@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

TỘI

Không biết có ai còn nhớ tới vụ thảm sát tại Na Uy vào ngày 22 tháng 7 vừa qua không? Mới chỉ chưa đầy ba tháng mà vụ gây tội ác kinh hoàng này như đã đi vào dĩ vãng. Tôi chỉ nhớ tới vụ này khi nhận được những e-mail của bạn bè nói về nhà tù Halden ở Na Uy. Chuyện nhà tù này sẽ nói sau, ôn lại vụ…tội lỗi này trước cái đã.

Thủ phạm của vụ tàn sát không nương tay này là Anders Behring Breivik, người Na Uy, mới 32 tuổi, tóc vàng, mắt xanh, trông hình không thấy vẻ tàn ác như những tay giết người khác. Vậy mà anh chàng Breivik này chơi trò ác độc hơn những tên khủng bố khác. Trước hết Breivik cho nổ một chiếc xe van chứa bom đậu bên ngoài tòa nhà chính phủ ở trung tâm thủ đô Oslo, trụ sở của văn phòng Thủ Tướng và các bộ Tư Pháp, Thương Mại và Dầu Khí. Bảy người thiệt mạng tại chỗ. Cho nổ bom xong, Breivik lái một chiếc xe khác tới hòn đảo nhỏ Utoya, cách Oslo 24 cây số, nơi đang có trại hè thường niên của tổ chức thanh niên thuộc đảng Lao Động Na Uy. Breivik mặc đồng phục giả Cảnh Sát, võ trang một khẩu súng máy, một súng lục và một súng săn. Trại hè gồm những thanh thiếu niên đều còn ở tuổi teen. Cô bé Hana, 16 tuổi, bàng hoàng kể lại với phóng viên báo Aftenposten: “Tôi thấy một cảnh sát bước tới, nói muốn tập hợp mọi người lại để kiểm tra vì mới có một vụ nổ bom ở Oslo. Rồi hắn bất ngờ rút súng xả đạn vào đám đông”. Tất cả có 86 em chết. Tính tổng cộng hai vụ tội ác do hắn gây ra có tới 93 người thiệt mạng và trên 100 người bị thương.

Con số thương vong này có vẻ trầm trọng hơn khi Na Uy là một nước dân số chỉ có gần 5 triệu. Ít người nhưng người dân Na Uy có một cuộc sống sung túc, hiền hòa. Lợi tức bình quân của người dân lên tới 56.920 đô Mỹ/năm đứng vào hạng 4 trên thế giới, trên cả nước Mỹ, vốn có tiếng mà không có miếng. Tiện đây tôi cũng kê ra 10 nước mà lơị tức của người dân cao nhất để chúng ta ngó chơi. Ba nước đứng trên Na Uy là ba nước nhỏ xíu. Dẫn đầu là Qatar chỉ có 1 triệu 690 ngàn dân; kế tiếp là Luxembourg còn mini hơn nữa, chỉ có 510 ngàn dân; tiếp theo là Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có 8 triệu 260 ngàn dân. Sáu nước đứng sau Na Uy, theo thứ tự, là Singapore, Mỹ, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan và Áo.

Tên sát nhân Breivik là một người Thiên Chúa Giáo cực đoan. Hắn chống Hồi Giáo và không tin là những người khác chủng tộc, khác văn hóa có thể sống chung với nhau được. Người ta nghĩ rằng hành động điên cuồng của tên cuồng tín này là nhắm vào đảng Lao Động đang cầm quyền vốn chủ trương theo đường lối tự do. Hắn tỉnh rụi khi ra toà. Chẳng sợ sệt mà cũng chẳng lo lắng chi. Hắn coi như hắn đã thực hiện thành công sứ mạng của hắn. Hắn nhận tội không chút bối rối và cho hành động của hắn là tàn nhẫn nhưng cần thiết!

Vừa đặt bom, vừa xả súng giết tới gần trăm mạng, tội của tên sát nhân Breivik đáng…lăng trì. Phải như người Trung cổ, cho voi dày ngựa đạp mới xứng. Ngày nay nhân loại nhân bản hơn nên hình phạt nặng nhất chỉ là tử hình. Một mạng đền cho gần trăm mạng, hơi rẻ. Giá của tội lỗi ở Na Uy còn rẻ hơn nữa. Tội sát nhân tối đa chỉ có 21 năm tù! Mà nhà tù ở Na Uy đâu có ra cái nhà tù. Đó là một khách sạn năm sao!

Nhà tù Halden, nơi có thể Breivik sẽ bị giam giữ, được mệnh danh là nhà tù nhân đạo nhất thế giới. Từ mô hình xây cất tới các đồ trang bị đều nhằm mục đích cải hóa tù nhân. Toàn thứ xịn. Chỉ nguyên tranh ảnh và đèn đuốc đã ngốn hết cả triệu đô Mỹ. Để giảm sức nặng tâm lý cho tù nhân khi bị giam cầm. Các nhà hoạch định đã nhìn xa trong cách cải hóa tù nhân khi họ biết chắc chắn các tù nhân sẽ trở lại với cuộc sống xã hội vì tội nặng nhất cũng chỉ thụ án tối đa 21 năm. Quan niệm như vậy nên họ cố gắng tái hiện thế giới bên ngoài trong nhà tù để khi được trở về, các tù nhân dễ hội nhập với cuộc sống tự do trong xã hội. Phòng giam đẹp như một phòng khách sạn, có tủ lạnh và TV màn hình dẹp. Mỗi phòng giam đều có phòng tắm lát gạch gốm loại xịn. Cứ 10 phòng lại có một phòng khách và một nhà bếp. Sau một ngày làm việc, tù nhân được tự do nấu bữa ăn riêng. Tất cả các cửa sổ đều không có chấn song sắt. Trên toàn khu đất rộng tới 30 héc-ta của nhà tù đều có những cây xanh để che đi bức tường rào an ninh hầu giảm thiểu cảm giác tù ngục. Nói như một kiến trúc sư xây cất nhà tù thì thiết kế nhà tù “làm cho các tù nhân thấy được tất cả các mùa”!

Màu sơn bên ngoài của các dãy nhà là màu nâu đất cho phù hợp với cánh rừng xung quanh. Bên trong thì technicolor với 18 màu sơn khác nhau được một nhà trang trí xếp đặt để tạo cảm giác thay đổi và kích thích tinh thần của các tù nhân. Phòng ở có màu xanh dịu dàng, thư viện và các phòng làm việc có màu vàng tươi đày sức sống. Phòng ngủ ở nhà khách, nơi có phòng “vợ chồng” để tù nhân gặp gỡ người hôn phối qua đêm, được sơn màu đỏ rực. Tha hồ bốc!

Nhân viên an ninh không phải là những người canh gác mà là bạn của tù nhân. Họ được huấn luyện hai năm tại một học viện cảnh sát để đảm nhận công việc khích lệ các tù nhân làm cho “thời gian thụ án của họ có nhiều ý nghĩa, vui vẻ và có nhiều thay đổi tích cực”. Họ thường xuyên ăn uống, chơi thể thao và sinh hoạt cùng tù nhân. Tại nhà tù Halden, một nửa nhân viên là phụ nữ vì các bà dễ làm tù nhân giảm căng thẳng. Các môn chơi thể thao đều có đủ dụng cụ chuyên môn. Phòng nhạc có các lớp dạy đủ mọi thứ nhạc cụ và cả một phòng thu âm cho những tù nhân muốn làm…ca sĩ!

Dĩ nhiên các dịch vụ y tế đều có đầy đủ. Quá đầy đủ là khác, với một bệnh viện và một phòng nha khoa hiện đại như tại các bệnh viện bên ngoài.

Tù như vậy đâu có ra cái nhà tù! Gọi nơi như vậy là “nhà tù” chính là một cách đùa giỡn với chữ nghĩa. Sống trong một nơi thoải mái như vậy thì làm sao mà “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” cho được. Làm bẽ mặt các cụ quá! Vậy nên một ông bạn tôi đã gửi cho tôi nỗi bẽ bàng này bằng một đề nghị…giận dữ. Ông ấy khuyên nhà nước nên đổi vị trí, cho các cụ đang ở nhà dưỡng lão như ông vào nhà tù và cho các tù nhân ra ở nhà dưỡng lão. Làm như vậy các cụ sẽ được tắm mỗi ngày, chơi thể dục thể thao thỏa thích, khám răng khám mắt bất cứ lúc nào, được canh gác 24 trên 24 bằng máy thu hình, được hưởng dịch vụ y tế tối đa, giường được thay mới hai lần mỗi tuần, cơm ngày ba bữa thẳng thoét, coi TV màn hình phẳng đàng hoàng, đọc sách trong thư viện tiện nghi, quần áo giày dép đầy đủ, máy computer internet loại xịn… Tất cả đều free!

Đó là ông bạn tôi mới ở Montreal chứ nếu cho ông ở Na Uy như nhà văn Nguyễn Thị Vinh hay ông con rể là nhà văn Dương Kiền bạn tôi thì không hiểu ông ấy sẽ nằng nặc đòi vào tù đến thế nào nữa. Tại đất nước rất ưu ái tù nhân này, ngoài nhà tù loại 5 sao Halden, còn có nhà tù Bastoey. Người ta gọi nhà tù này là nhà tù sinh thái vì nó nằm trong một hòn đảo thấp, giữa không khí trong lành, sử dụng năng lượng mặt trời để sinh hoạt. Các tù nhân tự sản xuất hầu hết các loại thức ăn, mà là thức ăn có chất lượng cao đàng hoàng. Không sử dụng các hóa chất, không dùng thuốc trừ sâu bọ, họ cố gắng giảm lượng tối đa khí thải carbon. Ngoài sinh hoạt quanh năm ngoài thiên nhiên, những ngày hè tù nhân còn được cắm trại với đủ các món thể thao ngoài trời như quần vợt, cưỡi ngựa, bơi lội.

Không chỉ có Na Uy chơi ngon bằng các nhà tù loại xịn, nhiều nước khác cũng ngon không kém. Như nhà tù San Pedro ở thành phố La Paz, Bolivia. Nhà tù dĩ nhiên phải biệt lập nhưng một khi đã bước qua cửa an ninh của bức tường rào kiên cố thì những gì người ta thấy không thể gọi được là nhà tù. Nhà tù chi mà phố phường như một khu dân cư ngoài thành phố. Khoảng 1500 tù nhân thực sự sống trong một môi trường sống bình thường. Cũng có chợ, công viên, nhà hàng tiệm hớt tóc và, ai tin được thì tin, một khách sạn! Khách sạn trong nhà tù, để làm chi vậy? Để cho tù nhân và gia đình thuê ở. Tù nhân có thể mang cả gia đình vào sống trong tù cho bớt cô đơn. Thân nhân những người tù này có thể mở các cửa hàng buôn bán hay làm việc tại khách sạn hay các nhà hàng ăn uống. Tù nhân có tiền có thể mua phòng riêng đầy đủ tiện nghi: bếp núc, phòng tắm riêng, truyền hình có cable, phòng khách có bàn billard, quầy thức ăn. Một tù nhân cho biết: “Nếu có tiền bạn có thể sống như một ông vua!”. Giá cả khá rẻ: từ 1 ngàn tới ngàn rưởi đô Mỹ trong suốt thời gian bị giam cầm.

Nhà tù Aranjuez ở Tây Ban Nha chắc là nhà tù độc nhất trên thế giới mà tù nhân có thể sống thường xuyên với gia đình. Mang vợ con vào tù sống với tiện nghi đầy đủ. Trẻ em cũng có sân chơi như bên ngoài nhà tù. Phòng ốc cũng trang trí bằng hình các nhân vật trong phim hoạt họa. Nhà chức trách cho rằng, với phương cách này, cha mẹ và trẻ em không xa cách nhau, nhân phẩm được tôn trọng, tù nhân sẽ dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống với xã hội sau này khi được trả tự do.

Nhà tù Fuchu ở Nhật chẳng khác chi một khách sạn sang trọng. Nhìn hình các phòng ốc và các sinh hoạt trong tù, tôi thấy chẳng khác chi các khách sạn loại xịn. Khách sạn tù này có thể chứa được tới 3200 tù nhân. Tuy đây là nhà tù dành riêng cho các tội phạm ngoại quốc nhưng hiện chỉ có 550 người ngoại quốc ở. Hơn năm trăm người nhưng họ gồm tới 46 quốc tịch và nói 35 thứ tiếng khác nhau. Rất nhiều tù nhân không biết một chữ tiếng Nhật nào nên có tới 76 tình nguyện viên chỉ chuyên thông ngôn và phiên dịch cho các tội nhân ngơ ngáo này. Bảng chỉ dẫn phải dùng tới 13 thứ tiếng khác nhau. Cứ loạn cả lên! Thức ăn hàng ngày được nấu theo khẩu vị của các tù nhân, muốn ăn chay cũng được, muốn ăn cá thịt chi cũng đặng.

Dân Việt ta bây giờ có mặt khắp năm châu bốn bể, chỗ nào cũng có người nước ta đóng đô. Vậy có ai được diễm phúc hưởng lộc của những nhà tù 5 sao này không? Tôi nghĩ chắc là có. Chắc nhiều bạn không vừa ý với từ “diễm phúc” của tôi. Tù tội có chi mà diễm phúc. Nhưng một phụ nữ Việt Nam đang bị tù tại Anh viết thư cho một người bạn đã “vui mừng” thông báo tin tù đầy cho bạn. Tại sao cô nên nỗi tù tội nơi xứ sương mù này? Tác giả bài “Thư Từ Anh Quốc” kể lại: “Mình nhận được lá thư của một cô gái quen đang ở Anh Quốc gửi về. Ua chầu, có bạn từ bên Anh Quốc cơ đấy. Dạ không. Cô này cùng nhiều người nữa ở quê mình do điều kiện gia đình khó khăn, mỗi người vay 500 triệu, nộp cho ai đó, rồi cái ông ai đó này lập kế hoạch như thế nào đó, thế là tất cả bay sang Pháp, từ Pháp lại có đường dây ai đó mang sang Anh. Tại đây họ làm đủ nghề, nhưng kiếm tiền khá nhất là trồng cây cần sa. Cô bạn mình sang mấy tháng, gửi tiền về thanh toán xong nợ, lại còn đưa được cậu em trai sang. Như vậy cũng là may mắn. Mình cũng mừng. Ai ngờ vừa rồi nhận được lá thư tay của cô ấy, gửi ai đó tại Hà Nội, rồi ai đó ở Hà Nội gọi điện thoại cho mình, lấy địa chỉ, gửi về lá thư. Lá thư rất dài. Nhưng có một đoạn cô ấy “ vui mừng” thông báo là đã bị cảnh sát bắt giam vì tội nhập cư trái phép. Giam 6 tháng nay rồi. Và nghe nói, hơn một tháng nữa thì sẽ được thả”.

Chuyện đường dây được tổ chức tại Việt Nam đưa người qua Anh trồng cỏ chúng ta đã nghe nói nhiều. Họ bị bỏ bơ vơ trong những khu rừng bên Pháp sống như những người rừng bị đói khát, bóc lột và hãm hiếp. Họ sống chờ ngày đeo xe vận tải qua Anh. Trong bài “Lật Ngửa Con Bài Mafia Việt Nam” của tác giả Huỳnh Tâm có trích lại một e-mail của một người trong cuộc, một người đã được đóng dấu là “Người Việt Rừng” kể lại: “Em là Mình-tôi, quê ở phường Đúc, cuối đường Trần Hưng Đạo, Huế. Em đã vào được Anh quốc hơn 7 tháng rồi, nay mới nhớ tới anh liền e-mail để anh cho anh biết. Hiện nay em đang sống tại một tỉnh xa, cách thủ đô London hơn 80 km, ở trong một ngôi nhà to lớn mà cứ tưởng như cái chuồng nuôi loài cầm thú vậy. Em phải sống trong nóng lạnh bất thường, trong nhà nóng trên 30 độ, ngoài nhà lạnh dưới 6 độ âm. Như vậy là anh đã biết em đang làm nghề gì rồi. Khi em còn ở trong rừng Tétéghem Pháp Quốc được anh chỉ bảo rất nhiều về đời sống phương Tây và bảo em tránh nghề trồng cỏ. Em đến Anh quốc chỉ nới một ngày, chân ướt chân ráo là họ chở em đi trồng cần sa liền! Những ngày tháng dài buồn vô hạn chỉ một mình trồng cỏ. Ở đây u tịch lắm”.

Những con người bị lừa sống bất hợp pháp này trước sau cũng sẽ ngồi tù vì tội nhập cảnh bất hợp pháp như người con gái trong bài “Thư Từ Anh Quốc”. Nhưng ủ tờ trong những nhà tù bên Anh là một điều vui. Cô gái bất hạnh mà không bất hạnh này kể lại: “Em nói chắc anh không tin, bên này, đi tù như đi an dưỡng. Ăn uống thì ngày 3 bữa, đủ dinh dưỡng. Thức ăn thì mình tự chọn, cứ như ăn ở khách sạn 3 sao. Trong ngày lại còn cho thêm một hộp sữa tươi, một hộp sữa chua, một hộp nước cam, một hộp bánh qui, bốn gói sữa bột, 4 gói trà, 4 gói đường, còn trái cây, bơ kẹo thì tha hồ. Anh nghĩ, ăn uống như thế em không mập mới là lạ. Áo quần bọn em hàng ngày có người giặt ủi. Bọn em đi làm mỗi tuần 3 ngày, làm việc chỉ là đi nhặt cỏ thôi và được trả mỗi tuần là 15-20 bảng, nói chung là mua hàng tẹc-ga ở trong tù. Trong tuần còn có 2 ngày học tiếng Anh. Từ chiều thứ 6 đến chủ nhật là ở nhà nghỉ. Họ cho hát karaoke thoải mái. Hàng ngày, buổi sáng là đi thể dục thẩm mỹ. Cảnh sát và phạm nhân là như bạn bè, không hề phân biệt đối xử gì. Nếu trong ngày mình thấy mệt, hay ăn không ngon, hoặc có ai đó uy hiếp thì viết đơn bỏ vào thùng góp ý là có người giúp đỡ ngay.  Nếu thấy bệnh, thì bấm chuông là có bác sĩ tới liền. Còn em báo cho anh một tin vui. Bên này họ xem con người, đặc biệt là phụ nữ là rất coi trọng. Hồi ở trong nước, các bác sĩ nói em không làm mẹ được, em buồn lắm. Sang đây, trong tù, em có nói với bác sĩ chuyện đó. Lập tức Hội từ thiện đến, chi phí mọi thứ cho em đi khám hết, xét nghiệm cẩn thận và họ nói sẽ cho em đi phẫu thuật. Phẫu thuật xong chắc chắn em sẽ làm mẹ. Em khóc mấy đêm liền vì hạnh phúc anh ạ. Giờ thì em không cần gì nữa. Chỉ cần được làm mẹ là em vui lắm, em về sẽ lấy chồng, sinh con, thế là thỏa nguyện lắm rồi anh ạ. Bây giờ mọi thủ tục đã xong, chỉ đợi ngày đi phẫu thuật nữa thôi anh ạ. Nếu tính ra chi phí cho việc phẫu thuật, tính sang tiền mình là khổng lồ, nhưng em được Hội từ thiện và nhà tù giúp đỡ hết anh ạ”.

Tù như vậy sướng chết. Nói vậy hơi quá, tù mà sướng cái nỗi chi. Chỉ nguyên việc mất tự do đã là một cái khổ. Nhưng khổ trong…khách sạn vẫn đỡ hơn trong những nhà tù âm u ám khí. Lịch sử oái oăm đã đưa chúng tôi vào những nhà tù loại đó được che dấu dưới cái tên “ trại cải tạo”. Chúng tôi là những người tù không có tội. Tội chăng là cái tội phải sống trong ngục tù cộng sản. Đó là thứ ngục tù quá cha tù ngục.

Đêm rét nằm co quắp
Thân xương xẩu trơ khấc
Bụng đói ruột ục sôi
Đếm nhịp thở lay lắc
Vẳng trong tiếng gió bấc
Suối chảy siết bồi hồi
Luồn trong nỗi giá buốt
Thoáng rùng rợn xa xôi

Đó là cảnh tù ngục của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Nhà thơ Tô Thùy Yên còn…tù hơn một bậc khi phải nằm trong phòng biệt giam một mình gặm nhắm phận người.

Ta mở mắt định thần
Phòng biệt giam tối mốc thấp hẹp
(Ta ở đây. Hơn bảy tháng rồi)
Cánh cửa sắt nặng nề sừng sững
Sáu diện tích xi măng khuôn phép hãm đè
Ngọn điện yếu đỏ tim ngày đêm mòn sức
Quầng ám bầy thiêu thân
Lỗ thông hơi trổ sâu hút u u
Mùi hôi ẩm lẩn quẩn sánh ngộp
Ta lắng nghe
Ráng sức lắng nghe

Kể cũng ngộ! Tù có tội thì thênh thang nhà tù năm sao, tù không tội thì nhà tù…không sao. Cũng chẳng sao! Những người tù không tội tình ngày đó vẫn  hiên ngang dù đã bị đầy tới tầng chót địa ngục. Ngày xưa Ngô Thì Nhậm đã từng khẳng khái: thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế. Ngày nay, các ông Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên cũng vẫn cứ an nhiên tự tại mà thơ tù, gặp thời thế thế thời phải thế!

10/2011