Một bóng người tiến tới cổng ngoài hàng rào một trại lính lúc tối trời. Lính gác hô lớn: “Ai? Đứng lại!”. Bóng người đứng lại la lớn: “Hạ sĩ Thiệt!”. Lính gác: “Quang Trung!”. Bóng người đáp lại: “Đống Đa!”. Nhác thấy chai rượu trên tay Hạ sĩ Thiệt, lính gác ra lệnh: “Hạ sĩ Thiệt vô. Chai rượu đứng lại!”.
Hạ sĩ Thiệt được vô vì biết mật khẩu. Chai rượu không được vô vì không hô lên được mật khẩu. “Quang Trung – Đống Đa” là mật khẩu của đêm hôm đó. Mật khẩu là ám hiệu mà tất cả người trong một trại lính phải biết để lính gác có thể nhận diện được bạn, thù. Mật khẩu thay đổi mỗi ngày. Thường mật khẩu phải ngắn gọn cho dễ nhớ. Hai chữ là dễ nhớ nhất. Chuyện mật khẩu mà những ai đã đọc Tam Quốc Chí đều thuộc nằm lòng là mật khẩu của Tào Tháo khi hành quân qua cửa ải Tà Cốc. Có trong tay cả chục ngàn quân mà Táo Tháo không vượt qua được cửa ải này vì địa hình hiểm trở. Tào Tháo buồn phiền vô hạn. Đã có những thuộc cấp đề nghị rút lui nhưng Tào Tháo vẫn phân vân chưa quyết định được. Một buổi tối, khi viên quan trực đêm bước vào xin mật khẩu, Tào Tháo đang gặm cục gân gà dai nhách nên miệng lẩm bẩm “kê cân, kê cân”. “Kê cân” nghĩa là gân gà. Trực quan tưởng đó là mật khẩu bèn báo cáo với quan tham mưu Dương Tu. Dương Tu bèn ra lệnh cho quân sĩ thu dọn rút lui. Nửa đêm khó ngủ vì lo lắng, Tào Tháo dậy đi một vòng trong trại, thấy quân sĩ đang thu dọn rút quân, giận dữ hỏi ai ra lệnh. Biết đó là lệnh của Dương Tu, Tào Tháo trách mắng, Dương Tu bình tĩnh trả lời: “Thừa Tướng đã ban mật khẩu “kê cân”, mà kê cân thì dai nhách có ăn được đâu, chi bằng vứt quách cho xong!”.
Mật khẩu hai chữ là thường tình, nhưng mật khẩu của một điệp viên phức tạp hơn nhiều. Đã có lần tôi nói tới cuốn hồi ký “Thép Đen” của điệp viên Đặng Chí Bình, người đã từ miền Nam đột nhập vào miền Bắc cuối thập niên 1960. Một trong những nhiệm vụ của anh Bình phải thi hành là trao tài liệu mật cho một vị bác sĩ còn ở lại làm việc tại bệnh viện Phủ Doãn ở Hà Nội, bác sĩ Hoàng Đình Thọ, bí danh Z-5. Trong khi huấn luyện, anh Bình được cho coi tấm hình cỡ nhỏ 4x6 chụp bán thân của bác sĩ Thọ. Anh được cung cấp một giấy giới thiệu đi khám tim ngụy tạo và, dĩ nhiên, mật khẩu!
Mật khẩu đã được bác sĩ Thọ biết từ lâu khi nhận nhiệm vụ ở lại trong lòng địch. Câu anh Bình phải nói: “Nhờ bác sĩ chữa bệnh tim nhịp đập một trăm hai mươi”. Đúng 12 chữ. Câu bác sĩ Thọ phải trả lời: “Tôi chỉ chữa tim nhịp đập một trăm ba mươi”. Đúng 10 chữ. Chuyện sắp đặt là như vậy, nhưng khi vào đất địch, thi hành cuộc gặp gỡ mới trăm vạn chuyện khó khăn và bất ngờ. Chúng ta nghe chính đương sự kể lại cho thêm phần…tình báo. Sau khi dùng giấy tờ giả vào được bệnh viện, anh Bình lơ ngơ đi tìm Z-5. “Tôi chỉ biết Z-5 là bác sĩ nội khoa ở Phủ Doãn, tức Việt Đức ngày nay, chứ chưa rõ chuyên trách về môn gì: ruột, gan, tim, phổi…Tôi đang ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ, tính toán, chợt tai tôi nghe thoáng: “Bác sĩ Thọ có ở trong phòng không?”. Thót người, tôi liếc nhanh về phòng trực. Thì ra một nam y sĩ hỏi cô y tá. Tôi chỉ thấy cô gái gật đầu và người y sĩ mở cửa bên ra hàng hiên. Phản xạ cấp thời, cân nhắc tình thế, lợi dụng một đám đông, chỗ góc gần hàng hiên, tôi lẩn vào và đi theo ông y sĩ ngay. Cả một dẫy dài, bao nhiêu cửa phòng. Đến một cửa phòng, ông y sĩ mở cửa, tôi đi thoáng qua, liếc vào, phòng số 8. Tôi như bị điện giật. Dù nhìn rất nhanh qua cánh cửa vừa đóng lại, tôi đã thoáng thấy bộ mặt của một người mặc áo “blouse” trắng, đeo kính trắng, ngồi ở một bàn giấy to, trong một phòng rộng. Tuy đầu đã bạc, nhưng đúng hình dáng với tấm ảnh 4x6 mà Cục đã đưa cho tôi xem ở Sài Gòn…Từ buồng số 8, ông y sĩ lúc nãy đẩy cửa bước ra. Thời cơ ngàn năm một thuở, tôi phải liều. Tôi đẩy cửa bước vào. Người đeo kính trắng đó ngửng lên nhìn tôi, mắt ngạc nhiên. Tôi thấy trong phòng còn ba bàn giấy nữa, hai bàn có người, môt bàn không. Hai người kia cũng ngửng lên nhìn tôi. Tôi nói cố ý cho họ cùng nghe: “Thưa bác sĩ! Mẹ cháu vẫn cứ sốt, vì vậy….”. Đúng lúc ấy, hai người kia lại cúi xuống sổ sách. Tôi hạ giọng: “Nhờ bác sĩ chữa bệnh tim nhịp đập một trăm hai mươi”. Trong lúc hồi hộp, tôi chả nhớ là bao nhiêu chữ. Ông nhìn tôi, đôi mắt mở to, bàn tay ông đang cầm bút rung lên. Mặt ông lộ vẻ hết sức xúc động. Tôi lo quá. Ông này làm sao thế! Ông không đọc lại mật khẩu. Nhanh trí, tôi hiểu ngay là ông bị đột ngột quá. Có thể từ bao nhiêu năm nay ông mong chờ, ông đã sống với cuộc sống bình thản, giờ đây bất chợt quá chăng? Nếu đúng tình trạng đó, để lâu không lợi. Tôi vội cảm ơn bác sĩ rồi đi ra. Khi ra đến cửa, tôi cố ý quay lại đóng cửa, thế nào ông cũng nhìn theo. Đúng như vậy. Lúc đó hai người kia không nhìn thấy tôi, tôi giơ tay vẫy nhẹ, và mắt cũng làm hiệu là ra theo tôi. Khi tôi đi tới cuối hành lang, cửa phòng số 8 mở và ông đi ra. Tôi quay lại, ông đi về phía tôi. Thái độ và nét mặt ông lúc này đã bình tĩnh, tuy mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi. Tôi coi như không nhìn thấy và đi trở lại phía ông. Ngang qua ông, tôi mới tươi nét mặt nhìn và để một tay lên cánh tay ông, nhẹ giọng: “Nhờ bác sĩ chữa bệnh tim nhịp đập một trăm hai mươi”. Ông mỉm cười: “Tôi chỉ chữa tim nhịp đập một trăm ba mươi”. Tôi nhẹ người, liếc nhanh hai đầu hành lang, cho tay vào túi quần lấy tài liệu, nhét vội vào tay ông. Ông định cất tiếng hỏi điều gì nữa, nhưng tôi bỏ đi ngay ra phía phòng đợi, không cần nghe gì thêm”.
Mật khẩu thời internet đích thị là password! Hãy nói tới cái mật khẩu thông thường nhất mà tất cả mọi người, dù không dính dáng chi tới internet, nếu có tí tiền bỏ nhà băng đều có. Đó là mật khẩu cho thẻ rút tiền bằng máy tự động. Chỉ việc đút cái thẻ vô một khe máy là tiền tự động thòi ra ở một khe khác, nếu không có password thì tiền thất thoát hết mất tiêu! Vậy là phải…mật khẩu. Đối với những người già cả, trí nhớ còm cõi, thì việc nhớ được một hàng số coi bộ khó khăn. Mà không bấm được hàng số bí mật chỉ mình mình biết thì…mậu dậu! Máy không chịu nhả tiền ra. Vậy là các cụ tìm giải pháp dễ dãi: cứ ngày sinh tháng đẻ làm mật khẩu. Dễ người dễ ta. Rủi mà các cụ đánh rơi ví hoặc cái bóp bị kẻ trộm nâng mất thì tất cả các thẻ tùy thân đều vào tay kẻ trộm. Ngày sinh tháng đẻ rành rành ra đó, tên trộm ngu chi mà không tới máy thử con số dễ nhớ này, tiền chạy ra ngay lập tức. Vậy là khánh tận! Các giới chức ngân hàng khuyên chúng ta không bao giờ dùng ngày sanh tháng đẻ làm mật khẩu trong các thẻ rút tiền.
Cái thẻ nhà băng hay thẻ tín dụng cất trong túi còn phiền phức vì mật khẩu như vậy, chuyện password trên mạng ảo thập phần rắc rối hơn. Nhớ, mùa hè năm 2009, nhà thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn từ Edmonton qua Montreal chơi với anh em cầm bút ở đây. Bạt Ngàn vốn…bạt mạng nên hồi đó chê anh em chúng tôi ở Montreal quê. Thơ mà cứ chăm chăm in sách, xưa rồi. Thơ ngày nay phải được “phóng lên trời”. Thơ của anh cứ như vệ tinh, bay lên trời tuốt. Bàu trời rộng lớn như thế, thơ chắc chìm lỉm mất tiêu. Không, thơ phóng lên cũng có nhà có cửa đàng hoàng chứ đâu phải lê la ngoài trời. Mà đã có nhà thì phải có khóa chứ trống hốc trống hang thì thơ bị trộm cắp vào chôm hết. Ổ khóa chính là password. Ai muốn vào thưởng thức thơ phải được chủ nhà cho biết mật mã để mở cửa. Từ năm đó đến nay, đã 5 năm trôi qua, trời đất mịt mù những thứ do con người phóng lên. Ai cũng có nhà, thứ mà tiếng tây tiếng u gọi là website. Nếu nhà chỉ có thơ thì chẳng cần bày đặt khóa khiếc làm chi cho tốn công. Cứ mời vào, ra vô thong thả, vậy mà có khi mời mỏi miệng chẳng ai thèm vô. Nhưng nhà có cất tiền cất bạc thì phải có password. Chỉ chủ nhân mới mở được khóa để vô, thiên hạ xin chịu khó đứng ngoài. Đó là những chương mục riêng của từng người do một ngân hàng nào đó quản trị. Chỉ chủ nhân mới có khóa vào.
Có những căn nhà không có tiền bạc chi nhưng có những thứ riêng tư mà chủ nhân không muốn cho người ngoài biết. Đó là các hộp thư điện tử của từng cá nhân. Những thứ này cũng cần phải giữ bí mật nên chủ nhân phải tạo ra password, một thứ chìa khóa, để mỗi khi muốn vào đọc thư của bạn bè hay thân thuộc, nhân tình, nhân ngãi phải có chìa khóa mở để vào. Bây giờ, với sự phổ biến của computer, laptop, tablet và các loại điện thoại thông minh smartphone, hầu như người nào cũng có hộp thư riêng, ngay cả chồng hay vợ cũng không được biết password để vào đọc. Vậy đây là cõi kín đáo của mỗi người. Tựa như cuốn nhật ký riêng chúng ta vẫn giữ kín. Nhưng máy móc ngày nay có khi vô tình phản chủ, kỹ cũng có khi toang hoang ra. Một trường hợp tôi biết. Hai vợ chồng có computer riêng, địa chỉ hộp thư riêng, không ai đụng tới ai, mỗi người một cõi riêng. Nhưng cái máy in printer thì trong nhà chỉ có một cái, cả nhà dùng chung. Một bữa cái máy in này bị hư. Bà vợ in nhưng máy không in ra giấy. Kêu thợ sửa. Khi chiếc máy in hoạt động lại thì nó thật thà in lại tất cả những thứ được ra lệnh in mà chưa in ra. Vậy là ông chồng bắt được tờ giấy in cái thư riêng do ông bồ của bà vợ gửi cho bà. Vậy là chuyện ăn vụng của bà vợ bị vỡ lở. Kết quả: anh đi đường anh, tôi đường tôi! Chỉ vì cái máy in mẫn cán hoàn thành tốt nhiệm vụ, không bỏ sót một tờ nào cả. Cửa nẻo khóa kỹ bằng password mà chỉ vì vô ý nên tá họa ra.
Vùng trời ngày càng mở rộng, người dùng đã nhiều mà kẻ trộm cũng lắm, càng ngày người ta càng phải dùng các loại khóa xịn hơn. Nhiều người lười suy nghĩ nên, như nói ở trên, dùng ngày sinh tháng đẻ của mình làm password. Có nhiều người, ngại nhớ hơn, cứ thuận tay đánh hàng số 123456 chẳng hạn làm password. Đây là thứ khóa chắc mua ở tiệm OneDollar! Kẻ gian dễ mở ra nhất. Vậy mà, theo báo cáo của SplashData phổ biến vào ngày 21 tháng 1 năm 2014, thì trong năm 2013, đây là mật khẩu được sử dụng nhiều nhất trong năm và kẻ trộm trên trời, thường được gọi là tin tặc, thử tìm ra trước nhất. Hạng nhì là mật khẩu “password”. Đây là một sản phẩm của những kẻ lười biếng. Người ta bảo tạo ra một password liền chơi ngay nguyên con chữ này cho khỏi nghĩ ngợi tìm kiếm lôi thôi. SplashData đã phổ biến tới 25 mật khẩu dễ bị tin tặc tìm ra nhất và khuyên không nên dùng chúng. Để cảnh báo những vị không chịu động não nghĩ ra mật khẩu, tôi xin ghi lại một số trong 25 thứ khóa…dỏm này: iloveyou, sunshine, abc123, 111111, monkey, princess, letmein… vân vân.
Password quả là chuyện đau đầu vì chúng ta đâu có chỉ một password. Ngày nay cái computer tạo ra cho chúng ta rất nhiều cửa. Cửa nào cũng cần khóa. Đâu chỉ có password của e-mail không mà còn trăm thứ bà dằn khác. Tôi cứ lấy mình ra làm ví dụ. Hiện tôi phải nhớ password của từng này thứ: Aeroplan, Visa Online, Paypal, E-bay, Ipad App ID, Telus, Facebook, Hydro Quebec, Skype, Future Shop, Thi Viện, Amazon, Target, Bell, Microsoft, Royal Bank và password của nhiều trang tiếng Việt khác để vào đọc. Càng trẻ, giao tiếp nhiều, càng nhiều password. Hai cô sinh viên ngồi học trong một quán cà phê ở Montréal là Lucie Goyette, 24 tuổi và Catherine Bergeron, 22 tuổi, cho biết mỗi cô có khoảng trên một tá password. Như vậy cũng cỡ như tôi thôi. Nói một cách lạc quan hơn thì tôi cũng…trẻ như hai cô sinh viên này! Làm sao mà nhớ? Cô Goyette cho biết là cũng dễ nhớ vì “chúng chỉ là biến đổi nhỏ của cùng một chữ”. Nói xong, cô thú nhận thêm: “Tôi nghĩ là tôi dễ bị tin tặc tấn công lắm!”. Theo chuyên viên về an ninh trên mạng Terry Cutler thì mỗi người có khoảng từ 20 đến 50 password! Để nhớ được từng đó…khóa không phải là chuyện dễ. Tôi biết thân biết phận trí óc nhập nhoạng nên nhất định không nhớ một password nào hết. Tôi đánh tất cả password trên một trang, giữ chúng trên một hardisk rời để tránh việc tin tặc đột nhập vào máy tính. Khi nào cần một password nào thì mở ra coi. Cũng hơi lích kích nhưng khỏe cái đầu.
Ông Bruce Hulley, đã quá bát tuần, chuyên chỉ dẫn về computer và internet cho các vị cao niên cho biết có nhiều cụ chỉ vì phải nhớ password nên đã bye bye chiếc computer luôn! Cụ cho biết: “Chúng tôi sống cả đời chỉ cần nhớ địa chỉ, số phôn và số an sinh xã hội. Bây giờ phải nhớ cả chục cái password nữa làm chúng tôi điên cái đầu và quên tuốt luốt một cách nhanh chóng”. Trước thực tế phũ phàng nhưng phải thỏa hiệp này, ông Bruce Hulley đành phải giúp các cụ tạo ra những password dễ nhớ như tên các con các cháu, ngày sanh tháng đẻ của mình, tuy dễ bị tin tặc tìm ra nhưng như vậy còn hơn là bắt các cụ không dùng internet nữa!
Tin tặc ngày càng thông minh nên password cũng phải ngày càng rắc rối. Như trò chơi đánh đố. Ai thông minh hơn thì thắng. Mật khẩu nào càng khó đoán thì càng an toàn hơn. Thường thì bây giờ một password tốt phải bao gồm 16 chữ bằng chữ thường, chữ hoa, số và nhiều dấu hiệu linh tinh khác. Thí dụ dùng chữ password làm mật khẩu có thể biến thiên ra như sau: P4sswOrd#. Coi bộ thay đổi hình hài như thế này khiến mấy anh tin tặc phải đứng ngoài cửa, nhưng nhớ được mật khẩu rắc rối này lại là chuyện…rắc rối khác! Ông chuyên viên về password Terry Cutler khuyên như thế này: “Cách tốt nhất là lấy một câu nhạc mình thích rồi đổi một vài chữ thành chữ hoa, một vài chữ khác như chữ “a” chẳng hạn thành chữ “@”.
Như vậy đã yên đâu! Một ngày đẹp trời nào đó, có một chàng virus lảng vảng vào đất nhà mình, vậy là phải đổi password. Đau cái đầu biết nhường nào! Muốn thoát ra khỏi tình trạng có hại cho cái hộp sọ, một ông phiếm nhại câu từ chối password cho vui cửa vui nhà: “Xin lỗi, password của bạn cần có một chữ hoa, hai con số, hai dấu, một chữ trùng và…máu của trinh nữ!”.
Một ông khác cứ phải loay hoay đổi password hoài nên nổi cục. Ông thử nhiều password khác nhau nhưng đều bị từ chối khi thì vì không đủ chữ hoa, khi thì vì không đủ dấu, khi thì vì không đủ con số. Tức khí, ông đánh vào một câu chửi thề: “Con khẹc tao!”. Lập tức ông nhận được câu từ chối: “Không đủ dài!”.
07/2014
|