Một số nhà hàng ăn tại Montreal chúng tôi vừa bổ túc thêm một sản phẩm mới, không phải trong phòng ăn mà là trong phòng vệ sinh. Đó là gắn trên tường những hộp cung cấp chỉ nha khoa cho khách hàng. Cái hộp làm sạch này có tên là Oralgem do bà Marta Correia và ông Danny Filippone sản xuất ngay tại Montreal. Thực khách, sau khi no nê thịt thà bánh trái, có thể vào toilet, ngắt một đoạn chỉ nha khoa để làm sạch răng. Chỉ nha khoa là thứ mà hầu như ai cũng biết. Đó là một sợi chỉ, có loại được bôi sáp cho trơn, có loại được thêm vị bạc hà cho…mát, nhưng cũng có loại để mộc, tùy theo ý thích của mỗi người. Từ trước tới nay chỉ nha khoa này được bán từng tuýp nhỏ có thể bỏ vào túi để dùng bất cứ lúc nào. Cái mới của hai ông bà Marta Correia và Danny Filippone này là biến thứ chỉ để trong túi thành thứ bự tổ chảng treo trên tường cho mọi người dùng chung. Nhưng phải nói cho rõ: đây không phải là sáng kiến của hai ông bà này. Bà Marta đã kể lại: “Danny trông thấy loại chỉ này trong một nhà hàng tại Brazil vào năm 2010. Anh kêu tôi lại nói: “Anh nhìn thấy thứ hay ho này. Em coi kỹ coi!”. Sau đó, hai chúng tôi, một người vẽ kiểu và một kỹ sư, quyết định nhào vào sản xuất”. Công của hai người là cải tiến chiếc hộp từ một thứ như…pháo đài tại Brazil thành một thứ nhẹ nhàng, mỹ thuật và dễ dùng hơn. Bà Marta năm nay 40 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Concordia, hãnh diện với sản phẩm của hai người: “Tôi yêu những gì mà chúng tôi đã đạt được vì sự độc đáo của nó. Đó là đứa con của tôi và tôi hãnh diện có nó. Mọi người có thể dùng nó trong tiệm ăn, khách sạn và phòng tập thể dục hay ngay tại toilet trong nhà. Đó là một vật dễ thương và là một thứ quà nho nhỏ cho các khách hàng, một thứ chứng tỏ là nhà hàng tôn trọng và chú ý tới thực khách của họ. Tôi biết có nhiều nhà địa ốc đã tặng chiếc hộp này làm quà cho khách hàng của họ khi ký xong giao kèo mua nhà”. Hiện đã có khoảng năm chục nhà hàng tại Montreal và vùng phụ cận có gắn chiếc hộp chỉ nha khoa này. Tôi nghĩ không có nhà hàng Việt hay Hoa nào trong số này. Họ vẫn chỉ cung cấp tăm trên quầy thu tiền.
Hàm răng chúng ta có những kẽ hở giữa những chiếc răng. Khi ăn uống, những… tàn dư của thức ăn có thể bám vào những kẽ này để làm hại răng. Thường thì chúng ta hay dùng tăm để khều những thứ này ra nhưng dùng chỉ nha khoa ít làm hư hại nướu răng hơn. Sau này chỉ nha khoa được dùng nhiều hơn. Nghe vậy chúng ta dễ nghĩ đây là một thứ mới toanh thay thế cho cây tăm nhưng không phải, chỉ nha khoa có tại Mỹ từ thập kỷ 1800 lận! Năm 1882, chỉ nha khoa được sản xuất và bán cho khách hàng. Hãng đầu tiên làm chỉ này là hãng Johnson & Johnson. Thương hiệu này ngày nay vẫn còn! Năm 1898, hãng Johnson được cấp môn bài đầu tiên để sản xuất.
Hình như người Việt chúng ta mới biết tới loại chỉ này. Chúng ta có thói quen dùng tăm nhiều hơn. Theo tôi nhớ thì hình như tại Việt Nam trước đây không có loại chỉ này hoặc có mà quê mùa như tôi không biết! Chỉ từ khi chúng ta qua định cư bên đây mới quen dùng chỉ nha khoa. Có một ông rất tự hào là mình theo kịp thời khi dùng chỉ này. Ngồi ăn tiệc xong, mọi người dùng tăm, ông lôi sợi chỉ ra…gẩy. Gẩy như vậy dĩ nhiên có hậu quả là thức ăn thừa trong kẽ răng bắn ra gây…tai nạn cho những người ngồi quanh. Văn minh học đòi có cái giá của nó!
Tăm cũng có những tiến triển theo năm tháng.Từ những chiếc tăm tre, qua tăm gỗ đến tăm nhựa. Những ngày tôi còn nhỏ, ông nội tôi thường hay ngồi chẻ tăm tre. Ống tre tươi được cắt thành từng đoạn dài khoảng ba bốn chục phân, dùng dao mác, thứ dao có cái cán dài thoòng và lưỡi rất sắc, chẻ dọc ống tre ra thành nhiều mảnh. Dóc phần ngoài của đốt tre thường gọi là cật tre màu xanh, bỏ phần thịt trắng phía trong đi. Chẻ nhỏ phần cật ra tới khi nhỏ thành một cây tăm mới vuốt cho trơn tru rồi đem phơi nắng. Khi tăm khô bỏ vào ống dùng dần. Những chiếc tăm này thường có cạnh rất sắc, vô ý xỉa sẽ rách nướu chảy máu.
Tôi mới được coi một video clip cách làm tăm gỗ ở Mỹ. Nguyên một khúc gỗ cây, đường kính khoảng nửa thước, dài cũng khoảng đó, được cho vào máy, chạy qua nhiều công đoạn. Khúc gỗ lớn như vậy ở đầu vào, tới đầu ra thì thành những chiếc tăm nho nhỏ được khử trùng và đóng hộp.
Tăm nhựa tôi chỉ được thấy khi đã bày bán ở các nhà thuốc hoặc siêu thị. Một đầu nhọn, một đầu có những tua bao quanh. Đầu nhọn để chọc qua kẽ răng, đầu có…râu để vê những cặn bã cho sạch hết. Tăm nhựa bây giờ cũng rẻ rề, vừa vệ sinh, vừa mềm mại không làm hại răng và nướu.
Có sợi chỉ nha khoa tiện lợi tưởng rằng tăm sẽ biến mất nhưng số người dùng tăm vẫn nhiều, đủ để nuôi được kỹ nghệ làm tăm gỗ và tăm nhựa. Tăm tre hầu như không còn nữa. Tại sao người ta, nhất là người Á châu, vẫn khoái dùng tăm? Có lẽ vì cách dùng giản dị hơn dùng chỉ. Dùng chỉ phải vào chỗ có gương, vừa soi vừa khẩy trong khi tăm có thể dùng bất cứ nơi đâu, miễn là che chắn kín đáo một chút cho khỏi phiền những người chung quanh. Nhưng có những người không cần kín đáo, họ còn cố ý phô cây tăm trên đường phố. Dân ta cũng có nhưng dân Tầu coi bộ nhiều hơn. Đi du lịch bên Trung Quốc, chúng ta thấy cảnh dân chúng ngậm tăm đi nghênh ngang ngoài đường là cảnh không hiếm. Tính tôi hơi sắc mắc. Tại sao vậy? Chẳng có sử sách nào bàn tới chuyện nhỏ xíu này. Thôi thì tự mình lý giải, trúng hay trật cũng chẳng sao. Ngậm tăm ngoài đường phố một cách hãnh diện có lẽ là vì phong cách của dân tộc Hoa. Với số dân đông đúc, việc được ăn no hình như là việc đáng phô trương. Gặp nhau, câu chào hỏi của người Hoa là: “Ăn cơm chưa?”. Việc có cơm ăn là việc hàng đầu. Vậy nên khi ngậm chiếc tăm cho mọi người thấy coi bộ là một cử chỉ đáng tự hào vì mình đã có cơm ăn.
Trong cuốn hồi ký “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ”, nhà văn Nguyễn Thụy Long kể lại thời kỳ đói rách đến không có cơm ăn của những người sau này là những tên tuổi sáng chói trên văn đàn. Một bữa, đói mềm người, hai ngày chưa có chút chi vào bụng, nhà thơ chưa nổi tiếng Nguyễn Đức Sơn rủ nhà văn Nguyễn Thụy Long cũng chưa nổi tiếng đi ăn ở quán cơm xã hội Anh Vũ dành cho học sinh sinh viên ở đường Bùi Viện, Sài Gòn. Cơm ăn thả cửa, ba món ăn, giá chỉ có từ 3 đến 5 đồng một người. Vậy mà hai hàn sĩ này không có đủ mấy đồng bạc để ăn. Họ phải giở mánh. “Tôi từng nghe nói về quán cơm này nhưng đây mới là lần đầu tiên đến. Tôi thú thật với Sơn điều ấy. Sơn ra người sành sỏi ăn cơm Anh Vũ: “Vậy thì mi cứ nghe tao, tao làm gì mi làm cách đó”. “Tao đủ thông minh miễn là không ăn giựt ăn chạy”. “Không có đâu”. Khi bước chân vào quán Anh Vũ, quán cơm đông khách, hầu hết là học sinh. Chúng tôi ngồi xuống một bàn trống. Những người khác ra quầy mua phiếu rồi đi ra một bàn khác tự do chọn thức ăn, giỏ cần xế cơm gần đó, ai muốn xúc bao nhiêu thì xúc. Tôi không thấy Nguyễn Đức Sơn làm điều đó, anh cắm một cây tăm lên miệng. Tôi ngơ ngác vì chúng tôi chưa ăn gì mà đã xỉa răng. Nguyễn Đức Sơn hối tôi: “Xỉa răng đi!”. Tôi làm theo lệnh Sơn như cái máy. Hắn lại ra lệnh: “Đứng dậy đi theo tao!”. Tôi đi theo Sơn vào bếp. Những cái chảo lớn nấu cơm. Cơm thì rỡ ra những giỏ cần xé khiêng ra ngoài nhà ăn. Những người nấu cơm dùng cái xẻng lớn cạy những tảng cháy to hất ra những cái thùng to. Có những người chạy đến bẻ một miếng. Sơn cũng tới bẻ một miếng, hối tôi: “Mi bẻ lấy một miếng đi, mình ăn cơm rồi, bây giờ đét-se miếng cơm cháy cho thơm miệng”. Tôi làm theo Sơn, và bây giờ tôi hiểu được việc làm của bạn. Tôi bẻ miếng cơm cháy hơi to, theo Sơn lên nhà ăn. Hai thằng ngồi đàng hoàng vào bàn ăn, rắc muối tiêu và xịt nước tương vào miếng cháy. Tôi ăn đến loáng hết miếng cháy mà vẫn còn thòm thèm. Sơn nhìn tôi cười: “Lần sau thì rút kinh nghiệm nhé, nhưng không sao, chiều mình lại đến. Bây giờ mày ra uống trà đàng hoàng cho nó nở ra là vừa bụng”. Tôi uống một ca trà, người thấy dễ chịu. Hình như trong quán Anh Vũ không phải chỉ có hai đứa chúng tôi ăn uống theo kiểu này, mà nhiều. Tôi nghe tiếng la ở nhà bếp: “Thôi chứ các cha nội, lấy hết cơm cháy rồi nhà thầu cơm dư tới lại la tụi tôi không để cơm cho heo!”.
Cây tăm cỏn con đã cõng được những bữa ăn chặt bụng cho những anh văn thi sĩ nghèo chưa ra giàng. Tăm được việc như vậy thì cần chi tới những sợi chỉ nha khoa mong manh dù chỉ có văn minh hơn tăm.
Tăm hay chỉ đều nhằm mục đích đánh bật những thứ nằm vùng rác rưởi trong kẽ răng. Chính những thứ giắt răng này làm tích tụ vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng cho nướu răng, mô liên kết và xương ổ răng. Một khi bị nhiễm trùng thì bệnh nha chu sẽ tới hỏi thăm gây nên những thứ không dễ chịu chút nào như hôi miệng, tụt nướu, răng lung lay… Các viêm nhiễm quanh răng kéo dài có thể góp phần thúc đẩy vi khuẩn gây hại xâm nhập vào mạch máu, làm giảm hệ miễn dịch, gián tiếp gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và tiểu đường. Thứ nào nghe ra cũng phát ớn!
Nhớ, hồi nhỏ chúng tôi đánh răng một cách hết sức trình diễn. Chỉ đánh ở mặt ngoài răng, mặt giơ ra mỗi khi chúng ta cười. Đánh như vậy cũng như không vì hai mặt răng phía trong và phía trên cùng nướu răng vẫn nhớp như tinh. Nướu là phần mô quan trọng bao bọc xương ổ răng, bảo vệ chân răng khỏi sự tấn công của các vi khuẩn và độc tố gây hại. Vậy mà khi chăm sóc vệ sinh răng miệng, nhiều người đã quên hẳn anh chàng nướu này. Tới khi nướu sanh chuyện mới…tốn tiền! Khi đánh răng mà thấy có máu thường xuyên chảy ra ở chân răng là nướu đã đầu hàng. Tôi đã từng là một nạn nhân của bệnh nha chu này.
Cũng cả hai chục năm trước, mỗi khi đánh răng là có máu rỉ ra nơi chân răng, tôi đã vội tới phòng mạch nha khoa. Bản án: nướu bị viêm nặng phải lật ra kỳ cọ lại! Vậy là…máu nhuộm bãi Thượng Hải! Nha sĩ phải cắt lật phần nướu ra, clean thật sạch rồi may lại. Nghe nói thì nhanh nhưng đây là cả một tháng chịu tội dài dằng dặc của tôi. Nha sĩ chia mỗi nướu ra làm ba phần, hai nướu thành sáu phần. Mỗi lần cắt, lật nướu ra để làm sạch rồi may lại chỉ có thể làm với hai phần, ở nướu trên và nướu dưới ở cùng một vị trí. Như vậy tổng cộng phải làm ba lần: bên phải, chính giữa và bên trái. Không thể làm một lần được vì sẽ đau thấu trời xanh và không ăn uống được cho tới khi nướu lành lại. Mỗi lần làm là ê ẩm cả miệng. Chờ cho nướu lành lại đàng hoàng mới làm tới phần khác. Ròng rã hơn một tháng, miệng ôi là miệng! Ăn uống trệu trạo chẳng ra sao, người xuống kí, túi vơi đi một số khá khẳm. Hồi đó đã không dưới vài ngàn đô, giờ thì không biết bao nhiêu. Có lẽ phải mở một cái ngoặc ở đây. Người già thì răng cỏ bậy bạ chẳng ra sao. Cái thì rung rinh, cái thì ê ẩm, cái thì muốn bỏ ta mà đi. Vậy mà bảo hiểm của người già tại Canada chúng tôi lại không có cái vụ chữa răng. Mà phí tổn chữa răng đâu có rẻ, chỉ clean răng cũng đã tốn hơn trăm đô. Tiền già thắt thẻo chịu chi thấu. Vậy nên các ông bạn tôi tìm những nẻo ít tốn kém mà đi. Cứ đau cái nào nhổ phắt cái đó cho khỏi tốn tiền trám răng lôi thôi. Nhổ riết rồi hàm răng lỗ mỗ chỗ có chỗ không, vừa mất thẩm mỹ vừa trở ngại cho việc ăn uống lại vừa thều thào ăn nói khó nghe. Có những ông lưa thưa chỉ còn vài cái bèn nhổ hết để làm nguyên hai hàm răng giả cho xong nợ răng cỏ. Chỉ một lần tốn nhưng một lần là…trăm năm! Lại có thể vừa đánh răng vừa huýt sáo cho đời thêm vui! Một ông bạn tôi chơi hai hàm răng giả gặp bạn già nào cũng khuyên răn: “Chớ nhé! Còn vài cái răng cũng cố gắng giữ lại. Răng giả…toàn tập nhai cơm như nhai cỏ, chẳng biết ngon là cái chi chi”. Chắc vậy nên mấy ổng mới phải về Việt Nam tìm cỏ non mà nhai cho đỡ hại răng!
Đánh răng không chỉ là đánh răng mà phải đánh…nướu nữa. Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày, vi khuẩn có thể phát triển trong miệng và hình thành các mảng bám trên răng. Để ngăn chặn, các nha sĩ khuyên nên đánh răng sau mỗi bữa ăn, tối thiểu cũng phải sau bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ. Nhưng đánh quá nhiều lần hoặc đánh quá kỹ cũng không tốt vì men răng sẽ bị mòn.
Đánh răng như thế nào cho đúng…văn phạm? Đối với người lớn, hầu hết các vấn đề về răng bắt đầu ở nướu. Vậy nên đánh với một góc 45 độ và để bàn chải gần nướu răng. Điều khiển bàn chải theo một chuyển động tròn chứ không nên đánh qua đánh lại một đường thẳng như cưa gỗ vì sẽ làm hư men răng. Không nên đánh quá mạnh có thể làm hỏng men răng và gây kích ứng nướu. Bàn chải phải mềm, cứng quá sẽ gây tác hại cho răng. Cần thay bàn chải mỗi hai hoặc ba tháng để việc đánh răng có tác dụng tốt.
Lại nhớ, ngày nhỏ việc đánh răng khá tùy tiện. Bàn chải lâu ngày quăn tít nhưng chưa…gẫy là vẫn còn dùng. Thuốc đánh răng đâu có tân kỳ và phong phú như ngày nay. Vào đầu thập niên 1960, chúng ta vẫn còn dùng thuốc đánh răng dưới dạng cứng như cục xà bông. Tôi nhớ ngày đó thịnh hành nhất là thuốc đánh răng Gibbs màu hồng. Khi đánh răng phải nhúng bàn chải vào nước, quệt đi quệt lại trên bánh thuốc cho nổi bọt bám vào bàn chải. Tới khi có kem đánh răng anh chà và Hynos và kem Perlon đã là một bước tiến vượt bậc. Bây giờ thì đủ trường phái, nào Colgate, nào Crest, mỗi thứ lại gồm nhiều…tiết mục, chẳng biết đằng nào mà chọn lựa. Trong kem đánh răng ngày nay bao gồm các chất xà bông, chất làm sạch, chất tạo màu và hương liệu. Ngoài ra còn có các loại muối amoni, chất diệp lục, fluoride và đinh hương. Chất fluoride giúp ngăn cản bệnh mục xương. Trước khi đánh răng nên dùng chỉ nha khoa để chất fluoride trong kem đánh răng có thể xâm nhập được vào các kẽ răng.
Lợi ích của chỉ nha khoa đối với việc giữ vệ sinh răng miệng là chuyện không cần phải bàn nữa. Hiệu quả của nó đã rõ ràng. Vì vậy mà tôi đã la lớn lên là năm chục nhà hàng tại Montreal chúng tôi đã cung cấp chỉ nha khoa miễn phí. Có điều tôi chưa nói hết. Đó toàn là các nhà hàng Tây. Nhà hàng Tầu và Việt chưa có dịch vụ nên có này.
Giá của mỗi hộp chỉ nha khoa Oralgem dùng tại nơi công cộng khá phải chăng, chỉ có 39.95 đô! Khi hết chỉ, chỉ tốn thêm có từ 6.95 đô tới 9.95 đô một cuộn chỉ thay thế. Nếu muốn thì các nhà hàng Tầu, nơi các tổ chức và hội đoàn người Việt thường tổ chức những buổi tiệc, có thể trang bị chiếc hộp này dễ dàng. Nhưng tôi chắc họ sẽ không làm.
Không cắm cây tăm trên miệng ai biết mình vừa ăn no! Cây tăm rất tiện cho việc trình diễn, sợi chỉ èo uột sánh làm sao đặng!
12/2014
|