16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

TƯỢNG

Anchorage là thủ phủ của tiểu bang Alaska của Mỹ. Thuộc Mỹ nhưng tiểu bang này không dính vào đất Mỹ. Nó leo lên chót vót Bắc cực, trên cả Canada chúng tôi. Dân Việt ta ở Mỹ biết tới tiểu bang lạnh lẽo này chắc chỉ vì những chuyến đi cruise rất phổ biến tới miền hoang lạnh băng giá. Dân Mỹ biết nhiều tới Alaska kể từ khi có bà Sarah Palin quậy tới bến trên chính trường Mỹ. Bà này thuộc đảng Cộng Hòa và là Thống Đốc tiểu bang Alaska từ năm 2006 đến 2009. Nhưng cả nước Mỹ chỉ biết tới bà khi bà ra ứng cử Phó Tổng Thống trong liên danh với Nghị sĩ John McCain trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2008. Bà trở thành người dân Alaska đầu tiên và là người phụ nữ đầu tiên của đảng Cộng Hòa ứng cử chức vụ này. Sau cuộc bầu cử, mặc dù thất bại, bà Palin bỗng nổi đình nổi đám và là một trong những sáng lập viên phái Tea Party là phái cánh hữu của đảng Cộng Hòa. Đảng này đang làm chao đảo chính trường Mỹ. Có lẽ cái tính quậy của bà có ngay từ thời còn là sinh viên. Bà là sinh viên…liên trường. Đầu tiên, năm 1982, bà theo học tại University of Hawai ở Milo, chuyển trường qua Hawai Pacific University ở Honululu, chuyển qua North Idaho College, rồi University of Idaho, chuyển qua Matanuska-Susitna College ở Alaska. Năm 1986, bà trở lại University of Idaho và tốt nghiệp bachelor ngành truyền thông vào năm 1987. Tổng cộng bà học qua 5 trường Đại học! Quả là lang bang!

Tôi biết Anchorage khá sớm, năm 1967. Thực ra tôi chỉ ghé qua phi trường vài giờ để đổi máy bay từ Mỹ về Nhật Bản. Vậy mà tôi cũng chụp được một tấm hình đứng bên một chú gấu khổng lồ trong phi trường. Đúng ra chỉ là bộ da gấu được nhồi không biết thứ gì ở bên trong. Da gấu nhồi không phải là một bức tượng. Tôi mê tượng. Đi tới đâu mắt tôi cũng chăm chú vào tượng. Lần đó tôi có mua một bức tượng do dân da đỏ tạc. Ngày đó, tôi nghĩ: mấy khi tới được chỗ khỉ ho cò gáy này nên phải chụp cơ hội tức khắc.

Vậy nên giờ đây, đọc thấy tin có một bức tượng Phật bằng đá cẩm thạch cao hơn một thước, nặng hơn 300 kí, được tạc tại núi Ngũ Hành Sơn ở miền Trung Việt Nam, ngồi tại một quán cà phê ở Anchorage, tôi mặn liền! Pho tượng được mang tới Anchorage và được nữ ký giả Julia O’Malley viết bài a lô trên báo Anchorage Daily News. Vậy nên dân địa phương hầu như đều biết tới pho tượng. Người thỉnh tượng từ Việt Nam về Mỹ là một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, ông Suel Jones. Ông cho biết tượng do một nghệ nhân tạc ngay bên quốc lộ. Ông mua tượng với giá 500 đô. Tiền chuyên chở về Mỹ đắt gấp đôi. Khi tượng về tới Anchorage, ông bối rối. Làm sao để chở tượng về và sẽ đặt tượng nơi đâu. Khi mua ông không tính tới những phiền toái này. Rồi ông cũng nhờ được xe cần cẩu câu tượng lên chiếc xe pick-up của ông và ông lái suốt mấy ngày liền, loanh quanh chẳng biết cho Phật trọ nơi mô. Nhà ông ở cách thành phố cả trăm dặm chỉ là một căn cabin tuềnh toàng. Ông thì sáu tháng ở Mỹ, sáu tháng ở Việt Nam để làm từ thiện. Ông định để tượng ở trong vườn nhà ông nhưng ông thấy không ổn vì quá hẻo lánh. Ông thường uống cà phê nơi quán Side Street Espresso cả hai chục năm nay nên ông muốn chủ nhân là ông bà George Gee và Deb Seaton cho để nhờ tượng. Thấy pho tượng quá đẹp, họ đồng ý. Mọi người xúm nhau khênh tượng vô. Tượng quá nặng, làm sao khênh. Họ gọi thêm người tới giúp nhưng cũng chẳng ăn thua chi. Đúng lúc đó có hai chiếc xe mô tô xuất hiện. Họ đã phóng nhanh qua nhưng không biết sao họ vòng lại. Khi biết mọi người muốn khiêng bức tượng vào quán cà phê, hai ông lực lưỡng như lực sĩ này bèn nhào vào giúp. Họ bảo mọi người dang ra. Hai người có những bắp thịt cuồn cuộn đã khiêng bức tượng vào trong quán. Bà chủ quán nhớ lại: “Tôi đã xúc động đến muốn khóc. Bức tượng Phật sao mà đẹp quá!”. Tượng được đặt giữa một chiếc tủ lạnh và một chiếc bàn phủ khăn xọc ca-rô. Phật ngồi như vậy trong hai năm. Ông chủ bức tượng Suel muốn bán bức tượng để có thêm tiền làm việc thiện tại Việt Nam nhưng không có ai mua. Ông nói: “Chúng tôi không may mắn trong việc bán tượng. Giống như là tượng đã quyết định ở lại đây, không muốn đi đâu hết”. Khách hàng của tiệm cà phê dần thân quen với tượng. Hai vai tượng xỉn đi vì những dấu tay xoa lên trên. Họ thân mật với tượng nhưng vẫn đặt thêm đèn cầy và choàng lên tượng vòng hoa để tỏ vẻ tôn kính. Tượng như một thành viên trong quán. Không ai có thể nghĩ tới ngày nơi đây không còn bức tượng. Vào khoảng tháng 6 năm 2011, một người bằng lòng mua bức tượng với giá 3 ngàn đô. Khách hàng uống cà phê ngơ ngẩn. Tượng sắp rời xa họ. Ai cũng buồn khi nghĩ tới lúc Phật ra đi. Nhưng người mua tượng là một người kỳ bí. Ngồi ngắm tượng với ly cà phê trong tay, ông tiến tới quầy trả tiền cà phê. Ông rút thêm ra sấp tiền 3 ngàn đồng đưa cho ông chủ và cho biết ông chỉ mua tượng với một điều kiện: Phật phải ở đây chứ không được di chuyển đi đâu hết. Vậy là Phật…định cư!

Ông Suel cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên nhưng rồi tôi cũng hiểu, tôi biết ông ấy muốn chia sẻ tượng với mọi người”. Bức tượng lại một lần nữa làm mê hoặc con người. Lần trước, tại Ngũ Hành Sơn, ông cũng đã trực diện với tượng. “Tôi chỉ nhìn pho tượng và biết rằng mình muốn thỉnh bức tượng này hơn những tượng khác nằm quanh đấy. Tôi không thể giải thích tại sao tôi thích tượng Phật đó, có lẽ vì nét mặt, có lẽ vì chất liệu, tôi không thật sự hiểu!”. Ông chỉ biết rằng, khi còn là một lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi tham chiến tại Việt Nam bốn chục năm trước, ông đã tiến vào một ngôi chùa tan hoang vì bom đạn tại Cam Lộ và ông nhìn thấy một pho tượng Phật ngồi thanh thản vững vàng giữa đống đổ nát. Nụ cười của tượng Phật ngày đó đã nằm trong ông. Có thể ông đã nhìn thấy lại được nụ cười đó trên pho tượng này, và ông đã không thể bỏ đi như ông đã rút lui khỏi ngôi chùa bốn thập niên trước.

Trong đời người, có những lúc trong lòng dấy lên một tình cảm rất lạ. Chuyện tượng Phật của ông Suel làm sống lại cái cảm giác lạ lùng của tôi hơn một thập niên trước. Năm 2002, tôi tới khu Thung Lũng Tình Yêu ở Đà Lạt. Tại đây có một dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách. Chán cái cảnh khu đồi thơ mộng xưa nay bị phá nát để trở thành một khu du lịch quê mùa, tôi lang thang trên dãy cửa hàng này. Nhìn vào những bức tượng nằm ngồn ngang trên từng cửa hàng, tôi bỗng thấy một pho tượng Phật với nét mặt thanh thản lạ lùng. Kết ngay, hỏi giá rồi trả giá. Thực ra muốn mua ngay tút suỵt nhưng không trả giá sợ…quê. Lỡ bị hớ thì mất mặt! Cô bé bán hàng lắc đầu, chỉ các tượng Phật chung quanh: “Chú lấy các tượng khác đi!”. Tại sao? “Tượng này do anh cháu khắc. Chỉ có một tượng duy nhất”. Vậy thì móc tiền liền! Trưng tượng trong nhà được đúng một con giáp rồi, nhìn lại vẫn thích.

Lần về Việt Nam sau, đi loanh quanh trên phố, ghé vào tiệm sách của nhà thờ Đức Bà, xưa tên là Hòa Bình, nay tôi chẳng nhớ tên chi. Cũng một dãy tượng gỗ đứng đầy trên mặt tủ. Dễ chừng tới cả trăm tượng. Vậy mà thấy ngay một tượng rất có hồn và rất lạ. Tượng là một khúc vỏ cây, tà áo tung bay là một mảnh vỏ cây mỏng. Nghệ sĩ không thêm thắt chi vào tà áo này. Ôm ngay tượng tới quầy trả tiền. Giá quá rẻ. Lật tượng lên thấy một cái tên viết trên giấy dán vào dưới đáy tượng. Hỏi cô bán hàng có phải là tên người khắc tượng không? Cô nhỏ gật đầu. Hỏi có thể gửi thêm tiền thưởng không? Cô lắc đầu: “Tượng do nhiều nhà dòng gửi tới bán nên cháu không thể liên lạc với từng người được. Cám ơn chú!”.

Đi tới đâu, có tượng là tôi xà vào. Như có ai xui khiến. Chắc là ông Rodin! Ngày còn đi học, tôi  được coi khá đều một tập san nhiếp ảnh ngoại quốc. Trong một số báo, họ chụp hình bức tượng nổi tiếng The Thinker (Người Suy Tưởng) của Auguste Rodin. Nhìn bức hình chụp tượng tôi mê ngay. Từ thế ngồi tới nét mặt, trông hết sức…suy tư. Hồi đó tôi đang mê triết học nên khoái…suy tư. Mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, tay cắp cuốn sách dày cộm, dáng đi hết sức bất cần đời, coi đời như rác! Vậy nên “suy tư” gặp “suy tư”, bắt liền.

Vậy mà khi có dịp tới Paris tôi lại chỉ tới Viện Bảo tàng Louvre trong khi bức tượng The Thinker được trưng ở Viện Bảo tàng Rodin. Nhưng tới Louvre tôi lại được diện kiến một bức tượng nổi danh khác: bức Venus (Vệ Nữ). Cô nàng…tật nguyền này rất nổi tiếng tuy cho tới nay người ta vẫn chưa biết tác giả là ai. Tôi nói tật nguyền là vì bức tượng này không có tay. Hai tay đều cụt ngủn. Tay phải còn được một mẩu thừa, tay trái cụt sát tới vai. Bức tượng này có niên đại từ thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai trước công nguyên. Nàng vệ nữ này đã già lắm lắm rồi nhưng vẫn còn duyên. Thiên hạ chen chúc nhau xung quanh để chụp hình, quay video. Người ngắm tượng coi bộ ít. Tôi chỉ bắt gặp một cô, có lẽ là sinh viên mỹ thuật, khoanh tay đứng từ xa nhìn bằng đôi mắt say mê. Bức tượng được tìm thấy trên đảo Melos của Hy Lạp vào năm 1820.

Khi từ Paris qua Vatican, vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô thì tôi cố tìm cho bằng được pho tượng Pietà quá nổi tiếng của thiên tài Michelangelo. Tượng diễn tả cảnh Mẹ Maria bồng Chúa Giêsu khi thân xác vừa được hạ xuống khỏi thánh giá. Thực ra chẳng cần tìm cũng thấy vì cứ thấy chỗ nào du khách đứng vây quanh đông nghẹt là đúng chỗ có Pietà. Tượng nằm ngay phía bên phải của cổng vào. Khi chờ vào được tới gần thì tôi hơi thất vọng. Tượng được đặt trong một khu thờ nhỏ, lõm sâu vào tường, phía ngoài được bao bọc bằng kính trong suốt. Ánh đèn vàng vọt lờ mờ khiến tượng như quá xa cách. Vị trí của một tượng thờ chứ không phải một công trình điêu khắc tuyệt mỹ của thiên tài xưa. Không biết dàn kính che cả khu thờ để bảo vệ  bức tượng khỏi bị tàn phá với thời gian hay vì phòng thủ thụ động sợ tượng bị kẻ gian rinh mất. Tượng được khắc từ năm 1499, tính tới khi tôi đứng chiêm ngưỡng tượng vào năm 2008 đã hơn 500 năm.

Bệnh mê tượng của tôi hết thuốc chữa. ngồi coi World Cup đang diễn ra ở Ba Tây mà khi nào thấy bức tượng Chúa đứng trên núi giang hai tay nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro là tôi lại lơ là với trái bóng. Đó là bức tượng Cristo Redentor (Chúa Ki Tô Cứu Thế). Chúa đứng trên cao quá nên đường nét của tượng tôi thấy không rõ ràng dù Chúa là người khổng lồ cao tới 30 thước, nặng tới vài chục tấn! Nhưng vị trí trên cao 710 thước, nhìn xuống thành phố với bờ biển cuồn cuộn dưới chân quả là một thế đứng…đế vương. Hai cánh tay dang rộng tới 23 thước như bao bọc lũ nhân gian nhung nhúc bên dưới. Tôi ước được có dịp qua Ba Tây, leo tới chân tượng, nhìn bao quát xuống thành phố bên dưới để thấy phận con người như những sinh vật lúc nhúc dưới chân Chúa. Thiên nhiên thường có những bài học vô giá.

Khi tới Chu Trang tôi chỉ muốn tìm tới thiên nhiên. Chu Trang là một thị trấn cổ nằm ở ngoại ô Thượng Hải bên Trung Quốc, cách Thượng Hải 60 cây số và cách Tô Châu 30 cây số. Chu Trang thường được mệnh danh là “Venice của Á Châu”. Muốn vào thị trấn phải ngồi trên những con đò, len lỏi qua con kinh hẹp, hai bên là nhà sàn kiểu Trung Quốc. Mỗi chiếc đò chở được khoảng chục người, khác với những chiếc gondola của Venice bên Ý thường chỉ chở hai người tuy sức chứa tối đa có thể là sáu người. Ở đất nước cờ sao đỏ, người ta thơ mộng tập thể! Thuyền chèo bằng tay, mái chèo dính vào cây trụ phía đuôi thuyền, bác lái mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hai tay chèo thoăn thoắt chẳng còn sức đâu mà hát như những bác chèo thuyền gondola. Thuyền chui qua những cây cầu đá. Nơi đây có tới 36 cây cầu toàn bằng đá, chỉ có một cầu duy nhất bằng gỗ. Đó là Cầu Lang, một kiểu cầu có mái che mang đặc tính của cầu Trung Quốc. Vào tới thị trấn, tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh như trong phim Tàu thời xưa. Cây cao, đường đá, những cây cầu nho nhỏ bắc ngang qua kinh và nhất là những cửa tiệm. Nếu người dân nơi đây ăn mặc theo lối cổ chắc các nhà đạo diễn không tốn công dựng cảnh quay phim thời vua chúa xưa. Tôi sà vào những quán hàng nho nhỏ mọc đầy dẫy trong thị trấn. Họ bán đủ các thứ đồ kỷ niệm và đồ giả cổ. Nhiều gian hàng bụi bặm, tối tăm, trưng bày những bức tượng già nua. Đúng chỉ số của tôi! Tượng đồng, tượng đá, tượng gỗ, mặc sức mà chọn lựa. Tưởng vậy hóa không phải vậy. Khó tìm được một bức tượng có nghệ thuật. Loanh quanh hết cửa hàng nọ tới cửa hàng kia, tôi chỉ kết được một bức tượng Phật nằm nho nhỏ. Cuộc đấu trí bắt đầu. Thường họ đưa ra cái giá gấp chục lần giá bán. Lớ ngớ là lãnh đủ. Dù với giá nào tôi cũng phải thỉnh được tượng Phật nằm này về. Bây giờ, Phật đang nằm trên kệ sách nhà tôi!

Chắc thấy tôi toàn nói chuyện tượng Phật với tượng Chúa, nhiều vị tưởng tôi thích vói cao. Không có đâu! Tôi chỉ hướng…mỹ, nghĩa là yêu cái đẹp. Dáng hình tôi thấy đẹp nhất là hình ngựa sải chân phi nước kiệu. Chắc lại có nhiều vị tưởng tôi tuổi ngựa. Không phải đâu. Ngựa phi như vậy mệt lắm. Chắc chắn không có tôi.

Trong một lần từ Nha Trang lên Đà Lạt, tôi có ghé vào một ngôi chùa trên đường. Toàn thể kiến trúc chùa được ốp bằng những mảnh chén, tách và chai đủ kiểu cọ, đủ màu sắc. Con rồng có thân hình dài ngoẵng nằm dài suốt từ trong sân ra cửa chùa, dài dễ có hơn chục thước cũng toàn chén với chai. Vào chùa vì thấy chùa này độc đáo nhưng khi vào phòng bán kinh và tượng Phật cùng đồ lưu niệm, tôi bỗng thấy một pho tượng bằng pha lê trắng tạc một cặp ngựa đang vờn nhau. Tôi mê liền. Cặp ngựa, một lớn một nhỏ, chắc một đực một cái vì thợ khắc không đi vào chi tiết nên tôi đoán mò, trông rất sinh động. Từ dáng chân đến cặp bờm trông rất đã mắt. Lúc đó, phòng không có ai trông coi. Thời giờ gấp gáp, tôi đi vòng quanh tìm kiếm, may gặp một sư bà. Tôi trình bày ý định, bà vội vào trong kiếm người phụ trách. Vị ni cô trẻ nói giá bao nhiêu, tôi móc bóp trả ngay. Ai lại đắn đo tiền bạc nơi cửa chùa vì giá nào thì tôi cũng còn thấy rất rẻ. Rẻ như của chùa!

Tôi mê tượng, bạn bè thân quen đều biết. Có người mặc kệ tôi muốn mê chi thì mê, nhưng cũng có người dè bỉu. Mê gì không mê, đi mê cái thứ không nhúc nhích chi nổi, đứng đâu yên đó, cứ như…tượng. Một ông bạn cắc cớ hỏi: “Này ông, ông có còn chỗ nào để mê người không?”. Biết là ông bạn nói kháy nhưng tôi vẫn cứ chân chất: “Còn chứ, còn chỗ để mê người đẹp như…tượng!”.

08/2014