@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

VỢ

Phục Sinh năm nay Giáo Hoàng thật vất vả. Đúng vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa rửa chân cho các môn đệ trong buổi Tiệc Ly, Giáo Hoàng phải rửa đầu óc của một số linh mục. Cầm đầu cuộc…nổi loạn này là Giám mục Helmut Schuller. Ông là một Giám mục nặng ký đã từng giữ chức Tổng đại diện địa phận Vienne, làm phó cho Hồng Y Christoph Schonborn của địa phận Vienne từ 1995 đến 1999 và cầm đầu tổ chức từ thiện quốc tế Caritas tại Vienne. Hồng Y Schonborn hiện đang cầm đầu Hội Đồng Giám Mục Áo phản ứng liền và so sánh hành động của Giám mục Helmut như hành động của một đội banh từ chối chơi theo luật đá banh!
Có 329 linh mục Áo, chiếm khoảng 8% linh mục tại đất nước này, đã về hùa với Giám mục Helmut Schuller đòi hỏi giáo hội phải cải cách, nhất là phải cho các phụ nữ được thụ phong linh mục và các linh mục được quyền lấy vợ!

Giáo Hoàng Benedicto XVI đã cảnh cáo bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất tình trạng mà Ngài gọi là “thiếu đức vâng lời” của một số linh mục Áo. Giáo Hoàng nói rằng trong khi các linh mục này tự cho là họ có hành động đòi hỏi trên vì “mối quan tâm đối với giáo hội” nhưng thực ra họ bị “thúc đẩy bởi những tư tưởng riêng của mình”.

Giáo Hoàng phải chặn đứng ngay những tư tưởng này vì Giám mục Helmut Schuller đang được sự hậu thuẫn của dân Áo, một nước mà hai chục năm trước đây số người theo đạo chiếm 85%, nay tại thủ đô Vienne chưa được một nửa dân số còn giữ đạo. Theo một cuộc thăm dò của báo chí thì  có tới 75% dân Áo đồng ý với linh mục Helmut. Sự ủng hộ làm ông giám mục này lên gân tuyên bố nhất định không lùi bước. Ông còn nói thêm là tới nay đã có nhiều linh mục phá rào mà các đấng bề trên của họ biết rõ.

Không dừng lại ở Áo, Giám mục Schuller còn mang phong trào “Kêu Gọi Bất Phục Tòng” của ông ra quốc tế. Ông nói là “năm 2012 là năm quốc tế hóa việc này”. Phiền một nỗi là có nhiều linh mục ở Mỹ và Âu châu cũng vỗ tay theo. Giám mục Schuller chỉ trích Vatican đã có quan niệm quá bảo thủ cho những vấn đề của thế kỷ 21 như: đồng tính luyến ái, đạo Tin Lành, truyền chức linh mục cho phụ nữ và việc giữ mình độc thân của các linh mục.

Giám mục Helmut Schuller chống đối Giáo Hoàng về nhiều vấn đề nhưng tôi muốn chỉ đề cập tới trong bài này chuyện gay cấn nhất: chuyện linh mục muốn vợ! Đây là chuyện thỉnh thoảng lại được dư luận rộ lên, nhất là từ khi việc một số linh mục đổ đốn làm chuyện…dâm dục. Chuyện đổ đốn này, khổ thay, lại nhiều và có tính…quốc tế. Nhiều đến nỗi về sau này tôi chẳng thèm để ý tới, coi như chuyện dài “nhân dân tự vệ”. Nhưng để ý hay không, chúng vẫn có đó và hình như càng ngày càng có nhiều vụ được đưa ra ánh sáng. Tôi chẳng muốn nhọc công tìm những thống kê và các vụ việc cụ thể. Thôi thì cứ đưa ra hai vụ xảy ra ngay tại tỉnh bang Quebec này mà tôi đã đọc trên báo địa phương. Vụ thứ nhất là vụ linh mục Raymond-Marie Lavoie, năm nay đã 71 tuổi. Trong thời gian ông là giáo sư và phụ trách ký túc xá của các học sinh tại trường St-Alphonse ở Ste. Anne de Beaupré, nằm ngay ngoại vi thành phố Quebec, ông đã…bắt nạt các lưu trú sinh. Chuyện xảy ra trong các năm từ 1973 đến 1985. Số các em bị quấy nhiễu tình dục là 13 em. Trước tòa, ông đã công khai xin lỗi các nạn nhân và xin họ tha thứ cho hành động của ông. Ông cũng thú nhận là đã bị “trượt dốc” và đã không đủ khôn ngoan để dừng lại sớm. Một nạn nhân  tên Frank Tremblay, bị linh mục Raymond quấy phá khi anh được 12 tuổi, đã nhìn thẳng vào mặt ông cha hư đốn này và nói: “Ông đã được một chút vui sướng nhưng ông có bao giờ tự hỏi ông đã làm gì tôi không? Ông đã tiêu diệt sự ngây thơ của tôi và từ ngày đó tới nay tôi đã phải sống trong xấu hổ và sợ hãi!”. Linh mục Raymond đã bị bắt vào cuối năm 2009. Trong phiên tòa xử ngày 10 tháng 2 năm 2012 vừa qua, linh mục Raymond đã bị công tố viện xin xử 8 năm tù nhưng tòa chỉ kết án ba năm tù giam. Công tố viện cho biết họ sẽ kháng cáo.

Vụ thứ hai là một vụ liên quan tới các tu sĩ tại trường công giáo Notre Dame ở Montreal. Ngôi trường trước đây dành riêng cho các nam sinh và có nội trú, nằm ngay trước Đền Thánh Saint Joseph. Ngày nay trường vẫn còn ở tại địa điểm này và được coi như trường của con nhà giầu nhưng thâu nhận cả học sinh trai và gái và không còn khu nội trú nữa. Chuyện các tu sĩ giảng dậy và nhân viên nhà trường quấy nhiễu tình dục các em trai xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 1950 tới tháng 7 năm 2001. Sau cả thập niên chối bay chối biến và cố bao che, nhà dòng đã chấp nhận vào tháng 10 năm 2011, bồi thường cho các nạn nhân số tiền 18 triệu đô để tránh đưa vụ việc ra tòa. Vào tháng 2 năm 2011, các nạn  nhân và phụ huynh đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ ngay trước khuôn viên nhà trường để tố cáo và yêu cầu Hồng Y Marc Ouellet của địa phận Montreal từ chức vì không quan tâm tới vấn đề này một cách nghiêm túc. Sau đó, các luật sư của nhà dòng mới chịu thảo luận để đưa tới vụ bồi thường.

Tôi kể ra hai vụ, một vụ phạt tù và một vụ đền tiền xảy ra ngay tại thành phố Montreal này để làm thí dụ. Việc các tu sĩ làm xấu thực ra không chỉ xảy ra lẻ tẻ hoặc cá biệt tại một vài địa phương mà là một vụ phạm tội…tập thể hầu như trên khắp các nơi trên thế giới, nhất là tại các nước tiên tiến phương Tây. Nhưng những vụ bê bối này không phải là không có ở các nước đang phát triển tại châu Á. Trong cuộc hội thảo vào tháng 2 năm 2012 tại Vatican, với sự tham dự của 110 giáo phận và 30 dòng tu trên khắp thế giới, Tổng Giám Mục Manila Luis Antonio Tagle ở Phi Luật Tân phát biểu là sự kính nể các giới chức tôn giáo ở một nước đại đa số dân chúng theo đạo như ở Phi đã  khiến cho ít người muốn tố giác các vụ lạm dụng tình dục của các tu sĩ. Nhưng Tổng Giám Mục Tagle cho hay là trong vòng 5 năm trở lại đây đã có thêm nhiều nạn nhân ở Phi lên tiếng tố cáo.

Chuyện mất nết của các tu sĩ bắt đầu nổ ra tại Ái Nhĩ Lan vào thập niên 1990 và lan sang Mỹ vào năm 2002 và Âu châu vào năm 2010. Tới nay, Giáo Hoàng vẫn còn nhức đầu với nơi xuất phát các tố cáo lạm dụng tình dục của các tu sĩ là miền đất Ái Nhĩ Lan này. Tháng 11 năm 2009, chính phủ Ái Nhĩ Lan đưa ra bản tường trình về vụ bê bối của các linh mục căn cứ trên cuộc điều tra 320 vụ cáo buộc. Theo bản tường trình này thì các nạn nhân đã khiếu nại là thường xuyên gặp phải “sự phủ nhận, cao ngạo và che đậy” của giới hữu quyền trong giáo hội. Chỉ một tháng sau, Giáo Hoàng đã triệu tập hàng giáo phẩm cao cấp nhất của Ái Nhĩ Lan về họp tại Rome và ra tuyên cáo “chia sẻ sự phẫn nộ, cảm nhận bị phản bội và sự hổ thẹn của nhiều tín đồ thuần thành ở Ái Nhĩ Lan”. Sau đó Vatican đã đưa ra một bản trả lời dài tới 24 trang để đáp lại những cáo buộc của chính phủ và quốc hội Ái Nhĩ Lan. Phiền một cái là đất nước này vốn là một đất nước công giáo thuần thành nhưng nay ngay chính các giáo dân cũng đồng tình với những cáo buộc của chính phủ. Người cầm đầu chính phủ, Thủ Tướng Enda Kenny cũng là người công giáo và từ lâu nay công giáo vẫn được hưởng nhiều đặc quyền tại đất nước này. Chính phủ Ái Nhĩ Lan đã triệu hồi Đại Sứ của mình tại Vatican về nước. Tháng 7 năm 2011, Vatican cũng triệu hồi Đại sứ của mình về Rome. Chính Toà Thánh cũng công nhận việc triệu hồi Đại sứ là điều hiếm có, cho thấy “tầm mức quan trọng của tình hình”. Chính phủ Ái Nhĩ Lan bình luận về việc triệu hồi này là “việc riêng của Tòa Thánh”.

Một bà bạn đạo dòng của tôi tức tối cho rằng tại sao một số đông các linh mục trên thế giới ngày nay lại mất nết như vậy! Ngày xưa làm chi có những chuyện phạm tội tầy đình như thế này. Bà nhắc tới những linh mục đạo đức đầy dẫy trong thế giới…ngày xưa của bà. Có một điều bà quên. Đó là ngày nay cuộc sống trên thế gian này đã thay đổi. Ngày xưa các cha phải sống trong các giáo xứ hay nhà dòng, ít có trường hợp được sống ngoài xã hội. Ngày nay các linh mục tự do tung tăng, không phải ru rú trong các cơ sở tôn giáo. Họ tha hồ ăn ở lâu dài ở bên ngoài. Mà cái “bên ngoài” này nay cũng đã khác xưa. Không còn e ấp kín đáo mà rộng mở tùm lum. Thêm vào từ khi có internet thì các hình ảnh “tội lỗi” xâm nhập tới từng người. Trong bối cảnh đó, tính người trong các linh mục được dịp bột phát đè bẹp tính…tu. Thứ nhất là tu tại gia / Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Đang từ thứ tu thứ ba mà leo thang lên thứ nhì, thứ nhất, khó chứ! Không vững tay chèo chống là thuyền lật úp ngay.

Một ông bạn tôi, tính tình vốn dễ dãi, phán ngay: “Thì cứ cho các ông ấy lấy vợ là xong tuốt!”. Bà bạn tôi kêu thất thanh: “ Chúa ôi! Các Ngài mà có vợ thì còn tu cái chi!”. Hình ảnh linh mục phải độc thân đã quá quen thuộc với chúng ta. Không thể khác được. Vậy nên khi một linh mục tính đường tù ti đến có con thì phải thôi làm linh mục. Đầu năm nay, Phụ Tá Giám Mục Gabino Zavala của Tòa Tổng Giám Mục Los Angeles, 60 tuổi, đã đệ đơn từ chức vì có hai con trong tuổi thiếu niên đang sống với mẹ chúng tại một tiểu bang khác. Tháng 12 năm 2011, vị này đã thú nhận với Tổng Giám Mục Jose Gomez về sự dây mơ rễ má của mình và ông đã đệ đơn lên Giáo Hoàng xin từ chức. Đó, cứ tù ti và nhất là có chút tí nhau là phải thôi việc nhà thờ. Tu và vợ không thể đi đôi với nhau được.

Ông bạn tôi đế thêm: “Sao không được! Các mục sư bên Tin Lành và các giáo phụ của Cơ Đốc Giáo cũng vợ con đó, có sao không? Ngay vị Giáo Hoàng tiên khởi là thánh Phêrô chẳng vợ con đùm đề hay sao!”. Bà bạn tôi trợn mắt nhìn cái ông…rối đạo này. Nhưng ông bạn tôi nói đúng. Vậy thì cái vụ bắt các tu sĩ công giáo treo…vợ có từ khi mô?

Thánh Phêrô thì có vợ đứt đuôi đi rồi vì điều này đã được ghi trong sách vở đàng hoàng. Các ghi nhận của thánh Mark, Matthew và Luke đều nhắc tới mẹ vợ của thánh Phêrô. Có mẹ vợ thì phải có vợ, đó là lô-gích. Thánh Matthew ghi rõ: “Khi Giê Su tới nhà Phêrô, Ngài thấy mẹ vợ của ông ta nằm và bị đau vì cảm”. Các thủ lãnh của giáo hội ngày xưa đều vợ con đùm đề cả. Thánh Luke đã viết là “không ai đã bỏ nhà cửa, vợ hoặc anh em, cha mẹ hay con cái vì nước Trời mà không nhận lại được nhiều hơn ở đời này và cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau”. Vậy là các vị theo Chúa đều phải bỏ lại tất cả kể cả vợ con. Phải có mới bỏ được! Trong Tân Ước có nêu ra một trường hợp độc thân, đó là thánh Phaolô: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ”.

Nhưng số người có gia đình vẫn là số đông. Trong thư gửi cho Timôthê, thánh Phaolô đã nêu ra tiêu chuẩn cần thiết để chọn một người làm giám quản: “Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy; người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được?”
Kiêng khem việc vợ chồng, tiết dục trong khi thi hành nhiệm vụ trong nhà Chúa là tiêu chuẩn được cổ võ trong thời kỳ này. Trong sắc lệnh ban bố vào ngày tháng 2 năm 385, Giáo Hoàng Siricus đã viết: “Tại sao những thầy Tư Tế nhận lệnh là trong suốt thời gian đến phiên trực Đền Thánh, họ bắt buộc phải sống trong đền thánh, xa gia đình? Điều quá rõ ràng là vì như thế họ không bị tư tưởng xác thịt quyến rũ nghĩ đến đàn bà, ngay cả vợ họ, và như thế, lương tâm họ sáng láng, và họ có thể hiến dâng cho Thiên Chúa những của lễ xứng đáng của họ. Những người này, sau khi đã hoàn tất sứ vụ của họ, được phép về nhà ăn ở với vợ chỉ cho một mục đích duy nhất là sinh con nối dõi”.

Chỉ tới thế kỷ thứ tư, khi đại đế Constantine hợp thức hóa Kitô giáo và cho phép giáo hội công khai sinh hoạt thì luật độc thân được áp dụng rõ ràng hơn. Các giám mục vẫn có gia đình nhưng phải biết sống kiêng khem và khi vợ chết thì không được tục huyền. Công đồng Elvira năm 306, tiến hơn một bước, đòi hỏi các giám mục và linh mục phải kiêng khem hoàn toàn với vợ và không được sinh con. Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật và bị loại bỏ. Nghe ra thấy hơi...ác!

Gần hai chục năm sau, năm 325, tại công đồng chung Nicea, điều luật 3 chỉ rõ: “Cấm tất cả giám mục, linh mục, phó tế hay bất cứ tu sĩ không đưọc có một người nữ ở với mình, ngoại trừ người đó là mẹ, chị em gái, dì hay những người không tạo nên nghi ngờ”.

Mãi tới cuối thế kỷ thứ 11, Giáo Hoàng Gregoria mới cải tổ luật giáo hội trong đó có luật độc thân áp dụng cho tất cả mọi linh mục và giám mục. Qua tới thế kỷ thứ 16, các giáo phái Tin Lành cho phép các giáo sĩ lập gia đình nhưng công giáo vẫn nhất định không cho các chức sắc của đạo lập gia đình.

Luật tu sĩ không vợ con là một quá trình o ép qua nhiều thế kỷ mới vào khuôn vào phép, vậy mà thỉnh thoảng các tu sĩ lại đòi phá rào lấy vợ, dễ chi mà được. Tháng 8 năm 2003, hơn 160 linh mục trong Tổng Giáo Phận Milwaukee tại Mỹ ký đơn xin Tổng Giám Mục Timothy Dolan cho họ được đem vấn đề độc thân ra bàn luận tại hội đồng linh mục và yêu cầu luật này phải được coi là một “sự lựa chọn” hơn là một “sự bắt buộc”. Gần đây, khi một số các linh mục Anh giáo vốn đã có gia đình xin gia nhập công giáo, Giáo Hoàng đã chuẩn nhận cho những người này thi hành công việc mục vụ của một linh mục trong khi vẫn duy trì đời sống hôn nhân gia đình của họ khiến cho vấn đề độc thân của các tu sĩ công giáo lại được nêu lên. Tại sao cứ khư khư bắt cánh cũ độc thân trong khi cánh linh mục từ Anh giáo qua lại vợ con đùm đề. Cùng được dâng lễ mà một bên thì có vợ, một bên nhất định phải nằm không, khó chịu kể chi! Như vậy độc thân đâu có phải là điều nhất thiết phải áp dụng. Đúng vậy!

Luật độc thân là một điều luật chứ không phải là một tín điều. Giáo Hoàng có thể bãi bỏ được. Nhưng qua biết bao nhiêu triều đại Giáo Hoàng từ thế kỷ thứ 11 cho tới nay, chẳng vị nào muốn bỏ cả. Bởi vì bỏ thì sẽ có nhiều hệ lụy. Đang kỷ cương như vậy, dù kỷ cương này đang bị đe dọa với cuộc sống xã hội quá cởi mở của thế kỷ 21 này, bỏ một cái là...loạn! Nhưng nếu vẫn cứ bắt những người muốn đi tu làm linh mục phải kiêng vợ thì sẽ hạn chế số người dâng mình cho Chúa. Số người đi tu tại Bắc Mỹ và các nước Âu Châu ngày nay coi bộ đã rất lèo tèo phải chăng vì mục độc thân? Thanh niên ngày nay có nhiều mục, nhiều trò chơi trong một xã hội phóng khoáng, ít người có can đảm dứt bỏ cuộc sống trần gian để giam mình vào tu viện. Giám Mục Jacques Gaillot, trong ý hướng muốn tăng gia số tu sĩ, đã cho rằng việc ít thanh niên đi tu là do luật độc thân quá khe khắt của Giáo hội: “Tôi không bao giờ bỏ lời đã thề hứa về việc giữ luật độc thân...Tôi chỉ đặt vấn nạn về luật đó. Và luật đó thật đáng ghê sợ...Trong tương lai tôi sẽ để cho các linh mục được tự do quyết định có nên cưới vợ hay không”. Christopher West trong cuốn “Sex, Heaven and Priestly Celibacy” cũng lập luận y chang như vậy: “Việc từ bỏ luật độc thân chính là phương cách hữu hiệu nhất nhằm giải quyết tình trạng thiếu linh mục”.
Trước sức ép của nhiều nhóm đặt lại vấn đề bắt buộc độc thân cho các tu sĩ công giáo,có lẽ đã tới lúc giáo hội phải đặt lại vấn đề. Giáo Hoàng Benedict XVI coi bộ không muốn quay lại vấn đề nhức đầu nhức óc này. Ngài đã cho biết là thà có một giáo hội nhỏ mà có kỷ cương hơn là một giáo hội lớn vô tổ chức. Phía Giám mục Helmut Schuller cũng cương quyết không kém. Họ sẽ thổi bùng phong trào trên khắp nơi khắp chốn. Họ chọn năm nay, 2012, làm năm...dấn thân.

Chẳng lẽ chung quanh tòa thánh Vatican đã có mùi hoa lài!

04/2012