Ông ký giả Josh Freed vừa viết một bài đặc biệt cho báo The Gazette Montreal về chuyện ông sử dụng GPS. Đọc xong thấy như ông này viết…phiếm. Không chừng đây là một đồng nghiệp của tôi! Ông dùng GPS bằng chiếc điện thoại cầm tay. Giọng dẫn đường điều khiển ông là một giọng nữ mà ông tả là “nói như sủa”! Đây là giọng của một bà đầm Mỹ nên khi phát âm những tên đường bằng tiếng Pháp ở Montreal ông nghe rất tức cười. “Quẹo trái ở đường Roo Wren Layveck…Quẹo phải ở Roo Hotel doo Veal…Bây giờ lấy A-U-T 720 W. tới A-U-T 20 W.”. Những cái tên đường ngộ nghĩnh này dân Montreal biết ngay là đường René Levesque và đường Hotel de Ville. Ba chữ A-U-T mà bà này đọc từng âm riêng rẽ là chữ viết tắt của Autoroute mà bà không biết là cái chi chi nên đánh vần ra cho chắc ăn! Nhưng, theo lời kể của ông ký giả có máu tếu này thì chuyện phát âm những cái tên tiếng Tây này không quan trọng, quan trọng là bà này bắt ông lấy exit ra trên xa lộ. Khi khởi hành, ông bấm máy đi Lachine nhưng cái exit này lạ hoắc. Đành cứ dỏng tai lên mà nghe những lời như đấm vào tai cho khỏi lạc. Vậy mà xe ông đi vào một vùng toàn nhà máy với những bảng chỉ dẫn lung tung xòe. Quẹo qua quẹo lại một hồi, ông mất phương hướng, chẳng biết Lachine ở chỗ mô, hướng mô là Montreal, và hiện ông đang ở đâu, có thể là ở…Cairo bên Ai Cập! Cuối cùng, như một phép lạ, Lachine hiện ra.
Ông ký giả Josh Freed đầy máu phiếm này muốn diễn tả một thực trạng của dân lái xe ngày nay: dựa vào GPS. Chỗ nào cũng có GPS. Có thể GPS được gắn ngay trên xe, có thể GPS nằm trong điện thoại cầm tay, nhưng GPS thịnh hành nhất là những chiếc máy chỉ chuyên dẫn đường cho chúng ta đi. Hầu như ngày nay các người lái xe đều phó mặc chuyện quẹo trái quẹo phải cho GPS. Chúng ta mù đường! Ngay khi đi tới những nơi mà chúng ta lái xe đã mòn đường như tới sở làm, đến nhà cha mẹ hoặc đến nhà bồ, có người vẫn dùng GPS. Họ có lý của họ vì ngày nay GPS có thể chỉ cho họ tránh những đường đang bị kẹt nặng hoặc đang sửa chữa. Dựa vào GPS ngày nay đang trở thành một chứng bệnh: bệnh lệ thuộc! Nhiều cuộc nghiên cứu cho biết là chứng bệnh lệ thuộc này làm suy yếu một phần não của chúng ta, phần hải mã (hippocampus). Suy yếu tới 40%. Nhưng chúng ta có thể khôi phục lại được công dụng của phần não này nếu chúng ta chịu khó tập luyện. Nhưng ông Josh Freed nghi ngờ chuyện này: tập luyện chi được khi GPS ngày càng lấn sân trong cuộc sống của chúng ta!
Tôi cũng không là ngoại lệ. Trên xe lúc nào cũng có cái máy GPS. Cho yên tâm. Nhiều khi cũng đỡ kẹt lắm. Chẳng hạn như mình ỷ y đi trên đoạn đường quen, bỗng gặp khúc đang sửa, phải vòng qua đường khác. Có những khi các bác lục lộ để bảng detour màu cam chỉ dẫn đường rõ ràng thì mình có thể thoát ra cái mê hồn trận đó được. Nhưng cũng có khi bảng chỉ dẫn detour bị đứt quãng, mình vô ý đi lạc vào chỗ lạ hoắc lạ huơ, chẳng biết đường nào mà lần. Vậy là phải giở anh GPS ra, bấm địa chỉ chỗ muốn đến, cô đầm giọng khó thương dẫn một hồi là thoát ra được. Tôi ưa kỹ thuật, cứ có cái chi mới là nhào vào liền. Vậy nên tôi mua cái GPS cả chục năm trước rồi. Tôi lại có tính…chung thủy, cái chi chưa hư thì không vứt đi, vậy nên cái GPS cổ lỗ sĩ đó vẫn ở trong xe. Mà đường xá không nằm yên như chúng ta nghĩ, nó thay đổi. Vậy nên muốn được chỉ đúng đường thì phải update bản đồ. Ngày nay, hầu như tất cả các loại máy mới đều cho update không phải trả tiền suốt đời. Cứ thỉnh thoảng lại phải download bản đồ mới. Được cái không tốn xu nào nên rất thoải mái. Cái máy cổ lỗ sĩ của tôi muốn download bản đồ cập nhật thì phải xùy tiền ra. Đó là một điều rất chi là ngại ngùng. Vậy nên đường thì thay đổi mà máy của tôi mù tịt. Mấy đứa con giục giã tôi bỏ tiền ra để lấy bản đồ mới, nhưng vừa phải mất công download vừa mất công móc ví tiền ra nên tôi cứ hẹn lần hẹn lữa. Mãi cho tới bây giờ, hãng máy Tomtom có đợt sale chỉ mất có 25 đô để download, tôi mới hăng hái tu sửa bản đồ đường xá trong máy.
Chuyện update bản đồ là chuyện cần thiết, tôi biết vậy nhưng…kệ nó! Cũng là một cách nhắm mắt cho khỏi sợ. Sợ vì những tai nạn trên khắp thế giới do nhắm mắt theo GPS tôi đọc được trên báo chí. Nhiều tai nạn…vui lắm!
Ông Robert Ziegler, 37 tuổi, người Thụy Sĩ, lái một chiếc xe van theo chỉ dẫn của GPS. Cứ nhắm mắt đưa…bánh xe, ông thấy mình leo lên tới đỉnh núi Bergun. Ông và chiếc xe nằm chết trên đó, không nhúc nhích cục cựa chi được cả. Đành phải dùng phôn tay kêu cứu. Chẳng có xe cấp cứu nào leo được một cách thần kỳ như ông nên cảnh sát phải dùng trực thăng câu cả ông lẫn chiếc xe xuống núi! Ông khai với cảnh sát: “Tôi biết mình bị lạc nhưng hy vọng tới một khúc quanh nào đó sẽ trở lại được đường chính. Máy GPS luôn bảo tôi vòng lại nhưng làm sao mà tôi vòng được!”. Một lính cứu hỏa đã…khen bác tài: “Ông ta nói là không thấy dấu chân người trên đường nhưng tôi nghĩ ông là một tài xế giỏi khi leo lên được cao như vậy bằng lối mòn cho súc vật đi!”.
Đưa được xe lên thăm Sơn Tinh, GPS cũng dư sức đưa được xe xuống thăm Hà Bá. Ba cô nàng lái một chiếc xe Mercedes-Benz SUV tới dự một hội nghị ở Bellevue, tiểu bang Washington. Họ lái xe về lại khách sạn vào lúc trời đã tối. Cứ phó mặc cho GPS dẫn dắt. Chiếc máy nói nhiều đã đưa chiếc xe tới đoạn đường dùng để dân chơi thể thao đưa tàu xuống hồ Mercer Slough Nature Park. Chiếc xe chạy thẳng xuống nước. Một cô nhảy ra được khỏi xe. Hai cô cố bám vào chiếc xe bằng cách đứng trên bậc thang leo lên cửa xe. Khi chiếc xe coi bộ nhất quyết lăn xuống hồ, hai cô mới vội bơi vào bờ thoát thân. Chiếc xe chìm lỉm sau đó, dĩ nhiên máy GPS cũng chìm theo!
Làm sao tới cớ sự như vậy? Tôi chẳng dại chi điên cái đầu tìm hiểu đây là lỗi của máy móc hay con người. Nhưng có những cuộc lạc đường do chính con người gây ra. Đó là vô ý khi bấm máy tới địa điểm mình muốn tới. Địa danh nhiều khi trùng nhau. Nói nào xa, mới hai tuần trước đây, tôi có việc phải tới một nhà ở đường Touranjeau bên Brossard, một thành phố ở phía nam Montreal, cách một con sông. Thành phố bên cạnh mang tên La Prairie cũng có đường Touranjeau. Chẳng hiểu tôi bấm làm sao mà máy chỉ qua đường Touranjeau…lộn. May mà tôi đã cẩn thận phôn hỏi chủ nhà trước và được xác định là đường Touranjeau ở Brossard. Nếu không tôi sẽ lại đi mua đường!
Chuyện lầm lẫn của tôi là chuyện thuộc loại nhẹ so với những cái lộn khác. Một ông tài xế xe vận tải người Syria lái theo chỉ dẫn của máy GPS. Ông muốn tới bán đảo Gibraltar, phần đất dính vào Tây Ban Nha nhưng máy lại dẫn ông tới Gibraltar Point ở tít tận bên Anh, cách bán đảo Gibraltar tới 1600 dặm (khoảng 2.500 cây số)! Lái chiếc xe chở hàng nặng tới 32 tấn đi lạc tới 2 ngàn rưởi cây số! Nguyên do là vì có hai Gibraltar, một ở Anh, một ở cạnh Tây Ban Nha. Ôi, sao trên đời này có tới hai Gibraltar làm chi cho tốn xăng!
Cứ theo những gì tôi viết ở trên thì nên vứt quách cái GPS đi cho hết rắc rối. Nhưng tại sao GPS bi chừ vẫn sống hùng sống mạnh. Bởi vì công của nó nhiều hơn tội. Tội nhiều phần do chính người sử dụng. Hoặc không chịu update bản đồ, hoặc bấm nhầm một điểm đến mà tên có ở nhiều thành phố khác nhau. Nếu phải kể tội thì cái tội lớn nhất của GPS là giết chết kỹ nghệ in bản đồ. Từ ngày có cái máy chỉ đường biết nói này, trong xe của chúng ta rộng rãi hẳn ra vì không phải chứa hàng đống bản đồ lỉnh kỉnh. Nhớ khi xưa, mỗi lần hè muốn đi du lịch là phải nghiên cứu đường đi, mua bản đồ, một người lái một người ngồi bên cạnh ôm bản đồ, mệt! Nay chỉ một cái máy gọn nhẹ là yên chí lớn, lại còn được chọn muốn đi đường xa lộ hay không, muốn đi đường tắt nhanh nhất hay đường lớn, muốn nghe chỉ đường hay muốn khóa miệng bà đầm. Đặt trường hợp các ông tài xế xe buýt hay xe vận tải đường dài thì phải cám ơn GPS đến chừng nào.
Cô em tôi, mấy năm trước đây, từ Việt Nam qua du lịch, ngồi trên xe, nghe GPS chỉ đường, bèn thốt lên: “Cứ như ma ấy nhỉ!”. Con ma này nằm ở đâu? Nó nằm ở trên trời!
GPS là chữ viết tắt của Global Positioning System, có người dịch ra tiếng Việt là “Hệ Thống Định Vị Toàn Cầu”. GPS nhận tín hiệu từ các vệ tinh bay vòng quanh trái đất. Vệ tinh GPS đầu tiên được phóng vào năm 1978. Tới năm 1994 mới phóng đủ 24 vệ tinh cần thiết cho việc định vị. Thoạt kỳ thủy, GPS chỉ dùng cho mục đích quân sự do bộ Quốc Phòng Mỹ quản trị. Kể từ năm 1980, bộ Quốc Phòng Mỹ mới cho phép dùng GPS cho dân sự. Nhóm vệ tinh dùng cho GPS gồm tới 24 vệ tinh được đặt trên không gian, cách mặt đất tới 20.200 cây số. Các vệ tinh được bố trí làm sao để các máy thu GPS trên mặt đất có thể bắt tín hiệu được từ tối thiểu 4 vệ tinh vào bất kỳ thời điểm nào. Ngoài Hoa Kỳ, Liên Xô cũng có một hệ thống tương tự gọi là Glonass, Liên Minh Âu Châu có hệ thống Galileo, Trung Quốc có hệ thống Beidu (Bắc Đẩu), Ấn Độ có hệ thống IRNSS, Nhật có QZSS, Đài Loan cũng dự tính tới năm 2020 sẽ có hệ thống Compass. Hệ thống GPS hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết tốt hay xấu, bao quát khắp nơi trên trái đất. Điều đặc biệt là Hoa Kỳ cho dùng GPS free, nhưng phải mua các thiết bị thu tín hiệu nếu muốn khai thác. Các vệ tinh GPS bay vòng quanh trái đất hai lần mỗi ngày, theo một quỹ đạo rất chính xác và phát tín hiệu xuống trái đất. Các máy thu GPS nhận thông tin này và, bằng phép tính lượng giác, tính được chính xác vị trí của người dùng. Máy thu phải nhận được tín hiệu của ít nhất sáu vệ tinh cùng một lúc. Tín hiệu này được sắp đặt sẵn với sáu đường quỹ đạo với bốn vệ tinh được phân bố đều cho mỗi quỹ đạo trong sáu quỹ đạo hoạt động. Như vậy 24 vệ tinh trên trời sẽ phục vụ sáu quỹ đạo, mỗi quỹ đạo gồm bốn vệ tinh.
Các máy GPS chúng ta dùng thuộc các thế hệ cũ chỉ bắt được một làn sóng quỹ đạo trong khi các máy mới bắt được tới 10 làn sóng song song nên nhanh hơn và chính xác hơn. Cái máy Tomtom của tôi đã chục năm tuổi nên mỗi khi khởi động, ngồi chờ đến sốt ruột mới bắt được sóng. Khoa học tiến mà chúng ta không chịu chi tiền nên đành chịu phận hèn. Thực ra cho tới khi tìm tài liệu viết bài này tôi mới biết chuyện chậm tiến của mình. Cứ tưởng cô đầm của máy nào cũng ăn nói như nhau, ai ngờ cũng nhất bên trọng nhất bên khinh. Cái chi cũng có thứ hạng. Mà thứ hạng được tính bằng đô. Thật là một cách tính thiếu dễ chịu! Thôi thì đành tự hứa khi nào dư tí tiền còm sẽ bắt cái máy mới cho nhanh nhẹn cái thân già.
Nhưng kỹ thuật bi chừ còn tiến tới hơn nữa. GPS tự điều khiển xe chứ không cần thuê một cô đầm nhai nhải nhắc anh tài xế nữa. Google đã cho chạy thử nghiệm xe không người lái và đạt được kết quả đáng khích lệ. Lên xe, chúng ta chỉ cần bấm cho biết nơi đến rồi ngồi vênh râu ra cho xe chở đi. Theo ước tính thì xe sẽ được bán cho công chúng sử dụng vào năm 2020. Cũng chỉ còn 6 năm nữa. Quý cụ nào muốn vênh râu thì ráng bám lấy cuộc đời cho tới năm đó. Chiếc xe không người lái này sẽ làm thế giới thay đổi nhiều. Số tai nạn xe hơi sẽ giảm tới 90%. Môi trường sẽ trong sạch hơn nhiều vì xe chạy toàn bằng điện. Mấy anh làm giá xăng lúc đó mặt sẽ như cái mền rách. Đường xá trong thành phố sẽ không có đèn xanh đèn đỏ chi vì các xe lưu thông sẽ biết cách tránh nhau. Thành phố cũng không còn nạn kẹt xe vì xe lưu thông đều đặn, không phải dừng lại để chờ nhau hoặc kẹt đèn giao thông như hiện nay. Việc đi lại trong thành phố sẽ trở nên dễ dàng hơn nên dân chúng thích ở trong thành phố hơn. Vùng ngoại ô sẽ quạnh hiu. Nhưng cũng có một điều phiền toái là sự riêng tư của chúng ta trên đường phố sẽ không còn vì camera sẽ được lắp đặt búa xua trong thành phố. Anh chị nào muốn chở bồ đi chơi sẽ kẹt. Khi cần thì hình ảnh sẽ lộ ra ngay. Lúc đó chiếc xe sẽ thực sự là xe ma. Cứ lừ lừ đi.
Anh GPS ma mãnh lắm vì dù chúng ta ở xó xỉnh nào nó cũng móc ra được nếu chúng ta có máy GPS trong người. Ở đâu là anh GPS biết tỏng tòng tong hết. Hiện nay hầu như các máy hình, phôn thông minh và các thiết bị điện tử khác đã được gắn GPS hết. Chuyện định vị này đang trở thành chuyện thông thường. Chiếc iPad tôi đang dùng có thể chụp hình được và hình được ghi nơi chụp đàng hoàng. Lần đầu tiên tôi xài chiếc iPad này là khi đi du lịch bên Âu châu. Lúc đó tôi mang nó đi vì thấy tiện lợi để đọc trên máy bay cả vài trăm cuốn sách tôi để trong máy. Bữa đó, khi đang ở phi trường Heathrow bên Luân Đôn đợi máy bay về lại Montreal, thấy mấy ông bạn tôi ngồi ngủ gục trên ghế vì mệt. Có ông còn đàn sáo vi vu. Tiện thể trên tay đang có chiếc iPad, tôi bấm mấy tấm hình để chọc quê mấy ông bà bạn. Khi mở hình ra coi, thấy ghi rõ hình này chụp tại phi trường Heathrow. Tôi phục cái máy quá. Ai ngờ chuyện này nhiều ông đã biết từ khuya, báo hại mình lòi ra nguyên một cục quê mùa!
Nhờ tính năng định vị này, người ta đã áp dụng GPS vào nhiều chuyện khác ngoài chuyện dẫn đường cho xe hơi. Như chuyện theo dõi các thú hiếm trong rừng. Cứ gắn một cái chip trên con thú thì người ta có thể theo dõi vị trí của chúng bất cứ lúc nào. Các ông các bà bị bệnh Alzheimer hay đi lang thang quên đường quên xá, nhiều khi không biết đường về. Người ta cũng cho những vị này đeo một cái chip GPS là biết ngay họ đang ở đâu để tìm ra ngay. Cứ gắn chip đã tích hợp GPS lên người, động vật hay lên đồ vật là chẳng trốn vào đâu được.
Tại Việt Nam xe gắn máy được sử dụng nhiều hơn xe hơi. Tai nạn mất xe xảy ra rất thường. Khóa xe kỹ càng tưởng là an toàn nhưng quái xế ngày nay tài tình lắm, xe vẫn không cánh mà bay. Vậy nên dân trong nước ngày nay đã dùng chiêu chống ăn cắp xe bằng cách cài một thiết bị tích hợp GPS trong xe. Dĩ nhiên thiết bị này phải nhỏ, dễ bí mật dấu trong xe, kẻ trộm không thể thấy được. Với thiết bị an toàn này, khi chiếc xe bị mất cắp, chủ xe có thể biết xe đang ở đâu, đang chạy hay dừng, dừng ở đâu, đã dừng hoặc chạy bao nhiêu lâu. Việc truy tìm ra chiếc xe sẽ rất dễ dàng.
GPS đang và sẽ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Lại mấy ông bạn trời đánh của tôi! Mấy ổng đang lo. Nếu mấy bà biết trò dùng GPS để gắn nhẹ một cái chip nho nhỏ vào quần áo của các ổng khi các ổng ra khỏi nhà thì sao. Có mà lộ bí mật hết. Tôi bảo mấy ổng là cứ tìm đường sáng mà đi thì ngại chi cái chip cỏn con đó. Từng ấy cái miệng nhao nhao phản đối: vậy thì đi làm chi, đời đã hết ý nghĩa! Các ông ấy xúm lại đe dọa tôi: “Này ông! Đừng có vẽ đường cho hươu chạy nghe không! Chúng tôi đồng thanh “kiến nghị” ông không được đăng báo bài này!”.
Tôi phân vân. Một bên là bạn, một bên là độc giả, biết chọn ai?
Khi đọc bài này, quý vị đã biết tôi chọn ai!
11/2014
|