Ngày 27 tháng 6 năm 2010, bốn năm trước đây, trên Xa Lộ 30, đoạn thuộc Candiac, phía Nam Montreal đã xảy ra một tai nạn khiến hai người thiệt mạng. Tai nạn này không giống những tai nạn khác. Cô Emma Czornobaj, 22 tuổi, ngụ tại Chateauguay, sinh viên Đại Học Concordia, đang lái chiếc xe Honda Civic chạy trên lằn đường phía trái, lằn đường dành cho những xe chạy với tốc độ nhanh, bỗng thấy một gia đình vịt gồm mẹ và một số vịt con lững thững băng qua đường. Xa lộ dành cho những xe chạy nhanh, vịt thì không thể đi nhanh được, nhất là vịt đi theo đàn. Vậy nên chắc chắn bày vịt, vốn không thông thạo luật đi đường, sẽ bỏ mạng giữa xa lộ. Cô Emma thấy vậy không đành lòng nên ngừng xe lại, mở cửa xe bước ra với ý định bắt đàn vịt bỏ vào xe để cứu chúng.
Nếu lái xe trên một con đường làng, chúng ta có thể gặp cảnh này và hầu như mọi người chúng ta sẽ thắng cho xe ngừng lại, mỉm cười thú vị nhìn đàn vịt băng ngang đường. Nhưng trên xa lộ, hành động như vậy là nguy hiểm, thậm nguy hiểm. Tôi nghĩ chắc cô Emma Czornobaj phải là người yêu súc vật lắm lắm mới thiếu suy nghĩ, dừng xe lại và còn bước ra khỏi xe để cứu đàn vịt. Cô hành động theo con tim chứ không theo cái đầu.
Hậu quả của việc làm phúc đức trên là hai mạng người, hai cha con. Người cha là ông André Roy, 52 tuổi, bưu tá viên. Người con là cô Jessie Roy, 16 tuổi. Ông bố lái chiếc mô tô Harley Davidson với cô con ngồi sau. Xe mô tô lao vào chiếc xe Honda Civic đang đậu trên xa lộ, ông chết liền tại chỗ và xác được đưa vào bệnh viện Charles LeMoine, cô con được đưa vào bệnh viện nhi đồng Montreal’s Children Hospital và chết vài giờ sau đó. Bà mẹ của Jessie, Pauline Volikakis, lái một chiếc mô tô khác chạy trước kể lại trước tòa những gì xảy ra trước tai nạn. “Chồng tôi ra hiệu cho cô ta (bằng tay trái) có ý nói ‘Cô làm cái chi vậy?’ và rồi đụng vào chiếc xe. Jessie quay vòng 360 độ trên không và rơi xuống giữa chiếc xe của cô Czornobaj và lằn ranh phân chia hai chiều xe của xa lộ”. Bà cũng cho biết thêm là chồng bà chết ngay tại chỗ nhưng đã cố nhướng mắt lên lần chót trước khi vĩnh viễn nhắm lại. Chính bà là người phải nhận diện hai xác chết tại bệnh viện! Bà cũng cho biết vì bà mới chỉ có bằng lái tạm nên hai vợ chồng không dám chạy nhanh, tốc độ lúc đó là 85 cây số/ giờ.
Đó là lời khai với tư cách chứng nhân của bà Pauline Volikakis. Người chứng thứ hai là bà Martine Tessier. Bà này đi nghỉ cuối tuần và, trên đường trở về nhà, lái chiếc xe loại lớn có kéo theo chiếc nhà cắm trại. Khi bà thấy cô Czornobaj đang cúi người lom khom giúp đàn vịt, bà đã bảo với ba đứa con ngồi trên xe: “Cô kia đang làm gì vậy? Dám bị xe đụng lắm!”. Bà cho biết thêm là lằn ranh ngăn hai chiều xe trên xa lộ khá nhỏ. Mải nhìn cô Czornobaj nên bà hoảng hồn khi thấy trước mặt bà là chiếc xe của cô này đậu trên đường, cửa xe phía tài xế mở, và xe không chớp đèn tín hiệu đậu. Bà khai tiếp: “Tôi không có đủ thời gian để thắng xe lại và cũng không có đủ thời gian để coi xem lằn đường phía bên phải có xe nào chạy tới không trước khi phải vòng xe qua lằn đường bên đó để tránh. Tôi đã tránh được một tai nạn”. Khi bà nhìn lại trên kích chiếu hậu thì thấy “phía sau xe của cô Czornobaj bị nhấc bổng lên, một thân hình bay trên xe như một con búp bê rách. Tôi vội hét bảo con gái tôi kêu 911”. Bà cũng cho biết lúc đó mặt trời xuống thấp khiến các tài xế bị chói, rất khó nhìn.
Cô Emma Czornobaj bị đưa ra tòa ở Montreal ngày 3 tháng 6 năm 2014 về hai tội: bất cẩn gây ra tai nạn chết người và lái xe nguy hiểm gây ra chết người. Khi ra tòa cô đã 25 tuổi và vừa tốt nghiệp Đại Học Concordia.
Chúng ta tạm ngừng nơi đây để tự đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta sẽ hành động ra sao nếu gặp tình huống như cô Czornobaj đã gặp?”. Chà! Coi bộ khó trả lời. Tôi vốn không yêu loài vật bằng yêu người nên có lẽ dễ xử trí hơn. Tôi sẽ chọn làm kẻ sát…vật hơn là chuốc hiểm nguy cho mình và cho những người khác. Nhưng với dân bản xứ, nhất là những cô gái, tình yêu loài vật rất nặng. Họ không những yêu chó mèo mà còn yêu chuột, rắn và kỳ đà cá sấu cùng nhiều thứ loài vật mà chỉ trông đã thấy ớn. Một cô đồng nghiệp người Ý trước đây của tôi có tình yêu lạ đời cho loài khỉ. Cô mê khỉ tới nỗi trên bàn làm việc, trên vách tường phía sau bàn toàn là hình khỉ. Có lần tôi mang cho cô một đoạn phim video chiếu cảnh khỉ mẹ khỉ con âu yếm bắt chấy rận cho nhau mà tôi quay được trong một lần đưa các con tôi đi chơi sở thú, cô hít hà luôn miệng “very cute, very cute” làm tôi thiếu điều muốn ghen với mấy con khỉ. Tôi không dám hỏi tuổi cô nên không biết cô có phải tuổi khỉ không! Với những cô gái yêu thú vật hơn yêu người này, chắc họ khó quyết định hơn. Mà, oái oăm thay, quyết định này phải lấy trong tích tắc. Một cảnh sát viên điều tra vụ án đã cho tòa biết là khi bắt cô Czornobaj diễn lại cảnh này, ông đã bấm giờ và thấy từ khi cô mở cửa xe bước ra tới khi ông André Roy húc vào xe chỉ có 28 giây!
Vì thấy rõ điểm khó khăn mà các thành viên trong bồi thẩm đoàn sẽ gặp phải nên việc chọn lựa 12 người ngồi xét xử này được tiến hành cẩn thận hơn các vụ xử khác. Trước khi quyết định tuyển chọn những người được mời tới tham gia vào bồi thẩm đoàn, bà Chánh Án Éliane Perreault đã phải vặn hỏi các ứng viên xem họ có đã bị tai nạn xe hoặc biết một người nào bị tai nạn xe không. Một ông nhận là đã bị thương trong một tai nạn xe từ hồi còn vị thành niên khi ông để cho một anh bạn lái chiếc xe của ông. Hai người khác cho biết là họ có quen người bị chết vì tai nạn xe. Cả ba người này đều bị loại. Cuối cùng bồi thẩm đoàn được chọn gồm 10 nam và 2 nữ!
Trong ngày đầu của phiên xử, bà Annie-Claude Chassé, một trong hai công tố viên đã nói với 12 người trong bồi thẩm đoàn; “Nếu quý vị thấy cô Emma Czornobaj thân thiện và dễ mến, quý vị phải gạt bỏ tình cảm này ra ngoài. Điều này sẽ giúp quý vị trả lời câu hỏi mà mỗi vị đều phải trả lời vào cuối phiên xử. Một người biết lẽ phải và thận trọng có làm như bị cáo đã làm nếu gặp một trường hợp tương tự không? Một người biết lẽ phải và thận trọng có ngừng xe, bên lằn trái của một xa lộ đông xe cộ lưu thông chỉ để cứu mạng sống của vài con vịt không?”
Bình luận gia Peggy Curran đã viết: “Thật khó khăn để xét xem dựa vào giá trị nào để tống một thiếu nữ không có tiền án vào nhà tù vì một hành động tâm cảm, dù không có chủ đích, nhưng căn bản là sự thiện”. Nếu bị coi là có tội, cô Emma Czornobaj có thể bị phạt tới mức tối đa là tù chung thân!
Cứ thử ví dụ chúng ta ngồi vào chiếc ghế của 12 vị bồi thẩm, sẽ khó nghĩ làm sao! Bị cáo không có ý đổi mạng bày vịt với mạng của hai con người. Mọi chuyện xảy ra không có tính toán. Chỉ biết rõ một điều là bị cáo hành động bất cẩn vì lòng thương loài vật. Không ai có thể chê trách được động cơ thúc đẩy cô Emma Czornobaj hành động. Chính bày vịt đã là định mệnh của cô sinh viên! Một định mệnh phũ phàng. Bồi thẩm đoàn đã kết tội cô về cả hai tội danh. Bản án sẽ được tuyên xử vào ngày 8 tháng 8 tới đây. Chắc chắn là cô sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp, không có tiền án, sẽ ngồi tù. Bao lâu thì chưa biết nhưng án tối đa có thể là tù chung thân! Kết luận của bồi thẩm đoàn vừa được báo chí loan tin, lập tức có nhiều độc giả các báo không đồng ý. Cuộc sống của một sinh viên vừa ra trường với hạng xuất sắc trong một tai nạn không cố ý, bị hủy diệt có công bằng không? Tốc độ của chiếc xe mô tô khi lâm nạn, theo tính toán của biên bản cảnh sát là từ 113 đến 129 cây số/giờ, cần phải xét tới vì nếu chiếc xe bị hư máy phải đậu lại trên đường thì với tốc độ đó, xe mô tô có tránh được không?
Chúng ta đã sống hơn nửa đời người trong một đất nước chiến tranh triền miên, đã nhiều lần nhìn thấy xác chết. Nhiều nơi, nhiều lúc.
Tôi có người yêu chết trận A Sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo.
Tôi có người yêu chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ.
(Trịnh Công Sơn)
Mạng người trước hòn tên mũi đạn rẻ như bèo. Chưa tới nỗi vô cảm nhưng tim của chúng ta đã chai đi nhiều, tâm hồn của chúng ta đã phần nào hóa đá. Những con người ở bên đây, không nếm mùi chiến tranh, chưa thấy những cái chết tình cờ tức tưởi, con tim của họ còn mẫn cảm hơn chúng ta rất nhiều.
Trong truyện ngắn “Dõi Mắt Vời Trông”, tôi đã cho nhân vật “tôi” là một quân nhân binh chủng Nhảy Dù Việt Nam cùng đi với một cựu quân nhân Mỹ đã từng chiến đấu nơi chiến trường Việt, tới bức tường tưởng niệm các chiến sĩ Mỹ chết tại Việt Nam. “Jeff dẫn tôi bước xuống những bậc thang tới bức tường đen tuyền bằng đá bóng loáng. Ánh nắng từ phía bên kia bức tường hắt từng vạt lên những tàng lá phía sau chúng tôi. Khách bộ hành tấp nập đi lại làm nhộn nhạo một nơi đáng ra phải trang nghiêm yên ắng. Jeff tìm từng hàng chữ màu kim nhũ đứng xếp hàng thẳng băng giăng kín khắp bức tường dài. Anh quay sang hỏi tôi. “Ông đoán thử coi có bao nhiêu tên trên bức tường vĩnh biệt này?”. Tôi quét mắt nhìn dọc bức tường dài từng đoạn thấp cao, nói đại. “Chắc phải cả chục ngàn.” Jeff giương đôi mắt lớn như muốn lách ra khỏi trũng mắt. “Khoảng sáu chục ngàn đấy ông ạ. Chắc ông không quen đếm xác người!”. Mặt tôi thoáng đỏ. Câu nói như một lời chế giễu. Mỗi cái tên là một xác người đã gục xuống nơi quê hương tôi”.
Chúng ta gần gũi với xác chết hơn là người Mỹ. Vậy nên mạng sống là điều mà người Mỹ thấy quan trọng hơn cảm nhận của chúng ta. Nước Mỹ đang ầm ỹ về chuyện mạng sống. Chỉ một mạng! Mạng của một người lính Mỹ, Trung Sĩ Bowe Bergdahl. Trung Sĩ Bergdahl, năm nay 28 tuổi, đã bị phe Taliban bắt giữ 5 năm trước. Và anh là tù binh có quốc tịch Mỹ duy nhất trong suốt cuộc chiến ở Afghanistan. Ngày 30 tháng 6 năm 2009, Bergdahl rời doanh trại ở tỉnh Paktika bên Afghanistan với “nước, một con dao, chiếc máy hình và cuốn nhật ký”, theo lời kể của đồng đội Michael Hastings vào năm 2012. Nguyên do anh chàng này ra đi vì bị shock với cái chết của một chiến hữu xảy ra vào năm ngày trước. Lúc đó, cấp chỉ huy của anh không biết là anh “đào ngũ, bị bắt hay chỉ là một tai nạn”. Nhưng kể từ ngày đó cho tới ngày 31 tháng 5 năm 2014, Mỹ luôn luôn theo dõi anh và không ngừng cố gắng mang anh về với gia đình. Đứng giữa cha mẹ anh Bergdahl tại Vườn Hồng trong tòa Bạch Ốc trước ngày anh Trung Sĩ này về tới Mỹ sau cuộc trao đổi tù binh với phe nổi loạn Taliban, Tổng Thống Obama nói: “Anh không bị cộng đồng ở Idaho hay quân đội lãng quên, mà họ luôn hỗ trợ tinh thần cho gia đình anh. Và tổ quốc cũng không bao giờ quên anh, vì Hoa Kỳ không bao giờ bỏ rơi những binh sĩ của họ”.
Anh đang bị bệnh và chính phủ không thể chần chừ trong việc cứu thoát anh. Và họ đã trao đổi anh với 5 tù binh Taliban đang bị giam giữ tại nhà tù nổi tiếng Guantanamo. Năm tù binh Taliban được trao đổi đều là những tên khủng bố thứ dữ. Một đổi năm, cuộc trao đổi tù binh này thấy rõ là không cân bằng. Mạng sống của con người hình như có cái giá không rõ ràng. Người ta không đếm bằng số. Không ai có thể chấp nhận được là mạng anh Trung Sĩ Bergdahl đáng giá gấp năm lần mạng của một tên khủng bố Taliban. Mạng sống không có giá cụ thể. Mỗi nhân mạng có giá trị riêng của nó. Mạng của anh Bergdahl đang…lên giá vì Hoa Kỳ đang sửa soạn rút quân ở Afghanistan nên không thể không cứu mạng anh quân nhân duy nhất bị cầm tù ở nơi họ sắp khăn gói rời xa. Bỏ mặc anh là chấp nhận cho lương tâm của nước Mỹ bị dằn vặt. Bây giờ và trong chiến sử của quân đội Mỹ sau này. Có lẽ vì vậy nên ông Obama mới phải nhận cái giá trao đổi bất bình đẳng.
Nhưng Hoa Kỳ đang ở vào thời kỳ tranh cử, đảng Cộng Hòa dại chi mà không ra đòn. Họ chê trách đảng dân Chủ đang cầm quyền về sự…thiệt thòi này. Thượng Nghị Sĩ John McCain, người cựu tù Hỏa Lò tại Hà Nội, đã mô tả năm tên khủng bố Taliban được trao đổi là “năm tên sát nhân nặng tội nhất trong lịch sử thế giới”. Ông Obama đã chơi một ván bài nhiều may rủi. Nhưng ông cương quyết vì sinh mạng của những người đã xả thân cho tổ quốc.
Rắc rối thêm khi có đồng đội của viên Trung Sĩ Bergdhal cho biết anh này đã tự ý bỏ doanh trại ra đi nên phải được coi như một tên đào ngũ. Bao nhiêu cuộc tìm kiếm hao tốn đã được tổ chức để đi tìm anh, thậm chí có nhiều người chết trong những cuộc hành quân tìm kiếm này. Nhưng nguồn tin có người chết vì đi tìm anh này không được xác nhận. Trước những lùm sùm về việc anh Bergdahl là một tù binh hay một kẻ đào ngũ, ông Obama đang ở Âu Châu để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày D-Day, ngày Quân Đội Đồng Minh đổ bộ lên Normandie để tiêu diệt Đức Quốc Xã , kết thúc cuộc thế Chiến Thứ Hai, đã cương quyết là cho dù thế nào đi chăng nữa, Trung Sĩ Bergdahl vẫn là quân nhân Hoa Kỳ và ông phải cứu mạng một chiến binh đã chiến đấu cho tổ quốc.
Mạng vịt, mạng người, thấy người ta quý mạng sống của người và loài vật bao nhiêu lại càng buồn cho mạng người Việt chúng ta tại quốc nội bấy nhiêu. Đọc tin loại “xe cán chó, chó cán xe” ở Việt Nam hiện nay, tôi cứ thẫn thờ suy nghĩ. Sao con người lại có thể tàn ác với nhau như vậy? Đụng xe, va quệt chút đỉnh cũng có thể gây ra những cuộc đánh lộn có khi dẫn tới mạng vong. Chỉ vì chút tiền nhỏ nhoi, cha mẹ con cái, hàng xóm láng giềng có thể thản nhiên cho người khác đi tàu suốt. Có lẽ sống trong một xã hội lấy dối trá, bạo lực làm kim chỉ nam, con người dễ tha hóa. Lực lượng được cho là để bảo vệ dân như cảnh sát, công an, lại là thứ dễ cho dân máu me đầy mình. Chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà có khi mất mạng vì công an. Người dân bị đưa về đồn bóp công an là một tình huống nguy hiểm còn hơn là người lính nơi chiến trường. Họ không có quyền tự vệ trước đòn thù tra tấn của…bạn dân. Nhiều người khi vào là người, khi ra là xác chết với những lời giải thích đến con nít cũng phải phì cười như điện giật, té, treo cổ tự tử. Những tên sát nhân có môn bài này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp. Làm gì có luật pháp cho người dân, chỉ có luật rừng dành cho những người thi hành luật.
Tôi đã được coi những clip quay cảnh đàn áp các cuộc biểu tình của những người dân yêu nước, những tụ tập kêu oan của đám dân bị các quan tham cướp đất đai. Công an và côn đồ được thuê mướn đánh người như đánh đòn thù. Họ cố ý cách cái mạng của dân.
Thì đảng cộng sản vẫn bai bải cho là họ làm cách…mạng mà!
07/2014
|