16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

MỔ

Mổ là chuyện banh da xẻ thịt, máu me tùm lum, chẳng có gì vui. Nhưng dù không vui, tới khi phải mổ vẫn cứ nằm thẳng cẳng cho người ta chuốc thuốc mê, nằm lịm như một cái xác chết cho người ta vọc. Trong hoàn cảnh như vậy, bắt buộc phải tin tưởng vào những người tay dao tay kéo. Thường thì các ca mổ đều tốt. Không tốt thì nhà thương đóng cửa hết từ lâu rồi. Nhưng đôi khi các người áo trắng cũng có sự nhầm lẫn. Con người mà, nhân vô thập toàn!

Tôi mới đọc một bài báo của Bác Sĩ Tom Blakwell có cái nhan đề rất gọn: Medical Error! Nhầm lẫn y khoa. Ông kể một trường hợp khá đặc biệt: trường hợp của bà Helen Church. Năm 2010, bà tới một bệnh viện để được cắt buồng trứng. Sau khi đã banh bụng bà ra, không hiểu các tay mổ đã làm ăn ra sao mà buồng trứng của bà vẫn còn nguyên khi bà xuất viện! Hai năm sau, bà đi cắt cườm mắt. Kết quả, mắt của bà sau đó bị đau không chịu nổi và nay đã mù luôn! Một bác sĩ nhãn khoa tại một nơi khác đã khám lại và cho biết tròng kính nhân tạo đặt vào mắt sau khi mổ cườm đã bị đặt trái chiều. Kết quả bà đã không thấy rõ lại còn bị chảy máu và áp lực trong mắt tăng cao!

Bà Helen Church này xui tận mạng. Tôi có lần chứng kiến một ca nhổ răng lộn tại bệnh viện Saint Paul sau năm 1975. Phòng chữa răng có nhiều ghế. Tôi đang ngồi cho một nha sĩ nhổ mấy cái răng hàm mọc lộn xộn. Bỗng tôi nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một bà ngồi ở ghế gần đó. Bác sĩ nhổ lộn chiếc răng của tôi rồi! Phòng nhổ răng náo loạn một lúc rồi người ta đưa bà ra ngoài. Không biết họ giải quyết ra sao. Tôi không run một tí nào, vẫn hiên ngang ngồi chờ tới lượt mình. Bởi vì nha sĩ của tôi bữa đó là ông bạn của tôi. Tôi tin mắt ông rất tốt!

Có nhiều người bị lộn như bà Helen Church không? Vẫn theo bài báo của tờ The Gazette ở Montreal thì một cuộc nghiên cứu trên 20 bệnh viện vào năm 2004 do Ross Baker của Đại Học Toronto và Peter Norton của Đại Học Calgary thực hiện thì tỷ lệ nhầm lẫn là 7,5% trên toàn Canada, quy ra là 185 ngàn người, trong đó có khoảng 40% ca có thể tránh được.

Nhưng sự nhầm lẫn tai hại và xảy ra thường xuyên hơn là để quên các dụng cụ mổ trong bụng bệnh nhân. Trong mỗi ca mổ, người ta phải dùng khoảng từ 250 đến 300 dụng cụ y khoa. Ca mổ càng lớn dụng cụ cần dùng càng nhiều, có khi lên tới 600 loại. Thường thì các bác sĩ hay bỏ quên thứ chi trong bụng bệnh nhân? Thứ gì cũng có thể bị bỏ quên được. Từ dao, kéo, kìm, kẹp, dụng cụ điện tử đến ống hút, thước đo, khăn, vải thấm… Có những thứ nằm chình ình mà chúng ta nghĩ không có cách chi bỏ sót không lấy ra được, vậy mà cũng sót. Nguyên do là trong bụng lúc đó đầy máu me che khuất nên các nhà giải phẫu không nhìn thấy. Dụng cụ bị bỏ quên trong các ca mổ có nhiều không? Người ta không có con số rõ ràng. Phần vì phải mất một thời gian sau, những thứ bị bỏ quên này mới gây ra chuyện, phần vì có khi mổ ở nhà thương này nhưng do di chuyển chỗ ở nên nhà thương khác phải “dọn dẹp”. Theo ước tính của cơ quan U.S Department of Heath and Human Services thì có vào khoảng từ 1/100 ca tới 1/5000 ca mổ bị quên đồ…lưu niệm trong bụng. Theo một báo cáo khác của Annals of Surgery thì khoảng 12,5% ca mổ.
Thứ chi hay bị bỏ quên nhất, chắc chúng ta cũng đoán ra, đó là các tấm gạc thấm máu. Mỗi ca mổ cần dùng nhiều tấm gạc này để chặn và thấm máu. Làm sao biết đã lấy ra hết. Trước kia người ta dùng cách đếm bằng miệng. Họ đếm bốn lần tất cả. Lần đầu khi sắp đặt dụng cụ mổ. Lần thứ hai khi bắt đầu mổ. Lần thứ ba khi mổ xong. Lần chót khi bắt đầu khâu kín vết mổ. Trong lúc vội vã vì các động tác khi mổ phải nhanh và chính xác, việc đếm không dễ dàng trúng. Có khi người này, có khi người kia đếm trật. Kết quả là còn sót trong bụng. Nhiều ca mổ khẩn cấp còn không có thời gian để đếm nữa.

Để cải tiến, người ta dùng máy. Dù sao máy móc cũng ít lầm lẫn hơn con người. Trên mỗi tấm gạc thấm, người ta may vào một miếng có ghi số code. Trước khi dùng, y tá dùng máy scan số code này. Vậy là có bao nhiêu miếng gạc thấm trong bụng bệnh nhân, máy ghi lại hết. Khi xong việc, cứ theo con số máy ghi để kiểm soát coi có miếng nào còn nằm vùng không. Từ khi áp dụng máy scan này, mấy miếng gạc hết đường nằm trốn trong bụng bệnh nhân.
Mổ hàm ý phải lấy dao rạch trên bụng một đường rồi banh bụng ra để các nhà giải phẫu làm việc. Quan niệm như vậy xưa rồi. Ngày nay người ta mổ theo phương pháp mới gọi là nội soi. Thay vì mở tanh bành bụng ra, người ta chỉ khoét một hoặc nhiều lỗ nho nhỏ rồi cho máy móc nhỏ vào làm việc. Văn minh hơn nữa, các bác sĩ, thay vì tự tay hành động trên người bệnh nhân, lại chỉ mổ trên máy computer.

Tác giả Giao Chỉ Vũ Văn Lộc tường thuật lại một cuộc biểu diễn mổ nội soi bằng computer: “Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 1 tháng 12 năm 2012 tại phòng giải phẫu của tổ hợp khoa học Seattle, buổi trình diễn bắt đầu. Bác sĩ đảm trách ngồi vào ghế trước màn hình của máy điện toán. Mắt đeo kính, hai tay điều khiển cuộc giải phẫu bệnh nhân  qua máy. Cách xa một khoảng, bệnh nhân nằm trên bàn giải phẫu và bắt đầu cuộc mổ nội soi do Robot thực hiện. Hai tay Robot hoạt động theo hai cánh tay của bác sĩ trên máy điện toán. Bác sĩ mổ trên màn hình. Robot mổ thực sự trên thân thể bệnh nhân. Chỉ cần 1 lỗ soi duy nhất vào bụng. Qua lỗ soi này, một ống luồn vào trong người. Đó là máy quay phim xoay quanh toàn cảnh trong cơ thể, giúp cho bác sĩ nhìn thấy trên màn hình. Tiếp theo là hai ống đem dao mổ và dụng cụ vào bụng cũng do lỗ soi đã mở đường. Hai ống này làm tất cả mọi công việc. Tìm tòi, cắt vá. Tất cả thao tác trong bụng bệnh nhận hiện trên màn hình, đơn giản và huyền diệu như chuyện thần tiên. Chỉ cần một lỗ thủng trên bụng, khối ung hay túi mật sạn chết người được tìm thấy, cắt bỏ đem ra ngoài. Trong buổi giải phẫu trình diễn này có 50 y sĩ giải phẫu đến tham dự để quan sát và học hỏi. Các phương tiện truyền thông lại đem đến hình ảnh cho hàng trăm bác sĩ giải phẫu khác trên toàn thế giới”.

Ông Vũ Văn Lộc không phải là một chuyên gia dính dáng chi tới y học, vậy tại sao ông tường thuật lại vụ mổ biểu diễn này. Bởi vì người mổ biểu diễn là một bác sĩ người Việt Nam: Bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy, con của bạn ông, một Trung Tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa khi xưa. Bác sĩ Huy tới Mỹ khi mới 13 tuổi, nay là một trong các bác sĩ bận rộn nhất ở Mỹ. Mỗi năm ông ra tay mổ khoảng 700 ca. Tính từ năm 1997 tới nay, ông đã có trên 20 ngàn bệnh nhân. Tốt nghiệp y khoa tại Iowa, ông đã đi vào chuyên môn và có văn bằng osteographic medicine của Đại học Kansas vào năm 1992 và văn bằng chuyên khoa giải phẫu laparoscopic tại Đại học New York. Khoa mổ nội soi đã đi những bước dài trong ngành giải phẫu, khởi đầu bằng đục bốn lỗ, tới bây giờ chỉ còn cần đục một lỗ. Bác sĩ Huy là một trong số những người hiếm hoi đi những bước tiên phong trong ngành mổ mới mẻ này.

Bác sĩ Nguyễn Thế Triều Huy dường như có khiếu thiên bẩm và có tinh thần khai phá nên ông đã vượt lên dẫn đầu trong việc hoàn thiện lối mổ nội soi. Ca mổ đầu tiên ông thực hiện ngay tại San Jose, nơi có nhiều người Việt cư ngụ. Ông thành công trong năm ca mổ tiếp theo và trở thành chuyên viên hàng đầu trong lãnh vực này. Từ đó ông đã được mời mổ biểu diễn tại nhiều nơi trên nước Mỹ. Ít năm trước đây, ông đã cùng với đoàn y sĩ Mỹ về giảng dạy mổ nội soi cho các bác sĩ Việt Nam tại Hà Nội, Sài Gòn và Cần Thơ. Rời khỏi nước từ năm 13 tuổi, tiếng Việt của ông hầu như rơi rớt hết theo những năm học bằng tiếng Anh. Nhưng nhờ hành nghề tại San Jose, bệnh nhân người Việt nhiều nên ông đã học lại được tiếng mẹ đẻ nơi những bệnh nhân đồng hương này. Bởi vậy, khi giảng dạy tại Việt Nam, ông đã dùng tiếng Việt khiến cho các bác sĩ học viên tại Việt Nam dễ dàng thu thập kiến thức ông truyền lại. Là con của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, ông không quên lồng vào bài giảng các ý niệm về tự do, dân chủ, hướng đi tất yếu của nhân loại.

Gia đình của Bác sĩ Nguyễn Thế Trần Huy là một gia đình di tản rất chịu khó học hỏi. Khởi đầu từ người cha, Trung Tá Nhảy Dù Nguyễn Thế Thứ. Khi di tản qua Mỹ vào năm 1975, Trung Tá Thứ đã ở lớp tuổi bốn mươi. Ông đã đi học lại từ đầu. Lấy được mảnh bằng tương đương Trung học, ông tiếp tục lên Đại học tới khi tốt nghiệp Bác sĩ Chỉnh Hình. Chưa hết, ông còn lấy thêm cái Tiến Sĩ Dinh Dưỡng nữa! Cha học như vậy, các con đâu dám lơ là. Cô con gái lớn lấy luôn hai bằng: Bác Sĩ Chỉnh Hình giống cha và Tiến Sĩ Luật. Ba cậu con trai đều trở thành bác sĩ giải phẫu. Đó là bộ ba Nguyễn Thế Triều Huy, Nguyễn Thế Thiện Năng và Nguyễn Thế Long Richard. Quý hơn nữa là ba anh em cùng chung nhau làm tổ hợp Advanced Surgical Associates và đều là các bác sĩ chủ chốt tại bệnh viện Regional Medical Center ở San Jose. Còn cậu út Nguyễn Thế Phan Daniel cũng vừa ra trường Luật. Cả một nhà khoa bảng. Bác Sĩ Huy, ngoài tài mổ nội soi đã được đài ABC quay thành phim, còn đang nghiên cứu áp dụng phương pháp xạ trị chống ung thư từ bên trong. Nếu thành công, thời gian xạ trị sẽ ngắn bớt nhiều và kết quả cũng rõ ràng hơn.

Mổ nội soi, tôi nghĩ tới một hệ quả khá vui. Mổ như vậy thì lấy cái chi mà quên ở trong bụng bệnh nhân được. Dao, kéo, kìm kẹp, vải gạc thấm máu đi chỗ khác chơi hết. Bệnh nhân chẳng còn ôm trong bụng những thứ rác rưởi mà các nhà giải phẫu quên vứt vào thùng rác. Đúng là bất chiến tự nhiên thành! 

Ngành giải phẫu vẫn cứ phom phom tiến tới miền…hoang tưởng. Cứ như chuyện Tây Du! Cô Jamie Hilton, 36 tuổi, cựu hoa hậu tiểu bang Idaho. Gặp nạn trong khi đi câu cùng chồng ở Hell’s Canyon vào mùa hè năm 2011 vừa qua. Cô bị té lăn chiêng xuống một chỗ sâu gần bốn thước, đầu va vào đá. Cô kể lại: “Tôi không nhớ được chi nhiều. Tôi nhớ chồng tôi ném dây câu rồi đưa cho tôi cái cần câu. Tôi nhớ có con cá ở đầu dây và tôi cố kéo nó lại. Chỉ có thế. Tôi không nhớ lúc bị té và không nhớ lúc bị lăn xuống”. Tai nạn làm não bị sưng lên. Các bác sĩ vội cắt phần não này, khoảng một phần tư não bộ, và đặt trong bụng cô, dưới lớp da. Họ làm vậy vì khi phần não này nằm trong cơ thể của cô, nó sẽ không bị nhiễm trùng và được nuôi dưỡng cho tới khi có thể nối lại với phần não trên đầu. Bác sĩ Ted Schwartz, chuyên về thần kinh tại Trung Tâm Y Khoa Presbyterian Weill Cornell ở New York  giải thích với ký giả báo Today: “Kiểu giải phẫu này gọi là hemicraniectomy. Khi não bộ bị thương tổn, nó sẽ sưng lên trong hộp sọ. Hộp sọ là một vật kín nên áp lực tăng cao gây nên nguy hiểm”. Cô Hilton đã nằm hôn mê suốt 42 ngày. Sau đó, cô được lắp ghép lại hộp sọ. Trên blog của họ, cặp vợ chồng này kể lại: “Họ mổ lấy lại phần sọ và não được chôn trong bụng Jamie và nối lại với phần sọ trên đầu. Họ gắn bằng những miếng vá titanium, mỏng như tờ giấy, và vài chiếc đinh vít rất nhỏ cũng bằng titanium. Chúng gắn chắc khiến Jamie không cần mang niềng nữa!”.

Nếu không có những bức hình chụp đi cùng bài báo, có lẽ chúng ta nghĩ đây là tin…tưởng tượng. Làm chi có chuyện mổ thần kỳ như vậy. Nhưng đó là sự thực. Chuyện mổ dưới đây cũng là sự thực.

Các bác sĩ “giết” bệnh nhân rồi cho hồi phục lại. Cuộc mổ thử nghiệm được tiến hành tại Trung Tâm Y Khoa, Đại Học Pittsburg. Người ta gọi đây là một cuộc giải phẫu vượt khỏi ranh giới một cuộc giải phẫu quy ước. Kinh nghiệm cho thấy người bị rớt xuống hồ nước đông giá hay chui vào trong khoang bánh xe của máy bay, cơ thể của họ tiếp nhận rất ít hoặc đôi khi không có oxygen để thở nhưng họ vẫn sống. Nguyên do là vì thân thể của họ được giữ lạnh. Ca mổ áp dụng với các bệnh nhân bị đâm hoặc bị bắn. Ở thân nhiệt bình thường, 37 độ C, các bác sĩ chỉ có không tới năm phút để phục hồi máu huyết lưu thông trong cơ thể bệnh nhân bị mất quá nhiều máu, trước khi não bắt đầu hư hại. Trong tình huống này, cơ may cứu sống bệnh nhân chỉ được 10%. Muốn có nhiều thời gian để thực hiện ca mổ hơn, các bác sĩ sẽ làm lạnh cơ thể bệnh nhân. Họ xả hết máu trong cơ thể bệnh nhân ra rồi bơm vào một thứ nước muối lạnh. Tim không đập, não bộ ngưng hoạt động, bệnh nhân coi như đã chết lâm sàng. Từ lúc này, các bác sĩ mới thực hiện ca mổ. Đó là cách họ mua thời gian để có thể hoàn tất các thao tác giải phẫu. Họ bơm ngập hệ tuần hoàn của nạn nhân bằng dung dịch saline lạnh, đưa thân nhiệt của bệnh nhân xuống còn 10 độ C. Với thao tác “giết” bệnh nhân này, các bác sĩ có một tiếng đồng hồ làm việc trước khi não bệnh nhân bị hư hại. Thời gian cách biệt giữa 5 phút và 1 giờ, tính ra là 55 phút, các nhà giải phẫu tha hồ có thời gian để mổ.

Đây là một kiểu mổ mới, khá gian nguy. Có nhiều người không muốn chết, dù là chết…tạm. Lỡ từ tạm thành thật thì sao, nghe ra cũng teo chứ! Vì vậy nên Trung Tâm Y Khoa này có tặng miễn phí một cái lắc đeo tay trên đó có ghi rõ ràng là nếu phải đưa vào phòng giải phẫu cấp cứu thì không thực hiện theo lối “giết” này. Những người nhát gan thường có chiếc lắc này đeo ở cổ tay!

Ở trên, khi nói tới gia đình khoa bảng của ông Nguyễn Thế Thứ, tôi đã cố tình bỏ quên người vợ, người mẹ của gia đình này. Bác sĩ Nguyễn Thế Thứ tâm sự với ông bạn nhà binh Vũ Văn Lộc:
“Tụi nó làm như thế là vừa có tiếng vừa có tiền. Nhưng nếu nói chúng nó chỉ vì tiền và chỉ vì tiếng thì khó nói. Thực sự mấy đứa này thuộc về loại say mê công việc. Anh xem chương trình khám khám mổ mổ của chúng nó liên tiếp dường như không còn thì giờ để hưởng tiền bạc và danh tiếng. Chúng nó không có thì giờ để dành cho cuộc sống của người bình thường. Trước đây tôi và nhà tôi khuyên các con cố học. Tốt nghiệp rồi đi làm. Rồi chúng tôi phải khuyên các cháu làm bớt đi. Nhưng tôi biết rõ, các cháu có nỗ lực thầm kín ganh đua để dành cho niềm kiêu hãnh Việt Nam. Nhà tôi lúc còn sống hết sức hãnh diện vì các con. Bà muốn sống để thấy cháu út ra trường, nhưng không kịp. Bây giờ nhà tôi mất rồi. Chẳng có ai để chia sẻ niềm hãnh diện các cháu thành công. Tôi chỉ còn chờ thôi”.

Phần các con đã xong, với tuổi đời chồng chất, Bác sĩ Nguyễn Thế Thứ nghĩ tới những ngày còn lại của mình. Trong câu trả lời trên, ông nói: “Tôi chỉ còn chờ thôi”. Ông chờ cái gì? Ông thổ lộ:  “Tôi sẽ trở về Sóc Trăng. Nơi tôi gặp nhà tôi vào thời kỳ 1950. Khoảng 60 năm trước. Anh biết đấy, nhà tôi gốc Hà Nội, vào Nam từ nhỏ. Nội trú trường nhà trắng Sóc Trăng, tôi đóng quân ở Bãi Xầu. Gặp nhau rồi cưới nhau ở Sài Gòn. Bằng bác sĩ của tôi ở Mỹ là công một nửa của vợ. Đám con 5 đứa tốt nghiệp, tất cả bằng cấp nào cũng là một nửa của nhà tôi. Tiền bạc và danh vọng ở tuổi mình không còn nghĩa lý gì. Mình cũng chẳng còn gì để khuyên bảo các con. Chúng nó chỉ nhìn mình sẽ ra đi để mà suy ngẫm về cuộc sống”.

Tác giả Vũ Văn Lộc là người thân tình với gia đình này. Ông hỏi Bác sĩ Nguyễn Thế Trần Huy: “Ba cháu nói nửa bằng cấp là của mẹ, cháu nghĩ sao?”. Bác sĩ Huy trả lời ngay: “Ba con nói không đúng! Tất cả là của mẹ hết. Bằng cấp nào cũng là của mẹ!”.

Người vợ, người mẹ này tên là Ngô Xuân Phương!

02/2015