16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

CÂY

Sáu năm tôi mới trở lại Vancouver, thành phố trước đây tôi vẫn hằng lui tới. Thành phố thay đổi nhiều, dĩ nhiên, nhất là sau Thế Vận Hội Mùa Đông 2010 được tổ chức tại đây. Chuyện thay đổi mà tôi để ý tới là thành phố đang trở nên rất xanh. Chuyện môi trường hình như là chuyện thay đổi rõ ràng nhất. Con gái tôi, cư dân thành phố từ 15 năm qua, cho biết là Thị Trưởng thành phố là người rất chú ý tới việc tạo một môi trường sạch cho thành phố được biển bao quanh bốn bề này. Tôi nhìn thấy sự thay đổi nơi những chiếc xe taxi chạy nườm nượp trên đường phố. Tất cả đều là xe Prius của hãng xe Toyota. Đây là loại xe “lai căng” vừa chạy bằng điện vừa chạy bằng xăng. Với loại xe này, phố phường xanh hẳn ra. Xe buýt thì vẫn xanh từ trước tới nay, chỉ chạy bằng điện với cái cần nối với những sợi dây điện căng trên cao. Mỗi lần nhìn những chiếc xe này, tôi lại nhớ tới những chuyến tàu điện ngày nhỏ tại Hà Nội.

Thành phố xanh này còn xanh rì với cây cối. Cây trên đường phố, cây trong các công viên mà công viên lại nhiều như…cỏ. Chỗ nào cũng có tí xanh điểm xuyết. Cứ đi cho hết bóng cây trong công viên Stanley Park cũng đủ khướt người. Con phố nhỏ nơi con tôi ở rợp bóng cây hai bên đường. Trưa hè bóng nắng không soi được mặt đường. Mát rười rượi. Vậy mà một bữa xe lớn xe nhỏ, cái chặn đường, cái có dàn cần cẩu vươn lên trời tới chặt thớt cây cỡ hai người ôm ngay trước cửa nhà. Tiếng những chiếc máy cưa, máy xay cành và lá cây rì rầm mất mấy ngày trời mới thanh toán xong gốc cây chắc cũng cỡ trăm năm tuổi. Những khúc cây bị cắt nằm trên vỉa hè như những bộ xương khô của một loài thú khổng lồ, có những khúc đường kính chắc cũng cỡ nửa thước. Vỉa hè bỗng trở thành bãi tha ma cây. Tôi thấy có những ông mang xe hơi tới khệ nệ vác những khúc nhỏ chất lên phóng đi mất. Có những nhà hè nhau ra khênh gỗ về. Gỗ cây sồi dùng được khối việc. Chẳng thế mà khi họ cưa tới đoạn gốc cây thì tất cả những khúc cây lớn bằng cả mặt bàn được họ mang xe tới chở đi ngay.

Nhìn thân xác cây bị chia lìa trăm mảnh, một người ít khi để ý tới cây cỏ như tôi cũng thấy xót xa. Phải mất bao nhiêu năm mới có được một thân cây lớn như vậy? Nhưng hỏi chuyện mới biết được dù tiếc cũng phải chặt vì cây đã bị bệnh có thể đổ bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm cho con người. Thí mạng cây để cứu mạng người, chuyện nghe ra hợp lý. Hợp lý quá đi chứ! Nhưng cây có đời sống của cây, chúng có biết đau không khi bị cưa chặt như vậy? Câu hỏi nghe ra lẩm cẩm. Nhưng nếu người nghệ sĩ còn thấy đời sống trong những phiến đá mà chúng ta tưởng là vô tri như nhạc sĩ Diệu Hương đã tới tấp hỏi: Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không? Em hỏi tôi phiến đá có linh hồn không? Trong tâm cảm của người nghệ sĩ, đá còn biết thở dài xa xôi, ngậm ngùi chia phôi. Hay như Trịnh Công Sơn thấm được tình đá: ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Vậy thì cây có đời sống không?

Câu trả lời của chúng ta chắc cũng lơ mơ. Nhưng hầu như chúng ta phe lờ đời sống của cây. Cần đóng một cây đinh trên thân cây để treo một thứ gì đó, chúng ta thẳng tay với nhịp đập của búa. Chẳng ai trong chúng ta thấy được chất máu trong những giọt nhựa cây tươm ra. Cần vặt cây, chặt cây, chúng ta ít nghĩ ngợi. Ai lại dở hơi nghĩ tới nỗi đau của cây. Cây đâu phải là người mà cũng bày đặt đau đớn.

Tôi cũng nghĩ như vậy cho tới khi đọc được những khám phá về cây cỏ của nhà bác học Cleve Backster. Ông này là cha đẻ ra máy dò nói dối từ thập niên 1960. Máy này dựa trên  tiền đề là khi con người nói dối, thần kinh sẽ bị căng thẳng, không giữ được bình tĩnh khiến nhịp mạch đập và nhịp thở sẽ trở nên bất thường khiến máy có thể dò ra được. Máy này đã được các cơ quan điều tra Mỹ và khắp thế giới dùng trong việc tra hỏi các nghi can và phạm nhân. Máy đạt được độ chính xác khá cao. Nhà bác học Backster được CIA mời cộng tác với chức vụ Giám Đốc trường Huấn Luyện Dò Nói Dối và Trung Tâm Nghiên Cứu Backster (Polygraph Instruction School and The Backster Research Foundation).

Chính ông Backster này đã tình cờ khám phá ra là cây cỏ có tâm linh! Một buổi sáng nhàn nhã, ông ra vườn ngắm những chậu cây cảnh. Ông chú ý tới một cây có lá to và dày trong một chậu cây đã một tuần không được tưới nước. Đất khô, thân cây cũng khô cằn. Ông bỗng nảy ra ý định thử cắm vào lá hai đầu dây của một điện kế (galvonometer) rồi tưới nước vào gốc cây. Nước ngấm dần lên thân và lá cây. Kim điện kế vẫn đứng yên không nhúc nhích. Ông nghĩ ra một “trò chơi” khác: đốt chiếc lá này! Ông chỉ mới nghĩ thôi thì kim điện kế bỗng nhảy lên như bị điện giật! Ông thắc mắc: chẳng lẽ cây đọc được tư tưởng của ông sao? Phân vân, ông muốn thử lại. Ông bật hộp quẹt, làm như sắp đốt chiếc lá thật nhưng trong đầu ông tự nhủ là sẽ không đốt. Chiếc kim điện kế đứng yên! Ông kiểm tra lại bằng cách nhất định sẽ đốt chiếc lá thật: kim điện kế bỗng nhảy mạnh!

Ông vui mừng khi nhìn chiếc lá bị đốt một phần. Nhưng, là một nhà khoa học, ông vẫn dè dặt. Ông thử làm lại thí nghiệm này với 25 loại cây cỏ gồm nhiều loại lá, quả và củ khác nhau. Kết quả vẫn như vậy. Ông công bố thí nghiệm và kết luận: cây cỏ có trực giác tâm linh!

Chuyện này tôi đọc được trong bài viết: “Tâm Linh Cây Cỏ và Con Người” của tác giả Nguyễn Mộng Khôi. Tác giả viết tiếp: “Chúng không có mắt, tai, mũi, miệng; không có óc; không có thần kinh hệ... thì cái biết của chúng hẳn phải khác với cái biết của con người. Con người có giác quan nhưng không có trực giác tâm linh như chúng. Dù một bác sĩ tâm lý giỏi cũng không biết được ý định của một kẻ điên khùng sắp đốt nhà mình. Suy nghĩ như vậy làm cho Backster phấn khởi. Ông mở rộng cơ sở nghiên cứu và càng khám phá ra những điều mới lạ. Từng mảnh lá tách rời cũng phản ứng như nêu ở trên và người ta gọi là Phản Ứng Backster. Nhà Sinh thực vật (biologist) Ingo Swann, theo dõi cuộc nghiên cứu của Backster và viết trong quyển The Real Story (Chuyện Có Thật). Quyển sách được phát hành ngày 15-11-1998 trong đó có đoạn: “ Sự nghiên cứu (của Backster) khởi đầu chỉ là một khám phá hầu như tình cờ vào năm 1996 là thực vật có khả năng nhận thức và tự động đáp ứng những xúc cảm mạnh thuận theo ý chí con người ... những cây cỏ của bạn, biết là bạn đang nghĩ gì”.

Nhà bác học Backster đoan chắc là cây có cái ông gọi là “trực giác tâm linh”. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác không đồng ý với ông. Họ đã làm thử cuộc thí nghiệm có kiểm soát trong các điều kiện đúng như ông làm mà không có kết quả. Họ còn cho rằng các thí nghiệm của ông Backster không được thực hiện đúng theo phương pháp khoa học. Trong hội nghị thường niên lần thứ 141 của American Association for the Advancement of Science (Hiệp Hội Hoa Kỳ về Tiến Bộ của Khoa Học), các nhà sinh vật học không thừa nhận kết quả thí nghiệm của ông Backster. Họ công nhận là cây có các tế bào nhưng không có các cơ quan cảm ứng để có thể gán cho cây có cảm giác. Sự chuyển động của  kim điện cực trong thí nghiệm có thể là do điện từ hay độ ẩm gây nên. Bị chê bai, ông Backster cũng tức tối phản ứng lại. Ông cho là các nhà thí nghiệm không theo đúng kỹ thuật ông dùng trong các thí nghiệm nguyên thủy của ông. Cãi vậy nhưng, khi được yêu cầu, ông nhất định không làm lại thí nghiệm!

Tuy bị các nhà khoa học không công nhận nhưng các công trình của ông Backster lại được công luận chú ý. Công chúng khoái lối giải thích về trực giác tâm linh của cây cỏ, coi cây cỏ cũng phần nào có những phản ứng tâm linh với ngoại cảnh. Kết luận của ông Backster hợp với niềm tin của tín đồ Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tín ngưỡng dân gian của chúng ta cũng nghiêng về tâm linh của cây cỏ. Các cây đa đầu làng nơi các làng quê miền Bắc là linh hồn của làng. Cây càng nhiều tuổi càng được dân làng tin là có các thần linh trú ngụ. Người ta thường cúng kiến, đặt bình vôi dưới gốc đa. Đi xa về làng, nhìn thấy cây đa là gặp lại nơi chốn thân thương. Đó là vị thần linh đứng gác cho dân làng. Đi xa, thần cây sẽ phù hộ cho được bình an khi xa làng. Trở về, thần linh đón chào đứa con về lại trong vòng tay xóm giềng.

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khắc đưa.
Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ.

Làng tôi không có cây đa mà có cây hoa gạo. Tới mùa hoa, cây đỏ rực nơi đầu làng. Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Thuở nhỏ cái tôi sợ nhất là ma nơi cây gạo làng tôi. Chẳng biết có ai nhìn thấy ma không nhưng chuyện về ma thì dân làng ai cũng nằm lòng vài chuyện. Cây không biết đã sống được mấy trăm năm. Khi tôi còn nhỏ, khi đi học, khi về học, chúng tôi thường lê la chơi trên những rễ cây lòi lên trên mặt đất như những con trăn, con rắn vòng vo đủ kiểu. Nhưng ban đêm thì không đứa nào dám bén mảng tới gần cây gạo vì sợ ma. Có những lần đi về khuya, có người lớn dắt tay, vậy mà tim vẫn đập thình thịch, bụng vẫn đánh lô tô, mắt la mày lét. Đó là nỗi sợ to lớn nhất ngày nhỏ của chúng tôi.

Tác giả Cao Huy Thuần có lẽ cũng chung nỗi sợ thời thơ ấu với tôi. Trong bài “Hồn Của Cây”, ông viết: “Sống với người, cây có linh hồn: tôi biết điều đó từ nhỏ. Cây biết nói chuyện với chim, biết hát với gió, biết mơ mộng với trăng, biết cãi nhau với bão, biết dọa tôi với đêm khuya. Cây biết xõa tóc bên hồ làm người thất tình. Cây biết làm liễu đìu hiu chịu tang với mùa thu. Tôi đã từng thấy người ta buộc khăn tang cho cây trong vườn khi gia chủ chết. Và có cây nhớ chủ, chết theo”.

Những cổ thụ đều có một đời sống, và một truyền thuyết. Cây hồ đào trước nhà cô bé Anne Frank, người nổi tiếng thế giới với tập nhật ký viết trong những ngày trốn tránh quân Đức Quốc Xã trong một tòa nhà tại Amsterdam ở Hòa Lan đã đi vào đời sống của cô bé. Đó là người bạn duy nhất của cô gái đáng thương trong những ngày trốn chui trốn nhủi. Nhật ký ngày 23 tháng 2 năm 1944, cô ghi: “Chúng tôi cùng ngắm màu xanh tuyệt diệu của bầu trời, ngắm cây hồ đào rụng hết lá, từng giọt nước nhỏ long lanh ánh nắng trên cành, ngắm mấy con hải âu và chim chóc cánh trắng như bạc liệng trong nắng, tất cả làm chúng tôi xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời”. Mùa xuân năm đó, cây tưng bừng trổ lá đón xuân, Anne Frank ghi lại: “Tháng tư đến thật rạng rỡ, không nóng lắm cũng không lạnh lắm, thỉnh thoảng mưa nhẹ như sương trắng. Cây hồ đào của chúng tôi đã bắt đầu trổ lá xanh, loáng thoáng hoa từng chùm chớm nở…Cây hồ đào của chúng tôi nở hoa rực rỡ , từ gốc đến ngọn lá chen nhau trổ xanh, đẹp hơn cả năm qua”. Đó là lần cuối củng Frank được thấy sức sống của cây trong mùa xuân. Tháng 8 năm đó, lính Quốc Xã đã xâm nhập tòa nhà bắt đi cô gái tội nghiệp. Ngày nay, du khách tới thăm căn nhà xưa, nay thành Bảo Tàng Viện Anne Frank, hầu như không ai không viếng cây. Cây nay đã 150 năm tuổi, già yếu, bệnh tật nhưng đã trở thành biểu tượng của hy vọng và tự do. Thành phố Amsterdam yêu cầu đốn nhưng dân chúng không chịu vì tính cách lịch sử của cây. Hầu như năm nào, khi mùa đốn cây tới, mọi người cũng xôn xao bàn tán về cây hồ đào này. Các hội bạn của Anne Frank thì khỏi nói, họ vận động để nhất định cứu cây. Cứu cây như cứu con mắt của một nhân chứng lịch sử!

Những con mắt của chứng nhân thành phố Sài Gòn của chúng ta đang bị đốn hạ. Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, dân Sài Gòn đã nhỏ nước mắt cho hàng cây cổ thụ trên đường Lê Lợi giữa trung tâm thành phố. Họ đốn cây một cách không thương tiếc để làm ga xe điện ngầm chạy từ trung tâm thành phố tới Suối Tiên. Mấy chục linh hồn trăm năm tuổi của Sài Gòn đã nằm xuống. Với thế hệ chúng tôi, những cây lim xẹt và cây dầu đã là chứng nhân chia buồn sẻ ngọt với con đường tình của chúng tôi những ngày tuổi trẻ xưa. Dân Sài Gòn ngày nay khóc một thì chúng tôi khóc mười. Một người dân kể lại: “Em thấy nhiều người đi đường đứng lại khóc vì thương tụi cây quá”.

Nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên đã thảm thiết: “Mất đi hàng cây cổ thụ hai bên đường Lê Lợi, mặt tiền nhà hát thành phố (trụ sở Quốc Hội cũ) lộ ra nhỏ bé, lạc lõng trước dãy cao ốc hiện đại…Cảnh quan tổng thể kiến trúc trung tâm mất đi chiều sâu của lịch sử, văn hóa và dấu ấn sinh thái đô thị”. Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, trong bài “Vẫn Nhớ Về Cây Xanh Thành Phố”, đã tiếc nuối: “Đối với tôi và nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà Nội, Sài Gòn không chỉ là cây xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là hồn vía của đô thị, nơi nhiều người từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen, nó mang lại cảm giác bình yên của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn quá nhiều bề bộn. Chiều nay đi qua đầu đường Lê Lợi trông thấy cảnh những cây cổ thụ bị cưa ngọn cưa thân một cách vội vã, lạnh lùng… Nhìn phố trơ trọi… bỗng ứa nước mắt. Con đường Đồng Khởi có vài khoảnh xanh ở công viên Chi Lăng, ở công viên trước Nhà Hát Lớn… từ gần trăm năm nay thế là không còn nữa. Mấy tòa Vincom mọc lên, Eden biến mất, tòa nhà cổ 5 tầng đối diện Vincom cũng bị san bằng rồi. Chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi. Ông bà mình luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ich trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không. Hình như luôn có sự tương đồng như thế. Tôi đang làm một nghiên cứu về “Khảo cổ học đô thị và việc bảo tồn cảnh quan di sản văn hóa Sài Gòn”, nhưng e rằng, khi làm xong thì có lẽ những di sản của Sài Gòn không còn gì nữa. Chẳng lẽ lại cực đoan đến mức mong đừng ai cho vay tiền để “hiện đại hóa” thành phố, vì khi có nhiều tiền nhưng sự hiểu biết và tính nhân văn không tương xứng thì… những gì đã mất đi không bao giờ có thể làm lại và thay thế được, vì đó chính là một phần lịch sử thành phố”.

Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu đau cái đau của một người tồn cổ, thế hệ chúng tôi đau cái đau về sự ra đi của một người thân . Thành phố của chúng tôi đang biến dạng để trở thành một đô thị vô tri. Đã ngậm ngùi khi bỏ Sài Gòn ra đi, ngày nay mỗi lần nhớ về thành phố thân thương cũ, nơi giữ cả tuổi trẻ của chúng tôi, chúng tôi lại mất cả hình lẫn bóng. Hình như hồn chúng tôi đã nhập vào hồn cổ thụ Sài Gòn. Vậy cho nên bài báo “Sài Gòn Run Rẩy trong Tiếng Máy Cưa” của nhạc sĩ Tuấn Khanh đã làm tôi ngơ ngẩn: “Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ? Trong những bức ảnh thời sự cuối tháng 7/2014, có thể thấy rất nhiều người đứng lại, tần ngần ngắm nghía Sài Gòn, chụp ảnh kỷ niệm với những chiếc lá xanh không quen biết. Chắc họ cũng đã không thể trả lời được rõ ràng cho câu hỏi này, vì ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc chia ly như vậy. Sài Gòn tháng 7 bỗng không nóng bức như thường lệ. Cái lạnh đến sớm một cách khó hiểu, từng chiều, làm hiu hắt thêm một thành phố toác rộng, nhấp nhô với bê-tông. Tại vòng xoay phun nước, hai cụ già đang lóng ngóng thay phiên chụp ảnh nhau làm kỷ niệm. Trước đây, nơi này nhộn nhịp người qua lại bên hàng liễu xanh, giờ hoang vắng lạ. Chụp giùm cả hai cụ một tấm ảnh, nhân tiện hỏi vui “Chỗ này có kỷ niệm riêng của hai bác?”. Ông cụ cười, không trả lời mà lại hỏi “Người ta không chọn được một nơi nào khác để làm nhà ga sao cậu?”.

Trong hai cụ già đứng níu hàng cây kia, tôi nghĩ có tôi trong đó!

09/2014