Nhóm bạn già của tôi, hưu hiếc đã an vị, ăn xong chỉ tính chuyện chơi. Kể ra cũng chẳng có gì quá đáng. Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ, khi về già, cũng chỉ tính như vậy. Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy / Nếu không chơi thiệt ấy ai bù! Chúng tôi không “hư” như bậc tiền bối. Cũng chơi nhưng chỉ là đi chơi. Cuộc hành…cẳng bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không đi thiệt ấy ai bù! Cụ Nguyễn chơi thì hao người, chúng tôi chơi chỉ hao cẳng. Chân cẳng là thứ sẽ không phục vụ chúng ta suốt đời. Tới một lúc nào đó chúng đình công. Vậy thì đi mau kẻo chiều hôm tối rồi.
Bàn bạc với nhau chán chê mới nảy ra một cuộc…đổi mới.Đi biển đã nhiều nay tại sao không đi núi? Ừ nhỉ! Cứ chơi riết với anh Thủy Tinh chắc anh Sơn Tinh cũng buồn lòng. Vậy thì có “thủy” có “sơn” cho vui vẻ cả làng. Chúng tôi chọn cây nhà lá vườn, đúng ra là núi nhà, rừng nhà. Canada có rặng Rockies Mountain đẹp nổi tiếng thế giới, đi đâu xa cho hại cẳng. Vậy là mỏi gối chồn chân cũng phải trèo.
Nói “trèo” nghe có vẻ vất vả chứ ngày nay xe cộ ê hề, trèo chi cho hại cẳng! Chúng tôi tham lam, nếm đủ thứ: xe lửa từ Montreal tới Edmonton, xe hơi dọc theo núi tới Vancouver, về lại Montreal bằng máy bay. Máy bay bay nhanh, tiện, đỡ mệt nhưng đi xe lửa lại có cái thú khác. Cái thú nhẩn nha. Từ Montreal tới Edmonton, máy bay chỉ tốn có vài tiếng đồng hồ, xe lửa chơi tới ba ngày ba đêm! Chi dữ dzậy? Đó là vì Canada chưa có xe lửa siêu tốc như bên Nhật hay bên Âu châu. Vẫn cứ ì ạch trên hai đường rầy được các phu phen mộ từ bên Tầu qua đổ mồ hôi dựng từ thuở…hồng hoang. Đường rầy này nay thuộc quyền sở hữu của hãng tàu hỏa chuyên chở hàng hóa CN. Đường rầy chỉ có một đường duy nhất cho tàu xuôi ngược hai chiều chứ không có hai đường song song phân biệt đường đi lối về. Thỉnh thoảng có những chỗ tránh có hai đường rầy song song. Hãng Via Rail chở hành khách phải mượn đường rầy này. Thân đi mượn nên phải nhường nhịn. Khi nào có tàu CN chạy ngược chiều là Via Rail cun cút đậu nơi chỗ tránh để nhường đường cho tàu CN. Vậy nên cứ đi được một quãng là Via Rail chở hành kháchlại dừng lại nghỉ ngơi! Khổ một nỗi là tàu chở hàng CN chạy nườm nượp, chuyến nào chuyến nấy dài dằng dặc. Ngồi trên tầu chờ, rảnh rỗi, tôi đã thử đếm xem tàu chở hàng có bao nhiêu toa. Không có chuyến nào dưới một trăm toa! Có những chuyến có tới trên hai trăm toa. Đợi mệt nghỉ. Bò tới ba ngày ba đêm chẳng phải là chuyện lạ. Tầu bò như vậy rất đúng ý những chàng và nàng “hưu” như chúng tôi. Cứ tưởng tượng nếu tàu chạy vùn vụt vài trăm cây số một giờ như bên tây bên Nhật, thú chi nữa!
Được cái trên tàu có đầy đủ tiện nghi. Ghế ngồi rộng rãi và thoải mái hơn ghế trên máy bay, tha hồ ngả ra nằm mà không phiền người phía sau. Nước nóng lúc nào cũng có miễn phí. Toa hàng ăn tương đối rẻ, 15 đô cho bữa ăn tối gồm khai vị, món chính và tráng miệng. Toa hàng “tạp hóa” bán đủ thứ cần thiết: cà phê, chocolate nóng, trà nóng 3 đô một ly; mì gói 3 đô một tô; bánh mì kẹp 5 đô một ổ; đồ ăn vặt thì tùy thứ đắt rẻ khác nhau. Mấy ông bạn tôi khoái nhất là cái vòm kính trên toa tạp hóa này. Vòm toàn bằng kính trong suốt, nhô lên khỏi toa tầu, có ghế nệm ngồi êm ái. Ngồi uống cà phê nóng, ngắm cảnh quên thời giờ. Cảnh từ Montreal tới Edmonton không phải là cảnh núi. Cũng hay. Cảnh đồng bằng của vùng Prairie nằm nơi khúc giữa Canada như là một món khai vị cho đoạn đường núi sau đó. Những cánh đồng thẳng tắp, cò bay mỏi cánh, chỗ xanh rì, chỗ vàng như một tấm thảm khổng lồ của ruộng canola mà chúng ta chỉ biết khi những tán hoa màu vàng này đã thành dầu nấu ăn! Có những đàn bò thảnh thơi nhá cỏ. Đàn thì vàng chóe, đàn thì loang lổ đen trắng, đàn đen tuyền, đàn vàng pha trắng. Những cỗ máy của nhà nông, cỗ lớn cỗ nhỏ, dị dạng khiến những con mắt chỉ thấy xe hơi phải ngỡ ngàng thích thú. Cảnh những cỗ máy quấn cỏ khô thành từng khối tròn dành làm thức ăn cho bò vào mùa đông cũng lạ lẫm với dân tỉnh thành. Chúng tôi hầu như vui thú với cảnh quê mà qua thời gian. Thực ra thì thời gian bị chúng tôi giết nhanh hơn bằng môi bằng miệng đấu láo ngày đêm.
Lịch kịch cũng tới Edmonton. Thành phố này có một công trình nổi tiếng thế giới là West Edmonton Mall. Tôi đã nghe danh cái mall này từ lâu vì có cả một khu tắm biển bên trong. Trong trí tưởng của tôi cái mall này chắc lớn lao lắm. Nhưng khi tới nơi, thấy tòa nhà không lớn lắm lại thấp lè tè. Vào trong mới thấy mall chỉ có hai tầng. Các cửa hàng không khác các mall khác. Điều đặc biệt là người ta đã nhét được vào tòa nhà cả một sân trượt băng lớn bằng sân chơi hockey, một hồ nước có con tàu lềnh bềnh trên mặt nước như thật với cảnh các tên hải tặc đang rời những chiếc thuyền nhỏ để leo lên tàu, một sân khấu nhỏ cho hải cẩu làm xiệc. Khu biển khá lớn với bãi cát , những chiếc ghế ngả có dù chúng ta thường thấy trên các bãi tắm. Bãi tắm khá lớn, người trong các bộ áo tắm lội xuống tắm khá đông. Những đợt sóng xô nhau tràn lên bãi cát làm cho người ta có cảm tưởng như đang tắm biển thật. Ông bạn tôi nói trong tiếng sóng. Bảo là đi núi hóa ra lại thấy biển…giả!
Thôi thì đi núi! Thuê xe từ Edmonton, bảy người chúng tôi trực chỉ Jasper. Đoạn đường 362 cây số này là khúc dạo đầu của con đường được chọn là con đường đẹp nhất thế giới. Đoạn đường đẹp tới nín thở chạy từ Jasper tới Hồ Louise dài trên ba trăm cây số đã từng lúc treo hồn tôi. Có những đoạn núi lẩn vào mây như tranh vẽ. Có những đoạn núi sừng sững như muốn bao che chiếc xe đang chạy từ từ trước cảnh đẹp mê hồn. Hầu như không có xe nào chạy nhanh. Thiên nhiên như níu vòng quay của bánh xe. Những cây thông vươn cao không biết tới bao nhiêu chục thước như những con hươu cao cổ đang cố ngóc đầu lên bên đường. Đường nằm tít trên cao, thông mọc từ dưới chân núi. Nhìn xuống, thông như từ ngục tù tăm tối vươn lên. Những dòng suối nho nhỏ chảy như vẽ từ trên đỉnh núi xuống. Nhưng nơi đâu là đỉnh núi, con mắt tôi không nhìn thấy. Núi dăng dăng dắt tay nhau chạy dài suốt cả vài trăm cây số. Mỗi cảnh là mỗi bức họa của thiên nhiên. Núi cả đấy nhưng không có núi nào giống núi nào. Núi nằm dài tiếp nối nhau. Khi xanh sậm, lúc xanh nhạt, lúc nâu nâu, lúc phớt hồng…Tạo hóa như một họa sĩ đầy sáng tạo. Mỗi vòng quay của bánh xe lại đưa con người tới một cảnh giới khác. Có nhiều đoạn xe phải ngừng lại, nép sát lề đường để no nê con mắt. Chưa bao giờ tôi được ngắm thiên nhiên phóng khoáng phô trương hết vẻ đẹp như vậy.
Banff là một công viên lớn nằm trên con đường số một thế giới này. Nằm trong công viên là một thị trấn nhỏ, cổ kính, với những căn nhà có kiến trúc riêng của vùng này. Thực ra thị trấn này chỉ có một con đường lớn mang tên đường Banff, với những nhánh đường nho nhỏ nằm ngang tiếp nối vào đường chính. Đường Banff gồm những nhà trọ, khách sạn, tiệm ăn và tiệm bán đồ kỷ niệm. Nhỏ nhưng Banff là thứ bé hột tiêu. Đi du lịch vùng này du khách thường nói là đi Banff. Thoạt đầu tôi cũng tưởng Banff là tên cả vùng núi đồi thơ mộng này. Kể cũng lạ. Chắc đây là thị trấn được thành lập sớm nhất chăng. Thập niên 1880, đường xe lửa của hãng Canadian Pacific Railway được lắp đặt tại vùng này. Ngay từ năm 1884, Chủ Tịch của hãng, ông George Stephen, đã đặt tên vùng này theo tên nơi sinh quán của ông, Banff, ở bên Tô Cách Lan. Năm 1985, Liên Hiệp Quốc công nhận vùng này là di sản của thế giới. Qua đêm, tại Banff là ngủ với núi, được núi ôm quanh người.
Núi không chỉ có cây rừng mà còn có hồ có suối. Hồ nổi tiếng của vùng núi non này là hồ Louise. Bà Louise nào nằm trên núi đây? Nhắc tới bà là khơi lại trong tôi sự cấn cái. Tôi vốn không khoái chuyện một quốc gia độc lập tiên tiến như Canada lại đội trên đầu một vị quốc trưởng là vua của nước Anh. Đó là chuyện lịch sử của đám di dân Anh ngày xưa. Bà Louise này đích thị là một thành phần của hoàng gia Anh. Đó là bà công chúa, con thứ tư của nữ hoàng Victoria, tên đầy đủ là Louise Caroline Alberta, sinh năm 1848 và mất năm 1939. Hóa ra tên của hồ Louise là tên bà mà tên của cả tỉnh bang Alberta cũng là bả nốt! Bà này dang tay dang chân dữ! Làm sao bà ở tuốt nước Anh lại nằm kềnh càng ở đất Canada này như vậy? Vì chồng của bà, ông John Campbell, là Thống Đốc Canada từ 1878 đến 1883.
Nhan sắc bà Louise ra sao tôi không rõ nhưng hồ Louise này đẹp hết biết. Người ta nói hồ Louise đẹp toàn thời gian. Sáng có cái đẹp của sáng, trưa có cái đẹp của trưa, chiều có cái đẹp của chiều. Chúng tôi tới Lac Louise vào lúc xế trưa. Mặt trời không soi rõ được xuống mặt hồ vì núi non cao vút bao quanh. Nước hồ xanh biếc. Ngồi trên ghế phía trước hồ ngắm mặt hồ phẳng lặng xanh biếc người như thấy lắng đọng, yên ắng. Mọi phù du của cuộc đời như tan biến trong làn nước. Tôi ngồi lặng trước hồ. Người ta khó có thể tưởng tượng hồ nằm trên núi cao. Trước khi tới hồ, chúng tôi đã ngồi trong những chiếc hộp nhỏ cho dây cáp kéo lên ngọn núi phía bên kia hồ. Từ ngọn núi này, tôi zoom trên máy quay video, nhìn qua hồ. Hồ trong máy tôi nhìn thấy như một vũng nước nhỏ nằm cheo leo giữa bốn bề là núi. Cái vũng nước đó được coi là viên ngọc của miền núi non này “Diamond of Wilderness”.
Cái hộp nhỏ kéo chúng tôi lên núi được gọi là gondola. Lúc đầu tôi bỡ ngỡ với chữ “gondola” này. Tôi cứ tưởng người ta chỉ có gondola trên sông nước ở Venise bên Ý thôi. Đi núi mới biết có thứ gondola kéo mình lên trời nữa. Đó là những chiếc hộp bằng kim loại, chung quanh là kính trong suốt cho du khách nhìn rõ cảnh vật. Mỗi chiếc hộp chứa được 6 người ngồi trên hai hàng ghế quay mặt vào nhau. Anh nhân viên điều khiển khách vào gondola tếu với tôi: “Nếu may mắn ông sẽ thấy gấu trên núi, nếu không may mắn ông sẽ thấy…dấu chân gấu!”. Bữa đó tôi may mắn. Ngồi trong gondola, tôi đã thấy được một chú gấu đang phơi nắng trên triền núi. Núi vùng Rockies Mountain là nhà của rất nhiều loại thú vật hoang dã. Chỉ không thấy nói tới hổ báo. Ông bạn tôi buổi sáng sớm đi trên đường phố chính của Banff đã bắt gặp một chú nai xuống dạo chơi phố phường. Trên đường đi gặp hươu nai vơ vẩn gặm lá cây bên đường là sự thường.
Con người khai thác núi khá kỹ. Rất nhiều món ăn chơi quyến rũ du khách. Chúng tôi đã hưởng đủ tam khoái của vùng Banff. Ngoài gondola còn có Glacier Skywalk, Glacier Adventure. Glacier Skywalk là một công trình đáng nể mới chỉ được khánh thành khoảng một năm nay. Từ triền núi cao, người ta dùng thép tạo ra một hành lang nhô ra đứng chơ vơ giữa trời trên độ cao 280 thước. Vòng cung ngoài cùng được lắp toàn mặt kính trong veo dưới sàn cũng như lan can khiến con người đứng trên có cảm giác như đang đứng chông chênh giữa trời cao núi rộng. Tôi tiến bước từ khung thép ra vòng kính một cách dè dặt. Tay vịn vào lan can, những bước đầu tiên trên sàn kính nghe run run bàn chân. Cảm giác như đi giữa chân không. Một lúc sau mới dám nhìn xuống. Núi nằm dưới chân. Một chập cũng quen đi tuy người vẫn nổi gai với ý nghĩ mình có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Như vậy có thể được coi là…chì. Có những người bên cạnh tôi bò lê bò càng, chân cẳng nhũn ra không đứng lên nổi. Có những thân người ngả nghiêng xiêu vẹo, húc người này, dựa vào người kia. Có người đưa tay ra cố nắm vào bàn tay của người đi bên cạnh dù quen hay không. Những tiếng rú tiếng cười tiếng hét vang lên ầm ỹ. Người nào như cũng thích thú trong nỗi sợ hãi. Cái sợ phải mua bằng tiền. Bao nhiêu? Hai mươi bốn đô chín mươi chín xu!
Món ăn chơi thứ ba là Glacier Adventure. Đúng là…adventure. Món này là những chiếc xe lớn như xe buýt, chứa được khoảng năm chục người. Nói là xe buýt nghe có vẻ hiền lành nhưng đây đúng là xe…tăng. Thân xe dày dặn như những chiếc hummer khổng lồ. Dàn bánh xe mới kinh hoàng: đường kính chắc phải tới trên thước rưỡi. Tôi thấy một người đứng chụp hình với bánh xe, người và bánh cao ngang nhau! Du khách được xếp vào ngồi trong xe, không có thắt lưng an toàn. Ông tài xế đội mũ sắt mở máy xe nghe ầm ầm như tiếng thác đổ. Xe leo lên núi. Có những chỗ dốc đứng làm đứng tim hành khách. Ì ạch một hồi, xe tới một bãi tuyết trắng xóa. Tuyết thì chúng tôi chẳng lạ chi. Montreal có khối! Nhưng tuyết giữa nắng hè đổ lửa quả là chuyện lạ. Xe ngừng lại cho du khách xuống chơi tuyết. Ông tài xế dục mọi người lấy chai nước uống hứng nước tuyết tan ra từ trên đỉnh cao hơn chảy xuống. Nước tuyết tan có chi mà ham. Tôi đứng nhìn đoàn người xếp hàng lấy nước…thánh với cặp mắt ngạo mạn. Nghĩ lại, thấy mình chỉ biết mình. Đám du khách này có thể đến từ những vùng chẳng bao giờ có một vẩy tuyết thì chỉ nội việc được nhìn thấy tuyết cũng là một thú vị để đời, huống chi lại được nếm nước tuyết!
Núi dăng dăng trên suốt đoạn đường chúng tôi tiến về Vancouver. Vẫn dằng dặc những rừng thông đứng reo giữa trời. Lại nhớ cụ Nguyễn Công Trứ. Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Giữa rừng thông gồm rất nhiều loại thông, chẳng biết cụ đứng nơi nao. Cầu mong cụ không đứng giữa rừng thông cháy rụi bên đường. Đọc báo thấy có những vụ cháy rừng. Nghe vậy biết vậy. Nhưng mắt nhìn thấy cả một rừng thông cháy vàng trơ ra những thân cây khẳng khiu như những hồn ma thì lại khác. Xe chạy bon bon trên đường. Rừng thông cháy cũng chạy theo. Chục cây số này tới chục cây số khác như một bãi tha ma. Cứ tính mỗi cây thông bán trong các cửa hàng mùa Giáng Sinh bạc chục bạc trăm mà tiếc hùi hụi!
Hình như tôi khoái leo núi bằng gondola. Đã hai lần…leo: một tại Jasper, một tại Lac Louise, vậy mà khi thấy cái gondola mới khánh thành ở Squamish, gần Vancouver, tôi lại leo. Có lẽ thứ của mới, leo khoái hơn chăng? Khoái thật vì mọi thứ đều còn gin mới tinh. Những sợi cáp còn óng màu kim loại. Khoái hơn nữa vì đây là loại gondola leo thẳng đứng, có độ dốc nhất. Ngồi trong lồng kính mà tưởng như có thể rơi bất cứ lúc nào. Cáp leo dài 1920 thước đưa lên đỉnh núi cao 885 thước trên mặt nước biển, mất 10 phút. Mười phút treo người bên triền núi kể cũng teo. Nhưng teo thì teo vẫn cứ phải trèo.
Ngắm núi, trèo núi, sống với núi tôi mới cảm thấy cái đẹp của núi. Thảo nào ông nhà thơ Nguyễn Đức Sơn mới miệt mài với núi. Ông sinh năm 1937, năm nay đã thất thập thất, đã từng theo học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nhưng bỏ dở vì, như ông nói: “Nếu trường Đại Học Văn Khoa sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng, tôi xin chịu chặt đầu!”. Thơ ông tàng tàng không giống ai. Bài thơ được nhiều người biết đến là bài “Cây Bông”: Đụ mẹ / Cây bông / Hắn không / Lao động / Ai trồng / Chật chỗ / Mày nhổ / Xem sao / Máu trào / Thiên cổ.
Bài thơ được làm sau khi cộng sản xâm chiếm miền Nam. Mỗi câu thơ chỉ có hai chữ chắc nịch. Năm 1979, ông dẫn vợ con vào ở hẳn trong rừng Phương Bối ở Lâm Đồng. Từ đó ông mang biệt danh là Sơn Núi! Ngoài biệt danh này ông còn được gán cho danh hiệu “lão thi sĩ vạn thông” vì ông trồng được một vạn cây thông trong rừng.
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô.
Một buổi chiều tà, tôi ngồi ngắm cảnh trên bãi biển Kitsilano ở Vancouver. Biển nằm sát chân núi. Núi và biển giao nhau. Bóng núi lồng trên mặt biển. Biển và núi thân thiết như đôi tình nhân. Khi đi chơi chuyến hè này tôi nghĩ mình đã bỏ biển lên núi, bỏ anh Thủy Tinh để chơi với anh Sơn Tinh. Nhưng tôi đã nghĩ với cái tâm nhân gian. Biển và núi không xa cách nhau như vậy. Cả hai dắt tay nhau tạo nên những cảnh giới kỳ thú trên mặt đất. Hóa ra lòng người thì chật hẹp qua phân, lòng thiên nhiên bao la rộng mở. Chừng nào lòng người mới bao la?
08/2014
|