@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

CHUNG

Sống chung là chuyện của giới trẻ. Chuyện khá phổ biến. Ngày xưa chuyện khơi khơi chung giường chung chiếu mà chưa có tấm giấy hôn thú lận lưng là chuyện bị dè bỉu, bị cho là điếm nhục gia phong. Ngày nay khác. Theo thống kê năm 2010 tại Mỹ của Pew Research Center thì chỉ có 52% dân Mỹ trưởng thành tự khai là có lập gia đình. Lứa tuổi từ 50 trở xuống thì có tới 60%  chia nhau giường chiếu chứ không thèm cưới hỏi chi cả.

Đó là chuyện của giới trẻ. Giới già chắc phải khác. Khác thật. Chưa có tí giấy hôn thú thì chưa…động phòng. Vợ chồng đề huề đàng hoàng. Nhưng nguyện ước sống với nhau đến đầu bạc răng long coi bộ khó thực hiện. Cảnh nửa đường đứt gánh không phải là hiếm. Tới tuổi già, cái tuổi được ví von một cách rất có giá trị là tuổi vàng, vàng này là vàng lá, mà lá…cây, rụng lúc nào không biết. Thế là một ngày u ám, nơi xứ lạnh thì mùa đông là những ngày u ám nhất, hoặc “chàng” hoặc “nàng” chán cơm chán bánh mì, vội lãng du miền tiên cảnh. Người ở lại bơ vơ. Đang có đôi có cặp nay bỗng lẻ bóng, lạnh bên sườn là cái chắc. Vậy là phải tìm người sưởi ấm cái xương sườn. Hai trong những người vừa tìm được hơi ấm là cụ ông Jim Jordan, 85 tuổi, và cụ bà Charlotte Benedict, 82 tuổi, ở Sacramento thuộc tiểu bang California.

Hai cụ vừa trao nhẫn cưới cho nhau tại thính đường Eskaton Village Carmichael. Một cậu con trai, gọi là cậu nhưng tuổi đời cũng đã cứng, khoác tay cụ bà lên bục lễ trong khi hai cậu con trai khác của cụ ông đứng phụ rể bên cạnh cụ…rể chờ đón trên bục. Cũng có mục sư chủ lễ, cũng thề thốt tưng bừng, cũng hôn hít, cũng vỗ tay, đủ các tiết mục của một đám cưới nhưng không có hôn thú. Chuyện lạ mà không lạ. Các cụ sẽ sống chung, không chồng vợ chi hết mà vẫn như vợ chồng. Các cụ từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ ngày nay đều chuộng lối sống mới này. Theo thống kê chính thức ở Mỹ thì kiểu chung chạ này đã tăng vọt trong thập niên vừa qua. Năm 2000 có 193 ngàn trường hợp kiểu này nhưng tới năm 2010 thì tăng gấp ba, tới 575 ngàn vụ!

Tại sao đã đi gần hết đoạn đường đời mà các cụ còn dè dặt như vậy? Câu trả lời thật khô khốc: vì tiền! Giáo sư môn xã hội học Susan Brown của Đại Học Bowling Green giải thích. Giả dụ như một cụ bà góa chồng, đang hưởng tiển xã hội và tiền hưu của ông chồng quá vãng, nay nếu thò tay ký vào tấm giấy hôn thú thì tất cả những bổng lộc trên sẽ chấm dứt ngay. Vậy thì tội gì mà mất tiền. Giáo sư Andrew Cherlin của Đại Học Johns Hopkins lại đưa ra một thí dụ khác. Cụ ông đã có chúc thư cho con cái, nay bỗng một bà nhảy xổ vào, xáo trộn tất cả, con cái sẽ mặt sưng mày sỉa, mất vui đi. Vậy nên, ông Giáo sư này kết luận: “Vậy là họ nghĩ: cứ sống với nhau nhưng không làm  xáo trộn những bổng lộc họ đang lãnh hay xù đi những hứa hẹn với con cái. Tôi không nghĩ đó là một nếp văn hóa. Tôi cho đây là một lý do kinh tế và thừa kế”.

Không giấy tờ chính thức nhưng không phải họ không yêu nhau. Tình yêu đâu có cần cầu chứng tại tòa! Cụ bà Charlotte đã lấy tên họ của ông chồng không hôn thú thành tên cụ Charlotte Jordan mặc dù trên mặt pháp lý cụ không có quyền làm như vậy. Sao các cụ lại vất vả như thế? Theo chuyên gia về hôn nhân và gia đình của trung tâm Fair Oaks, bà Helene Van Saint-Klein, thì “khi về già các cụ trải qua nhiếu sự mất mát trầm trọng. Mất cha mẹ, mất người phối ngẫu, mất bạn bè. Tạo lập một mối liên hệ thân mật riêng tư trong tuổi già là tự tạo một cơ hội tìm lại sự liên hệ với cuộc sống, tạo thêm ý nghĩa và tương quan với cuộc đời”.

Vì tiền mà các cụ không có tờ hôn thú cho trọn niềm vui. Chỉ sống chung. Cũng vì tiền mà phải sống…riêng. Đó là trường hợp khá phổ biến trong cộng đồng chúng ta. Hai cụ đang an bình sống cuộc sống chồng vợ chính thức, hôn thú đàng hoàng. Bỗng một ngày đẹp trời, ngồi suy đi tính lại, cụ thấy nếu hai vợ chồng sống riêng thì số tiền tháng tháng lãnh được sẽ phình ra lớn hơn. Hai người già ở chung với nhau sẽ lãnh tiền già ít hơn hai người già sống riêng rẽ. Đâu hơn kém nhau chừng vài trăm bạc mỗi tháng. Cũng là một số tiền! Vậy là họ làm giấy ly dị. Giao hẹn với nhau là chỉ ly dị giả vì…tiền thôi, còn chồng vợ vẫn vợ chồng. Hai người lấy hai địa chỉ khác nhau, thường là nhà con cái. Ông một nơi, bà một nẻo. Gặp nhau là chuyện lén lút. Lén lút thì mệt nên hai cụ cứ lơi nhau dần dần. Tới một ngày đẹp trời, cụ ông mò về thăm quê hương. Quê hương ngày nay cỏ non đầy rẫy. Cụ vướng vào một nhúm cỏ. Có thơ rằng:

Ngày xưa thất thập lão làng
Ngày nay thất thập là chàng thanh niên
Thất thập về nước liên miên
Các cháu gái nhỏ luân phiên chào mời:
“Mừng anh thăm nước nhà chơi,
Mời anh cắt tóc, thảnh thơi gội đầu,
Mời anh hào nhoáng sang giàu,
Đón em qua Mỹ em hầu hạ anh”.

Đây là thơ tôi lượm được trên internet. Các cụ có phiền lòng thì cũng không phải do tôi. Nói trước như vậy kẻo mất tình bạn. Mấy ông bạn tôi hình như đều là những người yêu đời và biết sống với đời. Sắp từ giã đời thì mắc chi mà không yêu nó. Nhà thơ Hồ Chí Bửu già tới bao nhiêu, tôi không được biết. Nhưng tôi khoái cái chịu chơi của ổng.

bà xã bảo ta là một trong những ông già chưa chịu chết
sống quậy linh tinh và ca tụng đàn bà
trời ạ, làm sao cưỡng lại trái tim ham muốn
vẻ mỹ miều rực rỡ của loài hoa

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng là một người chịu chơi. Ông bảo người già có ba nỗi khổ: thiếu ăn, thiếu vận động và thiếu bạn. Thiếu ăn không phải vì không có cái chi bỏ vô miệng mà là không dám ăn. Sợ bệnh nên kiêng khem quá đáng. Lại thêm bị mấy ông bác sĩ hù dọa nên sợ thêm (chỗ này tôi phải nhấn mạnh là ông bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói chứ không phải tôi, kẻo có sự hiểu nhầm mất tình bạn của tôi với mấy ông tu bíp thân quen). Để khỏi thiếu, ông bác sĩ Ngọc khuyên giới già cứ ăn búa xua, thèm chi ăn nấy. Chuyện ăn uống nên theo mệnh lệnh của bao tử. Ông viện dẫn cả thơ của vua Trần Nhân Tông. Cư trần lạc đạo thả tùy duyên / Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Diễn nôm ra là: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên / Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.  

Cái thiếu thứ hai là thiếu vận động. Chiếc xe hơi cũ thì nay hư chỗ này mai hở chỗ khác, chạy ì à ì ạch. Người già thì “hai chân nặng nề, như mọc dài ra, biểu thì không chịu nghe lời. Các khớp thì cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy”. Muốn vận động thì đừng nên tính chuyện lập thành tích. Cứ nhẩn nha mà tập tành. Đi lên xuống cầu thang ngày mươi bận, đi vòng vòng quanh phòng mỗi ngày ít vòng. Tập cho mình thôi. Cứ đều đều hàng ngày. Khi nào một ngày không vòng vòng như vậy là thấy nhơ nhớ, thiêu thiếu, vậy là ngon. Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Đó chính là những thứ nghe ghê gớm như thiền, yoga, dưỡng sinh đó! Cứ nhẩn nha thiền kiểu già, dưỡng sinh kiểu già là được.

Cái thiếu thứ ba, quan trọng nhất, là thiếu bạn. Nay một cái cáo phó, mai một cái cáo phó, bạn bè cứ lỉnh đi dần, người bỗng thấy bần thần, lẻ loi. Lứa tuổi của chúng tôi là tuổi…về trời. Không tin cứ hỏi ông Đỗ Phan Hạnh là biết liền. Ông Hạnh là Chủ Tịch hội Cựu Học Sinh Trường Bưởi – Chu Văn An Canada, vùng Montreal. Ông  rất chăm chỉ trong việc cập nhật tin tức của anh em trường cũ. Ông nào qui tiên là ông e-mail ngay một cái phân ưu gửi tới các thành viên của hội. Chẳng mấy ngày là tôi không nhận được cái phân ưu do ông Hạnh phát hành. Có lúc tôi nghĩ lẩn thẩn có nên thêm vào tên hội là “hội cáo phó và phân ưu” không! Mỗi lần đọc e-mail của ông Hạnh là thấy lạnh nơi ba sườn. Thỉnh thoảng vớ được tên những bạn cùng lớp nửa thế kỷ trước. Thoắt hiện về trong trí nhớ thuở niên thiếu của người bạn xưa. Nay bạn đã vội bye bye anh em. Hụt hẫng quá đi chớ. Càng ngày càng thấy mình cô độc. Ông nào mà bạn lòng cũng bỏ ra đi thì còn cô độc ác ôn hơn nữa. Tuổi già cần có bạn. Có được bạn tâm giao là một liều thuốc quý mà chẳng có bác sĩ nào kê toa được. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ không giống ai. Ông kê toa bằng mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ.

Tao ở nhà tao, tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi được
Làm được tao làm đã lắm khi

Các cụ ngày xưa đã dạy: càng già càng dẻo càng dai. Đúng không chê vào đâu được. Nỗi cô đơn cuối đời làm các cụ bấn xúc xích. Chẳng biết sự đời còn được mấy nả mà các cụ cũng nhộn nhịp tìm người chung chăn chung chiếu. Mấy ông bạn…lại độc thân vui tính của tôi cứ mắt trước mắt sau một cách thậm thụt. Cũng phải e dè lũ con cháu một chút chứ! Nếu cần đưa ra một gương sáng, tôi sẽ chọn cụ Ahmad Mohamad Isa ở Mã Lai. Cụ này có hành động rất anh dũng là đăng báo công khai tìm vợ, chẳng cần dấu diếm đứa nào cả tuy cụ đã có tới hai chục đứa cháu và bốn chục đứa chắt. Cũng phải thôi vì năm nay cụ đã 110 tuổi. Quảng cáo tìm vợ vừa được in trên báo Kosmo là có hồi âm liền. Cụ bà Sanah Ahmad, 82 tuổi, có 9 người con, góa bụa đã 30 năm, thúc dục con cháu liên lạc với gia đình ông Mohamad để lo chuyện trăm năm cho…đôi trẻ. Kể ra bà này cũng dễ tính. Vừa thấy hình ông Mohamad là bà bập liền, xóa đi thành tích 30 năm thủ tiết thờ chồng. Lý do bà đưa ra rất dễ thương: ông già này có nhiều điểm giống người chồng cũ của bà và đặc biệt là hai người trùng tênnhau. Kể cũng tiện, Ahmad nào chẳng là Ahmad, vậy là đi thêm một bước nữa nhưng chẳng phải đổi tên chi, vẫn cứ là bà Sanah Ahmad như trước! Ông Ahmad 110 tuổi cũng dễ tính. Thấy có người chịu cái job bưng bô này, ông mừng rỡ: “Tôi sẽ làm đám cưới, bất kể người đàn bà đó là ai miễn là có thể nấu cho tôi ăn. Tôi đã chán cuộc sống chỉ có một mình. Nếu có vợ, bà ấy có thể chăm sóc cho tôi”. Giản dị có vậy thôi sao? Chỉ nói chuyện ăn mà lơ đi những chuyện khác. Kể ra cụ này cũng khá thật thà!

Mấy ông bạn tôi là những người sắc mắc, nghe chuyện ông cụ 110 tuổi lấy vợ, đã phán vung vít. Sao không ở vậy mà ngáy cho đã, tội tình chi mà kiếm một cái máy bóp chỉ rình nghe tiếng ngáy là ra tay bóp mũi mình liền! Một ông khác, coi bộ thâm thúy hơn, phán tiếp theo. Giời ơi! Biết là có nằm cạnh không mà…bóp! Nhưng dù sao ông cụ Mohamad này không cô đơn. Cụ Gilbert Herrick, chỉ còn một năm nữa là tròn câu chúc “bách niên giai lão”, cũng cưới vợ. Khác với cụ Mohamad đã kết hôn tới 5 lần còn đủ can đảm lấy vợ lần thứ 6, cụ Gilbert Herrick này vẫn còn là trai tân! Trai tân vào năm 99 tuổi kể cũng là chuyện lạ. Thực ra cũng chẳng lạ chi. Thiếu chi các ông còn tân suốt đời cho tới khi xuống lỗ. Lạ chăng là đã giữ…của được tới 99 năm mà bây giờ bỗng thả ra. Chắc phải có một động lực chi ghê gớm lắm mới khiến cụ…phá giới như vậy! Động lực đó là khi cụ gặp cụ bà 86 tuổi Virginia Hartman trong nhà dưỡng lão Rochester ở tiểu bang New York. Cụ Gilbert là người cẩn thận. Từ khi còn trẻ chàng trai Gilbert này đã nhất định không lấy vợ cho tới khi nào gặp được đúng người mình yêu. Không ai ngờ cái “khi nào” đó lại bắt cụ chờ lâu đến vậy. Nhưng cụ cho là cũng đáng công chờ. Trong lễ cưới cụ đã cho biết: “Tôi chưa bao giờ gặp một người phụ nữ nào làm tôi cảm thấy hạnh phúc cho tới khi tôi gặp Virginia!”. Cuộc gặp gỡ muộn màng này đã xảy ra năm ngoái khi cả hai đều đã ngồi xe lăn. Họ rất tâm đầu ý hợp vì cùng yêu thích nghệ thuật. Cưới xong họ được ở chung, suốt ngày cùng nhau vẽ tranh! Niềm vui tân hôn tuồi già như vậy cũng được đi. Cốt là ở cái lòng. Họ bận rộn nhìn về một hướng nên không có thời giờ nhìn nhau. Cũng đỡ nản!

Dù sao cụ Gilbert 99 tuổi kết hôn với cụ Virginia 86 tuổi vẫn…trẻ chán. Cặp hôn nhân già nhất được ghi vào sách kỷ lục Guinness là lễ thành hôn của cụ Forrest Lunsway, 100 tuổi chẵn với cụ bà Rose Pollard mới 93 xuân xanh vào ngày 19 tháng 3 năm 2011. Gớm! già ác như vậy mà còn đèo bòng làm chi cho vướng víu. Không, cặp tình nhân này khi mới quen nhau không già như vậy. Lúc đó là vào ngày 18 tháng 12 năm 1983. Cứ bảo già thì hay quên nhưng hai cụ nhớ ngày này rất kỹ. Họ còn cho biết nơi họ gặp nhau là một trung tâm dành cho người cao niên. Từ đó họ trở thành tình nhân. Nàng sống ở Capistrano, chàng ngụ ở Cypress, khoảng cách là 40 dặm đường. Họ đều là người Mỹ nên rất sòng phẳng. Họ hẹn hò tại một thành phố ở giữa đàng, mỗi người phải lái xe 20 dặm. Chàng Forrest là người chậm lụt. Sau hai chục năm hẹn hò, chàng mới tỏ ý muốn kết hôn. Tôi nghĩ là khi đó có lẽ cụ đã ngại lái xe vào cái tuổi 93 rồi. Tôi đoán mò như vậy chứ lúc đó chắc chi chàng và nàng còn lái xe được. Chắc lại cứ cưỡi xe đò greyhound mà gặp nhau thôi. Phiền chết! Vậy thì cưới đứt đi cho đỡ mệt cái thân già. Ý của chàng là như vậy, nhưng nàng lại…em chã! Cụ Rose kể lại: “ Tới một hôm ông ấy hỏi tại sao chúng ta không làm đám cưới và chuyển về sống cùng nhau. Tôi liền trả lời: bởi vì ông chưa bao giờ nói tới chuyện đám cưới với tôi! Ngay khi tôi nói xong câu đó, ông Forrest quỳ xuống và cầu hôn tôi. Lúc đó tôi không thể từ chối nên nói đại là sẽ chỉ cưới khi ông tròn trăm tuổi”. Quả là làm khó nhau quá đáng! Tôi có thể mường tượng ra sự khó khăn này ở cả hai phía. Phía cụ ông, vất vả xiết bao khi phải cố quỳ xuống để xin bàn tay chắc đã hết phẳng phiu của cụ bà. Đó là kinh nghiệm của tôi ngày nay, chưa tới cửu tuần mà đã rất phiền phức khi phải đổi từ thế ngồi ra thế quỳ! Phía cụ bà, hồi hộp biết bao khi phải đớp hàng ngày bằng hàm răng giả chờ tới 8 năm nữa để cụ ông tròn bách niên!

Cả hai người đều đã lập gia đình trước đó, và các phối ngẫu của họ đều đã khuất núi. Có kinh nghiệm cả rồi mà sao cụ bà còn làm khó cụ ông như vậy? Cụ Rose cho biết là cuộc hôn nhân đầu của cụ rất hạnh phúc nên cụ đã tự hứa là sẽ không bao giờ tái giá nữa. Thế nhưng định mệnh lại xui khiến cụ gặp cụ ông Forrest. Vậy cho nên cụ rất phân vân khi được cụ ông xin bàn tay bèn hứa đại như vậy cho qua cơn bối rối. Ai ngờ định mệnh lại chịu khó để cụ ông đủ trăm tuổi cho cụ bà vẹn câu thề!

28 năm chờ đợi cho một cái đám cưới của hai cụ mà số tuổi cộng lại là 193 tưởng là vội vã mà không phải vậy. Một năm trước ngày cụ ông trăm tuổi, “đôi trẻ” mới thổ lộ với bà Vanna Murphy, Giám đốc Trung tâm Cao Niên Age Well ở Dana Point, nơi cả hai thường lui tới khiêu vũ, ý muốn tổ chức đám cưới tại trung tâm. Vậy là ba người âm thầm sửa soạn. Họ không muốn tiết lộ chuyện cưới xin muộn màng này nên quyết định sẽ giấu đám cưới trong một buổi lễ sinh nhật trăm tuổi của cụ ông Forrest. Quan khách được mời đã sửng sốt khi đám cưới diễn ra. Và họ đã vỗ tay chúc mừng đôi uyên ương đậm đà tuổi tác nhưng vẫn chưa gãy cánh. Đám cưới già kỷ lục cũng có nhiều điều lợi. Trung tâm Cao Niên đã tính tiền tổ chức như một lễ sinh nhật thôi, phần cưới thì free. Các doanh nghiệp địa phương tặng một chiếc bánh cưới đủ dùng cho 95 thực khách. Nhà hàng đã tính giá đặc biệt cho thức ăn dùng trong buổi tiệc. Và khách sạn Marriott trong vùng đã tặng một đêm miễn phí với một căn phòng chất đầy dâu và rượu sâm banh!

Mấy ông bạn tôi nghe tới vụ căn phòng này đã cười mỉa mai. Để làm gì nhỉ? Tôi không nghĩ là cụ rể Forrest nghe được tiếng cười này. Nhưng cụ đã hiên ngang trả lời báo Dana Point Times là cụ không cảm thấy mình đã trăm tuổi. Với tiếng cười vui, cụ cho biết: “Tuổi tôi chưa đến 65!”.

Vậy là còn ngon. Đã chung thì cái gì cũng bỏ chung tuốt! Sợ chi cái đêm động phòng!

02/2012