@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

TRẢ

Bạn đã đi trả đồ chưa? Tôi đặt câu hỏi này một cách khiên cưỡng vì nghĩ rằng ai cũng làm việc này sau các ngày đại hạ giá của các cửa hàng trong ngày black Friday tại Mỹ và ngày boxing day ở Canada. Hai ngày sau ngày boxing day, tôi rảo quanh một số tiệm bán đồ điện tử và thấy trước quầy dành riêng để nhận hàng trả lại là một hàng rồng rắn dài ngoằng. Tôi cũng mang một cái máy nghe nhạc đi trả. Chẳng là khi đi nghía chơi các cửa hàng, tôi thấy cái máy bán với giá khá mềm, nghĩ ngay trong đầu là cái máy ở nhà thỉnh thoảng có trục trặc nên mua về thay. Về nhà, mở ra nghe thử, thấy âm thanh không được như ý muốn, đã không thấy thích. Mở thử máy cũ thấy âm thanh rộn ràng hơn, thử rà lại mấy chỗ hay hư hóc, thấy bình thường chẳng có chi khúc mắc. Bèn mang đi trả.

Việc trả đồ của tôi được coi như bình thường, chuyện chúng ta làm hà rầm trong suốt năm, chứ chẳng phải vì mua bừa phứa trong ngày bán rẻ, ôm về rồi ôm đi trả một cách khơi khơi. Với nhiều người, đó là một…thú vui! Thú vui này được ký giả Ngọc Lan khai triển trong một bài báo khá hấp dẫn trên báo Người Việt ở quận Cam mà tôi chỉ được đọc bản online trên mạng. Cô ký giả đã ghi lại: “Cô Yến Phan, 41 tuổi, đang làm kế toán ở Santa Ana, nói: “Không năm nào sau lễ mà tôi không phải đi sắp hàng trả đồ! Từ ngày Black Friday, vô tiệm nào cũng thấy 'sale, sale,' người ta ùn ùn lựa, đâu có thì giờ đâu mà thử hay suy nghĩ kỹ coi mua cái đó về làm gì. Thấy rẻ thì cứ mua, để còn thời gian xếp hàng trả tiền rồi đi qua tiệm khác. Về nhà thong thả thử rồi mới biết cái nào xài, cái nào không, để mang đi trả.” Đó là một hình thức của hội chứng “trả đồ”: mua bừa tuy biết là sẽ phải mang trả lại một số.

Hình thức thứ hai là…thích đủ thứ! Phân vân không biết chọn cái nào giữa hai cái mình cùng thích nên mua đại cả hai, về tham khảo ý kiến con cái hay bạn bè rồi đi trả lại một cái. Đó là trường hợp của bà Ngọc Nguyễn, 50 tuổi. Bà phóng tay mua hai chiếc túi xách hiệu Dooney & Bourke, một chiếc giá 250 đô và một chiếc giá 200 đô ở Cabazon Outlet. Sau đó bà phải rủ con gái lái xe đi trả bớt một cái.

Hình thức thứ ba là ham hố. Thấy giá rẻ không mua thì tiếc, thôi thì cứ nhắm mắt mua đại, có gì tính sau. Cô Jennifer Nguyễn, 33 tuổi, ở Florida tâm sự: “Khi các hóa đơn thanh toán gửi về, mà tiền lại không có, thì phải mang đồ đi trả thôi. Khi mua thì không tính, thấy bảng giá rẻ quá thì cứ mua. Nhưng mang về rồi, cộng lại hết, thấy nhiều quá, mà cũng thật sự không cần thiết hết nên phải mang trả lại cho nhẹ bill”.

Nếu không được trả lại những đồ mình đã mua, các bà các cô này có mua một cách khơi khơi như vậy không? Chắc là không. Một số người từ Việt Nam qua du lịch nói với tôi là ở bên này sướng thật, cứ mua đại rồi mang trả, ở bên mình sức mấy mà trả! Hồi tưởng lại ngày còn ở trong nước, làm gì có việc trả lại, trừ khi là khách quen nhà hàng muốn giữ khách. Hoặc giả có nhà hàng chịu cho trả thì cũng khấu bớt một số tiền…phạt. Đâu có…thiên đường như nơi chúng ta đang sống. Cô em tôi, cũng mới từ Việt Nam qua du lịch, mua món gì là săm soi kỹ lưỡng, cầm lên lại bỏ xuống, nghĩ đi nghĩ lại. Thấy mất thời giờ, tôi dục cứ mua đi không thích thì trả lại sau. Vậy mà vẫn cứ phân vân trước món đồ. Cô này không có thói quen trả đồ. Không…hư như chúng ta.

Quả thật nhiều người trong chúng ta hư quá đáng. Lợi dụng sự trả lại đồ dễ dãi, họ thủ lợi bằng những mánh khoé thiếu lương thiện. Một nhân viên làm việc tại một cửa hàng Home Depot cho biết: “Không biết bao nhiêu người đã mang đến return lại những cây Noel héo quắt sau khi hết mùa Christmas. Nhiều người kỳ quặc lắm. Tôi không biết họ nghĩ gì nữa!”. Tôi có một bà quen chẳng bao giờ bỏ qua một mối lợi nào, khơi khơi kể lại một cách thích thú về sự…khôn ngoan của mình. Bà mua một chậu lan trong tiệm Costco về chưng. Khoảng hai tháng, lan tàn. Bà tới mua một chậu lan khác, trả tiền xong, về nhà bê chậu lan tàn tới trả lại bằng cái bill mua chậu lan mới. Cứ lòng vòng như vậy, lúc nào trong phòng khách của bà cũng có chậu lan bông hoa đẹp đẽ đàng hoàng mà chỉ mất có một lần tiền! Bà Tuyết Nguyễn, cư ngụ tại Garden Grove, kể cho cô ký giả Ngọc Lan nghe: “Tại Costco Garden Grove, tôi từng chứng kiến một người khách mang đến trả lại hộp bánh cookies đã vơi hết một nửa”.

Costco hình như là cửa hàng dễ dàng cho việc trả đồ nhất. Nhưng cũng coi chừng, chẳng nên làm quá. Tôi biết một trường hợp của một người có học vị cao nhưng lòng tham cũng…cao. Ông này mua đủ thứ hàng ở Costco, từ đồ gia dụng tới những đồ điện tử. Ông mang về dùng, tới thời hạn còn được phép trả, ông mang ra trả, lấy tiền lại. Rồi mua đồ tiếp, dùng và trả đồ tiếp. Cứ cái mửng ma lanh như vậy, nhà ông toàn đồ kiểu mới nhất mà chẳng mất đồng xu nào. Cho tới ngày cửa hàng mời ông tới, chìa cho ông coi bảng ghi chi tiết các món hàng ông mua và các món hàng ông trả lại, rồi họ quyết định liệt ông vào thành phần khách hàng bất hảo và không bán đồ cho ông nữa.

Đó là những người hám lợi dùng việc các cửa hàng cho trả đồ dễ dãi để kiếm tí lợi cho mình. Bà bạn tôi không hám lợi nhưng cũng là cây trả đồ. Cứ mỗi khi buồn tình, giận chồng con, bà lại đi shopping, mua bất cứ thứ gì bà thích hay không thích, thường bà mua quần áo. Bà đẩy một xe đầy nhóc ra đưa thẻ visa hoặc mastercard cho nhà hàng cà thỏa thích. Mang đồ về nhà, bà vứt vào một góc, khi đã nguôi giận, thấy bề bộn nhà cửa, bà ôm tất cả đi trả. Lại đưa thẻ ra cho nhà hàng…trả nợ. Chẳng mất chi. Qua được một cơn giận!

Việc trả hàng bị lợi dụng như vậy mà tại sao các cửa hàng vẫn cho trả lại đồ? Vì cạnh tranh. Mỗi lần nhận đồ trả lại, các cửa hàng cũng bị thiệt thòi lắm chứ. Theo thống kê của hiệp hội những người bán lẻ toàn quốc Mỹ National Retail Federation thì cứ mỗi một đô đồ trả lại, cửa hàng thiệt mất 9.9 xu. Nghe ra có vẻ nhẹ nhàng nhưng với dự kiến số thương vụ năm nay là 469 tỷ đô thì cứ mỗi tỷ đô khách hàng trả lại con số thiệt hại sẽ là 9 triệu 900 ngàn đô! Nghe mà tiếc đứt ruột. Nhưng tỷ lệ đồ trả lại đâu có phải chỉ có 1 tỷ trong 469 tỷ thương vụ. Nó cao hơn nhiều. Theo một nghiên cứu của MarketTools thì, sau mùa Giáng Sinh, số đồ trả lại chiếm tỷ lệ như sau: quần áo 62%, đồ chơi và trò chơi điện tử 16%, đồ điện tử 14%, sản phẩm nhà bếp và phòng tắm 13%, mỹ phẩm 10%, nữ trang và đồng hồ 10%. Vậy thì cứ cho trung bình số đồ trả lại là 15% thì con số thiệt hại của các cửa hàng đã lên tới trên 70 tỷ! Nghe thấy mà…thương!

Nhưng chúng ta ít khi phí phạm lòng thương xót cho những người mà chúng ta gọi một cách xách mé là “con buôn”. Mấy bà bạn tôi lý luận: cứ thấy giá nào họ cũng bán được mà vẫn lời thì biết họ bóc lột mình tới chừng nào. Mấy bà nói không phải là không có lý. Cửa hàng nào cũng đại hạ giá, có cửa hàng nào mà không trương bảng sale hay vente, lại dán giá vàng giá đỏ màu mè quanh năm đâu. Thứ thì 30%, thứ 50%, có thứ thậm chí leo lên đến 90%. Bán vậy thì chỉ có nước lỗ vốn. Vậy mà họ cứ phây phây. Phải công nhận là tâm lý người mua thấy mình được bớt là khoái chí rồi, chẳng cần biết giá vốn của họ là bao nhiêu. Nhiều khi họ nói vậy mà không phải vậy. Họ đề giá tăng lên rồi bớt. Dân tiêu thụ ngu ngơ cứ tưởng mình khôn hóa ra vào tròng mà không biết.

Đi shopping là một cái thú. Với các bà. Theo một nghiên cứu tôi đã được đọc nhưng bây giờ tìm lại tài liệu thì chẳng thấy đâu, thôi thì nhớ tới đâu nói tới đó. Theo nghiên cứu này thì các ông chỉ đủ kiên nhẫn đi shop với các bà khoảng một tiếng đồng hồ là tối đa. Đi hơn nữa các ông nổi cáu, gắt gỏng mất vui đi. Để giải quyết tình trạng này mấy ông bạn tôi thường dùng giải pháp mà các ông gọi là “chia uyên rẽ thúy”. Mấy ông nhại thơ Thế Lữ: Em đi đường em, tôi đường tôi / Tình nghĩa đôi ta tạm chia phôi / Em đi em shop cho vui nhé / Anh tìm nương náu chốn…xa xôi! Xin quý vị đừng nghĩ nhầm. Mấy ông bạn tôi đều là những người nghiêm túc nên cái chốn…xa xôi đó nhiều khi gần xịt. Đó là mấy quầy bán cà phê cũng ở ngay trong mall. Ngồi đồng ở đây, kiếm chỗ nào có wifi, vào internet thì các bà muốn đi shop bao nhiêu lâu cũng đặng. Có ông hiếu động không thích ngồi thì cũng đi…shop. Nhưng shop kiểu các ông: vào Canadian Tire, Walmart, Zeller, nhưng thông thường là vào các tiệm One dollar, mua những thứ linh tinh về chất đầy kho. Có ông hiện đại hơn thì vào các tiệm bán đồ điệntử sờ cái này bấm cái kia cũng qua thời giờ một cách thích thú. Khi nào các bà xong, mở điện thoại cầm tay hú là có em ngay! Vậy là anh thú em thích, đề huề cả đôi đàng. Tuần sau, cũng vào một cái cuối tuần, chúng ta lại chở các bà đi…trả!

Đi shop và trả như vậy là kiểu cổ điển, ngày nay văn minh hơn, chúng ta shop online. Cứ ngồi nhà bấm máy đặt mua là đồ được các anh UPS, Fedex hay Purolator khệ nệ ôm tới tận cửa. Nhưng shop kiểu này có trả đồ được không? Được chứ! Nếu không được thì làm sao mà bán hàng. Năm nay số người mua online trả đồ lại hơi nhiều, tăng tới 8% so với năm ngoái. Đó là tiết lộ của một giới chức trong công ty giao hàng lớn nhất hiện nay là UPS. Nguyên trong ngày làm việc đầu tiên sau lễ Giáng Sinh, ngày thứ ba 27/12, UPS đã phải chuyên chở tới trên 550 ngàn gói đồ trả lại. Trong tuần lễ đầu năm 2012, số lượng hàng trả lại mỗi ngày cũng trên dưới nửa triệu. Ông Ken Burkeen của UPS đã nói với phóng viên hãng Reuters: “Chắc chắn năm nay là năm bận rộn nhất của việc chuyên chở hàng trả lại”. Chuyện này cũng không có chi lạ vì năm nay được mùa bán online. Nguyên tại Mỹ, từ ngày 1 tháng 11 tới ngày 26 tháng 12, số hàng bán đã tăng tới 15% so với năm ngoái. Số hàng trả lại được ước tính là 7,7%.

Tại sao mua mua trả trả tốn tiền tốn của như vậy mà các cửa hàng vẫn tỉnh bơ. Sếp Fiona Dias của ShopRunner, một công ty chuyên giao hàng và nhận đồ trả lại cho các trang mạng bán hàng cho biết: “Dễ dàng trong việc  nhận đồ trả lại làm tăng thêm khách hàng và không tăng thêm số đồ trả lại”. Khi mua đồ trên mạng, có hai thứ mà người ta hay trả lại nhất là đồ điện tử và giầy dép. Theo công ty tư vấn Accenture thì năm nay các hãng diện tử thiệt hại khoảng 17 tỷ tiền đồ trả lại. Tại sao người ta hay trả lại hàng điện tử? Vì họ không được nghe hay coi thử trước nên dễ thất vọng trước phẩm chất của món hàng. Còn giầy dép? Đây là món hàng cần thử một cách cẩn thận. Chúng ta đi mua giầy ở tiệm thường đi thử coi có thoải mái không, nhiều người đi vòng quanh tiệm thử tới năm bảy phút rồi mới quyết định mua. Mua online, chỉ được coi hình, khi nhận được giầy, xỏ chân vào mới thấy cấn cái, bèn trả. Các hãng bán giầy trên mạng biết hàng của họ thuộc loại khó, hay bị trả nên càng phải chiều khách bằng cách thật dễ dãi nhận lại đồ. Thường họ còn chơi ngon chịu luôn phí tổn tiền gửi cho khách trả lại nữa.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay người ta có khuynh hướng trả đồ nhiều hơn trước. Ông Bill Angrick, Giám đốc Điều Hành công ty bán đấu giá Liquidity Services cho biết: “Năm nay sẽ ghi dấu kỷ lục trả đồ. Mọi người vẫn còn miễn cưỡng trong việc chi tiêu”. Ông cũng cho biết là mức trả đồ sẽ tăng gấp đôi so với thời kỳ kinh tế sáng sủa. Trước tình trạng này, các tiệm buôn tuy không dám mạnh tay nhưng cũng có chút khó khăn hơn trong việc nhận đồ trả. Cửa hàng Target trước đây ấn định thời gian trả đồ là 90 ngày, nay rút xuống còn 45 ngày. Cửa hàng Toys-R-Us chuyên bán đồ con nít không nhận trả những đồ điện tử đã bị mở hộp. Cả Target lẫn Walmart đều giới hạn đồ trả lại nếu khách không có biên lai quà tặng trong dịp lễ. Các cửa hàng JC Penney, Macy’s và Express thì chỉ nhận trả lại những quần áo loại xịn còn nguyên nhãn mác được đính nguyên vẹn như khi mua để ngăn chặn nạn mua về, mặc một lần rồi trả. Chiêu mua đồ xịn bạc ngàn đi ăn cưới hay dự dạ hội, mặc xong một lần rồi trả là một chiêu khá phổ biến. Nhiều bà cứ đi đi lại lại hết bàn này qua bàn khác để khoe bộ đồ mới căn. Để ý mới thấy mấy bà này rất ít ngồi ở bàn, ăn uống thì cẩn thận, giữ sao cho chiếc áo đầm xịn khỏi nhầu nát hay dính đồ ăn. Để còn trả lại!

Vỏ quít dầy móng tay nhọn, tôi nghĩ qui định mới của ba cửa hàng JC Penny, Macy’s và Express chỉ là một sự thử thách tài quyền biến của quý bà thích ăn diện xí xọn. Chuyện dấu chiếc bảng giá không lấy gì làm lớn vào trong áo khi mặc có lẽ chỉ là chuyện nhỏ. Dư sức qua cầu! Dân ta vốn rất nhiều sáng tạo.

Trong một lần ăn tại nhà một người bạn, tôi gặp một ông vừa tới tuổi về hưu, dáng người nho nhã, trông rất phúc hậu. Trên tay ông là chiếc iPad2 cáu cạnh. Ông khoe: “Tôi vừa mua xong!” Tôi khen chiếc máy đẹp, ông nói ngay giá. Đâu 600 đô thì phải và ông thêm: tôi mua thêm bảo hiểm 2 năm mất khoảng 100 đô nữa. Tôi cũng là người thích mua máy móc điện tử nhưng chẳng bao giờ nghe lời mấy anh bán hàng dụ dỗ mua thêm bảo hiểm cả. Đó là thứ tiền tiêu hết sức vô duyên. Máy móc bây giờ cạnh tranh nhau ráo riết, chằng có nhà sản xuất nào dám làm ẩu cả. Hai năm bảo hiểm là một thứ thừa thãi. Dại gì bỏ ra thêm trăm bạc. Cháu tôi, vốn đã từng bán hàng tại các cửa hàng điện tử khi còn chưa ra trường, đã bảo tôi: “Tụi cửa hàng chúng lời nhiều là nhờ tiền bảo hiểm”. Tôi ngay miệng nói với ông bạn vừa mới quen: “Ông mua bảo hiểm làm chi cho tốn thêm tiền. Hai năm thì máy hư làm sao được!”. Ông nhìn tôi với cặp mắt thương hại: “Ông không biết đấy thôi. Mình mua bảo hiểm như vậy, khi gần hết hạn, phá cho máy hư rồi tới lấy cái máy mới, có khi lại kiểu mới nữa. Lời chán!”. Trả như vậy là thứ trả khôn tuy hơi thiếu lương thiện. Nhưng mấy người giữ được lòng mình trước cái lợi nhãn tiền.

Trả là…quyền lợi của dân tiêu thụ chúng ta nhưng quyền này không phải là quyền…hiến định. Chúng ta có thể bị tước quyền trả nếu chúng ta mua đồ sale tới đáy, có dán năm bảy cái nhãn giá đỏ au chồng chất lên nhau. Khi mua thứ…xịn này, trên hóa đơn đưa cho chúng ta, cửa hàng cũng ịn thêm một cái dấu đỏ chót báo cho chúng ta biết đây là hàng final sale, không có quyền đổi hay trả. Quyền trả cũng ít khi được thực thi khi mua hàng tại các outlet. Outlet là khu bán hàng được đưa thẳng từ hãng sản xuất tới điểm bán, không qua trung gian, nên giá rẻ hơn. Các outlet  thường tọa lạc tại các địa điểm xa phố thị, chuyên phục vụ các khách qua đường bằng xe nhà hay xe đò, nhất là các xe chuyên chở các đoàn du khách. Du lịch bằng xe buýt thường bao giờ cũng có mục ghé qua outlet. Du khách đổ bộ xuống như đi hành quân. Thường thì dân đi outlet đã biết trước địa điểm nào có những cửa hàng nào mình ưa thích để xông vào ngay cho đỡ tốn thời giờ. Thời gian là một yếu tố quan trọng trong việc theo các đoàn du lịch ghé outlet. Chỉ trong một thời gian giới hạn khoảng vài tiếng đồng hồ, tại mỗi cửa hàng, du khách phải xếp hàng trước cửa chờ tới lượt được cho vào, nhảy xổ vào chỗ quầy hàng có những thứ mình định mua, chọn cho lẹ, ra xếp hàng trả tiền, rồi còn vù sang cửa hàng khác. Một outlet thường có hàng trăm cửa hàng. Tha hồ mà…khẩn trương. Theo trang mạng Consumer Reports ước tính có khoảng 304 công ty hay nhãn hiệu, như Calvin Klein, Columbia Sports, Levi’s, Gap, Coach, Nike, Polo Ralph Lauren, Samsonite, American Eagle…mở ra khoảng 13 ngàn cửa tiệm outlet trên toàn thế giới. Trong số 304 công ty này có tới 200 công ty chuyên về may mặc và giầy dép. Vậy thì đây là thiên đường của các bà. Toàn hàng hiệu. Vậy nên theo tôi quan sát được trong những chuyến du lịch bằng xe buýt, khi xe gần tới mục tiêu là các bà đã nhấp nhổm…hành quân. Khi trở lại thì chiến lợi phẩm lặc lè làm chật cả chiếc xe to đùng. Thấy rẻ là ôm. Rẻ thì rẻ thật. Trung bình rẻ hơn 30% nếu mua cùng một thứ hàng tại các cửa hàng thường. Nhưng 30% chưa đủ đô. Trong một phóng sự của cô Ngọc Lan trên báo Người Việt ở Cali, cô An Trần nói về cái sự rẻ của các outlet: “Tôi thích đi mua đồ ở đó vì giá rất rẻ, nhất là những khi họ sale. Ví dụ tôi mua cho mẹ tôi một hũ kem dưỡng gia hiệu Lancome 2.5oz. Trong mall bán giá 90 đô, trong khi ở outlet đề giá 76 đô, bớt thêm 40% nữa, thành ra còn có chừng 45 đô. Quá rẻ luôn!”.

Ông bà ta có cái túi khôn: của rẻ là của ôi. Rẻ như vậy có…ôi không? Vẫn theo cuộc thăm dò của trang mạng Consumer Reports thì một phần ba người trả lời cho biết là chất lượng hàng hóa ở outlet là “xuất sắc hoặc rất tốt”. Cũng khoảng một phần ba người đánh giá là chất lượng này ngang hàng với chất lượng nhãn hiệu cùng tên bán tại các cửa hàng bình thường. Khoảng 11% cho là chất lượng hàng ở outlet kém hơn một chút nhưng cũng khó mà phân biệt được. Trong khi đó, có 2% cho rằng chất lượng hàng ở outlet thua xa hàng bán tại các cửa tiệm bình thường.

Rẻ thì rẻ đứt đuôi đi rồi nhưng mua kiểu chạy giặc như vậy có trả được không? Một bà chuyên xục xạo quần áo giầy dép son phấn ở các outlet nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại: “Ai mà nghĩ tới chuyện trả hả ông!”

01/2012