@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

Ế là một từ ác ôn. Nó chỉ một vật phơi ra mà chẳng ai chịu lượm, mua hoặc…thỉnh về. Nếu “ế hàng” là một chuyện thường tình thì “ế chồng” không cùng đẳng cấp. Nó ngầm mang ý khinh thị, chê bai. Cùng là ế thân xác nhưng “ế vợ” lại được nhìn bằng cặp mắt nhân hậu hơn. Nó không mang vẻ…khủng bố như “ế chồng”. Mẹ ơi con muốn lấy chồng/ Con ơi mẹ cũng một lòng như con. Câu ca dao nghe phát ghét. Nhưng chưa đáng ghét bằng câu sau:

Đi đâu mà chẳng lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông mà gào
Gào rằng đất hỡi trời ơi
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng
Ông trời ngoảnh mặt lại trông
Mày hay kén chọn ông không cho mày

Làm như không lấy được chồng là một cực hình đến phải làm cái trò thiếu thẩm mỹ là chổng bàn tọa chỉ thiên. Không có chồng có được không? Hình như đó là một chuyện…khổ sai! Gia đình, xóm làng trông vào bằng cặp mắt nhức nhối.

Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đinh
Phản long đinh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khốn lắm chị em ơi.

Tại sao lại lâm vào tình trạng khốn? Anh chàng Joe Dâu trong bài “Hội Chứng Phụ Nữ Ế Chồng” viết: “Tôi biết đến một số tổ chức của nước ngoài đang cố tình tuyển nhân viên nữ (mặc dù không nói ra). Vì sao? “Ở Việt Nam nhân viên nữ hơn hẳn”, một người bạn của tôi là sếp của một tổ chức nước ngoài tâm sự. “Trình độ cao hơn, thái độ tốt hơn, góc nhìn cởi mở hơn, và khác với nhiều nước ở Châu Á khả năng mở rộng quan hệ không kém gì đàn ông”. Tóm tắt: nữ trẻ đang chạy nhanh hơn. Sự thật: người chạy nhanh khó yêu người chạy chậm. Kết quả: nhiều người phụ nữ Việt Nam trẻ không biết lấy ai. Kết quả tiếp theo: bắt đầu có nhiều phụ nữ Việt Nam không còn trẻ và không có ai”. Tôi trích nguyên văn bằng tiếng Việt, bởi vì anh chàng có tên là Joe Dâu viết bằng tiếng Việt. Joe Dâu là nickname của Joe Ruelle, một chàng trai Canada chính cống, sanh năm 1978 tại Vancouver. Năm 2002, anh tốt nghiệp Đại Học Acadia, chuyên ngành nghệ thuật sân khấu. Năm 2004, anh đến Việt Nam làm nghiên cứu cho tổ chức UNICEF. Trong ba năm làm việc tại đây, Joe theo học tiếng Việt tại trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội. Năm 2006, một người bạn khuyên Joe viết blog bằng tiếng Việt. Và anh sớm được mọi người biết đến như một “ông Tây nói tiếng Việt hay kinh điển”. Các bài viết của anh có thể gọi là…phiếm! Tháng 6 năm 2007, cuốn sách đầu tay của anh được nhà xuất bản Kim Đồng in mang tên “Tớ là Dâu”. Đây là cuốn sách bán chạy nhất trên các kệ sách Việt Nam và anh chết cái tên “Dâu” thành “Joe Dâu”. Cuốn sách thứ hai, “Ngược Chiều Vun Vút” vừa ra mắt độc giả Việt Nam.

Vậy thì anh Tây Canada vừa vạch ra một lý do các cô gái Việt…ê sắc. Đó là vì họ…chạy nhanh hơn con trai. Chạy nhanh đây không có nghĩa là cao chạy xa bay mà là thông minh hơn con trai. Anh chàng phiếm sĩ mắt xanh mũi lõ này có ám chỉ gì chăng? Ký giả Viết Thịnh đặt ngay câu hỏi: “Khá nhiều cô gái Việt thích có người yêu Tây, chồng Tây. Một chàng Tây đẹp trai, tài năng như anh chắc hẳn được lắm cô săn đón?”. Chàng Joe Dâu hóm hỉnh trả lời: “Cái từ “đẹp trai” mà bạn nói thì tôi nghi ngờ lắm, còn từ “tài năng” thì cũng nghi ngờ một chút. Tuy nhiên, tôi công nhận có nhiều cô gái Việt thích yêu Tây, kể cả Tây xấu, Tây kém. Điều đó chứng tỏ rằng dân tộc tôi làm tiếp thị tốt. Mà tôi xin nói nhỏ với bạn, trong tình yêu thì tiếp thị là đơn vị có thể sở hữu được hơn 50% khả năng chiến thắng”.

Anh chàng Joe nói không sai. Trên diễn đàn mạng vừa có một cơn bão nho nhỏ. Đó là bài viết “Ế Chồng Cũng Không Lấy Đàn Ông Việt” của một cô gái ký tên  Trang. Chỉ nghe tên bài cũng đã thấy…căng! Căng ngay từ câu mở đầu: “Lâu lâu lại đọc được đề nghị nên có ngày tôn vinh đấng mày râu trên báo mạng, tôi thấy thú vị quá. Thú vị hơn nữa là lại thấy một số anh đàn ông so sánh rằng, đàn ông Tây còn có ngày của bố, còn đàn ông Ta thì chẳng có ngày gì để được tôn vinh. Uh, cũng đúng thôi, vì đàn ông Tây họ đàn ông ra đàn ông, còn đàn ông ta thì ông chẳng ra ông, mà bà chẳng ra bà thì tôn vinh cái gì. Giá như các anh đề nghị chúng tôi tôn vinh cái cỡ “xăng pha nhớt” thì OK ngay, còn tôn vinh đàn ông thì hơi khó, vì các anh có phải đàn ông đâu mà tôn vinh. Các anh cũng làm sao mà so bì với đàn ông Tây được?”. Cô nức nở khen đàn ông Tây, nào là biết nhường chỗ cho phụ nữ trên tàu trên xe, biết giúp đỡ phụ nữ xách nặng, nào là biết giúp vợ trong công việc nhà, biết rửa chén bát, thậm chí còn có thể giặt đồ lót cho vợ nữa! Sau đó cô Trang chê đàn ông Việt gia trưởng, không mó tay phụ vợ việc nhà, chỉ biết bù khú rượu chè, vắt mẩy coi ti-vi khi đi làm về dù lương chẳng hơn vợ bao nhiêu. Kể tội chán, cô kết luận: “Cũng xin nói thật với các anh, là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tôi rất có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi. Tôi cũng tuyên bố luôn, sau này thà ế chồng chứ nhất định tôi không bao giờ lấy đàn ông Việt Nam làm chồng. Mà chả riêng gì tôi, rất nhiều cô gái Việt Nam thành đạt cũng lấy chồng Tây đó thôi, và xu thế này sẽ còn tiếp tục, tôi tin là như thế”.

Vậy là lý do thứ hai để tối nằm không: giới hạn đối tượng. Cô Trang này giới hạn vào đàn ông ngoại quốc. Tôi có cô bạn ngày trẻ, đường nhan sắc không được dài lắm, việc chồng con rất dễ đi vào ngõ cụt. Không tìm lối thoát ra, cô lại bít thêm ngõ cụt bằng cách công khai tuyên bố giữa chốn ba quân là cô không lấy người họ Trần. Chẳng ai hiểu lý do tại sao mà cô lại khơi khơi giới hạn một cách dại dột như vậy. Một anh bạn hồi đó mỉm cười phán: “Đã chẳng có nhiều cơ hội lại còn loại ra vòng chiến cả đống người. Sa mạc là đây!”.

Lý do thứ ba của việc…chống ề là vì quá ngoan! Nghe ra hơi mâu thuẫn. Ngoan thì có nhiều chàng muốn rước nàng về dinh chứ. Vậy mà không phải vậy. Trong bài báo “Ế Chồng Vì Quá Ngoan”, ký giả Vương Linh kể ra hai trường hợp điển hình: “Xinh xắn, dịu dàng, tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định nhưng dù đã sang tuổi 33, Ngọc vẫn chưa có một mối tình vắt vai hay thậm chí bạn đúng nghĩa. Khi đưa con gái tới phòng khám về rối nhiễu tâm trí Tu Na (Phố Vọng, Hà Nội), bố mẹ Ngọc, đều là các cán bộ cao cấp trong một cơ quan nhà nước, tha thiết nhờ các chuyên gia giúp con gái họ đỡ…ngố, giao tiếp khá hơn để lấy được chồng. Theo lời các bậc phụ huynh kể thì ngay từ nhỏ, Ngọc đã là đứa trẻ kém cỏi, chậm chạp, chứ không sắc sảo, hoạt bát như chị gái cả hay khôn ngoan, nhanh nhẹn như anh trai thứ hai, nên họ luôn cảm thấy rất lo lắng, phiền lòng. Họ phải lo cho cô con gái út từ lúc đi học đến xin việc, đi đâu cũng phải theo sát, dặn dò, và luôn nghĩ nếu không có người nhà ở bên cạnh thì cô sẽ không thể thích ứng với cuộc sống phức tạp”.

Trường hợp thứ hai là một cô tên Nhung: “Cũng sốt ruột và bực mình khi thấy con gái đã 29 tuổi mà vẫn chưa có anh nào ngấp nghé, bố mẹ Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) đã phải nhờ rất nhiều người mai mối cho con. Thế nhưng, hễ có anh nào tới gặp mặt là Nhung, hoặc sẽ ngồi im, cúi mặt chẳng nói gì cả buổi, để mặc cho “đối tác” hỏi rồi tự trả lời, hoặc sẽ chạy trốn vào phòng đóng chặt cửa. Bố mẹ lẫn các anh của cô đều rất tức giận và không tiếc lời mắng mỏ nhưng Nhung vẫn không thay đổi”.

Đây là những trường hợp vụng về trong giao tiếp khiến các chàng trai chán bỏ chạy. Tôi thấy chính mấy anh chàng bỏ chạy mới có vấn đề. Nếu muốn có cô vợ hiền lành, chỉ biết chồng con thì đây là típ người lý tưởng. Nhưng ngày nay chỉ hiền lành chưa phải là điều kiện đủ cho một cuộc hôn nhân. Các chàng trai cần hơn thế nữa. Họ không muốn có một người vợ chỉ để giấu ở nhà. Họ muốn một người biết giao thiệp để…khoe với mọi người. Nếu cứ ngồi một đống, chẳng nói chẳng rằng, mặt mũi không tươi thì làm sao mà khoe.  Đây là típ người mà các chàng thanh niên gọi là không có điện! Lấy vợ phải là thứ điện 240 vôn. Nếu điện có giật thì lại là chuyện khác!

Lý do thứ tư để được mang họ Ế là học cao. Đây là chuyện mọi người đều thông cảm. Cây cao khó trèo, học cao khó với. Trên mạng có một blog mang tên Eve Tám Chuyện. Các bà các cô mặc sức đem những thắc mắc hay tâm sự lên tán với nhau. Một cô gái dấu tên, chỉ để tên tắt T.B. giãi bày: “Xinh đẹp, giỏi giang, lại con nhà gia giáo, lẽ ra tôi sẽ có rất nhiều chàng trai vây quanh và không phải rơi vào cảnh 30 tuổi vẫn chưa có ai ngó ngàng. Thế mà giờ đây, việc kiếm một anh người yêu còn quá khó chứ đừng nói đến lấy chồng. ‘Đấy, tiến sĩ mà làm gì’, mẹ tôi vẫn ngao ngán nói với tôi mỗi bữa ăn như thế. Đã thế tôi lại sinh thêm cái tật ‘ngại đi chơi’. Ở tuổi này, bạn bè ra sức giới thiệu, mối lái nhưng dường như, tôi chẳng có chút hứng thú nào với việc gặp gỡ, tiếp xúc với đàn ông, con trai. Có ai nhiệt tình giới thiệu quá thì cũng miễn cưỡng mà gặp một lần rồi sau đó lại biệt vô âm tín. Người ‘ngưỡng mộ’ mình không phải không có, nhiều chàng xin số điện thoại, có nhã ý rủ đi uống nước, chuyện trò nhưng mình thì cứ dửng dưng, lâu dần thành ra người ta cũng chán…Người cao quá thì không với tới mà có người cao cũng chẳng màng quá. Kẻ lắm tiền cũng dễ sinh tật này nọ nên cứ lấy người nhàng nhàng là được. Bạn bè tôi thường  nói như thế. Tôi cũng không phải kênh kiệu gì nhưng nhiều người gặp tôi, lắc đầu nguầy nguậy chỉ vì cái mác tiến sĩ của tôi. Dù là tiến sĩ trẻ nhưng với họ, tôi đã quá cao giá, quá già…30 thì xuân xanh đã qua, 30 năm cống hiến cho đèn sách để giờ đổi lại với tôi  là một cuộc sống cô đơn, tẻ nhạt. Ai cũng cần một người đàn ông bên cạnh, một người để quan tâm, chăm sóc và tôi cũng vậy. Tôi cũng là phụ nữ, tôi không thể sống một mình mãi như thế nhưng số phận nào có mỉm cười với tôi?”

Chót vót trên đỉnh học vấn hiếm có người dám rước về. Anh học cao thì sợ vợ chồng ngang vai khó sống. Anh học kém thì chẳng dám với, sợ gẫy cổ. Vậy là…bơ vơ. Thời gian cứ đẩy dần những người may mắn trong trường ốc về cõi…không chồng.

Phải gia nhập binh chủng…phòng không vì kén chọn, giỏi giang, bằng cấp hơn hẳn các anh chàng rắp ranh bắn sẻ là chuyện có thể hiểu được. Nếu vì chữ hiếu muốn ở nhà phụng dưỡng mẹ cha hay vì bổn phận muốn hy sinh cho em út có phương tiện học hành mà không nghĩ tới chuyện chồng con cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng ế vì là hoa hậu thì hơi trái cựa. Đội được cái vương miện trên đầu trong sự cổ võ tung hô của bàn dân thiên hạ là một tương lai đổi đời. Oanh bướm vờn quanh rối rít là cái chắc. Tha hồ chọn lựa. Thường thì các đại gia đông tiền nhiều bạc là những kẻ vác được người đẹp về dinh. Đại gia và chân dài là một cặp bài trùng cho thiên hạ tức điên cái đầu. Nhưng người vì cái vương miện, người vì những đồng tiền rủng rỉnh, có cái gọi là tình yêu hoặc ít ra tình vợ chồng trong đó không? Hầu như ai cũng lắc đầu. Họ bắt những cái bóng của nhau, còn con người thật là chuyện vẩn vơ. Vậy nên hầu như không có cặp đại gia- hoa hậu nào bền. Không có cái gọi là tình trong đó. Có chồng hờ hững cũng như không. Hoa hậu không ế chồng nhưng khó tìm được một người chồng đúng nghĩa.

Khi cái đầu rồng của năm Nhâm Thìn vừa ngúc ngắc đi tới, cô Hoa hậu năm 2011 Ngọc Hân đã có dịp tâm sự về đường chồng con: “Bà tôi nói với tôi rằng ‘Những người tốt thật sự, họ sẽ không tiến đến với con, họ chỉ đứng từ xa nhìn lại. Những người cứ vồ vập lao đến lại không phải là những người dành cho con đâu’. Bà tôi nói rất đúng. Những người thật sự tốt, họ lại nghĩ rằng hoa hậu phải thế này thế kia, họ không đến gần, họ chỉ đứng từ xa nhìn lại. Những người vồ vập lao vào vì vương miện, vì danh hiệu của mình, lại không phải là những người dành cho mình. Vì thế, theo tôi, là hoa hậu, nguy cơ ế chồng rất cao!”.

Đến hoa hậu mà còn ế thì ai mà chịu nổi. Vậy là để chống…ế, chị em phụ nữ xăn tay áo săn chồng. Cô Liang Yali, năm nay mới 41 xuân xanh, là người xăng xái nhất. Cô tổ chức khóa học mà cô đặt tên là “Làm Thế Nào Để Kiếm Chồng Trong 90 Ngày?”. Nghe rất quả cảm và tự tin. Chín chục ngày là ba tháng. Ba tháng có quá ngắn để bê về được một con người nặng ít nhất năm chục kí không? Không, cô Liang bảo đảm là sẽ sắm cho mỗi cô một ông chồng trong thời gian hạn hẹp này. Vậy là cô mở khóa học theo quan niệm của cô: “Chúng tôi không phải là dịch vụ mai mối, chúng tôi là những người tiên phong. Câu lạc bộ này giống một học viện giáo dục. Chúng tôi mở các lớp học nhằm giúp phụ nữ hiểu về bản thân họ hơn và xây dựng lòng tin cho họ để họ có thể mở lòng mình hơn”. Bạn có nghĩ là cô Liang Yali này thành công không? Cũng nghi lắm. Nhưng học viện kiếm chồng của cô mang tên Yali Marriage Quotient ở Thượng Hải bên Tàu lại có kết quả. Theo cô cho biết thì, sau 4 ngày theo học, 60% những người tốt nghiệp năm ngoái đã tìm được chồng như mong muốn. Nếu chỉ toàn các cô ngồi học với nhau trong bốn ngày thì bói đâu ra đàn ông để tìm chồng, vậy nên cô Liang mới tổ chức những buổi gặp gỡ. Có khoảng 10 ngàn người tham gia những buổi gặp gỡ này trong đó có những người ngoại quốc. Kết quả là có nhiều học viên tốt nghiệp đã kiếm được những anh chồng da trắng mắt xanh!

Một cách kiếm chồng khác là đăng báo tìm chồng. Cách này chúng ta làm hà rầm trong các mục mệnh danh là “tìm bạn bốn phương”. Thời buổi internet mà cứ …tìm bạn bốn phương coi bộ hơi lạc hậu. E-mail chat để làm chi? Rất nhiều thanh niên thiếu nữ ngày nay chơi trò tìm chồng kiếm vợ bằng những phương tiện hiện đại này. Và hình như có kết quả hơn là đăng báo.

Chẳng cần học hành cho mất thời giờ, cũng chẳng cần tìm kiếm cho mất linh, cô nữ sinh viên đang theo học tại trường Cao Đẳng Nghệ Thuật và Thiết Kế Leeds ở Anh, năm nay 23 tuổi, đã lập một dự án tìm chồng. Cô Alex Humphrey dự kiến trong vòng ba tháng sẽ có chồng như ai. Cô cũng sợ mang họ Ế: “Tôi không muốn một ngày nào đó khi tôi 30, thức dậy và thấy rằng mình chỉ có một mình!”. Cô công bố dự án tìm chồng của cô và đã nhận được hồi đáp muốn làm ứng viên của 150 thanh niên. Tha hồ…lựa chồng! Vậy là cô nghiên cứu từng người một, so sánh từng điểm và cuối cùng lọc lại được 10 người. Cô lần lượt gặp từng người trong số 10 người được cô để mắt xanh tới này. Hiện nay chưa có kết quả nhưng chắc hắn cô sẽ không tham gia binh chủng…phòng không! Anh chàng Adam Musset, 27 tuổi, sinh viên Đại học Greenwich, là người được cận kề đầu tiên với người đẹp. Cuộc gặp gỡ được coi là tốt đẹp nhưng anh cũng biết phận mình: “Bạn biết đấy, khi đi mua hàng bạn thường không mua ngay thứ đầu tiên bạn thấy!”.

Vậy là các chàng đã trở thành một món hàng. Hàng…chồng. Tôi lượm được mấy vần vui vui sau đây trong bài “Tuyển Chồng” trên internet.

Tuyển chồng chất lượng
Lương tháng không tiêu.
Không được nói nhiều,
Không cho cãi vợ
…………
Nếu nhà có khách,
Được phép ra oai,
Nhưng không có ai,
Vợ là số một.

Thế là thế nào? Tuyển như vậy thì đâu còn cái cảnh chổng mông thiếu thẩm mỹ như ca dao bày đặt ra. Ế cái nỗi chi!                                                                                                                                              

01/2012