16
An
Ẩu
Bự
Cây
Chết
Cuba
Đổi
Đông
Duyên
GPS
Hán
Hanoi
Kẹo
Lạ
Lộc
Lối
Mạng

Mổ
Nhộn
Nóng
Núi
Password
Phòng
Quê
Roi
Tăm
Tặng
Trứng
Tuân
Tượng
Tỷ
Ừ!
Váy
Xét
Xuôi

NÓNG

Ông nào hay bắt nạt vợ, nóng giận với vợ thì có cơ đi ngủ với giun nhiều gấp hai lần rưỡi những ông khác trong vòng 10 năm. Tính ra số lượng thì cứ trong 100 ngàn ông thì có tới 315 ông chết thêm mỗi năm.

Tôi không dại chi mà viết ra như vậy. Phiền lắm! Đó là kết quả một cuộc nghiên cứu của Đan Mạch vừa được phổ biến trên tập san Journal of Epidemiology & Community Health. Cầm đầu cuộc nghiên cứu là Bác sĩ Rikke Lund của Đại Học Copenhagen. Nếu ông nào muốn đôi co chuyện chi thì cứ tìm tới ông tu bíp này mà…mắng mỏ!

Sở dĩ tôi phải lòng vòng thanh minh thanh nga như vậy là vì bạn bè tôi có nhiều ông mặt mày lúc nào cũng phừng phừng đỏ au, giọng nói mang nặng tính cà khịa. Những ông này được gọi là con cháu của Trương Phi. Ông Trương Phi thì tôi biết. Tôi gặp ông ấy ở nhà ông Luân Hoán. Ông bạn Luân Hoán của tôi là người rất chịu khó trưng bày tranh tượng. Vào nhà, chưa thấy ông Luân Hoán đâu thì ông Trương Phi đã đứng lù lù ngay bên ghế sa-lông với bộ mặt đen sì, đầu  con báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, tay nắm chặt cây xà mâu. Biết là biết vậy thôi, chứ muốn biết tỏ tường thì phải đọc Tam Quốc Chí. Đọc thì tôi đã đọc từ khuya rồi nên tới nay quên gần hết. Ngày nay, thời buổi văn minh, ngại đọc thì có thể coi phim video, không phải thấy ông Trương Phi dẹp lép trong trang giấy mà múa may quay cuồng như đóng tuồng trên sân khấu. Nhưng ngồi coi vài trăm hồi trong bộ phim chắc không có tôi. Tôi vốn ít kiên nhẫn. Nhưng những gì còn sót lại trong tôi về ông Trương Phi nóng như lửa này là một đoạn mà tôi muốn kể ra đây. Ai cũng biết cái ông…lò lửa này là người hữu dũng vô mưu. Ông đi đánh nhau với Tào Tháo. Một ông chỉ biết có sức mạnh của bắp thịt đối nhau với một ông đa nghi thì dù có thắng đi chăng nữa, phe ông Trương Phi cũng sẽ tổn thất nhiều quan quân. Nhưng may cho Trương Phi là có Khổng Minh bên cạnh. Khổng Minh là bậc thầy mưu mẹo. Trước khi Trương Phi ra trận, Khổng Minh đưa cho Trương Phi một phong thư bên trong có chứa đựng bí kíp. Ông nói với Trương Phi là trận chiến sẽ diễn ra trên một cây cầu lớn, khi nào quân binh của Tào Tháo tiến tới hai phần ba cây cầu thì mới được mở thư ra đọc và cứ theo chiến thuật trong thư mà thi hành. Trương Phi coi Khổng Minh như thánh nên không thắc mắc chi cả. Ngoài trận tiền, khi thấy quân của Tào Tháo tiến tới hai phần ba cây cầu, Trương Phi mới mở phong thư ra đọc. Thư trắng bóc không có một chữ nào cả! Trương Phi nổi giận vì cho là Khổng Minh đã chơi ác đưa ông vào chỗ chết. Càng ngẫm nghĩ càng tức giận. Tại sao mình không làm điều chi để Khổng Minh buồn mà ông thánh này lại hãm hại ta? Tức quá, Trương Phi hét lên một tiếng lớn. Dưới cầu có con cá kình ngàn năm tuổi rất lớn, hoảng sợ vì tiếng hét của Trương Phi, liền nhảy lên cầu làm cây cầu gẫy thành nhiều khúc. Phần Trương Phi, hét xong liền bỏ chạy vì thấy lực lượng của mình yếu, nếu đối đầu sẽ tổn thất lớn. Vừa bỏ chạy, Trương Phi nghe tiếng cây cầu gẫy bèn quay lại nhìn. Quân của Tào Tháo rơi xuống sông chết đầy kín mặt nước. Lúc đó Trương Phi mới biết là Khổng Minh đã tiên liệu tất cả tình huống. Vì tiếng thét giận dữ của Trương Phi mà ông bỗng dưng thắng trận!

Cơn giận dữ của Trương Phi đã tạo nên tiếng hét làm kinh động con cá kình. Đó là phản ứng của  anh mặt sắt. Cứ giận là giận, chẳng cần biết chi cả. Ông Trương Phi trong phòng khách của ông Luân Hoán đứng dang hai chân, ngẩng cao khuôn mặt gân guốc, như sẵn sàng…hét. Tôi không hiểu sao ông Luân Hoán lại khoái ông Trương Phi. Có lẽ vì trông tướng dềnh dàng võ biền nhưng ông Trương Phi lại có máu văn nghệ. Ông viết chữ rất đẹp, vẽ giỏi, nhất là vẽ các mỹ nhân. Thì ra vậy, ông Luân Hoán tìm tới ông Trương Phi như tri kỷ, tôi đoán vậy! Hỏi có phải không, ông ấy meo cho tôi một bài thơ. Tôi trích ra hai đoạn:

sở hữu thân hình bự
dung mạo thật oai phong
giỏi cả văn lẫn võ
chữ đẹp như phượng rồng

nhà nghèo đi bán rượu
thường xỉn mà không say
thành ra ông họa sĩ
mỹ nhân họa tối ngày

Ông Luân Hoán thờ ông Trương Phi nhưng chẳng bén gót được ông thần này. Chưa bao giờ thấy ông ấy hét, nói chi dám hét với vợ!

Các bà vợ có hét không? Có bao nhiêu ông bạn tôi thì có bấy nhiêu cái đầu gật lấy gật để. Nhưng theo tôi thấy thì các bà cần chi phải hét. Họ có cái mà chữ thời thượng ngày nay gọi là “quyền lực mềm”. Quyền lực mềm này được công nhận từ khuya. Nếu không sao chúng ta vẫn cứ ra rả: “gậy ông không bằng cồng bà”. Chuyện cái cồng này kinh lắm, quên đi cho nhẹ người!

Tôi nghĩ các bà khôn thấy mồ khi ít biểu lộ sự giận dữ. Bởi vì giận dữ có hại cho…sắc đẹp. Cáu giận sẽ làm cho máu rủ nhau chạy tíu tít lên đầu, vì vậy lượng oxy trong máu sẽ giảm đồng thời làm tăng các chất độc và lượng carbon dioxide. Các độc tố sẽ kích thích nang lông, làm viêm khu vực quanh nang lông. Kết quả là làm da xấu đi! Xấu da nghĩ ra chỉ là chuyện nhỏ so với các tác hại khác cho sức khỏe do giận dữ mà ra. Nhưng với các bà đó là chuyện không nhỏ vì phải tốn tiền mua mỹ phẩm.

Hại cho tim là cái hại to lớn hơn nhiều. Một nghiên cứu của Đại học Harvard được công bố trên tạp chí European Heart Journal cho biết là trong vòng 2 giờ sau cơn giận, nguy cơ bị đau tim tăng lên 5 lần, đột quị tăng 3 lần. Tại sao bốc máu Trương Phi lại làm mệt con tim như vậy? Các chuyên gia người Anh thuộc Quỹ Doireann Maddock nhận xét: “Không rõ điều gì gây nên tác hại này. Có thể nó có liên quan đến những thay đổi sinh lý học mà cơn giận tác động lên cơ thể chúng ta”. Các chuyên gia còn lo ngại là mối tương quan giữa sự nóng giận và sức khỏe đang nhanh chóng trở thành một hiểm họa của thế kỷ 21!

Nóng giận còn tác động đến tuyến thượng thận, làm tăng lượng đường trong máu khiến các nhà máy sản xuất năng lượng tại các tế bào phải liên tục đốt đường và các chất béo để cung cấp đầy đủ nhu cầu cho cơ thể. Đồng thời quá trình này lại sinh ra nhiều gốc tự do gây hại khắp cơ thể.

Gốc tự do là cái chi chi? Đó là những phân tử bị mất đi một điện tử và sinh ra trong quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Phiền một cái là khi bị mất một điện tử, gốc tự do lại như tên ăn trộm rình rập để chôm chĩa điện tử ở các phân tử lân cận và làm sản sinh ra hàng loạt gốc tự do khác. Tiến Sĩ Sharma, Giáo sư bệnh lý học và phòng chống ung thư tại Đại Học Y Khoa Ohio State đã ví gốc tự do như những “đội quân hung hãn” gây tổn hại cho hầu hết các cấu trúc trên con người, dẫn đến rối loạn chức năng và làm chết tế bào. Nó là thủ phạm gây lão hóa và cả trăm thứ bệnh khác, đặc biệt là các bệnh ở não! Gốc tự do làm rối loạn chức năng của các tế bào não dẫn đến trí nhớ suy giảm, kém tập trung và là đầu mối của stress. Nhẹ ra thì gốc tự do cũng làm động mạch não hẹp lại khiến giảm lượng máu lưu thông, gây nên các chứng đau đầu, mất ngủ, chóng mặt. Toàn những thứ các bà kỵ cả!

Tục ngữ Việt Nam có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Khi giận con người như bị bịt tai bịt mắt, làm chuyện chi cũng loạng quạng, vỡ đổ. Tôi trích lại đây câu chuyện thật của tác giả Ngọc Lâm như một minh chứng: “Chồng tôi và tôi sở hữu và điều hành một công ty vận tải container đường biển, và chúng tôi có một biệt thự trên một hòn đảo. Cùng với hàng xóm, chúng tôi là những cư dân duy nhất trên đảo, và chúng tôi chia sẻ một con đường tư nhân chung. Bởi vì con đường đang trong tình trạng hư hại nặng, chúng tôi đã đề nghị san sẻ phí tổn để cùng sửa chữa nó, nhưng họ đã từ chối và chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc tự mình làm. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng nhà thầu sửa chữa con đường đã vô tình để lại một đống đá giữa đường, và làm phiền người hàng xóm sử dụng chung con đường với chúng tôi. Họ tức giận nghĩ rằng chúng tôi đã hành xử hấp tấp và làm nó với một mục đích. Do đó, họ đã đóng cửa vào khu đất của họ, nơi là lối tắt thường dùng để vào biệt thự của chúng tôi. Rồi chúng tôi phải lái xe thêm vài dặm nữa để vào nhà chúng tôi! Chồng tôi bắt đầu nói về nó, sử dụng những ngôn từ thô lỗ, và tức giận cắt đường cấp nước. Chúng tôi đã lắp hệ thống cấp nước, và nhà hàng xóm đã nối vào nó để tiết kiệm tiền. Họ gần như phát điên, và xây lên một đống đá ở chính giữa con đường, từ đó hoàn toàn chặn đứt con đường vào nhà chúng tôi. Chỉ bởi 2 nghìn đô-la tiền sửa đường, chúng tôi đã hoàn toàn trở thành kẻ thù không thể hàn gắn. Hơn hết, điều quá quắt nhất là cả hai bên phải tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý, và kết thúc với chi phí 2 triệu đô-la! Trong 3 năm qua, chúng tôi đã không thể sống trong căn biệt thự ấy được nữa. Và hàng xóm chúng tôi cũng không thể sống trong căn nhà của họ nữa. Xung đột giữa chúng tôi giờ đã trở thành một cuộc chiến sống còn. Do tòa án đã không đưa ra phán quyết, chúng tôi không thể bán căn biệt thự, và cũng không thể sống ở đó trong khi vẫn phải duy trì ngôi nhà…”

Chỉ vì nóng giận mà 2 ngàn đô phồng lên thành 2 triệu đô. Vậy mà chẳng cứu vớt được tình xóm giềng lại còn phải bỏ cửa bỏ nhà. Lỗ nặng! Muốn không lỗ thì phải biết kiềm chế sự giận dữ. Trong kinh Phật có ba thứ được coi là độc: tham, sân và si. Chuyện này chúng ta ai cũng đã nghe biết. “Sân” được chỉ mặt là thứ độc nhất. Vì “sân” là gốc rễ ăn sâu trong tâm thức con người nên được liệt vào thứ căn bản phiền não. “Sân” còn là thứ cùng sinh ra với con người, ai trong chúng ta, khi lọt lòng mẹ đều đã có “sân”. Khi gặp nhân duyên thích hợp thì “sân” tác oai tác quái. Nếu con người càng huân tập nhiều hạt giống sân hận thì chúng càng được nuôi dưỡng, tiếp sức để có điều kiện sinh khởi. Nếu các hạt giống sân hận này được thường xuyên gieo trồng, tưới tẩm, chúng sẽ trở thành thói quen mà kinh Phật gọi là “tập khí”. Những “tập khí” này tạo nên tính cách, cá tính của con người: nóng giận, đầy sân hận, cộc cằn, thô lỗ, thích bạo lực, manh động! Kinh Di Giáo viết: “Sân hận còn hơn lửa dữ, thường phải đề phòng không cho nó xâm nhập. Giặc cướp công đức không gì hơn giận dữ…Nếu trong tâm có những con rắn độc tham, sân, si thì phải mau trừ bỏ, nếu không sẽ bị chúng làm hại”.

Trừ bỏ tính nóng giận, không dễ. Nhưng tôn giáo nào cũng khuyên các tín đồ nên hỉ xả. Chúa Giêsu phán nếu bị tát vào má trái hãy đưa má phải ra cho người ta tát. Đức Phật dậy : lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng; lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phán: “Sự tức giận không thể chế ngự bằng sự tức giận. Giả sử có người nổi sùng lên với bạn và bạn cũng sừng sộ lại với người đó, hậu quả sẽ rất tai hại. Trái lại, nếu bạn biết kiềm chế sự giận dữ và tỏ lộ những thái độ tương phản như: yêu thương, chịu đựng, nhẫn nhục, như thế không những làm tâm hồn bạn bình an, thanh thản, mà còn làm sự tức giận của người khác cũng biến đi”. Tục ngữ nước ta đúc kết lại : một sự nhịn, chín sự lành.

Nếu kiềm chế được máu Trương Phi trong người, nhịn nhục sự sân hận của người khác, thì thành…lạt ma! Chắc ít ai biết ông Phan Huy Quát là một lạt ma. Bác sĩ Phan Huy Quát sanh năm 1908 tại Nghệ Tĩnh, từng giữ nhiều chức vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chức vụ cao nhất là Thủ Tướng vào năm 1965. Ông còn là Chủ Tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng, phân bộ Việt Nam, cho tới ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Khoảng một tuần trước ngày 30 tháng 4, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ra lệnh cho Đại Sứ của họ tại Sài Gòn, nhân danh chính phủ, chính thức mời Bác sĩ Quát qua Đài Bắc tạm cư nếu như chính phủ Mỹ chưa mời. Lúc đó, Bác sĩ Quát chưa muốn ra đi nên chỉ cảm ơn và nói sẽ liên lạc sau. Ngày 28 tháng 4, phía Mỹ biết Bác sĩ Quát còn ở Sài Gòn nên liên lạc để mời hai ông bà qua Mỹ. Bác sĩ Quát cho biết ông chỉ đi khi cả gia đình 14 người của ông đều đi cùng với ông bà. Bên phía Mỹ ngần ngại nhưng cuối cùng cũng thu xếp được và cho ông một điểm hẹn. Điểm hẹn này sau bị lộ nên Mỹ không bốc gia đình ông đi được. Sau đó gia đình ông quyết định vượt biên. Con trai út của ông là Phan Huy Anh được một người bạn giới thiệu với một người tên Nguyễn Ngọc Liên. Liên tự xưng là một thành viên nòng cốt của một tổ chức chống cộng, nhận nhiệm vụ bắt liên lạc với bác sĩ Quát để mời gia nhập hoặc đưa gia đình vượt biên. Bác sĩ Quát bằng lòng  vượt biên. Cuộc đào thoát bị đổ bể, cả gia đình, trừ Bác sĩ Quát và Huy Anh, bị bắt. Bác sĩ Quát và con trai út được Liên đưa vào trú ngụ trong một căn nhà kín đáo ở Chợ Lớn. Hai ngày sau, theo kế hoạch, tên Liên đưa hai người ra khỏi Sài Gòn. Khi xe tới một địa điểm vắng vẻ ở Biên Hòa thì đã có một xe khác đậu bên đường, nắp ca-pô mở sẵn theo mật hiệu. Xe chở Bác sĩ Quát dừng lại. Một toán người lập tức vây quanh xe và rút súng ra hăm dọa. Bác sĩ Quát biết mình bị lừa! Hôm đó là ngày 16 tháng 8 năm 1975.

Bác sĩ Quát bị giam trong khám Chí Hòa. Cùng bị giam với ông là ký giả Nguyễn Tú của báo Chính Luận. Ông Nguyễn Tú kể là trong một lần nói chuyện riêng với vài người tín cẩn, có người hỏi: “Có thật hay không, tiếng đồn có người đá ngầm anh khi có dấu hiệu anh trên đà xuống dốc?”. Bác sĩ Quát chỉ trả lời: “Tôi đã có nhiều dịp gần cụ Trần Trọng Kim khi sinh thời của cụ. Tôi nhớ mãi một lời cụ dậy: sống ở đời phải cho nó chững. Tôi thường kể lại cho các con, cháu trong nhà nghe lời của cụ Trần, kẻo uổng”.

Ký giả Nguyễn Tú kể lại những giây phút cuối cùng của Bác sĩ Quát. Lúc đó Bác sĩ Quát đã nằm mê man vì căn bệnh gan phát tác, khi cả phòng được ra ngoài tắm, ký giả Nguyễn Tú đã viện cớ bị cảm nên không muốn ra tắm, cốt để có dịp nói chuyện riêng với Bác sĩ Quát. “Tôi lắc mạnh hơn cánh tay bệnh nhân, cao giọng thêm: “Anh Quát! Anh Quát!”. Bệnh nhân vẫn lặng im. Phải làm thật gấp. Tôi xoay nghiêng mình, tỳ tay xuống chiếu, ghé miệng sát tai Bác Sĩ Quát, cố nói thật rành rẽ: “Anh Quát! Anh Quát! Nhận ra tôi không?” Lần này đôi mi bệnh nhân hơi động đậy rồi dướng lên, hé mở. Tôi thoáng thấy lòng trắng mắt vàng khè. Chẳng cần phải học ngành y mới biết bệnh gan của Bác Sĩ Quát rất nặng. Bệnh nhân vắn tắt thều thào: “Anh Tú!” Tôi hơi yên tâm. Miệng ghé sát tai Bác Sĩ Quát, tôi nói: “Anh mệt lắm phải không?” Ðầu bệnh nhân hơi gật gật. Không hiểu lúc đó linh cảm nào xui khiến, tôi cố rót vào tai Bác Sĩ Quát, giọng hơi nghẹn: “Anh có nhắn gì về gia đình không?” Bệnh nhân cố gắng lắc đầu, mắt vẫn nhắm. Dưới sân không còn tiếng xối nước nữa. Có tiếng các buồng trưởng dục anh em tập hợp để điểm số lại trước khi lên buồng. Chỉ còn độ hơn một phút. May lắm thì hai phút. Tôi dồn dập bên tai Bác Sĩ Quát: “Ai đặt bày, lừa bắt anh? Ai phản anh? Thằng Liên phải không? Nói đi! Nói đi!” Ðôi môi bệnh nhân như mấp máy. Tôi vội nhổm lên, ghé sát tai tôi vào miệng bệnh nhân. Một hơi thở khò khè, theo sau là vài tiếng khô khốc, nặng nhọc như cố trút ra từ một chiếc bong bóng đã dẹp hơi đến chín phần mười: “Thôi! Anh Tú ạ.” Tiếng guốc, dép, tiếng cười, nói ồn ào đã bắt đầu từ chân cầu thang. Tôi chưa chịu buông: “Nói đi! Anh Quát! Nói đi!” Một hơi thở một chút gấp hơn, như làn hơi hắt vội ra lần chót! “Thôi! Thôi! Bỏ đi!” Tiếng guốc, dép, tiếng cười, nói ồn ào đã tới quá nửa cầu thang. Tôi vội nhổm dậy, bước nhanh về chiếu mình, nằm thẳng cẳng, vắt tay lên trán”. Bác sĩ Quát sau đó được mang đi bệnh xá và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 27 tháng 4 năm 1979.

Thập niên 1970, cô con gái của Bác sĩ Quát cho xuất bản tuần báo Tìm Hiểu, tòa báo đặt ngay tại Trung Tâm Thí Nghiệm của Bác sĩ Quát trên đường Hai Bà Trưng. Ký giả Hà Túc Đạo làm Chủ Bút. Anh mời tôi cộng tác. Tôi giữ mục thường xuyên hàng tuần mang tên “Trà Dư Tửu Hậu”. Tôi đặt ra mục này theo lối viết trào phúng của nhà báo trào phúng nổi tiếng người Mỹ đã từng đoạt giải Pulitzer, Arthur “Art” Buchwald, trên nhật báo The Washington Post. Tôi căn cứ vào những lời tuyên bố hoặc tin tức về những nhân vật nổi tiếng của Sài Gòn thời đó để tưởng tượng và viết lại bằng giọng văn vừa khôi hài dí dỏm vừa lố bịch hóa sự kiện.Tôi viết như thể tôi quan sát từ trong những chốn riêng tư của những nhân vật này. Một bữa, ký giả Hà Túc Đạo cho tôi biết là Bác sĩ Quát hỏi anh là làm sao tôi có được những tin tức trong phòng kín như vậy. Anh Hà Túc Đạo cho biết đây là một mục trào phúng có pha châm chích chứ không phải những sự kiện có thật. Bác sĩ Quát khuyên không nên viết như vậy. Tôi bỏ ngay mục này và nghĩ là Bác sĩ Quát ngại những hiểu lầm từ những nhân vật này. Nay đọc bài viết của ký giả Nguyễn Tú, tôi thấy chắc tôi đã nghĩ sai. Chắc Bác sĩ Quát khuyên tôi như vậy vì cái tâm của ông. Cái tâm lành!

07/2014