@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

Tiễn năm cũ, đón năm mới là một thời khắc quan trọng của mỗi người. Giao thừa là giờ phút giao mùa giữa cái cũ và cái mới. Chúng ta thường dùng chữ giao thừa để chỉ thời khắc bàn giao công việc giữa hai con thú. Năm nay là năm bai bai chú mèo để đón một con vật dài ngoằng ngoẵng nhưng rất linh thiêng: con rồng. Thứ…tổ tiên của dân Mít chúng ta. Nhưng giờ thì hai con vật này vẫn chưa tới lúc bàn giao. Giao thừa thường được linh thiêng hóa một cách rất long trọng với khói hương nghi ngút và những thứ lễ nghi mê hoặc lòng người. Chúng ta chưa đón giao thừa mà chỉ mới đón năm mới…tây.

Ở Sài Gòn người ta đón năm mới tây với những đèn đóm nguy nga trên các đường phố chính huy hoàng chẳng kém chi các thành phố Tây phương. Nhà nước ta thường hay lễ lược quá đáng. Chắc cũng nằm trong chủ trương của chính phủ. Cứ cho dân vui chơi thoải mái để quên đi những chuyện khác. Đất nước ta còn nghèo, có nơi không có tiền bắc tạm một chiếc cầu cho học sinh đi học khỏi phải lội sông, người nghèo thiếu ăn còn đầy rẫy khắp chốn, những cuộc sống cùng mằng còn nguyên đó. Nhưng vui chơi vẫn cứ phải vui chơi, để cho bộ mặt nhà nước bớt nhăn nhúm. Trong những tấm hình đèn đóm trang hoàng ở Sài Gòn mà tôi vừa nhận được qua e-mail ngay trong phút giao mùa ở Bắc Mỹ còn có hình tượng con rồng. Năm thìn coi bộ tới sớm!

Ngồi trước màn hình coi dân chúng tiễn biệt năm 2011 và đón chào năm 2012, tôi không cảm thấy bước chân của thời gian. Vẫn người là người chen chúc nhau trong cái giá lạnh của mùa đông, vẫn những chiếc mũ, những cặp kính có ghi con số của năm mới, năm nay là 2012. Vẫn những chiếc tù và nhiều màu sắc phát ra những âm thanh đều đặn. Vẫn những sân khấu ngoài trời với những ca sĩ hét và múa nhiều hơn hát. Ngồi coi người ta countdown mà sao tôi vẫn thấy dửng dưng. Thời gian vừa ấn trên vai tôi thêm một tuổi, thứ mà tôi chẳng còn ham. Những tiếng la hét nồng nhiệt hình như quá tải với tâm trạng tôi. Trong tôi hình như không còn cái khấp khởi của cuộc sống. Hay tôi đã cảm thấy bị bỏ quên, bị vứt sang bên lề cuộc sống. Hay là tôi còn đang vấn vương về cú té cuối năm?

Giáp ngày cuối năm, đang lơn tơn đi trên vỉa hè đường Saint Denis tôi bỗng bước chân vào một vùng đóng băng như trên sân hockey. Tôi rất khoái coi môn thể thao này nhưng chưa bao giờ mang đôi giầy trượt nên té cái rầm. Cái té ra sao, tôi không đủ thời gian nhận xét. Bỗng dưng mình nằm sóng soài dưới đất trông chẳng giống ai. Thấy như có chút mắc cở vì vị thế không được đẹp. Đang loay hoay tìm cách đứng dậy thì nghe tiếng hỏi của một chị trạc tuổi tứ tuần: “Bác có sao không?”. Có sao thì hậu tính chứ bây giờ nhất định phải nam nhi chí, bèn dứt khoát trả lời: “Không sao đâu chị. Cám ơn chị”. Vậy là đứng lên ra xe. Vừa lái xe về nhà vừa nghĩ ngợi. Phục bà Hồ Xuân Hương hết biết. Té trước mắt đám nam nhi đang đợi dịp chọc ghẹo mà tỉnh bơ đứng dậy thơ khẩu khí ngay. Giơ tay với thử trời cao thấp / Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài.

Té ra thơ như vậy kể cũng đáng té. Ông Luân Hoán chẳng phải hậu duệ của bà chúa thơ nôm nhưng cũng té ra thơ. Mà thơ thành bài bản chứ không phải chỉ cũn cỡn hai câu.

trong mưa có tuyết bay
khí lạnh đúng không độ
nhìn trời thấy hay hay
nổi hứng ra đi bộ

vừa qua khỏi cửa nhà
bất ngờ nằm chụp ếch
cô láng giềng ngó qua
mắc cở không dám lết

nhịn đau đứng thẳng lên
ngượng nghịu mím môi bước
phía dưới mặt tuyết mềm
băng trơn đâu ngờ được

cũng may còn đủ bộ
chưa bị sứt mẻ gì
chụp ếch không có ếch
chỉ được cái lầm lì

Té là một hành động đáng mắc cở tuy mình chẳng làm nên tội tình chi. Ngầu như ông Luân Hoán cũng chẳng hơn chi tôi. Cứ cun cút mà rút quân. Sống ở Montreal vài chục năm, tôi nghĩ các ông bạn tôi cũng chẳng hơn chi ông Luân Hoán và tôi. Cũng bắt ếch liên miên. Có điều các ông ấy ốt dột không tiết lộ ra thôi. Ngày tôi vẫn còn đi làm, trời có xoay vần thế nào, mưa tuyết, mưa đá hay mưa băng, vẫn cứ phải lên đường đi kiếm cơm. Té cứ oành oạch. Từ khi ngồi nhà tháng tháng nhà nước gửi tiền tới cho tiêu, tôi có quyền lựa chọn đất trời. Trời tốt thì khoác áo ra đường. Trời xấu bụng thì ta nhâm nhi ly cà phê trong cái ấm áp của lò sưởi. Cuộc sống coi bộ oách hơn nhiều. Việc té ngã là chuyện của thiên hạ. Ta cứ vững như đồng. Cú té gần nhất của tôi cách nay cũng đã hai năm. Bữa đó ông Hoàng Xuân Sơn có nhã ý hú tới nhà ăn cơm. Ông nhà thơ họ Hoàng mà hú thì phải đi ngay vì bà Hoàng là một người nấu ăn thuộc loại có nòi. Ngày…huy hoàng lại đúng vào ngày mưa băng, tây gọi là verglas, Anh gọi là freezing rain. Mưa thì mưa cũng nhất quyết níu lấy cái ăn. Tôi chở Hồ Đình Nghiêm tới. Đường xá trước cửa nhà thi sĩ láng coóng như được thoa mỡ. Xe rề rề tới cửa nhà. May là có bánh xe mùa đông nên không đến nỗi trơn truợt lắm. Thắng nhè nhẹ dừng sát trước cửa nhà. Nhà thơ của chúng ta, tay bưng một chậu muối, hò la inh ỏi, vãi muối ra đường. Hai vị khách, áo quần tươm tất, làm sao lết được tới cửa nhà đây. Tặc lưỡi một cái, Hồ Đình Nghiêm rề rề đôi chân bước ra khỏi xe. Tôi ra bằng cửa bên phía tay lái, xa hơn nhà văn họ Hồ hẳn một thân xe. Cũng xuống. Thua chi ai. Vịn vào xe mà trượt đôi giầy bốt có đế giầy nhám dùng cho mùa đông. Đang vịn vào xe mà bước thì, Chúa ơi, một bên chân bỗng…phản kháng. Người tụt xuống nằm chơi trên mặt băng. May mà có vịn vào xe nên chỉ ngồi xuống là giữ được thăng bằng. Ông chủ nhà họ Hoàng la hoảng. Ông cũng chỉ biết đứng ngay bậc thềm nhà mà…quan tâm chứ cho kẹo ông cũng chẳng dám rời vị trí. Rồi tôi cũng lết được vào tới cửa, chủ nhân ông và chủ nhân bà thăm hỏi rối rít có sao không. Có sao thì đã sao rồi, chuyện đâu còn đó, xúm nhau vào nhậu đã!

Từ đó đến nay những chú ếch cứ nhờn nhơ chẳng sợ tôi vồ. Cho tới cú té này. Đây là một cú chỏng gọng. Nằm thẳng cẳng ngó trời. Trợt thì chỉ có một đường nằm nhìn trời, không cách chi khác được. Té như vậy có những phần thân thể phải để ý. Phần chịu đựng nhất là đôi mông. Gay go nhưng không quan trọng nếu không có ý đi dự thi hoa hậu. Nhưng bộ xương hông thì không phải chuyện đùa. Gẫy hay nứt là chuyện phiền phức. Biết bao nhiêu người còn đang phải chờ đợi thay xương hông. Quan trọng nhất là cái đầu. Té ngửa ra như vậy rất có nguy cơ mạch máu trong óc đứt hoặc vỡ. Bởi vậy nên sau lúc đứng lên cho ra vẻ nam nhi, tôi vội sờ lên sau ót coi có máu me chi không. Không có chi. Mặt bằng chỗ tôi té phẳng phiu. Gồ ghề một chút là cái sọ có nhiều nguy cơ nứt vỡ. Bà cô tôi té, ót va vào một hòn đá chút xíu. Đứng dậy không thấy chi nhưng ngày hôm sau hôn mê và đi đứt không kịp trối trăng chi.

Mách với mấy ông bạn chuyện đo đất, ông nào ông nấy bỗng nổi tình…nhân loại rối rít hỏi tôi có nhức đầu chóng mặt chi không rồi bắt tôi phài vào nhà thương scan cái đầu cho chắc ăn. Chuyện vào nhà thương là chuyện chẳng đặng đừng, còn tránh được là tôi tránh. Nghe ngóng thấy cái đầu hơi nhức thật. Bỏ bu! Chẳng lẽ đầu mình lại mềm như thế sao. Vậy mà thiên hạ cứ rủa tôi cứng đầu! Càng chú ý tới cái đầu thì cái đầu càng có vẻ nhức hơn. Bèn tự an ủi: bệnh tưởng đó mà. Một ngày sau, cái đầu vẫn cứ ê ê. Chết mẹ, chuyện không phải đùa. Bèn phôn cho ông Trang Châu. Ông tu bíp có máu văn nghệ đậm đặc này dõng dạc phán: “Ê đầu, nhức đầu là chuyện dĩ nhiên, toa chơi cả cái đầu xuống đá thì phải cho nó nhức chứ! Nếu toa uống tylenol mà hết nhức thì không răng. Nhưng trong vòng 48 tiếng mà toa thấy choáng váng hay buồn ói thì làm ơn tới nhà thương đưa đầu cho người ta scan liền dùm moa!”. Khi tôi gõ bài này thì thời hạn 48 tiếng vừa qua. Cái đầu, từ lúc nghe ông bạn nhà văn kiêm nhà chích phán, bỗng ngoan hẳn ra, chằng nhức nhiếc chi nữa. Đã bảo là bệnh tưởng mà. Sợ nó nhức thì nó nhức, nay không sợ nhức nữa thì nó nhức làm chi cho uổng công!

Té là chuyện thường xảy ra vào mùa đông khi cái lạnh và tuyết giá làm đường trơn trượt đẫm ướt. Bên Cali, nơi ông bạn nhà thơ Thành Tôn cư ngụ thì làm chi có tuyết. Vậy mà khi tôi tới chơi Cali vào trung tuần tháng chạp vừa qua, ông Thành Tôn cũng té cho bằng được. Ông vốn là người cẩn thận, khi đi bộ thề dục ngoài đường ông thường lưu ý các ông bạn cùng lứa tuổi cẩn thận kẻo té. Vậy mà ông lại té. Nhà thơ Đạm Thạch phán: “Ông dặn mọi người mà quên dặn mình nên mới đo đất!”. Thiệt hại của ông Thành Tôn trông thấy nhãn tiền. Sáng hôm đó, khi ông tới chở tôi đi cà phê cà pháo, dưới đuôi mắt phải của ông có gắn một miếng băng keo. Chung quanh thâm tím một vùng khá lớn. Ông sợ nên có đi phòng mạch. Bác sĩ hỏi ngay ông tự té hay vấp phải vật chi rồi té. Nếu tự té có thể có vấn đề mạch máu. Nếu vấp té thì chuyện khác đi nhiều. Ông bạn tôi vấp té. Nhưng té vì lý do chi thì sự mắc cở vẫn có đó. Nhỏ té đã đành, lớn té mới không đành!

Như ông bạn Thành Tôn của tôi, bà Meri-K Appy cũng thuộc loại lo cho người khác mà quên lo cho mình. Bà là Chủ Tịch của Home Safety Council chuyên chăm sóc sự an toàn cho người khác. Vậy mà một buổi sáng kia, bà không an toàn tại một phi trường khi cố chạy để bắt một chuyến xe buýt về khách sạn. “Tôi phải thú nhận là tôi vừa bị té và tôi đã làm đủ mọi chuyện nhầm lẫn sau đó. Tôi đi trên một sàn nhà lót gạch hơi bị ướt và té nhào trước mắt khoảng một trăm người”. Bà cho biết tiếp là “thông thường chúng ta cười trước cú té của người khác”. Nạn nhân cảm thấy bối rối khi nằm phơi trước mắt người khác nên quên mất chuyện kiểm soát xem mình bị thương ở đâu hay không chú trọng tới sự nguy hiểm chết người mình đang gặp phải. Cú té có thể làm gẫy xương nhất là xương hông, đứt mạch máu trong đầu hoặc có thể làm chết ngay tại chỗ. Nếu người té đã thuộc vào loại ăn tiền già thì hậu quả nhiều khi còn tệ hơn nữa. Tại Mỹ mỗi năm có khoảng sáu ngàn người hui nhị tì vì té trong đó số người trên 65 tuổi chiếm tới năm ngàn! Trong các loại tai nạn thường gặp như té, chết đuối, hỏa hoạn hay nghẹn hóc thì té vẫn dẫn đầu con số nạn nhân.

Vậy thì khi té luôn có chung một phản ứng: mắc cở. Người Tây phương như bà Appy hay da vàng mũi tẹt như ông Luân Hoán và tôi thì cũng đều rứa. Đó là phản ứng tự nhiên. Khi không nằm tênh hênh trước bá quan văn võ trong một tình huống khó coi và không dự liệu trước, bối rối là phải, nhất là khi có đôi mắt của cô hàng xóm nghía qua. Ông bà nào khi té mà không mắc cở thì không phải là người bình thường.

Ngày lễ ngày tết người ta càng té bạo. Niềm vui làm người ta thiếu cẩn tắc. Lỡ bước một chút là đo đường ngay. Chẳng cứ ngoài đường, té thang cũng là một tai nạn… tết. Thường chúng ta thích trang hoàng nhà cửa hoặc treo đèn kết hoa bên ngoài nhà để mừng lễ. Trang hoàng như vậy chúng ta thường dùng thang để trèo lên. Chiếc thang ít khi dùng được kéo ra khỏi nhà kho hay garage, lau chùi qua quít rồi vội vàng leo lên. Một chiếc thang thiếu sửa soạn như vậy là một chiếc thang thiếu an toàn. Té là chuyện thường xuyên nhất là khi ham hố với tay ra xa khiến mất thăng bằng. Chẳng lẽ tôi lại lôi một trường hợp bạn bè ra nữa nhưng quả thật ờ tuổi chúng tôi tai nạn là một thứ bonus của tuổi tác. Ông bạn mà tôi hài thêm ra đây là ông Nguyễn Vy Khanh. Một bữa gặp thấy ông dán băng keo trên mặt, hỏi cớ sự mới hay ông té thang khi thay bóng đèn trên trần nhà. Cũng cái tội…với. Leo lên leo xuống để kéo lại cái thang cho đúng vị trí là một hành vi phản lại sự lười biếng ngại ngùng. Thấy cái bóng đèn không xa lắm, với một cái cho tiện. Cái tiện trở thành bất tiện khi thân hình mất thăng bằng làm chiếc thang nhào xuống. Người trên thang dĩ nhiên có tài thánh cũng không thể không nhào xuống theo. Vậy là gẫy xương, trợt trầy, va đầu xuống đất hoặc tệ hơn nữa là nằm ngay đơ một đống nhũn như con chi chi mặc cho thiên hạ muốn làm gì thì làm.

Càng có tuổi thì phản ứng của con người càng nặng nề chậm chạp. Té là lớ quớ lạng quạng liền. Bà Appy khuyên những người có tuổi tập taichi. Vận động sẽ làm cho gân cốt dẻo dai, dễ có những phản ứng hữu ích khi đo đất. Tôi nghĩ chẳng cứ taichi mà tập thứ chi cũng tốt cả. Cứ vận động cho con người dẻo dai là OK tuốt. Tổ chức Home Safety Council của bà Appy còn đưa ra những con số để…dọa các bậc trưởng thượng. Tại Mỹ, trong bảy năm từ 1992 đến 1999 có 20 ngàn người chết vì tai nạn mà té là thủ phạm chính yếu. Con số này tăng lên thành 21 triệu người chỉ trong vòng bốn năm từ 1997 đến 2000. Trung bình mỗi năm có 10 triệu người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu vì tai nạn, trong số đó người già chiếm phần lớn.

Cái té tất niên làm bước đi của tôi thận trọng hơn. Mất hẳn đi cái thú nhìn ngang nhìn ngửa cô đi qua bà đi lại trên đường phố. Đôi mắt trời cho vẫn còn tốt chỉ nhìn thấy những thước đường xám xịt hay trắng nhẽ coi có chỗ nào định giăng bẫy bắt mình nằm trong tư thế đáng xấu hổ không. Sự cẩn tắc của tôi tưởng là ngon lành hóa ra không đúng…khoa học. Các nhà nghiên cứu của hai Đại Học Clemson và Charleston vừa công bố…kỹ thuật đi trên đường trơn trượt trong mùa đông: phải đi nhanh! Vậy là tôi lỡ bộ. Đi chậm tưởng là cẩn thận đúng mức thành ra trật lất. Các nhà khoa học này khuyên người ta nên đi nhanh về phía trước trong khi giữ chắc chân bước. Lối đi này sẽ khiến người ta ít té hơn là đi chậm. Họ giải thích là kiểu đi chậm ngăn cản trung tâm sức nặng của thân thể nhích về phía trước. Họ không nói khơi khơi mà có thí nghiệm đàng hoàng. Thí nghiệm được làm với giống gà sao. Các khúc nối của xương chân gà sao tương tự với đầu gối và mắt cá nơi chân của người. Họ tạo ra một con đường dài sáu thước gồm 150 tờ giấy nhám và các tấm nhựa trơn trợt khác. Họ thả cho gà sao đi vào con đường trơn trợt nhân tạo này để coi phản ứng cửa chúng khi di chuyển ra sao. Họ thấy chúng cũng phản ứng tương tự như con người. Sau khi quan sát, các nhà nghiên cứu thấy khi đầu gối nhích lên trước mắt cá thì không bị trơn trượt. Và họ kết luận là chính tốc độ là nguyên nhân chính yếu khiến chúng ta không bị té trên những con đường trơn: “Giữ sức nặng thân thể về phía trước, hơi nhích hơn mắt cá sau khi chân chạm mặt trơn” là an toàn trên xa lộ!

Lời nói của các nhà nghiên cứu có gang có thép chắc là phải đúng nhưng tôi nghĩ chúng ta khó lòng theo được. Tập đi tập đứng vào cái tuổi gần đất xa trời là chuyện rất vất vả. Rằng quen mất nết đi rồi! Cứ chậm chậm cho chắc ăn. Nếu muốn chắc ăn hơn thì sắm cây gậy đầu chống xuống đất có móc nhọn như hàm răng cá sấu cắm sâu vào mặt băng. Nếu ngại cầm cây gậy làm mất đi sự thẩm mỹ thì có thể chơi cái bàn cột vào đế giầy có những móc sắt bám vào băng. Nếu ngại buộc buộc cột cột mỗi khi ra ngoài thì cứ anh hùng lê chân bốt thách đố với trời đất. Oai kể chi nếu không té. Còn nếu té thì đó là…số trời!

01/2012