@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

QUÀ

Vậy là Giáng Sinh đã đi qua để lại cho mỗi nhà những bao rác đầy giấy xanh xanh đỏ đỏ. Đó là những tấm giấy gói quà. Trước Giáng Sinh, người người tẩn mẩn ngồi chọn giấy gói quà. Quà cho người này phải giấy này, quà cho người kia phải giấy kia, rồi miếng giấy nho nhỏ đề tên, rồi nơ, rồi bông, rồi giây gói, màu nào đi với màu nấy. Cứ như đang tạo một tác phẩm mỹ thuật. Thực ra chăm chút như vậy vì chúng ta muốn gửi tất cả những yêu thương cho người được chúng ta tặng quà. Tác phẩm đầy tình thương đó bây giờ biến hình thành những đống giấy rác vụn. Chỉ qua vài ngày gói quà đã biến từ đỉnh cao tới vực thẳm. Tôi là người hay nghĩ ngợi vu vơ nên tưởng ai cũng như mình, dại dột nói ra ý nghĩ với mấy ông bạn già. Bèn bị phang ngay. Khéo vẽ vời, đến cái thân xác ông, trau chuốt cho lắm vào rồi cũng tới lúc sình thối, huống chi mấy tờ giấy mà bày đặt…suy tư!

Đêm Giáng Sinh, cả nhà quây quần mở quà. Mở cái chăm chút đầy tình thương của người này cho người kia. Nhìn vào cái tình của gói quà là nhìn một cách cổ hủ. Quà ngày nay mang tính thực tiễn hơn nhiều, nhất là đối với các cô cậu nhóc thường bày tỏ một cách ồn ào sự mong đợi mở cái gói nhiều màu sắc dành cho mình. Manh quần tấm áo, mấy thứ đồ chơi lặt vặt, dăm ba vật dụng dùng hàng ngày bây giờ đã xưa rồi Diễm. Quà bây giờ phải hi-tech đúng thời thượng. Tới thế kỷ này mà còn cho ba thứ lăng nhăng đó là không thức thời. Để chắc ăn hơn, các cô cậu ngày nay thường order quà. Ai cho cái gì, tất cả đã được phân công rành rẽ. Toàn những thứ văn minh tiến bộ! Văn minh nhất bây giờ là các tablet mà dân Việt trong nước gọi là máy tính bảng. Đó là món đứng đầu trong danh sách quà của các đấng nhi đồng của thế kỷ 21. Chúng ta cứ nghĩ là máy móc thì các cô các cậu phải lớn lớn một chút mới được động tay vào. Nghĩ như vậy là lạc hậu. Các nhà giáo dục cho biết là các em cỡ 2 tuổi trở lên đã mê cái thứ văn minh này. Cháu tôi, 3 tuổi, bấm tay toanh toách vào chiếc iPad2 như bấm cái remote control đổi đài coi TV. Hết game tới You Tube không biết chán.

Các cháu bé ở việt Nam cũng mặn mà với tablet. Bản tin trên một tờ báo trong nước của ký giả Nguyễn Hiền cho biết là tại Hà Nội, nhiều trường tiểu học có sáng kiến cho các học sinh viết điều ước của mình lên giấy để cô giáo gửi cho ông già Noel. Đây là một hoạt cảnh được ký giả Nguyễn Hiền kể lại: “Chị Hương có con học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ, đón bé về tới nhà cháu hớn hở hơn mọi ngày. Chưa kịp hỏi cháu đã tồng tộc khoe: “Hôm nay con đã gửi điều ước cho cô để cô gửi tới ông già Noel”. Hỏi con ước gì, cháu vanh vách: “Con ước học giỏi và được ông già Noel tặng iPad”. Bấm bụng cười thầm rồi chị giải thích để con hiểu giá trị của món quà cũng như mục đích sử dụng. Rồi chị nói lại với con: “Năm nay ông già Noel nghèo lắm, ông không có nhiều tiền để mua tặng con món quà đắt tiền đến thế”. Thấy con ưu tư lo không đổi được điều ước vì đã gửi đi, chị nói để con yên tâm: “Ông sẽ tự điều chỉnh quà để phù hợp với tuổi con. Vì ông không chỉ tặng quà mình con mà còn tặng rất nhiều bạn nhỏ khác nữa”. Và cháu bớt lo hơn, chị Hương kể”.

Chiếc iPad trong đầu các cô cậu nhóc tì là mối lo trong đầu các bậc cha mẹ. Thực ra iPad chỉ là một trong các nhãn hiệu của tablet nhưng vì nó nổi nhất nên được nhắc tới như cái tên tượng trưng của tablet. Vì đứng trùm thiên hạ nên giá tiền của một chiếc iPad loại thường nhất cũng chót vót ở con số 500 đô. Nếu túi tiền của các bậc cha mẹ có nhỏ hơn con số trên thì họ cũng có cách khác: mua những chiếc tablet nhãn hiệu khác rẻ tiền hơn. Thực ra trẻ em cũng chỉ dùng một vài chức năng thông thường của tablet để chơi game, coi You Tube và các phim hoạt họa hoặc những phim thích hợp với tuổi của các em. Một cái tablet không phải iPad bây giờ giá chỉ trên dưới 200 đô. Cháu tôi ở Cali mua cho con một tablet hiệu Kindle Fire vào dịp Black Friday vừa qua chỉ với giá 140 đô. Vậy mà cu cậu cũng thích chí cười tươi như hoa.

Bệnh dịch tablet làm băn khoăn các nhà giáo dục. Có nên cho trẻ sử dụng tablet hoặc iPod, iPhone sớm quá chăng? Tuổi nào là tuổi nên được cho các em đụng tới những thứ kỹ thuật cao này? Các nhà nhi đồng học còn chưa có câu trả lời thỏa đáng vì chưa có cuộc nghiên cứu sâu rộng nào về những hậu quả tiêu cực và tích cực cho trẻ em khi đụng tay vào những thiết bị này. Theo nhà nghiên cứu Callie Black ở Lafayette, tiểu bang Colorado, thì không nên để trẻ em dưới 2 tuổi mó tay vào: “Nhiều cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng các em bé dưới 2 tuổi học được nhiều hơn bằng cách tiếp xúc với môi trường sống bằng những tiếp xúc với các trẻ em khác hoặc với người lớn. Vậy nên những thiết bị này không thích hợp với chúng”. Theo nhóm nghiên cứu Common Sense Media thì một nửa trẻ em sống tại Mỹ đã được cho dùng smartphone, tablet hoặc các thiết bị nghe nhạc hoặc coi video. Trong số này có 10% các em dưới 1 tuổi và 39% các em từ 2 tới 4 tuổi. Nếu nhà nghiên cứu Callie Black khuyên không nên cho các em dưới 2 tuổi đụng tới những thiết bị này thì bà  cổ võ việc để cho các em trên 2 tuổi sử dụng tablet, iPod hoặc iPhone, nhất là hướng dẫn các em đọc sách hoặc vẽ bằng những máy móc tân tiến này. Tại nhà bà Black có hai chiếc iPad, một cho người lớn và một cho hai đứa con, bé gái 3 tuổi và bé trai 6 tuổi, dùng chung. Bà cho biết: “Cháu gái 3 tuổi chơi với một thảo chương viết chữ và chỉ trong vài tháng cháu đã nhận được mặt chữ và bắt đầu viết được một vài chữ”. Nhưng theo nhà nghiên cứu về nhi đồng này thì cha mẹ không nên phó mặc con với chiếc máy, coi chiếc máy như một babysitter. Cha mẹ nên chỉ dẫn và cùng dùng máy với con. Thời gian sử dụng chỉ nên hạn chế vào 2 tiếng mỗi ngày. Nhiều bậc cha mẹ không thực hiện được điều căn bản này. Họ cũng…hư như con. Tôi đã nhiều lần mục kích trong tiệm ăn cảnh ông bố ôm một chiếc máy, mỗi đứa con một chiếc, say mê trong thế giới riêng của mình trong khi chờ đợi nhà hàng dọn món ăn. Nhiều người còn vênh mặt nhìn quanh thực khách như muốn khoe khoang sự “văn minh” của mình và các con. Họ không biết là họ đang làm xa cách tình cha con. Bà Lise Youngblade, trưởng ngành Human Development and Family Studies nghiên cứu về sự phát triển của cá nhân và gia đình của Đại học Colorado State University, đã nói về vấn đề này: “Một trong những điều đáng quan tâm về kỹ thuật mới với trẻ em là chúng đang tiếp xúc với một thứ không phải là con người”. Dù sao thì chúng ta cũng không thể đi ngược lại trào lưu hiện đại. Đừng để cho con cái chúng ta bị chậm tiến nhưng cũng đừng phó mặc chúng cho những thứ máy móc vô cảm. Bà Julie Groth, cư dân ở Erie, tiểu bang Colorado, có ba con nhỏ từ 2 tới 7 tuổi, chủ trương phải cho con cái tiếp xúc với kỹ thuật mới để sửa soạn tương lai của chúng: “Miễn là chúng không ngồi trước màn hình computer hay chúi mặt vào tablet suốt ngày, thật chính đáng khi cho chúng tiếp xúc với mọi máy móc kỹ thuật cao để giúp trí óc chúng phát triển”.

Chẳng lẽ cứ nói mãi để quảng cáo không công cho chiếc tablet xịn nhất, nhất định không xuống giá như các chiếc khác, là chiếc iPad, nhưng không nói thì chưa đủ. Apple’s đã dự trù cho tình huống sẽ xảy ra vào sáng ngày lễ Giáng Sinh. Tối hôm trước, nhà nhà mở quà, những chiếc iPad, iPod, iPhone mới toang chui ra từ gói quà sẽ được mọi người đồng loạt download các thảo chương để dùng. Apple’s đã tính toán sẽ có khoảng hàng triệu máy cùng dowmload một lúc. Vậy là sẽ có trở ngại…giao thông. Trở ngại càng lớn hơn khi ai cũng nóng lòng lấy xuống các thảo chương gấp vì sợ nhân viên Apple’s sẽ nghỉ lễ. Năm nay, hãng sẽ đóng cửa không cho download trong tám ngày liền kể từ ngày thứ năm 29 tháng 12. Chờ tám ngày hơi lâu nên ai cũng tranh dành download cho kỳ được. Đã có những người thức thâu đêm để download!

Chắc tôi phải ngưng nói về tablet ở đây vì nếu nói tiếp qua các máy dùng hệ thống android thì miên man không dứt. Tuy máy móc điện tử đắt tiền là thứ quà hot nhất năm nay nhưng quà còn nhiều thứ khác. Tập tục tặng quà cho nhau trong đêm Giáng sinh là của Tây phương nhưng dân ta vốn ham vui nên cái chi vui là “hội nhập” tút suỵt. Dân Việt trong nước cũng một nòi ham vui như vậy. Tại các trường tiểu học ở Việt Nam (tôi nghĩ chỉ ở những trường loại xịn ở thành phố thôi) các cô giáo có sáng kiến giúp các em viết thư cho ông già Noel để xin thứ quà mình thích. Những bức thư ngây ngô, thật thà phản ảnh đúng tình trạng xã hội loạn xà ngầu trong nước. Cậu con trai học lớp ba trường tiểu học tư Mỹ Đình của chị Nhung viết: “Ông ơi, ông tặng cháu bộ Lego Harry Potter nhé (ông nhớ mua ở cửa hàng Lego House, đừng mua ở chợ, dỏm lắm)”. Chị Nhung cười nói: “Mình biết thừa cu cậu ham xếp hình, nhưng vẫn choáng vì bộ đồ chơi con thích có cái giá chả rẻ tí nào, nhất là không được là “hàng chợ”. Dẫu sao thì trưa nay cũng phải ghé qua cửa hàng sắm quà cho con”.

Những bức thư…đòi nợ của các em gửi cho ông già Noel, nhưng làm gì có cái ông già vẽ chuyện này, nên người được các cô giáo xúi các em đưa thư là cha mẹ các em. Ông già Noel có tiếng nhưng chẳng mất xu teng nào, móc túi là các bậc cha mẹ. Các em nào có biết, tưởng ông già Noel có cái bụng bự thì cái bóp cũng bự nên cứ thoải mái xin. Đây là một cái order khác: “Ông chọn một trong những thứ này nhé: iPad, PSP, đĩa phim Puss in boot bản HD hoặc đĩa phim Giáng sinh phiêu lưu ký bàn HD, hay ba-tanh loại hai hàng bánh vì một hàng cháu không biết đi”. Thật rành mạch và rõ ràng. Một cô bé học lớp ba đặt hàng một cách rất ngây thơ: “Năm nay cháu đã ngoan hết cỡ rồi ông ạ…Nếu ông còn thừa tiền , ông mua thêm cho cháu một cái máy tính bảng Galaxy Tab 10.1 ông nhé. Thank you Santa”. Làm sao một cháu bé học lớp ba lại có thể rành rẽ về máy móc như vậy? Bà mẹ bật mí một cách đau khổ: “Khổ thân, mẹ cháu làm gì có tiền mà mua cho con món này. Con gái em chắc xem nhiều chương trình truyền hình Vietnam Next Top Model, thấy đọc giải thưởng cho các cô người mẫu nên bị nhiễm”.

Ông già bụng phệ mặc áo đỏ đi xe do những chú tuần lộc kéo chỉ được cái mẽ. Có bao giờ ông cho trẻ cái chi đâu, chỉ có các bậc làm bố làm mẹ gánh nợ cho ông. Trẻ con đâu có biết những tính toán lo toan của cha mẹ để các em có được những món quà đúng theo mong ước. Không biết cô bé này có biết không mà viết bức thư coi bộ rất được: “Cháu không cần quà, cháu chúc ông già Noel không phải vì muốn được quà mà vì cháu lo ông sẽ nghèo”.

Muốn cho những đứa con cưng bé nhỏ được sống trong thế giới kỳ diệu của những chuyện cổ tích nên các bậc cha mẹ phải tô vẽ cho con hình tượng ông già Noel. Cái khổ cũng từ đó mà ra. Ký giả Vương Linh kể một trường hợp khổ với cái ông già huyển thoại này: “Có con gái 5 tuổi đang học tại một trường mầm non chất lượng cao tại Từ Liêm, Hà Nội, sáng qua, chị Huệ (Cầu Diễn, Hà Nội) đi làm muộn vì cô bé khóc ròng từ lúc ngủ dậy, khi không thấy lá thư của mình gửi ông già Noel đâu. "Thư này là con đọc rồi cô giáo viết hộ. Cô bảo con mang về rồi gửi bố mẹ thì mới được ông tặng quà. Chẳng hiểu thư để đâu mà về bố mẹ tìm chẳng thấy, thế là con bé khóc lặng đi, than mất thư là ông già Noel không đọc được, không có quà", chị Huệ kể. Mẹ dỗ dành thế nào, cô bé cũng không nghe. Mãi tới khi mẹ bảo sẽ giúp bé viết lại thư và "chuyển phát nhanh" ngay cho ông Noel thì con mới chịu nín. "Hôm qua mình đã phải trốn giờ làm đi mua cho con cái chụp tai hồng - món mà con ao ước - rồi đợi đến đêm con ngủ mới lọ mọ dậy gói quà để sáng nay mang tới trường nhờ các chú Noel gửi cho bé", chị Huệ kể thêm”.

Hình tượng ông già Noel đi phát quà đã hình thành tại Việt Nam những công ty dịch vụ mặc đồ ông già Noeltới các trường học, công sở hay tư gia để trao quà cho các em. Những ông già Noel…nhà nghề này có khi bị tổ trác lộ tung tích. Chị Chung ở Gia Lâm kể lại: “Cậu thanh niên đóng giả Santa cứ gọi bọn mình là anh chị, rồi đội nguyên mũ bảo hiểm vào đưa quà cho con trai mình. Thằng bé vốn láu cá bảo ngay: “Chú Noel ơi, chú cũng sợ bị công an phạt à?” Năm nay, cháu đã lớn thêm một tuổi, khôn thêm khi cháu viết thư như sau: “Gửi ông già Noel (tức bố), con muốn một chiếc cặp Pen 10 ạ!”.

Nhiều bậc cha mẹ không muốn thuê các “chú” Noel nhà nghề nên tự sắm đồ nghề làm ông già Noel tại gia. Kể cũng vất vả. Như anh Hưng đã toát mồ hôi hột khi đọc thư của con gái: “Con muốn một ông già tuyết thật to. Nhưng khi tặng quà cho con, ông không được đi vào bằng cửa chính, mà phải leo qua cửa sổ. Con sẽ đứng ở cửa sổ đợi ông”. Chuyện tưởng dễ ợt nhưng anh Hưng chằng thề thực hiện được. “Nhà mình ở chung cư, tầng 11, biết làm thế nào? Mà giải thích với con sao đây nếu không thể leo lên từ cửa sổ?”.

Trẻ em ngày nay khôn ngoan hơn chúng ta nghĩ. Ông già Noel ngày càng bị lộ diện. Chị Tuyết ở Tây Hồ, Hà Nội kể lại: mấy năm trước trường của con gái chị có một ông già Noel cây nhà lá vườn. Đó là một phụ huynh có vóc dáng bệ vệ đóng vai ông già áo đỏ tới phát quà cho lớp học. Năm đầu ông vào lớp một phát quà được các cháu đón rước kêu hò rầm rĩ rất thích thú. Năm thứ hai, một số em đã nghi ngờ nên chúng…điều tra, đứa thì sờ nắn, đứa thì tra hỏi kỹ càng. Năm thứ ba, khi ông vùa xuất hiện ở cửa lớp thì các em đã reo lên: “A, bác Minh, bố Bảo Nam đây mà!”.

Cứ để các em sống trong cổ tích. Đó là thế giới của các em. Nhưng phải kheo khéo một chút không thì tội nghiệp cho hình ảnh ông già cũng như tội nghiệp cho thế giới thơ ngây của các cháu. Người lớn cũng thích quà nhưng không thể có ông già Noel với những cái đầu đã chai sạn được. Đêm Thánh, mọi người trong gia đình hoặc bạn bè muốn chia sẻ niềm vui cho nhau. Món quà là biểu tượng của tình thương đó. Có khi chúng ta biết người mà chúng ta sẽ tặng quà thích cái gì, muốn thứ nào. Nhưng nhiều khi chúng ta thực sự không biết tặng thứ gì cho đúng với mong muốn của người khác. Các con buôn cũng biết vậy nên mới có những tấm thiệp quà tặng mà hầu như cửa hàng nào cũng có sẵn. Chúng ta có thể tặng một tấm thẻ trị giá bao nhiêu đó để người thân tự ý chọn quà. Lối tặng quà này có cái lợi ngay trước mắt là người nhận được thẻ tặng quà sẽ mua quà sau dịp lễ, lúc các cửa tiệm đang bán sale, số tiền được tặng sẽ mua được nhiều hàng hơn là mình mua quà trước ngày lễ khi giá hàng còn mắc.Cái tiện thứ hai là chúng ta không phải đau đầu nghĩ ngợi món quà thích hợp cho người thân. Tự họ mua hẳn là họ thích. Nguyên tại Canada, năm ngoái các cửa hàng đã bán ra một số thiệp tặng quà trị giá tới 6 tỉ đô. Nhưng theo một cuộc thăm dò của Consumer Reports thì có tới 25% người có thẻ năm ngoái tới năm nay vẫn chưa dùng tới. Lý do vì người tặng đã không chọn đúng cửa hiệu mà người nhận thường mua hàng, hoặc vì cửa hàng quá xa, hoặc cửa hàng không có món hàng thích hợp. Tại Mỹ, theo tài liệu của Tower Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn, thì khách hàng đã mua một số thẻ tặng quà trị giá tới 100 tỉ đô! Khoảng 2 tỉ đã thất thoát vì lệ phí, quá hạn hay bị mất cắp.

Từ những bất tiện này, các nhà chuyên môn khuyên cứ tặng tiền cho chắc ăn. Chẳng mất lệ phí, chẳng mất công đi mua, cứ bỏ vào nhà băng là tiền chẳng nhúc nhích đi đâu được. Nhưng quà tiền mặt như vậy có còn là quà không? Tôi nghĩ nó đã mất ý nghĩa của cái gọi là quà mà đã biến thành một cuộc trao đổi. Thứ quà sống sượng này xem ra khá kỳ cục. Đâu có được tình tứ như món quà trong thơ của Đông Hương.

mưa bay bay, hạt nhiễu đầy vành nón
nón bằng len anh tặng Noel rồi
ngón tay em thức trong lòng nhẩm đếm
mỗi một ngày em gửi triệu môi hôn.

12/2011