Tự dưng trưng con số 16 lên đầu bài như mật mã, ai hiểu chi. Nhưng nếu phụ đề chút xíu: trăng tròn lẻ, có lẽ con số đã có hồn. Nhưng gác con số 16 lại đó, chúng ta nói chuyện con số 17 trước.
Trong chuyến công du Ấn Độ của tonton Obama vào cuối tháng 1/2015 vừa qua, bà Michelle có đi theo chồng. Nhưng trong các cuộc tiếp tân chính thức, người ta không thấy bóng dáng bà Thủ Tướng Ấn Độ. Thực ra không ai thấy Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi có vợ bên cạnh bao giờ. Nhưng ông có vợ. Đó là bà Jashodaben Chimanlal Modi. Năm nay bà đã 64 tuổi và là một giáo viên tiểu học hồi hưu sống tại một tỉnh lỵ nhỏ tại tiểu bang quê quán của ông Modi là Gujarat. Họ cưới nhau vào năm 1968, khi đó ông Modi mới 18 tuổi và bà mới 17 tuổi. Ba năm sau, bà rời nhà chồng về đi học. Ông thì chú trọng vào các hoạt động tôn giáo, trở thành một “pracharak” (tình nguyện viên) cho một chi của đạo Hindu tên Rashtriya Swayamsevak Sangh ở Gujarat. Các tình nguyện viên này không được khuyến khích lấy vợ hoặc quá lệ thuộc vào gia đình. Ông Modi không bao giờ trở về sống với vợ nhưng cũng không ly dị vợ. Ông không bao giờ công khai nói về vợ và báo chí cũng được khuyên không nên hỏi ông về chuyện này. Chỉ có một lần ông chính thức khai có vợ khi bổ túc hồ sơ ứng cử. Khi ông đắc cử trở thành Thủ Tướng Ấn Độ, một đoàn cận vệ đã được cử tới bảo vệ bà suốt ngày đêm. Bà rất phiền chuyện này vì bà nhất định sống một cuộc đời giản dị, không dùng xe hơi biệt phái cho bà mà chỉ dùng các phương tiện chuyên chở cộng cộng như xe đò, xe buýt và xe lửa. Vậy nên mới xảy ra những chuyện tức cười: đoàn cận vệ theo bà ngồi trên xe hơi bóng lộn trong khi bà ngồi trên các loại xe công cộng! Còn một điều bất tiện nữa là khi bà đi thăm thân nhân thì họ phải tốn thêm tiền nấu cơm cho toán cận vệ! Bà luôn luôn chờ ông gọi là về với ông liền một khi. “Tôi muốn về sống với ổng. Nếu ổng kêu tôi, tôi sẽ bắt đầu cuộc đời mới với ổng ngay. Nhưng ổng phải kêu”. Tiếng kêu đó, bà vẫn còn đợi. Hiện bà sống đạm bạc với số tiền hưu ít ỏi, ăn chay bốn ngày mỗi tuần. Công việc của bà chỉ là cầu nguyện cho ông. “Tôi thức dậy vào 5 giờ sáng. Tôi cầu nguyện tại nhà. Tôi đi đền chùa. Cuộc đời tôi bây giờ là cầu nguyện”.
Tuổi lấy chồng hợp pháp tại Ấn Độ là 17 tuổi. Bà Modi về nhà chồng đúng tuổi được phép. Hồi đó gia đình hai bên đều nghèo. Cha của ông Thủ Tướng Modi là một người bán trà ở ga xe lửa, thuộc giai cấp thấp Ghanchi. Đám cưới của họ rất đơn giản. Họ lấy nhau khi còn nhỏ như phong tục trong cộng đồng họ sống. Tại Ấn Độ, chuyện vợ chồng cưới nhau dưới tuổi được phép rất nhiều. Theo một tài liệu của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc thì có tới 240 triệu bé gái lấy chồng từ nhỏ, chiếm tỷ lệ 1/3 trên thế giới.
Tuổi hợp pháp để lấy chồng tại phần lớn các quốc gia là 18 tuổi. Tuy nhiên nếu muốn lấy chồng sớm thì ít nhất cũng phải được 16 tuổi và có sự ưng thuận của cha mẹ hoặc chính quyền. Tuổi 18 mới được lên xe hoa, có “già” quá không? Hỏi như vậy vì nhà cầm quyền Canada chúng tôi vừa chuyển sang Hạ Viện một dự luật hạ tuổi thành hôn xuống 16 tuổi. Dự luật do Tổng Trưởng Bộ Công Dân và Di Dân Chris Alexander đệ nạp, nhằm vào các vụ ép buộc hôn nhân các thiếu nữ trẻ và các vụ đa hôn. Ông nói: “Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các cá nhân muốn nhập cư vào Canada là chúng tôi không dung thứ những cái gọi là văn hóa truyền thống tước đoạt nhân quyền của phụ nữ. Với dự luật này, chúng tôi muốn hỗ trợ cho các phụ nữ muốn nhập cư vào Canada để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tuổi phụ nữ được phép kết hôn tại Canada thực ra không đồng nhất. Tại các tỉnh bang Alberta, Manitoba, Ontario, New Brunswick, Nova Scotia, Quebec và Saskatchewan là 18 tuổi. Nhưng tại các tỉnh bang British Columbia, Newfoundland, Vùng Tự Trị Northwest Territories, Nunavut và Yukon thì các cô phải chờ tới năm 20 tuổi mới được mon men tới chiếc xe hoa.
Nhà tôi ở cạnh một trường trung học, giờ nghỉ trưa, các cô các cậu lũ lượt băng qua khu nhà tôi để tới một shopping center ăn trưa hoặc dạo chơi. Tôi nhiều khi ngỡ ngàng với những khuôn mặt non choẹt, trai chưa lún phún râu, gái chưa nhả hết nét thơ ngây, ôm nhau, hôn hít trên đường đi. Đoán tuổi của những cô cậu này chắc chỉ 13 , 14. Trước cửa nhà tôi có vài nhà có con nít. Mới thấy chúng còn phải bò khi leo lên bậc tam cấp trước nhà, vậy mà chúng lớn như thổi, chỉ chục năm hơn đã đưa bồ về nhà, hôn hít từ ngoài đường. Có khi bạn trai bạn gái tới ở qua đêm tuy cha mẹ vẫn thấy thấp thoáng trong nhà. Trẻ con bây giờ lớn nhanh như thổi. Và biết chuyện trai gái nhanh như gió. Vậy thì có hạ tuổi lấy chồng xuống 16 tuổi cũng được đi. Để dễ cho cha mẹ giải quyết hậu họa.
Tưởng rằng bên này con nít ăn uống đầy đủ và bổ dưỡng nên thân hình phát triển nhanh, đời sống tình dục cũng cựa quậy sớm, nên mới có cái vụ hạ tuổi lấy chồng xuống 16 cho tiện. Ai ngờ bên Việt Nam mình cũng có toan tính hạ tuổi kết hôn cho các em gái. Cũng 16 tuổi. Lý do đưa ra cũng vì trẻ con thế hệ sau này phát triển nhanh. Thêm vào là internet, phim ảnh, và các sản phẩm dành cho người lớn cũng phổ biến hơn khiến các em sớm dậm dật.
Đề nghị này có người tán thành, có người chống đối. Nằm trong phe chống đối, Luật sư Nguyễn văn Hậu, Phó Chủ Tịch hội Luật Gia ở Sài Gòn bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, tuổi 16 - các em còn đang phải học tập, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách, nâng cao tri thức và phát triển kỹ năng lao động. Những gì được trau dồi ở độ tuổi này đóng vai trò quan trọng trong quá trình sống suốt cuộc đời sau này. Vì thế hệ trẻ phát triển sớm cũng chỉ dừng lại ở vấn đề hình thể, còn trong lĩnh vực tâm lý, lĩnh vực trí tuệ, các em vẫn còn đang ở tuổi vị thành niên! Để khắc phục tình trạng làm mẹ quá sớm, phải có sự quan tâm, giáo dục, định hướng, quản lý từ gia đình, nhà trường và xã hội chứ không nên hạ độ tuổi kết hôn cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Bác sĩ Lê Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ, cùng phe với Luật sư Nguyễn văn Hậu, khuyến cáo: “Bé gái 16 tuổi vẫn còn trong giai đoạn dậy thì, cơ thể đang phát triển về nhiều mặt: chiều cao, hình thể, khung chậu, tâm sinh lý… Nếu mang thai, bé sẽ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng vì cơ thể đang phát triển, cần nhiều các vi chất. Trong số những bà mẹ mang thai ở lứa tuổi dưới 18, có đến 42% chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai sớm do chưa nuôi được và có đến 57% bà mẹ trầm cảm sau sinh, mức độ từ trung bình đến nặng. Nhiều nghiên cứu khác còn cho thấy, do khung chậu chưa phát triển hoàn chỉnh nên tỷ lệ mổ lấy thai và sinh hút sẽ cao gấp hai lần so với mẹ ở lứa tuổi 20 - 24. Đặc biệt, bà mẹ 16 tuổi còn đối diện với nguy cơ sinh non cao đến 90%, băng huyết sau sinh và nhiễm trùng hậu sản tăng do sinh khó và sức đề kháng mẹ yếu. Trẻ được sinh ra từ các bà mẹ “ăn chưa no lo chưa tới” dễ bị những bệnh ở trẻ non tháng như: bệnh lý võng mạc, có một số trường hợp trẻ bị mù, đường tiêu hóa khó hấp thu, trẻ dễ bị suy hô hấp, viêm hô hấp, dễ bị vàng da kéo dài. Chưa kể, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng dễ bị suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa. Sự kém phát triển về thể chất sẽ dẫn đến kém phát triển về tinh thần”.
Các chuyên viên e ngại chuyện sửa luật để cho kết hôn sớm. Đây có phải là một như cầu xã hội không? Một tờ báo phụ nữ đã tìm gặp các bà các cô để xin ý kiến về chuyện sớm sủa này. Hầu như tất cả các độc giả tham gia đều không mặn mà chuyện kết hôn sớm. Ngay như tuổi kết hôn là 18 tuổi như hiện nay, nhiều người cũng cho là quá sớm! Làm chi mà vội lấy chồng vậy! Bà Dương Thị Hoàn, 40 tuổi, cho biết về trường hợp của bà: “ “Tôi lấy chồng từ năm 18 tuổi, ngày đó ở quê thì đó là độ tuổi cần phải lập gia đình. Tất nhiên chúng tôi lấy nhau dựa trên nền tảng tình yêu nhưng sau khi lấy chồng, sinh con, tôi mới nhận ra mình đã làm mẹ ở độ tuổi quá trẻ. Cuộc đời còn chưa kịp có va vấp nên tôi còn rất nhiều lúng túng, vụng về. Nói đơn cử là tôi chẳng biết gì về kinh nghiệm chăm sóc trẻ con, tất cả đều phải nhờ những người đi trước chỉ bảo. Lấy chồng sớm quả là cũng có điều thiệt thòi”.
Cô Bích Phương, cựu sinh viên khoa Báo Chí, năm nay 22 tuổi, quá tuổi được kết hôn tới 4 tuổi rồi, vậy mà vẫn cứ chẳng đi đâu mà vội. “Tôi muốn kết hôn từ 26 tuổi đổ lên. Lí do chính là vì tôi muốn là một người mẹ trưởng thành và chín chắn. Rất nhiều người xung quanh cũng cảnh báo tôi về chuyện lấy chồng muộn, sinh con muộn thì có thể có những kết quả không tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng sinh con muộn có vất vả hay không là do kiến thức sinh sản của mình. Đa phần các bạn nữ ngày nay cũng không vội vã chuyện lấy chồng lắm vì xuất phát từ sự phát triển của xã hội, rất nhiều thứ đã khác xưa như nhu cầu khác xưa (họ không còn cần một người chồng chỉ để cảm giác trụ cột trong gia đình nữa), cách sống cũng khác xưa (phụ nữ thậm chí có thể không kết hôn), vai trò của người phụ nữ ngày càng cao hơn và họ cũng cần phấn đấu sự nghiệp như đàn ông”.
Cuộc sống nơi thành thị đã khác xưa. Quan niệm có chồng làm chỗ nương tựa cũng đã lỗi thời. Người phụ nữ sống ở thành phố hiện nay coi bộ tự túc tự cường hơn nhiều. Vậy thì đi đâu mà vội mà vàng! 18 đã quê độ huống chi 16!
16 hay 18, tính làm chi cho mất công. Nhiều nơi thoải mái hơn nhiều. Tuổi 15 là dư sức cưới hỏi như ở Iran, Iraq, Jordan, Tanzania. Thậm chí 14 cũng OK như ở Paraguay. Ở Lebanon còn du di một cách thần sầu quỷ khốc. Tuổi theo luật pháp là 15, nếu có sự đồng ý của người giám hộ thì 9 tuổi cũng được. Chín tuổi, biết chi mà cũng cho lấy chồng. Nhưng mấy ông cầm quyền ở Iraq đã thông qua một đạo luật vào năm 2014, theo đó, các bé gái dưới 9 tuổi có quyền lấy chồng! Ác ôn hơn nữa là trong luật có ghi rõ ràng vợ phải đáp ứng nhu cầu quan hệ tình dục với chồng. Luật mới Jaafari này đưa ra những quy định gần giống hệt với nước láng giềng Hồi giáo Shia là Iran. Các tổ chức tranh đấu cho quyền của con người ở Iraq và trên toàn thế giới đã la làng cho bước đi mới của chính quyền Iraq. Ngay cả cựu Thủ Tướng Iraq Ayad Allawi cũng cảnh báo là luật này sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng phụ nữ: “Nó cho phép các bé gái kết hôn từ lúc 9 tuổi, thậm chí nhỏ hơn. Rất nhiều điều bất công chứa đựng trong đó”. Vậy mà những người ủng hộ luật mới cho rằng thực ra luật này chỉ điều chỉnh các tập quán đang tồn tại hàng ngày tại quốc gia này.
Mấy anh rậm râu ở các quốc gia như Ấn Độ, Afghanistan, Yemen đã và còn đang lạm dụng các bé gái. Có nhiều trường hợp rất thương tâm. Trường hợp gây xôn xao dư luận thế giới mới xảy ra vài năm trước đây là của bé gái Nujood Ali ở Yemen. Bé chỉ 10 tuổi nhưng phải kết hôn với một anh râu ria um tùm đã gần 40 tuổi. Chính cha của bé bắt bé phải lấy ông chồng…già này. Bé đã trốn khỏi nhà và chạy tới tòa án đòi ly hôn với anh chồng vũ phu luôn đánh đập bé. Với hành động quả cảm này, bé đã được coi là biểu tượng của những bé gái bị cưỡng ép lấy chồng sớm. Hình bé xuất hiện trên các tấm bích chương khổ lớn được dán trên khắp các nước. Một cuốn sách viết về trường hợp đau thương của bé Ali mang tên “Tôi là Nujood, 10 tuổi và đã ly dị” được dịch ra 30 thứ tiếng nói về cuộc đời của bé.
Cũng tại Yemen, bé Ayesha, 10 tuổi, bị ép cưới một người đàn ông 50 tuổi, đáng tuổi ông nội bé. Chị của bé tên Fatima tiết lộ: “Ayesha bé nhỏ đã hét lên khi nhìn thấy người chồng”. Cha cô bé đã bắt bé đi giày cao gót trong lễ cưới để trông có vẻ cao hơn, lấy mạng che mặt bé cho mọi người không thấy vẻ mặt non choẹt hãi hùng của bé. Ông còn dọa nếu ông bị đi tù thì khi mãn hạn tù ông sẽ giết bé. Cảnh sát đã bỏ đi không can thiệp. Bé vẫn phải về với ông chồng già, than khóc với chị Fatima tối ngày. Có nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ ép duyên con gái còn nhỏ: vì tập quán cổ hủ hoặc vì tiền. Nhiều khi các bé là vật gán nợ dùm cho cha mẹ!
Liên Hiệp Quốc coi vấn đề các bé gái ít tuổi bị ép gả là một vấn đề xuyên quốc gia. Ngày 11 tháng 10 hàng năm được chọn là ngày Quốc tế của các bé gái để ngăn chặn khoảng 51 triệu vụ tảo hôn hàng năm trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Trung Đông.
Các ông Trung Đông già khằng (cưới vợ trẻ thì già là cái chắc tuy chỉ 40, 50 tuổi!) cưới vợ nhí 9 tuổi thì hợp pháp, các thanh niên Việt Nam cưới vợ 13 tuổi thì vào tù. Cưới vợ 13 tuổi không phải là chuyện hiếm ở trong nước bây giờ. Tôi có đọc báo nói tới vài ba vụ nhưng chỉ chọn một vụ điển hình nhất xảy ra vào năm 2012. Anh Trần văn Manh, sanh năm 1990, yêu cô Phạm Thu Thảo, sanh năm 1997. Cả hai đều ngụ tại ấp Cà Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Năm 2010, Manh nói với cha mẹ sang hỏi cưới Thảo nhưng cha mẹ Thảo thấy con còn nhỏ nên không bằng lòng. Từ đó, cha mẹ em Thảo cấm con gái không được gặp Manh nữa. Nhưng có lẽ do ý trời, hai trẻ tình cờ gặp lại nhau tại một đám cưới của một người cùng ấp. Thảo nói với người yêu: “Hai đứa mình thương nhau mà gia đình không chịu, hai đứa mình dắt nhau đi nhé anh”. Vậy là Manh dắt người yêu xuống nhà bác ruột tại Đồng Tháp và ở lại qua đêm. Hai ngày sau, hai trẻ trở về nhà Manh và sống chung như vợ chồng. Tháng 12 năm 2010, Thảo mang thai. Vì lúc đó Thảo mới 13 tuổi nên Manh bị truy tố về tội “hiếp dâm trẻ em”. Ngày Manh ra tòa có ôm theo đứa con gái chưa được một tháng tuổi. Cả hai khai trước tòa là họ tưởng yêu nhau là có thể sống với nhau chứ không biết đó là hành vi phạm tội. Cả hai xin tòa khoan hồng, xử theo mức án nhẹ nhất, để bị can sớm trở về nuôi con. Tòa xử 7 năm tù! Manh kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, Thảo khai là em sanh ngày 7 tháng 11 năm 1996 chứ không phải ngày 17 tháng 11 năm 1997 vì bản gốc bị gia đình sửa lại. Vậy nên khi Manh thực hiện hành vi giao cấu với Thảo em đã hơn 13 tuổi. Tòa đổi tội danh thành “giao cấu với trẻ em” chứ không phải “hiếp dâm trẻ em” và xử phạt Mạnh 3 năm tù.
Con số 13 làm thay đổi tội danh và án được giảm đi 4 năm. Đó là một con số vẽ ra lằn mức của tội phạm. Tôi chợt nhớ tới thơ của nhà thơ Nguyên Sa, được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Bản nhạc được giới trẻ ưa thích, hát ra rả từ bao năm nay.
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là…tôi đã lớn.
Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế?
Đích thị ông Nguyên Sa đã bước vào vòng nguy hiểm. Nhưng may là ông chỉ mới yêu người 13 chứ chưa đi xa hơn. Lớ ngớ bước thêm một bước nữa là mất vui ngay.
Tha bổng ông Nguyên Sa, tôi lại vướng vào câu thơ khác. Lần này là ca dao.
Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà năm con
Ra đường thiếp vẫn còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.
Lần này thì thơ thẩn nhất định phải vướng vào vòng lao lý. Từ 13 đến 18, năm nào cũng tội rành rành được khai báo đàng hoàng. Vậy, phải bỏ tù…ca dao!
02/2015
|