@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

TIÊN

Tiên ở cõi trên, một nơi chúng ta rất mù mờ. Nếu muốn biết rõ về tiên thì có thể hỏi hai ông Lưu Nguyễn. Lưu Nguyễn là hai người đã được diễm phúc lên gặp tiên, không phải là ông nhà thơ Lưu Nguyễn ở Montreal chúng tôi. Ông nhà thơ này có vóc dáng rất khó bay nên chuyện gặp tiên là chuyện bất khả. Vậy thì hai ông Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã lên trời gặp tiên, được coi tiên trình diễn văn nghệ, mê mải đến quên đường về. Khi tỉnh ra, thấy cảnh tiên không mặn mà bằng cảnh trần thế nên hai ông đã về trần sau cả trăm năm đi lạc vào cõi tiên. Cuộc du hí dài hạn của hai ông…trời này không có phóng  viên đi theo, nhiếp ảnh viên lại càng không có nên không có vụ tường thuật tại chỗ. Chỉ có mấy ông nhà thơ, nhà nhạc sau này cảm hứng tán ra thôi. Tán hăng nhất là ông nhà thơ Trung Hoa Tào Đường. Ông này chơi tới năm bài đường thi: Lưu Nguyễn Du Thiên Thai (Lưu Nguyễn đi chơi Thiên Thai), Lưu Nguyễn Động Trung Ngộ Tiên Tử (Lưu Nguyễn gặp tiên trong động), Tiên Tử Tống Lưu Nguyễn Xuất Động (Tiên nữ tiễn đưa Lưu Nguyễn rời động), Tiên Tử Động Trung Hữu Hoài Lưu Nguyễn (Tiên nữ trong động nhớ Lưu Nguyễn), Lưu Nguyễn Tái Đáo Thiên Thai Bất Phục Kiến Chư Tiên Tử (Lưu Nguyễn trở lại Thiên Thai nhưng không còn gặp tiên). Chúng ta đang nói tới tiên nên tôi chọn bài tiêu biểu nhất “Lưu Nguyễn Động Trung Ngộ Tiên Tử” để nói về cuộc gặp tiên của Lưu Nguyễn, bản dịch của Trần Trọng Kim.

Một màu xanh biếc trời cây
Đường đi mờ mịt ráng dầy khói sâu
Hang mây đầy núi chim đâu
Vạn khe tiếng nước nỗi chầu sinh ca
Càn khôn riêng động Bích Sa
Bên cành hồng thụ dôi da tháng ngày
Trong hoa mong có người hay
Khỏi cho tiên khuyển sủa rầy chàng Lưu

Nhà thơ Thế Lữ, tuy không theo chân hai ông Lưu Nguyễn, nhưng đã tường thuật lại cuộc lên tiên y như thấy trước mắt.

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi

Nhạc sĩ Văn Cao, khi phổ nhạc bài thơ này đã thêm chi tiết khá thú vị: thiên thai chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên. Tôi khoái chi tiết này hết biết. Đào tiên, thích nhỉ!

Tiên theo chỗ tôi tìm hiểu thì chỉ làm có hai việc: múa và tắm. Chỉ có cô Giáng Tiên của chàng Tú Uyên trong truyện Bích Câu Kỳ Ngộ là biết làm bếp. Truyện kể là khi chàng thư sinh vắng nhà thì Giáng Tiên từ trong tranh bước ra làm cơm để sẵn cho chàng về có thứ mà đớp. Chàng đớp mình ên vì sau khi bếp núc xong, nàng lại chui vào tranh đứng trong tư thế múa tiếp. Thắc mắc không biết ai làm cơm sẵn cho mình, một bữa chàng rình và khi thấy Giáng Tiên bước ra khỏi tranh, chàng vội chạy tới xé bức tranh để Giáng Tiên trở thành homeless chẳng có cách nào khác là chung sống với chàng. Truyện không nói chi tiết cuộc sống vợ chồng của cặp đôi tiên và trần này nhưng tôi, vốn mang tính trần, nên suy đoán là từ đó nàng tiên Giáng Tiên biết làm nhiều chuyện khác nữa.

Tại sao tôi biết tiên tắm, đó là vì đọc báo thấy nói tới tắm tiên. Tắm tiên hay tiên tắm chắc cũng một thứ. Vậy thì tắm tiên khác tắm trần như thế nào? Điều khác biệt rõ ràng nhất là tắm tiên phải ở giữa suối đồi rừng cây còn tắm trần thì ở trong nhà tắm. Vì tiên tắm một cách công khai như vậy nên những con mắt trần mới hấp hem. Đó là nói chung chung chứ tôi chưa bao giờ thấy tiên tắm. Có lẽ vì tôi ở thành phố nên tiên sợ cảnh sát phạt không dám tắm. Tôi không nghĩ vậy. Đối với tiên thì cảnh sát là thứ tép riu, sợ chi. Chàng tu huýt nào động vào tiên thì nàng chạy về mách cha Ngọc Hoàng, có mà mất job. Tôi nghĩ tiên là người có lòng nhân nên không muốn gây ra cảnh kẹt xe vừa phiền nhiễu bàn dân thiên hạ vừa gây nên nạn ô nhiễm vốn là thứ rất tai hại cho trái đất. Vậy nên tiên mới tắm ở suối, cách xa phố phường. Như bất cứ một người đàn ông chân chính nào khác, tôi rất muốn được coi tiên tắm, nhưng với tôi bây giờ, chuyện trèo đèo lội suối là chuyện rất khó khăn nên nghĩ mình chẳng có cái may mắn đó. Mất cái may này lại được cái may khác. Đó là có những phóng viên báo chí chịu khó lặn lội đi coi tiên tắm về kể chuyện lại cho mình nghe. Vậy cũng thú vị chán. Chỉ tiếc là khi mình chân cẳng còn ngon, cũng viết báo viết chí như ai, lại không có ông chủ nhiệm nào phái mình đi làm phóng sự tiên tắm. Âu cũng là một sự mất mát trong trăm ngàn cái mất mát của cuộc đời mỗi chúng ta. Không đi được thì bám vậy. Tôi bám theo chân mấy ông nhà báo có phước gặp…tiên.

Tắm tiên thường thấy ở miền thượng du Bắc Việt giữa miền núi rừng còn hoang sơ kỳ bí. Một ký giả tả tình tả cảnh. “Khi trời đã xám xịt sắp chuyển sang gam màu tối đen, trước mắt tôi: những cô gái người Dao bắt đầu đi tới con suối ở hang Đất rồi từ từ trút bỏ xiêm y. Cơ thể đầy đặn, trắng mịn nổi bật lên giữa màu u tối của đất trời. Nghe qua thì với người bình thường hẳn đã là kỳ thú; còn với những người ham thích phiêu lưu, khám phá thì được một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của các sơn nữ “tắm tiên” quả là một niềm hạnh phúc. Lại nhớ mươi năm trước: anh Đào Tấn trong một lần làm phóng sự tại Mường Cờ từng kể với tôi rằng: Bản ở cao, nơi đỉnh núi nhô lên trên mây, nơi đây quanh năm có gió và mặt trời. Đám trâu rừng đứng loi nhoi giữa đường phà hơi mũi mù mịt dương cặp mắt to ngơ ngác nhìn khách lạ còn ngựa bản dậm chân lốc cốc, ngửi miệng nhau không ngừng nhai tóp tép”.

Đi coi tắm tiên mà nói chuyện trâu bò nghe nản hết sức. Nhưng ông ký giả này là người có lẽ quen biết nhiều. Thường thì muốn thấy tiên tắm, không đến nỗi phải bắc thang trèo tới thiên đình, nhưng cũng trăm phần vất vả. Các nàng đùa vui với thiên nhiên chứ đâu có làm diễn viên cho mấy ông miền xuôi săm soi ngắm nghía. Nhưng với mấy ông miền…ngược, coi bộ quen nhau quá rồi. “Anh Bung trưởng ban văn hóa dẫn khách lội qua suối, các cô gái Thái tắm trần không thèm che ngực non, áo trắng phơi trên bậu đá xám, nô đùa như bầy giặc tiên. Anh Bung văn hóa hô rằng: “ Ngâm mình xuống suối đi thôi, không thì cán bộ xấu hổ bây giờ”. Tiếng các cô cười trong trẻo như pha lê, ngọt và nõn như nắng. Có cô tinh ranh đáp lại rằng: “Cán bộ thích kia mà”. Lại cười lên khanh khách. Nước suối đương xuân thò tay xuống là lạnh thấu, nhưng mà má sơn nữ thì nóng đỏ như lò than, có lẽ lòng khách cũng vậy”.

Theo những tài liệu tôi đọc được thì coi tiên tắm chẳng là một sự dễ dàng. Cuộc sống nơi núi rừng ngày nay đã khác, không còn là cuộc sống biệt lập túm tụm nhau trong một bản làng. Với những chuyến du lịch, núi rừng đã mở ra trước những con mắt soi mói của người miền xuôi và người ngoại quốc. Các tiên nữ trên rừng thẳm chẳng còn ngây thơ mộc mạc. Họ đã phải che chắn. Thông thường những buổi tắm tiên đã có…kỹ thuật của nó. Từ ngàn xưa. Họ đã khéo léo dùng chiếc váy phủ lên người để ngăn cản những con mắt sỗ sàng bằng tiểu xảo biến nó thành một phòng tắm kín đáo di động. Họ lội xuống suối, kéo dần chiếc váy lên, da thịt mở tới đâu, váy vén cao lên tới đó. Dòng nước đã dấu đi dùm họ những phần thân thể cần phải dấu. Chiếc váy leo cao dần. Khi bộ ngực đã nhúng nước, chiếc váy được nâng cao lên làm thành chiếc khăn quấn đầu. Và họ tha hồ đùa giỡn giữa thiên nhiên. Suối nước đã ôm kín toàn thân trắng ngần. Khi tắm xong, chiếc khăn quấn trên đầu sẽ từ từ rũ xuống cho tới khi họ bước lên bờ suối. Chiếc váy vẫn khô ran được buộc chặt nơi ngực, họ đứng gập người về phía dòng nước để xõa tóc, tắm phần lưng trần và gội đầu. Kín như bưng.

Em gái Thái xuống suối
Dầm đôi ngực trắng phau
Em từ từ nâng váy
Lên cao tới đỉnh đầu
Bỗng nhiên từ nơi ấy
Bừng nở bông hoa đào
Con chim hoang chào mặt trời đang về
Về chốn núi xa nhẹ nhàng gió lơi
Mang trên vai đường về thoảng nghe gió đùa hôn
Hôn một chút nắng vương nhẹ bay
Cùng đùa vui theo suối hát
Nước suối mát reo, rộn bước chân em tìm về
Say hồn trong nhẹ nhàng nước
Mây vẫn trôi…

Ngày nay tiên đã về trời gần hết vì sự thóc mách của các cặp mắt trần. Muốn tìm tiên phải vô vàn vất vả. Một ông trưởng bản đã vẽ đường cho ký giả…chạy: “Nếu nhà báo muốn tìm sơn nữ tắm tiên bây giờ chỉ có cách đi xuyên qua rừng quốc gia Xuân Sơn, tìm vào xuống người Mường, người Dao ở Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ…thì có lẽ vẫn còn vì đường vào đó chưa làm hết, các hộ dân hầu như vẫn sống biệt lập với thế giới bên ngoài”. Vậy là ông ký giả này vội đi tìm tiên theo lời chỉ dẫn của ông già núi rừng. Từ Xuân Sơn, nơi giáp ranh giữa Sơn La và Hòa Bình, ông phóng xe gắn máy qua rừng Xuân Sơn. Nói thì dễ nhưng có đi mới biết sự vất vả. Nếu là tôi, chắc tôi chẳng đi. Tiên đâu chẳng thấy có khi lại mất mạng. Nhưng ông ký giả gân này vẫn đi. Chẳng phải vì chỉ muốn có những tấm hình tiên tắm, mà có lẽ vì…nghề nghiệp! Ông kể lại nỗi đoạn trường: “Con đường đi qua rừng quốc gia Xuân Sơn kéo dài gần 30km, xe đi phải cài số 1 mới đi lên được những đoạn dốc gần như thẳng đứng, trong rừng lại rất nhiều vắt, chỉ cần đỗ xe lại một lúc thôi là sẽ bị những sinh vật này bám vào. Càng đi sâu vào tận cùng xã Xuân Sơn, đường càng thêm heo hút, nhiều đoạn đường nước suối chảy tràn lên chắn ngang đường, ngập đến nửa bánh, đi không vững tay lái dễ bị cuốn trôi cả người lẫn xe xuống vực như chơi”.

Cuối cùng, trời cũng chiều người, ông tới được chỗ tiên tắm. Trời chiều ông ký giả này vì ông đã có công, vượt bao hiểm nguy, đi tìm gặp đám con gái cưng của Trời. Cảm động chứ! Nhưng tôi vốn đa nghi nên cứ tự hỏi ông này vì thương con Trời hay vì thương cái bản năng của ông. Vượt qua quãng đường gai góc, ký giả gặp ông trưởng bản Cỏi tên Đặng Vĩnh Phúc. Ông này lên lớp:  “Tắm suối là nét văn hóa có từ hàng ngàn năm trước. Trước đây cứ sau mỗi buổi lao động vất vả trên nương, phụ nữ bản lại rủ nhau ra suối trầm mình xuống dòng nước mát lạnh. Tắm suối không chỉ để gột rửa bụi bẩn, ngâm mình trong dòng nước mát cho thư thái mà còn là thời gian để họ chuyện trò tâm sự, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống". Ông được ông Vĩnh Phúc giới thiệu tới một nhà để ở nhờ. Núi rừng đâu có khách sạn, dù chỉ là khách sạn một sao. May sao, nhà này có một cậu trai 18 tuổi, ký giả lân la nhờ em này dẫn đi coi tắm tiên. Cậu trai lại…quốc văn giáo khoa thư cho anh ký giả háo hức tìm tiên: “Có đấy, nhưng hơi xa, tít tận ở hang Đất, đường xấu xe máy không đi được, phải đi bộ lâu lắm. Với lại đi nhìn người ta tắm ngại lắm, người ta biết mình rình mò thì xấu mặt”. Ký giả phải dùng ba tấc lưỡi thuyết phục cậu bé 18 tuổi là đi coi và chụp hình là vì nghề nghiệp chứ không phải vì con mắt tò mò. Cuối cùng, cậu bé mới dẫn đi. “Đúng 5h chiều, tôi và cậu em Lương cuốc bộ từ nhà đi; đoạn đường tới hang suối có “tiên nữ” là đường đồi, dù không dốc nhưng rất lầy lội. Đường lót toàn những phiến đá to ụ, lởm chởm đi bộ còn nhọc, xe máy đi lên đây thì chịu thua. Và rồi cái gì đến cũng đến, một vẻ đẹp huyền ảo đã lộ ra trước mắt. Chiếc váy hoa được các cô gái quấn cẩn thận lên đầu ôm gọn lấy mái tóc, ngâm mình dưới làn nước mát lạnh, bờ vai trần trắng ngần thấp thoáng theo những làn sóng nước của con suối”.

Vậy là mãn nhãn. Tôi trích ra đây những câu thơ ngợi ca…tiên của một nhà thơ gốc dân tộc Thái tên Bạch Văn Ủi. Bài thơ này được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Theo báo chí trong nước. Tên bài thơ: Em Tắm.

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem
Em tắm suối giữa mương
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường.

Báo chí trong nước coi việc tắm tiên của các dân tộc thiểu số trên mạn núi rừng là một nét văn hóa. Ở Việt Nam bây giờ cái chi cũng được đội cho chiếc mũ văn hóa. Có lẽ thiếu cái chi thì người ta hay nói về cái đó.

Cũng tắm tiên, nhưng chẳng phải lặn lội vất vả chi, ở ngay Phú Quốc, không biết có phải là một nét văn hóa không? Du khách thường kháo nhau tới suối Tranh, cách Dương Đông khoảng 10 cây số, để tắm tiên. Ven bờ suối hay giữa dòng suối thỉnh thoảng lại nổi lên những tảng đá bề mặt nhẫn thín rộng đến vài chục thước vuông, đủ rộng cho cả một nhóm người bày biệc đồ ăn thức uống, vừa tắm vừa lai rai. Cứ tồng ngồng giữa đất trời tắm là được gọi là tắm tiên dù đây là những tiên ông đã quá đát. Nhưng bầy tiên ông đông bạc nặng túi này đã kéo được tiên nữ dù không phải là thứ con nhà trời. Bầy tiên nữ cũng…tắm tiên, kỳ cọ cho các tiên ông, cảnh giới như trên thiên đình. Họ là những cô gái sẵn sàng cho thuê bản thân, tới từ đất liền. Một đại gia thường xuyên đãi món tắm tiên suối Tranh cho bạn bè hỉ hả phát ngôn: “Cũng chả sao! Một bên thì vừa được tắm vừa được tiền. Còn một bên được no mắt. Toàn những em mười tám đôi mươi, da thịt nõn nà, trắng như trứng gà bóc!”.

Nếu bạn không phải là đại gia có sẵn số điện thoại của tiên mà chỉ là du khách một lần tới chơi thì cũng chả sao. Các anh xe ôm sẽ là nhịp cầu nối. Một cuốc xe ôm tốn khoảng 60 ngàn đồng tới suối, nếu muốn khách có thể được anh xe ôm điều tiên tới tắm chung cho vui. Tiên ở suối Tranh, Phú Quốc, có hai dạng: dạng “lướt sóng”, nghĩa là chiều khách tới…La Mã ngay giữa rừng và dạng tắm bikini chung với khách. Nói là vậy nhưng chiếc bikini vốn mỏng manh. Khách có người làm…nghệ thuật. Họ muốn chụp hình nghệ thuật. Nhập đề là chụp hình bikini nhưng đoạn kết thì không còn chi vướng víu hết.

Một tiên nữ dân Cái Răng, mới 17 tuổi kể: “Thường thì một buổi tắm em được khách cho khoảng 200 đến 300 ngàn đồng. Nhưng lỡ gặp mấy ông say sỉn, dân quậy thì chả được gì, mà có khi còn phải tốn tiền mua thuốc uống vì cảm lạnh!”. Các tiên nữ này là các nhân viên phục vụ tại các quán nhậu ở thị trấn Dương Đông. Tắm tiên là để có thêm thu nhập. Mỗi khi đi tắm, bà chủ quán giao nhiệm vụ: tắm xong nhớ kéo khách về quán nghe! Bữa nào hoàn tất nhiệm vụ, kéo được một đám khách về thì bà vui, về mình em thì bà mắng té tát. Một tiên nữ tâm sự: “Cùng đường rồi nên tụi em mới làm tiên thôi anh ạ chứ sung sướng chi đâu. Anh thử nghĩ coi, dầm mình dưới suối, lạnh héo ruột, còn mấy cha cứ ngồi trên mà nhậu tù tì, hết lon này tới lon khác, rồi còn chỉ trỏ mình mà bình phẩm…Buồn!”

Thứ tiên buồn, tiên cùng này cũng tiên sao? Tiên mà đến thế thời thôi!

04/2012