Trong quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba vài ngày trước lễ Giáng Sinh vừa qua có một sự kiện khá lạ. Khi hai bên trao đổi tù binh cho nhau, phía Mỹ thả ba gián điệp Cuba. Trong số ba gián điệp này có ông Gerardo Hermandez, người đứng đầu đường dây gián điệp Wasp Network. Ông này lãnh hai bản án chung thân, ngồi chơi với muỗi trong nhà tù liên bang Mỹ từ lâu. Khi về tới thủ đô Havana của Cuba, ông được bà vợ Adriana Perez ra đón. Điều lạ là bà này mang cái bầu sáu tháng. Thân ngồi tù cả bao chục năm bên Mỹ, vợ sống ở bên Cuba, vậy mà khi tái hồi Kim Trọng, thấy cái bầu sùm sụp như vậy mà không ngất đi kể là lạ. Lại còn toét miệng ra cười khi ôm vợ thì lạ quá đi chứ. Người Cuba tính tình quá dễ dãi! Một ông bạn tôi, sau tám năm tù cải tạo về, tới nhà cũng gặp cảnh ngộ như vậy. Ông lẳng lặng bỏ nhà đi tiếp.
Da thịt nào cũng là da thịt, tôi không nghĩ là da thịt Cuba không biết đau. Nhưng chuyện trước mắt mà như chuyện chiêm bao. Nhất là bà vợ, cũng là một tay tổ gián điệp, bị cấm sang Mỹ thăm chồng. Trả lời thắc mắc của báo chí, ông Gerardo Hernandez, tỉnh bơ nhận cái thai trong bụng vợ ông chính là tác phẩm của ông. Thiệt là điên cái đầu! Bộ ông này có…wifi hay sao mà thân tù bên Mỹ lại làm cho vợ ở Cuba sưng bụng lên được! Chuyện được sáng tỏ sau đó. Người ta đã lấy tinh trùng của ông mang về Cuba cho bà vợ thụ thai. Chuyện có thể hiểu được nếu ông là loại tù cha. Quả thật trường hợp ông là trường hợp hy hữu, có sự can thiệp ở cấp cao nhất của hai chính phủ. Bộ Tư Pháp Mỹ xác nhận chính phủ Mỹ cho phép làm vậy để trao đổi lấy tình trạng đối xử tốt hơn với ông Alan Gross, công dân Mỹ bị Cuba cầm tù, khi đó đang bị bệnh.
Chuyện con lăng quăng loại xịn này là chuyện ngoại giao quốc tế. Có kỹ thuật cao hỗ trợ thì cái bụng bà Adriana Perez có như cái trống là chuyện không có gì hấp dẫn. Cái thứ lăng quăng đi chui mà cũng nên cơm nên cháo mới là chuyện lạ. Anh Ammar Ziben, người Palestine, bị tù chung thân tại một nhà tù Do Thái. Tội của anh là đã tham gia vào cuộc ném bom ở thành phố Jerusalem vào năm 1997. Muốn có tí nhau nối dõi tông đường, anh lén lút gửi tinh trùng về cho vợ thụ thai nhân tạo. Cô vợ tên Dallal nhận được của quý và đã thành công trong việc cấy thai. Tháng 8 năm 2012, cậu bé Muhannad Ziben chào đời tại bệnh viện Al-Arabia ở thành phố Nablus làm dư luận xôn xao. Chuyện lạ quá. Mấy con lăng quăng làm nên chuyện là thứ khó tính, đâu có dễ du hành từ nhà tù ra để hạ cánh an toàn trong bụng cô vợ Dallal ở bên ngoài vòng rào kẽm gai. Trước hết là chu kỳ sống của chúng. Nếu được bảo quản đàng hoàng, chúng có thể sống được 48 tiếng trước khi được đông lạnh để cho thụ tinh. Chuyện đi chui từ nhà tù ra ngoài đời không thể làm trong điều kiện tốt được. Lại nữa, chuyện thụ tinh nhân tạo tại ngay Hoa Kỳ và Canada, nơi có những điều kiện y khoa tốt nhất, cũng không bảo đảm chắc chắn thành công. Vậy mà mấy con lăng quăng của anh tù Ammar lại sinh hoa kết trái trong bụng cô vợ được. Kể cũng lạ. Lạ hay không, cô vợ Dallal không cần biết, cô chỉ biết cô đã có một báu vật trên đời. Nói với đài BBC, cô vui mừng: “Muhannad là món quà của Chúa ban tặng cho tôi, nhưng không có chồng bên cạnh, niềm hạnh phúc của tôi không trọn vẹn”.
Quà tặng của Chúa đi lòng vòng sao mà tới tay người nhận được? Chỉ biết là các bà vợ tù nhân đã mang tinh trùng của chồng họ, được đựng trong các lọ nhỏ hay các ly nhựa, đến cơ sở y tế để xin thụ tinh. Bác sĩ Salem Abu Khaizaran, Giám Đốc Trung Tâm Sản Khoa Razan ở Nablus, lắc đầu: “Thành thật mà nói, tôi không biết và cũng không muốn biết họ thực hiện việc đó như thế nào. Tôi không muốn dính líu dến chính trị. Tôi giúp đỡ những người phụ nữ đó chỉ vì mục đích nhân đạo. Dư luận xôn xao vì các tù nhân nhưng ít ai biết những người vợ, người mẹ này đang hàng ngày phải chịu búa rìu dư luận”.
Chồng đang ở trong tù, nhìn nhau cũng chẳng đặng, vậy mà tự nhiên bụng sưng lên, dư luận phải biết. Dư luận có…dư luận cũng phải thôi. Chẳng thể gần chồng được mà kết quả nhãn tiền, vậy là sao? Bác sĩ Abu Khaizaran lường trước được tình huống bất tiện: “Khi toàn bộ người dân làng đều biết người đàn ông bị bỏ tù, thật không hay nếu người vợ của họ bất ngờ mang thai. Chúng tôi khuyên người phụ nữ trở về nơi làng mạc và nói cho mọi người biết rằng họ chuẩn bị thực hiện thụ tinh ống nghiệm nhờ tinh trùng của chồng họ”.
Nhà tù có biết không? Dĩ nhiên họ không biết tại sao bức tường nhà tù lại có lỗ thủng. Phát ngôn viên nhà tù Sivan Weizman hoài nghi chuyện này: “Không thể nói là việc đó không xảy ra. Tuy nhiên, thật khó tin khi mà các biện pháp an ninh chặt chẽ vẫn được áp dụng trong các cuộc gặp gỡ giữa tù nhân và gia đình”. Con tinh trùng nhỏ như vi khuẩn. Chúng chỉ cần khe hở bằng bề dày của một đồng tiền giấy là có thể chui lọt được. Chuyện cũng dễ hiểu. Chẳng vậy mà chẳng phải chỉ có một mình chị Dallal có quà của Chúa mà đã có khoảng chục phụ nữ Palestine có món quà này!
Nhà tù là nơi nghiêm ngặt. Nam ra nam, nữ ra nữ, không có vụ chung chạ lộn xộn. Chuyện con tinh trùng đi lăng quăng là chuyện bất khả. Vậy mà vẫn có những cái bụng bỗng nhiên đổi hình dạng. Chẳng phải vì nhu cầu như chúng ta nghĩ mà đây là chuyện mạng sống. Trường hợp cô Samantha Orobator, ngụ tại phía Nam thành phố Luân Đôn bên Anh chẳng hạn. Cô bị bắt tại sân bay Wattay ở Vạn Tượng bên Lào vì tội mang theo người 680 gram ma túy. Tội này thường thường là tử hình. Nhưng luật pháp Lào có quy định là không thi hành án tử hình đối với những phụ nữ mang thai nên nếu muốn giữ được cái đầu, cô phải bằng mọi cách mang thai trong tù. Chuyện khó dàn trời, vậy mà cô làm được. Vụ án của cô đã phải đình hoãn nhiều lần để các cơ quan an ninh điều tra coi xem bằng cách nào cô có bầu được. Trên nguyên tắc, đây là việc không thể, nhất là bị can là một cô gái ngoại quốc da trắng, nhất cử nhất động trong tù đều bị nhiều cặp mắt theo dõi hơn người khác. Vậy mà mission impossible này đã có kết quả toàn hảo!
Luật pháp Việt Nam hiện hành cũng có quy định này. Điều 35 của bộ luật Hình Sự có đoạn: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.
Lợi dụng điều luật này, bị can Trần Thị Hương đã thoát án tử hình trong một phiên tòa xử vụ mua bán ma túy tại Sài Gòn vào tháng 1 năm 2007. Đây là một vụ án lớn. Nhóm bị đưa ra xử gồm 31 người chuyên mua và chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Bắc vào Nam. Cầm đầu tổ chức là Nguyễn Thị Hòa, 52 tuổi, di dân từ Hải Phòng vào Sài Gòn năm 1996. Họ chuyên cung cấp ma túy cho các con nghiện tại khu vực cầu Bình Lợi. Từ chủ đường dây Nguyễn Thị Hòa, nhà chức trách đã tìm bắt Trần Thị Hương, 31 tuổi, tại nhà với tang vật là 4 bánh heroin. Hình phạt đề nghị trước tòa cho Trần Thị Hương là tử hình. Nhưng trong thời gian bị giam để chờ xét xử, Hương đã mang thai và sanh con ngay trong tù. Bị tòa vặn hỏi về việc này, Hương khai tác giả của “sản phẩm” này là một bạn tù và chính “bị cáo đã tự tạo”. Trước thái độ quanh co của Hương, tòa đã phải ngưng xét hỏi về vụ cái thai này để tính sau! Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng ở Sài Gòn có trường hợp thoát án tử hình nhờ tự mang thai khi bị biệt giam.
Tại trại giam Xuân Nguyên ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Thị Oanh một thời nổi đình nổi đám với danh hiệu “tử tù có thai”. Đầu tiên bà Oanh đã nhờ người gửi tinh trùng vào cặp lồng cơm tiếp tế để tự cấy thai. Dĩ nhiên thụ tinh bằng cách thủ công như vậy không mang lại kết quả. Bà tính chuyện…tươi hơn. Oanh đã nhờ em gái mua chuộc cán bộ để được tù ti ngay tại phòng biệt giam hầu mong có thai để cứu mạng sống. Sau vài lần dấm dúi, hy vọng của bà Oanh thành sự thật. Chuyện tù ti của bà xảy ra tại trại giam của tỉnh Hòa Bình.
Chuyện xảy ra tại Lào và Việt Nam thì dư sức xảy ra ở Mỹ. Nhưng chuyện này không dính tới mục đích thoát án tử hình. Họ có thai khơi khơi vậy thôi. Khơi khơi chỉ có bốn cái thai. Toàn là của nữ cai tù! Người ban phát mầm mống sự sống cho bốn nàng cai tù là tù nhân Tavon White. Chuyện xảy ra tại Trung Tâm Cải Huấn Baltimore. Tavon White là tay buôn lậu ma túy, thuốc tây, thuốc lá và điện thoại di động trong nhà tù. Lợi nhuận của anh khoảng 16 ngàn đô mỗi tháng! Số tiền khá lớn. Nếu sống ở ngoài đời, anh chàng Tavon này cũng có thể vung vít được. Sống ở trong tù, số tiền này còn giá trị gấp bội. Anh cho tiền các nữ cai tù ăn chơi. Và họ chịu cho anh cơm no bò cưỡi trong chốn tưởng cái trò “nhân bản” này phải xếp lại. Kết quả bốn nữ cai tù dính bầu cùng thời gian. Đó là các nữ nhân: Jennifer Owens, Katera Stevenson, Chania Brooks và Tiffany Linder. Tưởng là chuyện vui chơi, nhưng hình như cũng có tình trong đó. Bà cai tù Owens đã xâm cái tên Tavon trên cổ và bà Stevenson xâm tên chàng trên cổ tay! Con số bốn bà chỉ là những bà đang mang bầu với Tavon, con số bị truy tố là 13 bà cai tù tất cả. Họ đã bị ngưng việc và sa thải trước khi ra hầu tòa.
Vô danh như anh chàng Tavon White mà cuộc sống trong tù cũng có nơi gửi tinh trùng thì chàng võ sĩ lừng danh Mike Tyson khi vào tù còn le lói đến thế nào. Không le lói mới là chuyện lạ! Năm 20 tuổi Tyson đã là vô địch quyền anh thế giới hạng nặng. Năm 1997, Tyson nổi tiếng vì cắn đứt tai võ sĩ Holyfield. Đó là hai thành tích mà nhiều người biết. Thành tích về mặt tù ti của chàng thì ít ai trong chúng ta biết. Trước khi tròn 13 tuổi, Tyson đã bị bắt tất cả 38 lần! Và nhiều lần chàng vào tù vì tội hiếp dâm. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình thể thao ESPN, Mike Tyson đã vui miệng nói với phóng viên Rick Reilly: “Tôi chưa bao giờ nói về chuyện làm cho một nữ cai tù có thai nhỉ! Ồ, đúng đấy, trong tù nhưng chuyện ấy vẫn diễn ra. Tuy nhiên, đứa trẻ không bao giờ ra đời”. Chàng ngưng ngay kịp nên không tiết lộ chuyện xảy ra vào lần ngồi tù nào và vì sao đứa trẻ không có dịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời!
Chuyện trong tù cũng nhộn nhịp chẳng kém chuyện ngoài đời. Cái mầm mống bẩm sinh của nhân loại lúc nào cũng còn đó. Chúng luôn cựa quậy. Nhà văn Thảo Trường, trong truyện ngắn “Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào”, đã cực tả cái chuyện nhung nhăng trong hàng rào nhà tù Cộng sản Việt Nam. Thảo Trường kể chuyện tình trong tù. Đã là chuyện tình thì trong tù hay ngoài tù cũng rứa. Khởi đầu là chàng và nàng. Hai trại nam nữ cách nhau cái hàng rào kẽm gai. Chàng một bên rào, nàng một bên rào. “Một chung thân nếu được giảm may ra còn có ngày về, hai cái kể như “thua” luôn, anh ta nói thế, cho nên sống trong trại giam anh ta “xù” tất cả. Muốn cái gì là làm cái ấy, muốn nghỉ là nghỉ, nhưng được cái anh ta vốn dân giang hồ cho nên nhiều lúc rất dễ thương. Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn. Cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau. Khi hai người ở hai khu A và B nhìn nhau cách một cái sân bèn nghĩ ra kế truyền tin cho nhau bằng cách dùng cây chỉ lên những chữ thích hợp trong các chữ ở những khẩu hiệu trên tường nhà giam. Những chữ “thương nhiều, nhớ nhiều; thương hoài, nhớ mãi” được hình thành qua những xê dịch của đầu gậy trên những khẩu hiệu chữ lớn màu đỏ sặc sỡ. Chị đánh tín hiệu xong anh đánh trả lời. Những buổi chiều đẹp như thế là những kỷ niệm họ không bao giờ quên. Một lần gặp nhau ngoài sân trại anh nói: “Những khẩu hiệu hoan hô đả đảo sơn đầy rẫy trên tường tưởng vô bổ hoá ra cũng có ích”. Chị nói: “Đừng tưởng bác Hồ vô tích sự, nhờ những khẩu hiệu hoan hô bác, hoan hô đảng mà mình thông tin được cho nhau”. Anh buột miệng: “Bố tiên sư nhà nó!”. “Anh nói gì?” “ À, không, anh chửi cái cột đèn…” “Em không thích anh văng tục lúc này”. “Được thôi!”.
Chuyện tình của hai tên tù hình sự chẳng thể chỉ nhì nhằng nơi những con chữ mượn ké của khẩu hiệu. Trước sau gì nó cũng phải tới hồi quyết liệt. “Trong những giờ phút ngắn ngủi được ra ngoài sân gặp nhau vào những buổi chiều nghỉ, dưới bao nhiêu con mắt theo dõi canh chừng của trật tự và công an trại, tù nhân cần phải tranh thủ, cái gì cũng thật nhanh, thật gấp, hết giờ là phải trở về khu của mình nhìn nhau từ xa mà thôi. Một lần anh ta nói với chị: “Anh thèm em quá”. “Biết rồi”. “Ở đây ai cũng thiếu cũng thèm cả”. “Bây giờ làm sao?”. Anh cầm đại bàn tay chị nhét vào giữa hai đùi mình mà kẹp và nghiến răng mà đay, chị nhẫn nại gỡ ra:”Tụi nó đang nhìn kìa”. Anh thả tay chị ra thở dài. Sau lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả “không biết thế nào mà nói”. Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn dây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt. Là phải xong. Thời giờ là vàng bạc”.
Cứ như kế hoạch của một cuộc hành quân, họ bàn với nhau từng chi tiết nhỏ. Tới ngày N, giờ G, họ hành động. “Như vậy mà được đấy. Những mấy lần cơ. Có lần chiều sắp tối, trời lại lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khom lưng xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới…Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi bước vội về buồng giam của mình. Anh ta cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng và xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẩn ấy”.
Chị giấu cái thai được sáu tháng thì bị lộ. Cán bộ tra hỏi, đánh đập chị tàn nhẫn. Cái thai trong vòng rào nhà tù sẽ làm họ mất chức mất quyền. Mặc cho những đánh đấm dã man của cuộc tra tấn, chị nhất định không khai. Những cú đạp cứ nhắm vào bụng chị mà giáng xuống. Họ muốn chị trụy thai. Chị ôm bụng che chở cho con. Cuối cùng bản năng làm mẹ đã nâng đỡ chị. Đứa bé ra đời. Phần anh, họ không điều tra ra nhưng anh đã dõng dạc đứng ra nhận đứa con. Anh làm như vậy không phải vì anh sợ mà vì anh là bố của con anh, anh có trách nhiệm với nó. Chúng trói anh lại đánh thừa sống thiếu chết nhưng anh vẫn ngẩng mặt hãnh diện!
Những đứa trẻ hình thành trong hàng rào nhà tù, tôi nghĩ chúng có…sứ mạng của chúng. Chúng có đó để nhắc nhở tình yêu của con người trong nghịch cảnh. Người ta vẫn tìm tới nhau, bất kể hoàn cảnh nào. Đã là người thì bao giờ cũng…người. Chuyện chẳng có chi lạ!
02/2015
|