16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

CUBA

Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 53 năm ngoảnh mặt làm ngơ nhau kể từ khi ông râu xồm Fidel Castro làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai bên nghỉ chơi nhau lâu quá rồi nên ít ai nghĩ tới cuộc làm hòa lịch sử này. Vậy nên khi tonton Obama và Chủ Tịch Cuba Raoul Castro cùng tuyên bố tại thủ đô hai nước, thế giới ngỡ ngàng. Người không ngỡ ngàng có lẽ là Giáo Hoàng Francis bởi vì Ngài là đầu mối của việc hòa giải này. Chính phủ Canada cũng không ngỡ ngàng vì đất nước này đã cho mượn chỗ để hai bên đi đêm với nhau suốt một năm rưỡi trước khi đi tới thỏa thuận. Vui mừng thì dân chúng Cuba vui nhất, cứ như một anh mù được mở mắt nhìn lại ánh sáng mặt trời! Không vui là cộng đồng dân Cuba tỵ nạn Cộng sản tại Mỹ mà nơi tụ tập đông nhất là Miami, tiểu bang Florida. Cũng không vui là dân Canada, nhất là những người cư ngụ tại phía đông như dân Quebec chúng tôi. Từ nay chúng tôi mất một mảnh ao nhà!

Nói Cuba là ao nhà của chúng tôi thật không ngoa. Tôi có ông anh họ ở bên Mỹ, cũng một chân đi đây đi đó nhiều nơi, vậy mà ước vọng được đi Cuba của ông ấy chưa thành. Bởi vì dân mang quốc tịch Mỹ hầu như không được bén mảng tới vùng biển này, trừ những người được phép đặc biệt. Ông ấy phôn qua tôi hỏi lối đi vòng vo: ông sẽ sang chơi với tôi và từ Montreal bay qua Cuba. Ông anh tôi vốn không được can đảm nên tôi cho ông ấy biết là đi thì được nhưng khi về lại Mỹ, có được hỏi thăm sức khỏe thì ráng chịu. Ông ấy sức khỏe rất bình thường nhưng chỉ phải cái bệnh yếu gan và yếu tim nên chẳng chơi dại. Bi chừ, sau bước Mỹ bỏ cấm vận Cuba chắc chắn sẽ xảy ra trong một tương lai gần, ông ấy có thể ung dung bay từ Miami sang Cuba, chỉ mất có 40 phút ngồi máy bay! Ông anh tôi đi được thì mấy ông Mỹ khác cũng đi được, miền đất biển xanh sẽ đông đúc, dân Mỹ sẽ tràn ngập các bãi biển. Hậu quả là dân Canada chúng tôi phải chi nhiều đô hơn cho những cuộc bay qua bờ biển nhà tắm táp.

Ông ký giả Josh Freed của báo The Gazette ở Montreal cũng cả lo như tôi. Vừa nghe tin bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù, ông viết ngay một bài bình luận than thở: “Nơi đây thường đông đảo các con chim trốn tuyết người Quebec, chỉ một chuyến bay ngắn ngủi tới một vùng tịnh không có một vảy tuyết, nơi chúng tôi là vua. Nhưng nay, những ngày vui đó đã chấm dứt, từng đàn từng lũ người Mỹ đã sẵn sàng tới đó. Bởi vậy tình thân của chúng ta không còn như xưa nữa!”.

Từ Montreal bay qua tắm biển ở Cuba chỉ là một cái búng tay với chúng tôi. Rẻ rề. Cả tiền máy bay, tiền khách sạn và ăn uống rượu chè thả cửa trong một tuần lễ cũng chưa tới con số bạc ngàn. Có những lúc chỉ còn bốn năm trăm! Sang tới đó, đồng tiền Canada chúng tôi dắt lưng mang theo là đồng tiền…vàng. Tôi có chút kinh nghiệm về chuyện này. Ngay tại khách sạn, khi đổi ra tiền Cuba để tiêu pha, tiền Canada trội hơn tiền Mỹ. Chơi với anh Cộng sản vốn ngoa ngoắt, phải cẩn thận từng chút một. Trên giấy tờ chỉ dẫn thì một peso của Cuba ăn một đô Mỹ. Đây là thứ peso hoán chuyển (Cuban Convertible Peso) gọi tắt là CUC. Đồng đô Mỹ lên xuống thế nào thì trị giá của đồng CUC này cũng lên xuống theo cho đúng với trị giá bằng nhau. Thứ tiền “lai Mỹ” này chỉ có sau khi khối Cộng sản Âu châu sụp đổ vào năm 1989-1990. Khi đó đồng peso bị mất giá nặng nên chính phủ Cuba mới vội vàng chế ra đồng tiền lai căng này để có thể thu tóm ngoại tệ. Từ khi có CUC thì du khách và dân chúng không được tiêu dùng các ngoại tệ khác trên toàn quốc Cuba. Cái lợi của dân Canada chúng tôi là khi đổi ngoại tệ tại các quầy đổi tiền chính thức có ngay tại khách sạn hoặc các địa điểm du lịch thì tiền Canada cứ đổi thoải mái trong khi đồng đô Mỹ phải trừ đi 10% tiền dịch vụ. Chắc đây là trò đánh lén anh tư bản thù nghịch Mỹ! Còn dân bản xứ Cuba vẫn phải tiêu thứ tiền peso mất giá mà phải 25 pesos bản xứ mới ăn 1 peso CUC.

Nhập nhằng như vậy nên du khách thường nhầm lẫn khi mua bán với dân bản xứ. Nhưng lo lắng như vậy là lo con bò trắng răng: dân bản xứ cũng chẳng dại chi, thường chỉ nói giá bằng thứ tiền peso CUC với khách du lịch.

Cuba có biển rất đẹp. Phòng tôi tuốt trên tầng lầu cao của khách sạn, có ban-công nhìn xuống biển. Từ trong bờ cát, biển xanh nhạt, càng ra ngoài biển càng đậm màu, màu xanh chạy từng giải, càng xa bờ, màu càng sậm hơn. Cùng với các đám mây trắng toát ôm ấp từ trên cao, biển như một bức tranh duyên dáng của một họa sĩ tài ba. Anh Trần Nguyên Thắng, chủ nhân một công ty du lịch lớn bên Cali, người đã đặt chân trên hầu khắp diện tích quả địa cầu, đã mê mệt với vẻ đẹp của biển ở Cuba: “ Về thiên nhiên, phải nói đến vùng biển Caribbean là nơi có những bãi biển dài, cát trắng nước xanh trong vắt. Nhưng nếu phải so sánh, tôi vẫn cho rằng bãi biển Varadero của đảo quốc Cuba là một trong những bãi biển cát trắng đẹp nhất nhì thế giới. Chưa đến Varadero là chưa biết gì về biển và thắng cảnh thiên nhiên của Cuba. Nằm trong bán đảo Peninsula de Hicacos, Varadero là một dải đất nhô ra biển dài đến gần 20 km và được biển Atlantic Ocean và Bahia de Cardenas bao bọc hai bên nên vị thế của vùng biển nghỉ ngơi Varadero hết sức tuyệt vời và rất thuận tiện cho du khách cần dưỡng sức nghỉ ngơi. Các hotel từ ba sao đến năm sao nằm dọc theo hai bên bãi biển và người ta vẫn đang tiếp tục xây thêm rất nhiều hotel. Người hướng dẫn còn cho tôi biết có những bãi biển khác như Cayo Coco còn hoang sơ và đẹp hơn cả Varadero! Tuy nhiên với tôi, Varadero cũng quả là một bãi biển tuyệt vời mà du khách tắm nắng, bơi lội, và nghỉ ngơi”.

Tôi đã hai lần tới Varadero vì mê biển nơi đây. Mấy ông bạn tôi cười khẩy. Mê biển thật hay mê mấy em đầm non trên cát? Mấy ông này, sơn cùng thủy tận đều rành rẽ sáu câu. Chẳng là du khách tới Varadero, ngoài dân Quebec và một số dân Canada từ các tỉnh bang miền Đông khác, còn có các du khách tới từ Âu châu. Chắc cũng vì rẻ! Các du khách này rất thoải mái, đào tiên từ bên Tây mang qua phơi nắng gió Cuba một cách ơ hờ. Các ông bạn tôi đi biển bỗng nhiên lại ngại tắm, chỉ thích đi bộ dọc theo bờ cát. Chẳng là chân cẳng ông nào ông nấy đều tới thời kỳ phải recycle hết nên đi bộ trên cát để tập luyện cho cứng cáp. Tôi thích Varadero vì nơi đây rất gần với thủ đô Havana của Cuba, chỉ một giờ xe taxi là tới. Xe cộ ở Havana toàn là đồ cổ. Xe buýt hay xe tắc-xi phải được gọi là các cụ xe. Cụ nào cũng thâm niên từ trên năm chục năm. Có cụ còn quá sáu chục tuổi. Dàn đồng xe cũ mèm, vá víu lung tung, nước sơn dày cộm chắc cũng đã qua vài chục lần chồng lấp lên nhau. Ngồi trong xe mới thấy hết cái tàn tạ. Nệm xe xộc xệch, lò xo đã nghỉ đàn hồi, vải bọc lớp trên lớp dưới luộm thuộm. Chiếc xe cổ lỗ sĩ này thông thường chúng ta đã dục đi từ lâu. Nếu có chạy ngoài đường chắc cũng đã bị cảnh sát bắt phế thải, vậy mà các bác tài xế Cuba o bế chiếc xe như o bế tình nhân. Họ lau chùi cẩn thận, coi chỗ nọ, ngó chỗ kia, cần là gia cố ngay. Chuyện! Cần câu cơm của họ mà!

Muốn biết Cuba, phải tới thủ đô Havana. Nơi đây là một bộ sưu tập đồ cổ khổng lồ. Như một chốn xưa của trái đất. Nhà xưa xập xệ đói vôi vữa. Những chiếc xe chở khách được kéo bằng xe đạp. Những cửa hàng quốc doanh phân phối hàng theo thẻ tối mù mù và trống huếch trống hoác trên các kệ hàng. Lang thang trên phố cổ Havana, tôi đã thích thú khi bắt gặp lại chiếc máy in y chang như những chiếc máy hồi tôi làm báo tại Sài Gòn. Tôi như đứa trẻ tìm được những viên bi ngày cũ. Trong truyện ngắn “Rong Chơi” tôi đã diễn tả nỗi thích thú này: “Tôi ngạc nhiên dán mắt vào những khuôn chữ bằng chì nằm thứ tự trên những chiếc kệ nghiêng nghiêng sát tường. Những con chữ của ngày xưa! Cả một thời quá khứ đổ ập về trong tôi. Những ngày làm báo xưa lao xao tất bật với những anh thợ sắp chữ thoăn thoắt tay bốc từng con chữ ngược gài vào khuôn xếp. Những bàn vỗ, những khuôn chì vừa đổ nhúng vội vào nước, những chiếc máy in già nua lạch xạch nuốt từng tờ giấy khổ báo lớn do anh thợ in đút vào máy bằng chiếc que gỗ mỏng... Tiếng lạch xạch ngày xưa rõ ràng đang vẳng lại trong tai tôi. Trong một góc lờ mờ soi sáng bằng một bóng điện tròn vàng ệch, anh thợ in trần trùng trục đang châm giấy vào máy. Tôi như gặp lại người bạn cũ. Tay chân tôi rối bời lên. Ánh đèn flash của chiếc máy chụp hình trên tay tôi chớp lia lịa như muốn nuốt trọng những hình ảnh tưởng đã mất từ lâu”.

Cuba bị Mỹ cấm vận co lại trong nghèo đói. Sờ vào chỗ nào cũng thấy cái nghèo. Khu du khách ở là một nơi riêng biệt, dân chúng Cuba không được bén mảng tới. Họ bảo vệ du khách rất kỹ vì đó là những con bò sữa mang ngoại tệ đến cho họ. Kỹ nghệ du lịch là nguồn lợi chính của đất nước. Chỉ những nhân viên làm trong khách sạn mới được vào khu này. Những người dọn phòng hớn hở khi được du khách cho những quần áo cũ. Có những du khách tới Cuba mỗi năm, trong hành lý của họ chỉ toàn quần áo cũ, đủ cỡ đủ kiểu, dùng để cho các người dọn phòng. Họ quý như vàng. Một đồng peso CUC du khách cho tip đủ để mắt họ sáng lên. Tại các phòng ăn, những người bưng bê cũng chỉ trông mong vào những đồng tiền tip mà thường du khách chẳng bao giờ quên. Nếu tôi nói  những người dọn bàn tại các phòng ăn là những người trí thức là tôi nói thật. Họ nói nhỏ với tôi họ là những luật sư, kỹ sư bằng cấp hẳn hoi. Thoạt tiên ai cũng nghĩ rằng họ nổ. Nhưng họ đã nói thực. Ký giả Josh Freed tìm hiểu và được biết như sau: “Trong xã hội Cộng sản Cuba, lương bổng của người trí thức chỉ bằng với những thành phần khác. Anh Ivan, người thông dịch của tôi, nói thông thạo bảy thứ tiếng, có hai bằng Tiến sĩ. Anh làm cho chính phủ, phụ trách thông dịch cho nhiều công ty thương mại ngoại quốc hoạt động tại Cuba. Lương của anh khoảng 15 đô một tuần. Thoạt đầu, Ivan nghĩ rằng mọi người hưởng đồng đều như vậy là một sự hy sinh tập thể cho tổ quốc. Nhưng từ thập niên 1990, anh bỏ việc khi nhận ra là có nhiều người hưởng sự đồng đều nhiều hơn người khác. Khách sạn cho du khách Canada mọc lên như nấm và anh Ivan thấy là những nhân viên trong khách sạn này kiếm được tới 200 đô một tuần chỉ bằng tiền tip. Anh đã thấy những đám cưới sang trọng của những người làm bồi bàn hay dọn phòng tại các khách sạn, những người được coi như một lớp nhà giàu mới. Trong khi đó, anh là một thông dịch viên thượng thặng mà phải sống trong nghèo khó, còn phải trợ cấp nuôi bà mẹ, một nữ bác sĩ hưởng lương tối thiểu cho tới khi về hưu!”.

Cái nghèo nảy ra cái…mánh. Cứ ra khỏi phạm vi dành riêng cho du khách là chúng tôi được săn đón ngay. Những người môi giới hỏi chúng tôi đủ thứ. Muốn rượu whiskey hoặc xì gà Cuba giá rẻ thì đi theo họ. Muốn thưởng thức những đặc sản biển Cuba chính cống như tôm hùm chẳng hạn, giá chỉ bằng nửa giá trong các nhà hàng, họ sẽ dắt vào ăn tại các nhà dân. Du khách thường rất khoái thực phẩm, trái cây, rau củ của Cuba vì đó là thứ organic. Trông không bắt mắt nhưng toàn là thứ không dính tới chất hóa học nên rất lành. Có một lần tôi đi theo tàu biển loại nhỏ ra khơi ăn tôm hùm với một đoàn du khách chỉ hơn chục người. Tàu hạ neo giữa biển. Các tàu đánh bắt tôm hùm vây quanh. Tôm hùm vớt từ dưới biển được bán ngay cho du khách. Con nào con nấy nhảy choi choi. Chủ tàu chế biến ngay theo yêu cầu của du khách. Giá chỉ 10 đô mỗi con. Ăn vào ngon ngọt cách chi.

Tại các khách sạn nơi chúng tôi trú ngụ có tổ chức văn nghệ mỗi tối. Có khoảng vài chục vũ công nam nữ trình diễn những màn múa dân tộc. Cũng quần áo màu mè nhưng cũ rích. Có những nữ vũ công mặc những chiếc áo thủng chỗ này vá chỗ kia. Ban đêm họ trình diễn trên sân khấu, ban ngày họ phải ra bãi biển để phụ trách những trò chơi tập thể cho du khách giải trí. Tiếp xúc với du khách ngoài bãi biển, cái nghèo nàn của họ mới lộ ra. Họ xin du khách lấy rượu và bia cho họ uống. Du khách tha hồ order rượu bia tại các quầy ở bãi biển mà không phải trả tiền chi cả. Họ được bao hết, all inclusive mà! Bởi vậy họ cũng chẳng nề hà chi chuyện lấy rượu cho các “nghệ sĩ” này uống. Có điều nếu bị bắt gặp, các người Cuba này sẽ bị kỷ luật. Kỷ luật ra sao, tôi không được biết. Vì vậy nên họ phải chui vào các chỗ hóc hiểm kín đáo để uống vội uống vàng.

Chuyện chi ở đời đều là chuyện tương đối. Trong một xã hội nghèo nàn thì đồng tiền của những người dư dả càng lớn. Bởi vậy nên ông ký giả Josh Freed mới cho là dân Quebec chúng tôi là vua trên các bãi biển Cuba. Một thứ vua bất đắc dĩ chẳng lấy chi làm vinh hạnh! Nhưng nay ông Obama đã phá tan vương quốc của chúng tôi.

Ông ký giả Josh Freed đưa ra một viễn ảnh trong tương lai gần. Rồi đây, các khách sạn năm sao của Mỹ sẽ được ào ạt xây cất. Các ông Hilton, Sheraton, Marriot đâu có làm ngơ được những mối lợi mới. Rồi McDonald’s, Burger King, KFC, Taco Bell sẽ lại có thêm đất tung hoành. Rồi Starbuck, Second Cup tràn lan cho mọi người nhâm nhi. Rồi từng đoàn du khách Mỹ vốn khao khát được đi tắm biển Cuba, như ông anh tôi ở Mỹ, sẽ rầm rập kéo qua như một cuộc hành quân. Cuba không còn là Cuba nữa, một Cuba từ năm 1972 đã mở cửa cho du khách vào hưởng thụ nơi những bãi biển mà thiên nhiên đã ưu đãi họ. Tất cả sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Ông ký giả đã tới Cuba khoảng vài chục lần than thở: “Dân Cuba có thể sung sướng hơn nhưng rất nhiều người dân Quebec sẽ không vui vẻ chi cả!”.

Ngẫm ra tôi cũng có phần mất mát. Từ nay muốn qua thăm anh em ông Fidel và Raoul Castro, túi tiền của chúng tôi sẽ khuyết đi một góc lớn hơn nhiều so với trước đây. Lại chẳng được hưởng thứ gần như độc quyền để cho mấy ông bạn bên Mỹ thèm nhỏ giãi.

Tiếc thì có tiếc nhưng ngẫm ra mình cũng quá ích kỷ: hưởng thụ trên sự đau khổ của người khác. Thôi thì cứ coi như đây là món quà Giáng Sinh của ông Obama gửi cho dân Cuba. Thấy người ta tặng quà chẳng lẽ mặt mình một đống! Chơi vậy thì chơi với ai!

01/2015