Ông Tú Xương là một người khôn lỏi. Ông nghe lóm người ta chúc nhau trong ngày tết để lợi dụng thời cơ buôn bán. Người ta chúc nhau sống lâu, ông dọa đi buôn cối giã trầu. Người ta chúc nhau thăng quan tiến chức, ông dọa đi buôn lọng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu
……………………
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì buôn tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Hồi học lớp Đệ Nhị tại trường Chu Văn An, tôi được học thơ của ông Tú Xương và rất khoái lối thơ…bá ngọ đời này. Khoái đến nỗi khi chúng tôi làm báo, tôi cũng thơ thẩn kiểu ông Tú, và làm như là hậu duệ có môn bài của nhà thơ sinh sống vào thế kỷ thứ 19 này, tôi lấy bút hiệu là Tú Sứt! Những bài thơ thời học sinh này, nay tôi quên béng hết. Thiệt đáng tiếc! May mà một ông bạn cùng lớp ngày đó là ông Phạm văn Quảng còn nhớ được một bài. Ông từ Toronto phôn lên đọc bài thơ bốn câu cho tôi nghe. Mừng muốn khóc! Bài này có tên là “Đi Chợ Tết”.
Tí vàng tí đỏ lại tí xanh
Tí hồng tí trắng chạy lanh chanh
Thiên hạ đua nhua đi chợ tết
Có đếch gì đâu chỉ lấn quanh!
Nghe ra cũng có giọng của cụ Tú. Chẳng những giữ được giọng, ngày nay tôi còn giữ được cái kiểu khôn. Vậy nên, nếu ngày nay tôi qua làm ăn buôn bán tại các xứ theo Hồi Giáo, chắc tôi sẽ đi buôn…roi.
Roi là một dụng cụ dùng để giữ gìn an ninh trật tự rất cần thiết. Cứ hơi một chút là người ta đét đít. Chuyện roi là chuyện quen thuộc của chúng ta hồi nhỏ. Ai trong chúng ta ngày xưa chưa được nếm mùi roi thì không phải là thứ con…yêu! Yêu cho roi cho vọt / Ghét cho ngọt cho bùi. Vui một điều là roi dùng ở các xứ sở mà đàn bà con gái mỗi khi ra đường phải quấn kín mít từ đầu tới chân, không phải là đặc sản dành cho con nít mà là cho chính các phụ nữ kín mít này. Roi đã được lên cấp, không phải giao du với những chiếc mông tanh tưởi của con nít mà leo lên những cái mông mịn màng hơn nhiều. Mừng cho chiếc roi. Nhưng vải vóc kín mít như bức tường Bá Linh dày dặn có thể là một trở ngại lớn cho việc thăm thú của chiếc roi nếu các bà này cũng khôn lỏi như chúng tôi hồi nhỏ.
Hệ thống chống roi của chúng tôi ngày nhỏ rất tùy tiện. Tiện đâu vớ đó. Bởi vì chịu đòn là một chuyện không thể tiên đoán trước. Cứ hứng lên là cha mẹ thày cô ra tay. Vậy nên cứ nhanh tay nhanh mắt làm chuẩn. Trong lớp học là cuốn tập vở trong tầm tay hoặc những thứ mà bạn bè nhiều lòng thương vội thảy cho. Tại nhà thì chiếc quạt hay bất cứ thứ gì vừa mỏng vừa cứng để không bị lộ. Nhưng tiếng roi phát ra là một tên phản bội đáng ghét. Chiếc roi đập vào mông có tiếng khác chiếc roi đập vào một vật cứng khác. Khác một cách lộ liễu. Vậy là công cuộc phòng thủ không những thành công cốc mà còn bị tăng số roi vì thêm tội gian manh trí trá. Các bà bị phạt roi kín từ đầu tới chân chắc nhiều lợi thế hơn chúng tôi ngày xưa khi vẫn còn chịu ách thống trị của người lớn. Kín mít như vậy biết đâu mà mò. Nếu các bà ăn gian được thì mừng cho các bà. Đồng hội đồng thuyền thường có những cảm thông. Đồng…roi còn thông cảm nhau hơn nữa. Nhất là những cái mông chịu nạn không giống những cái mông của chúng tôi hồi nhỏ. Toàn thứ xịn!
Chuyện mới đây nhất. Tháng 4 năm 2014, nữ tài tử nổi tiếng quốc tế người Iran, Leila Hatami, bị đối mặt với án tù và hình phạt đét đít. Bà năm nay 41 tuổi, từng theo học Đại học tại Thụy Sĩ và Pháp, có chồng và hai con. Bố của bà là một đạo diễn điện ảnh nên từ nhỏ bà đã tham gia trong các phim của thân phụ bà. Tuy nhiên đó chỉ là những vai phụ, chắc đóng chơi cho vui, kiểu cây nhà lá vườn. Năm 1996, khi bà 24 tuổi, vừa học xong và về nước, bà đã được chọn đóng vai chính trong phim Leila. Lập tức tên bà nổi như cồn. Dân Iran rất tự hào về nữ diễn viên trẻ đẹp này. Bà nhận được nhiều giải thưởng. Chính khi đóng phim này, bà gặp nam tài tử Ali Mosaffa. Ba năm sau, họ kết hôn. Tuy rất nổi tiếng nhưng bà chỉ được biết trong phạm vi Iran. Mãi tới năm 2012, khi bà đóng vai chính trong phim A Separation, bộ phim đã đoạt giải Oscar về phim ngoại quốc hay nhất, giới điện ảnh quốc tế mới biết tới bà. Tháng 4 năm 2014, bà Leila được mời vào ban giám khảo trong Đại Hội Phim Ảnh Cannes. Khỏi cần nói, chắc ai trong chúng ta cũng đã nghe tới cái đại hội xi-nê nổi tiếng này. Dễ dầu gì mà được ngồi vào một trong những chiếc ghế…vàng của ban giám khảo. Chính trong vinh quang bà đã gặp nạn. Cái nạn lảng xẹc! Trong buổi gặp gỡ với Giám Đốc Đại Hội Gilles Jacob, theo phong tục Pháp, bà đã hôn trên má ông này. Vậy là từ quan đến dân bên Iran phẫn nộ. Họ lên án đòi phạt roi và giam giữ bà theo luật Hồi Giáo.
Nghe mà thấy giận tràn hông! Luật chi mà…ti tiện! Chẳng là tôi đã được coi hình nữ diễn viên Leila Hatami này. Người như vậy mà bị đè ra quất cho vài chục roi thật phí của. Bởi vậy nên tôi tức khí tìm hiểu xem luật này ra sao mà máu nhuộm bãi Thượng Hải như vậy.
Nguồn gốc luật này từ trong cuốn thánh kinh của Hồi Giáo là kinh Coran. Bộ kinh này gồm 6237 câu thơ chia thành 30 quyển, 114 chương. Các chương dài ngắn khác nhau, chương dài nhất có 286 tiết, chương ngắn nhất chỉ có 3 tiết. Trình tự các chương không được phân loại theo nội dung mà cũng không theo thứ tự thời gian. Các chương được ban hành ở Mecca được gọi là chương Mecca chiếm khoảng ba phần tư bộ kinh. Các chương được ban hành ở Madina được gọi là chương Madina chiếm khoảng một phần tư còn lại. Trong số trên sáu ngàn câu thơ chỉ có khoảng 200 câu có liên quan đến pháp luật, trong đó đề cập đến các nguyên tắc pháp luật; các quy định điều chỉnh các quan hệ dân sự và hôn nhân gia đình; các quan hệ hình sự; các quan hệ tố tụng; các quan hệ thương mại, tài chánh và quan hệ quốc tế. Ngoài bộ kinh Coran còn có bộ Sunna đề cập tới các phong tục tập quán truyền thống. Hai bộ này là nguồn luật chính của luật Hồi Giáo.
Có ba loại tội phạm theo mức độ nặng nhẹ. Loại 1 có tên là Hudud là loại tội chống lại Chúa, bao gồm 7 tội: ngoại tình, vu cáo, uống rượu, trộm cắp, cướp đường, phản đạo và vi phạm kinh thánh. Ba tội đầu là ngoại tình, vu cáo và uống rượu sẽ bị hình phạt roi. Hai tội tiếp theo là trộm và cướp bị phạt đóng đinh hoặc cắt tay chân. Hai tội chót là phản đạo và vi phạm kinh thánh sẽ bị hình phạt chặt đầu!
Loại 2 có tên là Quesas gồm các tội giết người do cố ý hay vô tình, gây thương tích và cưỡng dâm. Hình phạt là tử hình hoặc chuộc bằng tiền và tài sản.
Loại 3 có tên là Taazir gồm các tội ăn thịt heo, man khai, hối lộ, làm gián điệp, nói năng tục tĩu, ăn mặc khiêu dâm, vi phạm luật giao thông. Loại tội này nhẹ hơn hai loại trên và thường chỉ bị phạt tù và tiền.
Vậy thì cái tội ôm hôn xã giao của nữ tài tử Leila Hatami thuộc vào category nào? Tôi phân vân. Chẳng lẽ chỉ hôn lên má một người nam giữa thanh thiên bạch nhật mà bị coi là…ngoại tình! Rắc rối tơ vò thiệt!
Tội của cô Tala Raassi, cũng người Iran, có vẻ rõ ràng hơn. Trong một tiệc sinh nhật của một cô bạn, nhóm bạn gái muốn thoát khỏi những cấm cản ngột ngạt nên rủ nhau ăn mặc theo ý thích. Bữa đó Tala chơi một chiếc váy ngắn. Buổi tiệc tưởng là kín đáo ai ngờ bị cảnh sát tôn giáo phát giác. Tất cả bị bắt giữ và chịu hình phạt. Tala bị phạt 40 roi. Bài báo trên tạp chí Marie Claire thuật lại theo lời kể của Tala: “Tala đứng xếp hàng trong một hành lang dài và tối, tay bị khóa lại. Tất cả nhóm bạn run lẩy bẩy khi họ đứng đó và nghe tiếng kêu thét thất thanh kinh hoàng của hai người bạn khác đang phải chịu hình phạt bằng roi da. Họ đứng đó và chờ đợi tới lượt mình vào nhận hình phạt. Hai người bạn vừa chịu hình phạt bước ra, Tala nhìn thấy họ nước mắt đầm đìa, trang phục thấm đầy máu. Cô cảm thấy nghẹt thở khi nghe người ta gọi đến tên mình. Trong phòng phạt roi là hai người phụ nữ trung tuổi, mặt lạnh tanh, mặc váy dài màu đen truyền thống, họ tháo còng tay và để cô gái nằm úp mặt xuống giường. Họ dùng chiếc roi da dài, nhúng vào nước cho mềm để những cái vụt thêm đau. Tala quay lại và thấy người phụ nữ vung roi lên thật cao rồi quất vào người cô. Tala nhắm nghiền mắt lại vì kinh hãi. 40 roi khiến cô vừa đau vừa sốc. Khi đó, cô đang mặc một chiếc áo khoác. Tala nói rằng nếu phải nhận hình phạt đó, bạn sẽ ước gì mình đang không mặc áo bởi vết thương ứa máu sẽ càng đau hơn khi vải áo dính máu dán chặt vào da thịt. Điều khủng khiếp nhất là cha mẹ Tala khi đó đang ngồi ở phòng bên cạnh, buộc phải ngồi im nghe tiếng roi da vụt con mình. Sau khi nhận đủ 40 roi, cô được trả về cho gia đình”.
Tòa án tôn giáo đã kết án nhóm của cô Tala ba tội: ăn mặc không phù hợp, tiệc tùng với người khác giới và nghe nhạc phương Tây. Khi đó Tala Raassi mới vừa 16 tuổi. Bốn chục roi này đã ảnh hưởng nặng nề tới cuộc đời cô. “Tala nhận 40 roi trong khoảng 10 phút, 10 phút đó đã thay đổi đời cô. Đường trở về nhà như dài vô tận. Người nhà đến đón cô chỉ im lặng, không ai nói gì với nhau. Về tới nhà, Tala vào phòng tắm và ở trong đó 6-7 tiếng, chỉ để xối nước ấm lên những vết thương. Sau khi tốt nghiệp trung học, cha mẹ Tala quyết định tốt nhất nên để Tala rời Iran vì sau sự việc đáng tiếc, cô trở nên khép mình, không giao du với bên ngoài và chỉ còn biết đến trường rồi về nhà. Tala liền sang Mỹ sống với họ hàng. Tại đây, cô được thấy những phụ nữ hoàn toàn tự do, họ mặc thứ gì mình thích và làm những gì họ muốn. Ngay lập tức, Tala biết rằng mình muốn trở thành nhà vẽ kiểu mẫu thời trang bởi đối với cô - một cô gái Iran - thời trang còn là sự tự do giải phóng bản thân”.
Tại Mỹ, cô xin vào làm việc tại một cửa tiệm bán quần áo thời trang. Tiến lên thêm một bước, cô mở cửa tiệm riêng chuyên bán quần áo do chính cô vẽ kiểu. Cô đặt tên cho mẫu quần áo của cô là Dar Be Dar, tiếng Iran có nghĩa là “Cánh Cửa Mở Ra Cánh Cửa”. Cô trở thành một trong những nhà vẽ kiểu quần áo nổi tiếng nhất nước Mỹ. Năm 2012, tuần báo Newsweek đã vinh danh cô là một trong những phụ nữ can đảm nhất thế giới “One of The Most Fearless Woman in World”.
Tôi nêu ra hai trường hợp roi vọt tại Iran không có nghĩa là luật sharia chỉ có ở Iran. Bên Á châu chúng ta, Indonesia là một nước có đông dân chúng theo đạo Hồi nhất. Nhưng chỉ có ở khu tự trị Aceh, luật Hồi giáo mới được áp dụng triệt để. Vùng Aceh là vùng Hồi giáo du nhập vào từ thế kỷ thứ 13 và là vùng đầu tiên của Đông Nam Á theo đạo Hồi. Nhưng trải qua nhiều trăm năm, đạo Hồi không phải là quốc giáo tại đây. Cho tới đầu thế kỷ 21 này, chính xác là vào năm 2003, Hồi giáo mới lại thống trị trong các lãnh vực đạo đức và phong tục. Tại sao Indonesia lại cho mọc lên một hòn đảo tách biệt với cả nước như vậy? Theo nhà nghiên cứu Sydney Jones thì đây là một cuộc trao đổi. Chính quyền trung ương Indonesia để phần đất gồm 4 triệu dân này áp dụng luật sharia chỉ vì họ muốn mua chuộc phe nổi dậy chống lại quân đội Indonesia từ 25 năm qua để đòi ly khai.
Các tòa án tôn giáo được thiết lập. Roi vọt được dùng trong các trường hợp sau, có…giá đàng hoàng: uống rượu (40 roi), cờ bạc (12 roi), nam nữ gần gũi (6 roi), ăn mặc không thích hợp (từ 5 đến 6 roi). Lực lượng cảnh sát tôn giáo có khoảng một ngàn người. Chánh án là ông Armia Ibrahim. Trong một cuộc phỏng vấn của nhật báo Pháp Le Figaro, ông bênh vực roi. Theo ông thì các tổ chức nhân quyền phàn nàn về nạn đét đít là không đúng. Hình phạt chỉ diễn ra trong vòng mười phút, không có giam giữ, không mất tự do. Như vậy hình phạt này là nhân đạo! Cho tới nay, sau trên chục năm thi hành luật Hồi giáo, nhiều người đã thất vọng. Ngay cả “cha đẻ của luật sharia tại Aceh” là nhà luật học al-Yasa Abubakar cũng không dấu được vẻ thất vọng này. Ông này cho biết là, với luật Hồi giáo, ông hy vọng xây dựng được ở Aceh một trật tự đạo đức, gắn liền với sự kiêu hãnh coi xã hội Aceh như một nơi thể hiện được những phẩm chất tuyệt vời của đạo Hồi. Nhưng theo ông nhận thấy thì cho tới nay, ông vẫn chưa thấy mô hình lý tưởng này được thực hiện mà chỉ thấy đạo Hồi bị lạm dụng. Các hào trưởng tại các địa phương đã sử dụng luật sharia cho mục tiêu chính trị với hàng trăm thánh đường được dựng lên và luật sharia được dán như những tờ quảng cáo trên khắp các góc phố!
Dù cha đẻ của việc áp dụng luật sharia ở tỉnh tự trị Aceh, nằm trên bán đảo Sumatra, thuộc Indonesia, có nói chi chăng nữa thì quốc vương xứ Brunei cũng bỏ ngoài tai. Ông vua của xứ dầu lửa giầu có này vừa quyết định áp dụng luật sharia bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 năm 2014. Trong diễn văn ban hành luật, Quốc Vương Hassanal Bolkiah, 67 tuổi, tuyên bố: “Tôi đặt niềm tin vào Thượng Đế toàn năng và xin tạ ơn Ngài để thông báo từ ngày mai, thứ năm 01/05/2014, sẽ tiến hành giai đoạn đầu tiên của việc áp dụng luật sharia. Một số người cho rằng luật của Allah quá nghiêm khắc và bất công, nhưng chính Allah đã nói rằng luật của Ngài là công bằng”.
Dân số xứ Brunei vỏn vẹn chỉ có 415.717 người, trong đó có 77% theo đạo Hồi, 13% theo Phật giáo và 10% theo Thiên Chúa giáo. Luật sharia mới ban hành chỉ áp dụng cho những người theo đạo Hồi. Đại khái thì bộ luật mới cũng phạt chặt tay chân tội trộm cắp, đánh bằng roi tội uống rượu hay phá thai, ném đá cho đến chết các tội khác. Nghe ra những roi cùng roi!
Tôi bỗng thấy mình phải phản tỉnh. Chuyện máu me không vui chi. Vậy nên tuy đã có thời tự nhận là Tú Sứt, hậu sinh của Tú Xương, nhưng cũng đành để tiền nhân muốn buôn cối hay buôn lọng tùy hỉ. Tôi nhất định không buôn roi chi hết. Sức mấy mà tôi tiếp…roi cho mấy anh râu ria rậm rạp hành hạ bàn tọa của những giai nhân cỡ như các nàng Leila Hatami và Tala Raassi. Cũng nên thương hoa tiếc ngọc. Tính tôi như vậy!
07/2014
|