Nói chuyện chết thì chán chết! Vậy nhưng chuyện chết là chuyện chắc chắn ai cũng sẽ gặp. Đó là thứ bình đẳng nhất của con người. Địa vị, chức phận, giầu nghèo, trẻ già, trai gái đều sẽ phải gặp cửa tử. Vậy tuy chán nhưng chuyện chết là chuyện cần phải nói. Cần nói nhưng ai cũng ngại nói. Vì nó chán chết!
Không phải bỗng nhiên tôi giở giói ra để nói điều mà ai cũng ngại không muốn nhắc tới mà vì Quốc Hội tỉnh bang Quebec của chúng tôi vừa thông qua luật…chết. Chết mà cũng có luật nữa sao? Nói cho lớn chuyện vậy thôi chứ luật chỉ nói về một cách chết mà chúng ta thường gọi là trợ tử. Nói về trợ tử thì phải biết nó là cái chi chi trước. Trợ tử được hiểu nôm na là giúp người khác chết. Người được giúp để bai bai cõi đời còn có đủ nhận thức và nhờ giúp. Thí dụ như trường hợp bệnh nhân yêu cầu bác sĩ kê thuốc uống để giúp tử vong. Trợ tử cũng có thể do những thân nhân của bệnh nhân yêu cầu khi bệnh nhân đã sống trong tình trạng mất hết nhận thức. Trợ tử như vậy liên quan tới pháp lý. Người ta có quyền chấm dứt sự sống của một con người không? Vậy là…phức tạp! Chúng ta thử nhìn sát vào một trường hợp trợ tử điển hình tại Mỹ.
Ngày 25 tháng 2 năm 1990, ngay tại nhà riêng ở St. Petersburg, tiểu bang Florida, bà Terri Schiavo, 27 tuổi, bị tim ngưng đập vài phút, máu không di chuyển được lên não. Lập tức, bà bị hôn mê, bất động và bị tê liệt từ cổ trở xuống. Kể từ ngày đó, bà nằm trong trạng thái dở sống dở chết, rất phiền phức cho người săn sóc. Sau hai tháng hôn mê, các bác sĩ đã xác nhận bà thuộc trạng thái sống thực vật dài hạn. Tám năm sau, ông chồng Michael đệ đơn lên tòa quận hạt Pinellas xin tháo bỏ các máy móc duy trì sự sống của vợ. Sau một năm, tòa chấp thuận để các bác sĩ cho ngưng các máy móc trợ sinh của bà Terri. Nhưng ba ngày sau, căn cứ vào đơn khiếu nại của cha mẹ của bà Terri là ông bà Robert và Mary Schindler, tòa Liên Bang đã hủy bỏ bản án của tòa Tiểu Bang. Máy móc lại được nối lại. Cuộc chiến trên sự hôn mê của Terri bắt đầu căng thẳng giữa một bên là chồng, một bên là cha mẹ ruột của bệnh nhân. Mùa hè năm 2000, tòa Tiểu Bang Florida lệnh cho mỗi bên chọn hai bác sĩ để khám nghiệm lại. Hai năm sau, các bác sĩ của ông chồng Michael và của tòa xác nhận là tình trạng của bà Terri không thể phục hồi được. Tòa lại ra lệnh tháo bỏ máy móc. Ngày tháo bỏ máy móc, chấm dứt sự sống của bà Terri là ngày 15 tháng 10 năm 2003. Thống Đốc Florida lúc bấy giờ là ông Jeb Bush, em của Tổng Thống George Bush, hỗ trợ gia đình bà Terri chống án lên tòa Liên Bang. Tòa Liên Bang bác bỏ đơn của gia đình mặc dù ông Thống Đốc Jeb Bush đã đích thân viết ý kiến của mình kèm theo đơn của gia đình. Ngày dự định tháo bỏ máy móc trợ sinh, hàng trăm người thuộc các tổ chức nhân đạo chủ trương bảo vệ quyền sống của con người đã tụ tập biểu tình phản đối ngay trước cửa bệnh viện. Ông Thống Đốc cũng không chịu thua. Ông tìm cách để thắng. Một dự luật được ông đệ trình khẩn cấp lên Quốc Hội tiểu bang mang nội dung cho phép Thống Đốc tiểu bang có quyền ra lệnh ngưng thi hành việc tháo bỏ máy nuôi sống bệnh nhân nếu không tìm được đủ các nhân chứng để chứng minh bệnh nhân muốn được chết. Luật được thông qua chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Ngày 22 tháng 10 năm 2003, theo đúng luật được ban hành, Jeb Bush ra lệnh mang Terri trở lại bệnh viện và nối lại các máy móc. Sau cùng, ngày 18 tháng 3 năm 2005, ống nuôi sống cô Terri lại bị rút ra. Ngày 31 tháng 3 năm 2005, cô Terri qua đời chấm dứt một cuộc tranh chấp pháp lý chưa từng có trong lịch sử tư pháp Mỹ.
Dân chúng Mỹ nghĩ sao về trường hợp Terri? Hãng Fox làm một cuộc thăm dò vào cùng tháng 3 năm 2005, trước khi cô Terri qua đời. Có 900 người được hỏi. Kết quả: 59% nói nếu họ là người trông coi Terri, họ sẽ rút máy móc trợ sinh. Được hỏi nếu ở địa vị của bà Terri, họ sẽ quyết định ra sao? Có tới 74% trả lời là sẽ từ chối máy trợ sinh. Cũng giữa tháng 3 năm đó, hãng ABC thăm dò 1 ngàn người. Kết quả có tới 87% cho biết nếu ở địa vị bà Terri họ muốn rút máy móc nuôi sống .
Luật ủng hộ quyền được chết của Quebec đã được quốc hội tỉnh bang thông qua sau 5 năm tranh cãi mang danh hiệu “Luật 52”, được 94 dân biểu chấp thuận và 22 dân biểu chống đối. Luật sẽ có hiệu lực sau 18 tháng khi Ủy Ban Chăm Sóc Cuối Đời (Commission sur les Soins de Fin de Vie) được thành lập để qui định thủ tục hành chánh và giám sát thi hành luật. Các nhà làm luật cho biết luật đã đi cùng một đường với dân chúng Quebec. Trong một cuộc thăm dò, đã có tới 80% dân tỉnh bang đồng ý với dự thảo luật. Luật sư Jean-Pierre Ménard chuyên về các vấn đề y khoa cho biết là từ trước tới nay, dân Quebec đã được phép từ chối chữa trị để chết “trong phẩm giá” rồi.
Quả thật, dân Quebec, khi còn sống minh mẫn, vẫn được phép làm những chứng từ ước nguyện để được chết trong phẩm giá. Họ không muốn sống như loài thực vật, chẳng ích lợi chi lại thêm phiền phức cho thân nhân. Một bà bạn tôi đã làm giấy đòi quyền…chết này nhưng nhiều người vẫn ngại không muốn nói tới chuyện giao du với anh tử thần. Giấy đòi chết này được gọi là “Di Chúc Sinh Thời”, tiếng Anh là Living Will. Ngay từ lúc sinh thời, khi còn tỉnh táo, người ký di chúc cho người thân cũng như các bác sĩ biết nguyện vọng của mình khi lâm bệnh nặng, mất khả năng phán đoán và quyết định, muốn được chăm sóc như thế nào, nhất là quyết định có nên áp dụng, tiếp tục hay ngưng hẳn việc điều trị trợ sinh (life-support treatment). Theo giới chức y tế và pháp luật, đây là một việc nên làm để giúp cho gia đình tránh được tình trạng bối rối và khó xử vì không biết bệnh nhân muốn gì khi bị hôn mê không bày tỏ được ước muốn của mình.
Thiệt hết sức ngại ngùng khi tôi phải kể lại đây trường hợp của anh bạn Nguyễn Đông Ngạc. Mong gia đình anh không trách cứ khi tôi khơi gợi lại những giờ phút mà ai cũng muốn quên đi của 18 năm trước. Ngạc mất ngày 22 tháng 2 năm 1996 khi anh mới 57 tuổi. Anh bị đứt mạch máu hôn mê nằm tại nhà thương Jean Talon ở Montreal. Các bác sĩ cho biết máu đã ngập tràn trong óc và không còn một hy vọng nào cứu sống được anh. Khi tôi vào thăm anh, máy móc, dây nhợ quấn tùm lum quanh thân người anh. Anh nằm mê man không biết chi. Không ai muốn anh sống nhờ máy móc trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng nhưng làm sao mà rút hết dây nhợ để anh ra đi. Gia đình bối rối không biết giải quyết ra sao. Mẹ anh nhất định không thể nào tự tay chấm dứt cuộc sống của đứa con bà đã đứt ruột sanh ra. Vợ anh không nỡ chấm dứt mạng sống của người đầu gối tay ấp. Anh em không ai dám nhận làm công việc khó khăn này. Cuối cùng, mọi người trong gia đình đồng ý để một cô em gái của Ngạc, người mà anh thương nhất, làm công việc khó xử này, với hảo ý là anh không trách móc cô em mà anh thương yêu nhất nhà. Cô này ngụ tại Toronto nên phải chờ cô về Montreal. Đang khi đó thì Ngạc tự ngưng thở giải tỏa được nỗi khó khăn của gia đình. Nếu Ngạc để lại “Di Chúc Sinh Thời” thì mọi việc đã được giải quyết nhanh chóng trong sự an ổn tinh thần của mọi người. Nhưng làm sao Ngạc để lại được tờ giấy quý hóa đó. Anh mới 57 tuổi, cái tuổi chưa nghĩ tới cái chết, nhưng anh tử thần mẫn cán đã xộc tới một cách bất thần. Trong những lần trò chuyện, Ngạc thường nói là anh thích đùng một cái là chết, không dây dưa rễ má phiền phức. Anh đã được ra đi theo đúng ý nguyện. Âu cũng là một bàn thắng!
Hiện nay việc ký và để lại “Di Chúc Sinh Thời” đã tiến thêm được một bước bằng mẫu “Năm Nguyện Vọng” (Five Wishes). Đây là một khế ước mà người ta có thể có nhiều chọn lựa chi tiết hơn. Nguyện vọng 1 đề cập tới việc chọn người đại diện để quyết định các vấn đề chăm sóc sức khỏe khi mình không còn có thể tự quyết định. Nguyện vọng 2 chọn lựa muốn hay không muốn áp dụng điều trị trợ sinh trong các trường hợp: hấp hối, hôn mê không hy vọng phục hồi, tổn thương não nặng không hy vọng phục hồi hoặc trong các trường hợp khác mà mình không muốn duy trì sự sống. Nguyện vọng 3 về mức độ thoải mái. Nguyện vọng 4 về cách thức mà mình muốn được đối xử. Nguyện vọng 5 về những gì mình muốn người thân biết. Đại khái là “Năm Nguyện Vọng” cho đương sự chọn lựa giữa nhiều cách thế và nhiều vấn đề hơn là chỉ vỏn vẹn nói về trợ sinh như “Di Chúc Sinh Thời”.
Tác giả mẫu “Năm Nguyện Vọng” này là Jim Towey. Ông đã soạn thảo văn bản này với sự cố vấn của nhiều bác sĩ, y tá và luật sư. Đã có 42 tiểu bang và vùng thủ đô Washington D.C. chấp nhận. Tuy nhiên thủ tục ký ở mỗi tiểu bang có khác. Các tiểu bang California, Connecticut, Delaware, Georgia, New York, North Dakota, South Dakota và Vermont cần có hai người làm chứng và đương sự phải ký tên trước hai nhân chứng này. Tiểu bang Missouri bắt buộc phải có công chứng. Các tiểu bang North Carolina, South Carolina, West Virginia đòi hỏi việc thị thực chữ ký của đương sự và hai nhân chứng. Mẫu Five Wishes đã có bản dịch ra 25 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt Nam.
Chuyện pháp lý của trợ tử lằng nhằng như vậy. Chuyện tâm linh, đạo đức trong vấn đề con người có thể tự quyết định chấm dứt cuộc sống không, còn nhiêu khê hơn nữa. Con người thường đặt thần linh lên hai vai. Có chuyện đời này nhưng cũng có chuyện đời sau. Hai tôn giáo lớn là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo đều không cho phép con người có thể tự quyết định chấm dứt sinh mạng của mình.
Luật nhân quả của nhà Phật cho rằng đời sống này chỉ là một kiếp trong vô số kiếp của vòng luân hồi sinh tử. Cư Sĩ Liễu Pháp giải thích: “Sự ra đi qua kiếp khác nhẹ nhàng không đau đớn hay với bệnh tật đau đớn đều là do nghiệp của mình tạo nên từ kiếp này và những kiếp trước. Chu kỳ sinh, lão, bệnh và tử là một luật thiên nhiên, không ai tránh được. Ngài Dalai Lama 14 dạy rằng chết là thay đổi thân xác, như thay quần áo cũ, mỗi người nên chuẩn bị cho cái chết của mình từ khi sinh ra đời. Người Phật Tử phải hiểu rằng khi đi qua kiếp khác chỉ có mang theo nghiệp của mình mà chẳng mang theo bất cứ thứ gì khác. Nhưng đó chỉ là cách nói theo tục đế, nói một cách qui ước thôi, thực ra không có một người, một thực thể nào, đi đâu và mang theo gì cả. Con người gồm có thân và tâm và chập tâm cuối cùng trước khi chết là Tâm Tử (hay Tử Thức), chỉ là điều kiện cho Thức Tái Sinh sanh khởi, còn Hành Nghiệp mới là nhân của Thức Tái Sinh. Nói một cách khác, những gì quyết định cho sự tái sanh không phải là cái chết nhưng là do nghiệp đã tạo ra. Là kết quả của nghiệp, một danh-sắc (hay thân-tâm) mới được sanh khởi chứ không phải là một cái gì liên tục từ kiếp trước đó. Tuy nhiên danh-sắc sinh khởi mới mẻ này không phải là không liên hệ với nghiệp quá khứ vì đó là quả của nghiệp quá khứ; người Phật tử nên học hỏi kinh Thập Nhị Nhân Duyên tức Pháp Duyên Sinh (Paticca - samuppàda, Dependent Origination), nghiên cứu Vi Diệu Pháp để hiểu thân, tâm là gì và tiến trình của tâm trong đời sống hằng ngày cũng như lúc sắp chết”. Chết là chuyển từ kiếp này qua kiếp khác với tất cả những nghiệp báo theo sau. Trợ tử là một hành động sát sanh, điều mà các Phật tử không được phép làm. Trong tạng Vinaya có thuật lại một hành động trợ tử điển hình. Một vị tỳ kheo quá già yếu, mắc bệnh nan y, đau khổ triền miên. Ông nhờ bạn đồng môn giúp cho được lìa đời. Họ đã giúp ông vì lòng nhân đạo. Sự việc đến tai Đức Phật và Ngài dạy là những kẻ giúp giết người đã thiếu căn tu. Tuy có thể giảm khinh vì tấm lòng nhân ái nhưng tội lỗi vẫn rõ ràng. Đức Phật nhấn mạnh là ý đồ đạo đức muốn giúp tha nhân không đủ, cần phải xét đến kết quả của hành động, thật sự đó là một việc sát sanh!
Thiên Chúa Giáo cũng không OK việc trợ tử. Người ta đếm được tới 60 chỗ trong Kinh Thánh nói đến sự thánh thiêng của sự sống. Câu mở đầu nằm trong sách Xuất Hành: “Ngươi không được giết người”. Người tín hữu Công Giáo tin rằng: Thiên Chúa là đấng ban sự sống và là người lấy lại sự sống theo ý Chúa. Và ý Chúa vượt trội hẳn hơn ý loài người. Lập trường của Giáo hội Công Giáo vì vậy rất rõ ràng: chỉ có Thiên Chúa là đấng định đoạt sự sống và sự chết của con người; Giáo hội Công giáo luôn mạnh mẽ chống lại mọi hình thức trợ tử, dù trực tiếp hay gián tiếp, chủ động hay thụ động. Các nghị phụ trong Công Đồng Vaticano 2 đã khẳng định: “Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, trợ tử hoặc tự tử trực tiếp. Tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục, làm thối nát nền văn minh nhân loại, bôi nhọ những kẻ chủ động, xúc phạm nặng nề đến danh dự Đấng Tạo Hóa”. Gần đây, trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) được công bố vào ngày 25 tháng 3 năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dứt khoát bày tỏ lập trường: “Trợ tử là một sự xúc phạm nặng tới luật Thiên Chúa vì đó là sự giết người cố ý và không thể chấp nhận được về mặt luân lý. Trợ tử là một thứ đạo đức giả hình!”
Coi bộ lằng nhằng dữ! Đâu có phải cứ đúng theo pháp lý là yên ổn lương tâm. Bà bạn tôi, khi đặt bút ký vào tờ “Di Chúc Sinh Thời”, tưởng là làm một công việc tránh mọi khó khăn cho bản thân và gia đình, đâu có ngờ đã lâm vào tình trạng rắc rối tơ vò. Khi bị hôn mê, khi mất khả năng định đoạt đời mình, cuộc sống trong thế giới huyễn hoặc với máy móc trợ sinh không thể gọi là cuộc sống. Thà chết cho nhẹ mình và nhẹ gánh cho những người ruột thịt. Nhưng nếu bị ràng buộc vào tôn giáo thì lại khác. Cuộc sống, dù bất cứ dưới hình thức nào, vẫn đích thị là cuộc sống. Nó không thuộc về ta mà thuộc về một thế giới khác, thế giới siêu nhiên. Con người ở vào thế kẹt, làm sao gỡ được những nút thắt của cuộc sống? Sống, phiền dữ. Chết, còn phiền hơn nữa!
07/2014 |