@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

ĐÀO

Cái e-mail của cô em họ gửi từ Buôn Mê Thuột làm tôi ngạc nhiên. Cô chuyển cho tôi bản tin năm nay hoa anh đào ở Hoa Thịnh Đốn sẽ nở sớm hơn thường lệ. Sao cô em ở tuốt tận Buôn Mê Thuột lại chú ý tới việc hoa anh đào ở một nơi tít mù khơi nở sớm? Đọc lướt qua một số báo mạng ở Việt Nam tôi cũng thấy những bài báo dài nói về thời điểm ra hoa của anh đào tại thủ đô nước Mỹ. Hoa anh đào là của Nhật, cớ sao di tản qua Mỹ lại được mọi người để ý hơn? Chắc tại vì chúng đã nhập quốc tịch Mỹ!

Năm nay là năm đánh dấu 100 năm hoa anh đào có mặt tại Mỹ. Tôi vốn ham vui, cứ những chốn vui vẻ là tìm đến. Hoa anh đào Hoa Thịnh Đốn năm nay vui như vậy dĩ nhiên tôi phải tìm tới. Như các năm trước, thường thì anh đào nở vào tuần lễ cuối tháng 3 đầu tháng 4. Năm nay anh đào sốt ruột mở lòng ra sớm nên chương trình đi coi hoa anh đào của chúng tôi hồi hộp cho tới phút chót. Cuối cùng được tin chính xác của nhóm chụp ảnh Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn cho biết đích xác ngày hoa nở, chúng tôi vội lên đường ngay. Nói cho có vẻ khó khăn vậy chứ nhóm tám người chúng tôi, ngồi gọn trong một chiếc xe van loại lớn, đã giã từ cầy cuốc nên đi lúc nào cũng được. Hú nhau một tiếng là chúng tôi lên đường. Xe phom phom nuốt đoạn đường xa mười tiếng, tới Hoa Thịnh Đốn mà mặt trời còn chưa kịp đi ngủ. Kể ra là nhanh, thường thì phải mất 12 tiếng mới nuốt hết đoạn đường dài. Nhanh có lẽ vì tài lái xe của anh Đặng Sĩ vừa khỏe vừa dẻo dai. Nhưng nhanh có lẽ cũng vì những tiếng cười đã đẩy xe đi nhanh hơn. Giã từ cầy cuốc thì đã hẳn, nhưng giã từ vũ khí coi bộ chưa ai chịu. Trên xe, chuyện súng ống đạn dược vẫn nổ inh ỏi. Một vị nữ lưu bị trúng thương đau cuống họng vì cười quá lố!

Sáng sớm ngày hôm sau, gọi nhau dậy từ sáu giờ sáng, tới gặp…đào. Đi coi hoa mà như đi cầy là vì sợ đường kẹt xe và không có chỗ đậu. Đúng tim đen là như vậy nhưng để cho có vẻ văn nghệ, phải lấy lý do là đi sớm để coi mặt trời mọc xuyên qua hoa anh đào. Nhưng coi mặt trời mọc giữa cảnh hoa tràn lan khắp nơi quả thật là đáng đồng tiền bát gạo. Cũng bõ công dậy sớm. Đậu được chiếc xe cồng kềnh bên bờ hồ, bỏ cả ăn sáng, chúng tôi chạy theo những về hoa kín hồng ven hồ Tidal Basin nơi dòng sông Potomac. Dân ái mộ anh đào chắc đều thấp thỏm thức sớm như chúng tôi. Mới sáng tinh sương, mặt trời còn ngái ngủ mà chung quanh những gốc anh đào đã dầy đặc toàn người là người. Hình như không ai không có máy hình hay máy quay video. Dân chụp hình nghệ thuật coi bộ cồng kềnh nhất. Họ mang vác đủ các dụng cụ để cố thu được những góc cạnh đẹp nhất. Chúng tôi tíu tít chạy từ góc này qua góc khác. Cứ như lạc vào thiên thai, gặp các tiên nữ, nàng nào cũng chim sa cá lặn, chẳng biết nên kết nàng nào. Loanh quanh đuổi nhau một hồi, điện thoại cầm tay liên lạc liên tục, chúng tôi mới bắt tay được nhóm bạn thuộc một hội nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn. Khoảng chục người tay xách nách mang, cồng kềnh những chân máy ảnh, bề bộn những túi đeo lưng. Chúng tôi bỗng trở thành người mẫu của những tay săn ảnh nhà nghề này. Tôi đứng bên một gốc anh đào cổ thụ, thân cây xù xì có dáng rất đẹp. Cả chục chiếc máy hình chễm chệ trên chân đứng chĩa vào chụp. Cứ như mình là tài tử đang ăn khách. Du khách đi ngang qua nhìn vào với con mắt thích thú. Chắc họ tưởng tôi là một thứ múa may trên sân khấuchi đây. Không có chiếc gương trước mặt, tôi không biết mặt tôi có vênh lên không. Nhưng chắc chắn là mặt tôi đã mòn đi chút đỉnh!

Có tất cả trên ba ngàn gốc anh đào trong khu di tích và tượng đài đẹp nhất thủ đô Washington. Tất cả đến từ xứ Phù Tang. Năm 1910, cuối thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật đã gửi tới thủ đô Mỹ một món quà đặc biệt: hai ngàn cây hoa anh đào. Hai năm sau, vua Minh Trị thăng hà, hai ngàn gốc anh đào cũng héo hắt chết. Ngay lập tức, Nhật gửi qua ba ngàn gốc anh đào thay thế. Năm 1965, 3800 cây khác được gửi sang để thay thế những cây già nua. Chính phủ Mỹ đã trồng những gốc anh đào này dọc theo bờ sông Potomac và khu vực hồ Tidal Basin. Anh đào Nhật nằm cạnh những đài kỷ niệm lừng danh của Mỹ: Lincoln Memorial, Jefferson Memorial Washington Memorial.  Nổi nhất là Washington Memorial vươn cao lên nền trời mà dân Mít ta thường gọi là Tháp Bút Chì vì hình dáng giống như cây viết chì. Phải công nhận là dân ta có óc thực dụng! Đã có lần ở Montreal, tôi nghe thấy dân ta gọi một đội hockey là đội Chim Đứng. Truy nguyên ra tôi mới biết đó là đội Penguin với hình tượng trưng là một chú chim cánh cụt đang đứng nhìn về phía trước. Năm nay, 2012, đúng trăm năm anh đào trụ tại Hoa Thịnh Đốn. Du khách tới nườm nượp chen chân không lọt. Giới truyền thông cho biết là có khoảng một triệu người tới với lễ hội trăm năm này. Khi chúng tôi tới thì lễ hội đã diễn ra từ ngày hôm trước, trong lúc chiếc xe cõng chúng tôi còn đang bon bon trên đường thiên lý. Hụt lễ hội nhưng chúng tôi vẫn gặp những phóng viên các đài truyền hình làm phóng sự tại chỗ. Tôi dừng lại nơi đài Fox đang giới thiệu con tem kỷ niệm được Bưu điện Mỹ phát hành vào ngày 24 tháng 3. Hai xướng ngôn viên, một nam một nữ, đứng giữa khoảng chục kỹ thuật viên với những dụng cụ kềnh càng vừa nhìn vào hình con tem được phóng to vừa trò chuyện. Đây là một bộ tem ghép gồm hai phần. Phần bên trái là một vòm anh đào nở hồng bao che cho hai thiếu nữ Nhật mặc kimono đang đi dạo bên hồ Tidal Basin, hậu cảnh phía sau là…cây bút chì. Phía bên phải là hai du khách, một nam một nữ, cũng đang đi dạo dưới vòm anh đào màu hồng phấn. Hậu cảnh là đài kỷ niệm vị Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson. Ghép hai con tem này lại, chúng ta có một kết nối từ chiếc áo kimono đặc trưng của Nhật Bổn tới bộ âu phục của con dân Hoa Kỳ.

Dân Nhật gọi hoa anh đào là sakura. Đây là thứ quốc hoa của Nhật. Thực ra Nhật Bản có hai thứ quốc hoa. Hoa anh đào tượng trưng cho nước Nhật và hoa cúc vàng tượng trưng cho hoàng gia. Anh đào được dân Nhật coi là tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng. Là một thứ hoa thoắt nở thoắt tàn, rụng khi còn đang tươi thắm nên được các samurai yêu mến vì nó tuợng trưng cho con đường chết của người võ sĩ. Đó là biết chết một cách tươi đẹp như tinh thần võ sĩ đạo. Dân Nhật có câu: a flower is a cherry blossom, a person is a samurai (nếu là hoa, xin làm hoa anh đào, nếu là người xin làm một võ sĩ đạo). Hoa anh đào nổi tiếng trên khắp thế giới như một thứ hoa…phù tang. Không ai nghĩ khác hơn được. Dân Nhật đã tặng anh đào cho nhiều nước trên thế giới như một biểu tượng hòa bình của nước Nhật. Điều đặc biệt là anh đào chỉ có hương thơm khi được trồng ở Nhật. Di cư qua các nước khác, hoa chỉ có sắc nhưng không hương. Đi giữa mấy ngàn cây anh đào trĩu nặng hoa ở Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi không ngửi được hương hoa. Có lẽ vì hoa đã chọn quê hương và chỉ tỏa hương nơi quê hương thân yêu đó.

Anh đào có một huyền thoại…giáng thế. Tại một ngôi làng nho nhỏ nằm ven ngọn núi Phú Sĩ có một cậu bé được sanh ra. Năm cậu vừa đầy tuổi tôi, có một đạo sĩ ghé qua nhà, nhìn cậu bé mỉm cười và trao cho cha cậu một thanh sắt đen bóng rồi vội vã ra đi. Lúc đó là mùa đông, tuyết phủ đầy trời, vị đạo sĩ đã khuất trong màn tuyết mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn theo. Quay vào nhà, ông trao thanh sắt cho người vợ trẻ và dặn: “Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này cho con khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã chọn nó trở thành một kiếm sĩ lừng danh”. Sau đó người cha quy tiên. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Năm cậu bé 14 tuổi, thanh sắt đen bóng được trao cho cậu đúng như lời dặn dò của người cha. Khi cậu hồi hộp vuốt ve thanh sắt huyền bí trong tay thì một sức mạnh kỳ lạ và một khao khát lạ lùng dấy lên trong người cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã thốt lên: “Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này!”. Cậu tìm tới thụ giáo với một samurai nổi tiếng. Vị kiếm sĩ này ngắm nhìn cậu bé từ đầu tới chân, trầm ngâm suy tư, ngồi bất động trong nhiều giờ, rồi thốt lên: “Oan nghiệt!”. Ông thu nhận cậu bé làm đệ tử. Sau bốn năm luyện tập, khi đúng 18 tuổi, cậu trở thành một kiếm sĩ tài ba khiến tất cả các samurai kiêu hùng nhất nước cũng phải e dè. Cậu mang thanh sắt ra rèn thành một cây kiếm sáng ngời. Nhưng chưa được. Cây kiếm phải được tắm máu mới trở thành báu vật. Biết tìm máu ai bây giờ? Cậu không có kẻ thù, chưa hề đối mặt với những tên cướp và chưa có lý do gì để gây chiến với những kiếm sĩ khác. Lúc đó, cả mẹ cậu và vị samurai thầy của cậu đều đã khuất núi. Người thân duy nhất còn sống trên đời là cô con gái con của vị kiếm sĩ đã truyền cho cậu những đường kiếm tuyệt diệu. Mỗi ngày, khi nắng đã lụi tàn trên núi Phú Sĩ, cậu buồn bã ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa, đôi mắt lạnh như tuyết, ôm thanh kiếm để mơ tới một ngày nó được nhuộm máu để trở thành bảo kiếm. Cô gái biết tâm sự của cậu. Thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống của cậu nhưng nó chưa được nhúng máu người. Cậu trách thời buổi thanh bình cậu đang sống. Không có kẻ cướp bóc xóm làng, không có kẻ ngông cuồng thách đấu, lấy đâu ra máu để kiếm trở thành kiếm báu. Cô gái nói với chàng trai: “Anh cho em cầm thanh kiếm một chút thôi”. Cậu uể oải trao kiếm cho cô gái. Cầm thanh kiếm, cô gái nhìn chàng trai bằng ánh mắt buồn thảm và ấn mũi kiếm vào tim. Máu trào ra ướt đẫm thân hình cô, nhuộm hồng chiếc áo kimono trắng nõn trinh bạch. Cậu hốt hoảng hét lên, nhào tới rút thanh kiếm khỏi lổng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời lên sắc xanh rực rỡ, hào quang lóe lên đẹp lạ thường. Kiếm đã no máu để trở thành bảo kiếm. Có bảo kiếm nhưng cậu hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với cậu. Họ tránh cậu trong những phòng trà, trên đường đi. Họ phớt lờ khi cậu thách đấu. Một buổi chiều mùa đông tuyết rơi nặng, cậu ôm kiếm tới mộ cô gái. Cậu quỳ trước mộ nói với người dưới mộ: “Tha lỗi cho anh, anh đã hiểu ra rồi!”. Rồi cậu ấn sâu mũi kiếm vào bụng, rạch một đường dài, rút kiếm ra cắm lên mộ. Cậu lả người nằm ôm mộ. Tuyết không ngừng rơi. Qua một đêm, tuyết chôn vùi cả cậu trai lẫn ngôi mộ. Nhưng từ ngôi mộ bỗng mọc lên một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên, tuơi mát hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ cây kiếm báu đó. Người ta đặt tên hoa là sakura. Chỉ có anh đào mọc nơi vùng núi Phú Sĩ là đẹp và thơm nhất.

Anh đào nay đã lan ra khắp nơi. Hầu như nước nào cũng có. Tại Montreal, tôi chỉ thấy có một gốc anh đào cổ thụ nằm trong sân một ngôi nhà vùng Côte des Neiges. Có lẽ thời tiết giá lạnh vào mùa đông không dung được những cánh anh đào mong manh. Nhưng ở Vancouver thì rợp bóng anh đào. Số gốc anh đào ở thành phố được tôn vinh là nơi đáng sống nhất thế giới này lên tới 37 ngàn cây. Vượt xa Hoa Thịnh Đốn. Anh đào ở Vancouver được trồng trong các công viên nổi tiếng như Stanley Park và Queen Elizabeth Park và đặc biệt là dọc theo một số dãy phố. Trong những lần tới thành phố diễm lệ này, tôi đã có cái thú lái xe chen giữa những về hoa từ hai bên lề giao nhau làm thành một cái cổng hồng che kín trời xanh. Trong dịp Thế Vận Hội Mùa Đông được tổ chức tại đây vào năm 2010, Nhật Bản đã tặng thêm một số anh đào nữa. Tôi chưa có dịp tới Vancouver trong hai năm gần đây nên không biết số anh đào mới toanh này được trồng ra sao. Mỗi lần tới thành phố đáng yêu này, tôi đều gặp nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Sống với vài chục ngàn cây anh đào, nhà thơ của chúng ta dĩ nhiên có thơ…anh đào.

Hoa đào đã rụng hết rồi
Vừa gặp em. Mới một trời đầy hoa
Cho anh làm lại hôm qua
Thì anh vẫn sẽ như là hôm nay

Anh đào tràn trề như vậy, dĩ nhiên Vancouver cũng có ngày hội hoa anh đào được gọi là Sakura Days Japan Fair với hoa, các màn trình diễn và các món ăn. Tuy lui tới Vancouver khá thường, tôi chưa bao giờ được dự ngày hội hàng năm này.

Hoa Thịnh Đốn, Vancouver đều có ngày hội anh đào, lẽ nào Nhật Bản không có. Có nhiều là đằng khác. Ở nơi chôn rau cắt rốn, anh đào nở rộ vào mùa xuân dọc theo chiều dài nước Nhật từ Okinawa vào cuối tháng 1 tới  Hokkaido vào đầu tháng 5, với khí hậu ấm dần theo chiều Nam- Bắc. Mỗi nơi đều có lễ hội khi anh đào hé nở. Nhưng lễ hội anh đào chính thức của Nhật diễn ra hàng năm tại thủ đô Tokyo vào tháng 4 dương lịch. Năm nay dự kiến sẽ tổ chức tại công viên Shinjuku Gyoen vào ngày 14/4. Tuy nhiên, ngày 23/3 vừa qua, chính phủ Nhật đã thông báo là lễ hội hoa anh đào năm nay sẽ bị hủy bỏ “để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ”. Chánh Văn Phòng nội các Nhật Osamu Fujimura đã nói rõ: “Chúng tôi đã quyết định hủy bỏ lễ ngắm hoa anh đào được dự kiến vào ngày 14/4 để chuẩn bị cho tất cả những tình huống bất ngờ liên quan tới tuyên bố phóng vệ tinh của Triều Tiên”. Nước cộng sản Triều Tiên vừa có anh lãnh tụ nhí đã thông báo sẽ phóng một hỏa tiễn để đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong thời gian từ ngày 12/4 đến ngày 16/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Mỹ và các nước đồng minh nghi ngờ vụ phóng vệ tinh chỉ là tấm bình phong cho hành động thử hỏa tiễn tầm xa. Cũng ngày 23/3, Bộ Quốc Phòng Nhật đã cho triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn nhằm cho phép lực lượng phòng không Nhật bắn hạ hỏa tiễn tầm xa của Triều Tiên nếu được phóng như đã loan báo. Vậy là tiêu ngày lễ hội hòa bình của Nhật.

Năm ngoái lễ hội này cũng đã bị hủy bỏ vì vụ sóng thần tàn phá nước Nhật. Kể từ lễ hội đầu tiên vào năm 1952, Nhật đã hủy bỏ không tổ chức bốn lần tất cả. Ngoài hai lần năm ngoái và năm nay, hai lần khác là vào năm 1960 vì có biểu tình bạo động chống Hiệp Định An Ninh Mỹ - Nhật và vào năm 1965 vì trận động đất ở Kobe.

Hội hoa anh đào ở Hoa Thịnh Đốn năm nay cũng có nỗi buồn mini. Vì thời tiết ấm bất thường nên anh đào nở sớm. Tám người chúng tôi đều là những tên đã quy ẩn, chẳng bận bịu chuyện chi, cứ ba lô lên đường giờ phút nào cũng đặng nên mới đuổi kịp ngày rộ nở của anh đào. Nhiều người khác không được cái may mắn như vậy. Cứ như mọi năm, các chuyến đi ngắm anh đào thường được tổ chức vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 nên năm nay nhiều người bị lỡ bộ. Vì chỉ một ngày sau khi chúng tôi nhởn nhơ bên hồ Tidal Basin, trời bỗng đổ mưa hai ngày liền làm tan tác những cánh hoa mong manh. Chán anh trời già, tôi đã bỏ đào đi tìm…kép.

Kép là ông bạn Đinh Cường đã hơn một thập niên chúng tôi chưa gặp nhau mặc dầu vẫn liên lạc thường xuyên bằng e-mail. Đúng là nhờ đào mà chúng tôi lại hội ngộ. Ông bạn họa sĩ rất dễ thương vì cứ mỗi lần tôi in sách mà hỏi thì ông lại hoan hỉ gửi cho cái bìa. Cho là free nhưng cũngthan thở (ông này là chủ mỏ than!): “Chán các ông văn nghệ thứ thiệt này quá! Cứ văn nghệ quần chúng lại hơn!”. Chả là văn nghệ quần chúng thì bạn tôi có tí ti bỏ túi!

Anh kép Dzương Ngọc Hoán là biên tập viên đài VOA nay đã hưu. Bạn học cũ từ thời Chu văn An và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Hai mươi bảy năm trước, khi tôi mới chân ướt chân ráo tới Montreal, ông bạn lâu năm này đã vội gửi mẫu đơn cho tôi ứng tuyển làm biên tập viên đài VOA “để ngày ngày tôi và bạn lại gặp nhau như hồi ở Sài Gòn”. Tôi nộp đơn cho vui lòng ông bạn đã nghĩ tới mình nhưng thấy có tới trên 160 mạng dự thi tranh nhau ba chỗ, tôi thấy chẳng hy vọng chi. Rồi cũng bỏ nguyên một ngày đi thi. Kết quả lại có tên mình. Điện thoại qua ông bạn hẹn gặp. Nhưng có lẽ tôi vốn họ Tạ nên bị sao quả tạ chơi xấu, gặp đúng lúc Đài bị cúp giờ phát thanh nên việc tuyển dụng bị hủy bỏ. Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Thì cứ theo ý trời. Trời không cho đành chịu. Gặp nhau thấy bạn còn đi đứng ngon lành là vui. Cái vui của những tên đã vượt ngưỡng cửa “cổ lai hy”.

Kép còn là anh bạn mạt chược hồi còn độc thân vui tính Nguyễn Tường Đằng. Anh con trai của nhà văn Thạch Lam, sau bốn chục năm không nhìn thấy nhau, vẫn cứ hề hề vui tính như xưa. Hóa ra anh thời gian nhiều khi cũng điệu đàng vẫn còn dành sức khỏe cho bạn tôi ngày ngày đi đánh quần vợt và chơi golf.

Cũng bốn chục năm không gặp, anh bạn phóng viên nhiếp ảnh làm việc cho NBC ngày nào nay vẫn nhanh nhẹn như hồi ra chiến trường, ngực đeo chữ “press”, thí mạng cùi để có được những tấm hình đẹp của một thời chinh chiến. Ngày xưa, hồi còn ngồi ở Chu văn An, Võ Sửu và tôi là cặp bài trùng. Năm tôi thi Tú Tài 2, vào vấn đáp môn Pháp Văn gặp Giáo sư Võ văn Lúa nổi tiếng là hắc ám. Gặp ông này coi như…lúa. Vậy mà trời đất nâng đỡ làm sao mà kỳ thi đó tôi không…lúa. Cũng may. Nếu tôi bị ông giáo sư khó khăn có tiếng này đánh rớt thì không hiểu tôi có can đảm tới dự đám cưới của tên bạn nối khố này không. Vì bạn tôi đã cả gan lấy con gái ông Lúa!

Đào đã điệu đàng dẫn đường cho tôi gặp lại những tên kép nhiều năm không nhìn thấy nhau. Vậy mà đào lại tang thương ngày tôi trở lại Montreal. Những cánh anh đào còn tươi màu hồng phấn rớt xuống nằm từng vầy trên những thảm cỏ, bên những bờ nước. Nhiều cánh hoa đào lìa cây còn vương vấn trên chiếc xe cõng chúng tôi qui hồi cố quốc. Tiễn nhau tận tình như thế, kể ra đào cũng chung tình đấy chứ!

04/2012