Trong Hội Nghị APEC (Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương) tại Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 11 vừa qua, tonton Obama bị báo chí Trung Cộng phê bình tơi tả về tội nhóp nhép. Ông nhai kẹo cao su lia lịa. Thậm chí khi duyệt hàng quân danh dự, chào cờ hay ngồi họp giữa văn võ bá quan phương diện quốc gia, miệng ông vẫn nhóp nhép. Nhai như vậy, đối với văn hóa Trung Hoa là vô lễ. Bình luận gia Krauthammer của hãng thông tấn Fox News chỉ trích: “Dân Trung Quốc rất nhậy cảm với nghi thức, sự tinh tế và trịnh trọng của nghi lễ ngoại giao. Họ đã có một lịch sử ba ngàn năm! Ở Trung Quốc, nhai kẹo cao su là một hành động thiếu tôn kính”.
Ông Obama hình như phớt lờ hết. Ở đâu ông cũng nhóp nhép. Trên chiếc máy bay riêng Air Force One khi ngồi xem football. Tại các cuộc vận động tranh cử. Khi chủ tọa buổi lễ kỷ niệm cuộc Đệ Nhị Thế Chiến. Khi chính thức tiếp Nữ Hoàng Elizabeth. Bất cứ lúc nào chàng cũng có thể nhai được. Bộ làm tới Tổng Thống một cường quốc mà không nhín được cái sở thích con nít đó chăng?
Thật oan ơi ông Địa! Ông Obama không nhai kẹo cao su cho khoái cái miệng mà đó là thuốc của ông. Năm 2009, ông đã cho biết ông vốn là một người nghiện thuốc lá từ tuổi teen. Tới giữa năm 2010 ông vẫn còn phì phèo. Bác sĩ riêng của ông, Đại Tá Hải Quân Jeffrey Kuhlman, đã khuyên ông nên nhai kẹo cao su có chất nicotine để cai thuốc lá. Nay ông đã chừa được thuốc lá nhưng phải nhai kẹo cao su có chất nicotine. Đó là cuộc chiến sống chết với thuốc lá mà ông đang phải căng mình ra chiến đấu.
Kẹo cao su cai thuốc lá có tên là nicorette gồm hai loại có hàm lượng nicotin khác nhau: loại 2 mg và loại 4 mg. Tôi nghĩ “bệnh” nặng như ông Obama chắc phải xài loại 4 mg. Mỗi ngày phải nhai 10 viên kẹo, mỗi viên nhóp nhép trong 30 phút mới có tác dụng phóng thích hết hoạt chất. Được cung cấp chất nicotine qua kẹo nên người dùng không thấy thèm thuốc lá nữa. Tôi thử làm một con tính. Mỗi ngày 10 viên, nhai mỗi viên trong 30 phút, tổng cộng là phải nhai 300 phút hoặc 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Với lịch trình công du dày đặc, ông Obama phải nhóp nhép trong khi tham dự các nghi lễ là chuyện phải làm. Nên…đại xá cho ông. Nhập gia Trung Quốc mà phải tùy tục hạn chế kẹo thì ông tonton lấy đâu sự tỉnh táo mà đối phó với ông Tập Cận Bình! Báo chí Trung Quốc làm rùm beng chuyện này có khi nằm trong chiến thuật của nhà nước không chừng. Chơi với mấy anh cộng sản khó lắm!
Chúng ta hầu như ai cũng nhóp nhép kẹo cao su cho thơm miệng hoặc cho bớt hồi hộp. Cứ nhìn các ông bầu thể thao bóng đá, hockey, football, bóng chuyền nhai muốn lòi răng khi điều khiển đội banh của mình tranh tài khắc biết. Ngay dân Trung Quốc ngày nay cũng nhai như điên. Theo số liệu thống kê thì trung bình mỗi người dân Trung Quốc mua 10 gói kẹo cao su mỗi năm. Với dân số 1 tỷ 400 triệu người, số kẹo cao su tiêu thụ lên tới 14 tỷ gói một năm!
Trên xe của tôi luôn luôn có một lọ kẹo cao su nhưng ít khi miệng tôi nhóp nhép. Không phải vì sợ rớt răng giả như mấy ông bạn tôi. Hai hàm răng của tôi vẫn là răng trời cho. Nhưng vì tôi không hảo ngọt. Vậy thì lọ kẹo cả năm mới dùng hết chỉ để chữa cháy khi cần. Đó là sau khi làm một tô bún mắm hoặc bún riêu, bún ốc hoặc bò bẩy món, những thứ mà không có tí mắm ruốc vào thì lạt lẽo vô vị. Chỉ nhóp nhép một chút là miệng lưỡi thơm lừng, mắm miếc chạy trốn hết. Những lúc đó thật muốn cám ơn ông tổ kẹo cao su, con người thông minh biết là dân ta có món mắm tôm mắm ruốc pha chế thêm vào nào tỏi nào hành rất hung hăng mùi vị, nên chế ra kẹo cho thơm tho miệng hầu có thể tâm tình thoải mái. Kẹo cao su là một thứ kẹo có vẻ văn minh vậy mà nó lại là thứ già khú đế!
Kẹo cao su hiện diện từ thời Cổ Hy Lạp. Tùy theo từng nơi, nó có những nguyên liệu khác nhau. Người Hy Lạp dùng nhựa của cây nhũ hương, người Ấn Độ dùng nhựa cây trầu không, còn người Da Đỏ lại dùng nhựa thông. Khoảng năm 1850, loại nhựa chế biến từ paraffin phát triển nhanh chóng và trở nên rất phổ biến. Hơn một thập niên sau, nhựa cây chicle ở Mễ Tây Cơ được nhập cảng vào Mỹ để chế biến kẹo cao su. Từ đó, loại nhựa này ăn trùm kỹ nghệ sản xuất ở Mỹ vì có đặc tính mịn, mềm, giữ được mùi hương lâu dài.
Người có ý tưởng khai thác loại nhựa cây chicle là tướng Antonio López de Santa Anna của Mễ. Ông này sau trở thành nhà độc tài cai trị nước Mễ trong một thời gian dài trước khi bị lật đổ. Ông chạy qua Mỹ, tới Nữu Ước vào năm 1869. Lúc đó ông đã 75 tuổi. Ông nuôi chí phục thù, có kế hoạch gây quỹ bằng cách nhập loại nhựa cây chicle vào Mỹ để thay thế cao su. Vậy thì ông này chỉ có công giới thiệu nhựa cây chicle vào Mỹ thôi chứ chưa nghĩ tới chuyện làm kẹo cao su. Ông gặp nhà phát minh Thomas Adams. Họ tính là sẽ giầu to với sáng kiến này. Nhưng họ thất bại cay đắng. Ông tướng trở về Mễ, nhà phát minh dở sống dở chết với mớ nhựa cây chicle vô dụng. Lúc ông tính đổ đống nhựa vô dụng này xuống sông thì ông đi ngang qua một cửa hàng dược phẩm và nhìn thấy một cô bé đang mua kẹo sáp paraffin để nhai. Sực nhớ lại người Mễ thường nhai chicle, ông thử làm kẹo dẻo bằng thứ nhựa chicle này. Ông thành công. Sản phẩm “kẹo cao su số một New York của Adams” trở nên hot kinh khủng. Chính sản phẩm này của Adams là tổ tiên của thứ kẹo cao su hiện nay chúng ta đang dùng. Trong rất nhiều thương hiệu kẹo cao su trên kệ hàng ngày nay, vẫn còn thứ kẹo mang tên Chiclet.
Đó là thứ kẹo cao su…tân thời. Năm 2007, một cô sinh viên ngành khảo cổ người Tô Cách Lan tên Sarah Pickin, 23 tuổi, đã may mắn tìm được miếng bã kẹo cao su cổ có niên đại từ 5 ngàn năm trước! Miếng kẹo cao su xưa ơi là xưa này được tìm thấy ở bờ biển Phần Lan. Di vật này là cục nhựa vỏ cây bạch dương có vết răng nhai dở rất rõ. Cây bạch dương là loại cây rất phổ biến ở Phần Lan đến nỗi được tôn phong làm quốc thụ! Nhựa bạch dương được người cổ xưa dùng như một chất khử trùng nhằm ngăn ngừa bệnh sâu răng. Cô sinh viên…trúng số này vui mừng cho biết: “Tôi biết trước đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy bã kẹo cao su cổ đại tại Âu châu, do đó khi nhìn thấy mẫu vật trong khe đất, tôi nghĩ ngay tới kẹo cao su. Tuy nhiên trông nó bẩn thỉu và sờ vào thấy mềm mềm như phân động vật nên tôi khựng lại, quay sang hỏi ý kiến bạn bè”. Giáo sư Trevor Brown, người hướng dẫn của cô Pickin trong chuyến du khảo kéo dài sáu tuần tại trung tâm thời kỳ đồ đá Kierikki này, phát biểu: “Miếng bã kẹo mà Pickin tìm thấy có lẽ được làm bằng cách nướng vỏ cây cho nóng chảy, sau đó đun sôi, làm lạnh thì mới thành một khối chắc chắn như thế. Khi muốn nhai kẹo, người ta phải hơ nóng cho mềm”.
Kẹo là thứ con nít rất ưa. Ngày Halloween, con nít kéo hàng đàn hàng lũ đi xin kẹo. Sâu răng, sún răng cũng vì kẹo nếu các bậc cha mẹ không chú ý tới việc săn sóc răng miệng cho con cái. Nhưng kẹo cao su lại không phải thứ kẹo dành cho con nít vì nó có bã kẹo dính lằng nhằng phải nhả ra sau khi kẹo hết chất ngọt. Con nít ít khi muốn nhả thứ ngọt ngọt này ra khỏi miệng. Nếu chúng nuốt luôn chất cao su vào bụng thì chuyện gì xảy ra? Chẳng có chuyện chi cả vì bã kẹo sẽ không dính vào ruột, không làm tắc nghẹn cuống họng. Khi chúng ngồi bô, kẹo sẽ được thải ra theo phân.
Nhai kẹo cao su chỉ được cái mỏi miệng, nhiều người chống đối đã phát ngôn như vậy. Thực ra kẹo cao su cũng có lợi. Trong kẹo có chất ksylitol có tác dụng chống vi khuẩn, giúp ngăn ngừa sâu răng. Chất này có thể hạn chế được tới 70% sâu răng. Theo các nhà khoa học thuộc Đại Học Glasgow ở Mỹ thì việc nhai kẹo cao su từ 30 đến 90 phút sẽ kích thích nước bọt và làm giảm nồng độ acid trong miệng, làm sạch thức ăn thừa, ngăn chặn vi khuẩn hoạt động làm hại men răng. Dựa vào…đức tính này của kẹo, người ta đang tính tới việc trang bị kẹo cao su có chất ksylitol cho lính Mỹ. Bởi vì đời lính, nhất là lính đi hành quân, ít có thời gian đánh răng thường xuyên trên chiến trường. Các chuyên gia đã báo động là có tới 15% quân nhân Mỹ có vấn đề về răng miệng, nhất là viêm nướu răng. Họ đã chế tạo một loại kẹo cao su có chứa protein KSL tấn công các vi khuẩn bám trên răng như streptococcus mutans, thủ phạm của sâu răng và viêm nướu. Với loại kẹo này, binh sĩ có thể không cần đánh răng trong một thời gian. Thực ra binh sĩ Mỹ đã có kẹo cao su trong khẩu phần thức ăn khô Ration C từ lâu. Không biết có ai nhớ cái khẩu phần của lính Mỹ tại Việt Nam này mà chúng ta có thể mua ở chợ trời một cách dễ dàng. Trong khẩu phần này có hai viên kẹo cao su chicklet. Nhưng thứ kẹo này chỉ để ăn cho thơm miệng chứ không…nha khoa như thứ có protein KSL ngày nay.
Chuyện bất tiện của kẹo cao su là cái bã kẹo. Nó dính lằng nhằng rất khó tẩy trừ nhất là khi dính vào tóc. Đây là một vấn đề nhiều khi nan giải cho các thành phố. Chúng ta đang cố giảm thiểu xài bao nhựa để bảo vệ môi trường vì nhựa là một thứ rất khó phân hủy. Bã kẹo cao su cũng vậy. Phải mất 5 năm mới phân hủy được. Tại thủ đô Luân Đôn của Anh, người ta khổ công với bã kẹo cao su. Trung bình cứ hai công dân Anh thì một người thường xuyên nhai kẹo. Hậu quả là trên con đường nổi tiếng Oxford ở Luân Đôn bã kẹo là một vấn đề lớn. Năm 2001, thành phố đã mở một chiến dịch dọn bã kẹo cao su và họ đã cạo đi tới 300 ngàn bã kẹo trên lề đường! Tổn phí lên tới 192 ngàn đô Mỹ. Đó mới chỉ là làm sạch những điểm trọng yếu. Nếu muốn làm sạch tất cả các con đường của Luân Đôn thì phải chi một số tiền gấp 90 lần lớn hơn. Nhà chức trách đã nghĩ tới hình phạt lên tới 75 bảng Anh, khoảng 144 đô Mỹ, cho mỗi vi phạm vứt bã kẹo trên đường phố.
Nói tới vụ bã kẹo chắc chắn phải nói tới Singapore. Tại sao quê hương của ông Lý Quang Diệu lại có biện pháp gắt gao phạt tiền và đánh roi các người nhai kẹo cao su bất kể là dân địa phương hay du khách ngoại quốc? Chuyện kể như thế này. Ông Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu công du qua Thái Lan, được Thủ Tướng Thái Lan lúc bấy giờ là ông Chuan Leck Fai đãi cơm. Khi dùng món tôm, ông Lý hỏi: “Ở Thái Lan các ông làm gì với vỏ tôm?”. Ông Fai trả lời là vứt rác chứ làm chi. Ông Lý cười nói: “Ở Singapore chúng tôi dùng để sản xuất món snack tôm xuất cảng sang Thái Lan”. Khi ăn cam tráng miệng, ông Lý hỏi: “Ở Thái Lan, các ông làm gì với vỏ cam”. Ông Fai trả lời là vứt đi chứ làm chi. Ông Lý cười nói: “Ở Singapore chúng tôi cho vào nhà máy sản xuất nước cam bán sang Thái Lan!”. Cuối cùng khi ăn kẹo cao su, ông Lý lại hỏi: “Ở Thái Lan các ông làm gì với bã kẹo cao su?”. Ông Fai lại trả lời là vứt đi. Ông Lý từ tốn nói: “Ở Singapore chúng tôi chuyển tới nhà máy sản xuất bao cao su xuất cảng sang Thái Lan”. Ông Thủ Tướng Thái Lan bị hạ ba bàn trắng, tức tràn hông nhưng kiềm chế được. Tới khi tiễn ông Lý ra phi trường về nước, ông Fan mới hỏi: “Ở Singapore các anh làm chi với bao cao su sau khi dùng xong?”. Ông Lý trả lời là vứt đi chứ làm chi được với cái thứ đó. Ông Fai mới nhẩn nha ghé vào tai ông Lý : “Ở Thái Lan chúng tôi chuyển tới nhà máy sản xuất thành kẹo cao su xuất cảng sang Singapore!”. Ông Lý tá hỏa tam tinh, vừa về tới nhà đã khẩn cấp cho ban hành đạo luật cấm kẹo cao su ở Singapore!
Câu chuyện chơi nhau trên trường ngoại giao này, ai tin được thì tin, tôi không có ý kiến. “Chính sử” ghi lại như thế này. Kể từ khi giành được độc lập, đất nước Singapore nhỏ bé đã phải nỗ lực phát triển vượt bậc các ngành công nghiệp để trở thành một nước giầu mạnh. Cái giá phải trả cho sự bùng nổ kinh tế này là sự hủy hoại môi trường. Trong thập niên 1980, công nhân vệ sinh đã gần như bất lực với nạn bã kẹo cao su dính trên khắp vỉa hè, cầu thang, thang máy, trên xe buýt và các khu vực công cộng khác. Trước thực trạng này, năm 1987, một dự thảo cấm dùng kẹo cao su đã được thảo ra nhưng không được Quốc Hội thông qua. Cùng năm đó, Singapore hoàn thành hệ thống xe điện ngầm hiện đại trị giá 5 tỷ đô Mỹ với hy vọng mang lại sự hiện đại và lịch lãm cho thành phố. Nhưng vừa ra đời, hệ thống xe điện ngầm hiện đại này đã bị nạn bã kẹo cao su hạ đo ván. Trên khắp ghế ngồi, tay cầm, cửa điện tử tự động dính đầy bã kẹo cao su. Có lần cửa tự động đã bị kẹt vì nhiều bã kẹo dính vào. Nhà nước mất một số tiền khá lớn để dọn dẹp nhưng làm không xuể. Trước thực trạng đó, luật cấm dùng kẹo cao su được thông qua vào năm 1992. Người dân nào bị bắt gặp nhóp nhép nhai kẹo cao su là bị phạt. Phạt tiền và phạt đòn đét đít! Chỉ hai năm sau lệnh cấm, năm 1994, vụ Michael Fay đã làm nhà cầm quyền Singapore vất vả. Michael Fay là một thiếu niên Mỹ sống ở Singapore với mẹ và bố dượng. Cậu bị bắt vì tội cùng với một số thiếu niên bản xứ phá hoại tài sản và xe hơi. Hình phạt là bốn tháng tù và 2 ngàn đô. Cộng vào đó là tội có giữ kẹo cao su trong người. Tội này bị phạt sáu roi. Hình phạt thời trung cổ này làm xôn xao dư luận Mỹ khiến cho Tổng Thống Clinton phải đích thân xin miễn cho đương sự. Nhưng luật là luật, dù tonton Mỹ nhúng tay vào, luật vẫn được thi hành. Cuối cùng, nể tình bang giao giữa hai nước, Singapore giảm cho hai roi, cậu Michael Fay vẫn bị quất bốn roi! Hậu quả là chỉ trong một đêm, hầu như không còn du khách Mỹ tới Singapore và hàng tỷ đô hàng hóa bị ngưng trệ!
Mãi tới giữa năm 2004, dưới sức ép của Hoa Kỳ, luật cấm nhai kẹo cao su tại Singapore được nới lỏng chút ít. Họ đồng ý cho bán kẹo cao su thuốc nhãn hiệu Wrigley của Hoa Kỳ. Tất cả có 19 loại kẹo thuốc này trong đó có kẹo chứa chất nicotine. Người sử dụng phải mua trực tiếp từ nha sĩ hoặc bác sĩ. Phải khai tên tuổi và số thông hành hoặc thẻ căn cước. Khách du lịch có thể mang vào Singapore tối đa mỗi người hai gói. Nhưng nếu nhả bã kẹo trên đường phố vẫn có thể bị đét đít!
Chuyện chi mà quan trọng! Dân Mỹ đối đãi với bã kẹo cao su “nhân đạo” hơn nhiều, Họ biến chúng thành…nghệ thuật. Tại thung lũng Post thuộc thành phố Seattle, từ năm 1990, có một bức tường gắn toàn bã kẹo cao su đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Thoạt đầu, họ dán bã kẹo lên tường để gắn giữ đồng xu may mắn. Dần dà, bã kẹo đã xâm lấn khiến các đồng xu chìm lỉm vào bã kẹo. họ biến bức tường thành các bức vẽ đầy màu sắc và nghệ thuật.
Các “họa sĩ” tường này có cơ bị thất nghiệp vì loại kẹo cao su mới đã được bán tại Anh: kẹo cao su không dính! Loại kẹo này có tên là Clean Gum do Đại học York hoàn thành. Bã của loại kẹo này không bám vào quần áo và tự hủy trong vòng 6 tuần lễ. Nếu chúng ta vô ý ngồi trên ghế công cộng có bã kẹo cao su thì vẫn thơ thới hân hoan đứng lên không na theo bã kẹo dính trên bàn tọa. Ngay cả tóc là nơi khó gỡ bã kẹo nhất cũng không sao. Người ta có thể gỡ ra dễ dàng bằng cách dùng nước, dầu gội đầu và lược. Mần răng mà kẹo cao su lại không…cao su như vậy được? Họ cho thêm vào kẹo một chất polymer chống dính. Chất này làm bã kẹo dễ thương hẳn ra, cứ cu ki nằm một mình, không ôm dính đế giầy, áo quần, tóc tai, lại dễ phân hủy, chỉ vài trận mưa là biến mất! Lại có cụ théc méc: vậy thì ăn có còn ra kẹo cao su không? Người nhai sẽ không thấy chi khác, vẫn thơm ngon như thường!
Ngài Obama nhai kẹo cao su có chất nicotine giúp cai thuốc lá. Rồi có kẹo cao su chống sâu răng và viêm nướu. Kẹo cao su khỏi đánh răng của quân đội Mỹ. Mai mốt sẽ có thứ kẹo cao su có pha chất chống cảm cúm đau nhức như aspirine, acetominophen cho những người ngại nuốt viên thuốc. Ngày nay lại còn thứ kẹo cao su kích dục! Trông bề ngoài thì bao kẹo…tội lỗi này y chang như bao kẹo cao su thường. Nhưng khi nhóp nhép thì như bị bùa mê thuốc lú bảo sao nghe vậy. Đây là thứ kẹo nguy hiểm, đàn bà con gái nên cẩn thận kẻo mang hận.
Làm thân con gái có chút của phải giữ, các bậc cha mẹ xưa cũng như nay đều răn bảo các nàng phải cẩn thận. Lời răn đã đi vào ca dao: Thưa rằng bác mẹ đã răn / Làm thân con gái chớ ăn trầu người. Chỉ ăn miếng trầu đã lọt vào vòng nguy hiểm huống chi ngày nay lậm vào kẹo cao su kích dục. Lời răn ngày nay, hiện đại hơn, cũng đang mon men vào ca dao: Thưa rằng ba má đã răn / Làm thân con gái chớ ăn…kẹo người!
11/2014
|