@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

MADEMOISELLE

Chữ nghe mát rượi. Hồi nhỏ đi coi những phim ca nhạc Mỹ nói tiếng Pháp, chữ mademoiselle gắn với những hây hây con gái Sandra Dee, Joan Collins hoặc Natalie Woods thấy thương chi đâu. Tôi mê cái âm Tây mademoiselle từ ngày xa xưa đó. Tới giờ, sao mà truân chuyên, vẫn còn mê. Vậy nên khi, ngày 21 tháng 2 vừa qua,  me sừ Thủ Tướng Pháp Francois Fillon gửi bản ghi nhớ cho tất cả các viên chức chính phủ ra lệnh kể từ nay không được dùng chữ mademoiselle nữa, lòng tôi bứt rứt khôn nguôi. Cái chữ dịu dàng đằm thắm như vậy mà tại sao lại mệnh yểu, đó là vì các bà…trâu đánh.

Trên các đơn từ ở Pháp, cho tới nay, người dân vẫn phải chọn giữa ba danh xưng: monsieur, madame hay mademoiselle. Các bà hay đôi co nhìn ngay ra sự thất thế. Tại sao các đấng mày râu cứ thoải mái phang vào chữ monsieur, còn các bà phải phân vân chọn lựa giữa hai chữ madame hay mademoiselle. Madame là của các bàđã yên bề gia thất, mademoiselle ngụ ý vẫn còn phòng không chiếc bóng và mặc nhiên được coi là vẫn còn nguyên cái màng con tạo phú cho. Vậy là đi vào đời tư của người ta, đâu có công bằng. Hai hiệp hội các bà Osez le Féminisme Les Chiennes de Garde phản đối ngay. “Tại sao các ông không bao giờ gọi một người đàn ông độc thân là mondamoiseau hay “chàng trai trẻ còn trinh”? Hiển nhiên đây là một thứ phân biệt giới tính dành cho phụ nữ chúng tôi!”. Kể cũng oan cho các ông. Thực ra chữ mademoiselle đã có từ lâu, từ năm 1690 lận. Chữ này được chính thức xử dụng từ thời Napoleon Đệ Nhất trong bộ Dân Luật đầu tiên của Pháp nhưng chỉ thông dụng từ đầu thế kỷ 20.

Không phải chỉ riêng mình tôi mà còn có nhiều người tiếc chữ mademoiselle này. Ngay mấy bà có tuổi, đã hết thời mademoiselle mà vẫn cứ tiếc. Bà Juliette Beniti, một công nhân rất ít giao thiệp với chữ nghĩa, bập một hơi thuốc lá, nhẩn nha: “Tôi thấy cái lệnh này là một điều đáng tiếc. Chữ mademoiselle có vị trí của nó chứ. Nó tâng bốc phụ nữ. Tôi vẫn thỉnh thoảng gọi một bà là mademoiselle. Vui chứ. Nó làm người ta cảm thấy trẻ hơn!”.

Tiếng Pháp được tiếng là một ngôn ngữ rạch ròi, đâu ra đó. Nếu họ có phân biệt ra người thiếu nữ chưa chồng hay người thiếu nữ còn trinh tiết bằng chữ mademoiselle thì cũng phải thôi. Phài cái thời buổi này chuyện chồng con hay chuyện trinh tiết đều không phải là những giá trị của một người đàn bà như xưa. Cứ sống chung chẳng cần cưới hỏi chi, hay thả cái trinh tiết xuống sông xuống biển, thời buổi này, ai care? Vậy thì ngôn ngữ cần chi phải vạch rõ ra là madame hay mademoiselle.

Thực ra từ vài thập niên trước, các cộng đồng xử dụng Anh ngữ đã bỏ chữ tương đương với chữ mademoiselle miss từ lâu. Họ trộn lẫn Mrs Miss thành một chữ chung: Ms. Ms không mách lẻo đó là một bà đã 9 đời chồng như nàng Liz Taylor hay một em vẫn còn phòng không chiếc bóng. Nó thoải mái đứng giữa.

Dân Việt ta giờ vẫn còn dùng cả hai chữ “bà” và “cô”. Nhiều “cô” còn giận khi mình sơ ý gọi là “bà”! Nhiều “bà” cũng còn khoái khi được gọi là “cô”! Nhưng dân ta hình như không chú ý nhiều tới những danh xưng này. Tôi có một số khá lớn độc giả mua sách qua bưu điện. Hầu như tất cả không bao giờ thêm chữ ông, bà haytrước tên của mình. Mà tên thì không dấu, lại lộn trước sau, nhìn không đoán được là ông, bà hay cô. Thế nên khi ký trên sách, tôi lơ luôn. Cứ gửi tên thế nào, tôi để như thế. Lớ quớ có thể biến ông thành bà, biến bà thành cô thì mệt thêm. Hình như văn hóa khiêm tốn của chúng ta không quen để những chữ ông, bà haytrước tên của mình. Chúng ta ngại không tự xưng mình là ông, bà hay cô. Thấy có vẻ thiếu khiêm nhường.

Nhưng trong xưng hô giao tiếp thì chúng ta lại rất tỉ mỉ trong chuyện xưng hô này. Một trong các điều khiến người ngoại quốc học tiếng Việt lúng túng là cách xưng hô của người Việt chúng ta. Trong khi tiếng Anh cứ tự xưng mình là I và người mình nói chuyện với là you một cách thoải mái, tiếng Pháp thì cứ Je Vous hay Tu tùy theo tuổi tác hay thân tình. Tiếng Việt thì khác. Nó giây mơ rễ má đến phát mệt. Mệt nhất là cho những người ngoại quốc muốn học tiếng Việt. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết về kinh nghiệm dạy tiếng Việt của ông: “Mà không phải chỉ có những người mới học. Ngay cả những người sử dụng tiếng Việt cực kỳ thành thạo cũng có lúc, thậm chí, nhiều lúc cảm thấy bối rối trong việc xưng hô. Ai cũng biết cách xưng hô của người Việt chủ yếu dựa vào quan hệ đẳng cấp và tuổi tác. Ðẳng cấp thì có nhiều loại: không nhất thiết phải là chức vụ trong hệ thống công quyền, ngay cả thứ bậc trong gia đình hay một số nghề nghiệp trong xã hội cũng là những đẳng cấp cần tuyệt đối tôn trọng trong cách xưng hô. Ngày xưa, đẳng cấp là nguyên tắc chủ đạo. May là thời ấy, ý niệm tôn ti còn nặng nên người nào an phận người nấy, vấn đề xưng hô chắc không mấy khi cần phải đặt thành vấn đề; cứ hễ gặp người có chức tước cao hơn mình thì cứ cúi đầu và khom lưng xuống, “bẩm quan”, “bẩm cụ”. Muốn cho chắc ăn hơn nữa thì thêm tính từ “lớn” sau các chữ “quan” hay chữ “cụ” ấy. Những người làm quan được gọi là “quan”, đã đành. Những người không phải là quan nhưng trông có vẻ hơi sang sang một chút cũng được gọi là “quan”. Bác sĩ là “quan”: “quan đốc”. Nhà báo cũng là “quan”: “quan tham nhựt trình”. Không “quan” thì là “thầy”: nghề gì dính đến giấy mực đều là “thầy”: thầy thông, thầy ký, thầy cò, v.v… Từ 1945 đến nay, tất cả những kiểu xưng hô phong kiến như thế đều bị bỏ. Ngay những cách gọi “ông” hay “bà” cũng bị cho là khách sáo và cổ hủ: Bỏ. Cách xưng hô trở thành thân mật hơn: hễ ai bằng hoặc lớn tuổi hơn bố mẹ mình thì mình gọi là “bác”; trẻ hơn chút thì gọi là “chú” hay “cô”; bằng hoặc lớn tuổi hơn mình thì mình gọi là “anh” hay “chị”; trẻ hơn thì gọi là “em”. Ðại khái thế. Nguyên tắc thì đơn giản nhưng việc thực hiện không phải không phức tạp. Ðiều những người ngoại quốc học tiếng Việt thường phàn nàn nhất là: rất khó đoán tuổi người Việt Nam. Ai cũng có vẻ trẻ măng cả. Hơn nữa, trong các cuộc chuyện trò mặt đối mặt thì còn đỡ. Nói chuyện qua điện thoại mới khó. Làm thế nào để có thể xác định được ngay người ở đầu dây bên kia khoảng bao nhiêu tuổi để xưng hô cho thích hợp? Chịu. Thú thực, tôi đã bao nhiêu lần nghe các sinh viên nêu lên cái câu hỏi ấy. Vẫn không biết trả lời thế nào”.

Khi xưng hô thì có hai thành phần: người nói và người đối thoại. Phía người nói, dân Anh dân Mỹ cứ thoải mái với chữ I, dân nói tiếng Pháp cứ nhắm mắt phát ra Je. Người đối thoại với mình có là ông nọ bà kia, có già khú đế hay ít tuổi hơn mình cũng cứ thế mà xưng. One size fits all! Nhưng dân Việt ta đâu phải cứ lúc nào cũng “tôi” được. Nói vậy là rước họa vào thân. Thử xưng “tôi” với ông bà cha mẹ như vậy coi, có nát đít ngay không. Ngay cả lỡ miệng xưng “tôi” với ông hàng xóm khi bị ông này mắng cũng có hậu quả tức thời. Ông này sẽ sang mách cha mẹ và chiếc roi sẽ có việc làm. Vậy thì khi nói, người Việt phải đặt quan hệ của mình với người đối thoại với mình và tùy theo đó mà tự xưng. Không thể lúc nào cũng “tôi” được. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc có một thí dụ rất hay về việc tự phân hóa của một người Việt khi nói. “Thử nghe lời nói này:”Lẹ lẹ lên nào. Coi chừng trễ chuyến bay bây giờ. Nội, nội đưa cái dù cho cháu cầm cho; còn ba đưa cái xách cho con. Còn anh nữa, anh cứ ra xe trước đi để em khoá cửa cho. À này..., mấy đứa xem giùm mấy cái cửa sổ phía sau mẹ đã khóa kỹ chưa? Lẹ đi. Trời ơi!”. Chỉ qua mấy câu nói ngắn như vậy, chúng ta thấy là người phụ nữ đang nói chuyện với bốn, năm người khác nhau. Với mỗi người, chị làm một cuộc hoá thân: Với ông hoặc bà nội, chị xưng là “cháu”; với ba, chị xưng là “con”; với chồng, chị xưng là “em”, và với mấy đứa con, chị xưng là “mẹ”. Như vậy, người phụ nữ ấy thực sự là ai? Câu trả lời: không là ai cả. Chúng ta chỉ có thể xác định chị khi đặt chị trong mối quan hệ với những người khác. Ðặc biệt, tất cả những quan hệ ấy đều tạm thời: chúng thay đổi xoành xoạch. Mỗi sự thay đổi đều dẫn đến sự thay đổi trong tư cách của người phát ngôn”.

Cách xưng hô của người Việt không dửng dưng mà có tính cách gia đình. Quan hệ ngoài xã hội cũng là sự quy chiếu quan hệ trong gia đình mà phóng ra. Cứ so sánh tuổi tác, vai vế của người ngoài với người thân trong gia đình thì sẽ định được cách xưng hô. Tác giả Phạm Hồng Lam luận về sự quy chiếu này : “Khi nghe hai người Âu Mỹ nói chuyện với nhau, ta không biết được liên-hệ thân-tộc (tương-quan) hay vị-trí cao thấp (vị-thế) giữa hai người. Trái lại, qua vài lời đối-đáp giữa hai người Việt, ta biết được ngay vị-thế hoặc tương-quan (tình-cảm) giữa họ. Một phần là nhờ ngôn-ngữ xưng-hô của ta phong-phú. Trong khi Âu Mĩ chỉ xào đi nấu lại với Ich (I; Je) và Du (You, Sie, Tu, Vous), thì ta cũng từ hai từ đó mà có "Thưa cụ giám-mục; Kính ngài thủ-tướng; Con thưa bố ...; Anh bảo cho chú mày biết...; Cháu mời bà cố dùng cơm... Nhưng phần khác, quan-trọng hơn, là vì lối suy-tư  tình-cảm nặng tính tôn-ti của ta. Một lối suy-tư phản-ánh tính cộng-đồng thân-tộc và một cấu-trúc xã-hội phân cấp chặt-chẽ. Người Á-Đông sinh ra trong một hệ-thống thân-tộc phức-tạp. Họ uyển-chuyển (hoặc mắc kẹt) trong màng lưới tương-quan đó.  Khi một người mở miệng phát-biểu, anh ta / chị ta phải tự đặt mình vào vị-trí và tương-quan xứng-hợp với người đối-diện hoặc người chung quanh. Đây là kết-quả của một quá-trình xã-hội-hoá sống-động và gay-go để một người muốn trở thành là người Việt.. Nếu vì lí-do nào đó anh muốn tỏ ra lơ-lửng trong vị-thế hoặc chị muốn tỏ ra dửng-dưng về tình-cảm thì ngôn-từ sử-dụng - đặc-biệt các đại từ xưng-hô - trước sau gì cũng sẽ tố-cáo điều họ muốn dấu“.

Tôi bắt gặp sự phân vân của một em nhỏ khi em kêu than trên một bài viết ngắn trên internet: “Hồi nhỏ, ra đường gặp ai lớn lớn cũng kêu bằng ông. Bà cô gọi lại giải thích như vầy: ai lớn hơn ba con một chút thì kêu bằng bác, nhỏ hơn một chút thì kêu chú, già rồi mới kêu ông. Ờ ông thì dễ rồi, bác cũng dễ, còn chú thì sao? Một chút là bao nhiêu tuổi? Cô giải thích thêm, lớn hơn con chừng 10 tuổi trở lên là kêu chú được. Vậy là từ nhỏ tới lớn lấy cái công thức 10 tuổi ra mà áp dụng. Bà cô năm nay ngoài sáu mươi, chắc công thức đó lạc hậu hay sao ấy!? Hôm qua cái anh đồng nghiệp lớn hơn mình một giáp (12 tuổi) cực kỳ bức xúc: "Em nghĩ coi, nó 23 tuổi mà nó kêu anh bằng chú, bộ anh già lắm sao?" À thì ra anh này khi nghe người ta kêu chú ơi liền quay ra hỏi con nhỏ bao nhiêu tuổi, chớ sao biết nó 23 được?”

Chú là một đại danh xưng rất là rắc rối, nhất là khi các “chú” có máu ti toe. Chú Đạt trong truyện “Yêu” của Chu Tử đã một thời tiếng tăm vang dội! Một em gái kêu một đồng nghiệp bằng chú, ông này phang ngay: “Này, tôi thấy hình như mình không có họ hàng chi với nhau cả thì phải!”. Vậy thì phải gọi cái ông khó chịu này ra sao? Ý ông ấy muốn gọi bằng “anh”. Cho ngang lứa. Còn vớt vát được chút hào hoa.

Thời nay ở trong nước là thời thực dụng. Xưng hô sao cho ra tiền là được, chẳng cần quy chiếu hay phép tắc chi. Mấy ông bạn tôi có người rất chăm chỉ về thăm quê hương. Quê hương của các ông này thu nhỏ lại trong các tụ điểm có các em gái lúc nào cũng sẵn sàng chữ “anh” trên môi trên miệng. Các người đẹp rộng rãi ban phát chữ “anh” cho tất cả những ai chịu chi. Từ chàng thanh niên mới vừa loe hoe mấy sợi râu tới ông già thất thập, bát thập đều được gọi là “anh” tuốt. Càng chi đậm càng “anh” dữ. Đã có “anh” thì phải có “em”. Mà thứ “em” ngọt sớt. Các “anh” không phân biệt tuổi tác, anh nào cũng sướng cách chi đâu!

Trong giới văn nghệ với nhau, “anh, tôi” hình như là lối xưng với nhau thích hợp nhất. Họ không có tuổi tác. Nhưng có nhiều trường hợp tự mình ngại miệng. Nhớ lần Nguyễn Mộng Giác chở tôi tới thăm nhà văn Võ Phiến lần đầu. Trên xe, tôi hỏi Nguyễn Mộng Giác xưng hô ra sao? Anh Giác bảo tùy. Tùy là thế nào, tôi bâng khuâng. Hỏi tới, anh Giác nói: “Tôi với bác Võ Phiến có mối thân tình từ ngày còn ở Quy Nhơn nên tôi gọi là “bác”, còn anh thì văn nghệ với nhau có thể gọi là “anh” cũng được”. Tôi ngồi suy nghĩ cho tới khi tới nhà của nhà văn Võ Phiến. Và tôi tự động gọi là “bác”. Cho đồng nhất với anh Giác chứ thật sự nhà văn Võ Phiến chỉ hơn tôi chừng chục tuổi. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cũng đã gặp trường hợp “anh” và “bác” phân vân. “Ngược lại, trong nhiều giới, đặc biệt là giới văn nghệ, không ít người chỉ muốn người khác gọi là “anh” hay “chị” thôi. Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp Mai Thảo, tôi gọi ông là “bác”; ông xua tay: “anh đi.” Ừ, thì… “anh”. Tôi vừa gọi “anh” vừa thấy hơi ngường ngượng. Ông sinh năm 1926, lớn hơn tôi đến 30 tuổi. Riết, cũng quen dần. Sau đó, gặp Phạm Duy, lớn hơn tôi 35 tuổi, tôi cũng lại cứ anh anh em em. Sau đó, gặp Võ Phiến, lớn hơn Mai Thảo một tuổi và trẻ hơn Phạm Duy bốn tuổi, quen miệng, tôi cũng gọi bằng “anh”; ông có vẻ hơi… sửng sốt. Thoáng nhìn, tôi biết ngay, bèn đổi lại “bác”. Thì mọi chuyện lại yên ổn. Thành ra, ở đây, ngay trong giới văn nghệ, cũng chẳng có luật lệ gì cho việc xưng hô cả. Tùy người”.

Giới văn nghệ ngoài Bắc xưng hô với nhau tùy tiện hơn. Trong bài “Chân Dung hay Chân Tướng Nhà Văn” của Nhật Tuấn, tôi bắt gặp một đoạn xưng hô rất bỗ bã: “Tôi và Dương Thu Hương là chỗ quen biết  “mày tao”. Khoảng năm 1990, Hương bay vào Sài Gòn ở tại Chi nhánh nhà NXB Phụ Nữ gần dinh Thống Nhất và gọi tôi tới gấp. Tôi kéo Hương ra ngồi vườn hoa trước cửa dinh nghe cô nói về đổi mới, về dân chủ tập trung, về vai trò nhà văn… Tôi cười hề hề : ” Chịu thôi, tao ghét “chính chị”, tao chỉ thích “chính em” thôi” .  Hương đấm tôi, chửi toáng : “Tổ sư thằng béo, nhát như thỏ đế…”.

Xưng hô “mày tao” có lẽ là lối xưng hô thú vị nhất. Nó chỉ thị một tình thân rất sát sao. Thường là từ khi còn nhỏ, chung lớp chung trường. Chúng tôi bây giờ, tuổi đời đều đã trên dưới bảy mươi, con đàn cháu đống, học với nhau từ thời tiểu học, hay từ thời Chu Văn An trên nửa thế kỷ trước, vậy mà nay gặp nhau cứ “mày tao” ngon lành. Làm như mình sống lại cả một thời tuổi trẻ, thứ bây giờ mình chỉ còn biết thèm. Thấy mấy anh già tóc trắng cứ “mày tao” với nhau thoải mái, mấy bà vợ nhăn mặt nhăn mũi. Các ông làm ơn ăn nói lịch sự với nhau một chút, già đầu hết rồi! Lịch sự sao được khi trước mắt mình đâu có anh già nào đâu mà chỉ có hình ảnh tên mặc quần soọc, chơi thì chỉ chờ dịp là ăn gian, nợ mấy đồng bạc đòi như giặc cũng không chịu trả, có cho cóp-pi bài thì phải trả bằng một ly chè đậu xanh dưới quán ông cai trường, không cho cóp-pi thì giờ ra chơi lén vẩy mực đầy lưng áo tên…ích kỷ! Hình ảnh ngày xưa thân ái đó, thích muốn chết, dại chi mà không “mày tao”!

Ngày đó, chúng tôi còn là những trang thanh niên yêu đời. Con đường trước mặt rộng mở, chỉ thấy toàn hoa đỏ hoa vàng. Chúng tôi cần cù xây dựng tương lai như một anh nhà giầu còn đầy túi, tha hồ mua ảo vọng, sống với mộng mơ. Ngày đó, chúng tôi hồi hộp viết những lá thư trên giấy pelure xanh thơm phức mua lẻ từng tờ, nắn nót đề ngoài bì thư: Mademoiselle…….Không, đâu có dài dòng như thế, chỉ Mlle…… Chiếc phong bì đồng màu với tờ pelure, có những hình chữ nhật xanh đỏ nằm chéo chung quanh riềm, và, ở một góc có hình chiếc máy bay bay nghiêng lên bầu trời. Hồn những trang thanh niên cũng đang bay bổng như chiếc máy bay. Và giấc ngủ đêm đó đượm  rất nhiều mộng đẹp.

03/2012