16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

HÁN

Trong một bài viết, ông Lý Quang Diệu đã tiết lộ việc chọn ngôn ngữ trong những ngày đầu khi Singapore giành lại được độc lập như sau: “Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore”. Nếu cần sắm cho ông Thủ Tướng gốc Hoa họ Lý này một cái mũ thì đó phải là cái mũ “mất gốc”! Dân Hoa trăm phần trăm, vậy mà khi dẫn dắt cả một khối người phần lớn là người Hoa, ông đã làm lơ tiếng Hoa. Ông này có lý của ông: muốn lãnh đạo giỏi phải nhìn vào thực tế. Nếu cứ theo lẽ thường, bám vào truyền thống thì tiếng Hán phải là thứ “quốc ngữ chữ nước ta” ở Singapore. Tôi chắc là ngày đó ông Lý Quang Diệu cũng đã bị giũa tơi tả. Nhưng hòn đảo Singapore ngày nay huy hoàng được chắc là nhờ sự dứt khoát của con người nhìn xa trông rộng ngày đó. Ông giải thích: “Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng”.

Tôi khoái ông Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu này cách gì đâu! Bởi vì khi theo học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi đã làm lơ với chữ Hán. Phải thú thật ngay là vì tôi lười! Cái chữ không viết mà phải vẽ lằng nhằng không thu hút được sự chú ý của tôi. Cũng may là thời gian tôi theo học, các chứng chỉ Hán Việt không còn là chứng chỉ bắt buộc phải có để có thể lấy bằng Cử Nhân. Thay vào đó là các chứng chỉ…phi Hán như “Văn Chương Quốc Âm” chẳng hạn. Chắc tôi phải nói cho ra lẽ về chuyện lấy bằng Cử Nhân của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ngày đó. Dù học bất cứ ngành nào, sinh viên cũng phải có chứng chỉ “Văn Chương Việt Nam” mới được cấp bằng Cử Nhân. Có những người theo học các chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp, lấy xong tất cả các chứng chỉ cần thiết nhưng chưa có chứng chỉ “Văn Chương Việt Nam” thì không được sờ tay tới tấm bằng Cử Nhân dù là Cử Nhân Văn Chương Anh hay Cử Nhân Văn Chương Pháp. Lý do đưa ra khá hữu lý: anh chị tốt nghiệp từ đại học Văn Khoa Việt Nam thì phải thông  thạo văn chương Việt Nam trước đã. Mà văn chương Việt lại dính chặt với tiếng Hán! Nhiều sinh viên theo học chương trình Pháp dưới trung học dở khóc dở cười vì quy định này. Các chứng chỉ ngoại ngữ đã lấy xong trong khi chứng chỉ văn chương Việt cứ thi là rớt, vậy là tấm bằng còn treo đó. Có những sinh viên cầy cục cả chục năm sau còn chưa cầm được mảnh bằng Cử Nhân chỉ vì thiếu chữ Hán!

Nếu ngày đó có ông Lý Quang Diệu làm Khoa Trưởng Văn Khoa thì chắc nhiều sinh viên, trong đó có tôi, đỡ khổ. Tôi và các bạn đồng…chứng chỉ có một kỷ niệm đáng xấu hổ. Ngày đó, cụ Cử Nguyễn văn Bình dạy môn chữ Nôm. Mù chữ Hán như tôi thì nôm na chi cũng trật lất, bởi vì chữ Nôm được các cụ ta dựa vào tiếng Hán mà đặt ra. Mù tiếng Hán thì chữ Nôm cũng là thứ xa lạ tuy là tiếng nước ta. Tác phẩm cụ Cử Bình dạy năm đó là cuốn Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn do bà Đoàn Thị Điểm và ông Phan Huy Ích dịch ra chữ Nôm. Vậy là dịch hay không dịch, tôi cũng bù trất. Trong năm học thì không sao vì cụ giảng và bình bằng bản chữ Nôm có phiên âm ra tiếng quốc ngữ. Nhưng khi vào vấn đáp mới là vấn đề. Cụ bắt đọc bằng tiếng Nôm! Vậy là…chít ngộ rùi! Chẳng cứ tôi mà hầu như toàn thể các thí sinh vào vấn đáp đều…mù Nôm như nhau. May trời thương, cụ lấy ngay bài cour cụ dùng trong lớp để hỏi vấn đáp. Bản này có tiếng Nôm ở trên và chữ quốc ngữ ở dưới. Cụ bảo: “Ông lấy tay che phần chữ quốc ngữ ở dưới, chỉ đọc phần tiếng Nôm cho tôi nghe”. Cụ dạy như vậy thì phải làm theo. Có điều bàn tay tôi lúc đó sinh tật. Cứ đúng dòng phải đọc thì ngón tay tẽ ra chẳng che nổi phần chữ quốc ngữ bên dưới. Quốc ngữ chữ nước ta thì đọc vanh vách nhưng không dám đọc nhanh, lỡ cụ biết thì bể mánh! Vậy cứ rì rầm nghĩ một lúc mới đọc ra một chữ. Thỉnh thoảng cụ lại nhắc làm phúc. Vậy là lũ chúng tôi anh chị nào cũng thông Nôm hết! Nay cụ không còn nữa tôi mới…xưng tội. Nhưng nếu bây giờ lũ chúng tôi ngày đó có tụ họp nhau lại thì chắc phải xưng tội…tập thể! Các cụ đồ Nho, chính trực quen nếp, chắc cụ tưởng lũ học trò chúng tôi cũng như các cụ.

Nói là lũ chúng tôi nhưng không phải ai cũng dốt Hán như tôi. Quanh tôi ngày nay còn bốn anh bạn Đỗ Quý Toàn, Hoàng Chiều Nhân, Trần Huy Bích và Võ Kỳ Điền. Bốn ông này đúng là loại “Nho thâm, Hán rộng”. Mù chữ Hán nhưng tôi lại khoái những bài thơ viết bằng chữ Hán đẹp như một bức tranh treo tường. Vác về cả đống treo trên tường cho đẹp nhưng chẳng hiểu cái chi chi. Báo hại ông Hoàng Chiều Nhân, vì ở cùng chung thành phố với tôi, nên cứ bị nắm áo đọc và dịch thơ chữ Hán cho tôi hoài.

Bốn ông đồ họ Đỗ, họ Võ, họ Trần và họ Hoàng này ngày nay là thứ hiếm. Nhưng tôi mới biết được một thứ đại hiếm. Đó là anh chàng Daniel Nguyễn ở Houston, Texas. Anh này tự cho mình là “nho sinh lạc lõng giữa thế kỷ 21”. Ai đời thời buổi này, giữa nước Mỹ nhộn nhịp, mà Daniel Nguyễn lại rung đùi đọc thơ chữ Hán và chữ Nôm. Lạ hơn nữa là Daniel năm nay mới có 20 tuổi, sanh ra và lớn lên tại Sacramento, thủ phủ của California. Tên tiếng Việt của Daniel là Nguyễn Thụy Đan, bút hiệu là Tử Hạ. Bút hiệu này nghe đã thấy xưa rích xưa rang. Hãy đọc hai câu thơ của Tử Hạ: Trọc thế vô phương hoằng thánh đạo / Hỗn trần hà xứ vọng vương tôn. Ông bạn họ Hoàng của tôi giờ đang đi nghỉ hè nhưng nếu có ông ở Montreal này tôi cũng chẳng làm phiền ông vì một người bạn của Daniel đã dịch hai câu thơ này như sau: Đời đục khôn mong truyền đạo thánh / Bụi lòa nao chốn ngóng quân vương. Cậu đồ này có trang blog Facebook để giới thiệu các tác phẩm bằng chữ Hán của các cụ xưa như Phùng Khắc Khoan hay Phan Bội Châu. Bài viết bằng chữ Anh, trừ các đoạn trích theo nguyên văn bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc ngữ. Daniel hiện đang theo học về âm nhạc và văn học tại một trường Đại Học ở Texas. Theo ký giả Hà Giang của báo Người Việt, người đã làm một cuộc phỏng vấn cậu thư sinh lạc loài này, thì: “Daniel có giọng nói trầm ấm, từ tốn, rành rẽ cả hai thứ tiếng Anh Việt, đôi khi lịch sự quá thành ra khách sáo bởi vì cách dùng những từ ngữ cổ mà anh học được từ các bài thơ văn mấy thế kỷ trước nay ít ai dùng. Dù gì khi trò chuyện với Daniel, người đối diện cũng cảm nhận được một vẻ nho sinh rất dễ mến và một niềm đam mê mạnh mẽ dành cho văn hóa Việt”.

Bái phục! Nửa thế kỷ trước, trong đám bạn bè chúng tôi, nếu có anh chàng nào sính chữ Hán sẽ bị bạn bè coi là thứ đồ cổ, một thứ “đồ non” gàn dở bát sách! Ngày nay, ngay trên đất Mỹ, lại này ra một anh đồ non lạc loài, quả là chuyện lạ. Nhìn hình Daniel, tôi bỗng khớp. Trông toát ra vẻ trang trọng của các bậc tiền bối xưa. Tại sao Daniel lại đi vào con đường…Hán Nôm? “Dạ, có nhiều lý do. Không học Hán Nôm, không thể hiểu sâu về đất nước và con người Việt Nam. Sống ở hải ngoại mà không muốn bị mất gốc, ắt phải hiểu biết văn hóa quê cha đất tổ. Chưa hiểu biết, lấy gì mà yêu. Em cũng rất tôn sùng đạo đức Khổng Tử nên phải học chữ Hán mới đọc được kinh truyện thánh hiền. Ngoài ra, sống giữa xã hội tân tiến này, nhiều khi muốn gửi tâm sự vào vần thơ, nhưng lại không muốn thổ lộ tất cả tâm tình. Hán văn có tính súc tích. Muốn cho lời ít mà ý nhiều thì không có gì hay bằng dùng chữ Hán”.

Tôi nể cậu bé này dễ sợ. Thời buổi này, sống trong xứ sở này, vậy mà chịu khó ngồi…vẽ chứ Hán từ tuổi teen, không nể phục sao được. Daniel kể lại quá trình học thứ chữ khó khăn này: “Em bắt đầu học chữ Hán từ năm 17, 18 tuổi gì đó. Ban đầu thì em hay mua sách hướng dẫn học cổ Hán văn mà học. Dùng cả sách tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Bố mẹ em có giúp mua sách. Sau này toàn mượn sách thư viện về đọc. Em nghĩ em bỏ ra ít nhất là một hai tiếng mỗi ngày. Mấy năm đầu thì em hoàn toàn tự học. Sau này mới quen một hai người qua mạng, nhiều lúc cũng nhờ đến các anh chỉ giáo. Bạn bè thì cũng có dăm ba người thích văn chương, lịch sử…Thích thì thích chứ không học Hán Nôm…Em học chữ Hán cốt để đọc sách người xưa. Văn liệu nước ta từ đầu thế kỷ XX về trước phần lớn viết bằng văn Hán hoặc văn Nôm. Không biết Hán Nôm ắt phải dựa vào bản dịch hoặc bản phiên âm của người khác mà đọc. Song sách vở vẫn có nhiều loại. Đọc sách thánh hiền để học đạo làm người. Đọc sách sử để biết thêm về văn hóa, lịch sử người Việt. Đọc văn thơ để tiêu sầu khiển muộn…Sau này em quen vài người ngoại quốc cũng quan tâm tới văn chương và lịch sử nước Việt nên em mới bắt đầu dịch văn liệu Hán Nôm sang tiếng Anh. Có khi em viết thơ từ, gọi là cái thú tao nhã vậy”.

Sống khác người, cậu đồ này dĩ nhiên bị bạn bè cùng trang lứa nhìn với một con mắt khác. Họ khó mà nhảy về quá khứ xa lắc xa lơ để thông cảm với Daniel. Nói về sự lạc loài giữa những người cùng lớp tuổi với mình, Daniel cho biết: “Đương nhiên là bị nhiều lần rồi. Nhưng không phải vì thế mà nản chí. Ông Tản Đà có câu rằng: “Một tấm thân nam nhi không phải của riêng một mình mình mà là của nước tổ Hồng Lạc hơn bốn nghìn năm, của xã hội hai mươi nhăm triệu người, của giang sơn ba mươi tư vạn lý…”. Em luôn ghi nhớ. Lui về ở ẩn là việc dễ. Dấn thân hành đạo mới khó”.

Daniel đang hành đạo bằng cách mở một blog mang tên “Khoái Nhị Trà”. Nói về việc này, Daniel cho biết: “Em mở blog cốt để truyền bá văn hóa và văn chương nước việt, đặc biệt là văn chương tiếng Hán dưới thời Nguyễn (1802-1945) đến thời hiện đại. Trên mạng cũng có vài trang blog của người Hàn, toàn dịch thơ chữ Hán của người Hàn Quốc sang tiếng Anh. Thơ từ nước ta không phải không nhiều, không phải không hay. Không dịch, há chẳng tiếc sao!”.

Tôi vội vào blog Khoái Nhị Trà, tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Anh đủ cả. Thơ văn, nghị luận tràn đầy. Có lẽ chỉ thiếu mùi trầm. Trong phần phản hồi, nhiều vị cao tuổi thăm hỏi, khuyến khích, đề nghị tặng tiền để cậu Daniel mua sách nghiên cứu. Cậu đồ trả lời: “Cháu cảm ơn bác thật nhiều. Bác vào trang này đọc mấy bản dịch vụng của cháu là cháu ơn lòng bác lắm rồi. Còn làm phiền bác về tiền bạc thì cháu nào dám! Vạn lần không dám!”. Nếu cứ loanh quanh lẩn quẩn với cậu đồ này, chắc tôi phải sắm chiếc áo the mất!

Hán lá chữ của Tầu, qua ngàn năm đô hộ đã ảnh hưởng nhiều tới tiếng Việt ta. Nhưng kể từ khi Việt cộng cung cúc phò Trung cộng thì tiếng Việt của cộng sản Việt đã bê tiếng Hán vào khá đậm. Chuyện này xảy ra ngay từ khi cộng sản Việt còn nằm trong chiến khu mà họ gọi là An Toàn Khu hay AtêKa. Trong cuốn Đèn Cù đang được mọi người tìm đọc của Trần Đĩnh, một người nằm trong chăn Việt cộng nay phản tỉnh vạch ra những con rận của chế độ cộng sản, có đoạn nói về thứ tiếng mang từ Tầu về. “Tôi đã dự lớp chỉnh huấn đầu tiên chủ yếu dành cho đảng viên văn nghệ, báo chí ở AtêKa. Lớp cán bộ sang tận Hoa Nam học cách thức về chỉ đạo. Tôi cùng chi bộ - tức một nhà sàn – với Xuân Diệu, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Đạt…năm cái mồm lý sự cùng một số anh chị em khác. “Mời các đồng chí trọng thính lên trên cùng”. Nam, trong học ủy, trịnh trọng mở lớp. Cả lớp – kể cả thâm Nho Ngô Tất Tố - ngớ ra. “Trọng thính là các đồng chí nặng tai ạ!”. Mọi người ồ lên. Tôi vẽ trên báo tường: một người vẹo mặt đi, tai xệ xuống vai vì một quả tạ có chữ “trọng lượng thính”.

Từ cái ngày dẵm phải chất thải của Trung cộng xa xưa đó, chữ Việt méo mó đến tội nghiệp vì những tiếng Hán nhảy dù vô xâm lấn. Một người có bút danh là Philato đã chịu khó sưu tầm trên báo chí thứ văn chương trọng Hán của tiếng Việt trong nước ngày nay. Đoạn báo loan tin về cầu Cần Thơ chuẩn bị khai trương nguyên văn như sau: “Ngày 26/9/2007, sự cố sập 2 nhịp khiến 54  chết, 80 bị thương. Dàn thép cuối cùng được lắp đặt để nối liền cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu ngày 3/10. Dự kiến hợp long ngày 15/10/2009 và chính thức thông xe vào tháng 3/2010. Nhưng mới chỉ thông xe kỹ thuật thôi mà đã có 10 thợ chụp hình và nhiều hàng rong đến đây tác nghiệp. Có đi thực tế mới thấy một số bộ phận người dân chưa ý thức được giá trị và biểu cảm của cây cầu”.

Đề cập tới nạn kẹt xe, Thanh tra Sở Giao Thông Hà Nội Hoàng văn Mạnh phát biểu với báo VNExpress: “Ùn tắc ở các điểm phân làn chỉ là cảm quan, ùn tắc hiện nay chỉ là giả tạo do sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông. Ngoài ra cũng có nguyên nhân mật độ giao động khi tựu trường đột biến. Chúng tôi chia làn để các phương tiện không bị xung đột, tránh ùn ứ. Nhưng ý thức kém, người tham gia giao thông thấy chỗ nào đi được là chen vào gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ”.

Nói chuyện nạo vét hồ Gươm, Phó Giáo Sư Hà Đình Đức phát ngôn: “Sau khi vét thí điểm kết quả sẽ được quan trắc đánh giá để có phương án xử lý tiếp theo. Khu vực xử lý thí điểm chưa tới 1% diện tích hồ, lượng nước hao hụt không đáng kể nên không cần bổ cập”.

Chán mấy anh quan chức bập bẹ tiếng Việt, mời các bạn nghe một người đẹp phát ngôn trên báo. Phiền nỗi người đẹp này là cô Jennifer Phạm, một cựu hoa hậu ở bên Mỹ, con em người Việt chúng ta ở hải ngoại. Cô này đã kết hôn với ca sĩ Quang Dũng ở trong nước, có một cậu con trai kháu khỉnh. Sau khi ly dị anh ca sĩ này, cô từ bên Mỹ về Việt Nam làm em-xi cho các chương trình ca nhạc tại quốc nội. Cô tâm sự với báo Tuổi Trẻ: “Trong quá trình làm việc sắp tới, tôi sẽ đầu tư quỹ thời gian vào công việc người dẫn chương trình”.

Tiếng Việt của chúng ta ở trong nước đã biến dạng. Đó là thứ ngôn ngữ méo mó, xa lạ, hậu quả của sự nô lệ anh hàng xóm khổng lồ mà cộng sản Việt đã bưng về từ những ngày đảng còn co rút trong hang Pắc Bó. Nghe ra nặng mùi…Hán!

09/2014