Tôi vừa đi thăm một anh bạn trẻ tại nhà quàn. Anh mới 50 tuổi, một người lúc nào cũng có nụ cười tươi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Anh lại là một cây văn nghệ văn gừng, hát giúp vui cho các đám cưới và các buổi văn nghệ địa phương. Anh hát các bản tân nhạc bằng tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Hoa. Anh còn hát được tuồng Hồ Quảng vì anh là người Việt gốc Hoa. Đó là một người tốt nhưng yểu mệnh. Trong mấy ngày trước khi mất, anh thấy đau nhói ở ngực trái. Sẵn đang bị cảm, anh tưởng đó là vì cảm. Và anh cho qua. Ngày cuối tuần, anh tới tập tuồng Hồ Quảng để trình diễn trong dịp Tết sắp tới. Khi tập tới màn chót, hát câu chót, một câu phải dùng hết sức mạnh hát giọng cao. Anh chấm dứt nhịp ngân sau cùng và té đổ người xuống sàn tập. Anh nhìn mọi người cười. Ai cũng tưởng anh cười ngượng ngập vì cái té vô duyên. Nhưng rồi mặt anh tái đi. Mọi người gọi xe cứu thương. Anh buông xuôi cuộc đời ngay khi tới bệnh viện. Một cái chết trẻ. Đám tang có sự nuối tiếc, sững sờ của gia đình và bạn bè. Chết trẻ hình như không phải là chết mà là sự đứt đoạn. Đang phơi phới sống rồi buông tay chấm dứt cái một trong sự ngỡ ngàng. Của người sống và chắc cũng của chính người chết nữa.
Ít ra cũng có hai kiểu buông xuôi: buông cái rụp và từ tốn mà buông. Mấy ông bạn tôi ưa thứ dứt khoát. Đùng một cái, dẫy tê tê chẳng biết chi nữa, khỏe ru. Cầu như vậy nhưng mấy ai được mãn nguyện. Hai ông bạn tôi ưa thứ dứt khoát và được mãn nguyện là ông Nguyễn Đông Ngạc và ông Trường Kỳ. Ông Nguyễn Đông Ngạc đang sửa soạn múc tô phở do bà xã nấu để thưởng thức thì ngã lăn đùng ra bất tỉnh, máu tràn đỏ óc, đi luôn. Ông Trường Kỳ lơ mơ ngay trên bàn nhậu và dứt khoát ra đi khi xe cứu thương chưa vào tới bệnh viện.
Ông Lý Quang Diệu, vị quốc phụ của Singapore, vừa qua đời ở tuổi 91 đã không được như hai ông bạn tôi. Trong một bài viết vào những ngày cuối đời, khi ông 89 tuổi, ông cũng mong muốn được chết cái rụp: “Việc tôi quan tâm đó là: Tôi sẽ ra đi như thế nào? Sự kết thúc có đến nhanh chóng không, bằng một cơn đột quỵ ở một trong số các động mạch vành? Hay sẽ là một cơn đột quỵ trong não khiến tôi nằm liệt trên giường bệnh nhiều tháng, trong trạng thái bán hôn mê? Trong hai cách đó, tôi thích cách nhanh chóng hơn”. Không phải thích là được. Một đời ông thành công đưa đất nước ông từ nghèo nàn lên thành một cường quốc, nhưng ông thất bại trước cái chết. Ông bị viêm phổi và không chết cái rụp như mong ước.
Những người còn ăn còn thở như chúng ta chưa biết ra sao. Có điều khá chắc chắn là chúng ta không chọn được cái chết: kiểu này hay kiểu kia. Hai ông bạn tôi muốn là được. Cũng là điều an ủi. Còn chúng ta, muốn là muốn vậy thôi, còn chết kiểu nào là chuyện của ông trời. Chuyện của ông trời để ông trời lo, chẳng nên nhúng tay vào. Nhưng ông Bác sĩ Richard Smith, Giáo sư Danh Dự của Đại Học Warwick, nguyên Chủ Bút tập san y tế British Medical Journal, lại nhúng miệng vào. Ông nói về cái chết kiểu từ từ. Chết từ từ theo đúng “mốt” ngày nay là ung thư. Vài ngày, vài tháng, vài năm không chừng nhưng sẽ chết. Vớ vẩn! Thì ai chẳng sẽ qua cửa tử. Có ai thoát đâu. Vua chúa ngày xưa thấy cuộc đời đang sung sướng hưởng thụ, cung tần mỹ nữ ê hề, rượu quý rót tràn ly, vậy mà một mai phải buông tất cả thì tiếc. Tiếc nên sai quần thần tìm thuốc trường sinh để suốt đời cưỡi đầu cưỡi cổ dân lành, vậy mà có ông nào lột da sống đời được đâu.
Trở lại với ông Bác sĩ Richard Smith. Ông nói như vậy cũng phải thôi. Nhưng ông còn nói hơn nữa. Ông cho là các nhà nghiên cứu chẳng nên tiêu pha bạc tỷ để tìm ra phương cách chữa căn bệnh ung thư này vì đó là sự chọn lựa tốt nhất cho một dân số đang già nua trên thế giới. Ông lý luận: cái chết tiệm tiến của bệnh ung thư cho người ta có thời gian để chia tay với người thân, nghe một bản nhạc mình thích, đọc những câu thơ mình mến và để lại những gì mình muốn nhắn lại. Chết từ từ như vậy thì thời gian cũng thong thả, chẳng có gì hấp tấp, chẳng có gì tiếc nuối. Trong bài viết trên tập san British Medical Journal, Giáo sư Richard Smith viết: “Chết vì ung thư là cái chết tốt nhất. Người ta có thể nói lời từ giã, suy ngẫm về đời sống, để lại những lời nhắn cuối cùng, rồi còn có thể đi du lịch vài nơi mình thích lần chót, nghe một vài bản nhạc ưng ý, đọc thơ tình, rồi tùy theo tôn giáo của mình để sửa soạn diện kiến đấng tối cao. Quan niệm này có thể quá thơ mộng, nhưng chúng ta có thể thực hiện được với tình yêu, thuốc giảm đau và whisky”.
Nhiều bệnh nhân ung thư và gia đình đã bất bình về những nhận xét này của một người hành nghề bác sỹ. Người ta hỏi ông có đau cái đau bệnh tật này chưa mà ca tụng cái chết vì bệnh ung thư. Ung thư nào cũng đau đớn tới lúc chết. Tôi đã chứng kiến cái đau của bà thím tôi bị ung thư tử cung. Bà lăn lộn trên giường, xô lệch chăn chiếu. Ngày đó, những năm đầu khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, thuốc thang khan hiếm, gia đình phải vê từng mẩu sái thuốc phiện cho bà nuốt để cầm lại cái đau. Nhưng cái đau vẫn hành hạ bà ngày đêm. Cái chết, cuối cùng, là sự giải thoát.
Mới năm ngoái, khi Nguyễn Xuân Hoàng vướng bạo bệnh, anh luôn than đau. Ngặt cái là bệnh ung thư của anh, ung thư cột sống sarcoma, là thứ ung thư được coi là đau nhất trong các loại ung thư. Nhìn hình anh trên Facebook, ngày càng mất sắc vì cái đau hành hạ, tôi thông cảm với anh. Lúc đó tôi bị bệnh zona, đau nhức một thời gian. Cái đau ngằn ngặt, nghĩ tới cái đau của bạn, tôi mới hình dung ra được phần nào nỗi đau mà bạn tôi đang chịu ngày đêm. Tôi điện thoại qua Hoàng. Nói với anh về sự thông cảm cái đau của anh khi tôi đau thứ đau so với cái đau của anh là thứ đồ bỏ. Có lần, nói chuyện điện thoại với tôi, anh nói không sợ chết mà chỉ sợ đau!
Ông bác sĩ Richard Smith bị những bệnh nhân ung thư và gia đình họ xỉ vả là “ngu dốt và vô trách nhiệm”. Làm bác sĩ là lo cứu người, lo chữa bệnh, lo tạo cho bệnh nhân sự bình tĩnh và can đảm trước bệnh tật. Bác sĩ Richard Smith không làm như vậy. Không biết ông có nhớ là ung thư là thứ bệnh cướp đi cuộc sống của một số đông người trẻ, việc nghiên cứu để ngăn chặn sự bành trướng của căn bệnh này là nhiệm vụ và bổn phận của ngành y khoa.
Ung thư là căn bệnh quái ác, nó dứt từng giây phút sống của người bệnh. Cái chết chậm, trong vài tuần, vài tháng, có khi vài năm, quả có giúp cho người bệnh hoàn tất được những vướng víu còn lại của cuộc sống. Nhưng dù sao nó vẫn là tên ăn cắp quái ác. Trong truyện ngắn “Mai Sau”, tôi đã dựng cảnh những ngày cuối của một bệnh nhân ung thư. Nhân vật chính là Giao, bị ung thư, có vợ tên Lựu và bạn thân tên Phụng. Hai người đã cùng săn sóc bệnh nhân những ngày cuối. “Những bữa cơm có Phụng thì khác. Anh oang oang chuyện gẫu, tán dóc, khích bác Giao. Miệng lanh lẹ như tay, Phụng vừa nói vừa tiếp cho Giao ăn. Giao vừa tỏ ra uể oải, Phụng đã mắng át. “Ăn đi mày. Vợ mày vất vả đoán ý mày để nấu cho mày những món ăn vừa miệng thì mày phải ăn đi chứ. Chất ga lăng mày vất đi đâu hết rồi?”. Giao cười mếu máo. “Ga lăng cái con khỉ ấy! Người còn nát huống chi cái ga lăng. Mày đếch biết gì cả, chỉ nói tầm bậy!”. Phụng xuống giọng dỗ dành. “Ừ thì thôi. Vứt mẹ nó cái ga lăng đi. Cơm cũng là thuốc đấy. Ăn đi cho khỏe để còn gây sự với tao chứ. Tính tao ưa nặng, không có đứa nào chọc cho sôi máu thì buồn. Mẹ kiếp, đớp đi mày!”. Giao đành cố nuốt miếng cơm một cách khó nhọc. Cũng chỉ được vài miếng rồi lại ai oán. “Ăn cũng đi đứt, chẳng ăn cũng đi đứt. Chó má thật!”. Phụng làm bộ gân cổ. “Thì thằng chó nào chẳng phải đi đứt. Mày tưởng tao lột da sống đời được à?”. Giao chậm rãi. “Nhưng mày chưa trông thấy lằn mức. Tao thấy rồi.”. “Trông thấy hay không thì lằn mức vẫn có đó. Mẹ kiếp, đời người mà! Có sinh có diệt. Khi mày chui ra khỏi bụng mẹ mày thì ông trời đã vẽ sẵn cho mày một vòng tròn rồi. Tụi văn vẻ chúng nó gọi là cái vòng tử sinh, cục súc như tao thì gọi là cái vòng chó má. Mày lớn lên một chút thì cái vòng kim cô đó thu nhỏ lại một chút. Lớn tới cỡ tao với mày thì nó đã chật lắm rồi. Bệnh tật của mày có làm nó chật thêm một chút thì mặc mẹ nó, lý tới nó làm gì. Nghĩ tới cái sống chứ đừng nghĩ tới cái chết. Vui được lúc nào hay lúc đó. Mày có Lựu, có tao. Thây kệ cái vòng chó má đó. Cho nó quê luôn!”
Những ngày còn lại của cuộc sống, Giao đã thuyết phục để gán vợ anh lại cho người bạn vì tương lai của nàng. Anh thương vợ đến nỗi, trong những ngày cuối, đã không nghĩ tới cái bất hạnh của mình mà chỉ tính cho tương lai của vợ. “Mai sau, khi anh không còn nữa, em sẽ dựa vào đâu mà sống? Anh có lỗi với em. Anh thương em côi cút.”. Lựu mở to mắt thét lên. “Anh đừng nói nữa! Em van anh!”. Mặt Giao vô hồn. Bức tường trắng trước mặt bày ra một khoảng trống rợn người. “Lựu, chúng ta phải nhìn vào sự thực phũ phàng đang ngấu nghiến chúng ta.”. Lựu rấm rứt cố đè chặt những thổn thức trong lòng. Giọng Giao băng giá. “Phụng là bạn anh. Anh ấy cũng như anh. Anh hiểu từng ngóc ngách trong con người anh ấy. Anh tin Phụng. Anh thương em. Anh nghĩ Phụng có thể bảo bọc em. Kệ thiên hạ em ạ!”. Lựu ngẩng mặt lên, khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Giọng nàng sắt lại. “Anh muốn nói gì vậy?”. Mặt Giao vẫn không có hồn. Lựu như thấy một bức tượng chảy nước mắt. Nàng bấu mạnh vào ngực Giao. Pho tượng sống vẫn câm nín. Như đã ngàn năm”.
Như đã nói ở trên, có hai kiểu buông tay: đột ngột và chậm rãi. Nhưng đó không phải là “thực đơn” để con người lựa chọn. Chúng ta không có cái quyền chọn lựa đó. Sanh ra và chết là chuyện của con tạo, chúng ta chỉ biết vâng theo. Nhưng ngày nay con người muốn đòi lại cái quyền trên sinh mạng mình. Tôi muốn chết là tôi chết. Đã có những phong trào đòi quyền…chết khi bị cơn bệnh hành hạ tơi tả. Họ đòi quyền “chết trong phẩm giá”. Đó là chuyện mà chúng ta gọi là “trợ tử”. Nói nôm na là bác sĩ giúp bệnh nhân chết khi bệnh nhân yêu cầu. Tại Canada chúng tôi, từ năm 1892 đến nay, việc trợ tử là phi pháp, có thể bị phạt tới 14 năm tù. Nhiều người phản đối chuyện này. Họ cho là khi một bệnh nhân đã hết thuốc chữa thì họ có quyền nhờ bác sĩ cho thuốc để giã từ cõi đời, chấm dứt cuộc sống khổ nạn trong đau đớn và nhục nhằn. Có những người khác viện lý do tôn giáo, đạo đức để chống lại việc trợ tử. Cãi qua cãi lại, chuyện chẳng đi đến đâu. Vậy là có người mang sự việc ra tòa để ba tòa quan lớn xét xử. Người nộp đơn kiện là ông Lee Carter ở tỉnh bang British Columbia. Ông này có bà mẹ tên Kay Carter bị ung thư thời kỳ cuối và muốn chấm dứt cuộc sống bằng trợ tử. Tòa không thể ngày một ngày hai mang ra xử liền nên bà Kay Carter chờ không được đã qua Thụy Sĩ để được quyền chết.
Sự việc đã lên tới Tối Cao Pháp Viện. Ngày thứ sáu 30 tháng 1 năm 2015 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã tuyên bố luật cấm trợ tử có từ trăm năm là vi hiến. Toàn thể 9 ông bà tòa áo đỏ đều bỏ phiếu như vậy. Tòa ra hạn kỳ cho quốc hội, trong vòng một năm, phải hoàn tất một đạo luật mới trong tinh thần này. Một năm cho một đạo luật quan trọng tới đời sống của người dân, thời hạn quả là cấp bách. Liệu quốc hội có mần được chăng? Coi bộ thua. Quốc Hội sẽ nghỉ hè vào cuối tháng 6. Năm nay Canada sẽ có bầu cử liên bang vào tháng 10. Vậy là các dân biểu lo tranh cử, quốc hội sẽ không họp cho tới khi cuộc bầu cử kết thúc. Tính ra chỉ còn có vài tháng thì làm sao mà thông qua được một đạo luật tại hai viện Quốc Hội.
Nhưng không sao. Nếu hết thời hạn một năm mà quốc hội vẫn chưa thông qua được đạo luật này thì điều khoản trong Luật Hình hiện nay liên quan đến việc cấm trợ tử sẽ bị hủy bỏ. Việc trợ tử sẽ không hợp pháp nhưng cũng không bất hợp pháp! Canada đã có tiền lệ 27 năm trước đây khi bỏ luật cấm phá thai. Hồi đó, chưa có luật mới, người ta chỉ cần bỏ điều khoản liên quan tới phá thai trong Hình Luật, chờ cho tới khi có luật mới đàng hoàng.
Tòa nhận định là “một cá nhân đương đầu với viễn tượng này có hai giải pháp: hoặc có thể sớm kết thúc cuộc sống, thường là bằng bạo lực hay những phương cách nguy hiểm, hoặc phải chịu đựng cho tới khi chết bình thường. Sự chọn lựa thật ác độc”. Tòa cũng nhận định là, trong một vài trường hợp, cần phải tôn trọng quyền chọn lựa của một cá nhân trong việc kết thúc cuộc sống của họ.
Ngay khi nghe được bản án của tòa, gia đình Carter đã vui mừng phát biểu: “Kay sẽ mỉm cười về kết quả này. Chúng tôi cảm thấy là người dân Canada có quyền căn bản chọn lựa. Bản án giúp dân Canada có quyền lựa chọn và quyết định mạng sống của họ”.
Nhưng án tòa cũng có những hạn chế trong việc trợ tử. Không phải cứ trợ tử thoải mái. Y sĩ chỉ có thể giúp kết thúc cuộc sống cho “một cá nhân trưởng thành còn minh mẫn” và người này đã “chấp thuận rõ ràng” việc muốn kết thúc cuộc sống. Ngoài ra tình trạng bệnh tật của người này đã không còn cứu chữa được và tạo ra sự đau đớn “không thể chịu đựng” được. Sự đau đớn này có thể là đau đớn thể xác hay tinh thần.
Tòa không phán quyết bắt buộc các y sĩ phải thực hành việc trợ tử. Đó là vấn đề lương tâm của các y sĩ. Việc kết thúc sự sống của một bệnh nhân coi bộ là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều người không muốn nhúng tay vào. Dù sao đó cũng là một việc gần như “giết người”. Lại còn vấn đề đạo đức và tôn giáo của người y sĩ.
Tháng giêng năm nay, The Canadian Society of Palliative Care Physicians, một tổ chức của các bác sĩ chuyên chăm sóc cơn đau của các bệnh nhân, đã làm một cuộc thăm dò. Kết quả có tới 75% bác sĩ hội viên cho biết họ sẽ không nhúng tay vào việc trợ tử khi hành động này được coi là hợp pháp. Coi bộ muốn có được một bác sĩ chịu giúp quyền được chết sẽ gian truân khi có tới ba phần tư bác sĩ “em chã”.
Ba năm trước, hai bác sĩ của trường Y Khoa Harvard, đã đề nghị, trong một bài viết trên tập san New England Journal of Medicine, một phương thức khiến các bác sĩ không phải trực tiếp nhúng tay vào việc trợ tử. Theo phương thức này thì các bác sĩ chỉ cấp một giấy chứng nhận là bệnh nhân hội đủ điều kiện của việc trợ tử, một tổ chức của chính phủ sẽ xác định, bán thuốc, chỉ dẫn cách dùng. Người muốn xuôi tay cứ tự biên tự diễn cho đúng với ước vọng.
Dù phương cách thi hành như thế nào thì, với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Canada, chúng ta cũng đã có thêm một kiểu chết khác: tự chết hợp pháp có môn bài đàng hoàng!
Chuyện buông xuôi tay nằm thẳng cẳng cho người ta thoa son trát phấn là chuyện ít người muốn nghe. Vậy nên nói chuyện chết đến đây coi như đủ, quá đủ, xì-tốp được rồi. Nói nữa thì chán…chết!
03/2015
|