Trong cùng một thành phố, các bà mẹ sống ở trong vùng có nhiều cây xanh sẽ sanh con bự hơn các bà mẹ sống trong các vùng…cằn cỗi! Đó là kết luận của một cuộc nghiên cứu vừa được công bố trên tập san Environmental Health Perspectives dựa trên 64 ngàn ca sanh. Thành phố được nghiên cứu là Vancouver ở Canada. Khu cây xanh được hiểu là có nhiều cây cỏ nằm trong vòng 100 thước. Giáo sư Michael Brauer của Đại Học British Columbia nói: “Chúng tôi biết đã có những cuộc khảo sát khác cho rằng sức nặng của thai nhi bị ảnh hưởng bởi môi trường, tiếng động nên chúng tôi cũng có tính tới các yếu tố trên”. Cuộc nghiên cứu do Giáo Sư Brauer chủ trì cũng đã chú ý tới các yếu tố môi trường, tiếng động, lợi tức, gần công viên, tiện cho việc tập thể dục hoặc đi bộ tới các khu dân cư lân cận. Ngày nay, các thành phố trong các nước tiên tiến thường được quy hoạch cho tiện với các trục xa lộ. Họ chú ý tới tiện ích giao thông hơn là chú ý tới con người. Nếu các nhà hoạch định chú ý tới con người hơn bằng cách làm cho thành phố xanh hơn thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều trong việc phòng và chữa bệnh.
Nếu cứ bám sát theo chân các nhà nghiên cứu để lạc vào lãnh vực quy hoạch vùng đô thị thì chúng ta lạc đề! Chuyện chúng ta đang nói là chuyện nặng nhẹ của các em bé khi chào đời. Các nhà nghiên cứu bảo bự hơn là bự bao nhiêu? Câu trả lời là bự thêm được 45 grams. Nghe như…nhẹ quá. Có bấy nhiêu mà bày đặt nghiên cứu. Nhưng Giáo sư Perry Hystad của Đại học Oregan nhắc nhở: “Trên bình diện y khoa, đó là sự thay đổi không đáng kể về trọng lượng các em sơ sanh. Nhưng nếu tính trên toàn thể dân số, đó là sự khác biệt có ý nghĩa có thể có ảnh hưởng rõ ràng trên sức khỏe của các em trong một cộng đồng”. So sánh ngay trong thành phố Vancouver, nơi được nghiên cứu, thì giữa vùng xanh ở trung tâm thành phố và các vùng ít xanh hơn chung quanh, đã giảm thiểu được 20% các ca sanh non.
Trọng lượng của một bé sơ sinh đủ tháng trong bụng mẹ là khoảng từ 3 kí 200 tới 3 kí 800. Trung bình là 3 kí rưỡi. Nếu trẻ sanh thiếu tháng hoặc sản phụ có hút thuốc hoặc uống rượu thì em bé sẽ nhẹ hơn. Càng nhẹ càng khó nuôi.
Vậy là cứ trên dưới 3 kí là đủ sở hụi. Nhưng có nhiều bà chơi trội cho ra những sản phẩm nặng kí hơn nhiều. Nói chuyện mới xảy ra ngày 20 tháng 9 vừa qua của sản phụ Sandra Vilchez, 29 tuổi, cho có tính thời sự. Bà mẹ đã có ba con, nay có thêm cái bầu tới lúc đến hẹn là ra. Bà là người mau mắn nên trong khi đang cùng chồng và ba con ngồi trên chiếc xe Chevy Tahoe chạy trên xa lộ 91 thuộc tiểu bang California thì bà sinh sự. Bé sơ sinh nhìn thấy ánh sáng mặt trời ngay trên ghế trước xe, cạnh tay lái của ông chồng, trong khi ba đứa con ngồi ở băng ghế sau. Ông chồng Boliva Vilchez, 35 tuổi, vội dừng xe và biến thành ông mụ! Một mình ông đưa được đứa bé ra ngay trước mắt ba đứa con. Khi xe cứu thương tới thì mọi chuyện đã xong. Họ chỉ cần cắt cuống rốn và ò e đưa sản phụ về bệnh viện Kaiser Permanente Anaheim Medical Center. Thật hú vía! Đứa trẻ thuộc loại bự, cân nặng tới 5 kí!
Nặng 5 kí đã là bự nhưng chưa ăn thua chi. Mới chỉ bằng nửa sức nặng của em bé được ghi trong sách Kỷ Lục Guinness. Em bé bự nhất từ trước tới nay có quốc tịch Canada nhưng được sanh tại tiểu bang Ohio ở Mỹ. Bé tên Anna Bates và chào đời vào ngày 19 tháng 1 năm 1879. Cân nặng của bé: 10 kí 800! Bé giã từ cõi đời chỉ 11 tiếng sau khi sanh. Gần đây hơn, vào tháng 9 năm 1995, một bé người Ý, cân nặng 10 kí 200, cũng được ghi vào Guinness. Sách kỷ lục này cũng ghi hai trường hợp khác là bé Anna Swan, chào đời vào năm 1846 ở tỉnh bang Nova Scotia, Canada, nặng 8 kí, và bé Ademilton dos Santos, sanh vào tháng 1 năm 2005 tại Ba Tây, nặng 7 kí 570.
Không biết có ai để ý là trong bốn bé bự trong Guinness đã có tới hai bé người Canada. Điều này không biết có làm hài lòng Giáo sư Michael Brauer không? Hai bé này chứng tỏ là Canada, đất rộng người thưa, cây cỏ tràn đầy, môi trường thanh khiết là cái nôi của những bé bự. Giả thuyết của nhóm nghiên cứu của Đại học British Columbia cho là ở những nơi cây cỏ xanh tốt, khí hậu mát mẻ thì các trẻ sơ sinh bự hơn, coi bộ đúng!
Nghe thấy những con số cân cả chục ký mà các bà mang trong bụng rồi đủ tháng đủ ngày là phóng ra chào đời, nhiều bà lè lưỡi rùng mình. Làm sao được? Bà đẻ rớt trên xe ở California đã phóng ra một cách dễ dàng sản phẩm nặng 5 kí. Nhưng còn chục ký, gấp đôi chứ bộ! Ngày xưa, giữa thế kỷ 19, những em bé kỷ lục này làm sao mà chào đời, sách không ghi rõ. Tôi cũng chẳng biết ngày đó đã có phương pháp mổ đẻ chưa. Nhưng ngày nay, các bà bầu được khoa học hỗ trợ hơn nhiều. Lại nói chuyện…tươi. Ngày 25 tháng 8 vừa qua, tại thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây bên Trung Quốc, sản phụ Tian, 34 tuổi, đã…phát hành sản phẩm nặng 6 kí 300 tại bệnh viện phụ sản Chongji. Bà sanh mổ chứ không sanh tự nhiên. Cân nặng 6 kí 300 cũng đã gấp đôi sức nặng trung bình rồi, tự túc tự cường chi nổi. Các bác sĩ cho biết bé bự này là chuyện hiếm hoi trong lịch sử y học của Trung Quốc. Bác sĩ Giám Đốc bệnh viện sửng sốt: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bé sơ sanh lớn như vậy trong suốt 30 năm hành nghề của tôi. Thông thường trẻ sơ sinh mới chào đời chỉ nặng từ 2 kí 500 tới 4 kí. Trẻ trên 4 kí đã được coi là “khổng lồ” rồi!”.
Chuyện xảy ra ở Việt Nam còn tươi hơn. Mới đây thôi, ngày 19 tháng 9 năm 2014, tại bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam, sản phụ Trần Thị Bông đã cho nở ra một bé nặng tới 6 kí rưỡi. Chị Bông năm nay 38 tuổi, đã có ba con. Chị quê quán tại xã Bình Giang, quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Khi vào bệnh viện, chị thuộc loại…bự, cân nặng tới 102 kí! Mẹ bự, con bự, dĩ nhiên các bác sĩ không thể để chị sanh thường mà phải mổ phanh bụng chị để lấy bé bự ra! Sức khỏe của cả mẹ lẫn con đều bình thường.
Nặng 6 kí rưỡi chưa phải là ca sanh bé bự nhất Việt Nam. Kỷ lục hiện nay thuộc về chị Hà Thị Nga, ngụ tại xã Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Chị đã hạ sanh em bé nặng tới 7 kí vào tháng 10 năm 2008. Chị Nga chơi toàn thứ dữ. Đứa con đầu lòng của chị sanh năm 2003 cũng nặng tới 4 kí rưỡi. Chị cho biết, trong thời kỳ mang thai, chị không tẩm bổ chi. Chị thích cá chép nên cứ hai ba ngày lại làm một bữa, lúc thì nấu canh, lúc thì kho, lúc chiên, lúc nấu cháo. Mỗi ngày bồi dưỡng thêm một quả trứng ngỗng. Vậy mà chị lên kí vùn vụt. Bốn tháng cuối thai kỳ, chị phải nằm nghiêng, mỗi lần lên cầu thang là ông chồng phải lên theo để đỡ bụng cho chị. Tới tháng cuối, da bụng chị căng hết cỡ, nhìn bằng mắt thường cũng thấy đầu em bé sa xuống, nhô ra một khối tròn nhỏ. Trước khi lên bàn sanh, chị cân nặng 90 kí, tăng 26 kí so với thời kỳ trước khi mang thai. Bác sĩ Lê Thị Thu Nhi, người trực tiếp mổ, cho biết: “Khi nhập viện, qua khám, chúng tôi dự đoán em bé sinh ra xấp xỉ 5 kí. Nhìn bụng chị Nga, chúng tôi cũng thấy hơi bất ngờ, to như một người mang song thai. Hơn 25 năm làm khoa sản, mổ sinh cho rất nhiều sản phụ, chưa bao giờ tôi thấy em bé nào lớn thế”.
Sanh con bự có tốt không, các bác sĩ lắc đầu. Cứ trung dung, ai sao ta vậy, là tốt nhất. Bình thường khoảng từ 3 kí 200 tới 3 kí rưỡi là ngon lành. Thai nhi nặng trên 3 kí rưỡi là bất thường. Có hai trường hợp thai bự: bình thường và bệnh lý. Thai bình thường do mẹ mạnh khỏe, cao lớn, gia đình có “truyền thống” sanh con bự, ăn uống đầy đủ. Còn thai bự bệnh lý thông thường do mẹ bị rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là mẹ mang bệnh tiểu đường. Mẹ bị tiểu đường sanh con ra sẽ gặp các vấn đề như suy hô hấp, nhiễm trùng, dị tật bẩm sanh, đường huyết hạ…
Không phải cứ bự là tốt. Đúng vậy! Bé trai bự con nhất Việt Nam là cháu Nguyễn Thế Sinh, nặng 6 kí 600, ra đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2008. Mẹ cháu Sinh là nữ diễn viên Nguyễn Thị Liên. Chị cho biết vì cháu Sinh sanh năm Tý nên tên ở nhà là Chuột! Khi sanh ra Chuột là loại chuột bự nhưng bệnh tật rề rề khiến Chuột teo dần. Chỉ năm ngày sau khi chào đời, bé Chuột đã sụt 600 grams. Bệnh viện cho thử máu thì máu có chỉ số thấp. Bác sĩ Nguyễn văn Lộc cho biết những trường hợp trẻ được sanh ra quá nặng kí thì thường có những triệu chứng hạ đường huyết, tăng cường insulin. Phần lớn những trẻ bự này có mẹ bị tăng lượng đường trong thời kỳ thai nghén. Khi lớn lên các em này có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường. Bé Sinh không bị bệnh về đường máu nhưng lại bị “rò hậu môn”. Tại mỗi điểm rò là một cái mụn cỡ bằng hạt đậu xanh hoặc bằng nửa hạt bắp khiến bệnh nhân khó ngồi vững được. Bệnh phải mổ. Thông thường phải đợi đứa bé được một tuổi mới mổ nhưng trường hợp bé Sinh bệnh lan ra quá nhanh nên phải mổ cấp tốc. Nhưng bé Sinh bị ốm liên tục cả tháng, hết nóng, ho lại tới tiêu chảy, nên ca mổ phải hoãn lại nhiều lần.
Bự trong trường hợp cháu Chuột không phải là chuyện hay. Vậy thì nhỏ xíu có tốt không? Câu trả lời là không. Lại kỷ lục Guinness: cháu bé nhẹ cân nhất khi ra đời là bé Amillia Taylor. Cháu chỉ nặng có 280 grams! Cả một con người gồm lục phủ ngũ tạng mà chỉ có chút xíu, chỉ bằng nửa lon coca, sống sao nổi. Vậy mà bé sống. Bé ra đời vào năm 2006 tại Miami. Một bé khác, tên Sapphire Davis, cân nặng có 420 grams, chỉ nhẹ bằng một chiếc điện thoại nhỏ khi sanh. Vậy mà khi được 4 tuổi bé đã cân nặng tới 16 kí rưỡi. Tuy sống sót nhưng cả hai bé đã phải qua trị liệu về thể chất và ngôn ngữ.
Bé Gabriella Gil ra đời vào đầu năm 2009 tại Miami cũng có chút xíu, chỉ nặng 450 grams. Đáng lẽ phải nằm trong bụng mẹ đủ 9 tháng 10 ngày như bình thường, bé chỉ nằm có bốn tháng, chính xác là 23 tuần. Chẳng phải vì bé Gabriella hấp tấp muốn nhìn thấy ánh mặt trời mà vì mẹ cháu, bà Maruja, bị trục trặc tử cung khiến bé vội chui ra khỏi bụng mẹ. Bà mẹ ngao ngán: “Thật khó mà tin rằng Gabby chỉ nặng chưa bằng một lon nước ngọt. Thật là một cú sốc, nhưng chúng tôi hy vọng là vẫn có sự sống và một tâm hồn trong em bé nhỏ xíu này”. Trong hai tháng đầu, cha mẹ của Gabby không thể bế bé. Các bác sĩ cho rằng em chỉ có 15% hy vọng sống. Vậy mà tám tháng sau, bé đã được xuất viện về nhà. Dĩ nhiên bé không được như những bé khác. Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng Holtz ở Miami cho biết Gabby bị bệnh phổi và mắt, trục trặc ở gan, chảy máu trong não. Thân hình có chút xíu mà bé đã phải giải phẫu cả chục lần trong đó có lần phải mở tim và dùng tia laser mổ mắt!
Bự cũng mệt, nhỏ cũng mệt, lại cứ sách Trung Dung của cụ Khổng mà đọc. Cứ bình thường là tốt nhất. Nhưng chuyện của con tạo, các bậc cha mẹ đâu có chọn được. Bất lực về chuyện bự nhỏ của đứa con mình sinh ra nhưng các bậc cha mẹ có thể quyết định phần nào bằng cuộc sống của chính mình. Nếu họ sống một đời sống điều độ, những sản phẩm của họ sẽ bình thường. Bệnh tật là thứ có khi từ trời rơi xuống nhưng cũng có khi do mình tự tạo nên.
Bé Ashley Murphy là người xứ Canada chúng tôi, sanh ra tại Toronto cũng là một bé…chim chích. Khi sanh, em chỉ nặng 1 kí 650, được nửa trọng lượng trung bình của một em bé sơ sanh. Mẹ em bị căn bệnh thế kỷ là bệnh AIDS. Vậy nên ngay khi ra đời em đã gánh căn bệnh này. Em là một trong số khoảng 200 em bé Canada nhiễm bệnh ngay khi ra đời. Ngay khi khám sơ khởi sau khi sanh, các bác sĩ đã phải đặt em trong tình trạng thở bằng ống dưỡng khí trong sáu tháng. Xuất viện, em phải ở nhà cha mẹ nuôi vì mẹ em có cuộc sống không thích hợp trong việc nuôi con nhỏ. Các bác sĩ khuyên cha mẹ nuôi của em cố gắng tạo cho em những ngày cuối đời an bình và hạnh phúc. Họ không nghĩ rằng em sẽ sống được lâu. Nhưng em đã bám vào hơi thở của cuộc sống trong 5 năm. Vào lúc được 5 tuổi, em Murphy chỉ cân nặng 10 kí 430, bệnh viện đã phải gắn ống cung cấp thực phẩm thẳng vào dạ dầy cho em để giúp em ăn và uống 6 thứ thuốc hàng ngày. Cái ống nuôi này gắn chặt với em trong 4 năm. Ngoài căn bệnh AIDS em còn bị triệu chứng nghiện rượu bẩm sinh và bệnh liệt óc não dạng nhẹ.
Bệnh tật dầm dề, toàn thứ dữ, vậy mà bé Murphy không hề bi quan. Em đã tự vươn lên khi hãnh diện nói: “Tôi chỉ nặng 3 pounds 10 ounces khi chào đời nhưng trong đó có 3 pounds là sự cứng cỏi!”. Em đã vượt mọi chông gai để sống. Năm em được 7 tuổi, em được mời tham dự party qua đêm tại nhà một em bạn. Một bà mẹ có con em tham dự đã phản đối, yêu cầu chủ nhà gạt em ra. Bà chủ nhà không chịu. Các bậc cha mẹ có con em tham dự đêm đó đã dặn các em không được chia sẻ thực phẩm và nước uống với Ashley. Họ còn nói với chủ nhà chỉ cho em dùng đĩa và ly giấy. Họ không hiểu chi về cách lây lan của bệnh AIDS.
Ashley nhất quyết phải làm cho mọi người hiểu rõ về căn bệnh mà bệnh nhân thường phải giấu kín này. Hai thập niên trước, đấu thủ bóng rổ Magic Johnson, người bị nhiễm bệnh AIDS, đã công khai nói về bệnh tật của mình. Điều này là một tấm gương cho Ashley. Hiện nay, bé Ashley là một nữ sinh trung học khỏe mạnh và năng động. Nhờ vào sự tận tình cứu chữa của bệnh viện, vi khuẩn trong em đã giảm tới mức gần như không còn nữa. Bé đã can đảm xuất hiện trong các buổi thuyết trình về bệnh AIDS mà chính bé là một chứng nhân, do phong trào WE Day tổ chức. WE Day là sự kiện tập họp các thanh thiếu niên để xây dựng một thế giới đáng sống hơn. WE Day được tổ chức hàng năm tại các thành phố lớn ở Canada, Mỹ và Anh. Nhiều diễn giả trẻ tuổi nổi tiếng như Martin Sheen, Demi Lovato và thiếu nữ người Pakistan vừa được giải Nobel Hòa Bình năm nay Malala Yousafzai, đã được mời thuyết trình. Em Ashley Murphy là một diễn giả tại các WE Day Canada được tổ chức tại Toronto, Vancouver, Winnipeg, Calgary, Saskatoon, Halifax, Montreal và Ottawa trong năm nay và năm tới. Cô nữ sinh 16 tuổi này đã dõng dạc nói công khai trước mọi người: “Tôi bị nhiễm bệnh AIDS!”. Mục đích của cô bé là cảnh báo cho mọi người biết về căn bệnh có tới 2 triệu thanh thiếu niên từ 10 tới 19 tuổi trên khắp thế giới vướng phải. Em cũng giải thích cho mọi người biết về nguyên nhân và cách lây lan của căn bệnh ít được công khai nói tới.
Hài nhi chỉ nặng 1 kí 650 Ashley Murphy khi ra đời quả là bé. Nhưng đây là một thứ bé hạt tiêu. Hiểu theo một cách nào đó, em mới chính là bé…bự!
10/2014
|