Ngày 30 tháng 5 vừa qua, một cơn bão đã thổi qua vùng Beaconsfield ở tỉnh bang Québec chúng tôi. Nếu cần đặt tên cho cơn bão này thì nhất định phải gọi đó là cơn bão…váy! Đó là ngày cô học sinh lớp 11 Lindsey Stocker gây chiến. Nếu phải đặt tên cho trận chiến này, lại phải gọi là trận chiến…váy!
Khoảng hơn một tuần trước đó, ngày 21 tháng 5 cô bé Lindsay và toàn thể các nữ sinh trong lớp tại trường Trung Học Beaconsfield đã bị thầy Hiệu Phó của trường bắt đứng dậy, để hai tay xuôi theo thân người, nếu chiếc váy các em mặc ngắn hơn đầu ngón tay thì bị coi là vi phạm quy định về y phục của nhà trường. Cô nhỏ Lindsey Stocker cho biết là cô cảm thấy bị làm nhục. “Trước mặt các bạn học và thầy giáo của tôi, họ bắt tôi phải thay váy. Khi tôi nói “không”, họ bảo tôi đã chọn lầm câu trả lời…Khi tôi muốn giải thích, trước toàn thể lớp học, cho họ biết tại sao tôi không tuân thủ quy định đó, họ không muốn nghe. Tôi thấy như bị tấn công…và tôi muốn cho họ biết những gì tôi nghĩ”. Stocker nghĩ là quy định về y phục của nhà trường nhắm vào các nữ sinh. Nhà trường không cần biết các nam sinh mặc gì trong khi lại chú ý tới y phục của nữ sinh.
Tức giận, cô bé Stocker rời khỏi lớp và đi in khoảng hai chục tấm poster có nội dung: “Đừng làm nhục nữ sinh vì họ mặc váy ngắn. Trời nóng nực. Thay vì lăng nhục các nữ sinh về thân hình của họ, hãy dạy cho các nam sinh biết là phụ nữ không phải là một vật thể tính dục”. Cô dán các poster này khắp khuôn viên trường. Nhà trường vội xé các bích chương và đưa cô lên gặp Hiệu Trưởng. Cô bị đuổi học một ngày!
Các nữ sinh của trường trung học Beaconsfield ấm ức. Cô bé Lauren Paquay, 15 tuổi, tức khí nên ngày hôm sau đã mặc chiếc quần soọc siêu ngắn luôn! Cô nhỏ lại còn tuyên bố một câu xanh rờn: “Con người có quyền thể hiện chính mình. Các nữ sinh bị xét xử vì cách ăn mặc của họ, họ phải thay cách ăn mặc vì cách các nam sinh nhìn họ. Chính các nam sinh này phải là những người cần phải học hỏi cách đối xử với nữ giới đứng đắn hơn và nhìn nữ giới với cặp mắt khác”.
Một ông bố, ông Brian Dollimore, đưa hai cô con gái tới trường vào ngày hôm sau, một cô mặc váy ngắn, cho biết là ông đã hỏi cô con gái là cô có chắc muốn mặc như vậy không. Cô gái trả lời cô cảm thấy rất an tâm với cách ăn mặc này. Ông kết luận: “Có những quy định có lý nhưng cũng có những quy định xem ra quá đáng!”.
Cơn bão tưởng chỉ thổi qua Québec nhưng thực ra đã hoành hành khắp Canada. Tại trường trung học Menihek ở Labrador, tỉnh bang Newfoundland, 30 nữ sinh đã phải ra về vì vi phạm quy định ăn mặc của nhà trường trong đó có những em mặc áo hở nách và để lòi giây nịt ngực! Tại thủ đô Ottawa, em Tallie Doyle, học sinh lớp 8, phải thay áo khi em mặc chiếc áo cũng để hở dây nịt ngực. Giữa tháng 5 vừa qua, tại Truro, tỉnh bang New Scotland, nữ sinh Makayla King bị phạt vì mặc quần soọc quá ngắn. Bà mẹ em cho biết: “Quần của con gái tôi rất thường, có chiều dài hợp lý, không làm nhăn nhúm, không có lỗ hở, không quá trễ dưới bụng. Không có chuyện phô ra những gì không được phép phô ra”. Bà cho rằng con gái bà bị kỷ luật chỉ vì chiếc quần soọc đã làm các nam sinh và các giáo viên lo ra! “Hình như là phần đông các nam sinh và nam giáo viên có vấn đề. Thật không công bằng với các nữ sinh!”.
Nếu không có cánh đàn ông
Cần chi váy ngắn, màu hồng , màu xanh ..
Đói no - sướng khổ đã đành
Cùng nhau sắm bộ đồng hành vui chơi...
Váy xiêm làm đẹp cho đời
Chỉ tội con mắt của người nhìn nghiêng...
Mấy câu thơ này tôi nhặt được trên net, không có tên tác giả.
Vậy ra vấn đề không phải là chiều dài chiếc váy hay chiếc dây nịt ngực lộ ra mà là cặp mắt “nhìn nghiêng” của các nam sinh và các thầy giáo. Câu chuyện khá gay go. Làm sao mà bắt các nam nhân này nhắm mắt được. Trăm ông như một, đều có cặp mắt vị…nghệ thuật! Lỗi tại ông trời. Ai bảo trời sinh ra chuyện rắc rối như vậy. Cứ tạo ra trên trần thế này toàn một thứ đực rựa hay thị mẹt thì đâu có chuyện lôi thôi. Nhưng nếu vậy thì chán chết. Có nếp có tẻ thì đời mới vui. Và có ý nghĩa. Dù không có chuyện ăn mặc mát mẻ thì mấy anh đàn ông vẫn cứ có vấn đề như thường. Tôi nhớ khi còn học trung học, tôi có đọc trong một cuốn truyện nào đó, hình như cuốn Four Daughters of Doctor March (Bốn Cô Con Gái Của Bác Sĩ March) của Louisa May Alcott thì phải, một ý tưởng. Đó là lời ông bố bảo con gái khi thấy cô này mặc chiếc váy hơi ngắn một chút: “Với chiếc váy này thì tụi con trai không cần tưởng tượng chi nữa cả!”. Vậy nên dù các nữ sinh có kín cổng cao tường tới đâu chăng nữa thì vẫn cứ…ngắn ngủn như thường. Chỉ mất công tưởng tượng. Vậy thì chẳng ai có lỗi, trừ ông trời. Mà ông trời cũng chẳng có lỗi nữa: chuyện này nằm trong lập trình của ổng để cái giống người được sinh sôi nẩy nở!
Chiếc váy tưởng chỉ gây ra bão tại Canada chúng tôi ai ngờ lại là chuyện…quốc tế! Trường Walkwood Church of England Middle School ở Redditch, Worcestershire bên Anh thẳng thừng ra lệnh cấm các nữ sinh mặc váy. Lý do là vì chiếc váy càng ngày càng ngắn. Thay vào đó, các nữ sinh bị bắt buộc phải mặc quần dài. Nam nữ chung một kiểu đồng phục, bình đẳng như nhau. Phụ huynh học sinh của trường cho quy định này là “điên rồ”! Làm vậy thì con gái họ có thể bị bối rối. Con gái mà không được mặc đồ con gái, bối rối là phải. Không phải chỉ có trường Walkwood này…điên rồ mà có tất cả 63 trường trung học ở Anh đều điên như vậy. Để chặn lại cơn điên…tập thể này, tổ chức School Skirt Ban, một tổ chức bênh vực các bậc phụ huynh chống lại lệnh cấm đã kết tội quy định vớ vẩn này là bất hợp pháp! Phát ngôn viên của tổ chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi được biết là việc này chưa có tiền lệ pháp lý nhưng Equality and Human Rights Commission ( Ủy Ban Bình Đẳng và Nhân Quyền) đã mạnh mẽ khuyên các trường không nên đưa ra quy định như vậy. Hành động cấm các nữ sinh không được mặc váy được coi là gián tiếp phân biệt!”.
Cũng vì mặc váy ngắn, cô nữ sinh viên Geisey Arruda, 20 tuổi, của trường Đại Học Bandeirante tại Sao Bernado do Campo, ngoại vi của thành phố Sao Paulo, Brazil, đã bị đuổi học! Chuyện xảy ra vào tháng 11 năm 2009. Trường đã phải kêu cảnh sát tới đưa cô này ra khỏi khuôn viên trường. Cảnh sát đã phải choàng thêm chiếc áo khoác màu trắng của một giảng viên phòng thí nghiệm khi dẫn giải cô Arruda giữa những la ó của các sinh viên khác. Trong một quyết định sau đó, trường cũng trục xuất cả các sinh viên la ó xúc phạm tới cô này. Vậy là cả hai phe đều…thất học! Clip quay sự việc này đã được tung lên YouTube làm dấy lên một làn sóng tranh cãi khắp nước. Hiệp Hội Sinh Viên Quốc Gia Brazil ra tuyên bố phản đối quyết định của nhà trường. Một viên chức phụ trách về chính sách đối với phụ nữ của Brazil đã phê bình nhà trường “hẹp hòi và phân biệt đối xử”.
Cô Geisey Arruda bỗng nổi tiếng ngang xương. Cô làm tới: kiện nhà trường và đòi bồi thường thiệt hại. Cô thuê luật sư đàng hoàng và đòi bồi thường tới 570 ngàn đô Mỹ! Không biết cô tính sao mà ra số tiền thiệt hại này. Trường hoảng quá nên rút lại quyết định để cho cô Arruda nhập học lại. Khoa Trưởng Ellis Brown bào chữa cho chuyện nói đi nói lại của trường: “Có hàng trăm nữ sinh viên mặc váy ngắn trong trường mỗi ngày nhưng chưa từng có chuyện gì xảy ra. Kích cỡ của váy chưa bao giờ bị đưa ra thảo luận, mà vấn đề là ở cách cư xử của sinh viên này”. Theo nhà trường thì cô Arruda đã đứng ưỡn ẹo chụp hình và có những cử chỉ khiêu khích “hoàn toàn không phù hợp với môi trường Đại Học”.
Bên Á châu chúng ta, chuyện váy ngắn cũng sôi nổi không kém. Các nữ sinh Nhật Bổn đều mặc đồng phục có váy. Du khách nhìn vào thấy váy của các học sinh xứ Thái Dương Thần Nữ cao vời vợi! Nhưng dân Nhật quan niệm chiều cao của chiếc váy đồng phục không phải là dấu hiệu lỏng lẻo đạo đức của tuổi trẻ mà mang lại dáng vẻ trẻ trung và dễ thương cho các em. Tại Shiga, Shibuya hay Niigata hoặc bất cứ nơi nào trên đất Nhật, các em bé đều cũn cỡn như vậy. Một em phát biểu: “Chúng tôi thấy trẻ đẹp khi mặc váy ngắn, có điều chi sai trái khi mặc như vậy?”. Có người cho điều sai trái là các em mặc ngắn như vậy sẽ bị…lộ pantsu. Pantsu là đồ lót. Nhưng các em không mắc cở chi chuyện đó vì có hàng trăm cách để che dấu không để pantsu nhìn thấy ánh mặt trời!
Ông bạn nhà thơ Quan Dương của tôi có vẻ không ưa kỹ thuật dấu hàng của các em học sinh này. Chuyện gói mở coi bộ nhói con tim của nhà thơ.
Thân mình em đựng bảo trân
Gói ba bốn lớp che phần muốn coi
Mở ra trắng tựa mây trời
Nhói tôi thấp thỏm đứng ngồi lặng thinh.
Càng thâm niên sinh viên càng lơ là việc gói ghém là chuyện đồng phục của các sinh viên Thái. Năm 2011, người ta tổ chức một cuộc thăm dò để tìm ra đồng phục của các sinh viên học sinh nước nào sexy nhất thế giới. Kết quả làm nhiều người ngạc nhiên. Thái Lan đạt hạng nhất. Dư luận người dân xứ Phật này bất bình. Thực ra không phải đồng phục có vấn đề mà vì các sinh viên cố tình cắt ngắn hơn. Càng cao tuổi càng cao váy. Đồng phục thay đổi theo thâm niên học tại trường. Năm thứ nhất mặc váy xếp ly đen dài tới đầu gối, áo sơ-mi trắng cộc tay, giầy bata và vớ trắng. Qua năm thứ hai, nữ sinh mặc váy bó, cũng dài tới đầu gối, và tùy theo ngành học mà có đường xẻ khác nhau, hoặc phía trước, phía sau hay lệch sang một bên. Thay vì giầy bata của năm thứ nhất là giầy cao gót màu đen. Đến năm thứ ba và thứ tư thì…sexy. Váy sẽ leo lên cao khoảng từ một nửa đến một gang tay! Đàn chị đã được ưu tiên ngắn lại còn được tự do cách điệu nên chị nào cũng muốn mình sexy hơn!
Nói chuyện váy ngắn mãi cũng chán, tôi muốn mời các bạn quay về chiếc váy cổ truyền của dân ta. Các cụ ta ngày xưa cũng váy viếc như ai nhưng váy của các cụ rất nền nếp. Nó dài thoòng tới gót chân và rộng thùng thình. Trông như chiếc nơm úp cá hay cái lồng gà. Chắc các cụ ông nản với chiếc váy này nên gọi là váy đụp! Lại còn giễu bằng một câu đố: Cái thúng mà thủng hai đầu / Bên ta thì có bên Tàu thì không.
Thời vua Minh Mạng, vua quan cho rằng cái váy không có đáy là thiếu văn minh nên ra chiếu chỉ bắt các bà mặc quần. Tôi nghĩ chắc vua quan nước ta thời bấy giờ cứ lấy Trung Hoa làm mực thước của văn minh. Đàn bà Tàu không mặc váy thì phải cấm đàn bà ta mặc váy cho bằng Tàu!
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!
Không đi thì chợ không đông
Mà đi lột lấy quần chồng sao đang.
Đó là thơ phản kháng của dân chúng trước cái lệnh kỳ cục này. Không những phản kháng bằng…văn học, các cụ bà còn phản kháng bằng hành động. Nhất định không mượn quần của chồng để ra đường. Vẫn cứ váy mà mặc. Chiếc váy đụp này còn sống sót cho tới ngày tôi còn nhỏ. Tôi còn nhớ mỗi nhà trong làng tôi ngày đó đều đặt một cái lu hay chậu sành mẻ ngoài cửa, bên ngoài hàng rào, để xin nước tiểu thiên hạ. Ông đi qua bà đi lại, nếu có nhu cầu giải tỏa thì cứ việc tồ tồ vào trong lu. Gia chủ sẽ thu nước tiểu để tưới vườn tược. Nhà tôi ngày đó ở phía bên ngoài làng, trên đường cái quan lên tỉnh, cũng có cái lu đặt ngay bên cạnh cửa ra vào. Chắc vì tọa lạc ngay ngoại thành Hà Nội nên mỗi nhà đều cách xa nhau chứ không xúm xít như trong làng. Vì vậy nên thu hoạch cũng khá. Các ông thì cứ thản nhiên kéo quần làm mưa. Các bà cũng rất thoải mái. Chỉ cần đứng vào giữa cái lu thấp, váy vẫn rủ xuống như thường, xòe xòe một cách tỉnh bơ. Kín mà hở vì các bà không mặc…nội y!
Chiếc váy đụp của các bà thời đó dĩ nhiên chẳng có thớ chi để đi vào văn học. Nhưng cái váy Đình Bảng thì đã được thi sĩ Hoàng Cầm dắt vào thơ.
Váy Đình bảng là cái váy chi? Làng Đình Bảng thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, quê hương quan họ. Bắc Ninh vừa sát Hà Nội, vừa là quê hương của vua Lý Thái Tổ, người đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội) nên văn minh hơn các vùng quê khác. Đàn bà con gái Bắc Ninh vì vậy ăn mặc cũng văn minh hơn, chiếc váy cũng hơn xa chiếc váy đụp váy đùm. Váy Đình Bảng hơi chùng xuống một chút, hai bên hông vẫn giữ cao như cái cửa võng. Cửa võng là một kiểu trang trí bằng gỗ ở phần cửa nhìn ra sân đình, nơi các quan viên xem lễ hội làng. Cửa võng được khắc trạm cầu kỳ, cong cong nên còn được gọi là y môn. Chúng ta hãy nghe chính Hoàng Cầm nói về chiếc váy Đình Bảng: “Váy cửa võng từ váy đùm, váy kép mà ra. Số là váy cửa võng phần trước váy chùng xuống những mép cong cong như cái cửa võng. Người mặc váy khéo phải thu xếp làm sao phía trước rủ xuống mu bàn chân, phía sau hơi hếch lên gót bàn chân”.
Bài thơ của Hoàng Cầm mang tên “Lá Diêu Bông”, được sáng tác vào năm 1959, bắt đầu bằng chiếc váy Đình Bảng.
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Chị đây là chị Vinh, hơn tác giả 8 tuổi, vậy mà tác giả chơi trèo bày đặt yêu thương. Hoàng Cầm kể lại: “Đấy là một buổi chiều thứ bảy, tôi trọ học trên tỉnh về thăm nhà. Nhà tôi bên cạnh một cái ga xép, có mấy cái quán quê lèo tèo bên đường số 1. Mẹ tôi cũng có một cái quán hàng xén. Tôi vừa bước vào ngõ thì thấy một cô gái đang cúi mua gì đó chỗ quán mẹ tôi. Nắng chiều chênh chếch vào hai bắp chân thật đẹp dưới váy cô. Bỗng cô ngoảnh mặt lại nhìn tôi, và tôi cũng nhìn vào gương mặt kiêu sa của cô. Lập tức tôi thấy mình choáng váng, sự choáng váng mà sau này tôi biết người ta vẫn gọi là tiếng sét ái tình. Đúng như vậy, đấy là cú choáng của tình yêu nam nữ thực sự!”. Hình ảnh chị Vinh gắn liền với chiếc váy Đình Bảng.Năm Hoàng Cầm 12 tuổi, chị Vinh đã vừa đôi mươi, lần cuối cùng nhà thơ của chúng ta gặp chị, vẫn hình ảnh chiếc váy; “Đấy là một buổi chiều đông, đang chơi thơ thẩn trước ngõ, tôi bỗng thấy chị Vinh đi từ nhà ra phía cánh đồng đã gặt, chỉ còn nhấp nhô cuống rạ. Tôi bám theo chị. Chị mặc áo lụa đã bạc màu, yếm cánh sen và chiếc váy vùng Đình Bảng gấp nhiều li buông chùng như võng. Mỗi bước đi của chị làm cho chiếc váy lược dập dờn như sóng, để lộ hai gót chân trắng như ngó cần”.
Coi bộ tôi cũng đã yêu chiếc váy Đình Bảng. Mấy ông bạn tôi nghe tôi phát ngôn như vậy đều lấy làm ngạc nhiên. Vậy váy ngắn để cho ai? Các ổng hỏi là hỏi vậy thôi chứ có ông nào nhường ông nào đâu! Tôi thì váy nào cũng vừa mắt nhưng váy Đình Bảng đã chụp được thơ nên, nhờ các ông tí, xê ra cho tôi…văn học!
07/2014
|