@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

TRỜI

Đúng vào ngày lễ Halloween vừa qua, Liên Hiệp Quốc công bố thế giới đã đạt tới con số 7 tỷ người. Tôi thấy vẻ mặt đắc ý của ông Tú Xương khi ngâm nga. Phố phường chật hẹp người đông đúc / Bồng bế nhau lên nó ở non. Đã bảo mà, sanh cho cố vô! Cứ bụng to lo chi! Thời đó đã làm chi có các thứ lạ hoắc như bao cao su, thuốc ngừa thai hay vòng xoắn nên trời cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Ông trời lại thương người nên rộng tay ban phát. Ông Tú của chúng ta lo nạn nhân mãn nhưng chính ông cũng là thủ phạm. Sống trên đời có 37 năm mà ông cũng năm con lóc nhóc. Trách chi ai!

Thời nay khác thời cụ Tú. Khác rất xa. Ông trời hầu như mất hết quyền làm tăng giảm dân số. Con người thay trời điều hòa mức sản xuất tí nhau. Vậy mà dân số cứ vùn vụt tăng đến chóng mặt. Đầu thế kỷ 19, vào năm 1800, dân số thế giới mới đạt tới một tỷ người. Vậy mà mới hơn 200 năm đã đạt tới mức kinh khủng 7 tỷ người. Hiện nay mỗi năm nhân loại sản xuất được 78 triệu tí nhau, tương đương với dân số nước Đức. Trong bản tuyên bố, Liên Hiệp Quốc vẫn nói ngon lành đây là “một thách thức, một cơ hội và một lời kêu gọi hành động. Dân số kỷ lục có thể được nhìn nhận theo nhiều góc độ, như là một sự thành công của loài người vì điều đó có nghĩa là con người đang sống lâu hơn và hầu hết con cái của chúng ta không yểu tử. Nhưng không phải ai cũng được lợi từ sự thành công đó. Thay vì hỏi những câu hỏi như ‘Có quá nhiều người không?’ thì nên hỏi ‘Mình có thể làm gì để cuộc sống của thế giới này tốt hơn?’”.

Nếu biết rằng chỉ mới đúng một giáp trước đây, vào năm 1999, thế giới đón chào công dân thứ 6 tỷ, thì thấy nhân loại chăm lo sản xuất đến như thế nào. Trong 12 năm, thế giới tăng thêm 1 tỷ  con người, đẻ chi mà đẻ ác! Con người thay trời làm thay đổi dân số là hư bột hư đường hết trọi. Vậy mới biết trời rất cần thiết. Cho mỗi người.

Mỗi người chúng ta kêu trời bao nhiêu lần mỗi ngày, có ai tính được không? Vui, buồn, mừng, chán, đau, sướng, đụng một chút là kêu trời. Con kiến đốt cũng kêu trời, vợ chồng sinh hoạt thầm kín với nhau cũng có lúc…oh my God! Cứ tưởng tượng 7 tỷ con người giật giọng kêu trời như vậy thì biết ông trời bận rộn tới thế nào. Có thế nào chỉ một đấng trời có thể take care được 7 tỷ nhân loại như vậy không? Một số người không tin có một đấng ngồi chót vót trên cao mà nhiều tay nhiều chân tới như vậy.

Ngày Chủ Nhật 23 tháng 10 vừa qua, tại Vatican, trong khi Đức Giáo Hoàng đang cử hành lễ phong thánh cho ba vị sáng lập nhà dòng hồi thế kỷ thứ 19 là giám mục người Ý Guido Maria Conforti, nữ tu người Tây Ban Nha Bonifacia Rodriguez de Castro và linh mục người Ý Luigi Guanella, thì một người đàn ông đã phá đám. Lễ phong thánh được cử hành ngoài trời tại quảng trường thánh Phê-rô. Người đàn ông này leo từ ban-công ra, đốt cuốn Kinh Thánh cầm trên tay và hét lớn bằng tiếng Anh:”Pope, where is Christ?” (Giáo Hoàng, Chúa đâu?). Cảnh sát và các chức sắc trong Tòa Thánh đã phải thuyết phục người này leo trở vô để buổi lễ không bị gián đoạn.

Chúa hay Thượng Đế là đấng, theo đức tin Thiên Chúa giáo, sáng tạo ra thế giới và ngự trị trên con người. Đã là tín đồ Thiên Chúa giáo thì ai cũng tin vào sự hiện diện của Chúa. Nhưng trong cuốn “The Grand Design” xuất bản vào năm ngoái, 2010, nhà khoa học Stephan Hawking đã nói khác. Ông lập luận là chính hiện tượng Big Bang (Cuộc Nổ Lớn) xảy ra trong vũ trụ đã làm nảy sinh ra thế giới chúng ta sống ngày nay: “Bởi vì có những định luật như trọng lực, vũ trụ có thể tự sinh ra không từ một cái gì hết”. Trước đó, cũng chính nhà vật lý nổi tiếng này đã cho xuất bản cuốn “A Brief History of Time” vào năm 1998, trong đó ông quả quyết là khi chết, thay vì như mọi người tin tưởng là bước qua một thế giới khác, thì não bộ của con người sẽ tắt đi như một máy computer bị hư mà thôi. Ông nói: “Tôi đã sống với viễn cảnh chết sớm trong 49 năm qua. Tôi không sợ cái chết nhưng tôi không vội vàng muốn chết. Tôi có quá nhiều chuyện muốn làm. Tôi xem não của con người như một cái computer, sẽ ngừng làm việc một khi các cơ phận của nó bị hỏng…Không có thiên đàng hoặc thế giới bên kia cho những chiếc computer bị hỏng. Đó là chuyện thần tiên cho những ai sợ bóng tối”.

Những người tin có trời, có thế giới bên kia cho những con người đi ngủ với giun, nhất định phải phản ứng lại. Cuộc sống có lớp có lang, có trên có dưới, có trước có sau, bỗng nhiên bị nhà khoa học ngồi xe lăn này xoa tay phá hết. Cứ như một ván bài bị một tay phá bĩnh gạt đi mất tiêu. Một người trong nhóm “Tiếng Nói Thiên Chúa Giáo”, ông Stephen Green, phản luận: “So sánh cái chết cũng như tắt máy computer cho thấy ông ta chỉ có thể suy nghĩ mọi chuyện thiên về vật chất. Đó là quan điểm u tối của một người muốn hiểu một điều mà tâm linh của ông không làm được. Người ta tin vào thế giới bên kia không phải vì họ sợ cái chết. Niềm tin vào Thượng Đế xoá tan nỗi sợ bóng tối – cái chết. Tôi không hiểu tại sao Hawking thấy khó khăn để hiểu theo góc cạnh tâm linh”.

Stephan William Hawking, sanh ngày 8 tháng 1 năm 1942, là một nhà thiên văn vật lý nặng ký, bằng cấp đầy mình. Ông bị liệt từ năm 21 tuổi và phải ngồi xe lăn với chiếc đầu luôn ngoẹo qua một bên. Trong nhiều thập kỷ, ông được coi như ông hoàng vật lý lý thuyết của thế giới. Ông từng đảm nhiệm chức “giáo sư Lucasian”, chức danh dành cho giáo sư toán học của Đại học Cambridge. Các nhà khoa học xuất chúng như Isaac Newton và Paul Dirac đã từng giữ chức danh này trước đây.

Chúng ta sống trong một thời đại mà con người tôn sùng khoa học. Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ rực rỡ của những tìm hiểu và phát minh khoa học. Mà khoa học càng tiến thì tôn giáo càng lùi. Con người trọng những gì có thể chứng minh được. Người ta muốn cầm một cái bánh trong tay chứ không muốn có một chiếc bánh vô hình được mô tả dù chiếc bánh này được vẽ ra một cách hấp dẫn đến thế nào. Đó là cái mà ông Stephen Green cho là việc “suy nghĩ mọi chuyện thiên về vật chất”. Sự suy nghĩ mà ông Stephen nói một cách bỉ thử ngày nay đang…ăn khách! Người ta ít thiên về tâm linh. Ông trời đang bị lãng quên. Trong một cuộc khảo sát của “American Religious Identification Survey” tại Mỹ vào năm 2009, số người cho biết họ không theo một tôn giáo nào đã gia tăng đáng kể. Năm 1990, có 8,2% dân Mỹ nhận là không theo một tôn giáo nào. Năm 2001, tỷ lệ này tăng lên 14,2% và năm 2009 lên tới 15%.

Những con số tỷ lệ trên thể hiện trong thực tế bằng những nhà thờ vắng tín đồ. Người ta không còn coi trọng việc đi dự lễ vào ngày Chủ Nhật nữa. Giới trẻ ngày nay phần đông chỉ héo lánh tới những nơi thờ phượng vào những dịp như Giáng Sinh và Phục Sinh, coi như đi…hội. Nhiều giáo đường của Thiên Chúa Giáo nói chung như Công Giáo, Tin Lành, Cơ Đốc, Chính Thống…đã phải đóng cửa vì không có giáo dân nên không cáng đáng nổi những chi phí bảo trì. Tại Montreal, tôi đã thấy những nhà thờ biến thành condo. Lạ một điều là những người trẻ lại thích mua những loại condo này. Họ không đi nhà thờ nhưng thích ở trong nhà thờ!

Lãng quên Thượng Đế còn may, có những người đã ám sát Thượng Đế. Nhưng để bị ám sát thì Thượng Đế phải hiện diện. Vậy thì câu hỏi là ý niệm về một ông trời khởi phát như thế nào? Tác giả Nguyễn Hoài Vân, trong bài “Thượng Đế và Thần Linh được tạo ra như thế nào?” đã nêu ra tiến trình…chế tạo ra ông trời của người tiền sử. Khởi điểm là cái chết của một người thân. Một người thân cận cùng ăn cùng ở với mình bỗng lăn đùng ra tắt thở. Họ biết là cái xác bất động kia rồi sẽ rữa nát thối tha. Họ kinh sợ và tránh đụng chạm vào. Trong đầu họ có một thảo trình mà chúng ta tạm gọi là “thảo trình hư thối”. Nhưng cái xác bất động nằm đó lại chính là một người thân thuộc mà họ vẫn quyến luyến. Vậy là trong đầu họ có một thảo trình khác: “thảo trình thân thuộc”. Trên phương diện thuần lý thì thảo trình “thân thuộc” phải ngưng chạy khi thảo trình “hư thối” được bật lên. Nhưng thảo trình “thân thuộc” không tắt vì dù sao cái đống thịt sắp hư thối đó cũng đã là cha là mẹ, là vợ là chồng, là con là cháu, là anh là chị là em của mình. Họ không giữ được người thân vừa tắt thở nhưng đồng thời họ cũng không muốn rời xa cái xác sắp rữa nát đó. Bị giằng co trong mặc cảm mà họ coi là tội lỗi đó nên họ phải làm một cái gì để bù lại cho hành động hủy diệt một người thân. Đó là một trong những nguyên do phát sinh ra các nghi thức tống táng còn thịnh hành tới ngày nay. Nghi lễ này bao hàm ý nghĩa như thể người chết còn sống trong lòng những người thân. Tác giả viết: “Làm thế nào để quan niệm được người chết “như thể còn sống”, đồng thời biết rằng người chết chỉ là một đống thịt xương rữa thối? Chỉ có một cách: đó là quan niệm người chết vẫn “sống” nhưng không còn gắn liền với thân xác hư thối của họ nữa. Ý tưởng một thực thể siêu nhiên, phi vật chất được hình thành. Thực thể này “như sống” với những đặc điểm tâm lý và những hành vi rập khuôn theo tâm lý và hành vi của đương sự trước khi chết. Thông thường, người chết che chở, giúp đỡ những người thương, và ngược lại, là một đe dọa, có thể rất khủng khiếp, đối với những kẻ bị oán ghét”. Rồi đời này qua đời khác, người chết vẫn được nhớ tới. Những người khi sống có nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng trở thành những thực thể đặc biệt với những quyền năng đặc biệt. Và họ trở thành những vị thần. Các vị thần này vượt khỏi liên hệ gia đình để trở thành thần nhân của cả một dân tộc. Những việc làm của họ khi còn sống được phóng đại để gán cho họ những quyền phép nhiệm màu. Từ đó sinh ra những thần “chuyên ngành”. Mỗi vị thần có một lãnh vực quyền năng riêng. Vậy là trong trí óc con người, họ tin có một cuộc sống bên ngoài cuộc sống này, có thể giúp đỡ cũng như trừng phạt con người. Vậy là các loại thần mặc sức xuất hiện khi có một hiện tượng thiên nhiên nào xảy ra. Chúng ta có thần sông, thần núi, thần sấm sét, thần gió, thần mặt trời, thần mặt trăng… Vì các bộ lạc sống biệt lập nên mỗi địa phương có những vị thần riêng. Ý niệm về “gia tộc” biến các vị thần “chuyên ngành” này phải chịu dưới quyền một vị cha chung, đó là vị “thần linh tối thượng”. Tác giả Nguyễn Hoài Vân viết: “Rồi, một ngày kia, sự ngờ vực lớn nảy sinh từ những người du mục Trung đông. Khi người du mục đi từ nơi này sang nơi khác, họ phải thờ cúng hết vị thần địa phương này tới vị thần địa phương khác, vị thần nào cũng được “quảng cáo” là tối cao, quyền năng mạnh mẽ nhất. Đến một lúc nào đó, người du mục không còn tin nổi vào các vị thần “đồng tối thượng” này nữa, và một ý niệm nảy sinh, ý niệm một vị thần tối thượng thật sự. Từ tối thượng, vị thần ấy dần dần trở thành duy nhất, loại bỏ các thần địa phương như những hình tượng vô nghĩa. Các thần linh lặt vặt khác gắn liền với thiên nhiên như thần sông, thần núi, thần “cây đa”, thần sấm, thần mưa…cũng từ từ phải chịu chung số phận”.

Vậy là Thượng Đế, hay như ngôn ngữ dân gian gọi là ông trời, thành hình. Ông trời sống khỏe mạnh cho tới thế kỷ 19 thì bị ám sát! Tác giả Nguyễn văn Tuấn, trong bài viết “Tạo Sinh Vô Tính và Cái Chết của Thượng Đế” đã diễn giải: “Thực ra, Thượng đế đã “chết” từ lâu rồi. Từ thế kỷ 19. Và chết nhiều lần. Trong cuốn “The Joyful Science”, Friedrich Nietzsche, một nhà triết học lớn vào thế kỷ 19, kể một câu chuyện về một người điên, một buổi sáng chạy vào chợ la khóc nói: “Tôi tìm Thượng đế!” Khi đám đông bàng quang hỏi anh ta có tưởng tượng rằng Thượng đế đã di cư hay đi đâu mất chưa, anh ta ngơ ngác hỏi: “Thượng đế đi đâu?”. Đám đông trả lời: “Chúng ta, tôi và anh, đã giết chết Thượng đế rồi.” Qua cách nói này, Nietzsche muốn nói rằng Thượng đế không hiện hữu, và vì thế, những giá trị đạo đức hay mục tiêu siêu nghiệm (nằm ngoài giới hạn của thế giới vật chất) cũng không hiện hữu. Những tôn giáo tin vào Thượng đế, như Ki-tô giáo chẳng hạn, sử dụng ý niệm Thượng đế như là một phương tiện quyền lực để kiểm soát con người, làm cho con người yếu đuối, ngăn cản chúng ta tự lực tạo ra những giá trị đạo đức mới, và mục tiêu mới cho cuộc sống. Do đó, Nietzsche kêu gọi con người nên tự giải phóng mình khỏi hệ thống hà khắc của những thần quyền như thế”.

Sau đó nhiều triết gia khác đã xúm vào giết Thượng Đế tiếp. Ông trời xấc bấc xang bang vì lũ người. Họ là Charles Darwin, Arthur Schopenhauer, Karl Marx, Sigmund Freud, Charles Lyall, Elie Weisel, Fryodor Dostoievsky, Jean-Paul Sartre, Albert Camus. Toàn những thứ gạo cội. Ông trời bị bề hội đồng như vậy, sống sao nổi.

Nhưng một phần lớn nhân loại lánh xa các triết gia trên. Họ vẫn tin có Thượng Đế. Đức tin của con người xuất phát từ trong lòng nên vượt trên những lý luận. Họ tin có ông trời ở trên cao nhìn vào từng con người dưới đất. Ở hiền gặp lành. Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Quả báo nhãn tiền. Đó là luật trời. Nếu cần phải lý luận thì chúng ta có Tiến sĩ kiêm Giáo sĩ Harry Smerson Fosdick. Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Reader’s Digest số tháng 12 năm 1966, Tiến Sĩ Fosdik đã nói chuyện phải trái với những thủ phạm ám sát Thượng Đế. Ông khẳng khái nói: “Tôi không bao giờ chấp nhận rằng Thượng Đế đã chết. Đó là một trào lưu tư tưởng yếu ớt do một ít trí giả khởi xướng và không được mấy người theo. Người ta đã chú ý quá mức về  việc này vì nó được khai thác bởi các báo chuyên săn tin khích động. Trong thời buổi quảng cáo này, chúng ta thu nạp khẩu hiệu dễ hơn là tư tưởng”.

Tuy vậy, Tiến sĩ Fosdik cũng muốn con người đào sâu ý niệm Thượng Đế. Ý niệm Thượng Đế là một vị chúa tể ngự trên ngai vàng để thống trị vũ trụ; Thượng Đế bị giới hạn vào hình dáng và kích thước của con người; Thượng Đế được dùng để giải thích những gì con người không thể hiểu được, từ điềm chiêm bao đến cơn bão tố; Thượng Đế mà những phe phái dùng để biện minh cho chiến tranh và giết chóc. Tất cả những thứ Thượng Đế đó cần phải giết chết. Vậy thì Thượng Đế nào mới là Thượng Đế đích thực của thời đại chúng ta đang sống? Tiến sĩ Fordick nói: “Chúng ta sẽ hoàn toàn thất bại nếu ta muốn nắm lấy Thượng Đế vì chúng ta không thể vượt khỏi phạm vi kiến thức của chúng ta. Chúng ta có thể diễn tả mọi sự vật ngoại trừ Thượng Đế vì đó là một điều không sao làm được. Chúng ta không thể giới hạn Thượng Đế giống như chúng ta không thể chứa tất cả nước của đại dương trong một cái chén. Tuy nhiên, chén nước này cho biết phẩm chất của nước biển như thế nào. Đối với Thượng Đế cũng thế: nhờ các biểu tượng của đời sống chúng ta cố gắng diễn tả những gì mà chúng ta tưởng là thật về các đặc tính của Ngài...Suy cho kỹ thì bí quyết của vấn đề là vào giờ phút nào của đời sống, ta có thể tiếp xúc với các phần thiêng liêng đó. Theo thiển ý, đó là những lúc gặp gỡ cái đẹp, tình thương, sự liêm khiết và chân lý. Được hỏi Thượng Đế ở đâu, biết bao người hướng tư tưởng của mình lên các vì tinh tú xa thẳm trên trời cao. Nhưng Thượng Đế không ở đó, Ngài ở sâu, rất sâu trong đời sống con người. Thượng Đế là tình thương và ai sống trong tình thương là sống trong lòng Ngài và Ngài cũng ngự trong người ấy. Chân lý rất đơn giản: ta tìm được Thượng Đế mỗi lần tình thương chiếu sáng trong lòng ta!”

Tôi thấy được Thượng Đế khi đọc những bức thư ngắn ngủn ngây ngô nhưng rất chân tình của các em bé gửi cho Người. Những bức thư này tôi nhận được từ e-mail gửi tới cho tôi.

Thư của Nan: “ Thưa Chúa, Con đánh cuộc với Chúa là rất cực nhọc khi Chúa phải yêu tất cả mọi người trên thế giới này. Trong nhà con chỉ có 4 người mà con không bao giờ có thể làm như vậy được”.

Thư của bé Neil:“Chúa thân yêu, Con đi dự một lễ cưới và họ hôn nhau ngay trong nhà thờ. Vậy có OK không?”

Thư của Mickey D.: “Chúa yêu, Nếu Chúa nhìn xuống nhà thờ Chủ Nhật này, con sẽ khoe với Chúa đôi giầy mới của con!”.

Thư của Donna: “Con đọc trong sách nói là Thos. Edison phát minh ra ánh sáng. Nhưng trong lớp giáo lý họ nói là chính Chúa tạo ra ánh sáng. Vậy con đánh cuộc là ông ta đã ăn cắp ý tưởng của Chúa. Trân trọng”.

Thư của Joyce: “Thưa Chúa, Con cám ơn Chúa đã cho con một em bé trai nhưng điều con cầu xin Chúa là một con búp bê cơ mà”.

Thư của Robert: “Thưa Chúa, Con là người Mỹ, còn Chúa thì sao?”.

Thư của Larry: “Thưa Chúa, Có lẽ Cain và Abel không giết nhau nếu họ có phòng riêng. Điều này đúng với những anh con”.

Thư của Raphael: “Thưa Chúa, Nếu Chúa cho con chiếc đèn thần như đã cho Aladdin thì con cho Chúa bất cứ thứ gì Chúa muốn trừ tiền bạc và bộ bàn cờ của con”.

Còn bạn thì sao? Thưa Trời.....

11/2011