hoa hậu không có mục thi mặc áo tắm. Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam là cô Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, người gốc Bắc, theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ trước năm 1945. Hoa hậu nặng 53 kí, số đo ba vòng là 86-62-88. Phần thưởng cô Nghĩa nhận được là một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng và, giá trị nhất, một chiếc xe Lambretta. Vì chiếc xe này nên báo chí hồi đó gọi đùa là “Hoa hậu Lambretta”.  Lúc đó cô Nghĩa đã là một nhà báo với bút hiệu là Thu Trang. Việc cô ghi tên dự thi cũng là một tình cờ. Một lần cô đi lấy tin thì mấy ông nhà báo có chân trong ban tồ chức xúi cô dự thi. Cô nghe theo và bất ngờ đoạt vương miện. Sau đó cô trở thành một diễn viên điện ảnh nổi tiếng với cái tên Thu Trang. Hai vai diễn gây nhiều tiếng vang nhất là trong hai phim “Chúng Tôi Muốn Sống” và “Lục Vân Tiên”. Phim Lục Vân Tiên do Tống Ngọc Hạp đạo diễn. Năm 1957, Thu Trang cùng Tống Ngọc Hạp mang phim sang Nhật lồng tiếng. Hai người trẻ chung một chuyến đi dài ngày trên một đất nước xa lạ, chuyện phải tới đã tới. Thu Trang kể lại: “Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị du vào những tình huống mà chỉ tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (…). Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo(…). Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời đó chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy”. Thảm kịch là Tống Ngọc Hạp đã có vợ. Đây là một scandal làm chấn động Sài Gòn dạo đó. Thu Trang quyết định giữ cái thai và sanh con đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên.Năm 1961, nhân được mời qua Pháp đóng phim, Thu Trang đã ở lại Paris và tiếp tục đi học lại. Năm 1978, Thu Trang tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử học tại Đại Học Paris VII với luận án “Những Hoạt Động của Phan Chu Trinh tại Pháp”.

Bùi Giáng là một kẻ nòi tình. Mê ai ông làm thơ tuốt luốt chẳng giấu giếm chi. Từ Brigitte Bardot, Marilyn Monroe tới Phùng Khánh, Kim Cương. Nhưng ít ai biết trong danh sách người đẹp của nhà thơ còn có hoa hậu Thu Trang. Bùi Giáng có làm một  bài thơ mang tên “Thu Trang” không phổ biến. Theo ký giả Trần Hoàng Nhân của tờ “Thề Thao và Văn Hóa” thì bài thơ này được họa sĩ Bửu Ý chép lại cho Thu Trang.

Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau
Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể
Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ Trang rất tệ.

Bùi Giáng say mê Thu Trang sau khi cô nàng đã sanh con. Câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con” phải được hiểu là hai con mắt Bùi Giáng khóc cho người có một đứa con! Đoạn cuối của bài thơ “Mắt Buồn” như sau:

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

Nếu vậy thì Trịnh Công Sơn bị lỡ bộ. Người nhạc sĩ thời danh này, trong bản nhạc “Con Mắt Còn Lại”, đã kiếm đủ mọi thứ job cho con mắt còn lại. Nào “nhìn cuộc đời tôi”, nào “nhìn tôi lên cao, nhìn tôi xuống thấp”, nào “nhìn cuộc tình phai”, nào “nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ”, nào “nhìn mây trắng bay”, nào “nhìn đời là không”, nào “nhìn em ra đi, nhìn em xa vắng”! Nhưng tôi vẫn khoái cái lỡ bộ của Trịnh Công Sơn hơn tuy biết là trong thực tế chẳng ai có thể khóc bằng một con mắt. Khóc là đầm đìa hai mắt. Không tin cứ hỏi các nàng coi. Nhưng người nhạc sĩ họ Trịnh đã cho hai con mắt nhìn vào hai mặt của cuộc đời. Mặt “yêu thương” và mặt “thú dữ”, mặt “lên cao” và mặt “xuống thấp”. Trịnh Công Sơn đã nâng câu thơ lên một bậc.

Năm 1961, khi biết Thu Trang sửa soạn sang Pháp, Bùi Giáng tới thăm vào một ngày mưa. Ký giả Trần Hoàng Nhân kể lại: :”Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: “Tôi về!”.

Tình yêu của Bùi Giáng tửng tửng như vậy. Tình ồ ạt đi vào thơ. Chẳng ngại chi. Tình yêu của Phan Khôi lại khác. Nó rón rén trong thơ. Tám chục năm trước đây, trên “Tập Văn Mùa Xuân Đông Tây” xuất bản vào dịp tết Nhâm Thân 1932, ông Phan Khôi đã tung ra một lối thơ mới bằng bài thơ “Tình Già” mà nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân vừa đặt một dấu hỏi về chuyện hư thực của…tình già trong bài “Giải Mã Bí Mật “Tình Già” của Phan Khôi” được viết mới đây vào ngày 25 tháng 1 năm 2012. Đây là bài thơ được văn học sử ghi nhận là bài thơ làm theo thể thơ mới đầu tiên trong văn học Việt Nam. Nội dung bài thơ được ông Lại Nguyên Ân tóm tắt như sau: “Trong bài thơ người ta nghe thấy lời đối đáp của một đôi tình nhân “hai mươi bốn năm xưa”, người này bảo tình yêu đôi ta đã nặng, vậy mà không thể lấy nhau, đành khuyên “sớm liệu buông nhau”, người kia bảo ta là tình nhân ngãi, “thương được chừng nào hay chừng nấy”…, thế rồi “hai mươi bốn năm sau” tình cờ đất khách gặp nhau, đôi người cũ chỉ còn cách ôn chuyện cũ, tiễn nhau rồi mà “con mắt còn có đuôi”, vẫn còn tiếc nuối ngoái trông nhau!”.

Có chăng một mối tình “hai mươi bốn năm” thực sự trong đời nhà thơ Phan Khôi không? Lại Nguyên Ân mở cuộc…điều tra. Tốt nhất là hỏi ngay chính tác giả nhưng ông Phan Khôi đã ra người thiên cổ, tìm sao thấy. Hỏi những người con của nhà thơ thì cũng bằng thừa vì thời đó đời nào ông Phan Khôi dám kể cho con cái nghe chuyện tình bên lề của đời mình. Nhưng  một trong mười người con của Phan Khôi, ông Phan Nam Sinh, đã tìm ra được bài “Một Phan Khôi Tự Truyện” đăng trong Đông Dương Tạp Chí số Xuân năm 1939. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân viết: “Chuyện xảy ra vào năm 1908 khi Phan Khôi, gần 21 tuổi, bị “án đồ tam niên”, giam tại nhà ngục Quảng Nam, do liên can vụ án xin xâu 1907. Trong khi gia đình người vợ chưa cưới tuyên bố thoái hôn vì lý do chàng rể Phan Khôi lâm vòng lao lý, thì lại có một người đàn bà khác, một mệnh phụ phu nhân, tình cờ gặp gỡ và say mê chàng nho sinh đang trong thân phận tù đày. Oái oăm làm sao, đấy lại là vợ một viên quan võ hàng tứ phẩm được cử trông coi nhà tù”. Câu chuyện tình giữa một tội đồ và phu nhân của viên quan coi ngục bắt đầu khi viên quan này cho vời Phan Khôi lên viết câu đối. Viên quan chừng năm chục tuổi nhưng phu nhân lại là một thiếu phụ trẻ, trạc tuổi Phan Khôi, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng trẻo. Chữ viết của Phan Khôi được viên quan ưng ý nên thưởng rượu. Chính thiếu phụ rót rượu mời Phan Khôi. Phan Khôi kể trong tự truyện: “ Người thiếu phụ cứ đưa con mắt theo ngòi viết tôi. Còn hơn đôi nữa thì hết, ông Ch. bảo vợ: “Mình ơi mình. Rót thêm cho va cốc nữa đi!” Người thiếu phụ ngoan ngoãn rót cốc rượu đặt trước mặt tôi và nói: “Nghỉ tay uống rượu đã thầy”. Tôi vâng lời như cái máy. Viết xong tôi cung kính chào ông Ch.: “Bẩm quan lớn!”. Ông gật. Tôi lại hướng về người thiếu phụ: “Bẩm bà lớn tôi vào”. Thì người đứng dậy: “Tôi không dám, thầy lên”. Ít ngày sau, thiếu phụ cho người thân tín mang xuống cho Phan Khôi một gói trầu cau. Đó là một cách tỏ tình. Phan Khôi nhận trầu tức chấp nhận mối tình. Tình yêu cho người ta đủ thuốc liều. Nhân ngày viên quan đi vắng, thiếu phụ cho vời Phan Khôi lên gặp. “Nhà có một mình bà Ch. Bà tiếp tôi trong một phòng xép. Tôi ngồi trên cái chõng nhỏ, bà ngồi ghế bên cạnh, tay đặt lên cái gáy trên cổ tôi, êm đềm nói: “Chớ anh làm gì mà họ tù anh?”. Tôi gắng mỉm cười nói bâng quơ một câu: “Thưa bà, bà còn thương hại tôi nữa sao? Nội một cái hoang tôi dám đến đây cùng bà là cũng đủ lắm rồi”. Bà đã cho thân tín tên Trưng gác cửa và tên này chạy vào báo động quan về. Bà Ch. mở cửa bếp, đẩy ông xuống bảo đứng yên ở đó. Phan Khôi thấy nguy nên thoát ra phía sau bếp và trở về nhà lao. Từ đó, ông Ch. sanh nghi nên hai người không có dịp gặp nhau nữa. Tuy vậy, bà Ch. thỉnh thoảng lại bảo tên Trưng kiếm cách cho ong Phan Khôi đi ngang qua nhà cho bà thấy mặt. Phan Khôi kể tiếp: “Một ngày tháng chạp, thình lình tôi tiếp được lá thư của bà Ch., ấy là lần đầu bà viết thư cho tôi mà cũng là lần cuối. Trong thư bà nói nhân gần đi chữa lại đồ nữ trang, muốn gặp tôi tại nhà người thợ bạc, câu này tôi nghĩ mãi: “Dù yêu nhau mà không được gần nhau, thôi thì sống để dạ chết đem đi”. Tôi đến nhà thợ bạc thì gặp bà Ch. ở đó nhưng người trong nhà đông quá, chỉ nhìn nhau mà hai chúng tôi còn sợ tai tiếng, không dám nhìn no nê. Trọn buổi chiều ở đó, làm ông cũng lò mò tới. Khi trông thấy cái sống mũi đỏ chờn vờn trước cửa thì tôi đã đảo ngõ sau, thành ra thủy chung với bà tôi chẳng trao đổi cùng nhau một lời nào. Tôi không ngờ lần đó là lần cuối cùng tôi gặp bà Ch., vì sang tháng giêng bà lâm bệnh, được đưa về Huế điều trị, rồi mấy tháng sau có tin bà từ trần”.

Câu chuyện tình toát mồ hôi hột này xảy ra vào năm 1908. Bài “Tình Già” làm vào năm 1932. Tính ra vừa đúng 24 năm.

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kè nhau than thở.
Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;
Để đến rồi tình trước phụ sau, chi bằng sớm liệu mà buông nhau

Người thiếu phụ vợ quan nhưng nặng tình với một tội đồ quy tiên chẳng bao lâu sau đó. Còn người tình trong bài thơ “Tình Già” sống cho tới 24 năm sau để hai người gặp lại nhau than thở.

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đất khách gặp nhau!
Đôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.

Vậy là anh chàng “hư cấu” cũng đã len được chân vào một mối tình ngắn ngủi có thật. Như thế chúng ta mới có câu thơ bất hủ: con mắt còn có đuôi.

Tôi cứ vẩn vơ với cái đuôi mắt tình tứ này. Đó là chút níu kéo, chút hò hẹn, chút đồng lõa. Đuôi con mắt người tình, sao mà nó nói nhiều đến thế!

02/2012