16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

ĐỔI

Tôi sững sờ khi đọc được một bài báo của ký giả Sarah Halzack của tờ The Washington Post. Cô ký giả này cho biết là các hãng sản xuất thực phẩm đang phải thay đổi để nhắm vào các ông nội trợ.Chuyện chợ búa bếp núc từ trước tới nay đều ở trong tay các bà và không ai nghĩ là chuyện này sẽ rời khỏi tầm tay của các bậc nữ lưu. Cổ nhân đã phong tặng bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh” để vinh danh giới hồng quần. Vậy thì góc bếp và cái giỏ đi chợ là độc quyền của các bà, mấy anh đực rựa không được rớ tới. Đàn ông con trai xâm phạm vào hai lãnh vực này coi như nhụt chí nam nhi. Ngay các bà mẹ cũng quyết tâm bảo vệ cái chí hào hùng này khi thấy chồng con vào bếp là đuổi như đuổi tà.

Chuyện tưởng như yên bề bỗng đổi thay. Theo tài liệu của bà ký giả này thì ngày nay cứ 10 gia đình thì có tới 4 ông nội trợ! Xách giỏ đi chợ, các ông khác các bà. Họ không chú ý nhiều tới giá cả ghi trên bảng giá và cũng không kè kè bên mình cả đống coupon giảm giá. Họ xẹt vào chợ, mua vội mua vàng rồi biến. Các nhà sản xuất thực phẩm phát hiện ra là các ông khoái các loại thực phẩm nhiều gia vị và protein hơn. Năm nay, hãng Kraft Foods đã chế thêm hương vị Hot Habanero vào pho-mát hay hãng đậu phọng nổi tiếng Planters đã thêm Chipotle vào sản phẩm. Hãng đồ hộp Campbell đã thêm hương vị “bia và pho-mát” vào món súp vì họ nghĩ là các ông thích. Hãng Ball Park tung ra thị trường món hotdog có gia vị nóng như mù tạt hoặc có mùi khói.  Ngoài việc quyến rũ các ông nội trợ bằng mùi vị, họ còn nhắm vào các bữa ăn làm sẵn bổ béo cho nam giới để các ông, vốn thích tiện lợi, có bữa ăn nhanh. Thí dụ như hãng Kraft Foods và món tổng hợp Oscar Mayer P3 Portable Protein gồm một khay ăn làm sẵn với ba món: thịt, phó-mát và hạt dẻ. Trên các quảng cáo của hãng Kraft Foods, họ đã thêm bóng hình các ông vào các sản phẩm Jell-O, Velveeta và Miracle Whip vốn từ trước tới nay chỉ chú trọng tới việc thu hút các bà.

Vì sao các ông lại đổi như vậy? Các hãng này cho biết là vì ngày nay các bà tham gia tới 47% lực lượng lao động. Khi các bà bung ra thì các ông phải phụ một tay vào việc chống đỡ…hậu phương. Đó là các gia đình truyền thống gồm vợ và chồng. Ngày nay loại gia đình một người hoặc bạn bè share phòng với nhau đang gia tăng. Có mình ên thì phải tự lo. Chợ búa bếp núc như điên.

Tôi cứ nghĩ chuyện các ông vô bếp hay đi chợ chỉ có ở các xứ Tây Âu, vậy mà cũng là vấn đề ở Việt Nam. Thế giới ngày nay thay đổi dữ! Tôi đọc được một bài viết của bà Khánh Hoan bàn về chuyện này. Dĩ nhiên bà thúc giục và ca tụng các ông vào bếp. Bà này có trước có sau nhịp nhàng. Trước hết bà rao nam rao bắc: “Không như việc phụ nữ ngày nay có thể lái xe hơi, làm “sếp bự” ở những công ty lớn với những vị trí quan trọng, có thể là “tác giả” của những công trình, dự án đình đám (những việc tưởng chừng chỉ dành cho các ông trước kia) thì chẳng mấy ai cho những điều đó là khác thường trong khi nhiều ông chỉ cần vào bếp nấu ăn, chăm sóc con cái hoặc làm việc nhà là lập tức bị mọi người cho là “mặc váy”, là “nữ hoá” với cái nhìn mỉa mai, nhạo báng. Bạn bè thì cho rằng “tên ấy… râu quặp”, mẹ chồng thì bảo con trai mình bị vợ “xỏ mũi”, làm “đầy tớ” cho vợ, các cô gái trẻ thì bảo anh ấy không “manly” (tạm dịch: nam tính)… Thôi thì đủ thứ lý do, dù có khi chỉ là những câu đùa không ác ý nhưng lại làm tổn thương đến cái tự ái đàn ông khiến ông nào muốn giúp vợ cũng nhụt chí. Thà cứ để vợ làm một mình mà bảo toàn được hình ảnh “nam nhi đại trượng phu”.

Các “đại trượng phu” chớ vội mừng. Sau màn thoa tới màn kết không dịu dàng chi. Bà Khánh Hoan kết lại: “Xin “bật mí” cùng các anh một “bí mật” của phụ nữ chúng tôi: mẫu đàn ông đang “hot” và dễ “ghi điểm” với phụ nữ hiện nay không chỉ giỏi ngoài xã hội mà còn phải “đảm đang” khi ở nhà (dĩ nhiên tiêu chuẩn “đảm đang” không thể giống hệt phụ nữ), nghĩa là các anh cũng có thể nấu ăn nhưng không cần quá ngon, có thể lau nhà với đôi chút tì vết, có thể tắm cho con dù đôi khi vẫn để xà phòng làm cay mắt bé, đút con ăn, ru con ngủ v.v… Đàn-ông-đảm-việc-nhà thu hút phụ nữ ở thái độ chia sẻ, cảm thông với vợ mình, đó là tiêu chí đánh giá người đàn ông trong thời bình đẳng giới, là biểu hiện của một người chồng có trách nhiệm, một người cha giàu lòng yêu thương chứ không phải là nét đẹp hào nhoáng, bóng bẩy của những anh chàng đỏm dáng. Thái độ hợp tác của những ông-bố-làm-nội-trợ dạy con mình tính chia sẻ và biết trân trọng những giá trị gia đình. Đời sống tinh thần của cuộc hôn nhân vì thế cũng dễ chịu hơn khi vợ chồng cùng chia sẻ mọi việc từ lớn đến nhỏ. Cuộc sống với đầy ắp những lo toan, bận rộn, nếu cả hai đều có khả năng kiếm tiền ở ngoài thì khi về nhà, một người chồng “đảm đang” mới thực sự là chỗ dựa vững chắc khiến người vợ tin cậy hơn. Trong lúc phụ nữ “hai giỏi” xuất hiện ngày một nhiều thì hà cớ gì những người được cho là phái “mạnh” như các anh lại chịu thua các chị “liễu yếu đào tơ” khi cứ khăng khăng giữ vững lập trường “chỉ một giỏi” mà thôi?”.

Chuyện bếp núc của chàng ngày nay không phải là chuyện tùy tiện mà có…định chế hẳn hoi. Theo một kết quả nghiên cứu của Pew Research Center ở Mỹ thì chia sẻ việc nhà là một trong ba điều kiện hàng đầu của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có 62% người được hỏi đã xác quyết như vậy. Chỉ có 7% cho đó là chuyện tào lao. Trong một cuộc khảo sát tương tự vào năm 1990, chỉ có 47% nhìn nhận việc chia sẻ việc nhà là quan trọng trong đời sống gia đình. Tiến bộ thấy rõ. Đài truyền hình MSNBC cũng hỏi các bậc trượng phu là nên chia sẻ việc nhà hay nên để cho các bà toàn quyền trong bếp, 74% các ông đồng ý nên chia sẻ, chỉ có 26% khoán trắng cho các bà.

Nghĩ sâu thì thấy ngày nay nam nữ bình quyền nhưng thực ra cái cồng của các bà cứ càng ngày càng phình lên nên cánh mày râu không còn cái quyền có ý kiến. Vậy nên tôi phải thỉnh ý các vị nữ lưu. Nhà báo Yến Tuyết, trong một bài viết, đã vui mừng nhận xét: sinh sống ở Mỹ, vị trí của cái bếp không còn là nơi chỉ dành cho quý bà nữa và ngày nay chúng ta ghi nhận có khá nhiều những ông nội trợ. Tình trạng này khác xa ngày nhà báo còn nhỏ. Chị hồi tưởng lại: “Trước đây, không biết ai là người đặt ra cái lệ như sau ở Việt Nam: “bếp núc là nơi chốn mà quý vị đàn ông không nên bước vào vì như thế họ sẽ mất dũng khí của đấng mày râu”. Và điều này được thấy rõ như trong gia đình tôi chẳng hạn. Hồi nhỏ, mỗi lần ông anh tôi xớ rớ ở bếp đều bị mẹ hay mấy bà chị tôi đuổi đi: “Con trai mà vào bếp làm gì, đi ra”. Tôi đã từng cảm thấy bất công khi tôi phải phụ mẹ lặt rau, nhóm lửa, thổi cơm, dọn bàn, rửa chén… sau khi đi học về. Trong khi đó ông anh tôi được ra ngoài sân chơi tạt lon, đá kiện… với bạn bè. Đôi lúc tức quá tôi phàn nàn thì ông ấy phán: “Ai biểu T. sinh ra làm con gái thì ráng chịu!”.

Tôi bật mí chuyện mà nhiều người đã biết: Yến Tuyết là phu nhân của nhà báo nổi tiếng Vũ Ánh vừa qua đời đột ngột tại quận Cam vào tháng 3 năm nay. Vũ Ánh là người có thâm niên học tập cải tạo nên chuyện bếp núc không xa lạ gì. Trong trại, chuyện cóng cồng, khi thì nấu chui, khi thì nấu nhờ, nay được nấu bếp ga bếp điện đàng hoàng, việc bếp núc như vậy là một hạnh phúc. Nói cho vui vậy thôi chứ tôi chỉ mới gặp anh một lần trong một bữa ăn, nhưng trong lúc trò chuyện tôi đã thấy anh là người rành rẽ bếp núc. Anh không phải người duy nhất, chị Yến Tuyết kể một hơi các nhân tài khác:  “Trong những buổi họp mặt gia đình hay bạn bè, tôi nghe thấy nhiều ý kiến phê bình tài nấu nướng của các ông chồng như: “ông L. làm món vịt chưng chao khỏi chê”, “ông H. nấu món lẩu hải sản số một”, anh S. có món cà-ri ngon tuyệt cú mèo. Ông A. kho cá thiệt là nghề v.v… Tại bàn ăn chung ở sở làm, tôi được cô đồng nghiệp khoe: “Chị ăn thử món mì xào kiểu Thái ông xã em mới học nè, không thua gì nhà hàng A.” Nghĩa là ngày nay, đã có những nam đầu bếp tại gia, tài nghệ không thua gì Hưng Huỳnh, người thắng giải đầu bếp nấu ăn giỏi nhất – Top Chef – của nước Mỹ trong năm 2008…Riêng tôi, khi người bạn đời tình nguyện làm bếp một cách thường trực hơn sau khi “chàng” về hưu, tôi cảm động bất cứ khi nào thấy có bữa cơm đã được sửa soạn sẵn chờ mình về sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tôi cũng chẳng bao giờ mong chờ có những bữa cơm tối xuất hiện mỗi ngày, mà phải hiểu rằng tùy cảm hứng muốn nấu nướng của chàng một ngày đẹp trời nào đó mà thôi.”

Nhà báo Tim Nguyễn đã bật mí tài nấu bếp của một số người dính dáng đến chữ nghĩa: “Nói về tài làm bếp, trong đám bạn bè quen biết liên quan tới chữ nghĩa, có Đinh Cường biết chiên cá cho vợ – chiên trong garage, vừa vẽ tranh trừu tượng vừa chiên cá, những lúc trời Virginia xuống tuyết (đây là theo lời ông Nguyên Khai kể, bà Nhung đừng rầy kẻ này, tội nghiệp). Nhật Hoàng có món mì Quảng tuyệt cú mèo, Nguyên Nhi có barbecue (không biết chàng hay Phạm Chi Lan làm). Dạo lên Boston dự văn nghệ ở nhà Phan Xuân Sinh thấy chàng làm con cá to thiệt là to, không biết là trộn gỏi hay đem nướng, hoặc giả nấu cháo? Ở Virginia cùng với Đinh Cường cách đây dăm bảy năm có anh Nguyễn English (Nguyễn Anh Văn – chồng của một ca sĩ) nấu món Pháp tuyệt vời. Nghe nói Phạm Nhuận cũng rành làm món ăn Pháp. Cả hai ông vừa kể đều vào hàng Chef Cook. Còn anh chàng Phan thì khỏi nói: bò tái chanh ở Tuyệt Tình Cốc ngon vô số kể, còn món sườn heo nướng ăn với với bắp Mỹ nấu bơ thì phải nói là hết ý”.

Trong số các tên tuổi trên, tôi hân hạnh được quen với các ông Đinh Cường, Phan Xuân Sinh và Phạm Nhuận. Hài ra như vậy, tôi ngượng phát chết! Ba ông bạn này, nhất là ông Phạm Nhuận, huơ tay một cái là ra món…nhậu. Làm lơ các ông ấy đi cho tiện việc sổ sách. Nhưng tài nấu ăn của ông nhạc sĩ Từ Công Phụng thì không thể nào lơ được. Vì tôi đã được ông ấy đãi đằng. Món tủ của ông là món thịt dê hầm. Thường thì ông nhạc sĩ này không…dê. Ông chỉ nấu đãi đằng cho những người ông thích. Không hiểu sao, khi tôi tới Portland ở chơi với ông ấy vài ngày, ông ấy lại dở chứng thích tôi. Vậy là ông ấy cho tôi…dê. Đó là một quá trình không giản dị. Ông rủ tôi đi chợ. Thịt dê và tất cả các thứ phụ tùng, ông họ Từ phải tự tay đi chọn lấy. Không một ai đủ tin tưởng để ông ấy giao nhiệm vụ được, dù là bà Ái, hiền thê của ông. Mua về ông phải tự tay rửa ráy, chặt cắt, nêm nếm. Ông giữ bản quyền cái tài nấu nướng này (chắc ông tưởng đây cũng là những tác phẩm nhạc của ông) nên không ai được lảng vảng vào bếp trong khi ông hành hiệp. Cũng phải mấy tiếng đồng hồ hầm hạp! Khi ông ấy cho ăn thì thật tuyệt cú mèo. Chẳng có thứ dê nào bằng dù đó là thứ dê của các đầu bếp chuyên nghiệp trong các nhà hàng. Đó là chuyện trước khi ông bị anh chàng ung thư hỏi thăm và bị ông cho cú knock-out. Bây giờ, tuy đã sạch bóng dáng quân thù, gan của ông sạch sẽ như trước, ông vẫn tử thủ nhất định không mon men tới món thịt đỏ mà ông cho là thực phẩm bổ béo của anh chàng ung thích quấy rối. Dù vậy, đối với tôi ông vẫn là cao thủ trong nhà bếp. Lại phải lơ các nhân tài này cho tiện việc sổ sách!

Tôi chỉ muốn nhắc tới các ông tài cỡ ngang tôi như ông Luân Hoán chẳng hạn. Ông này rất ít khi giao du với ông Táo. Họa hoằn ông xớ rớ xuống bếp khi bà xã còn đi làm chưa về là có chuyện. Việc bếp núc của ông là hâm đồ ăn bà xã đã nấu sẵn. Vậy mà người cũng ít khi thông suốt. Không hiếm lần tôi nhận được phôn của ông: “Mẹ nó! Tôi hâm đồ ăn mà quên mất, cháy khét hết, mùi nồng nặc mới biết. Cũng may chưa cháy nhà!”. Kể ra ông cũng có tài: tài biết nhà sắp cháy! Ông Hoàng Xuân Sơn là bạn hiền của tôi, người tận tâm chỉ cho tôi những địa chỉ nấu cơm tháng mỗi khi bà xã tôi đi trông cháu tuốt tận bên Vancouver. Hiện ông đang tạm một mình khi bà xã sang Mỹ giúp con trai. Ông mới phôn hỏi lại tôi địa chỉ cập nhật của các cứu tinh cho cái dạ dầy trong những ngày vắng bóng bà. Hai đứa chúng tôi thành tri kỷ vì vậy!

Nhưng người tôi ái ngại nhất là ông Du Tử Lê. Ông này chẳng may có cô con gái biết viết văn. Chắc ai cũng biết đó là Orchid Lâm Quỳnh. Cô này là một em-xi ăn khách. Nếu Orchid yên bề em-xi thì ông bạn tôi đã bình an, đằng này cô lại mon men viết lách. Xui cho ông bạn tôi là cô viết rất có duyên nên có nhiều người đọc. Chuyện cô viết toàn là chuyện nhà mà nhân vật chính là bạn tôi. Độc giả chỉ biết thơ của ông Du Tử Lê, đâu có biết đời sống thường nhật của ông Lê Cự Phách ra sao. Vậy mà cô con gái rượu của bạn tôi mách hết với bàn dân thiên hạ. Chẳng hạn như: “Bố tôi ở nhà và, ông Du Tử Lê ngoài đường, là hai người khác hẳn nhau, khác đến nỗi, khó tin những bài thơ của ông Du Tử Lê là do Bố tôi làm! Sao chữ nghĩa hay ho, những câu thơ cao siêu và huyền bí đến thế, có thể đi ra từ một người hồn nhiên, ngây ngô, dại khờ và trẻ thơ đến như vậy”. Không, trăm lần không, tôi không thể về hùa với cô cháu để mang bạn ra giễu dù cô cháu rất tươi tắn và dễ thương. Ai lại nỡ hại bạn như vậy. Chúng ta đang nói chuyện bếp núc, tôi chỉ hùa chút xíu với cô cháu Orchid, kể về chuyện bếp núc của bạn tôi. Vậy là ông bạn thi sĩ chẳng có thể trách cứ chi tôi: tôi đâu có lạc đề! Orchid Lâm Quỳnh kể như thế này: “Gần như mẹ tôi đi làm suốt ngày, có hôm cắc cớ hỏi bố: “Ở nhà anh làm gì?”. “Anh làm thơ”. Làm thơ cũng là “làm”trời ạ! Nghe vậy mẹ tôi giao cho một công việc đời thường hơn, công việc dưới trần thế. Số là mẹ làm về rất trễ, thường khoảng 9 giờ tối mẹ có mặt ở nhà, cũng có hôm 11 giờ đêm mới về. Sáng trước khi đi làm, mẹ đã lo sẵn thức ăn, tối về chỉ hâm lại. Phần việc giao cho bố là nấu dùm nồi cơm. Tôi kèm theo đây tấm hình bố nấu cơm để biết kỹ thuật nấu cơm của một ông thi sĩ (làm sao mà hiểu ở chốn nhân gian này có kiểu nấu cơm như thế!)”.

Nhìn vào tấm hình bằng chứng mà cô cháu Orchid trưng ra, tôi thấy sợi dây điện được cắm vào ổ điện đàng hoàng nhưng thay vì sởn sơ ở bên ngoài, ông Du Tử Lê lại cho vào nằm trong khung nồi trước khi ông nhét nồi cơm vào. Sợi dây nằm chắn như vậy thì đáy nồi đâu có sát xuống nên bấm đèn không đỏ. Chúng ta nghe cháu Orchid tố ông bố tiếp: “Bố không hề nhìn thấy nồi cơm bị kẹt sợi dây điện to tổ chảng nên làm sao bấm được nút cook, mà cũng khôn lắm nghe, biết lấy napkin xếp lại để chèn vào. “Nồi cơm nhà mình bị hư, anh bấm nút hoài không được nên phải chèn bằng napkin”. Bố hỉ hả vì sáng kiến của mình. Cơm vẫn sống và cả nhà đói meo. Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài”.

Các bậc nữ lưu bỏ bếp núc cho các chàng quân tử, họ đi đâu? Họ đi làm Tổng Thống, Thủ Tướng, Ngoại Trưởng, những công việc mà trước đây toàn do các đấng mày râu nắm giữ. Họ đi lái xe buýt, lái máy cầy, lái xe cần cẩu, lái máy bay, toàn những con quái vật mà trước đây chỉ có các ông mới trị nổi. Mới đây tôi còn chết khiếp khi hãng chế tạo xe hơi GM đang gặp cơn nguy khó mà có Tổng Giám Đốc Điều Hành là một phụ nữ. Đó là bà Mary T. Barra. Bà này là thứ dữ, tốt nghiệp Masters về Quản Trị Thương Mại tại Đại Học nổi tiếng Stanford từ năm 1990. Năm 2014, tạp chí Forbes đã hài tên bà trong danh sách 100 người đàn bà quyền lực nhất thế giới và tạp chí Fortune xếp bà đứng đầu trong bản danh sách 50 người đàn bà quyền lực nhất trong lãnh vực thương mại.

Lãnh vực xe hơi tưởng là chỗ dành riêng cho các ông , vậy mà các bà kéo bè kéo cánh vào làm mưa làm gió. Ngoài bà Barra, hãng GM còn có hai bà Phó Chủ Tịch là Grace Lieblen và Alicia Boler-Davis. Hãng Toyota có bà Julie Hamp làm xếp giao tế ở Bắc Mỹ. Hãng Ford cũng có hai bà Phó Chủ Tịch là bà Barb Samardzich và bà Elena Ford. Hãng BMW cũng có bà Phó Chủ Tịch Trudy Hardy. Hãng Chrysler có bà Chris Barman và hãng Linamar có bà Linda Hasenfratz làm CEO như bà Barra của GM.

Hang ổ của các ông bị các bà đại tấn công một cách vũ bão. Thế giới của các đấng mày râu thu nhỏ vào một xó. Thế giới đã thay đổi mạnh! Tôi có một nỗi lo: từ xa xưa trên mặt trái đất đã có chế độ mẫu hệ, chẳng lẽ thời đại của chúng ta lại đang manh nha chế độ mẫu hệ lần thứ hai sao!

10/2014