16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

XÉT

Bà già Ting Ting Tam, 72 tuổi, ngụ tại Ottawa về Trung Quốc thăm gia đình và trở lại Canada qua ngả phi trường quốc tế Macdonald-Cartier tại Ottawa vào ngày 7 tháng 11 năm 2012. Trong phiếu khai quan thuế bà trình ra tại phi trường, bà khai không mang thịt trong hành lý. Nhân viên quan thuế tại phi trường hỏi bà hai lần là bà có mang thực phẩm, cây trồng, kẹo bánh hay bất cứ thứ gì cần khai trong hành lý của bà không. Cả hai lần bà trả lời không có những thứ đó. Thấy vẻ bối rối khi trả lời của bà Tam, nhân viên quan thuế mời bà vào phòng khám bổ túc. Kết quả là bà có mang theo thực phẩm làm bằng thịt heo chế biến ở Trung Quốc. Chiếu theo luật, bà bị phạt 800 đô.

Chuyện chưa dừng ở đó. Bà Tam chỉ biết chút tiếng Anh nên nhờ một người bạn là Tony Fan kiện vụ bị phạt ra tòa Tái Xét Canh Nông (Canada Agricultural Review Tribunal). Ông bạn Tony này cho biết trong một cuộc phỏng vấn là bà chỉ mang theo một số lạp xưởng trị giá chừng 5 đô mua ở phi trường Hong Kong nhưng chưa kịp ăn. Bà bị cao máu nhưng quên uống thuốc và hơi luống cuống khi bị nhân viên quan thuế tra hỏi. Ông này nói tiếp: “Nếu bà ấy ăn trước khi vào Canada thì đã chẳng có chuyện chi xảy ra. Bà Tam không đáng bị phạt như vậy”. Người nhân viên quan thuế ghi trong phúc trình vụ này như sau: “Theo kinh nghiệm của tôi thì những người Hoa từ Trung Quốc nhập cảnh trở lại thường mang thực phẩm theo”.

Tòa Canh Nông kết luận là bà Tam bị đối xử bất công vì nhân viên quan thuế có định kiến là người Hoa hay mang thực phẩm vào Canada. Chánh án Bruce La Rochelle phán quyết là bà bị khám bổ túc vì “ định kiến không thích đáng: vì chủng tộc của bà Tam”. Tòa tha bổng.

Chuyện vẫn chưa dừng ở đây. Chính phủ Liên Bang chống án lên tòa Phúc Thẩm (Court of Appeal). Trong phiên xử vào giữa tháng 10 vừa qua, Tòa Phúc Thẩm đã hủy bản án của tòa Tái Xét Canh Nông. Chánh án Marc Nadon phán “Nhân viên quan thuế tại hiện trường, như trong trường hợp này, không thể bỏ qua những kinh nghiệm thu thập được sau nhiều năm quan sát khách hàng từ mọi quốc gia nhập cảnh Canada. Viên chức này chỉ xác nhận trong lời khai là theo kinh nghiệm của ông thì thường thường người Hoa hay mang thực phẩm khi từ Trung Quốc trở về Canada. Linh cảm của viên chức này, dựa trên kinh nghiệm và quan sát cách thế phản ứng của người đối diện, đã xác minh việc khám bổ túc”. Vậy là bà Tam phải bóp bụng trả số tiền phạt tương đối khá lớn so với số tiền già bà nhận được hàng tháng.

Bản tin trên báo The Gazette mà tôi đọc được không nói rõ bà mang những thứ thực phẩm nào và số lượng nhiều hay ít. Chuyện vài cái lạp xưởng trị giá 5 đô là chuyện do ông Tony Fan nói ra thôi. Nếu bà Tam mua vài cái lạp xưởng để ăn thì tội cho bà ấy. Bởi vì nhét đồ ăn còn dư vào túi xách rất dễ quên. Tôi mới đọc được trên internet chuyện của một anh chàng Mỹ cũng vô ý như vậy. “Tôi thật bối rối khi tự thú đây là một cuộc khám xét mà tôi thua. Vài năm trước đây, tôi từ Paris trở về và phi trường đầu tiên trên đất Mỹ mà tôi tới là phi trường Detroit. Xui là bữa đó tôi bị kêu vào khám bổ túc một cách tình cờ. Họ chọn nạn nhân một cách may rủi. Tôi dính. Trong tờ khai quan thuế, tôi khai không mang theo bất cứ thứ trái cây hay rau quả nào vào nước Mỹ. Nhưng khi nhân viên quan thuế mở hành lý xách tay của tôi, họ rút ngay ra một trái chuối. Trái chuối này là đồ tráng miệng trên máy bay. Tôi không ăn và đút vào trong túi xách một cách máy móc. May cho tôi là nhân viên quan thuế chỉ nhìn tôi cười và vứt trái chuối vào thùng rác. Vụ này làm tôi khá bối rối, như mình gian dối chuyện chi!”.

Tôi gặp trường hợp đúng y boong như ông Mỹ này. Bữa đó, tôi từ Paris về phi trường Montreal. Họ cũng mời vào xét bổ túc theo may rủi. Cứ tới con số hành khách nào đó là họ chặn lại. Tôi dính chấu. Họ bắt mở tung hết cả hành lý ký gửi lẫn hành lý xách tay. Khi mở túi xách của tôi, họ khám phá ra một cái bánh săng-uých còn nằm trong bao giấy. Tôi đỏ mặt, lí nhí khai đây là phần ăn tôi mua tại phi trường còn dư lại. Cô nhân viên quan thuế to như hộ pháp dịu dàng bảo tôi bỏ vào thùng rác. Rõ ràng không cố ý nhưng tôi vẫn ngượng!

Chuyện lạp xưởng của bà Tam, tôi hơi nghi ngờ. Thường thì người Việt chúng ta, sau khi về thăm Việt Nam thường vác sang cả đống dưa cà mắm muối hương vị quê hương để ăn dần. Hầu như không ai cưỡng được việc này. Có bà còn đóng nguyên thùng cạc-tông cho mắm muối khỏi dính vào quần áo trong va-li. Về thăm quê hương hầu như ai cũng muốn vác theo món ăn khoái khẩu của quê nhà. Quê hương bắt đầu từ cái miệng. Ai cũng vậy, chẳng cứ dân ta hay dân Tầu. Tôi cố tìm ra chứng cớ để chạy tội cho dân ta.

Tôi nắm được một cô Đại Hàn. Tưởng là chạy tội nhưng cũng chưa thoát ra được cái vòng…dân ta. Ông bạn tôi ở San Francisco là người nghiện thịt cầy. Nghiện nặng. Vậy mà sang đây, cẩu chỉ để ôm chứ không để nhậu, ông bạn tôi rất ngứa mắt. Ông có cô con dâu người Đại Hàn. Có lần cô này về thăm quê hương. Quê hương Đại Hàn cũng như quê hương ta, thơm lừng mùi rựa mận. Khi về trở lại Mỹ, cô con dâu hiếu thảo tặng ông bố chồng nguyên một cái đùi chó tươi rói. Khỏi phải nói, ông bạn tôi như bắt được vàng. Ông bỏ cả cái đùi chó vào freezer như một thứ…quốc bảo. Khi nào thèm, ông cắt ra một miếng nhỏ, nấu nướng. Vừa ăn vừa để dành tiện tặn như vậy mà một bữa ông phôn tôi: “Ta có một cái đùi chó, qua đây ta nấu cho ăn!”. Tôi tưởng ông ấy nói giỡn, hỏi lại, ông xác định là chuyện thực, chú chó còn gác cái đùi không còn nguyên vẹn trong tủ lạnh. Tình bạn thật cảm động! Không hiểu vì thương bạn không muốn bạn hao hụt chó, hay vì tiếc tiền vé máy bay, tôi đã không sang. Trở lại chuyện xét: làm sao cô gái Đại Hàn lại có thể dấu nguyên một cái đùi chó qua quan thuế phi trường như vậy. Đó là một mission impossible đời nào cô ấy tiết lộ!

Bi chừ nói chuyện người xa lạ thứ thiệt. Một bài báo của ký giả Daniel Baxter có đề cập tới những vụ quan thuế phạt vì mang thực phẩm vảo hai phi trường Mỹ là phi trường Dulles ở thủ đô Washington và phi trường Baltimore nằm kế cận đó. Một hành khách từ Jamaica đến phi trường Baltimore đã giấu bốn trái ổi giữa  một cái túi nhỏ rồi giấu cái túi vào trong một ngăn túi xách. Dày công như vậy nhưng vẫn bị khám phá ra. Một hành khách từ Mông Cổ đến phi trường Dulles, còn chơi bạo hơn. Ông này giấu 6 kí thịt bò tươi và xúc xích vào trong những hộp nước ngọt. Một hành khách thứ ba từ Cameroon đến đã giấu 2 kí trái cây. Cả ba trự này, mỗi trự bị phạt 300 đô.

Hình phạt này coi bộ hơi nhẹ vì theo luật thì số tiền phạt tối đa có thể lên tới 10 ngàn đô. Hoa quả và trái cây là thứ mà nhân viên quan thuế và kiểm dịch chú ý tới nhất. Chỉ một loại côn trùng lạ do hoa trái mang vào có thể phá hoại mùa màng của cả vùng. Muốn trừ được loại côn trùng phá hoại cây trái này, người ta phải tốn rất nhiều tiền  nghiên cứu và chế tạo thuốc diệt chúng. Tiền cả đó. Nhiều tiền là đằng khác. Bởi vậy, các tiểu bang nặng về nông nghiệp như California chẳng hạn rất sợ những thứ trái cây và hoa quả mang vào. Nhưng, nếu chúng ta từ Canada mang trái cây hoặc rau quả do Canada trồng qua Mỹ thì được phép mang vào. Nhưng những thứ này phải có gắn mác rõ ràng là “product of Canada”. Nếu cũng từ Canada nhưng mang trái cây trồng ở các nước khác vào Mỹ thì…xin lỗi! Đồng bào ta chắc có nhiều người có kinh nghiệm về vụ này. Trước đây, khi các thứ trái cây nhiệt đới như nhãn, xoài, măng cụt, sầu riêng…chưa được nhập cảng vào Mỹ, dân ta từ Mỹ đổ xô qua Canada ăn cho đã thèm. Nhưng vốn có tính lo xa, ăn rồi còn nghĩ tới ngày mai nên, khi trở về Mỹ, chúng ta mang theo trái cây về cho gia đình và bà con được…hưởng phúc. Lái xe qua biên giới Mỹ - Canada nhiều phần bị tóm cổ. Thường thì các nhân viên quan thuế nơi biên giới đường bộ là những người dễ tính hơn. Nếu chúng ta khai, họ không phạt mà còn cho một đặc ân. Được ngồi ăn tại chỗ nếu muốn. Ăn được bao nhiêu thì ăn, số còn lại được yêu cầu vứt vào thùng rác. Người nào người nấy picnic tại chỗ, ăn cho một bụng đầy thiếu điều muốn bò lê bò càng. Tới khi ăn hết nổi, bỏ vào thùng rác mà nước mắt lưng tròng. Như bỏ tất cả gan ruột vào thùng rác!

Ngày con cái còn nhỏ, mới định cư, sắm được chiếc xe hơi, tôi thường đưa gia đình qua Mỹ tắm hồ. Khi thì qua Burlington bên Vermont, khi thì qua Plattsburg bên New York. Đi tắm dĩ nhiên phải mang đồ ăn thức uống theo. Qua biên giới, được hỏi thì phải khai có thực phẩm. Bao bì, thùng lạnh được mở tung ra giữa thanh thiên bạch nhật. Đồ ăn, dù có thịt, cũng được thông cảm cho qua. Nhưng trái  cây thì cấm tuyệt. Nào cam, nào chuối, nào mận, nào đào phát cho con nít ăn được bao nhiêu thì ăn, còn lại phải cho vào thùng rác hết. Hồi đó thiệt vui, dân ta bên Montreal hình như đồng loạt khoái qua Mỹ tắm, cho đổi…nước! Các bãi tắm bên đó đầy rẫy đồng bào ta. Trước khi ra bãi tắm,  hầu như chúng tôi đều gặp nhau tại các chợ thực phẩm. Để mua trái cây. Có lần vừa vào chợ đã thấy ông nhạc sĩ Hoàng Phúc cười toe. Cùng đồng hội đồng thuyền cả!

Số tôi có lẽ là số có duyên với mấy ông bà quan thuế. Lần lớ ngớ qua định cư bên Montreal, cũng đã ba chục năm, gia đình bên này cho biết chỉ thèm xoài. Ngày đó làm gì có xoài ngon ở bên này. Tin nhắn về tới tấp là cố mang xoài qua, càng nhiều càng tốt. Bà chị tôi chạy ra chợ Tân Định, dặn đi dặn lại mấy bà hàng trái cây là đúng một ngày trước khi chúng tôi lên máy bay, dành cho chục trái xoài loại cồ nô, ngọt, đẹp và còn xanh xanh. Về nhà, gói giấy bao cẩn thận, chia ra làm nhiều bao, vợ chồng chia nhau xách lên máy bay. Chuyến bay ghé nhiều chỗ. Từ Sài Gòn qua Bangkok, ở lại cả chục tiếng. Xoài coi bộ đã hồng hào hơn. Từ Bangkok qua Luân Đôn, ở lại thêm chục tiếng nữa. Xoài nhợt ra, chảy nước, phải vứt đi một nửa. Qua tới Montreal, mùi xoài lừng lên, cả đoàn người đi định cư kéo nhau vào làm thủ tục di dân tại phi trường. Có lẽ vì vào phòng làm thủ tục riêng nên nhân viên quan thuế không có cơ hội khám xét. Mùi xoài lừng lựng như vậy, chẳng cần khám cũng biết là có trái cây. Lúc đó, lao xao, nôn nức vì hoàn cảnh chung quanh, điếc không sợ súng, tôi đâu có biết là mình đang mang thứ…quốc cấm vào Canada. Nhân viên làm thủ tục định cư chắc cũng chẳng muốn lấn sân của nhân viên quan thuế nên dẫn chúng tôi ra ngoài gặp người nhà ra đón. Ông này còn cẩn thận dặn nếu không thấy người nhà thì quay trở lại phòng ông, ông sẽ thuê taxi về cho. Khù khờ nhiều khi cũng hanh thông hơn!

Đồng bào ta nên ghi nhớ là có ba thứ rắc rối tại phi trường chờ đón chúng ta khi chúng ta về thăm quê hương và trở lại đất tạm dung: cây lá, hoa quả và thịt thà. Cả chục năm nay tôi không về lại Việt Nam. Nhưng trước đây, tôi cũng đã vài phen giỡn mặt ông quan thuế. Một lần, về lại nhà cũ, thấy cây hoa sứ Thái Lan mình trồng ngày nhỏ hoa lá xum xuê đỏ rực, bèn thích. Cái thích khiến tôi liều. Cắt vài đọt, đút vào túi áo lạnh, mang sang bên đây trồng trong chậu. Khi xuống phi trường, tôi vắt chiếc áo lạnh trên tay, tỉnh bơ đi. Vậy mà thoát. Ký cóp mua chậu đẹp để trồng của quý, tưới tiếc chăm chỉ, ban ngày đưa ra ngoài trời, tối bê vào trong nhà, mùa đông mang vào, mùa hè mang ra. Cúc cung tận tụy như vậy mà cây èo uột, lá còn lơ thơ nói chi hoa. Được vài năm, chẳng hiểu vì mất công quá hay vì tình quê hương đã phai nhạt mà tôi dẹp của quý này mất tiêu!

Một lần khác, tôi muốn mang thịt bò khô qua Canada. Cô hàng thịt, bạn cô em tôi, nói để cô ấy lo. Khi ra lấy hàng, tôi thấy cô ấy dán hình con cá lên tất cả các bao. Thịt thà chi cũng biến thành cá hết. Mà cá là đồ hải sản nên được mang vào thoải mái. Lần đó may mà chẳng có ông quan thuế nào chặn tôi lại. Bị chặn không biết sự thể ra sao. Nghe ngóng dư luận của các bà các cô hay về Việt Nam, tôi được biết chiêu ăn gian đó lúc đầu work, nhưng về sau quan thuế đã có kinh nghiệm nên họ biết liền. Hú vía! Nhưng đó là chuyện trên chục năm về trước, khi thực phẩm ở Việt Nam chưa đẫm hóa chất, chứ bây giờ, cho kẹo cũng chẳng dám nhậu thịt bò khô hương vị quê hương. Vả lại bây giờ thịt bò khô làm tại Canada và Mỹ bán ê hề, hương vị chi cũng có, ôm đồm làm chi cho hại con tim khi đi diễu qua mấy ông nhiễu sự chuyên rình mò! Nhân viên quan thuế bây giờ, nhờ học hỏi được qua chiêu giấu giếm của dân ta, đã khôn ra nhiều. Cứ từ Việt Nam và Trung Quốc về là họ chơi trò khám bổ túc hết. Chẳng nên dại dột chơi trò đau tim, tốn thời giờ.

Năm ngoái, tôi bay qua Houston vào đúng mùa tôm hùm ở Montreal. Chơi luôn hai chục con, đầy nhóc một va li xách tay. Tôm đã hấp chín, để vào đá lạnh. Khi làm thủ tục, tôi khai đàng hoàng. Hải sản đâu có cấm cản chi. Cứ quang minh chính đại mà khai. Tưởng ngon vậy mà phiền phức! Họ dẫn tôi vào phòng khám riêng. Một ông quan thuế hỏi tôi mang tôm hùm sống hay chín. Tôi thành thật khai báo. Họ mở va-li, khám đi khám lại. Bỗng tôi thấy lù lù hai va-li gửi theo hành lý của tôi được hải quan mang tới. Vậy là bị lục tung cả hành lý xách tay lẫn hành lý ký gửi. Một ông rị mọ hết chỗ này tới chỗ khác. Cuối cùng ông đóng dấu cho đi. Mất toi hơn một tiếng đồng hồ. May mà bữa đó tôi đi sớm, nếu không thì đã hụt chuyến bay.

Khai tỏ tường một thứ mình biết chắc là được phép mang theo, vậy mà cũng phiền toái. Cứ đụng vào mấy ông khó thương này là thêm bực mình. Huống chi bà Ting Ting Tam không khai thứ…quốc cấm! Bị phạt 800 đô, đau thì có đau, nhưng ráng chịu! Kiện cáo lôi thôi làm chi cho tốn thêm tiền. Chắc bà này bị “cò” xúi dại!

11/2014