16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

Ừ!

Ừ là thuận. Họa sĩ Trịnh Cung có chữ  “ừ” trong bài thơ “Cuối Cùng Cho Một Tình yêu” do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc. “Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới, bây giờ anh vui, hai bàn tay đói, bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi”. Tôi khoái chữ “ừ” này. Nghe miễn cưỡng, ừ như một chấp thuận đòi đoạn. Ừ đó, nhưng không muốn ừ cũng đó. Cuối cùng vẫn cứ là ừ! Một thứ “ừ” đói, thứ “ừ” mỏi.

Thơ là để cảm, không phải để…tán. Tán loạn lên như trên đã là quá đáng rồi. Chuyện ‘ừ” tôi muốn nói đây có thể thơ mộng hay trần tục lại là chuyện khác. Nhớ ngày nhỏ, học Giáo Lý, ông cha đã dạy: tội dâm dục là tội nặng vì phải có tới hai người mới phạm được! Nhớ ngày không còn nhỏ lắm, học câu thành ngữ tiếng Anh “It takes two to tango”. Phải có hai người mới nhảy tango được! Muốn…tango cần phải…ừ! Không có “ừ” là có chuyện! Chuyện đang có với hai nhân vật tai mắt.

Nhân vật thứ nhất là Bill Cosby. Ai hay coi những show truyền hình Mỹ chắc không lạ gì ông này. Show của ông mang tên “The Cosby Show”. Các nhân vật trong show này gồm một cặp vợ chồng người da màu thuộc tầng lớp trung lưu cao trong xã hội Mỹ.  Họ có năm đứa con. Mỗi tuần, gia đình này tạo ra những tình huống như thật và dùng tài khôi hài của người cha, Tiến Sĩ Heathcliff Huxtable, làm cho show rất hấp dẫn. Hình ảnh của Bill Cosby trong vai người cha là hình ảnh một người cha được thương mến nhất trên truyền hình Mỹ. Show này được phát hình từ năm 1984 đến 1992.

Ông Bill Cosby sanh ngày 12 tháng 7 năm 1937, nay đã 77 tuổi. Khi mới qua định cư, tôi đã cùng các con, lúc đó còn nhỏ, ngồi xem show này. Chúng tôi say mê tài kể chuyện và khiếu khôi hài của Bill Cosby. Hai đặc tính này ông có từ hồi còn nhỏ tại trường trung học. Hồi đó ông thích kể chuyện và chọc cười bạn học hơn là học bài và làm bài. Kết quả ông bỏ học. Ông thích đường phố hơn lớp học. Năm 9 tuổi, ông đã là một đứa bé đánh giầy, rồi làm việc vặt tại các chợ thực phẩm. Bà mẹ thấy tương lai con không khá nên luôn luôn dạy con giá trị của việc học và kiến thức. Bà chịu khó đọc truyện, nhất là các truyện trào phúng của văn hào Mark Twain cho bày con năm đứa nghe. Ông chớp ngay được cái khiếu khôi hài và áp dụng vào việc kể cho các bạn nghe. Ngay thầy giáo của ông hồi đó đã nhận ra cái tài của học trò khi nói: “Trò William sẽ thành một luật sư hay một diễn viên vì trò này nói dối rất nhuyễn!”. Ông bổ túc thêm cái khiếu sẵn có bằng cách theo dõi chăm chú các show trên truyền hình và cố bắt chước cây khôi hài Jerry Lewis. Ông vốn là đứa trẻ thông minh với chỉ số thông minh IQ rất cao nhưng học thì cầm đèn đỏ trong lớp. Bị đúp liên miên, ông chán và bỏ học. Ông gia nhập Hải Quân Mỹ vào năm 1956. Vào lính rồi ông mới thấy tiếc là xưa không chịu học. Vậy là ông tự học lại và khi rời quân đội ông đã có bằng tốt nghiệp trung học. Ông nhận học bổng để vào Đại Học Temple. Nhưng trong khi học, ông lại đi làm nghề pha rượu cho một tiệm rượu. Chính cái nghề tưởng chỉ dùng tay lại tạo cơ hội cho ông dùng miệng. Ông rất được lòng khách vì thích nói chuyện khôi hài. Từ chỗ khôi hài tài tử với khách, ông tiến lên kể chuyện khôi hài trên một đài phát thanh. Rồi ông tiến lên Nữu Ước. Ông khoái lối khôi hài của Dick Gregory, cũng da đen như ông, đề cập tới vấn đề chủng tộc. Nhưng khi làm show “The Cosby Show” ông bỏ đề tài này.

Ông đi học trở lại. Lần này vào Đại Học Massachusetts ở Amherst trong khi vẫn xuất hiện trên loạt phim truyền hình The Electric Company và phát triển loạt phim hoạt họa Fat Albert and the Cosby Kids. Năm 1977, ông tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ về giáo dục.

Hình ảnh của Bill Cosby là hình ảnh một người cha hiền lành và phúc hậu trong gia đình. Cả thế giới đã quen với hình ảnh dễ thương đó. Từ năm ngoái 2014, hình ảnh này nhem nhuốc vì những tố giác liên quan tới việc hiếp dâm các bé gái. Ông chưa từng bị ra tòa nhưng năm 2006, ông đã dàn xếp đền bù ngoài tòa để tránh một vụ kiện. Số nạn nhân của ông xuất hiện tố cáo ngày càng nhiều trong đó có cả người mẫu Janice Dickinson. Cô này tố cáo trên chương trình truyền hình Entertainment Tonight là Cosby đã chuốc rượu và cho cô uống một viên thuốc trước khi hiếp cô. Đài truyền hình NBC và hệ thống chiếu phim Netflix liền hủy bỏ hợp đồng với Cosby. Tính tới nay đã có 18 nạn nhân xuất hiện tố cáo. Đầu năm nay, vào ngày thứ tư 14 tháng 1 vừa qua,  là vụ người mẫu Chloe Goins tố cáo sự việc xảy ra từ năm 2008. Trong một buổi tiệc tại lâu đài Playboy, khi cô tỉnh dậy thì thấy thân thể lõa lồ và Bill Cosby đang nằm trên người cô.

Sau khi bị bãi bỏ không dưới cả chục show tại Mỹ, Bill Cosby hiện đang có một cuộc lưu diễn ở Canada. Đi tới đâu ông cũng bị biểu tình la ó. Có người lên tận sân khấu chửi ông là đồ hiếp dâm! Qua Canada ông cũng có nạn nhân. Ngày 12 tháng 2 mới đây, một cô người mẫu Canada đã họp báo tại Los Angeles tố cáo về vụ cô bị ông này hiếp dâm từ năm 1969! Cô Linda Brown kể lại khá chi tiết sự việc. Năm đó cô Brown 21 tuổi, làm người mẫu quảng cáo cho hãng nịt ngực Wonderbra trên ti-vi. Cô được người đại diện hãng quảng cáo giới thiệu với ông Cosby. Hai người đi ăn tối. Ăn xong, ông đề nghị chở cô về. Trên đường về nhà cô, ông ghé lại chỗ khách sạn ông ở để lấy món quà ông định tặng cô. Ông mời cô một ly nước rồi bỏ qua phòng kế bên nói chuyện điện thoại. Cô kể lại: “Tôi uống một hớp nước và cảm thấy tối tăm mặt mũi. Khi  tỉnh dậy tôi thấy mình trần truồng nằm trên giường bên cạnh ông ta. Tôi không nhúc nhích hay nói năng chi được. Tôi cảm thấy tê liệt hết người. Ông lật tôi lại và hiếp tôi. Tôi cảm thấy mình như một con búp bê rách và như một con búp bê thiệt được thổi căng lên cho ông ta xài”.

Từ một khuôn mặt được cảm tình của nhiều người, nhất là các trẻ em, Bill Cosby đã tự biến hình thành một thứ nham nhở, cũng chỉ vì thiếu một chữ “ừ”! Một khuôn mặt truyền thông khác cũng không chờ người ta ừ đã a la xô khiến thân bại danh liệt. Đó là phát thanh viên Jian Ghomeshi của đài CBC ở Toronto.

Anh chàng gốc Iran, sanh tại Luân Đôn bên Anh, năm nay mới 48 tuổi. Nguyên là một nhạc sĩ nhưng thành công trong việc làm talkshow trên đài CBC. Show của anh mang cái tên cụt ngủn “Q” chuyên phỏng vấn các khuôn mặt đình đám trong giới văn hóa và trình diễn. Đây là một trong những show ăn khách nhất trong lịch sử đài CBC. Vậy mà cuối năm 2014, đài CBC phải ngưng show này sau 7 năm phát thanh cũng chỉ vì anh chàng Ghomeshi không biết giá trị của chữ “ừ”. Anh bị tố cáo 7 tội hiếp dâm và có nguy cơ bị tù chung thân. Tháng 1 năm 2015, có thêm ba nạn nhân thưa anh ra tòa. “Lịch sử” các cuộc làm ẩu của anh có từ năm 2007 với cô Kathryn Borel Jr., năm 2012 với cô Carla Ciccone, nữ tài tử Lucy DeCoutere, cô Reva Seth. Rất nhiều cô gái đã không công khai tên tuổi.

Ngày 26 tháng 11 năm 2014, Ghomeshi bị cảnh sát Toronto bắt giữ với năm tội danh tấn công tình dục. Anh được tại ngoại sau đó với tiền thế chân 100 ngàn đô, giao nộp sổ thông hành, không được rời khỏi Toronto, và phải cư trú với mẹ. Ngày 8 tháng 1 năm 2015, anh bị cáo ba tội danh liên quan tới tình dục nữa. Vậy là cũng như Bill Cosby, anh Ghomeshi thân bại danh liệt vì thiếu chữ “ừ” vẫn cứ a-la-xô tới.

Vụ Ghomeshi có dính dáng tới các nữ sinh viên. Đó là các nữ sinh viên của ngành truyền thông tới thực tập tại đài CBC. Khi vụ Ghomeshi nổ ra, các đại học đã nhân đó hâm nóng vấn đề này. Môi trường đại học, với các sinh viên nam nữ chung sống trong học tập, với những sinh hoạt ngoài lớp học của các sinh viên, đã nảy ra nhiều vụ cưỡng bức tình dục. Nhiều hoàn cảnh mập mờ đã xảy ra khiến các nữ sinh viên tố cáo bị cưỡng bức trong khi các nam sinh viên cãi là có sự đồng ý. Vụ ba sinh viên Đại học McGill của đội bóng chày bị đưa ra tòa đã gây nhiều tranh cãi. Cuối cùng, vụ án đã bị hủy.

Đại học Montreal đã đưa ra một khẩu hiệu mới rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Không yes tức là no!” thay thế cho khẩu hiệu cũ: “No nghĩa là no!”. Không yes có nghĩa là không “ừ”. Dứt khoát như vậy! Viện Trưởng Guy Breton khẳng định: “Sự thiếu vắng của “no” không bao giờ được diễn giải là ‘yes”. Đây không phải là bệnh dịch trong khuôn viên trường, nhưng cách hành xử như vậy không thể chấp nhận được trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Có nhiều cách hành xử khá thô lỗ của các sinh viên. Như trong tuần qua, một nhóm nam sinh viên nha khoa của Đại học Dalhousie ở Halifax đã post lên Facebook một nội dung rõ ràng mang tính cách tính dục nhắm vào các nữ sinh viên. Họ còn đùa giỡn với nhau về chuyện dụ các nữ sinh viên này hút cần sa. Một nhóm sinh viên trường Đại học St, Mary đã quay một video với một bản nhạc ca ngợi việc hiếp dâm.

Ông Vincent Fournier Gosselin, Tổng thư Ký Hiệp Hội Các Sinh Viên Trong Môi Trường Đại Học Montreal, đã phát biểu: “Các biện pháp đã có sẵn nhưng chúng tôi muốn có một thông điệp rõ ràng mà mọi người phải đồng ý. Chúng tôi đã có những yếu tố cần thiết, nhưng chúng tôi cần một thông điệp rõ ràng: không có sự đồng ý, đó là cưỡng bức!”.

Ừ hay không ừ là chuyện của những người dưng. Người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia / Nay dzìa thì mai ở, ban ngày mắc cở, tối ở quên dzìa. Cứ xáp vào nhau là tính chuyện nọ kia. Ừ hay không ừ là chuyện quan trọng. Không ừ mà coi như ừ thì cò bót mấy hồi. Nhưng vợ chồng có cần ừ không? Chúng ta thường nghĩ là không. Đã là vợ chồng trước luật pháp thì chuyện tù ti là chuyện riêng tư được pháp luật che chở. Cứ như một cửa hàng có môn bài vĩnh viễn! Chúng ta nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Cũng cần ừ mới suông sẻ. Không ừ mà pháp luật biết thì cũng rắc rối. Đó là trường hợp ông Henry Rayhons ở Duncan, tiểu bang Iowa. Ông này là dân biểu Quốc Hội Tiểu Bang đã 9 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là hai năm. Tới nay, khi sắp tranh cử nhiệm kỳ thứ 10 thì ông gặp rắc rối. Cũng chuyện ừ hay không ừ!

Ông cưới bà Donna Lou Young vào năm 2007 trong một lễ cưới long trọng với 350 quan khách tham dự. Lúc đó cả ông lẫn bà đã trên bảy chịch và cả hai đều góa. Nay bà bị bệnh Alzheimer. Ông vẫn chăm sóc bà tại nhà nhưng vì ông thường phải đi họp xa nhà cả 50 cây số nên hai cô con gái riêng của bà đã tự động đưa bà vào nhà dưỡng lão Concord Care Center ở Garner, cách  căn condo của hai ông bà khoảng 3 cây số. Ông đi họp về, mất bà nên nổi giận: “Tôi về tới nhà và Donna đã biến mất. Tôi không thể nói chuyện với mấy cô con gái bà ấy. Chúng là boss”. Tại Viện Dưỡng Lão, bà Donna Lou Young ở chung phòng với bà Polly Schoneman, 85 tuổi. Bà già này kể lại chuyện ông Henry Rayhons tới thăm vợ vào một buổi chiều. Ông ở lại khoảng nửa tiếng. Ông kéo kín tấm màn che giữa hai giường và nói: “Em yêu, anh dẫn em lên giường nhé!”. Sau đó bà Polly nghe thấy tiếng mà bà quả quyết: “Tôi không ngu, tôi biết chuyện gì đang xảy ra”. Máy video tự động ngoài hành lang cho thấy ông Henry Rayhons ném chiếc quần lót của bà vợ vào một chiếc thùng. Khi ông Henry vừa rời phòng, bà Polly đã bấm chuông kêu y tá. Khi cô y tá Shari Dakin chạy tới thì bà nói: “Tôi không thể chịu được cái ông này!”. Ba tuần sau, cảnh sát hỏi cung ông. Ông cho biết là bà Donna không chịu nổi cuộc sống ở đây. Được hỏi về đời sống tình dục của hai người, ông cho biết: “Đó không phải là chuyện thường xuyên. Ở tuổi tôi, người ta quên mất chuyện này nhưng còn muốn ở bên nhau. Đôi khi bà ấy muốn và hỏi ‘Chúng ta có thể giỡn chút đỉnh được không?’”. Ông khai thêm là ông “không bao giờ đụng tới bà khi bà không muốn mà chỉ làm bổn phận khi bà yêu cầu”. Ông nhấn mạnh: “Bà ấy vẫn đòi hỏi chuyện đó”. Viên cảnh sát điều tra mỉa mai: “Tôi biết là bữa đó bà ấy không đòi hỏi, phải không?”. Ông Henry nói tiếp: “Tôi không nhớ có làm tình trong phòng đó không. Tôi thật không nhớ”. Ngày hôm sau bà Donna qua đời. Một tuần sau, ông Henry bị bắt. Theo hai cô con gái riêng của bà Donna thì mẹ của các cô không thể “ừ” được. Trước đó, bà đã được thử một loại test về mức độ quên của những người mang bệnh Alzheimer, test mang tên “Brief Interview for Mental Status”, viết tắt là BIMS. Loại test này có nhiều câu hỏi giản dị về ngày, tháng , năm hoặc bắt bệnh nhân nhắc lại các chữ thông thường như “sock”, “blue” hay “bed”. Số điểm tối đa đạt được là 15. Bà Donna đã được thử hai lần. Lần đầu, bà được 2 điểm. Lần thứ hai, một tháng sau, bà được 0 điểm. Kết quả này chứng tỏ bà Donna không còn sáng suốt để nói “ừ” được trong chuyện vợ chồng tù ti. Ông Henry bị kết tội hiếp dâm vợ khi bà này mất khả năng nói ừ!

Chuyện nghe như chuyện đùa nhưng với pháp luật không có chuyện đùa. Ông Henry dính chấu! Rất nhiều vụ vợ đưa chồng ra tòa vì không “ừ” mà ông chồng cứ xáp vào. Nhưng thường là những người trẻ. Hành động được coi là hiếp dâm của họ là một thảm kịch gia đình. Có khi vì tức tối, có khi vì trả thù, có khi vì cơm không lành canh không ngọt. Người ta hiểu được những động lực đằng sau mỗi vụ. Còn ông Henry, chẳng lẽ vì ông còn yêu vợ quá nên diễn tả tình yêu một cách nhiệt tình chăng? Họ mới cưới nhau được 7 năm. Trong bảy năm đó họ không rời nhau một bước cho tới khi căn bệnh lấy mất trí nhớ của bà.

Ừ hay không ừ, rắc rối từ đó nảy sinh ra. Nhưng rắc rối nhiều khi ngược lại. Tại quốc hội Brazil có ông dân biểu Jair Bolsonaro đối lập cật lực với bà dân biểu kiêm Bộ Trưởng Nhân Quyền Maria do Rosario. Bà Maria đã có lần gọi ông Jair là “tên hiếp dâm”. Trong phiên họp ngày 9 tháng 12 năm 2014 vừa qua, hai người đụng độ nhau, ông Jair Bolsonaro nói thẳng vào mặt bà là bà có cho thì ông cũng không thèm hiếp dâm bà vì “bà không đáng”. Ông lớn tiếng: “Từ bữa bà gọi tôi là tên hiếp dâm đến nay đã được mấy ngày rồi, tôi nói cho bà nghe là tôi không thèm hiếp bà đâu vì bà không đáng cho tôi hiếp!”. Câu nói xanh rờn của ông Jair làm dấy lên một cuộc phẫn nộ trên toàn quốc. Ông châm thêm dầu vào lửa khi trả lời với báo chí: “Bà ta không đáng vì bà ta xấu. Hơn nữa không phải típ người tôi thích. Nếu có dịp tôi cũng không thèm hiếp bà ta!”.

Brazil vốn là quốc gia trọng nam khinh nữ. Trong năm 2013, có tới 50.320 vụ tấn công tình dục. Nhưng đó chỉ là thống kê. Sự thực còn nhiều hơn nữa vì người ta ước tính chỉ có khoảng 35% được báo với cảnh sát.

Chữ “ừ” ngắn ngủn, không thể nào ngắn hơn được, nhưng lại là chuyện dài nhân dân tự vệ! Cứ nhớ lại coi, biết bao lần chúng ta “ừ” , biết bao lần chúng ta không “ừ”. Nhưng không thèm đụng tới, dù có “ừ”, là chuyện hiếm, có lẽ chỉ xảy ra với ông dân biểu Jair Bolsonaro ở Brazil!

02/2015