@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

HƯƠNG

Ớ Thị Bằng ơi! Đã mất rồi!
Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói;
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cỏ kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

Bài thơ thất thanh này là của vua Tự Đức, ngày còn học trurng học chúng ta vẫn được dậy như vậy. Nhưng theo những khảo cứu mới đây thì bài thơ này chính là của Nguyễn Gia Thiều, tác già Cung Oán Ngâm Khúc, vua Tự Đức chỉ sửa lại sơ sơ. Không hiểu sao chỉ góp công chút đỉnh mà vua Tự Đức ôm vào người nguyên cả bài, cho ông Nguyễn Gia Thiều đi chỗ khác chơi. Chắc vua muốn là trời muốn!

Nhưng tôi không có ý để cập tới khía cạnh văn học của bài thơ này. Tôi chẳng quen ông Nguyễn Gia Thiều, vua Tự Đức thì sức mấy mà tôi có thể bá vai bá cổ được. Kệ các ông ấy với nhau. Tôi chỉ muốn mượn đỡ một câu trong bài thơ để châm mồi cho bài phiếm này. Đó là câu: “Xếp tàn y lại để dành hơi”.

Xếp tàn y để dành hơi thì bộ y phục của Thị Bằng chắc không được giặt trước khi xếp lại. Vì giặt thì chỉ còn mùi bồ kếp (ấy là tôi đoán thời đó chỉ dùng bồ kếp chứ xà bông Cô Ba đâu đã có mà dùng) chứ mùi…Thị Bằng mất tiêu rồi lấy chi mà “dành hơi”.

Mùi vương vấn trong quần áo mặc là chuyện nhiều người trong chúng ta chắc có kinh nghiệm. Mẹ đi xa, đứa con nhớ mẹ ôm chiếc áo chưa giặt của mẹ cho dễ ngủ. Chồng đi xa, vợ nhớ mùi cứ nách chiếc áo cũ chồng để lại mà hít. Hay, để cho nam nữ bình quyền, chồng ôm ngực áo vợ mà …tưởng nhớ mùi hương. Áo là thứ giữ được mùi của cơ thể con người nhất. Quần chắc cũng vậy nhưng con người không muốn hạ mình xuống nên hay để cập tới áo cho có vẻ…cao cấp hơn!

Tự chiếc áo không có mùi nhưng vì bao bọc thân thể nên áo ướp mùi. Mùi gốc gác từ cơ thể. Nó là dấu ấn của mỗi người. Đứa trẻ nhận biết ra người mẹ là do mùi cơ thể của người mẹ tiết ra. Cứ thử thì biết ngay. Đứa bé khóc, dỗ thế nào cũng không nín, nhưng khi vừa được mẹ bồng là cu cậu im ngay tức thì. Sao chú bé biết được vòng tay đó là vòng tay mẹ? Nhờ mùi của người mẹ. Mối quan hệ mẹ con có được là nhờ hương mẹ. Mùi này được đứa bé diễn giải là sự ấm cúng, bình an. Cứ đánh hơi thấy cái mùi…an toàn này là yên chí lớn. An toàn xong mới xục xạo. Cu cậu nhận ngay ra hộp…đồ ăn của mẹ vì chung quanh cái bình thiên tạo này có những tuyến bài tiết mồ hôi. Cái mùi quen quen khiến cu cậu yên chí bú. Nhiều khi bà mẹ làm dáng, bôi tí nước hoa làm mất cái mùi nguyên thủy, bé sẽ không chịu bú.

Lớn lên chú bé cũng cứ y chang như vậy. Cứ chúi mũi vào mùi. Chuyện là chuyện tự nhiên nhưng đã được hai nhà khoa học của Đại Học Florida là Saul Miller và Jon Maner chứng minh đàng hoàng. Họ làm thí nghiệm trên tiền đề là các chàng bị thu hút bởi một loại hóa chất tự nhiên tạo nên mùi cơ thể của các nàng. Họ tuyển một nhóm phụ nữ để tiến hành hai thí nghiệm. Trước hết họ cho các phụ nữ này mặc một chiếc áo trong ba ngày đêm liên tiếp. Những thiếu nữ này đang ở trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Sau khi áo đã vương vấn mùi hương của các nàng, họ mời 68 chàng trong độ tuổi từ 18 đến 23 ngửi những chiếc áo đẫm mùi này. Tôi và các ông bạn tôi tiếc hùi hụi. Phải chi mình ngâm nga được như cụ Nguyễn Công Trứ ngũ thập niên tiền nhị thập tam mà một ông bạn tôi đã diễn nôm năm chịch năm trước ta hăm ba. Vậy là vừa khéo để tham gia được vào nhóm thí nghiệm! Mỗi chàng chỉ được ngửi một chiếc áo. Éo le thay, trong những chiếc áo này lại có những chiếc áo sạch chưa nàng nào mặc cả. Vậy là được vào hội…ngửi mà cũng còn hên xui. Hên thì được ngửi những chiếc áo ba ngày ba đêm cận kề da ngà, xui thì ngửi những chiếc áo toàn mùi máy giặt! Tất cả các tình nguyện viên được lấy mẫu nước miếng trước và sau khi ngửi để phân tích nồng độ kích thích tố nam testosterone. Kết quả phân tích cho thấy những chàng ngửi áo của các nàng trong thời kỳ rụng trứng, thời kỳ dễ thụ thai nhất, có hàm lượng testosterone trong nước miếng cao nhất. Hai nhà khoa học Miller và Maner yêu cầu các chàng đánh giá mức độ hấp dẫn của mùi trên những chiếc áo theo một thang điểm thì kết quả cũng xêm xêm: áo của những nàng đang trong thời kỳ rụng trứng được đánh giá cao nhất. Vậy là bản năng truyền giống của các chàng đã phơi phới dâng lên khi ngửi được mùi…trứng nơi áo nàng!

Tiến sĩ Saul Miller nói: “Nồng độ testosterone tăng khi đàn ông tiếp xúc với mùi mồ hôi của phụ nữ đang rụng trứng. Những mùi đó khiến họ có xu hướng tăng cường hành vi tìm kiếm bạn tình hơn những tình huống bình thường”. Khi một anh đàn ông có nồng độ testosterone càng cao thì anh chàng càng thích cạnh tranh, khao khát quyền lực và ưa mạo hiểm. Đó là những phẩm chất mà phụ nữ coi trọng, đặc biệt là các nàng đang trong thời kỳ dễ thụ thai. Mùi của người nữ như vậy, đã dẫn dụ người nam nổi hứng ưa làm những hành động can trường để gây chú ý hầu người nữ OK cho cộng tác trong việc truyền giống.

Nhà thơ nữ Minh Đức Hoài Trinh là tác giả bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành bài nhạc cùng tên. Bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” có năm đoạn mà đoạn đầu nguyên văn như sau:

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi.

Khi phổ thành nhạc, Phạm Duy đã đổi lại khổ thơ này, thu vào chỉ ba câu mở đầu cho bản nhạc:

Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi.

Phạm Duy là người có tiếng đào hoa, từ thời trai trẻ tới khi về già. Ông không dấu diếm những cuộc tình trong những cuốn hồi ký của ông. Là người từng trải như vậy nên ông thêm vào câu “hương trinh đã tan rồi” không có trong bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh. Kể ra “chàng” kinh nghiệm đầy mình về hương của phụ nữ!

Một bài hát khác, bài “Yêu Nhau Cởi Áo Cho Nhau”, ca dao của các cụ, cũng có màn áo xống. Tôi ít kinh nghiệm về chuyện mùi miếc, áo iếc, nên đành bán cái cho ông nhà thơ Chu Vương Miện. Cũng tiếc hùi hụi nhưng cũng đành vậy! Ông Chu Vương Miện bàn về chuyện mùi áo như thế này: “Trước đây 40 năm thì tôi hiểu bài hát dân ca Bắc bộ này một cách hết sức cù lần cả quỷnh như sau đây: Là có một đôi trai gái nhà quê ở tuổi dậy thì yêu nhau và thường hẹn hò nhau ở một vài địa điểm nào đó để tâm tình. Đến khi chia tay thì cô nàng cởi áo trao cho chàng trai mang về nhà để dành, lâu lâu mang áo ra ngửi một cái để tưởng nhớ mùi hương và mùi da thịt nàng cho nó đỡ nhớ [và cũng chỉ nghĩ được có như thế?] và anh chàng con trai cũng vội vàng cuộn cái áo của cô nàng cho vào nách hay vào túi áo mang về [cất đi]để bắt chước y như vua Tự Đức” Bốn chục năm sau, tình trường đã trải qua nhiều giai đoạn (đó là tôi phịa ra như vậy chứ ông Chu Vương Miện không nói chi) bài ca được hiểu khác, ông nhà thơ họ Chu ngộ ra: “Là trong một đêm trăng thanh gió mát, trăng sắp rụng xuống cầu, chỉ cần có một cặp trai gái là trăng rụng ngay, chàng với nàng hẹ hò nhau ở một nơi thanh vắng và thuận tiện nào đó không có người thứ ba lai vãng, [yêu nhau cởi áo ý à cho nhau] hành động cởi áo này là của đấng nam nhi xử sự với khách má hồng [chứ không phải khách má hồng tự cởi áo], còn cái chuyện cởi áo làm gì thì hôm nào hỏi thử hai người trai gái đó họ sẽ nói cho mà nghe. Còn câu hát tiếp theo về nhà cha mẹ hỏi [qua cầu gió bay] chỉ làm cho bài hát thêm phần tối nghĩa và thơ mộng thế thôi, chứ thực tế chẳng có anh chàng cù lần nào mang áo của nàng về nhà mà làm cái gì!”.

Ông Chu Vương Miện không được bằng ông Phạm Duy, đã hẳn! Nhưng đã là đàn ông thì cứ có mùi phụ nữ là ngửi thấy liền, cần chi phải có trình độ cỡ hai ông nhà thơ và nhạc sĩ này.

Ngay cả phụ nữ cũng chẳng chỉ thụ động cho các ông ngửi. Các bà các cô cũng biết ngửi như ai. Những con chuột cái căn cứ vào đâu mà chọn lựa con đực của mình? Vào mùi của con đực. Các tiều thư to hơn con chuột nên không giản dị như vậy. Các nàng đã chọn người tình một cách rắc rối hơn nhiều. Đẹp trai, to khỏe, cái ví dày, cái nhà to, tí bằng cấp lận lưng, vân vân. Nhưng những thứ đó là thứ…ngoại. Ngoại đây là không dính vào trong người chứ không phải đồ ngoại. Trong vô thức, các nàng cũng chẳng khác chi chuột. Cũng bị cái mũi dắt đi thôi!

Mùi của các chàng nó ra răng? Năm 1996, nhà động vật học Claus Wedekind thuộc Đại Học Bern ở Thụy Sĩ, đã làm một cuộc thí nghiệm…áo lót. Ở trên, tôi đã nhắc tới vụ thí nghiệm cho các chàng ngửi những chiếc áo đã ôm ấp cơ thể của các nàng ba ngày ba đêm, giờ tới lượt các nàng. Ông Claus đã dùng 44 chiếc áo lót mà các chàng đã mặc trong hai đêm, cho các nàng ngửi mùi để đo phản ứng. Cũng giống như trong các cuộc thí nghiệm với các chuột cái, các nàng cũng y như chuột, khoái áo lót của những người đàn ông không có hệ miễn dịch giống mình. Nếu được cho ngửi những chiếc áo lót có hệ miễn dịch giống mình thì các nàng tả chúng có mùi giống mùi của anh em hoặc bố của các nàng.

Cũng giống như các động vật khác, con người cũng có một nhóm hóa chất mang tên pheromone để phát tín hiệu tình cảm với người khác giới tính. Pheromone được thoát ra mùi bằng nhiều cách trong đó thoát qua mồ hôi là cách chính. Tiến sĩ tâm lý Denise Chen của Đại Học Rice đã làm thí nghiệm để tìm hiểu phản ứng của phụ nữ với các dạng mồ hôi của đàn ông. Họ giả thiết là nếu nam giới tiết ra pheromone giới tính trong mồ hôi thì phụ nữ sẽ cảm nhận được sự khác biệt giữa mồ hôi của đàn ông khi họ muốn thu hút sự chú ý của phái đẹp và mồ hôi toát ra khi họ trong trạng thái thông thường. Nghĩa là nếu chàng ló mòi tán tỉnh dụ dỗ thì nàng biết ngay. Thí nghiệm lần này không áo lót chi cả mà bằng miếng xốp gắn vào…nách. Tiến sĩ Chen mời 20 người đàn ông và 19 phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau tham gia thí nghiệm. Trước đó, các ông không được xức nước hoa hay các hóa chất có mùi trong vài ngày. Vào thí nghiệm, các ông được gắn những miếng xốp vào nách và được cho coi phim sex. Sau đó những miếng xốp được gỡ ra. Tiếp theo họ được gắn những miếng xốp khác và sống bình thường. Nhóm 19 phụ nữ được cho ngửi các miếng xốp và dùng máy chụp cộng hưởng từ để theo dõi hoạt động trong não của họ. Kết quả cho thấy não của phụ nữ phản ứng khác nhau với hai loại mồ hôi này. Vùng trước trán bên phải và vùng hình thoi bên phải trên vỏ não được kích hoạt khi họ ngửi mồ hôi mà nam giới tiết ra khi xem phim sex. Nhưng khi được cho ngửi mồ hôi mà nam giới tiết ra trong trạng thái bình thường thì các vùng trên êm rơ không hoạt động chi cả. Như vậy là các cô biết khi nào các cậu hứng tình!

Nói chuyện khoa học mãi có thể làm nhức đầu nhức óc. Tóm lại là các chàng và các nàng vẫn tương ứng với nhau trong chuyện ngửi mùi của nhau, nhất là những mùi tiết ra trong lúc hứng khởi. Giao du với các nhà khoa học khô khan gì đâu, tôi muốn quẹo qua văn học một chút cho nó có tí ướt át. Chúng ta theo chân ông nhà văn Đào Hiếu nhé. Trong bài “Quyến Rũ Bằng Hương Thơm” ông nhà văn luận như thế này: “Cách đây hơn 1.500 năm ở bên Tàu có một mỹ nhân tên là Tây Thi. Tương truyền trong người nàng tiết ra một mùi thơm quyến rũ. Lúc còn hàn vi nàng thường ra bờ suối giặt lụa, sau đó ngâm mình trong dòng nước. Trai tráng trong làng lén rủ nhau tắm phía dưới dòng chảy để mong hưởng một chút thơm tho từ da thịt người đẹp tiết ra. Có người không tin truyền thuyết này, cho là thêu dệt hoang đường, nhưng tôi tin, vì khi còn là một cậu học sinh trung học, đã có lần tôi bắt gặp một mùi hương ngây ngất từ chiếc áo lót của một cô bạn học chưa từng biết mỹ phẩm là gì. Mùi hương ấy không giống bất kỳ một loại nước hoa nào, bất kỳ một loài thảo mộc nào. Nó không chỉ thơm, nó còn nũng nịu, e thẹn, ấm áp, thủ thỉ… Đó là một thứ mùi kỳ ảo, thần thoại, không gì sánh kịp, không ai diễn tả nổi. Một thứ mùi chỉ có Thượng Đế mới tạo ra được, là mùi của Trời quyến rũ Đất, của Gió quyến rũ Mây, của Biển Cả quyến rũ những Vì Sao… Nếu quả thực Tây Thi có một mùi thơm như vậy thì nước Ngô có bị diệt, thì Phù Sai có chết dưới lưỡi gươm của Câu Tiễn cũng ngậm cười nơi chín suối”

Nghe ông nhà văn luận về hương của cô bạn trong tuổi dậy thì chưa biết dùng nước hoa, các ông bạn tôi cứ xuýt xoa. Ước chi được trở lại thời gian mật ngọt đó. Các ông này khéo mơ mộng. Lấy chi mà giết được thời gian năm bảy chục năm các ông đã hưởng của trời. Nòi tình như ông Phạm Duy mà khi “xin cho đi lại từ đầu” cũng là chỉ để trở về với cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo thôi. Đừng ham!

Nhưng hương trinh vẫn có sức quyến rũ thần tình. Ngay tới một nhà khoa học như ông bác sĩ Nguyễn Duy Hưng của viện Da Liễu Quốc Gia trong nước mà khi nói tới thứ hương ái ân cũng mềm mại văn vẻ hẳn ra. “Hương mùi cơ thể là bí ẩn lớn lao của yêu đương ái ân. Người ta hay nói yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, có đúng vậy không? Theo tôi, điều đó có thể đúng khi hai người nhìn thấy nhau, nhưng để gắn kết nhau và say mê nhau có lẽ chính là mùi hương cơ thể đã hoàn thành sứ mạng cho đôi uyên ương. Liệu nhận xét đó có làm các nhà văn, các bác sĩ mắt phật lòng phản đối không? Tôi vẫn giữ ý kiến của mình. Câu chuyện về Hoàng đế Napoleon trở về sau mỗi chuyến đi xa đã yêu cầu vợ của mình không được tắm trước khi ông ta về chỉ vì muốn được hưởng mùi thơm tự nhiên trên da thịt người đàn bà thân yêu của ông ta cũng là một ví dụ thú vị đấy chứ. Đó cũng là điều mà chúng ta thấy là các tuyến này chỉ hoạt động khi dậy thì với chức năng thu hút giới tính và góp phần trong hoạt động tình dục của con người. Pheromones là kích thích tố có tính kích thích tình dục ở động vật và cả loài người. Pheromones có trong chất tiết của tuyến appocrine. Mỗi người có mùi riêng biệt, không thay đổi suốt cả cuộc đời như vân tay của chúng ta và do các yếu tố di truyền qui định”.

Mùi của người yêu là một thứ ma túy hít mãi không ngừng được. Đó là thứ mùi của cuộc đời mỗi người chúng ta. Cuộc sống của chúng ta còn có một thứ mùi khác, mùi của nơi chốn chúng ta sống. Có người, như nhà thơ Đỗ Trung Quân, gọi đó là mùi quê hương, “là hương hoa đồng cỏ nội / bay trong giấc ngủ đêm hè”. Nhà thơ Nguyễn Bính mộc mạc hơn cho đó là mùi “hương đồng gió nội” mà nếu đánh mất, sự tiếc nuối sẽ theo chúng ta không biết tới bao giờ. Đó có lẽ là sự mất mát to lớn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Ông Nguyễn Bính chỉ biết than van tiếc cái hương đồng gió nội bay theo chuyến đi tỉnh của cô bé chân quê. Có thể kể ông là người hiền lành. Đâu có xăng xái ra tay như ông Xuân Diệu.

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay xa

Cuối đời ông Xuân Diệu có giữ được hương không. Chúng ta đều đã biết!

12/2011