16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

TẶNG

Tôi muốn kể một câu chuyện tình. Của ông Jim Nelson và bà Sharon Plucar. Hai cái tên lạ hoắc. Ngay cả người Mỹ cũng chưa  hề nghe tới hai cái tên này và câu chuyện tình của họ, huống chi người Việt chúng ta. Nhưng cứ nghe chuyện đã. Họ gặp nhau vào năm 1970 tại Concordia ở tiểu bang Kansas. Lúc đó họ còn ở trong tuổi đôi mươi. Nơi họ gặp nhau lần đầu là tại một cuộc triển lãm nghệ thuật. Sau đó, họ thường cùng nhau đi nhảy polka. Nhưng cũng như những mối tình đầu, ít cuộc tình nào trọn vẹn. Họ không được gần nhau. Jim trở thành một nghệ sĩ và tới sinh sống ở Vancouver bằng nghề vẽ chân dung. Sharon vẫn ở lại quê nhà, làm tại một ngân hàng và lấy chồng.

Vài thập niên sau họ gặp lại nhau. Khi đó, Jim có công việc phải trở lại Concordia, Sharon đã thành góa phụ và làm bưu tá viên tại một vùng quê hẻo lánh. Một bữa, nghe tin người tình cũ đã trở về Kansas, Sharon điện thoại. Jim tới ngay với một chiếc bánh chocolate trên tay. Họ a vào nhau, nối lại tình xưa. Jim thổ lộ: “Tôi biết ngay là tôi đã bỏ lỡ cơ hội bằng vàng nhiều năm trước!”. Họ cưới nhau vào năm 1992 tại trang trại của Jim ở Jewell County. Khỏi phải nói, họ không rời nhau một bước. Nơi họ thường hay la cà tới là một tiệm cà phê ở Lincoln. Bà chủ tiệm Marilyn Helmer ca tụng: “Họ là một cặp thành hôn muộn màng nhưng thật hoàn hảo!”. Cho tới khi một người không hoàn hảo. Không phải lỗi của họ. Nhưng lỗi của ai bây giờ? Sharon bị ung thư xương! Lúc đó là năm 2007. Họ đã sống với nhau được đúng 15 năm. Tin chết người này làm Jim cảm thấy như bị một chiếc xe tải xô vào người. Một năm ròng ông đưa bà vợ Sharon đi làm hóa trị tại bệnh viện. Ung thư là một thứ bệnh ma lanh. Nó chơi trò trốn tìm làm bệnh nhân phát mệt. Chỉ một năm sau, nó làm protein tụ lại trong một trái thận khiến thận chỉ còn 13% hoạt động. Khổ nỗi là năm 2005, Sharon đã phải cắt một trái thận rồi. Giờ chỉ còn một trái bệnh hoạn ì ạch hoạt động. Họ phải tính tới chuyện xin một trái thận để thay. Jim bù đầu vào việc tìm hiểu và liên lạc với các nơi phụ trách việc hiến tặng các bộ phận cơ thể. Trong khi đó, Sharon phải lọc máu ba lần một tuần tại bệnh viện ở Concordia. Jim biến ghế sau của chiếc xe thành một chiếc giường nệm gối đàng hoàng để Sharon nằm. Jim ghi tên Sharon vào chương trình xin thận của người sống tại Mayo Clinic. Nơi đây có hai chương trình. Nếu muốn xin thận của người chết thì phải ghi tên vào danh sách chờ đợi hiện đã rất dài. Xin thận của người sống không phải ghi tên vào danh sách chờ nhưng tùy thuộc vào việc chính gia đình bệnh nhân trực tiếp xin thận của người bằng lòng tặng. Nghe ngóng tại bệnh viện, Jim được biết là có một người đàn ông ở Wisconsin dựng một tấm bảng xin thận và chỉ trong vòng hai tuần lễ đã nhận được thận. Vậy là Jim thực hiện theo cách đó. Tháng 12 năm ngoái, ông thuê được với giá rẻ một tấm bảng dựng bên lề quốc lộ I70, quãng gần Salina. Ông chất tất cả dụng cụ trên xe của ông và một mình lái xe tới kẻ chữ trên tấm bảng. Trên nền trắng, hàng chữ bằng sơn đen của ông kẻ rất vụng về và đơn giản. “I need a Kidney. 785-428-3390”. Con số theo sau là số điện thoại nhà ông. Trong các bức tranh của người họa sĩ chuyên nghiệp này có lẽ đây là bức vẽ cẩu thả nhất. Nhưng quan trọng nhất!

Quả thực tấm bảng đập vào mắt các người lái xe qua khúc đường này. Giới báo chí hùa vào. Tờ Star cho chạy câu chuyện của vợ chồng Jim và Sharon. Rồi đài truyền hình địa phương KAKE trình chiếu câu chuyện về tấm bảng. Rồi khi một hãng thông tấn ở Nữu Ước loan tin thì nhà của Jim và Sharon nhộn nhịp tiếng chuông điện thoại kêu tới. Điện thoại từ khắp nơi kể cả những nơi xa xôi như Hawaii! Người kêu thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Đàn ông đàn bà. Trí thức lao động. Người nào cũng hỏi họ có thể giúp gì được. Nhiều người cho biết họ chỉ điện thoại để thăm hỏi và khích lệ tinh thần hai vợ chồng. Nhưng phần lớn tỏ ý muốn hiến thận của họ nếu tương hợp. Jim vui mừng tưởng trái thận đã để sẵn tại nhà ông. Trái thận chưa tới nhưng Sharon đã lên tinh thần, cười nói huyên thuyên trả lời các cú phôn tới tấp bay tới. Nhưng rồi ngày qua, tuần qua, tháng qua. Mặc dù thiện ý của mọi người có đó, nhưng chưa có chi cụ thể cả. Luôn luôn có một trở ngại đứng ngáng đường. Người muốn tặng thận thì nhiều nhưng người thì trẻ quá, người thì già quá, người thì yếu quá. Có người còn cho biết muốn bán thận chứ không tặng! Cũng được đi, nhưng luật lệ ở Mỹ cấm bán nội tạng. Jim nghĩ ra cách viết thư cho các trường Đại học, các trung tâm nghiên cứu về thận để hy vọng nhận được những trái thận thí nghiệm. Vẫn không có kết quả.

Tháng 9 vừa qua, sức khỏe của Sharon đã tới hồi báo động. Bà bị sốt và lạnh, hai tuần không dứt. Tình trạng thật bết bát. Jim vội đưa vợ vào bệnh viện ở Salina. Đêm đó bà ngủ yên. Tưởng có hy vọng nhưng vào lúc 2 giờ chiều ngày hôm sau, Sharon trút hơi thở cuối cùng. Sharon sống trên đời được 73 năm. Vài tuần trước đây, Jim uể oải lái xe tới tấm bảng bên đường I 70, leo qua hàng rào, bắc thang trèo lên xóa trắng tấm bảng. Ông nghĩ phải chi vợ ông nhận được một trái thận thì bà có thể sống thêm với ông chục năm nữa! Nhưng nay mọi sự đã tới hồi kết cuộc, tấm bảng đã trở nên trắng xóa, vẫn có người phôn tới ông. Thiện chí thì nhiều nhưng trái thận vẫn chẳng bao giờ tới.

Theo thống kê của Midwest Transplant Network thì, vào năm 2013, tại tiểu bang Kansas và hai phần ba tiểu bang Missouri, nơi gia đình Jim và Sharon sinh sống, đã có 529 người chờ thay thận nhưng chỉ có 212 người được thay. Trên toàn nước Mỹ, theo National Kidney Foundation, có 96 ngàn ca cần thay thận nhưng chỉ thực hiện được dưới 17 ngàn ca!

Thận hay bất cứ nội tạng nào không phải là thứ bán ngoài chợ, người nào cũng có thể dùng được. Chúng kén người ghê lắm. Phải tương hợp hoàn toàn giữa người tặng và người nhận mới xài được. Thay nội tạng là một chuyện đậm tính chất…kỳ thị. Thường thì người gốc gác nào thì tương hợp với người gốc gác đó. Giống người da trắng gốc Caucase là sắc dân có nhiều cơ hội nhận được bộ phận thay thế nhất. Cơ may của họ là 75%. Trong khi đó sắc dân Á châu chúng ta chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm nhượng là 1% trong số những người hiến tặng. Vậy mà tỷ lệ người Á châu cần bộ phận thay thế lại cao vì giống dân chúng ta thường bị các bệnh như cao máu, tiểu đường và viêm gan nhiều hơn.

Thực ra dân Á châu chúng ta rất ngại việc hiến các bộ phận thân thể, dù khi chúng ta hui nhị tì, những thứ này chỉ làm mồi cho giun dế. Chẳng phải chúng ta tiếc nuối chi nhưng vì tín ngưỡng. Chúng ta tin là khi về với ông bà, chúng ta phải về với cơ thể nguyên vẹn như khi được sanh ra. Thiếu thứ chi là bất hiếu bất mục. Trong cuốn trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, có một chi tiết liên quan tới niềm tin này. Một bà cụ có con là lính bị trúng mìn khi đi hành quân phải cưa một chân. Bà cụ quanh quẩn ngoài phòng mổ, nhờ hết người này tới người khác để xin cái chân bị cắt mang về. Bà muốn giữ cái chân để sau này, khi con về chầu tiên tổ, chôn cùng với thân xác con cho khỏi thiếu hụt.

Dân ta rất ngại việc hiến tặng các bộ phận của mình sau khi chết. Bởi vậy nên việc kêu gọi coi bộ khản cổ mà kết quả chẳng bao nhiêu. Tại California, có một người Việt Nam hoạt động trong tổ chức “One Legacy”, một tổ chức chuyên kêu gọi mọi người hiến tặng các bộ phận cơ thể. Đó là cô Hồng Vân, một người năng hoạt động, vừa làm MC, vừa là một chuyên viên địa ốc, vừa là một nhà hoạt động xã hội năng nổ. Từ năm 2000, cô chỉ chuyên tâm vào việc làm từ thiện. One Legacy trực thuộc Donate Life, là một tổ chức bất vụ lợi có nhiệm vụ nối kết người cần và người hiến tặng các bộ phận cơ thể. Cơ quan này hợp tác với 225 bệnh viện, 14 trung tâm thay ghép và các tổ chức dân sự và cộng đồng hoạt động trong vùng Los Angeles, Kern, Santa Barbara, San Bernadino và Ventura. Cô Hồng Vân là người Việt duy nhất của One Legacy. Cô miêu tả công việc: “Mỗi khi được bệnh viện thông báo có người vừa qua đời, tôi phải đến để thông dịch cho gia đình nếu cần, và để giúp ổn định tâm lý cho họ. Nếu thân nhân chấp thuận việc hiến tặng cơ phận, tôi phải làm việc với bệnh viện để tiến hành những xét nghiệm và truy tìm người bệnh cần thay thế cơ phận phù hợp. Đây là một việc phức tạp nhưng đòi hỏi phải hoàn thành trong vòng vài tiếng đồng hồ để bảo đảm việc an táng cho người chết không bị trở ngại…Dường như có nghịch lý ở đây khi một cuộc sống được tái sinh từ một cuộc sống khác vừa tàn. Tôi nghĩ như vậy, nhưng làm cách nào đó mà có thêm một người có thể tiếp tục cuộc sống thì đó là niềm vui lớn nhất của tôi”.

Nhưng thực ra không chỉ một người được tiếp tục sống mà rất nhiều người được tái sinh từ một cơ thể vừa mất sinh khí. Bởi vì tính ra các cơ phận hiến tặng của một người vừa qua đời, tùy từng tình trạng, có thể cứu mạng được 8 người khác và thay đổi khả quan đời sống của 50 người khác nữa. Sau đây là cửa hàng “thịt” mà mỗi người chúng ta có thể cung cấp: tim, ruột non, thận, gan, phổi, tụy tạng, xương, màng mắt, van tim, da, gân, tĩnh mạch. Cứ thứ chi trong người còn tốt thì có thể xài lại được hết.

Nghe thì thấy hữu lý nhưng quyết định hiến tặng coi bộ vẫn còn rụt rè. Thực ra gọi là hiến tặng chứ có hiến tặng chi đâu! Người hiến tặng chẳng mất mát chi vì khi đã nhắm mắt buông tay, chúng ta cần chi tới những thứ này nữa. Nhưng có nhiều cái ngại lắm. Các bộ phận trên người chúng ta thân thiết với chúng ta từ ngày cha sinh mẹ đẻ, chỉ nghĩ tới việc chia lìa với chúng đã là một khó khăn, lại còn bằng lòng cho người ta cắt chúng ra tanh bành, khó nghĩ quá.

Nhiều người có tính lo xa nghĩ rằng nếu bằng lòng hiến tặng, khi mình bị thương, bệnh viện sẽ không tận lực cứu chữa để họ có cơ hội lấy các bộ phận thì sao. Chuyện này nhất định không xảy ra vì điều tiên quyết của y khoa là cứu người chứ không phải giết người dù vì bất cứ mục đích chi. Chúng ta không ngại bị bỏ rơi khi vào bệnh viện. Có người lấy lý do tôn giáo ra để biện minh cho việc từ chối hiến tặng. Thực ra không có một tôn giáo nào ngăn cấm chuyện phúc đức này. Trái lại các tôn giáo còn khuyến khích chúng ta làm việc thiện nữa. Dù xây chín bậc phù đồ / Không bằng làm phúc cứu cho một người. Có người théc méc là nếu cho các cơ phận thì làm sao quan tài có thể mở cho mọi người tới nhìn tôi lần chót. Chuyện này có các chuyên viên mai táng lo, bảo đảm bạn vẫn có thể còn được ngắm nghía và chụp hình khi đã an giấc ngàn thu. Hiến tặng coi bộ giản dị nhưng chúng ta vẫn ngại ngần. Tâm lý chung của chúng ta là vậy. Ít người nghĩ là, với việc hiến tặng, chúng ta tiếp tục sống trong hình hài của người khác. Cái chết không chấm dứt được sự sống của chúng ta!

Thứ chúng ta không cần nữa lại là thứ cần đến sinh tử của người khác. Ngay tại thành phố Montreal chúng tôi vừa có một vụ hiến tặng nổi tiếng khắp thế giới liên quan tới một người Việt Nam chúng ta. Một bữa sáng dậy, tôi ra lấy tờ báo The Gazette trước cửa nhà. Liếc qua trang đầu của tờ báo theo thói quen thường ngày, tôi thấy tấm hình một người phụ nữ Á châu đầu trọc lốc. Đó là hình cô Dương Mai, người Việt Nam, ngụ tại thành phố Montreal. Dương Mai năm nay 34 tuổi, có một con gái 4 tuổi. Tháng giêng năm 2013, cô bị bệnh bạch cầu, khi đó cô đang có mang đứa con thứ hai được 15 tuần. Bệnh viện phải chấm dứt thai kỳ của cô để làm hóa trị. Cuộc trị liệu có kết quả nhưng 10 tháng sau, bệnh ung thư máu tái phát. Lần này phương pháp hóa trị không còn hiệu quả. Chỉ còn cách ghép tế bào gốc hoặc tủy xương. Nhưng kiếm đâu ra thứ hiếm hoi đó khi cô là người gốc Việt. Trong số 16 triệu người chịu hiến tặng trên khắp thế giới, chỉ có 1% là người gốc Á châu! Bác sĩ Silvy Lachance, Giám Đốc Chương Trình Tế Bào Gốc ở bệnh viện Maisonneuve-Rosemont cho biết: “Đại đa số các người hiến tặng đều có gốc Âu Châu nên đều là người da trắng. Vì vậy phần thiệt thòi là người gốc Á châu hoặc các sắc dân thiểu số khác”.

Không chịu thua, gia đình cô lập ngay một mặt trận cầu cứu khắp nơi có người Việt sinh sống vì thời gian dành cho cuộc sống của  Dương Mai chỉ còn 6 tuần lễ nữa. Ngoài miền Đông Canada, nơi Dương Mai cư ngụ, họ còn vận động tại miền Tây Canada và Nam California. Anh Dương Huy, một người anh họ của Dương Mai, nói: “Ngay bây giờ, cô ấy nằm trong danh sách quốc tế, và mọi người đang tìm kiếm một người phù hợp, hoặc ở đây, tại Hoa Kỳ hay ở bên Á Châu. Hiện giờ chưa có cá nhân nào phù hợp cả”. Cộng đồng người Việt ở Montreal làm áp-phích, lập trang Facebook tìm người hiến tặng phù hợp để giúp Dương Mai. Đã có khoảng 500 tới 600 mẫu nhận được nhưng chưa có mẫu nào phù hợp. Tại bệnh viện, cô Mai vẫn lạc quan: “Trong căn phòng nhỏ của tôi ở đây, tôi thấy mọi người đang cố gắng giúp đỡ tôi. Tôi thấy cộng đồng của tôi đang cố gắng đẩy lui ranh giới”.

Cuối cùng, như một phép lạ, một bà mẹ sanh con đã hiến tặng cuống rún cho cô Dương Mai. Tình trạng của cô được cải thiện ngay tức khắc. Cô gửi lời cám ơn: “Tôi là Dương Mai, 34 tuổi, người gốc Việt Nam, mẹ của cháu Alice, 4 tuổi. Tháng giêng 2013, bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư máu cấp tính. Tôi đã được điều trị và bình phục sau 7 tháng chiến đấu với bệnh tật. Tiếc thay, căn bệnh lại tái phát. Sau 2 tháng tìm kiếm người hiến tặng không thành, các bác sĩ của tôi quyết định sẽ ghép tế bào gốc từ cuống rún trẻ sơ sinh. Một bà mẹ đã hai lần cho cuộc sống: cho con bà và cho một bà mẹ khác. Tôi không đủ lời để cám ơn nghĩa cử cao đẹp của bà mẹ ấy! Trong tổng số 25 triệu người hiến tặng tế bào gốc, người Việt Nam hiến tặng dưới 1%. Tất cả những sắc tộc đều thiếu người hiến tặng: việc tìm kiếm tế bào gốc cho tôi lẫn những người bệnh khác (12 ngàn người) hết sức khó khăn. Đó là một vấn đề nan giải cho mọi quốc gia trên thế giới. Có 53 quốc gia đang đóng góp vào một danh sách hiến tủy quốc tế. Bất cứ người bệnh nào cũng có thể được cứu bởi danh sách này”.

Sau khi được ghép tế bào gốc, bệnh viện dự đoán phải tới lễ Giáng Sinh sắp tới Dương Mai mới có thể xuất viện về nhà. Nhưng bệnh tình của cô thuyên giảm nhanh chóng đến bất ngờ. Cô đã được về nhà để mừng lễ Halloween vừa qua với chồng con!

Cô Dương Mai may mắn hơn bà Sharon Plucar. Cô đã nhận được phúc phận của việc hiến tặng. Người Việt tại Montreal hân hoan chúc mừng cô. Hòa với niềm vui, tôi lại kể một câu chuyện tình. Một đôi vợ chồng trẻ rất yêu nhau. Họ đi dự một party và, trên đường trở về nhà, xe của họ bị tai nạn. Người vợ bị tử thương ngay tức khắc. Tại bệnh viện, người chồng đồng ý ký tặng các bộ phận cơ thể của người vợ để cứu những người khác. Vài năm sau, người chồng vào ăn tại một nhà hàng và gặp một cô tiếp viên rất xinh đẹp. Họ yêu nhau. Và cưới nhau. Trước ngày cử hành hôn lễ, ông tới nhà hôn thê và thấy một tấm giấy ghi nhận là cô đã được ghép tim tại bệnh viện mà ông đã hiến tặng các cơ phận của người vợ quá cố. Cô chính là bệnh nhân được ghép tim của người vợ cũ của ông!

Ông được hai người yêu, chỉ bằng một trái tim!

11/2014