@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

BOXING

Boxing Day năm ngoái lần đầu tiên tôi thực sự tham gia vào hàng người đứng chờ trước cửa hàng bán đồ điện tử Dumoulin. Thực ra tôi không có ý thi đua với các thanh niên trong hành trình kiếm được món đồ rẻ. Thường thì các thanh niên quần áo khăn mũ giầy bốt đã bịt kín từ đầu tới chân nằm đóng chốt tại cửa tiệm từ khuya ngày hôm trước để chờ cửa hàng mở cửa vào đúng 12 giờ trưa ngày Boxing. Trời mùa đông lạnh thấu xương, thân đã cứng tuổi đời như tôi chịu chi thấu. Bữa đó tôi chỉ có ý định lái xe đi một vòng quanh các cửa tiệm xem thiên hạ tranh nhau chỗ xếp hàng ra làm sao. Thấy cửa hàng nào cũng đông nghẹt hàng người làm rồng rắn, có những người còn mang cả ghế bố ngả lưng, chăn mền và đống quần áo dày cộm, tôi thầm khen cho ý chí tranh đua của họ. Tới cửa hàng Dumoulin, thấy hàng người không đông, lại sắp tới đúng ngọ là giờ mở cửa, lại đang muốn mua một chiếc ti-vi mà họ lại bán mỗi chiếc rẻ từ 100 đô tới 200 đô tùy theo độ lớn của màn ảnh, tôi thấy một chỗ trống trên bãi để xe, vội chui đầu xe vào tham gia cuộc…cướp dollar!  Mới đứng được chừng nửa giờ, tôi đã thấy lạnh, ráng một chút đi khi vị trí của mình càng gần cửa hơn. Ráng thêm nửa giờ nữa, hai bàn tay tôi cũng cóng lạnh. Định bỏ về nhưng tiếc công đã sắp hàng nên cố nán lại. Rồi hai chân tôi bắt đầu tê cóng như đang đứng trên chân gỗ. Về chăng? Thấy anh nhân viên cửa hàng đi dọc theo đoàn người sắp hàng loan báo tin tức, hỏi mới biết kiểu ti-vi mình định mua vẫn còn, lên tinh thần, tạm quên đi cái lạnh cắt da. Nhích thêm được một chút, chiếc cửa sắt đã trong tầm mắt, người ra khuân theo những chiếc ti-vi, hỏi ông sắp hàng phía trước mua chi mới biết ông mua kiều máy y chang như kiểu mình định mua, đành nhường mất thêm một chiếc nữa rồi. Hỏi bà đứng đằng sau, cũng rứa, thấy thân hình mình như được nhấc thêm được một nấc. Người ta sau mình còn kiên nhẫn chờ, mình ngon hơn, dại chi đầu hàng. Mọi người không ai bảo ai đứng sát vào để sưởi ấm cho nhau. Cái tình đồng…sắp hàng coi bộ cũng khá nồng nhiệt. Mọi người nhanh chóng quen nhau, nói chuyện thoải mái, cứ như đã từng cố tri. Người mua xong, lọt ra khỏi chiếc cổng, bồng theo những chiếc máy mình đang chờ mua làm thêm sốt ruột. Ráng chứ biết sao, thiên đàng đã ở trong tầm với, dại chi lại xuống thang. Run người vì lạnh thấm tới xương, tôi vẫn lẩy bẩy bám sát vị trí. Nhưng rồi anh bán hàng lớn giọng: ti vi Sony 32 inches vừa bán xong chiếc cuối cùng! Nhìn anh chàng vác cái ti-vi đi ra mà thấy sao hắn vừa vô duyên vừa xấu trai lạ lùng. Đành ra về. Ngồi vào xe, mở sưởi tối đa mà người vẫn lập cập, hai hàng răng đánh bọ cạp. Sưởi một hồi lâu mới thấy hai chân mềm mại, đạp ga xe phóng về nhà. Chẳng cái dại nào hơn cái dại nào. Lỡ cảm lạnh hay sưng phổi thì biết bao rắc rối. Có đáng trăm bạc save được không? Tới tuổi này sao vẫn cứ lụy trò đời!

Tại sao người ta lại hành hạ thân xác cho ngày boxing day như vậy? Một ông bạn tôi bĩu môi: “Thì tại ham rẻ chứ chi nữa!”. Nói xong ông liếc nhìn tôi bằng một nụ cười thấy phát ghét. Tôi lại tức mình vì dại dột khi kể cho các ông bạn nghe về cuộc phiêu lưu mua ti-vi của tôi. Không ưa câu nói đầy mỉa mai của bạn nhưng tôi phải công nhận là bạn tôi nói không sai. Nhưng ngoài việc ham rẻ, việc chen chúc nhau đi xếp hàng ngày bán sale còn có nguyên nhân tâm lý. Việc bán hạ giá chỉ trong một ngày đã kích động nỗi lo sợ luôn tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta: sợ lỡ dịp may. Giáo sư môn marketing của Đại Học Concordia ở Montreal, ông Gad Saad, ví việc mua sắm như tâm lý khi đi săn bắn và hái lượm của tổ tiên còn nằm vùng trong mỗi chúng ta. Người cổ đại khi đi săn luôn mong muốn hạ được con thú lớn nhất cho bữa ăn. Chúng ta ngày nay muốn ôm được nhiều hàng hóa nhất với số tiền mua sắm của mình. Vậy là chen nhau xếp hàng. Mua được đồ thì mặt mũi hớn hở, cứ như được cho không! Kể ra mua được những món đồ với giá rẻ tự nó đã là một thống khoái. Ai trong chúng ta mua rẻ được món gì đều muốn khoe cho người khác biết ra cái điều ta khôn ngoan nên biết mua bán hơn người. Tôi có một kinh nghiệm nho nhỏ: mỗi khi rình đổ xăng được giá rẻ, sau đó thấy giá xăng lên thì sung sướng cách chi đâu. Cứ như mình tài giỏi mau mắn hơn người. Mà rẻ nhiều chi cho cam, chỉ vài xu mỗi lít!

Tâm lý mua được đồ rẻ nó “phan phái” như vậy nên mới có ngày boxing day cho các con buôn tuồn hàng đọng trong kho ra để thu tiền. Mà tại sao lại gọi ngày sau lễ Giáng Sinh là boxing day? Lại ông bạn chết tiệt của tôi vừa cười vừa lên tiếng: “Thì chen chúc xô đẩy nhau như đi ăn cướp vậy không như đánh bốc thì là cái chi!”. Ông này chỉ được cái thích cà khịa chứ kiến thức thì rất thưa thớt. Boxing đây đâu có phải là đánh bốc mà là cái…box. Ai chẳng biết box là cái hộp nhưng cái hộp ăn nhậu chi tới ngày boxing day? Cũng có lịch sử cả đấy. Chuyện bắt đầu từ thời Trung Cổ lận. Tại các nước Âu Châu thời đó người ta đặt những chiếc hộp bằng kim khí bên ngoài nhà thờ để dâng cúng giúp người nghèo. Tại Anh thì theo truyền thống, vào ngày sau lễ Giáng Sinh, những người làm dịch vụ cho khách hàng đi thu những chiếc “hộp Giáng Sinh” có đựng tiền hoặc quà như là một cách để các thân chủ cảm ơn họ vì đã phục vụ tốt cho họ trong suốt một năm. Ngày nay chúng ta cũng vẫn hành động như rứa khi tặng người đưa thư, người bỏ báo, người giao sữa một món quà hay chiếc bao thư có tiền để cảm ơn họ. Cũng vẫn theo tục lệ cổ của Anh, ngày Giáng Sinh, chủ nhân thường đãi đằng khách khứa nên các gia nhân thường bận rộn phục vụ. Ngày hôm sau, để đền công, chủ nhân thưởng cho các gia nhân một ngày nghỉ để về chung vui với gia đình. Chủ nhân thường tặng các người làm một chiếc hộp trong có quà tặng, tiền bonus và đôi khi cả những thức ăn còn dư từ bữa tiệc hôm Giáng Sinh. Vậy là boxing day! Còn việc boxing day trởthành trò xếp hàng mua đồ rẻ thì có lẽ do cuộc sống thay đổi nên biến tướng.

Canada chúng tôi nằm trong khối Thịnh Vượng Chung, cái tên hoa mỹ để chỉ cái khối gồm các nước thuộc địa Anh ngày trước, nên vẫn còn chịu ảnh hưởng của Anh, mới có ngày boxing day này. Láng giềng phía Nam là nước Mỹ đâu có…bốc! Không có boxing day nhưng Mỹ có Black Friday, Thứ Sáu Đen, đi theo ngày Thứ Năm Lễ Tạ Ơn nhằm vào tuần lễ cuối cùng của tháng 11. Black Friday cũng xêm xêm như boxing day, nghĩa là dân chúng cũng xếp hàng mút mùa lệ thủy. Năm nay số tiền các cửa hàng bán được trong dịp đại hạ giá này là 52,4 tỉ đô! So với năm ngoái, 2010, thì tăng thêm 16,4 %. Các ông bà chủ cửa hàng cười tươi như hoa. Tưởng thời buổi kinh tế suy thoái, tiền bạc hiếm hoi, thương vụ sẽ xuống, ai ngờ nó lên. Chắc có Viagra! Tiền đổ ra nhiều có nghĩa là dân chúng đi mua nhiều, xếp hàng mệt nghỉ. Có tới 152 triệu nhân mạng chiến đấu dành giật nhau so với chỉ 138 triệu năm ngoái. Vậy nên mới xảy ra nhiều chuyện…bốc. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt là chuyện dĩ nhiên nhưng năm nay đã có nhiều sáng kiến mới được mang ra dùng. Như một bà khách của tiệm Wal-Mart ở Los Angeles đã thủ theo một bình xịt hơi cay phun túi bụi cho thiên hạ dạt ra hết để quân ta tiến lên chiếm mục tiêu! Lại còn những bậc anh hùng không thèm chen lấn cho mất công, cứ đứng ngoài bãi đậu xe, chờ thiên hạ mang đồ ra là gí súng cướp. Chuyện xảy ra tại bãi đậu xe của một tiệm Wal-Mart ở San Leandro, California. Một bà cũng bị thương vì đạn trong khi đang chuyển đồ mua được vào xe tại South Carolina. Bạo động leo thang khiến bà Betty Thomas, 52 tuổi, ở Raleigh thuộc tiểu bang North Carolina, cuộc đời đã nhiều lần chơi với black Friday đã phải thốt lên: “Năm nay, khách đi mua sắm nên mặc áo chống đạn và nhìn trước ngó sau cho kỹ!”.

Tuy có nguy hiểm nhưng dân Việt ta ở Mỹ sức mấy mà không chen lấn với các sắc dân khác. Nơi dân ta mặn mà nhất là South Coast Plaza ở Costa Mesa. Trong những dịp lui tới Cali, tôi đã tới cái mall vừa lớn vừa sang trọng này. Lần nào cũng thấy dân ta tràn đầy các cửa hàng. Bà Debra Gunn Downing, Giám Đốc Tiếp Thị của Trung Tâm, đã cho biết lý do dân ta thích kéo nhau tới Trung Tâm này khi trả lời phỏng vấn của báo Người Việt: “Chúng tôi là một khu mua sắm quốc tế. Chúng tôi có đủ các mặt hàng đối với nhu cầu của khách hàng. Không nơi nào có một loạt cửa hàng bán sản phẩm cao cấp hoặc những cửa hàng đặc biệt tập trung trong một khu thương mại như South Coast Plaza. Một số cửa hàng ở đây là những cửa hàng duy nhất tại miền Nam California. Nói chung, chúng tôi có sản phẩm phù hợp với mọi sắc dân khác nhau. Chúng tôi hiểu nhiều khách hàng ở đây là gốc Châu Á. Vì thế chúng tôi cung cấp sản phẩm mà người gốc Châu Á cần”.

Đúng như bà Downing nói, dân ta rất khoái đi mua sắm ở đây. Hai ký giả Anh Đỗ và Đỗ Dzũng của báo Người Việt đã hỏi chuyện vài khách hàng gốc Mít trong ngày Thứ Sáu Đen. Hai anh em Albert và Louis Võ, lái xe từ San Diego lên, khoái chí nói: “Phải đến South Coast Plaza vì mấy nơi khác không có những tiệm đặc biệt như chỗ này. Chỗ này là số một! Chúng tôi hay hẹn  bạn bè tới đây, đi càng đông càng vui”. Chị Christine Nguyễn, cư dân Garden Grove, đồng ý cái rụp: “Lý do tôi đến đây là vì nó có nhiều tiệm hơn chỗ khác, mà lại là tiệm tôi thích nữa. Hôm nay tôi mua quần áo cho con, cho các cháu, một số giầy dép, sơ sơ đi đứt khoảng 400 đô. Tôi là khách thường xuyên ở đây”.

Đi mua sắm kiểu chụp giật trong ngày black Friday không phải là không hao tổn sức khỏe. Nếu nói là cứ như đi cày chắc cũng chẳng ngoa chút nào. Ký giả Ngọc Lan của báo Người Việt tả oán sự tình: “Năm đầu tiên mới qua, ngày thứ sáu ngay sau Thanksgiving phải đi làm nên không biết trò đi shopping. Nhưng từ năm thứ hai trở đi, không năm nào mà tui không đi shopping ngày Black Friday cùng các anh chị tôi. Đi từ 12 giờ đêm, đến đâu chừng 5 giờ sáng về rồi, không có đi nhiều. Khi đi thì hăng hái, khẳng khái như Kinh Kha qua sông. Khi về thì cứ như là cái bánh bò mắc mưa. Tui thường chỉ lê đưọc cái thân vô nhà, thay đồ, leo lên giường nằm thẳng cẳng. Còn bao nhiêu túm đồ, ông xã tui bê vô cho. Sáng ra, trong khi tui còn khò khò, hai đứa nhóc thức dậy, đã nhìn nhìn ngó ngó xem có túm đồ nào có vẻ mẹ mua cho mình không”.

Cái màu đen của ngày thứ sáu sau lễ Tạ Ơn hấp dẫn gớm. Đen mà duyên ra phết! Tại sao lại có cái tên ảm đạm như vậy? Lại ông bạn tôi lanh chanh: “Thì đua nhau đồ tiền ra như lên đồng thì đen đứt đuôi chứ còn chi nữa! Tốn tiền thì cuộc đời đen như mõm chó là cái chắc”. Lại nói bậy! Đây là cái tên do Phòng Cảnh Sát tại Philadelphia đặt ra. Cảnh sát thì có liên quan chi tới tiền bạc? Thứ Sáu Đen là ngày chính thức mở màn cho việc mua sắm vào mùa Giáng Sinh, xe cộ chạy đầy đường, người đi bộ chen lấn nhau gây ra việc kẹt xe và mất trật tự tại các khu buôn bán từ lúc các cửa hàng mở cửa cho tới khi đóng cửa. Các ông bạn dân phải vất vả điều khiển giao thông mờ người nên các ông đặt ngay cho ngày này cái tên xấu xí là Black Friday. Cái tên này chỉ trở nên phổ biến trên khắp nước Mỹ từ năm 1975.

Vậy là dân Canada có ngày boxing day, dân Mỹ có ngày black Friday tiêu tiền mệt nghỉ. Hai anh láng giềng hai ngày khác nhau, hồn ai nấy giữ. Không hẳn vậy. Dân Canada chúng tôi boxing day tiêu tiền đã đành, black Friday cũng vượt biên thi đua tiêu tiền với dân Mỹ. Nhất là từ khi đồng tiền Canada ngang ngửa với tiền đô Mỹ. Chuyện vượt biên này thì tôi cũng làm hà rầm. Mùa hè, có khi qua Mỹ tắm chơi nhân tiện đi shopping. Ngày trước, khi đồng tiền Mỹ còn cao gấp rưỡi tiền Canada, mua đồ bên Mỹ cũng vẫn còn rẻ hơn bên Canada dù khi về quan thuế  Canada có đánh thuế đi chăng nữa. Ngày nay hai đồng tiền bình đẳng với nhau, lại càng vượt biên giới mua đồ bạo hơn nữa. Giá trị hai đồng tiền ngang nhau nhưng không biết lòng tham của mấy anh thương gia Canada lớn đến thế nào mà nhất định đồ bên Mỹ vẫn có giá rẻ hơn bên Canada. Vậy nên dân Canada có trò mà báo chí kêu là cross border shopping, mua sắm vượt biên! Mua hàng bên Mỹ giá rẻ hơn bên Canada, đổ xăng cũng rẻ hơn, vậy là dân Canada giảm ngay lòng yêu nước mang tiền sang cúng bên Mỹ. Ngày thường đã vậy, ngày black Friday còn bạo hơn nữa. Biên giới tràn ngập xe cộxếp hàng chờ nhân viên di trú kiểm soát. Có người phải chờ tới vài tiếng đồng hồ. Mặc! Chúng tôi vẫn cứ kiên nhẫn chờ vượt biên. Bởi vì dân Mỹ rất âu yếm tiếp đón chúng tôi. Tôi thường vượt biên giới bằng trạm kiểm soát nằm trên quốc lộ 15 phía Canada và quốc lộ 87 phía Mỹ. Thành phố gần biên giới phía Mỹ nhất là Plattsburg, cách biên giới khoảng nửa giờ lái xe. Đây là một thành phố nhỏ nhưng dân Canada chúng tôi không thể không trông thấy được. Vì ngay trên xa lộ dẫn vào thành phố có dựng một cây cờ Canada lớn tổ chảng. Mắt có cặp bờ lời tới đâu cũng phải thấy. Trong mall có biểu ngữ vẽ cờ Canada với hàng chữ chào mừng khách Canada.

Tôi không phải dân vượt biên chuyên nghiệp. Chỉ vượt biên tiêu tiền tùy hứng. Có những người đều đặn qua Mỹ mua đồ như bà Debbie Timofte ở Brockville, tỉnh bang Ontario. Bà này cứ đến hẹn lại vượt biên, mỗi hai tuần, và đã mua tới 75% đồ dùng và thực phẩm ở bên Mỹ. “Tôi mua thực phẩm, quần áo cho lũ trẻ, bất cứ thứ gì tôi thấy rẻ”. Ngày Thứ Sáu Đen năm nay bà đã mua hai cái laptop cỡ 15,6 inches với giá 255 đô một cái và một ti-vi LCD 32 inches với giá 199 đô! Kể cả tiền thuế quan và tiền xăng, bà tính ra đã lời chán. Bà Laura Reid ở Toronto sung sướng với những món đồ mua được với giá chỉ bằng nửa giá mua ở Canada mà thuế mua hàng còn nhẹ hơn bên Canada nữa.

Trước tình trạng đồng tiền Canada thi nhau chạy sang Mỹ, các nhà buôn Canada nhất định phải sốt ruột. Những đồng đô thơm phức đang ở trong tầm tay bỗng rủ nhau di tản hàng loạt qua xứ người. Tiếc ngẩn ngơ. Bởi vậy nên mỗi năm, vào dịp Thứ Sáu Đen ở bên Mỹ, các cửa hàng ở Canada cũng sale để giữ khách lại. Wal-Mart Canada là cửa hàng năng nổ nhất. Thường thì họ bán đại hạ giá vào ngày black Friday và kéo dài tới hết cuối tuần. Đặc biệt năm nay, mặt trận nổ lớn. Họ công khai quảng cáo là họ cũng black Friday. Lý do, theo bà Susan Schutta, Giám Đốc vùng Canada của Wal-Mart: “Theo cuộc nghiên cứu của chúng tôi thì 70% dân chúng Canada biết tới từ ngữ này”. Vậy là mượn đỡ để xài cho…hoành tráng! Cửa hàng bán đồ chơi con nít Toys ‘R’ Us Canada cũng hạ giá kể từ ngày thứ sáu và kéo dài luôn một tuần. Phát ngôn viên của cửa hàng, bà Victoria Spada, nói: “Ngày bán hạ giá black Friday là ngày lôi kéo không những khách hàng Mỹ mà luôn cả khách hàng Canada chúng tôi. Đây là một thiệt hại cho các nhà buôn và cả nền kinh tế Canada nữa”. Nhưng giữ được khách hàng bỏ ý định xuôi Nam hay không lại là một chuyện khác. Một bà chuyên xuôi Nam đã thách thức: “Nếu họ cũng bán rẻ như ở bên Mỹ thì chỉ trong vài giây tôi sẽ có mặt ngay lập tức!”.

Chuyện coi bộ khó. Giới thương mại ở Canada thường không xông xáo như ở Mỹ. Có lẽ cuộc sống ở Canada có phần lè phè hơn. Chỉ nguyên việc điều chỉnh giá hàng cho phù hợp với sự leo thang của đồng tiền Canada họ cũng lề mề chưa làm nổi. Khách mua thì chỉ thấy cái lợi ngay trước mắt. Chuyện nền kinh tế của đất nước thì hậu xét. Vậy nên biên giới vẫn đông nghẹt xe chờ xuôi về miền có những hàng hóa rẻ hơn. Âu cũng là tính người.

Một trong những điều xông xáo là giờ mở cửa bán hàng đại hạ giá trong ngày black Friday. Dân Canada chúng tôi cứ màn màn. Ngày boxing day, các cửa hàng chỉ mở cửa vào đúng ngọ, có lẽ để cho các nhân viên cửa hàng và người mua hàng ngủ no nê sau một đêm vui chơi thoải mái. Nhưng black Friday bên Mỹ thì lại khác. Thoạt kỳ thủy, họ mở cửa hàng vào lúc 6 hoặc 7 giờ sáng. Vậy so với Canada chúng tôi đã là quá sớm. Nhưng rồi các cửa hàng cứ leo thang dần. Năm giờ, rồi 4 giờ sáng. Mấy năm gần đây họ leo tới đỉnh của một ngày: mở cửa vào đúng nửa đêm khi lễ Tạ Ơn vừa chấm dứt, không chậm trễ một giây. Cũng chưa vừa ý, năm nay nhiều cửa tiệm mở cửa vào lúc 9 giờ tối thứ năm. Vậy là black Friday bỗng thấy mình vô duyên. Con buôn đã leo lên Thursday rồi! Chẳng lẽ thứ Năm lễ Tạ Ơn lại gọi là black Thursday hay Black Thanksgiving! Nhiều dư luận không bằng lòng vì như vậy vi phạm vào truyền thống lâu đời của Thanksgiving. Các cửa hàng thanh minh là họ phải mở cửa sớm để tránh cho khách hàng khỏi phải xếp hàng chờ đợi trong đêm hôm khuya khoắt lạnh lẽo. Đúng là nhân nghĩa bà Tú Đễ! Rồi họ có leo thang nữa không? Có Trời biết!

Nhưng Trời của ngày Lễ Tạ Ơn hay Chúa của ngày lễ Giáng Sinh coi mòi đang mất sức, biết chi nổi. Hai cái thứ ăn theo Trời và Chúa là những boxing day black Friday đã lấn lướt ngày lễ chính. Người ta chạy theo đồng tiền chứ thời buổi này dại chi mà theo Trời theo Chúa. Tưởng làm Trời là ngon, ai ngờ cũng vất vả và hồi hộp dữ!

12/2011