@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

GIỮ

Tòa Án Nhân Quyền Ontario (Ontario Human Rights Tribunal) vừa ra phán quyết là một người đổi giống từ đàn ông ra đàn bà không cần phải cắt cái cục lủng lẳng nằm ở chính giữa thân xác mới được chính thức cấp giấy tờ chuyển hệ. Theo luật hiện nay thì một người muốn cải giống từ chàng thành nàng thì phải có chứng cớ rõ ràng đã tạo được dụng cụ của một người nữ đàng hoàng. Nếu người đó chỉ mới điều trị bằng hormone, tạo được ngực và nâng cao được âm vực trong giọng nói thì cũng chưa đủ điều kiện để làm…liền bà. Ông-trở-thành bà Kay Lockhart ở Ottawa cho biết: “Dù bạn có được coi là đàn bà trăm phần trăm ngoài xã hội nhưng bạn còn chưa đoạn tuyệt được cái mẩu thịt thừa thì bạn vẫn chưa có giấy khai sanh chứng nhận bạn thuộc phái nữ”.

Làm phận gái…chờ như vậy bất tiện trăm bề. Giải phẫu đổi giống thường phải kéo dài từ 5 tới 10 năm làm cho đương sự đứng giữa ngã ba đường. Sống cuộc sống của đàn bà nhưng giấy tờ thì đích thị là nam nhi. Hay, ngược lại, thành đàn ông ngoài đời nhưng trình giấy tờ thì mục sex vẫn cứ là thị mẹt. Muốn leo lên máy bay lại còn rắc rối hơn. Theo một điều khoản trong thể lệ hàng không của Canada thì phi hành đoàn không thể cho lên máy bay nếu “vị hành khách này không có vẻ thích hợp với giới tính ghi trong giấy tờ cá nhân mà họ xuất trình”. Trường hợp những người còn phân vân không biết mình thuộc về phe nào cũng rắc rối không kém. Biết đâu, một ngày đẹp trời nào đó, họ tỉnh ngộ và muốn trở về nẻo cũ thì họ còn nguyên vốn để come back to Sorento.  Nếu phụp một cái thì đi vào con đường một chiều hết đường qui hồi cố hương.

Ngày 11 tháng 4 vừa qua, quan tòa Sheri Price, Phó Chánh Án toà Nhân Quyền Ontario, đã hạn cho chính quyền Ontario 180 ngày để “xem xét lại những tiêu chuẩn ấn định việc đổi giống trên giấy khai sanh”. Nếu các vị bên hành chánh ở Ontario không khiếu nại chi thì tỉnh bang này sẽ là tỉnh bang đầu tiên của Canada xóa bỏ việc cắt của quý như một điều kiện tiên quyết để được luật pháp chứng nhận là phái yếu.

Phán quyết của tòa đã khiến các chàng tìm về nẻo…nàng thở phào thoải mái. Muốn phi tang cái cục mà con tạo đã gắn nhầm cần phải có tiền. Theo giá “thị trường” hiện nay thì muốn ông-thành-bà phải tốn 20 ngàn và bà-thành-ông tốn 60 ngàn. Tôi đã được coi video xử trảm cái cục nợ này. Máu me tràn lan không nói làm chi nhưng các công đoạn từ lúc cắt rồi lật úp vào trong tạo thành cái…hến trông rất là nhiêu khê. Tốn 20 ngàn cũng đáng. Nhưng muốn tạo thành cái cục lủng lẳng thì tốn nhiều hơn. Gấp ba lần lận! Điều này chứng tỏ là cái mà chúng ta gọi là “của quý” quả là quý thật.

Chẳng quý sao mà có lễ hội vinh danh! Tôi muốn nói tới các lễ hội xưng tụng linga ở Nhật. Linga chính là chàng đó. Các lễ hội này được tổ chức hàng năm vào mùa xuân. Linga vào độ xuân thì vui hết biết. Nghe tới lễ hội nhiều người tưởng là chuyện đùa chơi nhưng thực ra đây là chuyện đứng đắn. Chúng có lịch sử từ 1500 năm trước, khi nước Nhật còn là một xứ sở nông nghiệp. Lễ hội nổi tiếng nhất là ở đền Tagata trong thành phố Komachi, cách Nagoya khoảng 45 phút lái xe, được cử hành vào ngày 15 tháng 3 hàng năm. Ngày nay nông nghiệp ở Nhật không còn vị trí như xưa nhưng ý nghĩa ngày lễ vẫn…ý nghĩa như thường. Ngày xưa thì tượng trưng cho vụ mùa bội thu, ngày nay thì thúc đẩy việc sản xuất tí nhau. Đằng nào thì cũng là sản xuất. Trồng lúa hay trồng người đều quan trọng. Muốn trồng người phải có hai thứ thiết yếu: cái linga như đã nói và cái đối xứng với linga là  yuni. Việt Nam ta cũng có những ngày hội tương tự trong đó cái nõn và cái nường được kiệu đi nghênh ngang. Trồng người là việc cần thiết cho đất nước mặt trời ngày nay. Vì các bà không chịu trồng trọt chi. Tỷ lệ sanh đẻ của Nhật hiện nay đứng vào hạng chót trên thế giới. Trung bình mỗi bà chỉ sản xuất có 1,37 trẻ em. Ruộng đồng tuy không khô cạn nhưng không sinh hoa kết trái đầy đủ. Chính quyền thúc đẩy các linga yuni làm việc có kết quả bằng cách trợ cấp số tiền tương đương với 280 đô Mỹ cho mỗi ca sanh đẻ.

Vậy nên ngày hội linga là dịp nhắc nhở các cặp vợ chồng chăm chỉ làm việc. Số người tham dự mỗi năm lên tới cả trăm ngàn người. Họ rước một cái linga to tổ chảng làm bằng gỗ cây bách mộc đặc biệt của Nhật. Xem hình lễ hội, tôi thấy có hình những thiếu nữ ăn mặc rất thoáng kê vai nhau rước linga trước đám đông. Trong đám đông thì tràn lan hình tượng của quý. Những tượng khắc bằng gỗ, những cây kẹo, những cây cà rem. Toàn là linga đủ màu đủ sắc coi rất vui mắt, vui hơn thứ thiệt nhiều.

Tại Đại Hàn thì của quý được…quý một cách khác. Họ lập hẳn một công viên chỉ trưng bày rặt một thứ là cái giống của nam nhi. Đó là công viên Haeshindang nằm cách thành phố Samchoek 40 phút lái xe. Tôi chỉ có coi hình mà cũng chóa mắt về các kiểu linga cách điệu rất nghệ thuật. Có cái cao tới 3 thước lừng lững dựng đứng vươn lên nền trời trông rất hùng dũng. Tại sao lại có cái công viên có thể làm vênh mặt giới mày râu như vậy? Nó có truyền thuyết hẳn hoi. Ngày xưa có một cặp vợ chồng trẻ, cưới nhau chưa được bao lâu, hương lửa còn đang mặn nồng thì vùng quê của họ bị nạn thủy triều dâng cao. Biển đã cuốn người chồng đi. Người vợ thương nhớ chồng chỉ biết ngày ngày ra ngồi bên bờ biển than khóc. Và nàng đã chết vì thương nhớ. Ngôi làng của họ sống bằng nghề đánh cá. Từ ngày người vợ chết, số lượng cá đánh được ngày càng sút giảm. Dân làng cho là vì bị người vợ nguyền rủa nên mới ra nông nỗi. Các phụ nữ trong làng, chắc biết nỗi đau của người vợ mất chồng, nên mới dựng những chiếc cột mang hình dáng linga và lập một đền thờ nhỏđể xoa dịu nỗi oán hận của người vợ.

Tưởng của quý chỉ làm được hai việc căn bản thuộc chức năng tiềm ẩn của nó là làm…mưa và chế tạo con nít, ai ngờ nó lại có thể cáng đáng được công việc mùa màng bội thu và biết cả đánh cá đầy lưới ngoài biển! Vậy thì nếu có vinh danh nó bằng lễ hội và dựng tượng nơi công viên kể cũng đáng. Và có lập một bảo tàng viện để trưng bày của quý cũng là hợp…đạo! Viện bảo tàng này tọa lạc tại Iceland mang tên Icelandic Phallological. Người sáng lập là ông Hjartarson. Được thành lập từ năm 1974 tại Reykjavik, viện bảo tàng chuyên sưu tầm và trưng bày của quý của loài vật. Tại sao lại của loài vật, ông Hjartarson không giải thích. Có thể của quý của loài vật trông…dễ thương hơn của loài người! Vật thể đầu tiên sưu tập được là cái…ngầu pín. Dĩ nhiên của bò. Trông như một chiếc roi da. Cái bự nhất là của cá nhà táng: nặng 70 kí và dài 1 thước 70! Cái nhỏ nhất là của một chú chuột đồng, chỉ dài có 2 milimetre! Muốn coi cho rõ thứ li ti này du khách phải dùng kính hiển vi. Bảo tàng hiện có 261 cái…của nợ. Tất cả đều của loài vật.  Các nữ du khách có thể ngắm nhìn thỏa thích mà má không đỏ. Nhưng lịch sử đã sang trang kể từ ngày 13 tháng 4 năm 2011 vừa qua. Lần đầu tiên bảo tàng rước về một cái của quý của người. Người có hân hạnh lưu dấu thứ kín kẽ tại bảo tàng là ông Pall Arason. Dĩ nhiên ông này đã chết. Ông chết vào ngày 5 tháng 1 năm 2011, thọ 95 tuổi. Cái thứ đã xài tới 75 năm (tôi đã cẩn thận chỉ ước tính nó được xài từ năm chủ nhân 20 tuổi) thì có chi đặc biệt. Tôi đoán là ông chủ bảo tàng Hjartarson muốn phô trương độ bền của đàn ông chúng tôi! Cùng hợp ý với ông Hjartarson, tôi tính thời gian xử dụng là 75 năm, nghĩa là giả thiết là ông Pall Arason dùng tới khi xuôi hai tay. Hơi lạc quan nhưng thời buổi Viagra, Cialis…đầy rẫy chỗ nào cũng có thì chuyện hoạt động thể dục của người 95 tuổi là chuyện rất có thể. Cái sự đời của ông già 95 tuổi được tách ra khỏi thân xác tại bệnh viện có bác sĩ nhúng tay vào đàng hoàng. Vậy là của quý của con người , sau 37 năm tính từ ngày ngầu pín của chú bò khai mạc viện bảo tàng, đã được góp mặt với loài vật!

Thiên nhiên thường có nhiều sáng tạo nhưng đụng vào của quý thì thiên nhiên chỉ có len lén bắt chước. Bên Ba Tây có trái lạc tiên, nếu hỏi tôi trái lạc tiên là trái chi thì tôi cũng chỉ biết lắc đầu cười trừ. Hình thù thông thường của nó ra sao thì tôi cũng bù trất. Nhưng cây lạc tiên trong vườn nhà bà Maria Rodrigues de Aguiar Farias ở thành phố San Jose de Ribamar thuộc miền bắc Brazil thì nó y chang như thứ của quý của nhân loại. Trông hình thì thấy chẳng sai trật vào đâu, chỉ thấy khác lạ là nó có màu xanh ngọc thạch. Ngọc hành mà lại màu ngọc thạch nữa thì coi bộ quý tới hai lần. Chẳng thế mà du khách nghe thấy thứ của mình mọc trên cây đã nườm nượp kéo tới coi có phải chúng đi lạc không mà lại biểu diễn màn toòng teng trên cây như vậy. Bà chủ vườn 53 tuổi này già đời nên khôn lanh hơn người. Thấy người ta nườm nượp tới tìm…linga đi lạc nên ra giá biểu ngay: chỉ coi suông bà thu 2 real tức khoảng 1 đô Mỹ, kè kè thêm chiếc máy hình bà tăng giá lên 9 đô, nếu lại lủng lẳng máy quay video thì bà chơi tới 12 đô. Theo một chuyên gia cây trồng địa phương thì đớp trái này có lợi cho sức khỏe. Còn phải ngôn! Lợi là cái chắc. Trái của quý này rất bự và dày, dài tới 20 phân lận!

Thiên nhiên là thứ không có mặt nên dày mỏng không thành vấn đề. Nó cứ trơ mặt ra bắt chước hình hài của linga. Ngoài trái lạc tiên ở Ba Tây, các thứ trái như ớt, cà tím, phật thủ và ngay cả hoa xương rồng cũng bắt chước lia chia. Thế mới biết thứ chúng ta thường giấu giếm lại bị thiên nhiên khoái và cóp-pi tùm lum.

Anh chàng Richard Legay ở thủ đô Paris của Pháp nhờ của quý mà làm giầu. Không, chẳng nên nghĩ bậy, anh không kiếm tiền bằng của quý của mình mà sáng chế ra bánh của quý. Ai lui tới Paris cũng nên thử thứ bánh gợi hình này cho biết. Cửa hàng của anh nằm trên một con phố dành cho dân gay. Tôi không biết con phố này tên chi vì tài liệu không thấy nói tới nhưng địa điểm của cửa hàng thì lại nói rất nhiều. Giới đồng tính nam là giới cũng vũ khí đầy đủ như ai nhưng cách dùng lại khác, không đúng mục tiêu. Vậy thì chiếc bánh này, theo lời quảng cáo, thì ngon đặc biệt làm tôi thắc mắc. Sao lại ngon được nhỉ!

Hình hài của linga được sao ra tá lả. Vậy thì nó phải là thứ…mỹ thuật. Mỹ thuật là cái cẳng. Nhưng nó không phải là thứ công tử bột mà cũng có công dụng y học đàng hoàng. Cứ tưởng thân phận bé bỏng của nó chỉ có hai công dụng mà chúng ta ai cũng biết, hóa ra nó còn chữa được bệnh nữa. Chuyện này được tác giả Hồ Phi kể trong bài viết ngắn “Chuyện Vặt Sau Bữa Cơm”. “Một hôm cả đám tù cải tạo đang vào rừng đốn và vác cây về xây cất thêm trại tù để nhốt mình và bạn tù, bỗng một ông tù hét lớn “Chết tôi rồi!”, khúc cây văng ra khỏi vai, còn ông thì lăn xuống sườn đồi, bất tỉnh, mắt nhắm nghiền. Ngay lúc đó trong đám này có một ông tù khác đang đi ở phía sau nghe thế, hình như biết là nạn nhân đã bị bồ cạp rừng cắn, nên cũng la lên: “Không sao, không sao, có thuốc chữa đây!”. Rồi ông ta chạy đến, kề sát vai nạn nhân, trật quần, lôi “chim” của mình ra, dí sát miệng chim cạ vào vết bồ cạp cắn. Tức thì nạn nhân mở mắt, nở nụ cười tỉnh bơ, và sau đó nạn nhân đã tai qua nạn khỏi”.

Đó là chuyện thần tình như phép lạ của linga. Kể cũng đáng mừng. Từ nay ta có thể coi cái thứ bồ cạp như pha. Thuốc lận trong người rồi, giỏi thì cứ cắn đi, chết thằng tây nào đâu. Trong niềm phấn khởi vì sự thần diệu của cái sự đời cơ hữu, tôi quên suy nghĩ. Có thật hay không? Phải chi có con bồ cạp cho nó cắn một phát rồi mang thuốc ra chữa thì biết ngay. Nhưng tìm đâu ra bồ cạp trong thành phố sạch sẽ này. Ông Hồ Phi biết sự cứng lòng tin của tôi nên viết tiếp: “Nghe chuyện lạ lùng có vẻ tiếu lâm này, chắc nhiều người sẽ cho là vô lý, nhưng tôi có thể tin được vì vật chất (hóa chất) có những thứ kỵ nhau và triệt tiêu hay vô hiệu hóa lẫn nhau mà chúng ta vẫn thường biết (như những chất có độ pH  8-12 kiềm có tính triệt tiêu những chất có độ pH từ 6-1 acid, để ta có một hóa chất có pH 7 hiền lành; ví dụ HCI mà cho NaOH vào thì không còn là acid nữa mà chỉ còn là nước muối vô hại đối với ta). Có thể một hóa chất nào đó ở nơi “miệng chim” của đàn ông đã vô hiệu hóa nọc độc của con bồ cạp…Xin luận bàn cho vui chứ chuyện này phải nhờ mấy nhà khảo cứu hóa học uyên thâm kiểm nghiệm và giải thích. Chuyện trong trời đất còn lắm huyền vi và u tối mà nhân loại thông thái cũng chưa thể biết hết được. Nên ai khám phá hay kinh nghiệm được chuyện gì, nghĩ cũng nên phổ biến cho mọi người cùng biết để tùy nghi áp dụng, đó cũng là món quà quý giá, tương ái cho nhau rất hữu ích”.

Tác giả Hồ Phi viện tới hóa học để biện minh cho chuyện tưởng như là thần kỳ của cái của quý thì tôi xin giơ hai tay chịu thua. Bởi vì, ngày còn học trung học, hóa học là thứ tôi kỵ nhất. Hình như chẳng bao giờ tôi cân bằng được một phương trình hóa học. Trông những chữ và số của chất nọ chất kia là tôi hãi rồi. Ai muốn nghiên cứu chi thêm thì xin mời. Tôi lảng đi chỗ khác chơi. Tôi đi tìm bà Radmilla Kus coi bộ thú vị hơn. Bà này không còn trẻ, nay đã 55 tuổi, ở Croatia. Bà được mệnh danh là “người giữ ấm của quý của cánh mày râu”. Nghe đã lỗ tai chưa! Bà Kus giữ ấm bằng cách đan len những chiếc bao để bao cậu nhỏ trong mùa đông tháng giá. Mùa đông thì tôi quá thừa thãi, tuyết giá là…bạn của tôi, nhưng tôi chỉ biết đeo tới găng tay. Bao cho thằng nhỏ thì chưa hề. Mùa đông ở Croatia rất băng giá và khắc nghiệt nên đã gây ra nhiều vấn đề cho của quý của quý ông. Bởi vì là của quý nên cần phải bảo vệ. Những chiếc bao bảo vệ này có tên là nakurnjak phù hợp với kích thước của từng người. Muốn vậy, khách hàng phải được bà Kus đo đạc cẩn thận khi đặt hàng. Bà quen việc nên làm rất tự nhiên. Nhưng có những ông khách…khó tính nên không được tự nhiên như bà. Trường hợp này bà có thể du di cho các ông khách vào chỗ kín đáo để tự đo lấy rồi đưa kích thước cho bà. Láng cháng đo không chính xác thì ráng chịu nếu bao bị chật hoặc không ôm đúng vị trí. Bà Kus cho biết: “Các bà vợ tin rằng việc giữ ấm cho vùng cấm địa của các ông sẽ giúp họ duy trì khả năng sinh sản và tăng cơ hội có con”. Có lẽ tôi phải nói với các ông bạn ở Canada tìm gặp bà Kus để được đo đạc may bao. Thời tiết mùa đông của toàn vùng Canada rất khắc nghiệt. Theo diễn tả của phái mày râu thì lạnh đến teo…bu-gi! Nhưng bà Kus chẳng đoái hoài đến cái xứ lạnh thấu xương này mà bà đã qua Mỹ để thuyết trình về những sản phẩm của bà. Trong chuyến Mỹ du bà đã có ý muốn gặp Tồng Thống Obama để tặng ông món quà đặc biệt này. Không thấy bà đề cập tới việc đo đạc!

Không biết tonton Obama có nhận chiếc bao…nho nhỏ này không nhưng quân nhân thuộc binh chủng thủy quân lục chiến Mỹ tham chiến tại A Phú Hãn đã có thêm đồ chơi. Đó là những chiếc quần xà lỏn chống đạn làm bằng kelvar giúp bảo vệ các binh sĩ tránh được những thương tích  cho thằng nhỏ và động mạch đùi. Chết vì mất máu ở động mạch đùi đang là nguyên nhân chính của các trường hợp tử vong vì rất khó cầm máu. Các binh sĩ Anh đã dùng loại quần bảo vệ này từ khuya. Mỗi binh sĩ Mỹ sẽ được phát bốn chiếc. Giá mỗi chiếc cỡ 100 đô! Che chắn cái linga như vậy cũng tốn khá tiền. Đúng là…quý!

Nếu bom đạn có thể tìm đến hỏi thăm cái linga của các binh sĩ thì phóng xạ nguyên tử còn tinh ranh hơn. Vậy là phải nghĩ tới chuyện che chắn. Chúng ta chẳng cần lo xa, đã có ông Steve Bradshaw lo cho chúng ta rồi. Nhà phát minh 54 tuổi ở California này , ngay khi biết là phóng xạ từ nhà máy nguyên tử ở Nhật bị rò rỉ sau trận sóng thần năm qua có thể lan qua tới miền Tây nước Mỹ, ông đã kịp cho ra đời chiếc quần che chắn của quý của các ông. Ông cho biết là khi tia phóng xạ tìm được vào tới “bộ tư lệnh” sản xuất ra tinh trùng thì tương lai dân Mỹ sẽ nguy to nên cần phải be bờ ngay. Hơn nữa, ngày nay đi máy bay thường bị khám xét bằng cách quét tia X lên người làm cho thân thể tô hô trước mắt nhân viên khám xét rất là mất sự kín đáo riêng tư nên chiếc quần đùi này cũng sẽ giữ gìn được…thuần phong mỹ tục. Vì lý do thầm mỹ này nên ông cũng sẽ cho ra đời chiếc quần lót chống tia X cho phụ nữ. Chiếc quần lót này chỉ cần xài khi đi máy bay. Phụ nữ không cần che chắn cái yuni trước phóng xạ hạt nhân vì ảnh hưởng không quan trọng. Chắc cái thứ của các bà bền hơn thứ của các ông! Thường thì muốn ngăn tia phóng xạ, người ta dùng những lá chì. Thế thì nặng chết. Mặc quần mà phải đi hai hàng coi bộ thiếu thẩm mỹ. Vậy nên những chiếc quần do ông Steve Bradshaw phát minh sẽ không xử dụng thứ nặng như…chì này. Ông Bradshaw chỉ cần dùng thứ sơn mà người ta dùng để in chữ và tranh ảnh trên áo thung. Vừa dễ kiếm, vừa rẻ tiền.

Hiểm họa cho của quý tính đến nay chắc tới phóng xạ nguyên tử là hết mức. Trong tương lai nếu nảy sinh ra các thứ hiểm họa…văn minh khác, chắc chúng ta sẽ lại có những nhà phát minh mới để của quý của các ông luôn được bình an vô sự. Quý như vậy tại sao lại có những người trời cho như ai lại phải bỏ ra 20 ngàn để khử đi? Thật phí của trời! Mấy ông bạn già của tôi mỉa mai: chúng ta phải tôn trọng sự u mê của người khác! Tôi phải vội cảnh cáo: nói năng bỉ thử như vậy thì các ông không nên lui tới những vùng nguy hiểm như Bangkok chẳng hạn kẻo sẽ bị cắt phăng mất tiêu! Mấy ông phồng mang trợn má: cắt sao được, chúng tớ sẽ giữ tới giọt máu cuối cùng. Nghe ra rất khí thế.

Nhưng, giữ cái thứ không còn xài được làm chi vậy cà!

05/2012