“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khẩu hiệu này treo đầy đường phố, tôi đọc được từ hồi còn nhỏ. Ngày đó đánh vần như vậy chứ chẳng hiểu chi nhiều. Lớn lên mới thấy chẳng nên dính vào bệnh, càng phòng được càng tốt. Muốn là như vậy nhưng làm có được như vậy không, khó mà ngăn cản được bệnh tật tất tả ào vào thân xác.
Bệnh tôi muốn nói tới là bệnh riêng của mấy anh đực rựa, các bà có muốn cũng chẳng có được. Nhưng tạo hóa rất công bằng, lại cho các bà một căn bệnh khác, bệnh mà mấy anh đực rựa có muốn cũng chẳng có được. Chẳng hiểu hôm nay nhằm ngày chi mà tôi ăn nói ỡm à ỡm ờ, nghe tức anh ách. Ngoài trời xám xịt một màu ảm đạm dù đang là buổi trưa. Mùa đông đã gõ cửa, tuyết đã tới đầu nhà, cái lạnh thấu da đã vội vã ào tới. Phải chăng vì cảnh mà miệng mồm ú ớ chăng!
Hai thứ bệnh đều tấn công vào cơ quan chiến lược của mỗi phái. Đó là bệnh ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tử cung. Theo thống kê thì ung thư tuyến tiền liệt chiếm 33% các bệnh ung thư của các ông và ung thư nơi cơ quan thiết yếu của các bà có hai loại: ung thư cổ tử cung chiếm 6% và ung thư buồng trứng chiếm 6% các bệnh ung thư nơi các bà. Cộng cả hai thứ lại cũng chỉ có 12%. Vậy là ông trời vẫn nịnh đầm. Chẳng ai ngạc nhiên vì ai cũng biết tính trời. Đã gọi là “ông” thì tới ông trời cũng dzậy thôi! Thôi thì đám mày râu chúng ta tự lực cánh sinh, nói chuyện của chúng ta cho chắc ăn.
Có nhiều ông bạn tôi không biết cái tuyến tiền liệt ngự nơi mô. Thiệt! Của mình mà không biết. Có ông trả lời qua quít: “Thì nó nằm trong bụng chứ nơi mô!”. Bụng bia rộng như biển Đông, biết nơi mô mà kiếm cái tuyến ni. Thôi thì nói cho rõ. Chính xác nó nằm gọn thon lỏn giữa bàng quang và trực tràng. Nói nôm na thì giữa bọng đái và ruột già. Nó dài khoảng 3 phân và nặng khoảng 20 gram, có nhiệm vụ sản xuất và lưu trữ tinh dịch. Tuyến này cần có kích thích tố nam để hoạt động. “Nhiên liệu” này được gọi chung là androgen. Androgen bao gồm : testosterone được sản xuất trong tinh hoàn, dehydroepiandroaterone được sản xuất tại các tuyến thượng thận, và dihydrotestosterone được chuyển đổi từ testosterone trong chính tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt bị bệnh, nó giở chứng sưng lớn lên. Đó là bị phì đại tuyến tiền liệt. Vì nằm trong xó kẹt nên khi sưng nó chiếm thêm chỗ, ép bàng quang khiến việc đi tiểu khó khăn, việc tác xạ của súng cũng khó khăn luôn. Các bác sĩ, khi khám lâm sàng coi tuyến này có sưng không, sẽ đút một ngón tay vào hậu môn để nắn coi. Nó sưng sỉa nhưng nếu chỉ sưng không thôi thì còn phúc. Có thể trị được bằng “hoàng cung trinh nữ”.
Khốn nạn hơn là bị ung thư tuyến tiền liệt. Ở thời kỳ đầu, chúng ta chẳng thấy triệu chứng chi. Thường thì khi đi khám sức khỏe định kỳ, nếu thử máu thấy PSA cao, mới nghi là chính hắn. Tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng cảm thấy một số triệu chứng như chạy vào toilet xoành xoạch, ban đêm thức giấc làm mưa nhiều, khó tiểu hoặc tiểu ngắt quãng, đau đớn khi mưa rơi. Quên, cần phải nói thêm, vì tuyến tiền liệt bao quanh một phần đường niệu đạo nên ung thư tuyến tiền liệt có thể gây ra rối loạn các chức năng và hoạt động tình dục, chẳng hạn như súng khó cương cứng hoặc khi súng nhả đạn chúng ta cảm thấy đau.
Bệnh ung thư vùng nhạy cảm này là thứ bệnh…hèn! Nó cứ các ông già mà tấn công. Nam giới dưới 45 tuổi ít khi bị nó hỏi thăm. Con người càng già càng dễ cho nó bắt nạt. Tuổi trung bình bị dính là độ tuổi 70. Được cái an ủi là bệnh này là bệnh…rùa. Nó tiến triển rất chậm. Thường khi người ta chưa biết mình bị dính bệnh thì đã đi ngủ với giun vì một chứng bệnh khác. Theo nghiên cứu khám nghiệm một số tử thi đàn ông Trung Quốc, Đức, Do Thái, Jamaica, Thụy Điển và Uganda bị chết vì các nguyên nhân khác, thì thấy trong các xác này có ung thư tuyến tiền liệt mà không biết. Nó tăng dần theo độ tuổi. Ở độ tuổi 50 là 30%. Nhưng lên tới độ tuổi 70 thì tỷ lệ này là 80%! Ngoài ra, nếu trong gia đình có người mắc ung thư tuyến tiền liệt thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi những người không có anh em hoặc cha mắc ung thư này.
Uống sữa và nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt có liên quan với nhau không? Những người ngày nào cũng uống sữa trong thời gian dậy thì có nguy cơ bị bệnh nhiều hơn những người không uống thường xuyên tới 3,2 lần hơn. Đó là kết quả nghiên cứu của nhà dinh dưỡng học Johanna Torfadottir và một nhóm chuyên gia tại Iceland. Có 2200 người tham gia cuộc khảo sát này. Họ được sinh ra trong thời gian từ 1907 đến 1935. Vào năm 2009, nhóm này công bố kết quả trên tạp chí chuyên ngành American Journal of Epidemology. Trong số 2200 người này có tới một nửa bị ung thư tuyến tiền liệt. Nhóm nghiên cứu chia họ thành hai tốp. Tốp thứ nhất gồm 1800 người mà ở tuổi teen ngày nào cũng uống sữa. Tốp thứ hai gồm 462 người uống sữa dưới một lần mỗi ngày. Nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt ở tốp thứ nhất là 3% trong khi ở tốp thứ hai chỉ là 1%. Tại sao vậy? Nhóm nghiên cứu cho rằng ở tuổi dậy thì, lúc tuyến tiền liệt bắt đầu phát triển nhiều, việc uống sữa có ảnh hưởng. Bà Johanna Torfedottir nói với phóng viên hãng Reuter: “Chúng tôi tin rằng số liệu của chúng tôi rất vững chắc và chỉ rõ vai trò của tuổi dậy thì như một “thời kỳ bén nhạy” cho việc phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn rất thận trọng trong các diễn giải của chúng tôi. Không thể đưa ra kết luận với chỉ một cuộc nghiên cứu, vậy nên cần có thêm nhiều cuộc nghiên cứu thêm để xác nhận những tìm tòi của chúng tôi”. Vì vậy nhóm nghiên cứu chưa đưa ra được một lời khuyên cho việc uống sữa ở độ tuổi dậy thì. Bác sĩ Matthew Cooperberg, nhà tiết niệu học tại University of California, San Francisco rất đồng ý khi nói: “Còn quá sớm để nói uống sữa gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Người ta có thể nói là có liên quan, nhưng khó có thể chứng minh sự kiện. Có rất nhiều ích lợi cho sức khỏe khi uống sữa trong tuổi teen”.
Có một cách có thể biết trước được một người có thể dễ dính ung thư tuyến tiền liệt là nhìn vào đầu tóc của họ. Cái râu cái tóc là góc con người nhưng có tóc nhiều hay ít cũng dính dáng tới cái anh ung khó chịu này. Những người hói đầu từ độ tuổi còn trẻ, dễ bị anh ung này hỏi thăm khi về già. Chuyện này là chuyện khoa học chứ không phải kỳ thị các anh ít tuổi lại ít tóc đâu. Một nghiên cứu của Đại học Paris Descarte tại Pháp do Giáo sư Phillippe Giraud cầm đầu, với sự tham dự của 390 ông đang được điều trị ung thư tuyến tiền liệt và 280 ông khỏe mạnh cho kết quả là các ông sớm rụng tóc có nguy cơ bị bệnh gấp đôi so với các ông xum xuê tóc tai. Cũng cần nói rõ: chỉ những người hói đầu ở độ tuổi 20 mới có vấn đề, những người rụng tóc nhiều ở độ tuổi 30 hoặc 40 thì không sao.
Những chàng thanh niên ở độ tuổi 20 đã sớm lâm vào cảnh “rửa mặt thì lâu, chải đầu thì chóng” này nên phòng ngừa trước để an toàn khi về già. Phòng chống bằng cách dùng thuốc Proscar hoặc Finasteride, loại thuốc điều trị hai thứ một lúc, vừa ngừa bệnh phì đại tuyến tiền liệt, vừa chống rụng tóc. Hãng bào chế Glaxosmithkline cũng đã chế biến thành công một loại thuốc mang tên Avodart ở Mỹ.
Dân đầu tóc không thưa thớt chắc khỏi cần biết tới cách phòng chống bằng thuốc trên. Họ ưa kiểu phòng chống bằng cách tiêu thụ rau quả hơn. Thứ tôi thường thấy là cà chua. Dân Ý và Hy Lạp hình như khoái thứ này nhất. Nhìn vào vườn rau sau nhà của người Ý hay người Hy Lạp quanh khu ta ở, hình như khắp vườn đỏ au vì cà chua. Họ cho cà chua là nguồn chính phòng chống ung thư tuyến tiền liệt. Trong một dịp đi ăn tại một nhà hàng Ý cùng với hai nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và Đỗ Quyên tại Vancouver, tôi chú ý tới những hũ cà chua được xếp sát nhau trên cả một bức tường. Có thứ cà chua ngâm với một dung dịch mà tôi chẳng biết là thứ nước chi, có lẽ là dầu olive. Có thứ cà chua sấy khô. Có thứ cà chua nát bấy rền rền trong hũ. Trong những món ăn của họ, cà chua hầu như ở một vị thế ăn trùm các thứ khác. Theo Bác sĩ Michael Roizen thì cà chua là thứ vũ khí hữu hiệu phòng chống ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Vậy là cả bà và ông, hai ta cứ cà chua mà chén! Các cuộc nghiên cứu cho thấy nếu dùng các món có cà chua 10 lần trở lên trong một tuần thì các ông giảm được 34% nguy cơ dính ung thư tuyến tiền liệt so với những người mỗi tuần chỉ đôi lần ăn cà chua, các bà giảm được từ 30% đến 50% nguy cơ ung thư vú. Bác sĩ chuyên về ung thư Marc Ganick nhắc tới một cuộc nghiên cứu của Đại học Harvard đưa tới kết quả là những người dùng món ăn có cà chua từ 10 lần mỗi tuần trở lên giảm được 45% nguy cơ, trong khi những người chỉ dùng từ 4 tới 7 lần mỗi tuần chỉ giảm được 20% nguy cơ. Cà chua tốt như vậy vì có chất lycopene là một chất kháng ung thư rất hữu hiệu. Vùng có tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt thấp nhất là vùng Địa Trung Hải, nhất là tại hai nước Hy Lạp và Ý, vì món ăn ở nơi đây căn bản thường có cà chua. Đó là trống đánh xuôi, còn kèn thổi ngược là của nhạc sĩ FDA. FDA là chữ viết tắt của Cơ Quan Quản Trị Thực và Dược Phẩm Mỹ (Food and Drug Administration). Ông nhạc sĩ chơi kèn FDA phán là không tìm thấy sự liên quan giữa chất lycopene và sự giảm thiểu nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt. Còn nữa, vẫn ông FDA này lại phán: chỉ tìm thấy “rất hạn chế” sự liên quan giữa việc tiêu thụ cà chua và sự giảm thiểu nguy cơ hạn chế ung thư tuyến tiền liệt.
Vậy là bù trất! Cà chua là đỉnh điểm của huyền thoại dùng rau quả để hạn chế sự tự tung tự tác của anh ung, vậy mà bị FDA chê lên chê xuống. Những thứ ăn theo huyền thoại khác như: cà rốt, đậu nành, rau xanh, hạt nho, rượu vang, trà xanh thì ăn thua chi. Vậy là “truyền thống” rau quả ngừa bệnh đi đoong!
Lại bàn tới các phương pháp khác để phòng ngừa sự sưng sỉa của anh tiền liệt tuyến. Lần này đánh ngay vào chỗ hiểm của các ông. Trước hết là thủ thuật cắt bao da quy đầu. Thường thì đây là trò bắt buộc của các trẻ em gốc Do Thái. Các em này bị miễn cưỡng phẫu thuật “mở mắt” trong vòng 1 năm sau khi sanh vì lý do tôn giáo. Theo một nghiên cứu ngay tại Montreal chúng tôi của Tiến Sĩ Marie-Élise Parent và trường Đại Học UQAM thì các bé cắt bao quy đầu trong vòng 1 năm sau khi sanh ít bị anh ung thư tuyến tiền liệt hỏi thăm hơn 14% so với trung bình. Cuộc nghiên cứu với hơn ba ngàn người tham gia, gồm 1590 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và 1618 người khỏe mạnh, còn cho thấy nếu cắt da quy đầu sau tuổi 35 còn giảm được nguy cơ mắc bệnh tới 45%! Nếu là dân da đen, giống dân thường bị thứ ung thư này hỏi thăm nhiều nhất, thì giảm được nguy cơ tới 60%. Theo bà Marie-Élise Parent giải thích thì việc cắt da quy đầu làm giảm nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, mà các bệnh này vốn được coi là một yếu tố gây ung thư tuyến tiền liệt. Mấy ông bạn tôi nghe tới đây thì cười ngất: đã 35 tuổi, biết tỏng tong mùi đời, còn cắt chi nữa. Mà tại sao cắt muộn lại hiệu quả hơn cắt sớm? Bà Parent cũng ú ớ: “Chúng tôi chưa rõ tại sao lại thấy có tác dụng hơn với nam giới cắt bao quy đầu sau tuổi 35. Có lẽ những nam giới này đã có bệnh ở bao quy đầu khiến họ phải cắt bỏ”.
Nếu bảo là thủ dâm làm giảm nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt, chắc có nhiều vị cười ngất. Cái thứ tự túc tự cường này thường là những hành động lén lút để giải tỏa sự bức bối, xưa nay vẫn bị kết án là một chứng tật có hại cho sức khỏe chứ tốt lành chi. Nghĩ như vậy là xưa rồi! Theo khoa học ngày nay thì đó chỉ là ngộ nhận. Thủ dâm không có hại nếu không bị lạm dụng. Cái chi mà làm quá đáng chẳng gây hại, cứ chi thủ dâm! Nhưng tại sao thủ dâm lại làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đặc thù của các ông? Các nhà khoa học giải thích như sau: thủ dâm làm hạn chế sự ứ đọng tinh dịch. Mà tinh dịch gồm các thành phần như: potassium, kẽm, fructose, acid citric (những người hút thuốc còn có thêm 3-methyl cholanthrene nữa), đều là những chất có thể gây ra ung thư khi bị ứ đọng trong các ống dẫn của tuyến tiền liệt. Hành động “chơi cờ không cần đối tác” khiến cho lượng tinh dịch lưu thông trong các ống dẫn thường xuyên hơn khiến các chất trên ít bám dính gây tổn thương cho các tế bào của ống dẫn. Ngoài ra, sự xuất tinh có thể làm cho các tế bào tuyến tiền liệt trưởng thành đầy đủ hơn nên kém nhậy cảm để trở thành ung thư. Cho tới nay, việc suy diễn này vẫn chỉ là giả thuyết. Còn cần thêm những nghiên cứu bổ túc cho suy diễn này.
Cũng vẫn tại Montreal chúng tôi, cũng vẫn bà Giáo sư Marie-Élise Parent (không hiểu sao bà này chịu khó chăm sóc tới cái tuyến bé tí tẹo của đàn ông chúng tôi thế!), một cuộc nghiên cứu khác mà kết quả vừa được công bố vào cuối tháng 10 trên tạp chí chuyên ngành Cancer Epidemiology. Lần này toán nghiên cứu là của Đại Học Montréal và Viện Armand-Frappier. Có trên 4 ngàn quý ông tình nguyện tham gia vào cuộc nghiên cứu này. Kết luận của nghiên cứu nghe rất mát lòng. Nếu trong suốt đời một người đàn ông mà họ chơi cờ người với hơn 20 người đàn bà khác nhau thì nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt giảm được 28%. Bà Parent nhấn mạnh là không phải trên 20 bà một lúc mà lai rai trong suốt cuộc đời. Chuyện chi kỳ vậy, các bà bạn tôi trợn mắt tức tối trông như sắp sửa đi đánh ghen! Bà Parent, người được mệnh danh là “Madame Prostate”, bình tĩnh giải thích: “Những cuộc nghiên cứu trước đây đã khẳng định là càng xuất tinh thường xuyên càng giảm nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến. Nay nếu họ có một đối tác mới trong một thời gian nhất định nào đó thì phải giả thiết là họ vui thú hoạt động tình dục nhiều hơn. Vì vậy xuất tinh nhiều hơn. Đó là một giải thích cho các kết quả nghiên cứu của chúng tôi”. Cũng theo cuộc nghiên cứu này thì những ông còn trinh trắng có nguy cơ bị bệnh gấp đôi những ông đã dày chiến trận.
Tôi tưởng là kết quả đáng phấn khởi này sẽ làm các ông bạn tôi nhẩy cẫng lên. Hóa ra không phải. Mặt ông nào ông nấy rầu rầu như vừa đi đưa đám về. Tra hỏi cặn kẽ cho rõ nguồn cơn, tôi mới được các ông ấy thổ lộ tâm tình. Sao cái bà Marie-Élise Parent này sanh sau đẻ muộn vậy! Phải chi bà ấy đưa ra cái nghiên cứu khoa học đầy phấn khởi này khoảng nửa thế kỷ trước có phải hay không. Ngày nay, các ông bạn tôi đã thuộc diện “xuân thu nhị kỳ”, vậy thì tới kiếp nào mới…phòng được bệnh!
12/2014
|