@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

NGỌNG

Được ai hỏi quê quán tôi thường trả lời rất mau mắn: “Tôi người Hà Nội” với cái mặt hơi vênh lên một chút. Ý nói đây dân kinh kỳ thứ thiệt đây!

Tôi xa Hà Nội năm tôi mười sáu khi chưa biết cái chi chi cả ngoài cái nghịch ngợm của một anh học trò ngây ngô ngớ ngẩn. Thua xa ông Anh Bằng đã “vừa biết yêu”. Khi tôi trở lại Hà Nội thì mái tóc đã màu nọ màu kia trông rất nản. Tôi trở về Hà Nội nhưng nhà văn Ban Mai thì tới Hà Nội. Nghe ra cô cũng rất nản. Cô từ Sài gòn đến Hà Nội ba chục năm sau ngày cộng sản xâm chiếm miền Nam với cái háo hức được đặt chân tới nơi kinh kỳ, “đất Bắc của những vị vua anh hùng, nơi xây dựng bờ cõi đầu tiên của đất nước Việt”. Cô mê những áng văn nói về Hà Nội của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng nên khi được dịp tới Hà nội cô tưởng chừng như sờ mó được những dấu vết đã làm nên những áng văn chương tuyệt tác đó. “Tôi nhớ cái lạnh cắt da của xứ Bắc mà mẹ con Nhà mẹ Lê nghèo khổ phải nằm trên ổ rơm lấy chiếu cuốn quanh người, tôi nhớ người vợ hy sinh đã tự thả tay mình chìm dưới dòng nước lũ để người chồng có sức bơi vào bờ trong “Anh Phải Sống”. Tôi nhớ cô hàng xén răng đen lóng lánh gánh hàng rong e ấp dưới nắng thu. Và tôi mê ba mươi sáu phố phường Hà Nội từ khi đọc Thạch Lam.Ba mươi sáu phố phường Hà Nội một buổi chiều hè tôi lang thang từng con phố nhỏ, những căn nhà hẹp sâu hun hút, mái ngói rêu phong, tôi không tìm đâu ra được hình ảnh của những ngôi nhà cổ. Tất cả đã đổi thay theo thời gian, thời kinh tế thị trường “tấc đất tấc vàng”, các mặt tiền đều cơi nới, nhấp nhô, khoác lên mình bộ mặt hào nhoáng, đèn neon xanh đỏ. Tôi vào phố Hàng Đào tìm căn nhà cũ của gia đình Trần Vũ, căn nhà hai tầng số 47 của cụ Trần Viết Phú, ông ngoại Vũ, giờ đây là cửa hàng thời trang, mong tìm hình ảnh mà Vũ mô tả trong ký, nhưng tất cả thật đổi khác. Cụ Trần Viết Phú bị Việt Minh hành quyết và con cháu lưu lạc vào Nam rồi ra biển. Bạn tôi đánh mất đất Bắc, còn tôi ngơ ngác trên đất Bắc. Tôi ngước nhìn xem mẹ Vũ ngày xưa có đứng trong ô cửa tầng hai, nép mình bên rèm để ngắm các chàng trai trường Bưởi dạo phố mỗi chiều xuân. Cuối cùng, bà làm dâu trong một gia đình thương gia người Hoa nhưng nhất quyết giữ nếp sống người Việt trong gia đình mình. Giáo dục con theo phong tục người Việt, nói tiếng Việt, ăn món Việt. Không cho các con mình học tiếng Tàu, không cho con mình gọi bố bằng Pá như những gia đình Tàu khác. Tôi hiểu vì sao ngày xưa đất nước tôi bị Tàu đô hộ ngàn năm nhưng vẫn không bị khuất phục, không bị đồng hóa, chính nhờ những người đàn bà Việt Nam thầm lặng này. Họ là những người giữ lửa cho hồn dân tộc”.

Thiếu nữ Hà Thành, những bóng dáng tiên nữ cao sang đã đi vào văn học, là hình ảnh mà nhà văn Ban Mai, người Sài gòn, vẫn giữ trong tim. “Tôi lang thang trên phố mong tìm thấy hình ảnh thiếu nữ Hà Nội duyên dáng xưa, mà các chàng trai vệ quốc quân trên Đường Biên giới đêm đêm vẫn luôn mơ về “Hà Nội dáng Kiều thơm” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Thật trái ngược, trên các phố tôi chỉ thấy những thiếu nữ tóc “xù lông nhím”, áo hai dây, khoe ngực và phơi rún nhún nhảy trên đường.Hà Nội thanh lịch, yêu kiều mà tôi yêu, là Hà Nội của một thời đại khác, của những người đã khuất, giờ đã xa, xa lắm rồi. Những hàng quà của Thạch Lam trong ba mươi sáu phố phường vẫn còn, nhưng đã biến dạng thành phở quát, cháo chửi đến không còn nhận ra là các văn nhân tao nhã đã từng ăn ở đây”.

Nhà văn Ban Mai không tìm thấy Hà Nội, còn tôi cũng đã mất Hà Nội khi trở về sau gần nửa thế kỷ xa cách. Trong truyện “Chốn Cũ” viết sau khi trở về Hà Nội, tôi đã bộc bạch sự mất mát này: “Phương sửa lưng tôi. Mấy hôm nay tôi cứ bị sửa lưng hoài vì cái giọng Hà Nội mà dùng chữ Sài Gòn. Vậy mà mấy bà bán hàng, khăn nhung quấn nghiêm chỉnh trên đầu, ở các con đường có đội chữ Hàng đằng trước, cứ xoắn xuýt khen lấy khen để cái giọng Hà Nội tôi đã vác đi ta bà thế giới trong ngót năm chục năm qua là đúng giọng Hà Nội xưa. Giọng Hà Nội nay có khác. Nghe lượn lờ như có thêm múi chanh trên môi”.

Mất Hà Nội trong tầm mắt, tôi mất cả Hà Nội trong đôi tai. Giọng Hà Nội bây giờ không như xưa. Nó quay ngoắt 180 độ để uốn éo làm đau tai người Hà Nội cũ. Tôi có một anh bạn người Hà Nội, gia đình di cư vào Nam năm 1954 nhưng anh đã ở lại. Ở lại không phải là chọn lựa của anh. Lúc đó anh mới hai tuổi thì chọn lựa chi! Anh bị ở lại vì bà ngoại anh tiếc cơ ngơi to lớn của gia đình nên không chịu di cư cùng con cháu, cha mẹ anh đã để anh ở lại với bà để bà đỡ cô đơn. Mãi tới năm 1980, khi bà ngoại anh đã mất, anh mới vào Nam gặp gia đình và đi định cư ở Montreal. Ở lại Hà Nội nhưng anh khác mọi người, vẫn giữ được giọng Hà Nội xưa. Hỏi anh, anh nói anh đã chịu nhiều thiệt thòi khi không sống như mọi người nhưng anh bất cần. Anh không lệ thuộc vào xã hội nhiều vì anh đã sống bằng “viện trợ” của gia đình ở Sài Gòn gửi qua đường Pháp. Anh cho biết là ngày đó, dân Hà Nội lớp di cư, lớp bị đuổi ra khỏi Hà Nội, dân tứ xứ theo đoàn quân chiến thắng tràn vào thủ đô mang theo cái giọng tỉnh lẻ đã được pha trộn lung tung vào. Dân Hà Nội còn lại, nhất là lớp trẻ còn đi học, đã phải theo thời tiêm nhiễm cái giọng phi kinh kỳ đó.

Đài phát thanh RFI, ở tuốt tận bên Pháp, cũng phải đề cập tới chuyện nói ngọng ở Hà Nội. Trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Thanh Thảo, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn ở Việt Nam đã nói về việc tại sao dân Hà Nội nay lại ngọng. “Tôi cảm thấy một điều là, ngay cả những người trong gia đình tôi, trước đây không ngọng đâu, thế mà bây giờ cũng ngọng, sau năm 1954 cũng ngọng. Cái đó phụ thuộc vào một điều như thế này. Sự phát triển của xã hội trong thời gian vừa qua, theo tôi, có tính chất xô bồ, tùy tiện. Có một hiện tượng nông thôn hóa các đô thị Việt Nam. Nói chung là, trước năm 1945, 1954, các đô thị có một sự phân biệt rõ rệt đối với nông thôn. Thế nhưng, sau năm 1954, tôi thấy là, số người nông thôn tràn lên Hà Nội, và chiếm một tỷ lệ rất lớn ở Hà Nội. Đồng thời họ mang về Hà Nội những ngôn ngữ của địa phương họ. Chính cái đó nó làm cho chính người Hà Nội cũng bị dao động, cũng bị lôi cuốn theo cái đó, và nó làm cho cái hiện tượng ngọng trở lại”.

Khi Hà Nội bị lụt lội các phiếm gia đã chơi chữ đổi tên Hà Nội thành Hà…Lội. Đúng là cái tên tiền định! Bài ca “Em Ơi Hà Nội Phố” của nhạc sĩ Phú Quang đã được phiếm sĩ Tiến Râu cải biên thành “Eo Ơi Hà Lội Phố”. Eo ơi Hà Lội phố /Ta còn em vì kẹt xe / Ta còn em vì nước lũ / Con đường vắng ào ào cơn mưa đổ / Em đứng chờ ai đến sửa xe dùm / Ta còn em, cây bàng ngập ngang nửa thân / Ta còn em mất guốc lội đi bằng chân / Lội trong dòng sông vừa dâng, bùn dơ nhão nhoét / Nước bốn bề xe đi không nổi / Chưa tan chiều sao mà kẹt đám đông ra / Ta còn em, đầu phố đứng kêu ca / Nhìn từng đứa dắt xe qua, lao xao chửi thề / Người nghệ sĩ đói meo mò ra phố / Bỗng ước mình lại có được một con đò!

Không biết có phải vì bị chọc quê nhột quá chịu không nổi mà thành phố nhất quyết trừ nạn ngọng. Ngọng ngày nay là đặc tính của dân Hà…Lội. Người người nói ngọng, nhà nhà nói ngọng, lãnh đạo nói ngọng, giáo viên nói ngọng, hiệu trưởng nói ngọng, truyền hình nói ngọng. Huyện Phú Xuyên là thí điểm chữa nói ngọng từ niên học 2008-2009. Ông Lưu Luyến (không phải là “Nưu Nuyến” nhé!), Phó Phòng Giáo Dục Huyện cho biết có khoảng 20% giáo viên và 40% học sinh trong huyện nói ngọng nhưng ông cho biết: “Từ năm 2008 tới nay, số lượng giáo viên và học sinh nói ngọng giảm đi rất nhiều. Bản thân tôi trước đây cũng có một vài từ phát âm chưa chuẩn, bởi cả làng, cả xã, cả huyện mình nói thế. Nhưng từ năm 2008, tôi đã cố gắng sửa để làm gương cho các em”. Huyện Mê Linh có tỉ lệ người nói ngọng khá cao, từ 30% đến 50%!

Dân ngọng, học sinh ngọng, đến cô giáo cũng ngọng. Cô giáo viên một trường tiểu học huyện Đông Anh, tên Hiền, đã can đảm nói trước một hội nghị tập huấn về nói ngọng tại huyện: “Tôi là giáo viên ngọng nhất trường!”. Cô tâm sự: “Hồi phổ thông mình đi học quanh đây thì toàn người nói ngọng nên có sửa được gì. Lên Đại học bạn bè nói nhiều nên cũng xấu hổ và sửa nhiều lắm. Nhưng rồi khi về quê, hòa nhập lại với môi trường cũ, nói sai thì mọi người vẫn cho là đúng, không biết đó là sai nữa. Nên lâu dần thành quen, mình lại nói ngọng. Những lúc dạy học trò, vì tập trung nên mình ít mắc lỗi hơn. Còn nói chuyện với nhau thế lày. Đấy, hơi nhanh là vấp!”.

Ngày 30 tháng 10 vừa qua, phóng viên Văn Chung đi làm phóng sự về…ngọng, đã tới trường Mai Lâm. Ông kể lại: “Một học sinh lớp 7 đang đứng trên xe đạp nhảy tót xuống bờ ao gần đó, tính xem có nhìn thấy con cá nào không. “Bọn mày ơi, xem lày, chỗ luớc lày lông, nội được”. Thấy mấy em nhỏ tiểu học đứng trên bờ, em nói: “Tao lói mà không tin à? Đây lày”. Vừa nói cậu vừa xắn quần lội xuống chỗ nước nông. Hỏi các em có biết đang nói ngọng không, mấy cu cậu chỉ cười: “Cũng lúc biết lúc không. Mà bọn em quen rồi”.

Không quen sao được khi chính các thầy cô, ngay cả hiệu trưởng cũng nói ngọng. Hiệu trưởng một trường tiểu học trong huyện Đông Anh, khi trả lời phóng viên Văn Chung về công tác dạy học sinh cách luyện phát âm đúng, đã phát ngôn nguyên văn như sau: “Lăm lay chúng tôi mới bắt đầu triển khai việc lày. Lói chung là cũng khá vất vả nhưng phải làm quyết liệt thì mới mong thay đổi thực trạng này”. Một vị hiệu phó cũng chơi ngay màn nói ngọng với phóng viên: “Cần thiết và quan trọng là giáo viên cần thường xuyên uốn lắn cho học sinh. Các giáo viên khi nhận chủ trương lày cũng bàn tán khá sôi lổi”. Vậy mà sau đó vị hiệu phó này còn thòng câu biện minh cho mình là “ít nhiều vẫn nhẹ hơn chị hiệu trưởng”! Theo thông báo của trường Tiền Phong A, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, thì trong tổng số 38 giáo viên của trường có hơn 20% còn nói ngọng. Hiệu phó trường tiểu học Vĩnh Ngọc phân tích: “Có thể bình thường mình giao tiếp, anh nói ngọng, tôi và anh cười với nhau được. Nhưng thật nguy hại khi mình là giáo viên mà còn nói ngọng, vì nói rộng ra, phát âm đúng thì anh mới hiểu được đúng từ ấy dùng trong hoàn cảnh nào, từ đó dẫn tới những cảm thụ đúng. Ví như nói “Hà Lội” thì Hà Nội đang lụt to rồi! Cổ Loa mà thành “Cổ Noa” thì thật buồn cười!”.

Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Việt Hùng cho việc sửa nói ngọng cần sự tham gia của toàn thể cộng đồng. Ông cho biết “nhiều khi trên truyền hình vẫn phát sóng người trả lời phỏng vấn nói ngọng mà mọi người xem vẫn chấp nhận”.

Ngọng phụ âm “l”và “n”trước đây không thấy có ở dân kinh kỳ. Ngày tôi còn ở Hà Nội, học sinh nào ngọng hai phụ âm này bị bạn bè chế giễu là dân nhà quê. Chỉ ít lâu sau khi ăn cơm gạo Hà Nội, những học sinh từ các miền khác về Hà Nội sẽ sửa được ngay. Nhưng dân Hà thành có một điểm ngọng khác không bị coi là ngọng. Đó là cách phát âm các phụ âm “x và s”, “tr và ch”, “d” và “r” hay “gi”. Có nhiều quan điểm về cách phát âm sai sót này của dân Hà Nội nhưng nguyên nhân đúng nhất là khuynh hướng phát âm nhẹ đi những phụ âm trên. Dân miền Trung hay miền Nam phân biệt rất rõ ràng các phụ âm này. Họ uốn lưỡi khi phát âm phụ âm “s”hay “tr”. Dân Hà Nội thì không. “X’ hay “s”, “tr” hay “ch”, “d” hay “r” hoặc “gi” cứ sêm sêm như nhau. Hậu quả là các người viết gốc Hà Nội chúng tôi viết sai chính tả một cách khơi khơi mà không biết. Riêng tôi, mỗi lần phân vân trước trang giấy giữa “chưng” hay “trưng”, “dấu diếm” hay “giấu giếm” là khựng lại, có khi mất đi mạch văn trong đầu. Cứ viết theo cảm nhận, sau đó sẽ sửa.  Các tác giả người miền Bắc chẳng ông nào qua được những cái bẫy này, càng nhiều tuổi bệnh càng nặng. Tôi vừa thử đọc hai bài văn của hai ông tác giả già người Bắc, thấy ông nào cũng vướng bẫy tới mấy lần trong một bài tương đối ngắn. Khi viết xong, cho chắc ăn, hoặc tôi tra từ điển chính tả, hoặc, trong trường hợp của tôi có vợ Huế, nhờ bà ấy uốn lưỡi là biết liền! Dù sao việc sai sót phát âm các phụ âm này là sự sai sót rất... Hà Nội! Nó thường đến nỗi nghe các ca sĩ hát tân nhạc mà uốn lưỡi các phụ âm “s” hay “tr” thì lại cảm thấy khó chịu.

Trong bài viết “Thế Nào Là Người Hà Nội, Nhân 1000 Năm Thăng Long”, tác giả Lê Phú Khải đã bàn tới những đức tính cũng như lối sống của người Hà Nội. Theo ông, người Hà Nội nổi bật nhất là nét thanh lịch, ưa thích sự liêm chính trong sạch, không ưa sự ồn ào phô trương, không có máu tham, không dám dấn thân làm việc khó, chỉ thích sống bình yên ,  không muốn xa “ba mươi sáu phố phường” và....mượn sách không bao giờ trả! Tác giả chú thích thêm: “Thậm chí còn cho việc trả sách là ngu! Nhưng nợ tiền thì anh ta ngày đêm lo trả, không hề có ý định ăn quỵt!”. Bạn nào giao du với người Hà Nội không nên cho họ mượn sách, cho mượn tiền thì nên!

Nhưng đó là người Hà Nội ngày cũ. Tác giả Lê Phú Khải viết: “Bây giờ mười người Hà Nội thì có đến tám người từ các nơi khác đến “ngụ cư”! Họ làm quan, làm thợ, làm dân thường. Họ mang lối sống “hỗn tạp”(từ dùng của nhà thơ Hoàng Hưng) đến đất ngàn năm văn vật! Chính vợ nhà thơ Hoàng Hưng kể với vợ chồng tôi rằng, hai vợ chồng bà đi chợ mua một ngàn đồng chè tươi, được người bán vốc cho một nắm. Thấy một ngàn mà cũng được một vốc, nhà thơ Hoàng Hưng khen: “Được nhiều đấy nhỉ!”. Bất ngờ cô bán hàng chửi: “Mua có một ngàn mà còn nói cái đéo gì, cút mẹ nó đi cho người ta bán hàng!”. Ít lâu sau tôi được biết vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng đã bán căn hộ ở bán đảo Linh Đàm để quay về Sài Gòn. Chấm dứt “ước mơ”cuối đời quay về cố đô sau nhiều năm lưu lạc!”

Nhà thơ Hoàng Hưng ba đời là người Hà Nội, đã phải bỏ chạy Hà Nội vì người Hà Nội mới không những ngọng trong giọng nói mà còn ngọng trong cư xử. Nhà thơ Quang Dũng, cũng dân Hà Nội, đi kháng chiến, vẫn mơ về Hà Nội. Có điều Hà Nội của Hoàng Hưng là Hà Nội ngày nay còn  Hà Nội của Quang Dũng là Hà Nội  trong “vùng tạm chiếm” (sic). Hai Hà Nội khác nhau. Rất khác nhau.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.

Chữ “Kiều” được viết hoa có cả một giai thoại. Trong lễ kỷ niệm 90 năm sanh của Quang Dũng vào ngày 11/11/11 vừa qua, nhà thơ Vân Long đã tiết lộ về dáng Kiều này khi nhắc lại câu chuyện kể của Chiêu Dương, tức Nguyễn Ngọc Chương, bạn thân của Quang Dũng. Lúc hai cậu Ngọc Chương và Quang Dũng sắp sửa đi thi lấy bằng “đíp-lôm”ở Hà Nội, Chương rủ bạn đến chơi nhà mấy chị em cô Kiều nổi tiếng xinh đẹp, con một ông chủ thầu khoán ở số 68 Hàng Bông. Đó là các cô Kiều Vinh, Kiều Dinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Ông Chương đã chấm cô Kiều Dinh, ba cô Kiều còn lại chàng Quang Dũng muốn cô nào thì cứ việc cua. Lúc đó hai chàng thanh niên đều trẻ trung, cao ráo, tuấn tú. Nhà thơ Vân Long nói thêm về Quang Dũng: “Quang Dũng về già còn đẹp huống chi lúc tuổi đương xuân. Còn Ngọc Chương từng tặng tôi bức ảnh ông thi lực sĩ thể hình”. Cả hai đều đẹp trai như vậy nên ông bố của bốn cô Kiều rất ưng ý. Ông chỉ ra một điều kiện: phi “đíp lôm” bất thành phu phụ! Kỳ thi đó hai chàng đều nếm mùi “thi không ăn ớt thế mà cay” mà ông Tú Vị Xuyên đã từng nếm qua. Vậy là cái vỏ chuối làm hai chàng mất vợ. Ôi ta buồn ta đi lang thang, chàng Ngọc Chương chán nản bỏ vào miền Nam một thời gian.

Năm 1948, Quang Dũng đi dự đại hội toàn quân ở Phù Lưu Chanh thuộc tỉnh Hà Nam sau khi đã tham dự chiến dịch Tây Tiến. Ông đọc bài thơ Tây Tiến trong đại hội và được khen ngợi nồng nhiệt. Bài thơ sau đó được đăng trên báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Bộ Đội. Độc giả chuyền nhau chép tay lưu giữ. Khi đó Ngọc Chương đang làm việc tại xưởng công binh Liên Khu Ba. Một chiều cuối năm 1948, Quang Dũng tới thăm bạn và tặng bạn bài thơ Tây Tiến. Hai người bạn ngồi bên nhau nhắc lại những kỷ niệm với các cô Kiều năm xưa.

Sau đó, bài thơ bị quy chụp là ủy mị, tiểu tư sản, tội là ở câu thơ “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. Dịch giả Thúy Toàn hồi tưởng lại chuyện quy chụp này: “Có lúc Quang Dũng không dám nhắc đến đứa con tinh thần của mình, có người đả động đến ông cũng làm ngơ. Nhưng rồi bài thơ vẫn sống được, vẫn được lưu truyền”.

Dù câu thơ “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” có bị đấu tố thì Hà Nội lúc nào cũng vẫn ở trong Quang Dũng. Và tôi có thể đánh cá mà không sợ thua: bốn cô Kiều Hà Nội này nhất định không nói ngọng!

11/2011