@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

BỌT

Tháng 10 hàng năm là tháng khởi đầu cho việc công bố các giải thường Nobel. Năm nay giải Nobel về Y Học được công bố đầu tiên vào ngày thứ hai 3/10/2011 vừa qua. Ba nhà khoa học đã chia nhau giải thưởng này. Hai Giáo sư Bruce Beutler, quốc tịch Mỹ, và Jules Hoffman, quốc tịch Pháp, chia nhau nửa giải thưởng. Riêng Giáo sư Ralph Steinman, quốc tịch Canada, ôm một nửa giải thưởng. Ông xuất thân từ Đại Học McGill ở thành phố Montreal chúng tôi. Bộ tôi muốn khoe hay sao? Cũng có phần đúng. Nhưng thực ra tôi muốn nhấn mạnh tới tình trạng trớ trêu của Giáo sư Ralph Steinman. Ông không chờ được tới ngày công bố này. Ông đã vĩnh viễn ra đi vào ngày thứ sáu cuối tháng 9, ba ngày trước khi giải thưởng được trao tặng ông. Ông đã dính ung thư tụy tạng từ 4 năm nay và ra đi vào năm 68 tuổi. Theo quy định, giải thưởng Nobel không được trao cho người quá cố. Tuy nhiên, Quỹ Nobel tuyên bố họ sẽ vẫn trao giải cho giáo sư Steinman.

Tôi không định viết về giải Nobel ở đây. Thấy chuyện vừa thân tình vì là chuyện của người cùng thành phố, vừa thương tiếc vì chỉ còn có ba ngày để hưởng được vinh dự để đời mà không đợi được nên tôi tạt qua một chút thôi. Cũng là một cách bắt quàng qua nói về giải Ig Nobel.

Ig Nobel là cái chi chi vậy?  Đó là giải thưởng nhại lại giải Nobel, được công bố hàng năm trước giải Nobel, tặng cho những công trình “đầu tiên làm mọi người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”. Có lẽ tôi khoái cái giải có chút tếu tếu được thành lập từ năm 1991 này. Cái tên giải tự nó là một điều vui rồi. Chữ “ig” là viết tắt của chữ “ignoble” có nghĩa là “ti tiện, thấp hèn”. Nghe ra đã cam phận đàn em. Họ cũng phát giải cho những lãnh vực na ná như giải Nobel chính gốc. Thấy như chuyên đùa nhưng họ đùa một cách nghiêm trang. Lễ phát giải được tổ chức tại sảnh đường Sanders của Đại Học Harvard đàng hoàng. Người đứng ra trao giải cũng là những người đã từng đoạt giải Nobel thứ thiệt. Năm nay có tới bảy nhân vật từng đoạt giải Nobel tới trao giải thưởng. Lễ trao giải dĩ nhiên không nghi lễ trang trọng như giải Nobel chính thống lại có thêm một màn vui nhộn truyền thống. Đó là thả máy bay giấy lên sân khấu. Trò gấp máy bay giấy thả chơi là trò mà những ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường chúng ta thường hay làm. Thú vị hết biết. Ngày nay đồ chơi toàn là thứ hàng thương mại bắt bố mẹ mua mệt nghỉ nên trẻ con không còn năng khiếu chế tạo đồ chơi như chúng ta ngày trước. Nhưng khi tôi gấp máy bay cho con cháu chơi, chúng vẫn thích. Giải ig Nobel về sinh học thường là giải vui nhộn nhất. Năm nay giải này thuộc về hai nhà khoa học Darryl Gwynne và David Rentz. Nghiên cứu của họ đã phát hiện ra việc những con bọ cánh cứng thường tìm cách giao phối với những vỏ chai bia của Úc. Mà phải là chai thủy tinh màu nâu có những chấm sủi bọt chỉ còn một chút cặn bia vì chúng nhìn nhầm những chai này là dấu vết trên con bọ cánh cứng cái!

Vậy là côn trùng cũng khoái nhậu bia. Tôi phải dài dòng để đi tới điểm then chốt này chứ giải Nobel thực hay ig Nobel có ăn nhậu chi tới bài viết về bia bọt này. Bọt thường đi với bia. Bia mà không có bọt thì vứt đi, vậy nên chúng ta mới nói “bia bọt”. Dân nhậu chúng tôi khoái công trình nghiên cứu về sinh học của giải ig Nobel năm nay vì theo đó thì thứ bọ biếc còn biết nhậu bia huống chi con người nam nhi như dân nhậu chúng tôi! Vậy xin các bà đừng cằn nhằn kẻo chúng tôi mang tiếng thua con bọ cánh cứng!

Bia đối với tôi là một thứ giải khát chỉ dùng vào mùa hè. Khi trời trở lạnh là tôi cũng trở bia thành rượu. Bia phải uống lạnh. Tôi nghĩ chắc chẳng có ai muốn uống bia nóng. Ngày xưa khi cục đá còn là thứ hiếm hoi người ta cũng ngâm bia xuống giếng cho lạnh. Cái ngày xưa nhọc nhằn đó tôi đã được sống lại khi vào cái gọi là trại cải tạo. Tháng đầu tại trại Long Thành có nhà thầu nấu cơm và mở cantin. Thỉnh thoảng có bia, nhưng đá thì tuyệt nhiên không. Lúc đó anh nào còn tiền rỉ rả có thể may mắn mua được chai bia. Bia nóng làm sao uống, những con ngưòi may mắn đó chỉ có thể cột chai bia, ròng dây ngâm dưới giếng cho lạnh rồi uống. Có một điều khác xưa là phải ngồi phơi nắng bên miệng giếng để canh bia! Đó là của qúy nhiều bợm nhậu ngấp nghé.

Phải uống lạnh nên bia chỉ hợp với mùa hè. Mùa đông tháng giá mà chơi chai bia lạnh thì lạnh lùng cõi lòng lắm. Biết vậy nên khi thấy mấy anh Nhật Bổn bày đặt ra những thứ bia theo mùa, tôi cười khinh bỉ ra mặt. Bọn này chẳng biết bia bọt là chi! Anh nhà mùa này là hãng bia Hokkaido Abashiri. Bia mùa đông có màu xanh da trời được chế tạo bằng nước được tan chảy từ những tảng băng trôi trên biển Okhotsk, một nhánh của Thái Bình Dương nằm giữa biên giới Nga và Nhật, trôi tới bờ biển Hokkaido. Bia đỏ tượng trưng cho mùa hè được chế tạo bằng màu đỏ lấy từ cây cỏ tự nhiên như hoa Hamanasu. Bia màu xanh lá tượng trưng cho mùa xuân được lấy màu từ tảo biển và các loại thực vật ở bán đảo Shiretoko. Tượng trưng cho mùa thu là bia màu hồng mang hương vị hỗn hợp của hoa hồng mà công ty Hokkaido Abashiri tự hào là “viên ngọc của loại bia theo mùa”.

Tôi chưa được nhìn thấy huống chi là uống thứ bia tếch-ni-co-lo này nhưng cũng chẳng hứng thú chờ đợi chi. Chắc đó là thứ bia cho con nít! Bia phải là thứ bia màu vàng. Giống như chi nhỉ? Một anh chủ trang trại thường được vợ mang cho một ly bia vàng khi dùng cơm. Mùi bia làm anh thắc mắc. Một bữa kia, uống xong, anh để lại một chút trong ly rồi lẳng lặng mang tới một phòng thí nghiệm nhờ phân tích. Vài ngày sau, anh nhận được kết quả: “Kính Ngài, chúng tôi rất tiếc phải thông báo với ngài rằng con ngựa của ngài đã bị bệnh tiểu đường”!

Bia cũng như rượu, muốn vui thì phải có bạn nhậu. Những ngày thanh niên ở Sài Gòn, dân làm báo chúng tôi thường dắt díu nhau ra quán uống bia mỗi khi báo xong. Nói là đi uống bia nhưng uống không phải là chính tuy cũng bia bọt đầy bàn, quanh bàn là những bộ mặt đỏ ké hay tái tía tùy theo máu của người. Có trự uống vô mặt không đổi sắc, có trự mặt trời mọc về đêm nhưng cũng có trự tái ngắt như vừa từ bệnh viện ra. Nhưng dù mang khuôn mặt màu chi thì cũng vui hết vì được ngồi bên nhau, được dzô dzô trong khung cảnh bừa bộn của quán nhậu, được các em gái lượn ra lượn vào thăm hỏi, giỡn cợt. Nhại theo Tản Đà thì có thể diễn tả: bạn cùng nhậu vui, chỗ ngồi vui, các em vui, vậy là một cuộc nhậu vui. Các ông vui nhưng các bà ở nhà không vui. Một bà đã tìm cách ngăn cản bước chân…bia bọt của chồng. Khi ông chồng sửa soạn đi, bà giả lả: “Anh ơi, nhậu đâu cũng là nhậu, anh ở nhà nhậu với em cho vui”. Bà mở tủ lạnh cho ông coi một tủ đầy nhóc thứ bia mà ông khoái. Ông chồng gãi đầu: “Nhưng nhậu ở ngoài quán có mồi mới uống được chứ uống khan chán chết”. Bà vợ moi ra một đống đồ nhậu, từ món tây đến món ta, đồ nguội đồ nóng đủ cả. Ông chồng gãi tai: “Nhưng ngoài quán có không khí của nó em ạ”. Bà vợ bấm một chiếc nút trên tường, đèn mờ dần và từ từ chuyển màu. Ông chồng ấp úng: “Nhưng ngoài đó có các tiếp viên vui mắt lắm”. Bà vợ lột chiếc áo ngủ rộng, lộ ra vẻ lẳng lơ trong bộ quần áo ngắn ngủi hở ngực, hở đùi, mơn trớn ông chồng. Anh chồng gạt bà vợ ra: “Nhưng ngoài đó có tụi bạn anh, có tiếng chửi thề!”. Bà vợ đổi thế ngồi, vắt vẻo, hai tay xỉa xói: “Bà đã chiều mày hết cỡ mà mày vẫn chưa vừa ý! Xéo đi với những con chó nham nhở của mày! Đồ quỷ tha ma bắt! Muốn chửi thì bà chửi từ mày tới cả dòng họ nhà mày! Vén tai nghe bà chửi đây này!”.

Ông chồng có vén tai không, chuyện ngưng ngang nên chúng ta chẳng biết. Nhưng rõ ràng bà vợ đã việt vị. Chửi ngoài quán khác với chửi tại nhà. Một ông chồng khác bị bắt buộc ngồi nhậu một mình tại nhà bỗng chửi ngang: “Tại sao tao lại vớ phải cái thứ khốn nạn như mày không biết!”. Nghe thấy vậy, bà vợ lên giọng hỏi: “Ông nói hay là bia nói vậy?” Ông chồng lè nhè: “Tôi nói! Nhưng tôi nói với cái ly bia!”

Nói chi thì nói, nhậu là phải tụ tập ngoài quán với bạn bè. Ly bia ngoài quán khác xa ly bia trong nhà. Chưa nói chi tới những tiếp viên cũn cỡn, cứ lê la nơi quán xá đã là cái khoái rồi. Ta đã vậy, tây cũng vậy. Ngồi vỉa hè uống bia hơi ở phố cổ Hà Nội ngày nay là cái thú của các du khách trẻ. Ngồi đồng trên những chiếc ghế nhựa thấp lè tè nơi vỉa hè ngã tư Tạ Hiện và Lương Ngọc Quyến, nhìn ông đi qua bà đi lại, hít khói bụi của phố phường, du khách như sống thực với Hà Nội dù là một Hà Nội của phố cổ nhếch nhác. Vỉa hè góc phố này là nơi mà các du khách rỉ tai nhau tìm tới. Anh Joseph Buckley đến từ Anh và cô bạn Margaux Schreurs đến từ Thụy Điển vừa đặt chân tới Hà Nội đã tìm đến khu được các du khách truyền tai nhau là “ngã tư bia hơi” này. Anh Joseph cho biết: “Không khó khăn gì để tìm được “ngã tư bia hơi” bởi nó rất nổi tiếng với bia lạnh. Những người bạn của tôi từng đến Hà Nội đều kể với tôi về ngã tư thú vị này và bảo tôi cùng Margaux tới thưởng thức”. Phải nói ngay là du khách loại cổ cồn cà vạt không lui tới nơi bụi bậm bình dân này, chỉ có du khách trẻ, thích xông xáo nhập vào không khí của nơi mình tới mới mặn mà với bia hơi phố cổ. Mặn mà nhất là du khách loại “tây ba lô”. Lý do đầu tiên là giá rẻ. Một ly bia hơi xưa chỉ ngàn rưởi, chưa tới một đô Mỹ, nay đã leo thang lên tới 5 ngàn, 2 đô rưỡi, nhưng vẫn còn rẻ chán. Rẻ hơn nữa vì  khách tây được ngồi trên những chiếc ghế nhựa rẻ tiền màu đỏ, ngắm đường ngắm phố. Chính cái không khí mới là chuyện anh Joseph thích thú. “Tôi thích ngồi trên những vỉa hè sát đường và ngắm nhìn xe cộ qua lại, đan xen nhau như mắc cửi. Sự lộn xộn làm cho tôi có cảm giác rất đặc biệt khi vừa thưởng thức bia vừa nghe tiếng còi bấm inh ỏi, tiếng cười nói nhốn nháo và cả những tiếng rao bán hàng rong. Chỉ cần một cái ghế nhỏ và vài ly bia, tôi có thể ngồi ngắm con phố ấy không chán”. Đi du lịch là muốn sống trong một không khí khác cái không khí mình sống hàng ngày đã trở nên nhàm chán nên càng nhem nhuốc càng thú vị. Lisa McQueen, đến từ Anh, đã cho biết: “Tôi thích ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ và uống bia hơi cùng bạn bè. Ở Anh thì khác, chúng tôi uống bia trong những quán bar  giữa tiếng nhạc ồn ào”.

Bia hơi, tôi quên từ lâu rồi. Tôi không nhớ thời trước 1975 chúng ta có bia hơi không, nhưng sau khi Sài Gòn đổi chủ thì bia hơi là thứ bia phổ biến cùng với rượu đế, rượu nếp cẩm và đủ thứ rượu tự phát linh tinh khác. Mười năm ở với Sài Gòn u ám, tôi đã nếm đủ thứ rượu tự phát nơi đầu đường xó chợ. Rượu nào cũng bảo đảm say khướt. Nhưng bia hơi thì rất khó say. Uống vào nghe nhạt nhẽo vô duyên. Vậy mà du khách lại khoái vì chắc tìm cả thế giới không có loại bia nào như vậy. Anh Andrew McCracken, đến từ Úc đã mô tả: “Bia hơi có vị gần giống với bia Séc, rất nhẹ và ngọt, không giống các loại bia có vị khá nặng mà chúng tôi thường uống”.

Bia hơi đã trở thành một thứ…văn hóa của Hà Nội. Đó là điều tôi biết được khi đọc bài báo “Ngày Hội Bia Hơi 2010 – Một Nét Văn Hóa Hà Nội” của nhà báo Anh Vũ. Đọc rồi mới thấy thứ bia nhạt nhẽo là bia hơi bây giờ lên chân lên cẳng dữ! “Cứ vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 12 hàng năm, lễ hội Bia Hơi Hà Nội lại được tổ chức. Nhiều người ví đây như là “Oktoberfest của Habeco”, mang hơi thở của “một nét văn hóa Hà Nội”. Thứ được coi là văn hóa này được tính bằng…lít. Năm 2010 sản lượng bia của Habeco là 600 triệu lít và dự tính tới năm 2015 sẽ đạt tới 1 tỷ lít…văn hóa. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hùng, Giám Đốc Habeco, thì việc phát triển này được coi như một “chuyện cổ tích thời @”!

Tại sao lại là chuyện cổ tích thời @ thì tôi quả tình không hiểu. Cái chi của ta cũng đầy…huyền thoại. Đất nước ta bây giờ là đất nước của lễ hội. Không biết có ai tính được những lễ hội ở Việt Nam ngày nay chưa. Tôi nghĩ cũng khó. Làng làng lễ hội, huyện huyện lễ hội, tỉnh tỉnh lễ hội, cả nước cứ hết lễ hội này tới lễ hội khác. Chiêng trống bây giờ có lẽ là thứ được tiêu thụ nhiều. Chẳng thế mà một chức sắc tôn giáo đã bảo nước ta bây giờ chỉ có tôn giáo lễ hội. Cứ nhã nhạc vang lừng còn tai đâu mà nghe được lời kêu gọi của hồn thiêng sông núi.

Hà Nội có bia Habeco thì Sài Gòn cũng có Sabeco. Năm 2010 Sabeco đã ăn mừng việc đạt cột mốc 1 tỷ lít bia mỗi năm. Nếu Habeco tới năm 2015 mới có đoạn kết của “chuyện cổ tích thời @” đạt 1 tỷ lít “văn hóa” thì Sài Gòn đã chạy trước Hà Nội 5 năm. Cả nuớc tiến lên…bia bọt như vậy nước ta làm chi mà không khá. Cứ say mèm tất cả. Chuyện chi cũng không qua mặt được chuyện ly cốc. Một blogger trên blog “Viết Với Nhau”đã tính toán: “Từ 2008 đến nay, lượng  bia rượu và giá bia rượu tăng đều, từ 10% đến 20%, mà khách uống thì không giảm xuống. Theo con số sơ bộ của các sở thuế, mấy năm gần đây, dân Việt chi trên 7.000 tỷ đồng (khoảng 350 triệu USD) cho rượu bia. Tính số lít bia bán trong năm 2010 vào khoảng 3,5 tỷ lít, chia trung bình cho 90 triệu dân, mỗi người khoảng 39 lít mỗi năm. Bên cạnh đó là rượu, bình quân mỗi người uống khoảng 4 lít mỗi năm. Dẫn lại báo Đất Việt: theo Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Chính Sách Công Nghiệp, thị phần bia cao cấp, nhập khẩu ở Việt Nam chỉ chiếm 9%, thị phần bia trung cấp chiếm 64%, và 27% còn lại thuộc về bia bình dân. Theo Bộ Y Tế thì mức bia rượu của người Việt vượt mức cho phép an toàn của Tổ Chức y Tế Thế Giới. Chia bình quân, miền Bắc uống nhiều nhất, hơn 1,2 tỷ lít mỗi năm, miền Nam xếp thứ nhì và phần còn lại xếp thứ ba…Theo ước tính thì có khoảng 30 triệu người Việt Nam trong độ tuổi lao động có thói quen uống bia rượu thường xuyên. Nếu lấy con số chính thức (còn số trốn thuế, bia không đăng ký cũng khá nhiều nhưng không thể tính) là 3,5 tỷ lít bia chia 30 triệu người, trung bình mỗi người uống hơn 115 lít bia mỗi năm. Chắc cũng tường đương với số nước lã mà những người này uống, vì mỗi ngày người Việt chỉ uống trung bình khoảng nửa lít nước”.

Dân ta bia bọt hùng mạnh như vậy, cũng đáng mừng! Những con số thống kê trên báo Tuổi Trẻ mới đáng mừng hơn nữa. Tình hình bia bọt của dân nước ta cứ vùn vụt tăng lên. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2011, dân nước ta đã tiêu thụ 715 triệu lít bia, tăng gần 10% so với cùng thời gian năm 2010. Sản lượng bia ngoại quốc nhập cảng vào Việt Nam cũng đã tăng tới 50%. Tình hình kinh tế đi lên hay đi xuống, mặc xác nó. Bia bọt vẫn cứ vắt vẻo đi lên một đường thẳng đứng. Ông Michel de Carvalho, Tổng Giám Đốc hãng bia Heineken đã đưa ra một bảng xếp hạng các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Nói ngay cho mọi người mừng: nước ta đứng hạng ba trên toàn thế giới, chỉ sau có Pháp và Mỹ! Vậy thì đất nước ta là một cường quốc về bia đứt đuôi đi rồi còn chi nữa! Chưa hài lòng với kết quả này, dân nhậu đất Việt còn đang phấn đấu để lên ngôi bá chủ thế giới. Việc này không ra ngoài tầm tay với của chúng ta. Ông Michel de Carvalho đã dự đoán con đường bia bọt thênh thang của chúng ta rất khả quan. Vào năm tới, 2012, chúng ta sẽ lên hạng nhì và ba năm sau nữa, năm 2015, chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới về bia bọt! Nghe mà đã con ráy!

Tôi nghĩ là dự đoán này có thể làm rung động tòa Bạch Ốc khi bỗng nhiên bị tài uống bia bọt của tên oắt Việt Nam qua mặt cái vù. Tuy đa đoan công việc, Tổng Thống Obama cũng rất mặn mà với bia bọt. Khi Thế Vận Hội Mùa Đông 2010 diễn ra tại Vancouver, Canada, tonton Obama và Thủ Tướng Canada Stephen Harper đã đánh cá bằng bia về trận hockey chung kết giữa hai đội Mỹ và Canada. Đội Canada đã thắng trong một trận đấu hết sức đẹp và đầy kịch tính cho đến phút chót. Ngài Obama phải chi một thùng bia cho Ngài Harper. Người có tâm hồn bia bọt như Obama dĩ nhiên đã bị sốc khi nghe tới dự đoán Việt Nam sẽ ăn trùm thiên hạ về bia. Vốn là người hành động mau mắn nên Obama đã ra tay liền. Ông tự tay nấu bia ngay tại tòa Bạch Ốc, một việc chưa có Tổng Thống Mỹ nào làm. Ông bỏ tiền túi ra mua một bộ đồ nghề nấu bia loại mini và chi hết tiền công lắp đặt. Bia của ông Obama là bia mang tên White House Honey Ale mà nguyên liệu là các tổ ong trong khuôn viên tòa Bạch Ốc. Tuy số bia sản xuất còn hạn chế, chỉ cỡ hàng trăm chai, nhưng hành động của ông Obama, theo suy đoán của tôi, là một nhắc nhở cho dân Mỹ về họa bia bọt Việt Nam. Ông dự tính mang bia whitehousemade ra đãi khách trong một bữa tiệc tại tòa nhà trắng nhưng ông đã vội tốp bước đi hăng say này khi sực nhớ ra bia của ông là bia lậu vì ông không có môn bài nấu bia. Ông chỉ có môn bài làm Tổng Thống!

10/2011