Chẳng ai dám vỗ ngực tự nhận là mình không có lúc làm ẩu. Ẩu có hai loại: suy nghĩ hay không suy nghĩ. Có suy nghĩ thì ẩu thành liều. Không suy nghĩ thì ẩu thành…ẩu! Nhưng cũng có cái ẩu loại ba, không biết có suy nghĩ hay không. Như vụ rải tiền tại Thượng Hải ngay trong đêm giao thừa vừa qua.
Vào lúc 23 giờ 35 phút, chỉ còn 25 phút phù du nữa là qua năm mới 2015, hàng trăm ngàn người chen chúc nhau đứng ở quảng trường Chenyi tại Bến Thượng Hải để countdown. Bỗng từ ban-công một câu lạc bộ, từng tờ tiền đô la Mỹ rơi xuống. Dân chúng xô nhau nhặt. Đám đông xô đẩy nhau cật lực. Nhiều người ngã xuống. Người nọ dẵm lên người kia. Kết quả sơ khởi cho biết có 35 người chết và 42 người bị thương. Trong số người thiệt mạng có 25 cô gái ở vào độ tuổi từ 16 đến 36, hầu hết những người bị thương cũng là nữ nhi ở độ tuổi 20. Điều trớ trêu là những đồng tiền được ai đó rải xuống đám đông là những đồng tiền giả!
Người rải tiền chắc trước sau gì cũng bị bắt sau cuộc điều tra của cảnh sát. Cuộc điều tra đang tập trung vào một nữ blogger. Cô này đã post một bài viết chỉ 5 phút trước khi tai nạn xảy ra, cho biết là sẽ ném tiền từ câu lạc bộ đêm Bund No. 18. Tuy nhiên cô này đã chối không phải là người ném tiền. Chối là đúng tâm lý. Trước tình huống như vậy, ai chẳng chối phắt ngay cho yên thân.
Hành động của người này có thể chỉ là một loại vui ẩu trong lúc quá chén vào ngày lễ hội. Tưởng chỉ đùa chơi ai ngờ gây hậu quả nặng nề. Nếu biết trước hậu quả tàn khốc như vậy, chắc người này không thể làm ẩu. Họ đùa vui, có thể không ác ý, nhưng kết quả là một thảm khốc. Chuyện ẩu đưa tới chết người bao giờ cũng là chuyện tù tội.
Chắc chưa ai trong chúng ta quên chuyện cô sinh viên yêu vịt mà tôi đã có đề cập tới trong một bài phiếm trước đây. Đó là cô Emma Czornobaj, sinh viên năm chót của trường Đại học Concordia. Ngày 27 tháng 6 năm 2010, Emma dừng xe trên làn đường bên trái, làn đường cho những xe chạy nhanh, của xa lộ 30 tại Candiac. Cô bước ra khỏi xe để cứu một đàn vịt đang băng ngang xa lộ vì sợ xe cộ sẽ cán lên chúng. Cô định sẽ bắt cả đàn vịt vào trong xe và mang về nhà nuôi. Khi xe cộ chạy tới chỗ cô Emma đang làm việc thiện, thường tài xế sẽ nhìn vào cô mà quên đi chuyện chiếc xe của cô đang đậu trên làn đường của xa lộ. Lúc đó, ông André Roy, 49 tuổi, cưỡi một chiếc mô-tô Harley-Davidson, lao tới và tung vào sau chiếc xe Honda Civic của cô Emma. Trên xe mô-tô còn có cô con gái ông André Roy là cô Jessie, 16 tuổi ngồi ở phía sau. Cô bé này bị văng lên kiếng sau chiếc xe Honda Civic và tiếp tục văng lên trời trước khi rơi xuống bờ tường ngăn cách xa lộ. Ông André Roy chết ngay tại chỗ và cô bé Jessie chết khi được đưa vào nhà thương nhi đồng Montreal. Vậy là để cứu vài mạng vịt, hai mạng người đã giã từ cuộc sống! Cuộc điều tra sau đó cho biết có thể ông André chạy xe quá tốc độ và thắng gấp nên mới xảy ra sự tình. Trước tòa án, cô Emma khai là ông André Roy phải nhìn thấy chiếc xe của cô và có đủ thời gian để ngừng xe lại nên đây chỉ là một tai nạn. Cô nói trước tòa: “Lúc đó không có ai trên đường nên không có nguy cơ là có người húc vào sau xe của tôi nếu tôi ngừng lại. Khi đó tôi không nhìn thấy có người nào trên khúc đường này cả. Tôi biết là hoàn toàn an toàn”. Chánh án Éliane Perreault không đồng ý với bị can: “Đây không phải là một ca dừng xe trên một đoạn đường có hàng cây hai bên với tốc độ xe chạy 30 cây số một giờ và có ít xe cộ lưu thông. Tuy bị can không có ý định gây ra cái chết của André và Jessie Roy, bị can vẫn phải mang trách nhiệm, vì bất cẩn, gây ra cái chết của hai mạng người. Emma Czornobaj biết có nguy hiểm nhưng vẫn tạo ra sự nguy hiểm một cách bất cẩn. Cô đã tạo ra sự nguy hiểm một cách có ý thức, sự nguy hiểm mà cô phải nhìn thấy trước là sẽ đe dọa mạng sống của những người khác… Cô Emma Czornobaj, bằng hành động của cô, đã chứng tỏ sự vô trách nhiệm và bất chấp những hiểm nguy do quyết định của cô mang lại”.
Bản án của tòa: bị can bị phạt 90 ngày tù giam bắt đầu từ ngày 10 tháng 1 năm 2015 nhưng cho phép bị can chỉ vào ngồi tù mỗi cuối tuần. Sau khi mãn hạn tù, bị can phải chịu quản chế 3 năm và làm việc cộng đồng trong 240 tiếng. Cô cũng không được lái xe trong vòng 10 năm và phải nộp ngay bằng lái xe đang có tại tòa. Luật sư của cô, ông Marc Labelle, nói: “Lập trường của chúng tôi cho đây là một tai nạn và cần phải xét lại bản án”.
Tôi không được cô Emma thuê cãi trước tòa nhưng tôi nhất định bênh cô Emma. Nói là cô có hành động ẩu khi đậu xe trên xa lộ là đúng nhưng nếu không có chiếc mô-tô húc vào sau xe cô gây nên cái chết của hai mạng người thì hành động của cô chỉ là một loại…ẩu không nên tái diễn. Vấn đề là tai nạn đã xảy ra. Tại sao tại nạn xảy ra? Trước đó đã có vài chiếc xe tránh qua làn đường khác được. Ngay cả bà vợ của nạn nhân, bà Pauline Volikakis, cũng cưỡi một chiếc xe mô-tô chạy trước ông chồng, và bà đã tránh được. Chỉ có ông André Roy không tránh được. Vì sao? Tôi nghĩ là vì ông chạy xe quá nhanh. Tôi còn nhớ khi học lái xe, phần lý thuyết có một điều rõ ràng là khi chạy xe trên đường, tài xế phải làm chủ được chiếc xe trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông André phải làm chủ được chiếc xe của ông, nghĩa là phải ngừng được xe lại nếu phía trước có vật cản. Giả dụ có một chiếc xe bị chết máy, nằm trên đường, hoặc trên đường bỗng xuất hiện một con nai chẳng hạn, hoặc lưu thông đang ngon trớn bỗng phía trước có tai nạn xe phải chạy chậm và ngừng lại, tài xế lái xe quá nhanh không kiểm soát được tốc độ của xe, đụng vào xe trước thì bị lỗi. Vấn đề là ông André không làm chủ được tốc độ chiếc xe nên húc vào vật cản trước mặt.
Tôi trân mình ra bênh vực cô Emma không phải vì lợi lộc chi nhưng vì tương lai của một thiếu nữ mới ra đời. Khi xảy ra tai nạn, cô đang là một sinh viên xuất sắc năm cuối Đại học, chỉ một năm nữa là ra trường, tương lai rộng mở cho con người hiếu học, vậy mà bỗng dưng quãng đường tưởng là hanh thông trước mặt bị bít kín một cách đột ngột. Tất cả chỉ vì một phút làm ẩu. Cái ẩu có thể giảm khinh được khi hành động vì lòng yêu thú vật. Luật sư Marc Labelle của cô cũng cho đây là một vụ đặc biệt vì cô Emma không có ác ý: “Cô ta chỉ muốn làm điều tốt nhưng sự việc lại tai hại cho ông Roy và con gái ông ta”.
Cứ ngẫm lại coi, trong đời sống, chúng ta có những lúc ẩu. Hầu như ai cũng có những lúc bốc đồng như vậy. Để tham khảo vụ cô Emma, nhiều trường hợp ẩu đã được nhắc tới trước tòa để cho mọi người nhìn lại con người mình. Năm 2006, anh chàng Edward Hakim đua xe cùng một người khác. Hai xe chạy cạnh nhau. Trời tối. Xe anh cán lên cô Patricia Jolicoeur đang dắt chó trên một bồn cỏ của nhà hàng xóm gần nhà cha mẹ cô ở Saint-Lazare, phía tây thành phố Montreal. Cô này bị bất tỉnh và sống đời thực vật. Năm 2011, cô qua đời khi mới 31 tuổi. Hakim bị kết tội lái xe một cách nguy hiểm gây ra thương tích cho người khác. Hơn nữa, anh đã dọt xe chạy trốn luôn. Còn người đua xe vói anh, vì không cán chết người nên không phải ra tòa! Cũng như trường hợp cô Emma, nhưng Edward đua xe, tuy không uống rượu và tai nạn xảy ra chỉ vì một phút bất cẩn. Edward bị tòa xử 18 tháng tù giam nhưng sau đó tòa Phúc Thẩm đã giảm án. Sau cái chết của Patricia, trên các bồn cỏ của khu vực xảy ra tai nạn, dân chúng đã cắm những tấm bảng màu xanh có hàng chữ: “Hãy lái chậm vì Patricia”. Cha của Patricia cho là bản án phải nghiêm khắc hơn. Ông nói: “Khi vị chánh thẩm nhắc nhở là : bị can là một đứa con ngoan, sanh ra trong một gia đình tốt, và còn nhiều điều này kia nữa, bộ con gái tôi cũng không như vậy sao? Tôi sẽ không bao giờ được có những đứa cháu ngoại, con của Patricia, trong suốt cuộc đời còn lại của tôi. Tất cả ước vọng của tôi với con gái tôi đã bị tan hoang. Tôi không nghĩ đó là hợp lý!”.
Trong vụ của cô Emma, khi đề cập đến vụ của anh chàng Edward Hakim, luật sư Marc Labelle của gia đình Czornobaj cho biết là hai vụ có những điểm giống nhau và cũng có những điểm khác nhau. Edward Hakim đã từng có “một cuộc sống ngỗ nghịch” và còn sắp bị xử về tội tàng trữ cần sa. Trong khi đó, cô Emma không có tiền án, không chờ bị xử về tội chi khác, và là một sinh viên giỏi của trường John Molson School of Business. Nói vòng vo như vậy, ông luật sư khôn khéo này chỉ có ý nhắc chánh án là từ bản án khá nhẹ của anh Edward Hakim, bản án của Emma phải muôn phần nhẹ hơn!
Cũng ẩu tả, cũng chết người là trường hợp mà luật sư của cô Emma trình bày cho bồi thẩm đoàn tham khảo. Ngày 28 tháng 4 năm 2012, ông William Jon Orders, người lái diều bay có người ngồi kỳ cựu ở tỉnh bang British Columbia, đã bất cẩn khi cột giây an toàn cho một khách hàng là bà Lenami Godinez-Avila. Đầu giây an toàn không được cột vào diều. Chỉ 90 giây sau khi diều bay lên không trung, bà bị rơi xuống và chết. Trên diều có một máy video tự động gắn liền vào diều. Ông Orders vội lấy cái thẻ ghi trong máy và nuốt luôn vào bụng. Khi cảnh sát điều tra, họ đã thấy ngay việc này và, khi bị tra hỏi, ông Orders thú nhận. Vậy mà tòa chỉ phạt ông Orders tội bất cẩn gây tai nạn với 5 tháng tù giam và 3 năm thử thách. Đưa ra ca này, luật sư Labelle đặt câu hỏi cho bồi thẩm đoàn: “Xã hội này được lợi ích chi khi bỏ tù cô Emma Czornobaj? Cô rất sợ nhà tù. Có thể có một thông điệp cho xã hội nếu cô đua xe, uống hai ly rượu rồi nhậu thêm một ly thứ ba trước khi thử sức và rồi gây ra tai nạn chết người. Trong trường hợp này, có thể có một thông điệp được gửi cho xã hội”.
Một vụ khác. Vụ này có nhiều điểm tương đồng với vụ bắt vịt của cô Emma. Ngày 14 tháng 9 năm 2008, ông Alain St. Louis lái một chiếc xe van trên Xa Lộ 20, đoạn ở Notre-Dame-du-Bon-Conseil. Bỗng nhiên ông ngừng xe ngay trên làn xe bên phải của xa lộ. Một chiếc xe chạy cùng chiều nhìn thấy chiếc xe của ông Alain quá trễ nên tông vào phía sau xe. Bà Claudine Primeau, 32 tuổi, ngồi trên ghế hành khách phía trên xe tử thương. Ông Alain vội lái xe bỏ đi rồi bỏ chiếc xe cách khoảng một cây số hiện trường. Ngày hôm sau ông ra trình diện cảnh sát và khai là ông đã chạy xe chậm lại vì thấy hình như bánh xe của ông cán phải một vật gì. Sau đó ông thay đổi lý do khai là vì xe ông gặp trục trặc về điện nên ngừng lại. Ông cũng khai thêm sở dĩ ông bỏ hiện trường là vì hốt hoảng và bị thương ở đầu. Ông bị phạt 18 tháng tù có điều kiện là thi hành án tại cộng đồng cộng thêm 240 giờ làm việc công ích.
Luật sư Labelle đưa ra vụ này để nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hai vụ tai nạn. Ông Alain 39 tuổi và có kinh nghiệm lái xe được vài năm trong khi cô Emma chỉ 21 tuổi và chỉ mới có bằng lái được ba năm nhưng không lái xe nhiều, chỉ thỉnh thoảng mới mượn được xe để lái.
Sau khi hài ra nhiều trường hợp dừng xe ẩu của các tài xế trên xa lộ, Luật sư Labelle trình bày trước tòa về dư luận của dân chúng về trường hợp của cô Emma. Trên trang mạng www.change.org, một trang rất phổ biến trên internet, người ta đã lập một trang xin tha cho cô Emma. Trang mạng này thường được gửi tới hộp thư của tôi xin chữ ký cho nhiều vấn đề, trọng đại cũng có, nhỏ nhít cũng có. Thường tôi vẫn ký ủng hộ. Trường hợp cô Emma cũng vậy, tôi có nhận được trang mang tiêu đề: “Xin đừng nhốt cô Emma Czornobaj vào tù”. Kèm bên cạnh là hình cô Emma đang ôm một chú chó. Dĩ nhiên là tôi ký. Tôi nghĩ rất giản dị: một sinh viên vừa ra trường, tương lai đang rộng mở trước mặt, nếu dính vào án tù thì ảnh hưởng tới cả cuộc đời còn rất dài trước mặt cô Emma. Hành động của cô Emma là một hành động bốc đồng, không suy nghĩ, xuất phát từ lòng thương loài vật, thấy bày vịt có thể lâm nguy là ngừng xe lại trên đoạn xa lộ vắng vẻ để cứu. Lúc đó chắc chắn cô không ngờ tới chuyện gì sẽ xảy ra. Bắt cô bé ngây thơ này mang một bản án suốt đời có quá đáng không?
Có nhiều người nghĩ như tôi. Bởi vì bản petition xin tha cho cô đã nhận được tới 18 ngàn chữ ký! Nhưng bà Annie-Claude Chassé, công tố viên, đã bác việc đưa bản petition này vào hồ sơ của tòa.
Theo bà thì tòa xử theo những chứng cớ rõ ràng chứ không xét tới những yêu cầu của đám đông. Tòa độc lập không chịu một áp lực nào cả. Bà dẫn chứng bằng một đoạn trong bài diễn văn của ông Antonio Lamer, nguyên Chánh Án tòa Tối Cao Canada vào năm 1994, nói về sự độc lập của thẩm phán: “Tôi tin là xã hội đòi hỏi các thẩm phán phải dấn thân một cách cương quyết trong việc tôn trọng sự trong sáng của luật và có tinh thần độc lập cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đó ngay cả khi bị áp lực. Chúng ta không nên quên là vai trò của thẩm phán là quyết định chứ không phải làm vừa lòng công chúng, là đưa ra phán quyết chứ không phải tuyên truyền mị dân, là trung thành với luật pháp chứ không uốn mình theo những áp lực bên ngoài dù tới từ bất cứ nơi nào”.
Dù có ký vào thỉnh nguyện thư cùng với 18 ngàn người khác, tôi phải công nhận là mình đã làm một việc tào lao. Luật là luật, chẳng thể nào lấy số đông mà ăn hiếp luật được. Nhưng cũng có điều an ủi: bản án của tòa tỏ ra có tình có lý. Mong rằng tương lai của cô gái trẻ không bị tan tành vì một phút làm ẩu dù việc làm ẩu đó xuất phát từ tấm lòng thương yêu loài vật.
Cứ nghĩ lại coi, chúng ta ai chẳng có lần làm ẩu trong đời. Ai chưa bao giờ làm ẩu là người chưa biết sống. Làm ẩu như vị cay của ớt, nó tô điểm cho cuộc đời có nhiều hứng thú hơn. Mấy ông bạn viết lách của tôi chúa là ẩu. Các ông ấy không đi theo con đường nhựa phẳng phiu mà rẽ ngang rẽ dọc mở con đường mới trên những bụi cây bờ cỏ. Đó là những phút bốc đồng của những người coi trời bằng vung.
Đời mà không có những phút bốc đồng, chán chết!
01/2015
|