Theo tạp chí Atlantic thì tới cuối thế kỷ này tuổi thọ trung bình của con người là chẵn một trăm! Bản nghiên cứu cho biết, vào đầu thế kỷ 19, tuổi thọ của con người thay đổi rất chậm, nhưng từ năm 1840 thì tuổi thọ tăng đều mỗi năm khoảng ba tháng. Quốc gia chú ý nhiều tới việc nghiên cứu về tuổi thọ con người là Thụy Điển. Năm 1840, tuổi thọ trung bình của các bà ở Thụy Điển là 45. Nay là 83. Dân Mỹ cũng tăng tuổi thọ như vậy. Đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của dân Mỹ là 47. Nay là 79. Nếu chúng ta cứ tiếp tục làm con tính cộng thêm mỗi năm ba tháng sống thêm thì tới giữa thế kỷ này tuổi thọ của dân Mỹ sẽ là 88. Và tới cuối thế kỷ sẽ chẵn chòi 100.
Vậy là câu chúc “sống lâu trăm tuổi” mà chúng ta lập đi lập lại mỗi dịp Tết đến đang từ một “ước muốn” trở thành một “thực tế”. Thực tế ngày nay trăm tuổi chưa trở thành một con số trung bình nhưng đã có nhiều cụ đã đạt tới và còn đang vượt xa hơn. Mỗi ngày tôi thường hay theo dõi bản tin buổi sáng của đài NBC. Họ có một mục mà chúng ta có thể tạm gọi là “chúc thọ”. Họ chúc sinh nhật của các cụ đạt tới 100 tuổi trở lên mà ngày sinh nhật trùng vào ngày hôm đó. Ngày nào họ cũng chúc thọ khoảng trên dưới chục cụ. Họ đưa hình ảnh, tên tuổi, quê quán của từng cụ. Đó mới chỉ là số cụ mà tôi đoán là người nhà gửi tên tuổi tới đài để chúc mừng. Không biết còn bao nhiêu cụ âm thầm mừng thọ trăm tuổi ngày đó mà đài truyền hình không được thông báo. Lại nữa, đó mới chỉ là ở Mỹ, còn biết bao nhiêu cụ ở các quốc gia khác.
Nhật Bản là nước mà ai cũng biết là có nhiều cụ cao tuổi nhất. Ngày 20 tháng 8 vừa qua, tổ chức Guinness World Records đã trao chứng chỉ cụ ông cao tuổi nhất thế giới cho cụ Sakari Momoi, một nhà giáo nay đã về hưu. Cụ sanh ngày 5 tháng 2 năm 1903 tại Fukushima, tính ra nay được 111 tuổi thêm một số tháng lẻ. Cụ Sakari kế vị cụ Alexander Imich ở Nữu Ước vừa lìa đời vào tháng 6 với số tuổi 111 năm 164 ngày. Buổi lễ trao chứng chỉ đã được truyền hình trực tiếp. Nhìn hình thấy cụ mặc com-lê ngồi nơi một chiếc bàn làm việc trông rất bảnh chọe. Đó là mục trình diễn. Thực ra cụ đã ngồi xe lăn nhưng cụ có thể tự đứng lên từ xe lăn, tiến tới ngồi trên ghế mà không cần ai giúp đỡ. Vậy là cũng còn gân chán! Được các ký giả hỏi cảm tưởng, cụ Sakari ước muốn sống lâu hơn nữa. Kể ra cũng hơi tham lam! Hỏi cụ muốn sống thêm bao lâu nữa, cụ thổ lộ: “Khoảng chừng 2 năm nữa”! Không biết cụ có kế hoạch gì mà cần thêm hai năm nữa.
Cụ bà thọ nhất thế giới cũng không ngoài một cụ người Nhật. Đó là cụ bà Misao Okawa, hiện sống ở Osaka. Cụ “Mì Sào” này năm nay được 116 tuổi.
Đó là hai kỷ lục thọ mà Nhật Bản ăn trùm thế giới. Tôi nghĩ Nhật Bản có lợi thế giữ được các kỷ lục này lâu dài vì con số các cụ từ trăm tuổi xấp lên ở Nhật hiện nay là 54 ngàn cụ. Ngoài ra dân Nhật hiện có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới với 80.21 tuổi cho các cụ ông và 86.61 tuổi cho các cụ bà.
Nhưng các cụ Nhật đừng ngồi rung đùi thú vị. Các cụ đang có đối thủ là các cụ Việt Nam. Việt Nam chúng tôi hiện đang có tiềm năng ở tất cả các categories sống lâu. “Bộ môn” hai chị em ruột sống lâu có hai cụ Nguyễn thị Đẹp, sanh năm 1910, và cụ Nguyễn thị Tề, sanh năm 1911. Tính ra tuổi thì năm nay một cụ 104 tuổi và một cụ 103 tuổi. Hai cụ hiện sống với con cháu tại ấp 4, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, Sài Gòn.
Về cặp song sinh cao tuổi nhất có hai cụ Vi thị Các và Vi thị Đắc, sanh năm 1911, hiện ngụ tại thôn Cam Chú, xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tính ra năm nay hai cụ đã thọ tới 103 tuổi. Hai cụ vẫn tự làm được chuyện vệ sinh thường ngày và trí nhớ còn minh mẫn.
Category hai vợ chồng trăm tuổi đều còn sống có cụ ông Huỳnh văn Lạc, sanh năm 1901, và cụ bà Nguyễn thị Lành, sanh năm 1905. Tính ra cụ bà nay đã 109 tuổi và cụ ông nay 113 tuổi. Hai cụ kết hôn vào năm 1929, nay đã được 85 năm bên nhau. Cả hai cụ hiện sống tại Quận 12, Sài Gòn. Hai cụ có tất cả 4 con, 24 cháu và 41 chắt.
Với số tuổi thọ 113, cụ Huỳnh văn Lạc ăn đứt cụ ông Sakari Momoi, người đang giữ kỷ lục thế giới Guinness với số tuổi thọ chỉ 111 tuổi. Sao bất công vậy hè! Phía cụ bà cũng vậy. Cụ Nguyễn thị Trù, ngụ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Sài Gòn, sanh năm 1893, tính ra đã 121 tuổi, via hơn bà cụ người Nhật Misao Okawa chỉ mới 116 tuổi. Vậy mà cả hai cụ chỉ nhận được kỷ lục của “Sách Kỷ Lục Việt Nam”. Còn Guinness vẫn làm lơ. Vì đâu nên nỗi? Tôi đoán là vì giấy tờ hộ tịch ở Việt Nam không rõ ràng nên Guinness không xác minh được. Tôi chỉ đoán vậy vì suy ra từ giấy tờ hộ tịch của chính tôi. Tôi chưa tới trăm tuổi mà cũng chỉ có giấy “Thế Vì Khai Sanh” chứ không có giấy khai sanh gốc. Lý do là vì chiến tranh, sổ hộ tịch bị thất lạc hoặc tiêu hủy nên sau này chính phủ phải làm giấy thế vì khai sanh để có giấy tờ hộ tịch đi học. Ông cụ tôi là người thật thà nên cứ có sao khai vậy nhưng nhiều người đã khai sụt tuổi cho con cái để dễ dàng theo học. Kể ra cũng chẳng phải là gian dối nhưng có nhiều bạn bè tôi ngày đó, tản cư về những vùng quê không có trường học, mất dăm ba năm lêu lổng là chuyện thường. Tới khi đi học, phải khai sụt tuổi để có thể theo học những lớp dưới, bù lại những năm thất học nơi thôn dã. Tôi còn nhớ, ngày học lớp Đệ Tứ tại Hà Nội, tôi mới 16 tuổi nhưng bạn học cùng lớp có những anh đã có vợ!
Tôi nghĩ các cụ Huỳnh văn Lạc và Nguyễn Thị Trù chắc giấy tờ hộ tịch còn bê bết hơn tôi nên mới không được Guinness công nhận. Kể cũng có khi oan ức cho các cụ! Nói cho vui, nếu trời cho tôi sống thọ nhất thế giới chắc cũng chẳng được Guinness công nhận. Lúc đó chắc phải ngẩng mặt lên trời mà khóc vì chỉ có trời biết!
Nghe tôi ví dụ như vậy, mấy ông bạn tôi đã nổi máu ghen tương, xúc xiểm tức thời. Một ông sẵng giọng: “Này, sống trăm tuổi, cứ như cái xác chưa chôn, vui chi mà ví với chẳng dụ!”. Chẳng nên đôi co với những người đang mờ mắt vì lòng ghen. Trăm tuổi bây giờ đâu có tệ như vậy. Các cụ còn quậy tưng bừng, nhộn nhịp hết biết.
Nói có sách mách có chứng liền một khi. Tôi đưa chuyện của cụ bà Nguyễn thị Hiệp ra chứng minh ngay. Cụ năm nay được 110 tuổi. Nhìn hình không thấy sức nặng của hơn một thế kỷ trên người cụ. Với mái tóc cắt ngắn như phái nam, nét mặt ngổ ngáo và những lời đối đáp ngang bằng xổ phẳng, cụ đã được gán cho chữ tomboy rất thời thượng. Tomboy để chỉ người nữ mà tính tình như người nam. Hỏi cụ về chị em, cụ đáp ngay: “Vì ba trời ba đất nên chết hết rồi!”. Rồi cụ kể lại là người chị tên Nguyễn thị Nào hay “goánh” cụ bằng gáo dừa u hết cả đầu, cô em Nguyễn thị Tròn cũng hay bắt nạt chị. Quê cụ ở Kontum, mẹ chết sớm, ở với dì ghẻ. Gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng, cụ không được đi học. Khi bị mẹ ghẻ bắt ra chợ bán hàng, cụ bỏ nhà ra đi ở đợ cho người ta. Trước khi đi, cụ tung hê cho free hết hàng hóa. Đi ở đợ bị chủ xử ác, cụ quậy mấy đứa trẻ con chủ rồi lại trốn đi làm cho Tây. Cụ kể lại, tay chém xuống sau mỗi câu nói, trông rất linh hoạt: “Không mắc chi mà sợ ai, gặp cà chớn là quậy lại!”.
Trí nhớ của cụ hết xảy. Tên tuổi, ngày sinh của cụ, cụ nhớ vanh vách đã đành, đến tên họ cha mẹ, anh chị em cùng các con, cụ cũng đọc rành mạch. Tới số nhà, phường khóm nơi con ở cụ cũng làu làu! Chuyện xưa mà cụ nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua. Khi cụ đi làm cho Tây, có nhiều “thằng cà chớn” gửi thư tình nhưng cụ xé hết. Cụ…lập trường: “Ưng nhau cưới hỏi đàng hoàng còn chưa ra gì, huống chi mấy thằng cà chớn!... Lấy chồng phải có bố mẹ đàng hoàng, chồng cha vợ mẹ thì hơn / chồng đường vợ xá, ai làm nấy ăn”. Cụ không ăn nhiều nhưng ăn thì phải ngon. Cụ chê phở của nhà bếp nấu dở òm, không ăn. Vịt quay nhiều mỡ, “ớn lắm”. Không ăn thịt xay, không ăn cháo vì “tao còn răng mà”. Tính ra cụ có 12 người con, 8 người đã qua đời vì…già! Cụ có cả thảy 18 cháu, chắt đếm không xuể, và đã có một chít.
Già như cụ Nguyễn thị Hiệp là già…nhộn. Thế giới của những bậc trăm tuổi không buồn bã như chúng ta tưởng. Trong một tài liệu được viết vào năm 2011, cụ bà Sensei Keiko Fukuda lúc đó chỉ còn hai năm là đạt tới mức trăm tuổi. Vậy mà cụ vẫn mỗi tuần ba buổi dậy nhu đạo cho phụ nữ tại một võ đường ở San Francisco. Cụ có đai đen đệ thập đẳng do USA Judo cấp, đó là cấp bậc tột đỉnh trong nhu đạo. Cụ là một trong bốn người có “huyền đai đệ thập đẳng” còn sống. Trong lịch sử nhu đạo thế giới, từ trước tới nay chỉ có 16 người đạt được đẳng cấp này. Đó là cụ đã bị kỳ thị. Hồi đó trong các võ đường nhu đạo có lệnh cấm không cho phụ nữ được lên quá đệ ngũ đẳng. Vậy là cụ ôm cái đệ ngũ đẳng trong suốt ba chục năm. Tới năm 1972, khi phân bộ phụ nữ nhu đạo được thành lập, cụ mới được lên đệ lục đẳng. Cụ mất vào ngày 9 tháng 2 năm 2013, thọ đúng trăm tuổi.
Cụ Từ Ích Khanh ở Thiểm Tây, Trung Quốc, lại rất theo kịp thời đại. Cụ khởi viết blog trên mạng internet vào năm 2011, khi cụ đã 103 tuổi. Ngày nào cụ cũng lên mạng để trò chuyện với con cháu và các bạn già trẻ khác. Ngày đầu tiên lên thế giới ảo, chẳng ai vào trò chuyện, cụ buồn: “Chán quá! Lập blog đã hai ngày rồi mà chẳng có ai chú ý tới mình!”. Vậy là dân chơi blog nườm nượp vào blog của cụ, có ngày tới vài trăm lượt. Cụ viết rất dễ thương, chẳng hạn khi viết cho cháu: “Sao cháu không đến, ông nhớ cháu nhiều lắm! Tuần sau cháu nhớ đến nhé, ông sẽ làm một món ăn ngon cho cháu”.
Tôi đưa ra hai hình ảnh của hai cụ trăm tuổi, một múa võ bằng tay chân, một chơi blog bằng đầu óc để chứng tỏ thế giới của các cụ còn nhộn nhịp lắm. Nhưng cái nhộn nhịp nhất từ muôn đời vẫn là nhịp đập của con tim. Khi trẻ nhịp đập nhộn nhịp kiểu khác, khi già nhộn nhịp cách khác. Cách của cụ Dana Kackson, chẵn chòi trăm tuổi, là lấy chồng. Cụ bà quê quán ở Kentucky, Mỹ, lên xe hoa vào ngày 6 tháng 2 năm 2012. Chú rể là cụ Bill Stauss, chưa tới trăm tuổi, chỉ mới 87, bạn cùng trong một viện dưỡng lão với cô dâu, viện Rosewood Health Care Center ở Bowling Green, tiểu bang Kentucky. Đám cưới dĩ nhiên diễn ra trong viện. Gần xịt nên không cần xe hoa. Hai cụ, mỗi cụ ngồi trên một chiếc xe lăn, được đẩy vào phòng cưới. Dù cụ bà đã mặc áo cưới ba lần, lần đầu tiên khi mới 15 tuổi, và cụ ông cũng đã một lần qua đò vào 55 năm trước, đám cưới của họ vẫn tươi rói. Cũng áo cưới trắng muốt, cũng tấm voan che mặt, cũng trao nhẫn cưới, và cô dâu cũng tung bó hoa cho các thiếu nữ. Người dành được bó hoa cưới là cô con gái đầu của cô dâu! Cụ…dâu hân hoan: “Tôi không nghĩ là mình trăm tuổi, tôi cảm thấy như chỉ 50!”. Xóa đứt đi được nửa thế kỷ! Hai người sẽ được chuyển vào sống chung trong một căn phòng!
Mấy ông bạn tôi là loại chuyên chọc gậy bánh xe. Một ông cười hô hố: “Bày đặt! Chung hay không chung phòng thì cũng chỉ vãn cảnh vậy thôi!”. Một ông khác hỏi lại: “Sao ông biết?”. Câu trả lời bật ra tức khắc: “Cứ suy bụng ta ra bụng người khắc biết”. Tôi nghĩ mấy ông này tào lao. Bụng mỗi người mỗi khác, suy sao được mà suy. Ý nghĩ của tôi có cơ sở đàng hoàng. Theo một nghiên cứu mới đây của một tạp chí y học Anh thì 40% cụ ông 85 tuổi vẫn còn thích tù ti. Cụ ông Bill Stauss vừa lên xe hoa mới 87 tuổi, vượt ngưỡng có hai năm thì ăn thua chi. Ăn thua là sức khỏe từng người. Ông bạn “suy bụng ta ra bụng người” của tôi vô tình thú nhận sự yếu kém của mình. Không khảo mà khai!
Để cho các ông bạn tôi lên tinh thần, thiết nghĩ không gì bằng kể chuyện “thần thoại” của cụ Trần văn Thuận. Cụ Thuận sanh năm 1921, người Hưng Nguyên, Nghệ An, năm nay được 93 tuổi. Cụ bà bỏ cụ về với tổ tiên vào năm cụ được 87 tuổi. Đã 87 tuổi, cụ chẳng nghĩ chi tới chuyện bước thêm bước nữa. Chân chồn gối mỏi rồi. Cụ có nghề nấu cao. Trong một lần đi mua xương động vật ở xã Tân Kỳ, cụ gặp chị Nguyễn thị Nhung, sanh năm 1971. Chị có chồng nghiện ngập lại hay đánh vợ để khảo tiền đi hút xách. Năm 2002, chị ly hôn, một mình tần tảo nuôi đứa con gái. Ông Thuận xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của chị nên có giúp đỡ. Dần dà mối tình giữa ông già 90 và bà trẻ 30 lớn dần. Ông Thuận rất tự tin khi nghĩ là tuy tuổi cao nhưng ông vẫn còn khả năng làm chồng. Vậy mà ông không dám hỏi cưới chị Nhung vì sợ chòm xóm dị nghị. Cuối cùng, cụ phải chiều con tim của mình và mang trầu cau tới gia đình chị Nhung. Y boong! Xóm làng chê cười “già mà còn chơi trống bỏi”. Ngày cưới họ tới xem như trảy hội vì chuyện thế gian ít có. Thời gian sau đó, vì xấu hổ, chị Nhung không dám bước chân ra khỏi nhà. Năm 2010, chị Nhung mang thai! Tiếng xầm xì của chòm xóm còn lớn hơn nữa. Ngay những đứa con của ông Thuận cũng nghĩ rằng bố mình lấy vợ cho vui thôi chứ chuyện gối chăn là chuyện bất khả, huống chi nay lại còn để cái thai cho vợ trẻ nữa. Đủ ngày đủ tháng, cái thai ra đời. Đó là một bé trai nặng trên 3 kí, bụ bẫm, rất dễ thương. Mặc dầu đứa bé có nhiều nét giống cụ Thuận nhưng mấy con của cụ vẫn không tin chuyện ông bố già làm…phép lạ. Họ nhất định không tin. Cực chẳng đã, cụ phải chấp nhận thử ADN. Kết quả đứng về phía cụ Thuận: cháu Trần Nhật Quang đích thị là sản phẩm của cụ!
Chẳng cần phải đoán, các bạn cũng biết là mấy ông bạn tôi cứ há hốc miệng ra mà nuốt từng chi tiết về thành tích oai phong lẫm liệt của cụ Thuận. Nghe xong ông nào ông nấy mặt cứ vểnh lên. Hình như các ông ấy chỉ vểnh được có mỗi cái mặt!
10/2014
|